Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Thu 17 Mar 2022, 11:20
5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine
Blake Stilwell
Nga và Ukraine có một lịch sử lâu đời, bắt nguồn rất lâu từ trước khi bị áp lực kinh tế và cuộc xâm lược năm 2022 của Nga. Nga có thể coi Ukraine là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của mình, nhưng người Ukraine có ký ức lâu dài về sự thống trị của Nga và Liên Xô, một kỷ nguyên kéo dài hàng thế kỷ dẫn đến cái chết của hàng triệu người.
Kể từ cuối thế kỷ 18, Nga (và sau đó là Liên Xô) đã kiểm soát hoặc cố gắng kiểm soát các khu vực lịch sử của Ukraine, vì vậy có thể hiểu được rằng người Ukraine có thể cảm thấy chán nó và sẵn sàng chống trả.
1. Chiến tranh giành độc lập của Ukraine
Vào cuối Thế chiến thứ nhất, Đế quốc Nga sụp đổ và nằm dưới sự kiểm soát của những người Bolshevik, và nhiều người trong số những thủ lãnh quốc gia trước đây của đế chế đã cố gắng tuyên bố độc lập. Ukraine thành lập Cộng hòa Nhân dân Ukraine trong khi Liên Xô thiết lập một nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine đối nghịch ở phía đông.
Người Ukraine đã phải chiến đấu với Đức, đế quốc Áo-Hung, những người Bolshevik Nga, quân Bạch Vệ Nga trung thành với Nga hoàng và Ba Lan, trong khi phải tham dự một cuộc nội chiến tàn khốc vào giữa Thế chiến I. Đến năm 1922, chính phủ được quốc tế công nhận của Ukraine đã bị đánh bại và lãnh thổ của nó bị chia xẻ bởi Liên Xô, Ba Lan, Lỗ ma ni và Tiệp Khắc.
"Đại bàng Lwów", nhóm thanh niên Ba Lan trong trận Lemberg năm 1918 chống lại Cộng hòa Nhân dân Ukraine ở phía Tây. (Bảo tàng quân đội Ba Lan)
2. Khủng bố đỏ
Từ năm 1917 đến năm 1922, các đối thủ chính trị trong các khu vực do những người Bolshevik kiểm soát đã trải qua một làn sóng trả thù, đàn áp và hành quyết của chính quyền Bolshevik. Những đối thủ này bao gồm những người đứng về phía lực lượng Bạch Vệ trung thành với Sa hoàng trong Nội chiến Nga, Kulaks (địa chủ) và giai cấp tư sản trung lưu.
Những người Bolshevik gọi chiến dịch này là "Khủng bố Đỏ" và mô phỏng nó theo Thời kỳ khủng bố trong Cách mạng Pháp. Không chỉ giới hạn trong việc sử dụng súng, người Ukraine đã bị ném vào nước sôi, bị tra tấn công khai, bị xiên thịt, bị đóng đinh trên thập giá hoặc bị giết bằng một số cách đau đớn khác. Ước tính có khoảng 1,3 triệu người đã thiệt mạng.
Dịch nghĩa: "Cái chết cho những người tư sản và những người giúp đỡ họ. Khủng bố Đỏ muôn năm."
3. Holodomor: Nạn đói nhân tạo
Sau khi củng cố quyền lực trong ban lãnh đạo Liên Xô, Joseph Stalin chuyển sang thực hiện một chương trình công nghiệp hóa lớn trên toàn Liên Xô. Đồng thời, thu hoạch của Liên Xô thấp hơn nhiều so với dự kiến do canh tác tập thể và phân chia lại ruộng đất. Kết quả là một nạn đói do con người gây ra đã giết chết từ 3,5 đến 10 triệu người trong nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine.
Chính quyền Liên Xô ở Moscow không những chỉ hỗ trợ rất ít cho nạn đói ở Ukraine, mà còn tích cực cố gắng che đậy nó để duy trì một bề mặt sức mạnh quốc tế. Ngay cả bên trong các thành phố của Ukraine, rất ít người biết chuyện gì đang xảy ra với những người ở nông thôn.
Những người chết đói trên đường phố Kharkov, 1935. (Kho lưu trữ giáo phận Vienna)
4. Chiến tranh thế giới thứ hai
Quân đội Đức tiến đến thủ đô của Ukraine trong vòng sáu tuần sau khi tiến hành cuộc xâm lăng Liên Xô. Trong những ngày đầu của cuộc chiến, phần lớn người dân Ukraine coi người Đức là những người giải phóng cho họ, đặc biệt là ở các khu vực phía tây của đất nước, cách xa hơn với biên giới truyền thống của Nga. Nhiều người Ukraine đã gia nhập lực lượng Đức chống lại Hồng quân.
