Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Empty
Bài gửiTiêu đề: NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”    NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  I_icon13Wed 18 Oct 2023, 09:41

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN” CỦA NGUYỄN VĂN KHANG

HOÀNG TUẤN CÔNG


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Nvktd10


“Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt - Hán” (Nguyễn Văn Khang - NXB Văn hoá Sài Gòn – 2008), mục “Thay lời nói đầu” của sách cho biết: [i]“cuốn từ điển này được xuất bản lần đầu vào năm 1999 với tên là “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt-Hoa” (NXB Khoa học Xã hội). Và lần xuất bản sau, tác giả “có chỉnh sửa và bổ sung nhất định. Chẳng hạn, về mặt hình thức có thay đổi sử dụng chữ Hán giản thể; về nội dung, có bổ sung thêm được một số thành ngữ, tục ngữ đối chiếu tương đương […] Là công cụ tiện lợi cho việc những người biên, phiên dịch, giao tiếp song ngữ Hoa – Việt và học tiếng Hoa, tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ…”.

Tuy nhiên trong thực tế, NVK đã thu thập, đối chiếu nhiều đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt và Hán/Hoa không đồng nghĩa, thậm chí trái nghĩa nhau, khiến người dùng có thể mắc sai lầm khi tham khảo, hiểu lầm nhau, thậm chí xảy ra xung đột nhau khi vận dụng trong giao tiếp Việt - Trung. Nhiều thành ngữ tục ngữ sai về mặt văn bản, hoặc không tồn tại cả trong tiếng Việt và tiếng Hán, không tìm thấy trong bất cứ cuốn từ điển nào.

Soạn giả không phân biệt được sự khác nhau giữa thành ngữ tục ngữ Hán phiên âm Việt và thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán. Bởi vậy NVK đã “Hán hoá tiếng Việt” bằng cách bổ sung nhiều thành ngữ tục ngữ Hán vào kho tàng tiếng Việt một cách sống sượng. Mặt khác, nhiều thành ngữ tục ngữ gốc Hán đã được Việt hoá, lại bị NVK “Hán hoá” trở lại.

Trong từ điển, cấu trúc của các mục từ lộn xộn, không có thể thức ổn định; sai chính tả và lỗi văn bản khá nhiều. Qua so sánh chúng tôi thấy hầu như những sai sót của bản in lần đầu năm 1999 (với tên sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt-Hoa”) đã được NVK bê nguyên xi sang bản in 2008 (với tên sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt - Hán”). Thậm chí bản năm 2008 nhiều lỗi hơn năm 1999. Sau đây, chúng tôi tạm chia thành một số dạng sai sót và đăng làm nhiều kỳ để bạn đọc tiện theo dõi:

Kỳ 1: Thu thập và đối chiếu nhiều đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt và Hán không đồng nghĩa, thậm chí trái nghĩa:

“Lời nói đầu” (lần xuất bản 1999) NVK cho biết: “Nói một cách cụ thể về cách làm là, trước một thành ngữ tục ngữ tiếng Việt, chúng tôi cố gắng tìm các thành ngữ tục ngữ tiếng Hoa tương đương”.

Về nguyên tắc của từ điển đối chiếu thành ngữ tục ngữ, thì cách ví von so sánh trong hai ngôn ngữ có thể khác nhau, nhưng nghĩa phải tương đương, hoặc ít nhất phải có một nghĩa tương đương. Tuy nhiên, rất nhiều cặp thành ngữ tục ngữ được NVK đối chiếu theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”. Sau dây là một số trường hợp điển hình (phần trong ngoặc kép sau số mục là nguyên văn trong từ điển; phần xuống dòng tiếp theo là trao đổi của chúng tôi):

1- “ăn mật trả gừng: 恩將仇報 ēn jiāng qiú bào ≈ ăn miếng chả, trả miếng bùi” (sau mục từ này, phần “pinyin” trong nguyên văn từ điển sẽ được lược bỏ - HTC).

Mục này, NVK cho rằng “ăn mật trả gừng” đồng nghĩa với “恩將仇報” (ân tương cừu báo = lấy oán trả ân) và “ăn miếng chả, trả miếng bùi”.

Tuy nhiên, “ăn mật trả gừng” không tương ứng, thậm chí trái nghĩa với “ăn miếng chả, trả miếng bùi”. Vì “ăn mật trả gừng” chỉ kẻ ăn ở bội bạc: ăn thứ ngọt ngào, trả thứ đắng cay (dị bản: ăn quả vả, trả quả sung; ăn sung trả ngái); trong khi “ăn miếng chả, trả miếng bùi” lại có nghĩa “ân trả nghĩa đền”: đền đáp cân xứng cho người đã đối xử tốt với mình (dị bản ăn mận trả đào; ăn miếng ngọt, trả miếng bùi).

2-“ăn miếng chả, trả miếng bùi x. ăn mật trả gừng”.

         Mục này lặp lại cái sai của mục 1: “ăn miếng chả, trả miếng bùi” trái nghĩa với “ăn mật trả gừng”. Bởi vậy, chỉ dẫn “x. ăn mật trả gừng” để hiểu “ăn miếng chả, trả miếng bùi” như một cặp tương ứng là sai.  

3-“ba cọc ba đồng: 小本薄利”.

         Mục này, NVK cho rằng “ba cọc ba đồng” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “小本薄利” (tiểu bản bạc lợi) trong tiếng Hán.

         Tuy nhiên, trong tiếng Việt (viết tắt là Việt) “ba cọc ba đồng” được hiểu: ngoài khoản thu nhập ít ỏi nhất định, không có bổng lộc hay nguồn thu nào khác; trong khi tiếng Hán (Hán): “tiểu bản bạc lợi” (vốn nhỏ thì lãi ít), ý nói muốn buôn bán lớn phải có vốn lớn. Nếu cần đối chiếu thì câu “Buôn tài không bằng dài vốn” của Việt mới đồng nghĩa với “tiểu bản bạc lợi”.

4-“chơi với chó chó liếm mặt: 玩眷蛇,被蛇咬; 養虎遺患”.

         Mục này, NVK cho rằng, tiếng Việt “chơi với chó chó liếm mặt”, đồng nghĩa với “玩眷蛇,被蛇咬” (ngoạn quyến xà, bị xà giảo) và “養虎遺患” (dưỡng hổ di hoạn) tiếng Hán.

         Tuy nhiên, tiếng Việt: “chơi với chó, chó liếm mặt” có nghĩa: quá nuông chiều, suồng sã với kẻ dưới, chúng sẽ khinh nhờn, sinh thói hỗn láo với bề trên; trong khi Hán cũng như Việt gốc Hán: “ngoạn quyến xà, bị xà giảo”(chơi với rắn, bị rắn cắn); “dưỡng hổ di hoạn” (nuôi hổ để hoạ về sau) lại có nghĩa nuôi dưỡng chứa chấp kẻ xấu sẽ bị chúng làm hại. Hán ngữ đại từ điển giảng: “dưỡng hổ tự di hoạn: ví việc dung dưỡng kẻ thù, sẽ tự chuốc lấy hậu hoạ.” [養虎自遺患: 比喻縱容敵人,自留後患].

5-“chưa đẻ đã đặt tên 未卜先知”.

         Mục này NVK cho rằng “chưa đẻ đã đặt tên” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “未卜先知” (vị bốc tiên tri) Hán.

         Tuy nhiên, “chưa đẻ đã đặt tên” trong tiếng Việt hàm ý chê sự hấp tấp, vội vàng, không biết sắp xếp công việc theo trình tự hợp lý (đồng nghĩa “chưa nặn bụt đã nặn bệ”); trong khi “vị bốc tiên tri” (chưa bói đã biết) tiếng Hán lại hàm ý khen tài “tiên tri” của ai đó:

-Hán ngữ đại từ điển giảng: “vị bốc tiên tri: Xưa kia mê tín, lấy việc bói toán để đoán lành dữ. Vị bốc tiên tri (chưa bói đã biết) ý chỉ sự minh tuệ, có thể thấy trước được vấn đề”. [未卜先知: 舊時迷信, 以占卜能預知吉凶. 未卜先知, 形容有先見之明].

Như vậy, “chưa đẻ đã đặt tên” trong tiếng Việt không hề có nghĩa “tương đương” với “vị bốc tiên tri” trong tiếng Hán.

6-“dạy khỉ leo cây 成人之惡”.

         Mục này, NVK cho rằng “dạy khỉ leo cây” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “成人之惡” (thành nhân chi ác) trong tiếng Hán.

         Tuy nhiên, NVK đã lầm. “Dạy khỉ leo cây” trong tiếng Việt “ví việc làm thừa, đi bày cho người khác làm một việc mà họ đã quá quen thuộc, quá thành thạo. Đn: dạy đĩ vén váy” (Từ điển Hoàng Phê – Vietlex); trong khi “thành nhân chi ác” trong tiếng Hán, lại ám chỉ kẻ tiểu nhân giúp người khác làm điều ác. Nguyên ý này trong “Luận ngữ - Nhan Uyên”: “quân tử thành nhân chi mĩ, bất thành nhân chi ác, tiểu nhân phản thị = quân tử giúp người làm điều tốt, không giúp người làm điều ác, tiểu nhân làm ngược lại.” [君子成人之美: 謂君子當促成他人之好事.“論語‧顏淵”:“君子成人之美,不成人之惡,小人反是].

Như vậy, NVK đã hiểu sai thành ngữ Việt “dạy khỉ leo cây” (làm một việc thừa) thành giúp người làm điều ác, nên mới đem đối chiếu với thành ngữ “thành nhân chi ác” trong tiếng Hán.

7-“đổ nhớt cho nheo 多此一舉”.

         Mục này, NVK cho rằng “đổ nhớt cho nheo” Việt, đồng nghĩa với “多此一舉” (đa thử nhất cử) Hán.

         Tuy nhiên, “đổ nhớt cho nheo” (dị bản “trút nhớt cho nheo”, hoặc “trút nhớt cho lươn”) Việt, có nghĩa là lợi dụng khuyết điểm của người khác để trút/đổ hết cái xấu cho họ. Ví như cá nheo và lươn đều nhiều nhớt, nên bất kể cái gì tanh nhớt đều mượn cớ mà quy tội cho chúng. Giống như trong xóm có kẻ hay ăn trộm, thì lợi dụng tiếng xấu ấy để nếu ăn trộm của ai thì cứ đổ thừa cho nó là xong. Trong khi “đa thử nhất cử” trong tiếng Hán, được Hán ngữ đại từ điển giảng là: “việc làm thừa, hành động không cần thiết.” [多此一舉: 做不必要的,多餘的事情].

Có lẽ NVK đã hiểu “đổ nhớt cho nheo” Việt, theo ý: cá nheo đã nhiều nhớt rồi, giờ đổ thêm nhớt cho nó là việc làm thừa, không cần thiết, nên mới đem so sánh với “đa thử nhất cử” Hán.

Tham khảo: Nếu cần đối chiếu, thì “đa thử nhất cử” (việc làm thừa, hành động không cần thiết) của Hán, sẽ đồng nghĩa với “dạy đĩ vén váy” (dị bản “dạy khỉ leo cây”) Việt.

8-“lợn lành chữa thành lợn què 畫虎不成反類犬”.

         Mục này NVK cho rằng “lợn lành chữa thành lợn què” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “畫虎不成反類犬” (hoạ hổ bất thành phản loại khuyển) Hán.

         Tuy nhiên, tiếng Việt: “lợn lành chữa thành lợn què” chỉ người vụng về, phá hoại, vật dụng đang tốt bỗng dưng đem ra sửa, thành hư hỏng, hoặc nói chữa bệnh mà bệnh lại nặng hơn lúc chưa chữa (dị bản: Chẳng chữa thì sống, chữa thì kèn trống ra đồng); trong khi Hán: “hoạ hổ bất thành phản loại cẩu” (vẽ hổ không thành lại thành chó), lại có nghĩa muốn bắt chước làm việc lớn mà bất tài thì cuối cùng dễ trở thành trò cười cho thiên hạ.

Hán ngữ đại từ điển giảng: “hoạ hổ bất thành phản loại cẩu: ví như muốn làm điều gì cao xa ghê gớm, nhưng chung quy thất bại, trở thành trò cười cho thiên hạ; cũng chỉ việc bắt chước mà không thành, không ra cái gì.” [畫虎不成反類狗: 比喻好高鶩遠,終無成就,反貽笑柄;喻仿效失真,反而弄得不倫不類].

Hán ngữ đại từ điển có dẫn điển tích “hoạ hổ bất thành phản loại cẩu” - lời khuyên con cháu của Mã Viện trong “Hậu Hán thư – Mã Viện truyện” như sau: “Đỗ Quý Lương hào hiệp, hiếu nghĩa, lo cái lo của người, vui với cái vui của người, kẻ xấu người tốt đều không mất lòng. Khi cha Đỗ Quý Lương mất, người trong mấy quận đều đến viếng. Ta mến trọng ông ấy, nhưng không muốn mày bắt chước…Bắt chước Quý Lương không thành, chỉ khiến thiên hạ chê cười, đó gọi là vẽ hổ không thành hổ mà lại thành chó vậy.” [後漢書 - 馬援傳: “杜季良豪俠好義,憂人之憂,樂人之樂,清濁無所失,父喪致客,郡畢至,吾愛之重之,汝曹效也…效季良不得, 陷為天下輕薄子, 所謂畫虎不成反類狗者也].

9-“quá mù ra mưa 小題大做”.

         Mục này, NVK cho rằng “quá mù ra mưa” Việt, đồng nghĩa với “小題大做” (tiểu đề đại tố) Hán.

         Tuy nhiên, tiếng Việt “quá mù ra mưa” chỉ sự việc nhỏ, không đáng kể, nhưng vượt quá ngưỡng một chút, thì sẽ chuyển sang trạng thái tính chất khác, ở mức độ nghiêm trọng hơn. Ví như sương mù thường chỉ tồn tại dưới dạng hơi nước li ti, bay lơ lửng trong không khí, nhưng nếu nặng hạt một chút, thì sẽ rơi xuống thành mưa. Trong khi “tiểu đề đại tác” (dị bản NVK = “tiểu đề đại tố”) được Hán ngữ đại từ điển giảng 2 nghĩa như sau:

-“1. Thời Minh, Thanh, thi cử lấy câu văn trong “Tứ thư” làm mệnh đề, gọi là “tiểu đề”; lấy câu văn trong “Ngũ kinh” làm mệnh đề, gọi là “đại đề”. “Tiểu đề đại tác” vốn chỉ dùng phép viết văn trong “Ngũ kinh” làm văn tứ thư; sau chỉ việc lấy đề mục nhỏ để sáng tác nên áng văn lớn; 2. ví với việc nhỏ mà thổi phồng thành lớn, hoặc biến thành việc lớn khi xử lý.” [小題大做亦作 “小題大作”: 1. 明清:科舉考試,以“四書”文句命題叫“小題”,以“五經”文句命題叫“大題”.“小題大作”本謂以五經文之法作四書文,後引申為拿小題目作大文章;2.喻把小事渲染得很大,或當作大事來處理.有不值得,不恰當的意思.].

Như vậy, nếu cần đối chiếu thì “tiểu đề đại tố” (nghĩa 2) trong tiếng Hán, sẽ có nghĩa tương đương với “bé xé ra to” trong tiếng Việt.

10-“từ cõi chết trở về: 妙手回春”.

         Mục này, NVK cho rằng “từ cõi chết trở về” tiếng Việt đồng nghĩa với “妙手回春” (diệu thủ hồi xuân) tiếng Hán.

Tuy nhiên, tiếng Việt: “từ cõi chết trở về”, ví ai đó vừa trải qua một tai nạn hoặc trận ốm tưởng chết (gần nghĩa “thập tử nhất sinh”); trong khi Hán: “diệu thủ hồi xuân” lại hàm ý ca ngợi bàn tay thầy thuốc giỏi (đồng nghĩa “cải tử hoàn sinh”). Hán ngữ đại từ điển giảng: “diệu thủ hồi xuân: Nói y thuật cao siêu của thầy thuốc có thể chữa khỏi được những bệnh trọng.” [妙手回春: 謂醫生醫術高超, 能把垂危的病人治愈].

Như vậy, “từ cõi chết trở về” là nói về bệnh nhân vừa thoát khỏi cơn bạo bệnh hoặc khó khăn hoạn nạn; trong khi “diệu thủ hồi xuân” lại là câu tôn xưng thầy thuốc giỏi.

11-“vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy: 袖手旁觀”.

         Mục này, NVK cho rằng “vén tay áo xô(sic), đốt nhà táng giấy” trong tiếng Việt đồng nghĩa “袖手旁觀” (tụ thủ bàng quan) trong tiếng Hán.

Tuy nhiên, tiếng Việt: “Vén tay áo sô, đốt nhà táng giấy” ý nói việc tiêu xài, phá phách tiền của do người khác làm ra (thường hiểu là tiền tài của cha mẹkhông chút tiếc nuối (đồng nghĩa “phá gia chi tử”); trong khi Hán: “袖手旁觀” (tụ thủ bàng quan = khoanh tay đứng nhìn) lại có nghĩa bàng quan, thờ ơ trước mất mát, tai hoạ của người khác. Hán ngữ đại từ điển giảng: “tụ thủ bàng quan: giấu tay trong áo, bàng quan đứng nhìn, ví như kẻ hoàn toàn đứng ngoài, không tham gia vào sự việc”. [袖手旁觀: 藏手於袖, 在旁觀看. 比喻置身事外, 不參預其中].

Như vậy, “袖手旁觀” (tụ thủ bàng quan) trong tiếng Hán đồng nghĩa Việt “Cháy nhà hàng phố bình chân như vại”, “Hững hờ như hàng tổng đánh kẻ cướp” mới đúng.

12-“ngu như bò 遼東之豕”.

         Mục này, NVK cho rằng “ngu như bò” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “遼東之豕” (Liêu Đông chi thỉ) trong tiếng Hán. Tuy nhiên, trong tiếng Việt: “ngu như bò” hay “dốt như bò”, ý chỉ dốt nát, học hành kém cỏi, không có khả năng tiếp thu; trong khi Hán: “遼東之豕” (Liêu Đông chi thỉ) lại ý chỉ kiến văn hạn hẹp, hiểu biết nông cạn.

Lỗi này do tác giả bê nguyên cách hiểu sai từ sách “Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán” (Trung tâm Khoa học và Nhân văn Quốc gia - Viện Ngôn ngữ học; Như Ý - Nguyễn Văn Khang - Phan Xuân Thành, NXB Văn hoá Thông tin – 1994), trong đó Nguyễn Văn Khang là đồng tác giả. Sách này giải thích như sau: “Liêu đông chi thỉ: Ngu độn, kém hiểu biết, ví như con lợn của Liêu Đông vậy”. Không biết “con lợn của Liêu Đông” là con lợn gì, và tại sao nó lại ngu hơn những con lợn khác?

Thực ra thành ngữ “Liêu Đông chi thỉ” vốn xuất phát từ tích Bành Sủng thời Tây Hán bất mãn vì không được trọng dụng, Chu Phù - người vốn không ưa Bành Sủng liền gửi thư với ý sỉ nhục, ví công lao của ông này chẳng khác nào “Liêu Đông thỉ”. Hán ngữ đại từ điển trích lời Chu Phù và giảng như sau: “Liêu Đông thỉ: “Hậu Hán thư – Chu Phù truyện”: “Xưa ở Liêu Đông có con lợn nái đẻ ra một con lợn đầu trắng. Chủ nhân cho là dị thường, liền đem tiến vua. Khi đến đất Hà Đông mới thấy một đàn lợn toàn những con đầu trắng. Người này lấy làm xấu hổ quay về. Nếu đem công lao của ông (tức Bành Sủng - HTC) mà luận ở triều đình, thì cũng giống như con lợn ở Liêu Đông mà thôi. Sau này thành ngữ ‘Liêu Đông thỉ’ chỉ người kiến thức nông cạn, kiến văn hạn chế, thấy gì cũng lạ.” [遼東豕 “後漢書 - 朱浮傳”: “往時 遼東 有豕,生子白頭,異而獻之,行至河 東, 見群豕皆白,懷慚而還. 若以子之功 論於朝廷, 則為 遼東 豕也.” 後以 “遼東豕” 指知識淺薄, 少見多怪].

Theo đây, “Liêu Đông chi thỉ” trong tiếng Hán, có chăng gần nghĩa với “ếch ngồi đáy giếng” chứ không thể đồng nghĩa với “ngu như bò” trong tiếng Việt.

13-“ngu như lợn 遼東之豕”.

         Mục này lặp lại cái sai của mục 12. Theo đây, “ngu như lợn” trong tiếng Việt hoàn toàn không đồng nghĩa với “遼東之豕” (Liêu Đông chi thỉ) trong tiếng Hán (xem lại mục 12). GS. TS. Nguyễn Văn Khang là người tu nghiệp tại Bắc Kinh, từng biên soạn và tham gia biên soạn nhiều công trình từ điển liên quan đến Hán học nói chung và Hán ngữ, thành ngữ tục ngữ Hán nói riêng, nhưng không hiểu sao tác giả lại luôn lộ ra những sai sót rất sơ đẳng về lĩnh vực này như vậy.

14-“cứt trâu để lâu hoá bùn 夜長夢多”.

         Mục này NVK cho rằng “để lâu cứt trâu hoá bùn” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “夜長夢多” (dạ trường mộng đa) Hán.

         Tuy nhiên, tiếng Việt: “cứt trâu để lâu hoá bùn” nói tiền của, vật dụng hoặc vấn đề nào đó, nếu để lâu không đòi, không nhắc đến sẽ có nguy cơ bị quên lãng, hoặc lợi dụng đó mà xí xoá; trong khi Hán: “夜長夢多” (dạ trường mộng đa), lại tương ứng với “đêm dài lắm mộng” của Việt: sự việc gì không thương lượng dứt điểm, để đối tác có thêm thời gian, sẽ thay đổi ý định hoặc nảy ra mưu kế mới, gây bất lợi. Hán ngữ đại từ điển giảng: “dạ trường mộng đa: sự việc qua thời gian dài ắt nảy sinh thay đổi bất lợi.” [夜長夢多: 喻歷時長則事情可能發生不利的變化].

15-“trước sau bất nhất 有始無終”.

         Mục này có hai điểm cần trao đổi:

①-Tiếng Việt không có dị bản “trước sau bất nhất”, mà chỉ có “tiền hậu bất nhất”. Thành ngữ này có một nghĩa đồng nghĩa với “hữu thuỷ vô chung”. Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “tiền hậu bất nhất [tiền hậu bất nhứt] • Trước và sau không giống nhau. • Chỉ người ăn ở hay thay lòng đổi dạ, không có thuỷ chung.”.

②-“有始無終” (hữu thuỷ vô chung) trong tiếng Hán, không đồng nghĩa với “hữu thuỷ vô chung” trong tiếng Việt. Hán ngữ đại từ điển giải thích: “hữu thuỷ vô chung: nói làm việc gì có đầu mà không cuối, không kiên trì đến cùng.” [有始無終: 謂做事有頭無尾, 不能堅持到底]. Trong  khi tiếng Việt “hữu thuỷ vô chung • Không có thuỷ-chung; chỉ người ăn ở trước sau không nhất-tâm, thay lòng đổi dạ” (Từ điển Việt Nam phổ thông - Đào Văn Tập).

Như vậy, “hữu thuỷ vô chung” là thành ngữ gốc Hán, được dùng theo nghĩa mới trong tiếng Việt. Nếu cần đối chiếu, thì “有始無終” (hữu thuỷ vô chung) trong tiếng Hán, sẽ đồng nghĩa với “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột” tiếng Việt.

Chúng tôi xin dừng ở con số 15 mục thuộc về lỗi đối chiếu các đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt và Hán không đồng nghĩa, thậm chí trái nghĩa, gây ra sự hiểu lầm, thậm chí là xung đột khi phiên dịch hoặc giao tiếp. Sự phân loại này chỉ mang tính tương đối, bởi có khi cùng một mục từ, nhưng phạm nhiều lỗi, và chúng tôi sẽ tiếp tục dẫn chứng trong những kì tiếp theo với tiêu đề “Thu thập nhiều dị bản thành ngữ tục ngữ Việt thiếu chính xác; nhiều dị bản không tồn tại trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán”.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”    NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  I_icon13Fri 27 Oct 2023, 09:22

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN” CỦA NGUYỄN VĂN KHANG

HOÀNG TUẤN CÔNG


Kỳ 2: Thu thập nhiều dị bản thành ngữ tục ngữ Việt thiếu chính xác; nhiều dị bản không tồn tại trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán.