Quân Giải phóng Ukraine đã phối hợp với Đức Quốc xã để chống lại sự thống trị của Liên Xô đối với Ukraine.
Khi ý định của Đức ở phía đông trở nên rõ ràng hơn và Đức Quốc xã bắt đầu giết hàng loạt người Ukraine, ngày càng có nhiều người tham gia Hồng quân để chống lại cuộc xâm lược. Ukraine có dân số lớn thứ hai trong Liên Xô và là một phần lớn của quân đội Liên Xô. Khoảng 4,5 triệu người Ukraine đã phục vụ trong chiến tranh và 31% người Ukraine tham chiến trong Thế chiến thứ hai đã chết, tức là khoảng 1,4 triệu người.
5. Kháng chiến Liên Xô
Trong Thế chiến thứ hai, một cuộc nổi dậy đã nổ ra giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, những người không những chiến đấu với quân xâm lược Đức Quốc xã mà còn với cả Liên Xô. Quân đội nổi dậy Ukraine, một lực lượng quân sự chống phát xít, chống cộng sản với một lực lượng chính trị, đã chiến đấu vì một nhà nước Ukraine độc lập một thời gian dài sau khi Thế chiến II kết thúc.
Thiệp Giáng sinh do Quân đội nổi dậy Ukraine thực hiện và phân phối.
Từ năm 1944 đến năm 1954, quân du kích Ukraine đã giết khoảng 35.000 binh sĩ Liên Xô, sĩ quan cảnh sát và quan chức đảng. Đó là một tỷ lệ thương vong cao hơn so với những gì Liên Xô đã trải qua ở Afghanistan trong những năm 1980. Nó nhận được rất ít sự ủng hộ của quốc tế vì sự hợp tác của nó với Đức Quốc xã. Cuối cùng nó đã bị mật vụ NKVD của Liên Xô (sau này gọi là KGB) xâm nhập, dẫn đến các vụ bắt bớ và hành quyết trên diện rộng của các thành viên tổ chức này.
(Theo Military.com, Trà Mi dịch)
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Mon 21 Mar 2022, 12:36
Cuộc xâm lăng Ukraine của Vladimir Putin không chỉ là một cuộc chiến chính trị - đó là một cuộc thánh chiến
Stan Grant
Thủ lĩnh Chính thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill, đã gọi Vladimir Putin là "phép màu của Chúa". (Reuters: Sergei Karpukhin)
Đầu tiên, Vladimir Putin đến nhà thờ, mang vào cây thánh giá, sau đó ông ta giết người.
Đó là những gì Đức Tổng Giám mục Cyprus Chrysostomos đã nói về cuộc chiến Ukraine của Putin. Ông hỏi: Đây có phải là tính chính thống của Putin không?
Cuộc chiến này đã chia rẽ Giáo hội Chính thống trên toàn cầu. Đây không chỉ là một cuộc chiến chính trị, nó còn là một cuộc thánh chiến.
Vladimir Putin không thể tách Ukraine khỏi "nước Nga thần thánh": Đế chế Nga được ban bởi Chúa.
Crimea, bị Putin sáp nhập vào năm 2014, là cái nôi của Cơ đốc giáo Nga, nơi Hoàng tử Vladimir - thủ lĩnh của người Nga Kyiv - đã cải đạo sang tín ngưỡng này vào thế kỷ thứ 10.
Cộng đồng Cơ đốc giáo ban đầu ở Crimea đã có từ thế kỷ thứ nhất.
Vào thế kỷ 19, khi phương Tây ngày càng tách biệt nhà thờ và nhà nước, Sa hoàng Nga Nicolas, người đầu tiên đặt ra tầm nhìn của mình về bản sắc Nga với niềm tin cốt lõi: "Chính thống, Chuyên quyền, Dân tộc."
Đó vẫn là cách nhìn của Putin ngày nay. Nhà thờ và nhà nước không thể tách rời. Người đứng đầu Chính thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill, đã gọi Putin là "phép màu của Chúa".
Cùng với Putin, Thượng phụ Kirill đã làm sống lại ý tưởng về "Thế giới Nga". Điều mà khoa học gia chính trị Lena Surzhko Harned gần đây mô tả là sứ mệnh chung của nhà thờ và nhà nước, "biến nước Nga trở thành trung tâm văn minh chính trị, văn hóa và tinh thần để chống lại tư tưởng tự do, lý tưởng thế tục của phương Tây".
Putin tin rằng phương Tây đã quay lưng lại với Chúa và ông ta là người bảo vệ đức tin. (AP Ảnh: Alexander Zemlianichenko, File)
Cuộc thánh chiến này hoàn toàn hiện đại
Vladimir Putin tin rằng phương Tây đang suy đồi. Ông ta tin rằng phương Tây đã quay lưng lại với Chúa và ông ta là người bảo vệ đức tin.