(Phần A)

         Thành ngữ tục ngữ thường tồn tại nhiều dị bản. Bởi vậy, để lựa chọn được bản chính xác, người biên soạn từ điển cần dựa vào nhiều căn cứ. Ví dụ căn cứ vào từ điển, kho ngữ liệu hoặc công trình sưu tầm tuyển chọn có uy tín của người đi trước; căn cứ kết cấu, ngữ nghĩa của từng từ; căn cứ kiến văn nghe đọc trên sách báo và trong đời sống để xác định bản nào là bản chính. Trong đó, từ điển và kho ngữ liệu là hai nguồn tham khảo quan trọng nhất. Tuy nhiên, dường như nhiều khi tác giả Nguyễn Văn Khang (NVK) đã lựa chọn các bản thành ngữ tục ngữ đại diện cho cả hai phía Việt và Hán theo cảm tính, huy động theo trí nhớ. Bởi vậy, “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt – Hán” thu thập nhiều dị bản không tiêu biểu, “dị bản lạ”, thiếu chính xác, không thấy bất cứ cuốn từ điển nào ghi nhận. Sau đây là một số dẫn chứng (Chúng tôi đánh số tiếp theo kỳ trước để tiện chú dẫn khi cần thiết. Với những mục chỉ sai ở phía thành ngữ tục ngữ Việt, thì chúng tôi lược bỏ phần đối chiếu với thành ngữ tục ngữ Hán. Nếu tất cả các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay đều không ghi nhận dị bản như NVK đưa ra, sẽ được đánh ký hiệu [K] cuối mỗi mục trao đổi):

16-“đầu không chăn đít không khố”.

         Ở bản in năm 1998 (NXB Khoa học Xã Hội), thấy viết là “đầu không khăn, đít không khố”. Không hiểu sao đến bản in năm 2008 (NXB Văn hoá Sài Gòn), NVK lại chữa thành “đầu không chăn…” rất kỳ dị. “Khăn” và “khố” là hai thứ trang phục tối thiểu của người đàn ông Việt xưa kia. Bởi vậy “khăn khố” được hiểu là quần áo trang phục nói chung. “Đầu không khăn đít không khố” là cách nói thậm xưng của dân gian, chế giễu, ám chỉ người nào (thường vì vội vàng hoặc hốt hoảng) mà không kịp ăn mặc tề chỉnh, khiến tình trạng lôi thôi lếch thếch đập vào mắt người khác. [K].

17-“ếch ngồi (/nằm) đáy giếng 坐井觀天”.

         Tiếng Việt chỉ có “ếch ngồi đáy giếng”, không có dị bản “ếch nằm đáy giếng”. “Ngồi” ở đây không những tả thực tư thế của loài ếch nhái, mà còn ám chỉ cuộc sống bó hẹp trong một phạm vi nhất định, giống như con ếch khi bị sa chân xuống giếng, chỉ biết ngồi một chỗ, bó gối mà ngóng nhìn lên bầu trời. Vả lại, nguyên văn bản trong tiếng Hán “坐井觀天” (toạ tỉnh quan thiên) thì “toạ” 坐 cũng có nghĩa là “ngồi” chứ không phải “nằm”. [K].

18-“gà hơn (/ghét) nhau tiếng gáy”.

         Tiếng Việt chỉ có “con gà tức nhau tiếng gáy” hoặc “gà tức nhau tiếng gáy”. “Tức” ở đây là tức khí, muốn tranh hơn thua. Chúng tôi không thấy sách vở nào ghi nhận hai dị bản “gà hơn nhau tiếng gáy” hay “gà ghét nhau tiếng gáy” như NVK thu thập.


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Nvkt710

Bản in 1999 và 2008 đều giống nhau


         Về nghĩa đen, gà trống có tập tính đua tranh bằng tiếng gáy, thể hiện dáng điệu hùng dũng, khoe bộ cánh sặc sỡ để bảo vệ lãnh địa và quyến rũ gà mái. Bởi vậy, khi một con gáy lên, lập tức hàng loạt con khác gáy theo, cảm tưởng có sự tức khí, ganh đua (“tức nhau”) ngấm ngầm. Con nào cũng muốn tiếng gáy của mình to hơn, vang hơn. Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung): “gà tức nhau tiếng gáy [Con gà tức nhau tiếng gáy] Tâm lí thích ganh đua, chơi trội, không chịu được khi thấy người khác hơn mình”. Trong khi “gà hơn nhau tiếng gáy” lại có nghĩa sự hơn thua, xấu tốt của một con gà được đánh giá qua tiếng gáy; còn “gà ghét nhau tiếng gáy” chỉ dừng lại ở nghĩa: những con gà thường không ưa nhau, ghen ghét nhau vì tiếng gáy (“ghét” ở đây đồng nghĩa với “ghét” trong “trâu buộc ghét trâu ăn”).[K].


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Nvkt510

Sai sót xuất hiện ngay từ bản in lần đầu năm 1999


19-“gái đĩ già mồm, (kẻ trộm cắn răng)”.

         Chỉ có tục ngữ “gái đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan”, không có “kẻ trộm cắn răng”. “Lắm gan” ở đây được hiểu là to gan, không biết sợ là gì.[K].

20-“hồn bay phách lạc”.

         Theo lối nói thông tục “hồn bay phách lạc” không sai, nhưng nên dùng bản chính “hồn xiêu phách lạc” được nhiều từ điển ghi nhận. Theo đây, tiếng Việt có từ “xiêu lạc”“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) giảng là: “Lạc-loài nơi xa lạ: Không biết nó xiêu-lạc nơi nào”. “Xiêu” ở đây đối với “lạc”, tức là sợ đến mức hồn thì xiêu, phách thì lạc đi phương trời nào không biết. Thế nên dị bản của “hồn xiêu phách lạc”“hồn lạc phách xiêu”. Đây là kết cấu thường thấy trong thành ngữ tiếng Việt, đó là tách hai yếu tố cấu tạo từ trong một từ ghép đẳng lập ra để tạo nên một thành ngữ: sưng sỉa = mặt sưng mày sỉa; xác xơ = nghèo xác nghèo xơ; bác xác bác xơ

         Từ điển Hoàng Phê (Vietlex): “hồn xiêu phách lạc •  sợ hãi đến mức mất hết cả tinh thần, hồn vía. Đn: phách lạc hồn xiêu”.[K].

21-“không có trâu bắt ngựa đi cày 無牛狗拖犁”.

         Mục này NVK cho rằng, thành ngữ “không có trâu bắt ngựa đi cày” trong tiếng Việt đồng nghĩa “無牛狗拖犁” (vô ngưu cẩu đà lê = không có trâu bắt chó kéo cày) tiếng Hán. Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ “không có trâu bắt ngựa đi cày”. Chính xác phải là “không có trâu bắt bò đi đẫm” (dị bản: không có chó bắt mèo ăn cứt). Thành ngữ này liên quan đến đồng chiêm trũng, và ruộng trâu quần (một tập quán canh tác lúa nước cổ xưa của nhiều dân tộc như Thái, Tày, Mường...) Theo đó, “bắt bò đi đẫm” chỉ việc bắt con bò đi cày bừa, “quần” ở chân ruộng lầy thụt, không hợp với sức vóc của nó, nên con bò “cày ruộng”, “quần ruộng”, mà giống như ngụp lặn, đẫm mình trong bùn nước.

Nếu “không có trâu bắt ngựa đi cày”, thì đây cũng không phải điều gì quá tệ hại, bởi nhiều dân tộc trên thế giới vẫn cày bừa bằng ngựa. Không rõ căn cứ vào đâu NVK lại đưa ra dị bản lạ “không có trâu bắt ngựa đi cày”, trong khi ngoài bản “không có trâu bắt bò đi đẫm”, thì tiếng Việt còn có “trâu không có, bắt chó đi cày” hoàn toàn tương ứng với “vô ngưu cẩu đà lê” (không có trâu bắt chó đi cày) trong tiếng Hán.[K].

22-“kị (kì) hổ nan hạ 騎虎難下 ≈ cưỡi lên lưng hổ; cưỡi hổ khó xuống”.

         Tục ngữ Việt gốc Hán chỉ có “kỵ  hổ nan hạ” (kỵ hổ = cưỡi hổ), không có “kỳ hổ nan hạ”. Lỗi này từng xuất hiện trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển tiếng Việt” (2018) của đồng tác giả GS. TS. Nguyễn Văn Khang.[K].

23-“ngọng hay nói què thích (hay) đi”.

         Nên chọn bản chính “điếc hay ngóng, ngọng hay nói” (dị bản “người câm hay nói, thầy bói hay nhòm/dòm”) thể hiện sự chặt chẽ trong kết cấu, tạo nhịp điệu của dân gian.[K].

24-“người làm không bực bằng người chực nồi”.

         Chính xác phải là “Người đi không bực bằng người chực nồi cơm”. “Đi” ở đây là vắng nhà, đi đâu đó chưa về, khiến người ở nhà phải sốt ruột nhấp nhổm đợi cơm, thì mới “bực”.[K].

25-“no cơm ấm cật dậm dật trong lòng (/tay chân/tứ bề)”.

Chính xác phải là “no cơm ấm cật dậm dật mọi nơi” (dị bản: No cơm ấm cật, dậm dật mọi nơi/Đói rách tả tơi, khắp nơi không động).

26-“núp bóng cây tùng 大樹底下好乘涼”.

         Chính xác là “núp bóng tùng quân”, vì “tùng” 松 là cây tùng, “quân” 筠 là cây trúc nhỏ; phải là “tùng quân” 松筠 mới có nghĩa là cây tùng và cây trúc. “Tùng quân” là từ trong văn chương chỉ cây cao bóng cả, tượng trưng cho người quân tử, vốn trong “Kinh lễ”:

        -Hán ngữ đại từ điển: “tùng quân: cây tùng và cây trúc. “Lễ kí – Lễ khí” có đoạn: “Với mỗi người, lễ ấy giống như cây trúc quân tử có cật cứng, như loài tùng bách có lõi bền. Nhờ có hai điều cốt yếu ấy mà trong thiên hạ, tùng trúc tứ thời không rụng lá thay cành”. Về sau lấy “tùng quân” để ví với tiết tháo kiên trinh”. [松筠:松樹和竹子.“禮記‧禮器”:“其在人也,如竹箭之有筠也,如松柏之有心也.二者居天下之大端矣,故貫四時而不改柯易葉.”後因以“松筠”喻節操堅貞].

        -Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “tùng-quân • Cây thông, cây trúc. Nói chung là những cây cao bóng cả. Nghĩa bóng: Nói người có thế-lực che chở cho kẻ yếu-hèn <> Nghìn tầm nhờ bóng tùng-quân, Tuyết sương che chở cho thân cát-đằng (K)”.

27-“ốc chẳng (/không) thể mang nổi mình ốc (lại còn mang cọc cho rêu)”.

         Không hiểu tại sao NVK lại đưa cụm từ “lại còn mang cọc cho rêu” vào ngoặc đơn. Nếu NVK xem “ốc chẳng (/không) thể mang nổi mình ốc” là một dị bản, thì “dị bản” này không có nghĩa. Mặt khác, bản chính xác phải là “ốc chẳng mang nổi mình ốc, lại còn làm cọc cho rêu”. Nghĩa đen: Cả rêu và ốc đều bám vào cọc. Riêng ốc di chuyển rất nặng nề khó khăn, ấy vậy mà trên thân (vỏ) của nó lại thấy đầy rêu bám, tựa như ốc lo thân ốc chưa nổi mà lại còn làm cọc cho rêu bám vậy.
       
28-“ôn nghèo nhớ khổ”.

         Nên lựa chọn bản “ôn nghèo kể khổ”. Phải là “kể khổ” (mang tính chất kể lể) thì trong buổi hàn huyên, trà dư tửu hậu, bạn bè mới nghe được những khó khăn vất vả thuở hàn vi; còn “nhớ khổ” có khi chỉ là hồi tưởng trong lòng.[K].  

29-“phải ai tại nấy”.

Bản chính xác là “phải ai tai nấy” (dị bản: phải ai nấy chịu). “Tai” đây là tai hoạ; “tai nấy” là tai hoạ người ấy/nấy phải chịu:

-Việt Nam tự điển (Khai trí Tiến đức): “tai • 1 Cái hoạ nạn bất thình-lình sẩy đến <> Trời ra tai. Mắc tai, mắc nạn. Vạ gió, tai bay. Văn-liệu: Phải ai tai nấy (T-ng)”. [K]


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Nvkttd10

Cả hai bản in 1999 và 2008 đều viết "tại nấy"


30-“quan ở xa quản nha thì gần”.

Chính xác phải là “quan thì xa, bản nha thì gần”, dị bản “quan xa nha gần”  “quan thời xa nha thời gần”. “Quan” được hiểu là quan trên, cấp trên; “nha” hay “bản nha” là nha lại sở tại, nha môn địa phương: cấp trên quang minh chính đại không biết đến, trong khi kẻ gần dân hơn cả lại sách nhiễu dân. Thế nên còn có câu “quan tha, nha bắt”: thoát được sự sách nhiễu của quan trên, thì lại chịu sự o ép của nha lại địa phương.

31-“quan tham ô lại 貪官污吏 ≈ tham ô quan lại”.

         Bản Hán “貪官污吏” (tham quan ô lại) đúng, nhưng cả hai bản Việt đều sai. Theo đây, chỉ có “tham quan ô lại”, không có “quan tham ô lại”, càng không có “biến thể” nào gọi là “tham ô quan lại” như NVK hướng dẫn. [K].

32-“quảng cáo rùm beng 大吹大擂”.

         Mục này NVK cho rằng “quảng cáo rùm beng” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “大吹大擂” (đại xuy đại lôi) trong tiếng Hán. Tuy nhiên, mục này có hai điểm cần trao đổi:

         -Tiếng Việt không có thành ngữ nào gọi là “quảng cáo rùm beng”.

         -Căn cứ cách giảng của Hán ngữ đại từ điển: “đại xuy đại lôi: 1. đánh trống và tấu nhạc lên cùng một lúc; 2. quảng cáo phô trương ầm ĩ”, thì thành ngữ Hán này tương đương với “khua chiêng gõ mõ”, hoặc “khua chiêng gióng trống” trong tiếng Việt.

         Như vậy, “quảng cáo rùm beng” không phải là thành ngữ Việt, mà chỉ là nội dung dịch từ “đại xuy đại lôi” trong tiếng Hán (chúng tôi sẽ dành riêng một mục để nói về những cái sai do lấy phần dịch nghĩa thành ngữ tục ngữ Hán để ấn vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt của soạn giả NVK).[K].

33-“rành rành trước mắt”.

         Tiếng Việt chỉ có “rành rành như canh nấu hẹ”, không có “rành rành trước mắt” (đây là tổ hợp từ tự do, hoặc quán ngữ, không phải thành ngữ).[K].

34-“rồng uốn hổ ngồi 龍蟠虎踞”.

         Thành ngữ Việt chỉ có “rồng cuộn hổ ngồi”, không có “rồng uốn hổ ngồi”. Bản thân chữ “bàn” 蟠/盤 trong “龍蟠虎踞”/“龍盤虎踞” (long bàn hổ cứ) của tiếng Hán mà NVK so sánh, có nghĩa là “cuộn”, chứ không phải “uốn”.“Long bàn” 龍蟠 (rồng cuộn) chỉ thế ẩn tàng, đối với “hổ cứ” 虎踞 (hổ ngồi) chỉ uy dũng mà không lộ tướng, nói lên vẻ hiểm yếu, hùng vĩ của thế đất đế vương.[K].

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”    NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  I_icon13Thu 02 Nov 2023, 07:52

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN” CỦA NGUYỄN VĂN KHANG

HOÀNG TUẤN CÔNG


Kỳ 2: Thu thập nhiều dị bản thành ngữ tục ngữ Việt thiếu chính xác; nhiều dị bản không tồn tại trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán.

(Phần B)



35-“sợ run cầy sấy”.

         Chính xác phải là “run như cầy sấy”, cho thêm “sợ” vào là thừa, trong khi lại thiếu “như” - một yếu tố rất đặc trưng trong kết cấu của thành ngữ biểu thị mức độ cao, sử dụng để so sánh với cái tiêu biểu được nêu ra sau đó.[K].

36-“tam thập lục kế, tẩu vi thượng kế 三十六計走為上計”.

         Đây chỉ là bản phiên âm tục ngữ Hán, bởi người Việt thường nói “tam thập lục kế tẩu vi thượng sách” chứ không nói “tam thập lục kế, tẩu vi thượng kế”. Cách nói của người Việt có nhịp điệu, đăng đối, phong phú về từ ngữ hơn. Điều quan trọng nữa là không nên bỗng dưng đặt lại lời ăn tiếng nói của dân gian. Nếu mỗi người biên soạn từ điển tuỳ tiện theo một kiểu, thì thành ngữ tục ngữ sẽ loạn.[K].

37-“tam thập lục sách, tẩu vi thượng sách 三十六策走為上策”.

         Mục này lặp lại lỗi ở mục 31, tức lấy nguyên xi bản phiên âm tục ngữ Hán để áp cho Việt, trong khi người Việt không nói như vậy. Chúng tôi sẽ có riêng một mục để thống kê và phân tích lỗi nhầm lẫn thành ngữ, tục ngữ Hán phiên âm Hán Việt, với thành ngữ Việt gốc Hán.[K].

38-“tháo dạ đổ vạ cho váy”.

         Chỉ có “tháo dạ đổ vạ cho chè”, không có dị bản “đổ vạ cho váy”. Vì “chè” là thứ ăn vào bụng (mới có cớ để “đổ vạ”). Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung): “tháo dạ đổ vạ cho chè: [Người không khoẻ, vu ma làm ốm; Tháo dạ đổ vạ cho rươi] Ngđ: Mất vệ sinh, bị bệnh lại đổ tại thức ăn. Ngb: Làm ăn kém cỏi lại đổ lỗi cho người khác, đổ tại hoàn cảnh khách quan”.[K].


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Nvkt810


39-“thâm nghiêm cùng cốc 深嚴窮谷”.

         Thành ngữ Việt gốc Hán chỉ có “深山窮谷” (thâm sơn cùng cốc = núi sâu hang cùng); thành ngữ Hán, ngoài “深山窮谷” (thâm sơn cùng cốc), “深山幽谷” (thâm sơn u cốc = núi sâu hang vắng), còn có “深山長谷” (thâm sơn trường cốc = núi sâu hang thẳm). Hán ngữ đại từ điển giải thích: “thâm sơn cùng cốc: vùng núi xa xôi, cách trở với thế giới bên ngoài, ít có dấu vết con người lui tới.” [深山窮谷: 與山外距離遠,人跡罕至的山嶺, 山谷]. Dù Việt hay Hán, chúng tôi chưa thấy tài liệu sách vở nào ghi nhận “深嚴窮谷” (thâm nghiêm cùng cốc = hang cùng thâm nghiêm). Giả sử NVK sưu tầm trong một tài liệu nào đó, thì “thâm nghiêm cùng cốc” (và nhiều dị bản “lạ” khác) cũng không thể là bản đại diện cho cả hai phía Việt và Hán.

         Lỗi này từng xuất hiện trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển tiếng Việt” (2018) của đồng tác giả GS. TS. Nguyễn Văn Khang.[K].


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Nvkt910


40-“thế gian được vợ hỏng chồng 彩鳳隨 鷄”.

         Mục này NVK cho rằng, “thế gian được vợ hỏng chồng” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “thái phượng tuỳ kê” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, mục này có 3 điểm cần trao đổi:

         ① Với tiếng Việt, nên đưa ra bản chuẩn: “thế gian được vợ mất chồng”. Được- mất tạo thành hai thái cực, chặt chẽ mà có nhịp điệu, một kiểu cụ thể hoá của nhận thức “được cái này mất cái kia”.

         ② Với tiếng Hán, bản chính phải là “彩鳳隨鴉” (thái phượng tuỳ nha = phượng hoàng đi với quạ đen), chứ không phải “彩鳳隨 鷄” (thái phượng tuỳ kê = phượng hoàng đi với gà), như NVK thu thập. Phải là phượng hoàng đi với quạ đen, mới tạo nên sự chênh lệch theo lối thậm xưng của dân gian; còn phượng hoàng đi với gà, tuy cũng chênh lệch, nhưng chưa bị đẩy đến tột cùng của hai thái cực đẹp >< xấu đối lập, tương phản nhau. Tiếng Hán có thành ngữ “獨鶴雞群” (độc hạc kê quần = hạc đứng giữa bầy gà). Theo đây, con “gà” có được dùng để so sánh với “hạc”, nhưng với hàm ý so sánh về phẩm chất: người tài năng, xuất chúng sống giữa những kẻ tầm thường, nhỏ mọn.

         ③ “Thế gian được vợ mất chồng”, trong tiếng Việt, không đồng nghĩa với “thái phượng tuỳ nha” trong tiếng Hán. Bởi “Thế gian được vợ mất chồng”, ý dân gian muốn nói: rất ít cặp vợ chồng cả hai đều hoàn hảo (chủ yếu nói về phẩm chất, tính cách), mà thường vợ chồng bù trừ khiếm khuyết cho nhau. Bởi vậy hãy xem sự khôn khéo – vụng về, được - mất này là chuyện thường. Trong khi “彩鳳隨鴉” (thái phượng tuỳ nha - phượng hoàng đi với quạ đen) trong tiếng Hán được Hán ngữ đại từ điển giảng là “ví cô gái đẹp lấy phải người chồng thô tục.” [比喻淑女嫁鄙男].

         Như vậy  “phượng hoàng đi với quạ đen” Hán, đồng nghĩa với “cú đậu cành mai” (dị bản: hoài cành mai cho cú đậu) hoặc “hoài hồng ngâm cho chuột vọc” (dị bản: hoài hạt ngọc cho ngâu vầy) Việt, chứ không đồng nghĩa với “Thế gian được vợ hỏng chồng” như NVK chỉ dẫn.

41-“trâu lấm vẩy bùn (/quanh)”.

         “Trâu lấm vẩy bùn”, hay “trâu lấm vẩy quanh” đều không đúng. Thậm chí dị bản thứ hai (“vẩy quanh”) đi ngược lại ý dân gian.

         Nghĩa đen: Con trâu thích đầm mình trong bùn nước. Khi lên bờ, theo tập tính xua đuổi ruồi muỗi, cái đuôi trâu cứ vẩy qua vẩy lại, đập vào hông bên này, vắt sang hông bên kia, khiến bùn đất văng tứ tung, làm bẩn hết thảy những gì nó đi qua. Từ sự quan sát ấy, dân gian đặt nên câu tục ngữ. Theo đây, phải là “trâu lấm vẩy càn” (vẩy càn = vẩy bậy), mới có nghĩa bóng: kẻ có khuyết điểm, lỗi lầm thường tìm cách bôi nhọ, đổ bừa cho người xung quanh.[K].


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Nvkt1010


42-“trèo non lặn biển 梯山航海”.

         Phải là “trèo non vượt biển” mới khó khăn, vì biển rộng vô bờ. Trong khi “lặn biển” không khó hơn lặn ao, lặn sông là bao, vì biển có chỗ nông sờ.

         -Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “trèo non vượt biển [trèo non vượt bể] • Leo qua núi và vượt qua biển; ý nói gian-nan vất vả”.

         Ngay như trong tiếng Hán, thành ngữ “梯山航海” (thê sơn hàng hải) mà NVK đối chiếu, thì 航 (hàng) ở đây cũng có nghĩa là “vượt”, chứ không phải “lặn”:

         -Hán ngữ đại từ điển: “thê sơn hàng hải: leo núi, qua biển, nói hành trình trèo non vượt biển xa xôi vất vả”; [梯山航海: 登山渡海; 謂長途跋涉]; dị bản “hàng hải thê sơn: vượt qua biển lớn, leo qua núi cao. Nói hành trình xa xôi và trải qua nhiều khó khăn” [航海梯山: 渡過大海,攀越高山.謂經歷艱遠的途程].