Người đàn ông được mô tả là "bộ não của Putin", một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất ở nước Nga hiện đại, Aleksandr Dugin, nói rằng phương Tây là những người chống Thiên chúa.
Putin có thực sự là một tín đồ? Đó không thành vấn đề. Đây không phải là cá nhân, nó là chính trị. Cuộc thánh chiến này không phải thời trung cổ, nó hoàn toàn hiện đại.
Đó là về bản sắc trong một thế giới thay đổi. Nơi mà đức tin bị chuyển vào bên trong và ngoại trừ biểu tượng hoặc nghi lễ nó ngày càng bị đẩy ra khỏi sự tranh luận công khai.
Học giả ngành tôn giáo và chính trị Jocelyne Cesari đã lần theo dấu vết tiến hóa của thời hiện đại thế tục trong cuốn sách của bà, "Chúng ta là dân của Chúa". Bà nói bây giờ chúng ta đã đạt đến một điểm ở Tây Âu, nơi mà "thế giới này là tất cả những gì hiện có".
Có một sự phân chia giữa cái phổ biến và cái siêu việt - giữa cái gì là của Caesar và cái gì là của Chúa. Cái phổ biến là địa hạt chính trị.
Cesari nói rằng các tín đồ "được kỳ vọng sẽ giữ sự siêu việt cho chính mình". Bà nói rằng quốc gia hiện là "bản sắc tập thể nổi trội" vượt qua "lòng trung thành tôn giáo".
Trong cuốn sách của mình, "Thời đại thế tục", triết gia Charles Taylor nói: "Nền văn minh hiện đại không tránh khỏi mang đến cái chết của Chúa."
Taylor nói rằng chúng ta đã thấy sự trỗi dậy của một "chủ nghĩa nhân đạo độc quyền". Chúng ta đã hoán đổi Chúa cho một "nền văn hóa của sự xác thực, hay chủ nghĩa cá nhân được thể hiện, trong đó mọi người được khuyến khích tìm cách thức riêng của họ, khám phá sự thoả mãn của chính mình, 'làm việc riêng cho bản thân họ'."
Nhà triết học người Đức Max Scheler cũng đã viết về điều này - làm thế nào chúng ta có nguy cơ trở nên xa lánh nhau, bị cô lập khỏi thế giới "giảm phẩm chất và mất tư cách".
Niềm tin là một vũ khí
Chúng ta đấu tranh để đối phó với niềm tin trong những bài diễn thuyết công khai. Khi phát sinh, nó thường xoay quanh những vụ bê bối trong nhà thờ, hoặc các linh mục hay ngược đãi, hoặc các vấn đề về đạo đức và sự phân biệt đối xử.
Ở mức tồi tệ nhất, nó làm giảm bất kỳ thứ gì thành cuộc tranh luận dễ dàng xung quanh các nhân vật biếm hoạ như cầu thủ rugby Israel Folau và các thông điệp trên mạng xã hội của anh ta về những kẻ say xỉn, những kẻ giả mạo và những người đồng tính đang xuống địa ngục.
Chúng ta bỏ lỡ những câu hỏi sâu hơn về việc làm thế nào đức tin vẫn có thể định hình thế giới của chúng ta và - khi bị lạm dụng hoặc bị lợi dụng - có thể gây ra những hậu quả tàn khốc.
Osama bin Laden tô vẽ hào nhoáng chiến tranh và thường được chụp hình với khẩu súng. (Reuters)
Cesari nói rằng tôn giáo vẫn tồn tại trong quốc gia. Nếu các quốc gia là những "cộng đồng tưởng tượng", thì chúng không thành lập từ con số không.
Tôn giáo có thể được sử dụng như "nền tảng của bản sắc". Bà trích dẫn chính trị Hồi giáo như một ví dụ về cách đức tin có thể nổi lên như "một kỹ thuật hiện đại của sự cầm quyền".
Thế giới Hồi giáo đã chấp nhận - hoặc đã ép buộc chịu - những quan niệm của phương Tây về nhà nước hiện đại nhưng đức tin vẫn là yếu tố quan trọng đối với đời sống công cộng và bản sắc.
Hồi giáo cực đoan còn đưa nó đi xa hơn, tấn công trở lại phương Tây. Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 của Osama bin Laden vào Hoa Kỳ đã làm rung chuyển phương Tây vì sự tự mãn của nó rằng thế giới đã tiếp tục tiến triển ra khỏi các cuộc chiến tranh tôn giáo.
Theo cách riêng của ông ta, Putin không khác nhiều so với Osama bin Laden, một người mà niềm tin đã là vũ khí.
Như bin Laden đã trích dẫn các cuộc Thập tự chinh ở thế kỷ 11 và Putin tìm kiếm sự trở lại của ý tưởng về nước Nga thần thánh của thế kỷ 10, cả hai đều đã phản ứng với một thế giới hiện đại. Cả hai đều là sản phẩm của nó, cả hai đều đang tìm cách làm lại nó.