         Như vậy, trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển tiếng Việt” (2018) GS. TS. Nguyễn Văn Khang từng hướng dẫn viết “trèo đèo lội suối” thành “trèo đèo lặn suối”, đến cuốn sách này, ông lại đưa ra dị bản kỳ dị “trèo non lặn biển”, thay cho “trèo non vượt biển”. Chúng tôi đã cố công tra cứu nhưng không thể biết tác giả từ điển căn cứ theo tài liệu sách vở nào.[K].


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Nvkt1110


43-“tu binh mãi mã 修兵買馬”.

         “Tu binh” 修兵 không phải không có nghĩa. Ví dụ: “Sử ký – Trọng Ni đệ tử liệt truyện”: “Tử Cống nói: “tu sửa binh khí, cho quân lính nghỉ ngơi, chờ cơ hội” [史記‧仲尼弟子列傳: “子貢 曰: ‘修兵休卒以待之’]. Tuy nhiên, trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán, thường dùng “chiêu binh mãi mã”, chứ không dùng “tu binh mãi mã”. Phải là “chiêu binh, mãi mã” mới có nghĩa: tổ chức hoặc gây dựng lực lượng. Theo đây, “chiêu binh” là tuyển mộ binh sĩ, đối với “mãi mã” là mua ngựa chiến, có thể hiểu là xây dựng lực lượng hoàn toàn mới. Còn “tu binh hưu tốt” lại có nghĩa chỉnh đốn, nuôi dưỡng lực lượng đã sẵn có. Hán ngữ đại từ điển phân biệt nghĩa của “tu binh”“chiêu binh” như sau:

         -“tu binh: tu sửa binh khí” [修兵: 修整兵器].

         -“chiêu binh: 1. kêu gọi gia nhập quân đội; 2. thời xưa chiêu mộ người tham gia quân đội”. [招兵: 1. 召來軍隊; 2. 舊時招募人來當兵].

         -Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê - Vietlex): “chiêu binh mãi mã • 招兵買馬 1 [cũ] chiêu mộ binh lính, mua ngựa chiến để chuẩn bị chiến tranh. chiêu binh mãi mã chờ ngày xuất quân. 2 [kng] tập hợp lực lượng, vây cánh để tranh giành quyền lực”.

         -Hán ngữ đại từ điển: “chiêu binh mãi mã: 1. chiêu mộ binh sĩ, mua sắm chiến mã, nói tổ chức vũ trang, tăng cường binh lực; 2. tổ chức hoặc tăng cường nhân lực”. [招兵買馬: 1. 招募士兵, 購置戰馬; 謂組織武裝, 擴充兵力; 2. 比喻組織或擴充人力].

         Lỗi bỏ bản chính, lựa chọn dị bản lạ hoặc ít dùng này từng xuất hiện trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” đồng tác giả GS.TS. Nguyễn Văn  Khang.[K].

44-“trùng hợp tình cờ 不謀而合”.

         Mục này, NVK cho rằng, “trùng hợp tình cờ” tiếng Việt, đồng nghĩa với “不謀而合” (bất mưu nhi hợp) trong tiếng Hán.

         Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ nào theo lối nôm na “trùng hợp tình cờ”, mà chỉ có “không hẹn mà gặp”:

         -Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung): “chẳng hẹn mà gặp, chẳng rắp mà nên [Không hẹn mà gặp, không rắp mà nên] (rắp: có ý định từ trước). Ngẫu nhiên, ngoài sự sắp đặt của con người”.

         Theo đây, “không hẹn mà gặp” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “不謀而合” (bất mưu nhi hợp) Hán:

         -Hán ngữ đại từ điển: “bất mưu nhi hợp: không qua bàn thảo, thương lượng mà vẫn có chung nhận thức, nhất trí.” [不謀而合: 沒有經過商量而見解一致].[K].

45- “voi đua ngựa cũng đua: 吠形吠聲”.

         Mục này NVK cho rằng “voi đua ngựa cũng đua” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “吠形吠聲” (phệ hình phệ thanh) tiếng Hán. Tuy nhiên, có hai điểm cần trao đổi:

         ① Tiếng Việt không có thành ngữ “voi đua ngựa cũng đua”, mà chỉ có “voi đú chó đú lợn sề cũng hộc” (dị bản: voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng; Voi đú, khỉ đú, chuột chù cũng chạy quanh; Voi rú, lợn sề cũng hộc; Ngựa lồng cóc cũng lồng). Theo đây, tất cả các con vật “đú” theo voi, ngựa, đều thấp kém hơn một trời một vực. Trong khi “voi đua ngựa cũng đua” đâu có gì bất thường, kệch cỡm? Ngược lại “ngựa”“đua” với voi thì sẽ thắng voi.

         ② Tiếng Việt “voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng” nghĩa là đua đòi, bắt chước một cách lố bịch, kệch cỡm, không hợp khả năng của mình; trong khi Hán: “吠形吠聲” (phệ hình phệ thanh), lại có nghĩa phụ hoạ, a dua theo người khác mà không biết phân biệt thật giả:

         Hán ngữ đại từ điển giảng: “phệ hình phệ thanh: 1-“Tiềm phu luận - Hiền nan” (Vương Phù – Hán) viết: “Ngạn ngữ có câu: ‘phệ hình phệ thanh’ (một con chó sủa hình, trăm con chó sủa tiếng), đó là cái bệnh hùa theo ở đời, xưa nay vẫn vậy. Ta chán ngán sự đời không phân biệt được thật giả’. Về sau ‘sủa hình sủa tiếng’ hoặc “sủa bóng sủa tiếng” ý chỉ không biết suy xét phân biệt thật giả, mà chỉ phụ hoạ theo một cách mù quáng.” [吠形吠聲: 1. 漢王符 “潛夫論‧賢難”: “諺曰: ‘一犬吠形, 百犬吠聲’, 世之疾此, 固久矣哉!吾傷世之不察真偽之情也.” 後遂以 “吠形吠聲” 或 “吠影吠聲” 比喻不察真偽, 盲目附和].


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Nvkt1210


46-“vơ bèo vặt tép”

         Chính xác phải là “vơ bèo gạt tép”. “Vơ”“gạt” ở đây đều chỉ hành động việc làm không có sự chọn lựa, đem lại kết quả à uôm, xô bồ. “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê, bản Vietlex): “vơ bèo gạt tép • [kng] ví trường hợp không lựa chọn kĩ, hoặc quá vội vàng mà vơ cả những thứ nhỏ mọn, không có giá trị [thường dùng trong trường hợp lựa chọn chồng hoặc vợ]. tuyển sinh theo kiểu vơ bèo gạt tép ~ “Cúc ngày xưa đùng đùng đem trả trầu cau Thành, đã tưởng lấy được đám khác khá hơn, ai ngờ vơ bèo gạt tép làm lẽ ông Ba Chương.” (Dương Hướng)”.

Chúng tôi xin tạm dừng ở con số 46 mục có sai sót. Trong số 46 mục, thì có nhiều mục (như 15, 18, 28, 32, 33, 41, 42) mỗi mục phạm nhiều lỗi; hoặc có những mục sai cả bên tiếng Việt lẫn tiếng Hán (như 5, 7, 9, 10, 12, 15, 40, 41, 44).  Theo đây đã có tổng số chừng hơn 60 lỗi thu thập và đối chiếu các đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt và Hán không đồng nghĩa; thu thập, đối chiếu các dị bản thành ngữ tục ngữ Việt thiếu chính xác, hoặc không tồn tại trong cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”    NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  I_icon13Thu 09 Nov 2023, 09:04

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN” CỦA NGUYỄN VĂN KHANG

HOÀNG TUẤN CÔNG


Kỳ 3: SAI CHÍNH TẢ TRONG "TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN"


         Nguyễn Văn Khang (NVK) là tác giả và đồng tác giả của 19 cuốn từ điển tiếng Việt. Về từ điển chính tả, NVK có “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (NXB Khoa học Xã hội - 2003) và “Từ điển chính tả tiếng Việt” (GS. TS. Nguyễn Văn Khang – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018). Chúng tôi đã có loạt bài viết chỉ ra hàng trăm lỗi chính tả trong hai cuốn từ điển vừa nêu, trong đó cuốn xuất bản năm 2018, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đã buộc phải thu hồi.

         Với “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt-Hán”, một lần nữa tác giả NVK lại cho thấy khả năng chính tả tiếng Việt hạn chế của ông. Cụ thể, những sai sót trong cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang, tiếp tục được lặp lại, như lỗi lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU với ƯU; dấu hỏi ( ̓ ) với dấu ngã (~) và rất nhiều lỗi văn bản khác.



         Sau đây là một số ví dụ (chúng tôi đánh số tiếp theo những lỗi đã chỉ ra trong Kỳ 1 và Kỳ 2 để tiện chú dẫn khi cần thiết):



47-“chia năm sẻ bảy: 四分五裂”.

         Mục này, NVK cho rằng “chia năm sẻ bảy” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “四分五裂” (tứ phân ngũ liệt) trong tiếng Hán.

         Tuy nhiên, viết đúng phải là “chia năm xẻ bảy”. Vì “xẻ” mới có nghĩa là cắt ra. “Từ điển điển tiếng Việt” (Hoàng Phê – Trung tâm Từ điển học Vietlex; từ đây viết tắt là Hoàng Phê-Vietlex): “chia năm xẻ bảy • chia xẻ ra thành nhiều phần quá nhỏ. “(…) đống lúa gặt về vàng chói giữa sân bị chia năm xẻ bảy, phần đóng tô, phần trả nợ lãi.” (Phan Tứ)”.

         Nếu “chia xẻ” trong tiếng Việt có nghĩa như Hoàng Phê – Vietlex giảng: “chia thành nhiều phần làm cho không còn nguyên là một khối nữa. chia xẻ lực lượng ~ mảnh đất bị chia xẻ ra làm nhiều miếng. Đn: chia cắt.”, thì 分裂 (phân liệt) trong tiếng Hán cũng có nghĩa là “chia cắt, xé lẻ, khiến cho chỉnh thể của sự vật không còn nguyên vẹn nữa.” [分裂: 分割; 割裂; 使整體的事物分開 - Hán ngữ đại từ điển].

         Như vậy, phải viết “chia năm xẻ bảy” mới tương ứng với “四分五裂” (tứ phân ngũ liệt = chia bốn, xẻ năm) mà NVK đối chiếu, và Hán ngữ đại từ điển giảng: “tứ phân ngũ liệt: 1. chia xẻ, bại vong, mất mát; 2. hình dung phân tán, không thống nhất”. [四分五裂: 1. 分裂敗亡; 2. 形容分散,不統一].


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Gdt710


48-“chia ngọt xẻ bùi 同甘共苦,分甘共苦,有福共享”.

         Mục này, NVK cho rằng, “chia ngọt xẻ bùi” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “同甘共苦” (đồng cam cộng khổ), “分甘共苦” (phân cam cộng khổ) và “有福共享” (hữu phúc cộng hưởng) trong tiếng Hán. Tuy nhiên, viết đúng phải là “sẻ bùi”, vì “sẻ” ở đây là “chia sẻ”, cùng hưởng cùng chịu, tương ứng với “đồng cam” 同甘, “phân cam” 分甘, “cộng hưởng” 共享 trong tiếng Hán:

         -Hoàng Phê – Vietlex: “chia ngọt sẻ bùi • chia sẻ với nhau, cùng hưởng với nhau, không kể ít hay nhiều. “Hai người như đã trở thành đôi bạn tâm giao cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.” (Mạnh Phú Tư)”.

         -Hán ngữ đại từ điển: “đồng cam cộng khổ, cũng viết “đồng cam khổ”: cùng hưởng vị ngọt, đắng. Tỉ dụ có phúc cùng hưởng, hoạn nạn cùng chịu. Thường chỉ việc cùng chịu hoạn nạn”. [同甘共苦: 亦省作 “同甘苦” 一同嘗甘苦之味. 比喻有福同享, 有難同當. 常偏指共患難].