Như bin Laden đã tô vẽ hào nhoáng chiến tranh và thường được chụp hình với khẩu súng, Putin tôn vinh lịch sử chiến tranh của Nga và biểu tượng sức mạnh quân sự của nó.
Một lần nữa, nhà thờ là trung tâm. Các linh mục Chính thống giáo Nga ban phép lành cho vũ khí hạt nhân.
Chính thống giáo Nga có một phiên bản thánh chiến riêng, cái được gọi là podvig - một cuộc đấu tranh tinh thần. Như Cesari nói, podvig xác định rõ các cuộc chiến diễn ra ở Nga từ những năm 1300 đến Thế chiến II và các cuộc chiến ở Chechnya.
Tôn giáo có thể là bản sắc chết người
Năm 2020, Thượng phụ Kirill đã cử hành nghi lễ trong một nhà thờ mới của Lực lượng vũ trang Nga ở Moscow. Đây là một trong những nhà thờ lớn nhất ở Nga. Được xây dựng trong Công viên Yêu nước theo chủ đề quân sự, nhà thờ được trang hoàng bằng những hình ảnh về vũ khí và kỷ niệm các cuộc chiến tranh của Nga. Nó đã bị chỉ trích là ít tôn thờ Chúa Kitô và là một "sự sùng bái chiến thắng" nhiều hơn.
Trong khi hàng trăm linh mục đã ký vào lá thư phản đối sự tàn bạo ở Ukraine, thì Thượng phụ Kirill lại coi cuộc chiến của Putin là một "cuộc thập tự chinh".
Ông ta nói về "vương quốc và chức tư tế", cái mà ông ta gọi là "sự kết hợp giao hưởng giữa Giáo hội và Nhà nước".
Thượng phụ Kirill coi cuộc chiến của Putin là một "cuộc thập tự chinh". (AP: Oleg Varov / Dịch vụ Báo chí Nhà thờ Chính thống Nga)
Thượng phụ Kirill, giống như Putin, là người bảo vệ "các giá trị truyền thống". Ông ta ủng hộ cuộc đàn áp của Putin đối với đồng tính luyến ái và những ảnh hưởng văn hóa phương Tây.
Phương Tây là một kẻ thù, như Cesari lập luận, để "phục vụ bản sắc dân tộc". Mục đích của nó là chống lại "chương trình của đế quốc Tây phương Tây". Một lần nữa Cesari nói rằng có những âm hưởng của Hồi giáo cực đoan và lời kêu gọi vũ trang toàn cầu của nó:
"Putin kêu gọi tất cả những người theo đạo Thiên chúa bên ngoài nước Nga rập theo những cách giống như lời kêu gọi của các nhóm cực đoan Hồi giáo tham gia vào chiến binh Ummah."
Không thể hiểu cuộc chiến ở Ukraine mà không hiểu phương pháp đức tin trở thành vũ khí. Cho dù đó là Vladimir Putin, Osama bin Laden, Nhà nước Hồi giáo hay chủ nghĩa khủng bố dân tộc chủ nghĩa da trắng Cơ đốc giáo, tôn giáo như một bản sắc có thể tạo ra một sức hút chết người.
Phương Tây thế tục cũng cần xem xét lại cách họ làm giảm thiểu, thậm chí là chế nhạo đức tin. Nó đã hạ thấp đức tin xuống phạm vi cá nhân và tạo ra một khoảng trống chính trị và tinh thần mà những người khác tìm cách khai thác.
Các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây, vốn hiếm khi thảo luận về tôn giáo, trình bày thế giới quá thường xuyên bằng các thuật ngữ Manichean (nhị nguyên luận) - thiện và ác - mà không hiểu được làm thế nào mà các cuộc thánh chiến hiện đại là sản phẩm của chủ nghĩa thế tục và là phản ứng chống lại chính chủ nghĩa này.
Cuộc thánh chiến của Putin vi phạm những lời dạy vĩ đại của đức tin: hòa bình, khiêm tốn, nhân từ, tha thứ.
Victor Hugo đã viết: "Trong sáu nghìn năm chiến tranh đã làm hài lòng những dân tộc hay cãi vã và Chúa đã lãng phí thời gian của mình để tạo ra những vì sao và những bông hoa."
Có lẽ ông đã nhầm. Chúa thường được tìm thấy trên đầu các đội quân.