         Theo đây NVK đã làm ngược lại chuẩn chính tả, làm sai lệch ý của dân gian. Ở mục 1, đáng lẽ phải viết “chia năm xẻ bảy” để tương ứng với “tứ phân ngũ liệt” thì NVK lại viết thành “chia năm sẻ bảy”; còn ở mục 2 này, đáng lẽ phải viết “chia ngọt sẻ bùi” để tương ứng với “đồng cam cộng khổ”, thì NVK lại viết thành “chia ngọt xẻ bùi”.

         Đây là kiểu sai đã từng xuất hiện trong “Từ điển chính tả tiếng Việt” (GS.TS Nguyễn Văn Khang - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2018) khi tác giả hướng dẫn viết “nhường cơm xẻ áo”. Trong bài “Sai sót trong “Từ điển chính tả tiếng Việt” của GS.TS Nguyễn Văn Khang” (Kỳ 3) chúng tôi đã chỉ ra cái sai của NVK như sau: “Viết đúng phải là “nhường cơm sẻ áo”. Cơm áo ở đây được hiểu là nhu cầu ăn mặc. “Nhường cơm” thì đã rõ, còn “sẻ áo” là chia sẻ, san sẻ, giúp cho nhau về cái mặc (thế nên còn có dị bản “sẻ cơm nhường áo”). Còn “xẻ áo”, chỉ có nghĩa là cắt, xé cái áo ra làm nhiều mảnh.

         Còn nhớ trong “Từ điển chính tả tiếng Việt”, NVK chỉ dẫn viết “chia: chia xẻ (= chia sẻ)”. Theo đây, NVK coi “chia sẻ”“chia xẻ” chỉ là một từ với hai dạng chính tả đều được chấp nhận, và chúng tôi đã trao đổi lại như sau:

         “Chỉ dẫn “chia xẻ” = “chia sẻ” là sai. “Xẻ” trong “chia xẻ” (chia, xẻ/cắt ra nhiều phần, khiến cho không còn nguyên vẹn như vốn có nữa), chính là “xẻ” trong  “chia năm xẻ bảy” (tình trạng bị phân tán, chia cắt, xé lẻ). Còn “sẻ” trong “chia sẻ” (cùng hưởng, cùng chịu), lại là “sẻ” trong “chia ngọt sẻ bùi” (cùng chung hưởng với nhau, dù ít dù nhiều). Như vậy, “chia xẻ” và “chia sẻ” không phải một từ với hai dạng chính tả, mà là hai từ khác nhau.[K]”.

49 - “có trí làm quan”.

Chính xác phải là “có chí làm quan” (dị bản “có chí làm quan, có gan làm giàu”). Vì “chí” 志 là “ý muốn bền bỉ nhằm theo đuổi một mục đích...”, còn “trí” 智 lại là “khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán...” (Hoàng Phê-Vietlex). Đây là hiện tượng cận âm dị tự, dị nghĩa. Nghĩa của “chí” mới phù hợp với ngữ nghĩa trong “có chí làm quan”. Cũng như người ta nói “có chí thì nên”, hoặc “hữu chí cánh thành”, chứ không ai nói “có trí thì nên”, “hữu trí cánh thành”. NVK viết  “có trí làm quan” là do không biết hoặc không phân biệt được nghĩa của hai chữ Hán “chí 志”“trí 智”.

50 - “bách triết thiên ma 千折百磨”.

Đây là lỗi chính tả NVK từng mắc trong “Từ điển chính tả tiếng Việt” (xuất bản 2013 và 2018) khi đưa ra lời khuyên ngược lại với chuẩn chính tả: “triết: bách triết thiên ma, thiên ma bách triết. → không viết: chiết”. Với lỗi này, chúng tôi từng trao đổi như sau:

“Viết “chiết” mới đúng. Nhiều từ điển thường giải thích “bách chiết thiên ma” là trăm lần gãy, nghìn lần mài, nhưng thực ra trong Hán ngữ, “chiết ma” 折磨 được hiểu theo nghĩa bóng = đau đớn, khổ sở; “bách chiết thiên ma” 百折千磨, hay “thiên ma bách chiết” 千磨百折 = trăm đau, ngàn khổ, ý nói trải qua muôn vàn gian nan vất vả. Đây là cách nói giống như tân khổ 辛苦 (cay đắng); thiên tân vạn khổ 千辛萬苦 = trăm đắng ngàn cay). Ví dụ “Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng, bắt trải qua bách chiết thiên ma//Cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử”. (Lam Sơn thực lục - NXB Tân Việt, 1963).”

51- “thiên ma bách triết 千磨百折”.

         Mục này lặp lại cái sai của mục 4, phải viết “thiên ma bách chiết” mới đúng. Ví dụ: “Đòi những kẻ thiên ma bách chiết/Hình thì còn bụng chết đòi nau” (Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Lộc biên khảo và chú giải, NXB Giáo dục 1994).

52 - “mặt sưng mày xỉa”

         Phải là “mày sỉa” mới đúng, vì “sỉa” mới có nghĩa là sưng. Đây là lỗi NVK từng mắc trong “Từ điển chính tả tiếng Việt”, và ông đưa ra lời khuyên đi ngược lại với chuẩn chính tả: “xỉa: xưng xỉa. → không viết: sỉa”. Với lỗi này, chúng tôi từng trao đổi như sau: “Viết chuẩn là “sưng sỉa” (từ ghép đẳng lập): “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (như Mặt sưng mày sỉa). Hoàng Phê - Vietlex: “sưng sỉa t. (Mặt) nặng ra, và như sưng lên, lộ rõ vẻ không bằng lòng. Mặt sưng sỉa như đang chửi nhau”. [K].

53-“toạ thực sơn băng 坐食山崩 ≈ miệng ăn núi lỡ, ngồi ăn núi lỡ”.

Phải viết “núi lở” mới đúng, bởi bản gốc Hán mà NVK so sánh là 坐食山崩 (toạ thực sơn băng), trong đó “băng” 崩 nghĩa là sụt, lở (chỉ ngồi ăn không thì đến như núi cũng lở). Còn viết “núi lỡ”, thì chỉ có thể hiểu là núi không lớn mà cũng không nhỏ(!). Tuy nhiên, nếu chỉ về độ to nhỏ, thì thường nói “núi nhỡ” chứ không viết “núi lỡ”. Tác giả NVK là người vùng Sơn Tây, không hiểu vì sao ở mục này lại mắc lỗi chính tả, nhầm lẫn hỏi – ngã của người miền Trung.

54-“vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy 袖手旁觀”.

Phải là “áo sô” mới đúng. Vì “sô” mới có nghĩa là “vải thô, dệt thưa, thường dùng để may màn hoặc làm khăn, áo tang. tấm khăn sô ~ may màn bằng vải sô.” (Hoàng Phê - Vietlex).

Mục 54 này, ngoài sai chính tả, NVK còn mắc thêm lỗi đối chiếu hai bản thành ngữ không đồng nghĩa mà chúng tôi đã nêu mở mục 11 của bài Kỳ 1 “Thu thập và đối chiếu nhiều đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt và Hán không đồng nghĩa, thậm chí trái nghĩa”.

55-“việc nọ sọ việc kia”.

Phải viết “việc nọ xọ việc kia” mới đúng. Vì “xọ” mới có nghĩa “chuyển đột ngột sang câu khác, chuyện khác không dính líu gì với nhau. câu nọ xọ câu kia ~ “Hai đứa tôi, gặp nhau chuyện nọ xọ chuyện kia, đủ thứ chuyện đời.” (Hoàng Phê - Vietlex).


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Gdt910


56-“xảy chân còn đỡ, lỡ miệng khó chữa”.

57-“xảy nhà ra thất nghiệp”.

58-“xẩy chân còn đỡ, lỡ miệng khó chữa. x. xảy chân còn đỡ, lỡ miệng khó chữa”.

Ba mục 56, 57 và 58, NVK đã phạm tới 4 lỗi chính tả. Theo đây, phải viết “sảy chân”, “sẩy nhà”, “sẩy chân”…mới đúng. Hoàng Phê-Vietlex: “sẩy đg. 1 sơ ý, làm một động tác [tay, chân, miệng, v.v.] biết ngay là thiếu cẩn thận nhưng không kịp giữ lại được, để xảy ra điều đáng tiếc. sẩy chân còn hơn sẩy miệng (tng) ~ “Xa sông xách nước bằng chình, Sẩy tay rớt xuống, gẫm mình vô duyên.” (Cdao)”.

Viết xảy/xẩy (ra) như NVK, nghĩa không phù hợp với các thành ngữ trên.

59-“trăm voi không được bát nước sáo”.

Phải viết “nước xáo” mới đúng. Vì “nước xáo” mới có nghĩa là nước luộc thịt có hương vị tổng hợp của xương, thịt, lòng, mề, tim, gan, tiết...Hoàng Phê-Vietlex: “xáo • đg. nấu thịt với nhiều nước và các loại rau, gia vị riêng. vịt xáo măng ~ trăm voi không được bát nước xáo”.

Ngoài lỗi chính tả, “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt-Hán” của NVK còn có khá nhiều lỗi mà chúng tôi tạm xếp vào dạng lỗi văn bản. Sở dĩ chúng tôi nói tạm xếp vào dạng lỗi văn bản, bởi có thể những cái sai mười mươi đó lại là sự lựa chọn, chủ ý của NVK - một kiểu sai giống hệt trong sách “Từ  điển chính tả tiếng Việt” của chính GS.TS Nguyễn Văn Khang. Sau đây là một số ví dụ:

60- “đắc ngư vọng thuyền 得魚忘筌”.

         Chính xác phải là “đắc ngư vong thuyên” 得魚忘筌 (được cá quên nơm; vong 忘 = quên; thuyên 筌 = nơm). Điều nguy hiểm là cả hai lỗi “vọng”“thuyền” trong trường hợp này đều có nghĩa, khiến người ta có thể hiểu “đắc ngư vọng thuyền” thành “được cá nhớ thuyền”(!).

61-“đông che hè mở 冬裝下葛”.

         Nhầm chữ “hạ” 夏 (mùa hè) thành “hạ” 下 (dưới). Theo đây phải viết “冬裝夏葛” mới đúng.

62-“mèo mó có hơn không”.

         Chính xác là “méo mó có hơn không”.

63-“mã cách loả thi 馬革裹尸”.

         Chính xác là “mã cách quả thi”, bởi “quả” mới có nghĩa là gói, bọc lại (mã cách quả thi 馬革裹尸= da ngựa bọc thây). Trên bàn phím hai con chữ “q” và “l” ở rất xa nhau, không hiểu vì sao chữ “quả 裹” lại nhầm thành “loả”. Không lẽ soạn giả từ điển nghe mang máng âm “oả” đâu đó rồi gõ chừng?

64-“như hổ mọc (thêm) cánh 如虎添翼 ≈ như cọp thêm cánh; như hổ thiên dực”.

         Chính xác là “như hổ thiêm dực” (đúng như phần nguyên văn chữ Hán của NVK), bởi “thiêm” 添 mới có nghĩa là “thêm” (như hổ thiêm dực 如虎添翼 = như hổ thêm cánh).

65-“như hổ thiên dực x. như hổ mọc (thêm) cánh)”.

         Mục này lặp lại cái sai của mục 64. Nếu xem đây là lỗi gõ nhầm (lỗi văn bản) có lẽ không đúng, vì NVK đã có chủ ý đọc chữ “thiêm 添”  thành “thiên” ở cả 2 mục (giống như lỗi chính tả lặp lại ở mục “miệng ăn núi lỡ, ngồi ăn núi lỡ”).

66-“phúc tử kỉ cầu 福自己求”.

         Chính xác phải là “phúc tự kỉ cầu” (tự 自 = tự mình).

67-“vạn cổ trường thành 萬古長青”.

         Chính xác là “vạn cổ trường thanh”.

68-“vạn cổ trường tôn 萬古長存”.

         Chính xác là “vạn cổ trường tồn”.


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Gdt810


69-“vinh quy bái tổ 榮貴拜祖”.