(Nguồn: abc news, Trà Mi dịch)
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Thu 24 Mar 2022, 11:21
Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tám giờ tối Chủ nhật, ngày 08/12/1991, Mikhail Gorbachev, Tổng thống Liên Xô, nhận được một cuộc điện thoại bằng đường dây tối mật. Người ở đầu dây bên kia là Stanislav Shushkevich, một giáo sư vật lý khiêm tốn, người mà vài tháng trước đó, trong công cuộc cải tổ của Gorbachev, đã được giao đảm nhận chức vụ lãnh đạo Cộng hòa Belarus thuộc Liên Xô. Shushkevich gọi từ một cabin đi săn trong khu rừng Belovezh tươi đẹp để nói với nhà cải cách vĩ đại rằng, ông đã ‘mất việc’: Liên Xô đã kết thúc rồi.
Nhìn lại, dấu hiệu cáo chung đã xuất hiện từ tháng 8, khi KGB, những nhân vật Cộng sản cứng rắn và quân đội đã buộc Gorbachev chịu quản thúc tại gia, và tiến hành một cuộc đảo chính. Sau ba ngày kháng cự hòa bình, dẫn đầu bởi Boris Yeltsin, Tổng thống Cộng hòa Xô viết Nga, họ đã rút lui. Sự kiện đó đã loại trừ mọi khả năng quay trở lại một Liên Xô trong quá khứ. Nhưng Gorbachev vẫn nuôi hy vọng về một người kế nhiệm hậu Xô Viết theo chủ trương tự do, như một cách để có thể giữ, chí ít là, một số nước cộng hòa liên kết với nhau. Cuộc gọi của Shushkevich đã giết chết hy vọng cuối cùng đó.
Một trong những nguyên nhân là sự sụp đổ của nền kinh tế Nga. Như Yegor Gaidar, nhà cải cách kinh tế hàng đầu của Yeltsin, sau này đã viết, đó là mùa thu của “những hàng thực phẩm ôi thiu…những cửa hiệu trống rỗng… những người phụ nữ lang thang tìm kiếm thức ăn, bất cứ thứ gì có thể ăn được… mức lương trung bình là bảy đô la một tháng.” Để thực hiện thành công những cải cách sâu rộng mà Gaidar đề xuất, Yeltsin cần một nước Nga có khả năng kiểm soát tiền tệ của chính mình. Điều đó có nghĩa là phải rời khỏi Liên bang Xô viết.
Chính Shuskevich cũng bị thúc đẩy bởi nền kinh tế suy sụp. Ông mời Yeltsin đến cùng mình trong căn nhà nghỉ dưỡng ở rừng sâu, với hy vọng rằng, nếu làm hài lòng vị tổng thống thì khí đốt và điện của Nga sẽ tiếp tục được chuyển tới Belarus. Mùa đông sẽ vô cùng khó khăn nếu không có chúng. Địa điểm Shuskevich chọn là một nhà nghỉ có tên Viskuli, nơi Leonid Brezhnev và Nikita Khrushchev từng giải trí với trò bắn bò rừng và nhiều trò tiêu khiển khác (đây là lý do nó có đường dây điện thoại nối với Moscow).
Yeltsin đề nghị Leonid Kravchuk, Tổng thống Cộng hòa Ukraine, tham gia cùng họ. Chủ nhật trước đó, người dân Ukraine đã bỏ phiếu áp đảo để phê chuẩn tuyên bố độc lập, rời khỏi Liên bang Xô viết. Tuyên bố đó đã được Quốc Hội của họ, Rada, thông qua ngay sau cuộc đảo chính tháng 8.
Yeltsin muốn những gì Kravchuk đạt được ở Ukraine không đơn thuần chỉ vì lý do kinh tế. Ông tin rằng độc lập sẽ là yếu tố quan trọng để củng cố quyền lực của mình, và để theo đuổi nền dân chủ tự do. Ukraine, cho đến tận thế kỷ 19, chưa bao giờ là một lãnh thổ được xác định rõ ràng, đồng thời vẫn luôn là nơi cư trú của nhiều dân tộc khác nhau, với sự chia rẽ văn hóa sâu sắc. Việc nước này trở thành một quốc gia đơn nhất, độc lập, trong phạm vi biên giới cũ của Liên Xô đã tạo tiền lệ cho nước Nga đi theo cách tương tự, và bác bỏ nền độc lập của các lãnh thổ nổi loạn như Chechnya. Đó là lý do tại sao Cộng hòa Nga là một trong ba chính thể đầu tiên trên thế giới công nhận Ukraine là một quốc gia độc lập.
Dù một thế giới nơi Ukraine, Nga và Belarus hoàn toàn độc lập khỏi Liên Xô nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng một thế giới nơi ba nước này không ràng buộc với nhau theo bất kỳ cách thức nào sẽ là điều đáng lo ngại đối với một người Nga như Yeltsin. Vấn đề không chỉ ở việc Ukraine là quốc gia đông dân thứ hai, và có sức mạnh kinh tế cũng đứng thứ hai trong số các nước cộng hòa còn lại, mà các ngành công nghiệp của nước này còn tích hợp chặt chẽ với các ngành công nghiệp Nga. Câu hỏi cũng không phải chỉ nằm ở việc điều gì sẽ xảy ra với các lực lượng hạt nhân đặt tại Ukraine nhưng lại nằm dưới sự chỉ huy của chính quyền Liên Xô ở Moscow. Vấn đề đi sâu hơn nhiều.
Một năm trước, trong “Tái thiết nước Nga” (Rebuilding Russia), một bài luận đăng trên tờ báo được lưu hành rộng rãi nhất Liên Xô, Alexander Solzhenitsyn đã hỏi “Nước Nga chính xác là gì? Hôm nay, ngay lúc này đây? Và – quan trọng hơn – ngày mai thì sao?… Bản thân người Nga nghĩ rằng ranh giới vùng đất của mình là ở đâu?” Sự cần thiết phải để các nước Baltic ra đi là rõ ràng – và khi họ rời Liên Xô vào năm 1990, Solzhenitsyn, Yeltsin, và phần lớn nước Nga đã cùng nhau ngăn chặn nỗ lực của nhóm theo chủ nghĩa phục thù muốn giữ các nước này ở lại liên bang. Điều này cũng đúng với vùng Trung Á và Caucasus; những khu vực vốn dĩ là thuộc địa. Nhưng Belarus và Ukraine là một phần của ‘vùng lõi đô thị.’ Solzhenitsyn lập luận rằng mối quan hệ gắn kết giữa “Tiểu Nga” (tức Ukraine), “Đại Nga,” và Belarus với nhau cần phải được bảo vệ bằng mọi cách, trừ chiến tranh.
Suốt hàng thế kỷ, Ukraine đã định hình bản sắc Nga. Là trung tâm của một đại công quốc thời Trung cổ có tên gọi Kyivan Rus, kéo dài từ Biển Trắng ở phía bắc, đến Biển Đen ở phía nam, Kyiv được coi là cái nôi của văn hóa Nga và Belarus, đồng thời là nền tảng của đức tin Chính thống giáo của họ. Thống nhất với Ukraine là điều kiện cơ bản giúp người Nga cảm thấy mình là người châu Âu. Trong cuốn “Vương quốc đã mất” (Lost Kingdom, 2017), Serhii Plokhy, một sử gia người Ukraine, mô tả cách “huyền thoại về nguồn gốc của người Kyiv … đã trở thành nền tảng trong hệ tư tưởng của Đại Công quốc Moskva (Muscovy), khi chính thể này chuyển từ thần phục Mông Cổ thành một quốc gia có chủ quyền, và sau đó là một đế chế.” Đế chế Nga cần phải có Ukraine; và Nga không có lịch sử nào khác ngoài lịch sử một đế chế. Ý tưởng rằng Kyiv chỉ là thủ đô của một quốc gia láng giềng là điều không thể tưởng tượng đối với người Nga.
Nhưng với người Ukraine, chuyện không phải như vậy. Vào bữa tối đầu tiên ở Viskuli, khi Yeltsin và Kravchuk ngồi đối diện nhau, những ly rượu mừng đã giúp tình bạn chớm nở. Tuy nhiên, tình bạn mà Kravchuk mong muốn là loại thân tình đi kèm với một tấm séc cấp dưỡng đàng hoàng, chứ không phải loại đi kèm với những lời hứa suông.
Kravchuk sinh năm 1934 tại tỉnh Volhynia, miền tây Ukraine – khi đó là một phần của Ba Lan, nhưng đã được nhượng lại cho Liên Xô theo một điều khoản trong hiệp ước bất tương xâm mà nước này ký với Đức vào năm 1939. Tuổi thơ chìm trong cảnh thanh trừng sắc tộc, đàn áp, và chiến tranh đã dạy cho Kravchuk, như lời chính ông, “đi giữa những giọt mưa” [nghĩa là tránh được những khó khăn – ND]. Đó là một kỹ năng khiến ông trở thành một thành viên lý tưởng cho bộ máy cộng sản, sau đó là trở thành một người đấu tranh cho nền độc lập của Ukraine – không phải vì bất kỳ lý tưởng cao siêu nào, mà đơn giản là vì ông muốn có cơ hội điều hành đất nước của chính mình.
Trưng cầu dân ý đã trao cho ông cơ hội ấy, khi nền độc lập được đa số dân cư ở mọi vùng khắp đất nước tán thành, kể cả vùng phía tây trước đây thuộc về Áo-Hung, với các nhà thờ và quán cà phê theo lối kiến trúc Baroque, lẫn phía đông Xô viết hóa và công nghiệp hóa, nơi phần lớn 11 triệu dân Ukraine gốc Nga sinh sống. Kravchuk cần nhiều đáp ứng thiết thực từ Nga, nhưng ông cũng thừa nhận những lợi ích mà người Nga nhắm đến. Ông muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với Yeltsin, và vì vậy đã quyết định đến buổi gặp mặt trong rừng. Nhưng ông không chủ tâm trao cho Nga một lối thoát khỏi liên minh theo bất kỳ cách nào sẽ làm tổn hại đến nền độc lập của Ukraine.