         Bản Hán, chữ “quy” 歸 là về, bị viết nhầm thành chữ “quý” 貴 trong quý báu.

70-“kính nhi viên chi 敬而遠之”.

         Chính xác là “kính nhi viễn chi”.

         Hãy còn nhiều lỗi trong từ điển của NVK, nhưng chúng tôi xin tạm dừng ở con số 70 mục. Như vậy, nếu tính cả những mục phạm cùng lúc nhiều lỗi, thì con số này đã ngót nghét gần trăm lỗi. Ấy là chưa kể hàng trăm lỗi “Hán hoá tiếng Việt” mà chúng tôi xin được gửi đến bạn đọc trong kỳ cuối của loạt bài viết.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”    NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  I_icon13Tue 14 Nov 2023, 07:59

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN” CỦA NGUYỄN VĂN KHANG

HOÀNG TUẤN CÔNG


Kỳ cuối: “HÁN HOÁ TIẾNG VIỆT” TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  


         “Hán hoá tiếng Việt” là gì? “Hán hoá tiếng Việt” ở đây được hiểu cụ thể là áp đặt các đơn vị thành ngữ tục ngữ trong tiếng Hán vào tiếng Việt, làm cho tiếng Việt giống với tiếng Hán, người Việt nói theo cách của người Hán.

         Trước khi đi vào cụ thể, chúng tôi xin nêu lại: “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Hán” của Nguyễn Văn Khang là loại từ điển đối chiếu, không phải từ điển giải thích. Tác giả NVK không dành một lời nào quy ước về cấu tạo của mỗi mục từ. Nhưng trong “Lời nói đầu” của bản in năm 1999, tác giả NVK đã viết: “Nói một cách cụ thể về cách làm là, trước một thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, chúng tôi cố gắng tìm các thành ngữ, tục ngữ tiếng Hoa tương đương”. Và theo quan sát của chúng tôi, trong mỗi mục từ, “thành ngữ tục ngữ tiếng Việt” được nêu ra trước, tiếp đến là phần đối chiếu với thành ngữ tục ngữ Hán được viết bằng nguyên văn chữ Hán kèm phiên âm Bắc Kinh. Vì đây là từ điển đối chiếu, nên tất cả các mục không kèm lời giải thích.

         Điều đáng nói, dường như tác giả NVK đã không phân biệt được sự khác nhau giữa thành ngữ tục ngữ Hán phiên âm Việt, với thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán. Bởi vậy, một mặt NVK đã “Hán hoá tiếng Việt” bằng cách “nhập khẩu” hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán (chỉ dùng trong tiếng Hán/Hoa) đặt vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt một cách sống sượng, khiên cưỡng; mặt khác “Hán hoá” nhiều thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán (chỉ dùng trong tiếng Việt), vốn đã trải qua một quá trình Việt hoá lâu dài. Thậm chí tác giả từ điển còn lấy bản dịch, hoặc bản phiên âm tục ngữ Hán và áp vào vị trí thành ngữ tục ngữ Việt, rồi đối chiếu với chính tục ngữ Hán.

         Sau đây chúng tôi tạm chia ra thành mấy loại “Hán hoá tiếng Việt”:

         1)   “Hán hoá tiếng Việt” bằng “nhập khẩu” thành ngữ tục ngữ Hán:

         Tục ngữ Việt là gì? Là những câu tục ngữ được sử dụng trong tiếng Việt, lời ăn tiếng nói của người Việt, ai cũng biết dùng, ai nghe cũng hiểu.

         Tục ngữ Hán là gì? Là những câu tục ngữ chỉ có trong tiếng Hán, không có trong tiếng Việt. Khi nghe những thành ngữ tục ngữ này, người Việt không hiểu gì, dù nghĩa đen hay nghĩa bóng.

         Thế nhưng, NVK đã thu thập hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán, sau đó phiên âm Hán Việt rồi đặt vào vị trí Việt để so sánh, “đối chiếu” với chính tiếng Hán (tức phần nguyên văn chữ Hán được từ điển mặc định là thành ngữ tục ngữ Hán).

         Xem “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt - Hán”, chúng tôi thấy nếu chữ đầu tiên của câu thành ngữ tục ngữ có âm đọc Hán Việt, thì hàng loạt tục ngữ Hán sẽ được liệt kê. Ví dụ: “khai môn ấp đạo 開門邑道”; “khai vân đổ thiên 開雲睹天”; “không huyệt lai phong 空穴來風”; “không trung lâu các 空中樓閣”; “khúc chung tấu nhã 曲終奏雅”; “khưu mộ sinh ai 邱墓生哀” v.v… Thậm chí có những mục như “ám tiễn thương nhân - 暗箭傷人”, NVK cho rằng, biến thể của “thành ngữ Việt” này là “minh thương dị đoá, ám tiễn nan phòng”, nhưng sự thực cả hai đều là thành ngữ Hán phiên âm Việt chứ không phải “thành ngữ Việt”.

         Hầu như phần chữ cái nào (vần A, B, C… trong từ điển) cũng có hiện tượng “Hán hoá” thành ngữ tục ngữ Việt. Tuy nhiên, do khuôn khổ bài viết có hạn, nên sau đây chúng tôi chỉ lược trích mỗi vần trong từ điển một vài trường hợp đại diện trong tổng số khoảng 120 mục tương tự:

         -“a kì sở hiếu - 阿其所好; a ý khúc tòng - 阿意曲從; ác nguyệt đảm phong - 握月擔風; ác quán mãn doanh - 惡貫滿盈; ẩn ác dương thiện - 隱惡揚善…”

         -“bạc thần khinh ngôn - 薄唇輕言; bế môn tạ khách - 閉門謝客; bế môn tu trai - 閉門修齋; bế nguyệt tu hoa - 閉月羞花; biệt hạc cô loan - 別鶴孤鸞; binh hoang mã loạn - 兵荒馬亂; bội nhập bội xuất - 倍入倍出…”

         -“cách cố đỉnh tân - 革故鼎新; cải triều hoán đại - 改朝換代; cam(sic) trường tương thức - 肝腸相識…”

         -“danh cương lợi toả - 名綱利鎖; danh phó kì thực - 名副其實; dĩ thân tuẫn chức - 以身殉職; dị như phản chưởng - 易如反掌…”

         -“đa hành bất nghĩa tất tự tệ - 多行不義必自斃; động toả nguyên phong-洞鎖原封; đơn khâm cô chẩm - 單衾孤枕…”

         -“gia bần tư hiền thê, quốc loạn tư lương lương tướng-家貧思賢妻國亂思良將; giải cấu tương phùng - 邂逅相逢…”

         -“hàm tiếu nhập địa - 含笑入地; hậu lai cư thượng - 后來居上; hiệp lộ tương phùng - 狹路相逢…”


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Hzen_h10


         Có những vần dày đặc hiện tượng “Hán hoá tiếng Việt” (từ đây chúng tôi lược bỏ phần nguyên văn chữ Hán cho ngắn gọn):

         -“kích trọc dương thanh; kiềm lư chi kĩ; kiếm bạt nỗ trương; kiếp hoả chi khôi; kiều sinh quán dưỡng; kiểu giả dị ô; kiểu uổng quá chính; kim âu vô khuyết; kim khoa ngọc luật; kim mã ngọc đường; kính hoa thuỷ nguyệt…”

         - “la quật câu cùng; la tước quật thử; lạc dĩ vong ưu; lạc hoa lưu thuỷ; lạc thiên chi mệnh; lão gian cự hoạt; lão kí phục lịch; lão ngưu thiểm độc; lão thảo tắc trách…”

         - “li kinh phản đạo; lí tại tuyệt ngôn; lí vô nhị thị; liêm ngoan lập noạ; liêm tuyền nhượng thuỷ…”

         -“nhật mộ đồ cùng; nhật mộ đồ viễn; ninh vi ngọc toái, bất vi ngoã toàn…”

         -“oa giác công danh; oa ngưu tiểu lợi…”

         -“phá phẫu trầm châu; phi môi bất đắc; phi sa tẩu thạch; phi thang đạo hoả…”

         -“sa để hoàng kim; sát ngôn quan sắc; sấu ngã phì nhân; tác pháp tự vệ; tạc tỉnh nhi ẩm (canh điền nhi thực)…”

         -“thoái tị tam xá; thố tử hồ bi; thốn hữu sở trường; thuỳ đầu táng khí; thử thiết cẩu đạo; thừa phong phá lãng; thuận phong chuyển đà; tuỳ phong chuyển đà; tương thị nhi tiếu…”

         -“ứng đối như lưu; ưu thắng bại liệt…”

         -“vạn vô nhất thất; vô sở bất vi; vạn biến bất li kì tông…”

         - “xả đoản thủ trường; xả tà vi chính…”

         .v.v…


NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Hzen_h11

Đây không phải là thành ngữ tục ngữ Việt mà chỉ là thành ngữ tục ngữ Hán phiên âm Hán Việt


         Thực tế trong tiếng Việt cũng có một số thành ngữ tục ngữ gốc Hán, mà tiếng Hán hay tiếng Việt đều giống nhau. Bởi đã được Việt hoá, nên một người Việt dù không được học chữ Hán vẫn có thể dùng đúng hoặc hiểu chính xác. Ví dụ: “Nhàn cư vi bất thiện (閑居為不善); Ác giả ác báo (惡者惡報); Hậu sinh khả uý (後生可畏) v.v…

         Tuy nhiên, những thành ngữ tục ngữ trong từ điển của NVK mà chúng tôi liệt kê ở phần trên chỉ là tục ngữ Hán phiên âm Hán Việt, chứ không phải lời ăn tiếng nói của người Việt. Thế nên, khi đọc lên, người Việt không ai hiểu gì. Bản thân  chúng tôi, nếu không tra từ điển tiếng Hán, thì cũng không dễ gì biết được ý nghĩa của tất cả những thành ngữ Hán này ra sao.

         2)-“Hán hoá” tiếng Việt bằng áp đặt các bản dịch thành ngữ tục ngữ Hán.

         Nhiều thành ngữ tục ngữ được NVK đặt ở vị trí Việt để so sánh với Hán, nhưng thực chất đó chỉ là thành ngữ tục ngữ Hán được đối dịch hoặc diễn giải nôm na sang tiếng Việt. Ví dụ:

         1-“cá mè đỏ đuôi 魴魚吃尾”

         Mục này NVK cho rằng, “cá mè đỏ đuôi” là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với “魴魚吃尾” (phường ngư ngật vĩ) Hán. Theo đây, có 3 điểm cần trao đổi:

         -Thành ngữ Hán “魴魚赤尾” (phường ngư xích vĩ = cá mè đỏ đuôi) bị viết nhầm thành “魴魚吃尾” (phường ngư ngật vĩ = cá mè ăn đuôi).

         -Thành ngữ Hán “魴魚赤尾” (phường ngư xích vĩ = cá mè đỏ đuôi; dị bản “魴魚赬尾” phường ngư trinh vĩ), vốn trong “Kinh thi”, lấy ý đuôi con cá mè bình thường có màu trắng, khi cá bị bệnh tật, mệt mỏi thì đuôi chuyển sang màu đỏ. Thế nên “cá mè đỏ đuôi” ví với tình trạng lao lực, chỉ người bị đuối sức, phải đảm nhận công việc quá nặng nhọc.

         -Trong kho tàng tiếng Việt, hoàn toàn không có thành ngữ “cá mè đỏ đuôi”. Bởi vậy, dù được NVK dịch ra từ tiếng Hán, nhưng ngoài nghĩa đen: con cá mè đỏ đuôi, thì không ai hiểu nghĩa bóng của nó là gì.

         2-“vang động núi sông 穿山裂石”.

         Mục này NVK cho rằng, “vang động núi sông” là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với thành ngữ Hán “穿山裂石” (xuyên sơn liệt thạch). Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ “vang động núi sông”. Căn cứ theo cách giảng của Hán ngữ đại từ điển, thì dị bản “穿雲裂石” (xuyên vân liệt thạch) có nghĩa đen: xuyên qua tầng mây, xẻ tan đá núi; nghĩa bóng chỉ lời nói, âm thanh vang rền, chấn động” [穿入雲層,震裂石塊. 極言聲音之激越]. Theo đây, “vang động núi sông” chỉ là bản NVK dịch và hiểu theo nghĩa bóng của “xuyên sơn liệt thạch” mà thôi.