Thỏa thuận, ở dạng dự thảo, vào lúc 4 giờ sáng ngày Chủ nhật, đã đạt được những mục tiêu đó bằng một phương cách khá gọn gàng. Việc nước Nga đơn giản theo chân Ukraine tuyên bố độc lập sẽ tự nó giải quyết câu hỏi về các nước cộng hòa còn lại của Liên Xô. Vì vậy, thay vào đó, họ đã bãi bỏ chính Liên Xô.
Liên bang Xô viết được thành lập vào năm 1922, thông qua một tuyên bố chung của bốn nước cộng hòa Xô viết – Cộng hòa Liên bang Ngoại Kavkaz (TSFSR), Nga, Ukraine và Belarus. Với việc TSFSR đã bị chia cắt từ lâu, các tổng thống theo đó cũng xóa bỏ những gì mà các tiền bối của họ đã ràng buộc với nhau. Họ sử dụng từ Cộng đồng Các Quốc gia Độc lập (Commonwealth of Independent States, CIS) thay cho từ “liên minh” (union)– Kravchuk không cho phép sử dụng từ “liên minh”. Khối này chỉ có một vài thẩm quyền được xác định rõ ràng, và bất kỳ quốc gia hậu Xô viết nào cũng được hoan nghênh tham gia khối. Không có mối quan hệ đặc biệt nào giữa ba nước vùng Slavơ được đề cập.
Chiều hôm đó, ba vị lãnh đạo đã ký thỏa thuận, theo đó tuyên bố rằng “Liên Xô với tư cách là một chủ thể của luật pháp quốc tế, và thực thể địa chính trị, đã không còn tồn tại.” Công việc tiếp theo thuộc về người trẻ nhất trong số ba tổng thống – cũng là người kém nhiệt tình nhất với những gì họ vừa làm – đó là thông báo cho Moscow về những gì đã xảy ra.
Gorbachev đã nổi giận. Tầm quan trọng của Ukraine không phải là một vấn đề trừu tượng đối với ông. Giống như Solzhenitsyn, ông là con của một người mẹ Ukraine và một người cha Nga. Ông lớn lên cùng những khúc hát Ukraine và đọc sách của Nicolai Gogol, người đã biến những câu chuyện dân gian của quê hương mình thành một kho tàng thơ văn phong phú sau khi chuyển đến St. Petersburg. Sự ra đời của Liên Xô có nghĩa là Gorbachev và những người giống như ông, dù có nguồn gốc lai lịch ra sao, đều mang trong mình hai bản sắc: Nga và Ukraine.
Quan trọng hơn, dù cuộc đảo chính thất bại đã khiến việc tan rã ít nhiều là không thể tránh khỏi, nhưng việc giải thể một đế chế đa sắc tộc với 250 triệu dân vẫn là một chủ đề gây chấn động. Như Solzhenitsyn đã viết trong bài “Tái thiết nước Nga”, “Chiếc đồng hồ chủ nghĩa cộng sản đã ngừng chạy. Nhưng tòa tháp bằng bê tông của nó vẫn chưa sụp đổ. Và chúng ta phải cẩn thận để không bị đè bẹp bên dưới đống đổ nát, thay vì giành được tự do.” Thực tế là trong đống đổ nát đó, nếu quả thật có một đống đổ nát, tồn tại một kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, nằm rải rác giữa bốn quốc gia riêng biệt (ba nước Slavơ và Kazakhstan), và điều này khiến các chính khách trên khắp thế giới lo sợ. Khi kinh tế rơi vào suy thoái, Gorbachev đã đến gặp Tổng thống George Bush để vay 10 đến 15 tỷ đô la, và lúc ấy mối quan tâm hàng đầu của Bush là mối đe dọa hạt nhân. Lo lắng tương tự đã khiến Gorbachev phản đối sự ly khai của Ukraine trong một bài phát biểu được đưa ra ngay trước cuộc đảo chính vào tháng 8. “Anh có nhận ra mình đã làm gì không?” Gorbachev hỏi Shushkevich. “Nếu Bush phát hiện ra chuyện này thì sao?”