         Như vậy, nếu cần đối chiếu, thì “long trời lở đất” mới là thành ngữ Việt đồng nghĩa với “xuyên sơn liệt thạch” Hán.

         3-“bổ phong tróc ảnh 捕風捉影 ≈ bắt bóng sợ gió”.

         Mục này NVK cho rằng, thành ngữ Việt “bổ phong tróc ảnh” (dị bản “bắt bóng sợ gió”) đồng nghĩa với “bổ phong tróc ảnh” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ nào là “bổ phong tróc ảnh” hay “bắt bóng sợ gió”, mà chỉ có “bắt bóng bắt gió” hoặc “bắt bóng đè chừng”. Phải chăng NVK đã nhầm “bắt bóng bắt gió” thành “bắt bóng sợ gió”? Rất khó xác định, bởi cả hai bản “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt-Hoa” (1999) và “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt  Hán” (2008) đều giống nhau.

         4-“cứng mồm cứng lưỡi 張口結舌”.

         Mục này NVK cho rằng, “cứng mồm cứng lưỡi” là thành ngữ Việt, đồng nghĩa với thành ngữ Hán “trương khẩu kết thiệt”. Tuy nhiên, tiếng Việt không có thành ngữ “cứng mồm cứng lưỡi”. Đây chỉ là bản dịch từ “trương khẩu kết thiệt” của tục ngữ Hán. Theo cách giảng của Hán ngữ đại từ điển, thì “trương khẩu kết thiệt” là: hình dung sự sợ hãi, hoang mang; vẻ đuối lý khiến cho không nói được câu nào. Theo đây, tiếng Việt chỉ có từ “cứng họng” để chỉ nghĩa thứ 2 của thành ngữ Hán “trương khẩu kết thiệt” mà thôi.

         5-“chữ đinh cũng không biết 目不識丁”.

         Mục này NVK cho rằng, “chữ đinh cũng không biết” là thành ngữ Việt đồng nghĩa với “目不識丁” (mục bất thức đinh) Hán. Tuy nhiên, để chỉ người dốt nát, không biết chữ gì, người Việt nói “một chữ bẻ/cắn đôi cũng không biết”, chứ không nói “chữ đinh cũng không biết”.

         Ngoài ra, còn hàng loạt thành ngữ tục ngữ dịch từ tiếng Hán khác được NVK đưa vào làm thành ngữ tục ngữ Việt, dù đọc lên vẫn hiểu, nhưng nếu nói đó là thành ngữ tục ngữ Việt thì hoàn toàn không phải. Sau đây là một số ví dụ (chúng tôi thay phần nguyên văn chữ Hán sau gạch nối [-] trong từ điển bằng phiên âm Hán Việt để bạn đọc dễ nhận biết so sánh):

         “Chần chừ do dự - do dự bất quyết”; “đào sâu suy nghĩ – thâm tư thục lự”; “đúng sai phải trái – đại thị tiểu phi”; “đứng ngoài cuộc - trí thân sự ngoại”; “gây bè gây đảng - tập quần kết đảng”; “khó nói nên lời - hữu khẩu nan phân”; “lên mặt cụ non - lão khí hoành thu”; “lên mặt doạ người - thịnh khí lăng nhân”; “lên mặt kẻ cả - ỷ lão mại lão”; “như ếch kêu chó cắn - lư minh cẩu phệ”; “lỡ miệng nói hớ - di nhân khẩu thực”; “phân biệt đối xử - biệt nhãn tương khán”; “quý của hơn người - ái tài như mệnh”; “ “xây lâu đài trên cát - không trung lâu các…”.v.v…

         Cũng có những “thành ngữ” chúng tôi  không biết NVK lấy ở đâu để đối chiếu với Hán, bởi tiếng Việt không có những thành ngữ này. Ví dụ: “thay nước không thay bình – 偷梁換柱”; “thay đổi thất thường – 風雲變幻”. v.v…

         3. “Hán hoá” trở lại thành ngữ tục ngữ Việt đã được Việt hoá:

         Thành ngữ tục ngữ Việt gốc Hán có nhiều câu đã được Việt hoá hoàn toàn, đến mức người ta đã quên đi bản gốc Hán, và chỉ sử dụng bản đối dịch, hoặc diễn nôm, có chỉnh sửa.

         Ví dụ: Trăm nghe không bằng một thấy (gốc Hán: 百聞不如一見 - Bách văn bất như nhất kiến); Miệng ăn núi lở (坐食崩山 - Toạ thực băng sơn); Anh lùn xem hội (倭人看戲 - Nuỵ nhân khán hý); Áo gấm về làng (錦衣回鄉 - Cẩm y hồi hương); Đầu gà còn hơn đuôi trâu (雞口牛後 - Kê khẩu ngưu hậu); Tai vách, mạch dừng (墻有縫壁有耳 - Tường hữu phùng, bích hữu nhĩ)…

         Theo đây, khi biên soạn loại từ điển đối chiếu thành ngữ tục ngữ Việt với Hán, thì bản đã được Việt hoá phải được xem là bản đại diện của thành ngữ tục ngữ Việt để đối chiếu với bản Hán. Tuy nhiên, NVK chủ trương khôi phục lại bản gốc Hán, hoặc bản Hán để đặt vào vị trí Việt, coi những bản này là bản chính. Ví dụ, NVK đảo vị trí các thành ngữ tục ngữ Hán thành Việt (có khoảng 100 trường hợp như thế này):

         -“bách văn bất như nhất kiến 百聞不如一見 ≈ trăm nghe không bằng một thấy”.

         -“kê khẩu ngưu hậu 雞口牛後 ≈ Đầu gà còn hơn đuôi trâu”.

         -“nuỵ nhân khán hý 倭人看場 ≈ Anh lùn xem hội”.

         -“thành môn thất hoả, hoạ cập trì ngư 城門失火殃及池魚 ≈ cháy thành vạ lây”…

         -“vong dương bổ lao 忘羊補牢 ≈ mất bò mới lo làm chuồng”.

         Thậm chí, trong tiếng Việt có bản Hán Việt Việt tạo, hoặc bản gốc Hán đã Việt hoá hoàn toàn, nhưng NVK lại dùng bản Hán thay cho Việt để đối chiếu với Hán. Ví dụ:

         -Để chỉ ai đó dốt nát, nhầm lẫn chữ nọ sang chữ kia, người Việt nói: “chữ tác đánh chữ tộ” (dị bản “chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ thành chữ quá”). Thế nhưng NVK lại cho người Việt nói theo kiểu người Hán: “lỗ ngư hợi thỉ 魯魚亥豕” (người Hán dùng cách nói này ám chỉ sự dốt nát, nhầm lẫn chữ “lỗ” 魯 thành chữ “ngư” 魚, chữ “hợi” 亥 thành chữ “thỉ” 豕, do các cặp này nhang nhác giống nhau, nhưng nghĩa thì khác nhau một trời một vực - HTC).

         -Người Việt có câu “trời cao biển rộng” hoặc “biển rộng trời cao” để chỉ sự rộng lớn, bao la như đất trời, vũ trụ. Thế nhưng NVK lại áp đặt câu “海闊天空” (hải khoát thiên không) của người Hán cho người Việt, tựa như người Việt không có cách nói nào khác của riêng mình.

         -Phép xem tướng của người Việt được đúc kết trong câu “mỏng môi hay hớt” (dị bản “mỏng môi hay hớt, trớt môi nói thừa”). Thế nhưng NVK lại cho người Việt nói theo kiểu của người Hán “bạc thần khinh ngôn 薄唇輕言” (người mỏng môi thì hay nói nhiều và lời nói khinh suất, thiếu thận trọng-HTC).v.v…

         -Ngay như “giải cấu tương phùng” là một thành ngữ có xuất hiện trong “Truyện Kiều”, nhưng không phải vì thế mà nó mặc nhiên trở thành “lời ăn tiếng nói” của người Việt, đặc biệt là trong tiếng Việt hiện đại. Thế nhưng, thay vì chọn bản đồng nghĩa “không hẹn mà gặp” (dị bản “không hẹn mà gặp, không rắp mà nên”), thì NVK lại chọn “邂逅相逢” (giải cấu tương phùng) làm thành ngữ Việt để đối chiếu với Hán.

         Cần phải nhắc lại rằng, NVK đối chiếu các đơn vị thành ngữ tục ngữ Việt với thành ngữ tục ngữ Hán trong tiếng Việt và tiếng Hán hiện đại “với tư cách là một ngoại ngữ”, như chính tác giả đã chỉ rõ: sách “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt – Hán”“công cụ tiện lợi cho việc những người biên, phiên dịch, giao tiếp song ngữ Hoa – Việt và học tiếng Hoa, tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ”.

Tuy nhiên, tất cả những câu như “a kì sở hiếu”, “a ý khúc tòng”, “kiềm lư chi kĩ”; “kiếm bạt nỗ trương”,“la quật câu cùng”, “la tước quật thử”…có thể từng xuất hiện đâu đó trong các tác phẩm cổ văn Việt Nam, nhưng nếu xem đây là lời ăn tiếng nói của người Việt, người Hán có thể giao tiếp với người Việt thông qua những thành ngữ tục ngữ này thì hoàn toàn nhầm lẫn. Đó là lời ăn tiếng nói của người Hán, người Việt không nói như vậy.

Thực ra, “Hán hoá tiếng Việt” không chỉ được NVK thực hiện trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt – Hán”. Trong hai cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông” (2003) và “Từ điển chính tả tiếng Việt” (2018) soạn giả đã thu thập và hướng dẫn cách viết hàng trăm thành ngữ tục ngữ Hán, như: “Đa hành bất nghĩa tất tự tệ; Niên quang tự tiễn; Yểm mục bổ tước; Yên tước nữ đường; Phong mã ngưu bất tương cập; Trần trần tương nhân; Thoái tị tam xá; Sư trực vi tráng; Kỉ nhân tựu thiên; Trướng trung khởi vũ; Tử trung cầu sinh…”.

Hướng dẫn viết và gọi các thành ngữ tục ngữ Hán trên đây là “tiếng Việt phổ thông”, chẳng phải NVK đang chủ trương “Hán hoá tiếng Việt” đó sao?

         Thực tế, nhiều thành ngữ tục ngữ Hán đã được người Việt tiếp nhận có chọn lọc qua nhiều con đường khác nhau, làm phong phú thêm kho tàng tiếng Việt. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, lâu dài và có sáng tạo. Trong khi những gì người ta thấy trong từ điển thành ngữ tục ngữ Việt đối chiếu với Hán của NVK lại là sự nhồi nhét, cưỡng bức, áp đặt, “Hán hoá tiếng Việt” một cách thô bạo, rất khó chấp nhận. Có lẽ do được tu nghiệp tại Bắc Kinh, tác giả NVK làu thông tiếng Hán đến độ đã tự “Hán hoá” và lầm tưởng người Việt giờ cũng sử dụng tiếng Hán giống tiếng mẹ đẻ như ông chăng?

         Như vậy, nếu những người Trung Quốc sử dụng cuốn từ điển “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt-Hán” của NVK để học tập hoặc nghiên cứu tiếng Việt, họ sẽ ngộ nhận người Việt vay mượn quá nhiều thành ngữ tục ngữ Hán. Ngược lại, thế hệ con cháu chúng ta, bao gồm cả lớp người Việt trẻ hải ngoại, hẳn cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên và không hiểu tại sao kho tàng thành ngữ tục ngữ Việt vốn rất phong phú, mà bỗng dưng cha ông chúng lại phải đi vay mượn, lệ thuộc vào tiếng Hán với số lượng nhiều và sống sượng đến vậy./.

HTC/9/2020

(Chân thành cảm ơn bạn đọc đã theo dõi loạt bài phê bình)

Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”    NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”  I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VIỆT - HÁN”
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Thành phần hóa học của tình yêu
» Các loài ếch sặc sỡ trong tự nhiên
» Ngạc nhiên với những điều tưởng chừng không có thật trong thế giới
» Ảnh đẹp thiên nhiên trong sương mù
» Ẩn mình trong thiên nhiên
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-