Câu hỏi đó thật ra đang được trả lời trên một trong những đường dây điện thoại khác của cabin. Andrei Kozyrev, bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Nga, đã gặp chút khó khăn khi tìm cách gọi cho Bush. Một nhân viên lễ tân của Bộ Ngoại giao Mỹ (do Kozyrev không có số trực tiếp của Nhà Trắng nên phải gọi qua Bộ Ngoại giao) nói với người đàn ông có chất giọng Nga, đang yêu cầu cô kết nối một người tên Yeltsin với Tổng thống Mỹ, rằng cô ấy “không có tâm trạng tham gia mấy trò chơi khăm.” Kozyrev cũng không thể cho số để Bộ Ngoại giao Mỹ liên hệ lại, để có thể chứng minh sự thành thật của bản thân: vì ông không biết số điện thoại của cabin nơi ông đang gọi đi. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông cũng được kết nối, và trở thành phiên dịch viên trong lúc Yeltsin giải thích với Bush rằng kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nằm trong tay một thứ gọi là Cộng đồng các Quốc gia Độc lập.
Gorbachev không rõ Bush sẽ phản ứng như thế nào, và bản thân Bush cũng vậy. Đoạn nhật ký thu âm mà Tổng thống Mỹ ghi lại vào ngày hôm sau đã tràn ngập những câu hỏi đầy lo lắng: “Đêm thứ Hai này, tôi chợt thấy mình lo nghĩ nhiều về hành động quân sự. Quân đội [Liên Xô] ở đâu – họ đang rất im ắng. Chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu nó có vượt khỏi tầm kiểm soát? Gorbachev sẽ từ chức? Hay ông ta sẽ cố gắng chống trả? Yeltsin có cẩn trọng suy xét mọi chuyện chưa? Đây quả là một tình huống khó khăn – rất khó khăn.” Mối nghi ngờ tương tự cũng len lỏi trong tâm trí của ba vị tổng thống trong rừng. Khi Yeltsin và đoàn tùy tùng quay trở lại Moscow, họ nói đùa về việc máy bay của mình bị bắn rơi. Tiếng cười không hoàn toàn che giấu được nỗi lo.
Thế nhưng, những vụ bắn hạ máy bay, cùng với sự vi phạm chủ quyền của Ukraine, việc chiếm đóng Crimea, cùng sự tái khẳng định rằng di sản của Kyivian Rus có nghĩa là các quốc gia phải bị ‘xích’ lại chung với nhau, và sự đảo ngược của Belarus sang chế độ độc tài – tất cả các sự kiện này đều đã lần lượt xảy ra, dẫn đến việc vào một tháng 12 của 30 năm sau đó, ít nhất 70.000 quân Nga đã tiến gần đến biên giới Ukraine và, trong một diễn biến khác, hàng nghìn người tị nạn Trung Đông đã mắc kẹt trong chính khu rừng Belovezh. Câu hỏi từng có vẻ đã được giải quyết về mối quan hệ thời hậu Xô Viết giữa ba quốc gia lại một lần nữa trở thành mối quan tâm địa chính trị lớn.
Tuy nhiên, ngày trước, khi đứng giữa những cây thông phủ đầy tuyết, sau khi rời cuộc họp, Yeltsin đã ngập trong cảm giác nhẹ nhàng và tự do. Ông hồi tưởng “khi ký thỏa thuận này, Nga đã chọn một con đường khác, con đường phát triển nội bộ hơn là trở thành một đế chế… Đất nước đang vứt bỏ hình ảnh truyền thống là ‘cường quốc của một nửa thế giới,’ hình ảnh về cuộc xung đột vũ trang với các nền văn minh Tây phương, và vai trò cảnh sát trong việc giải quyết các xung đột sắc tộc. Giờ khắc cuối cùng của đế chế Xô Viết đã điểm.” Có thể sự phụ thuộc lẫn nhau một cách phức tạp giữa Nga và Ukraine không quan trọng nhiều như chúng ta nghĩ; một quốc gia dân chủ thôi là đủ rồi. Có thể vấn đề chính là trí tưởng tượng của chúng ta đã sai lầm.
Nguồn: Why Russia Has Never Accepted Ukrainian Independence, The Economist, 18/12/2021
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Thu 31 Mar 2022, 12:37
Từ năm 1917 người Ukraine đã đấu tranh đòi hỏi quyền tự trị thoát ly khỏi Nga
Đào Văn
Theo Điện Cẩm Linh, TT Putin vào năm 2021 tuyên bố," "Chúng tôi biết và nhớ rõ rằng nó (Ukraine) đã được định hình...Để biết chắc chắn về điều đó, chỉ cần nhìn vào ranh giới của các vùng đất được thống nhất với nhà nước Nga vào thế kỷ 17" - "Nga chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chống lại Ukraine". Về phía cựu TT Trump, theo báo cánh hữu tờ New York Post vào ngày 16.3.2022 loan tải bài viết về việc Cựu Tổng thống Donald Trump "ngạc nhiên" khi Tổng thống Nga Putin ra lệnh xâm lược nước láng giềng Ukraine và rằng " ai là người cứng rắn với Nga hơn tôi? Tôi đã gửi hàng tỷ tỷ đô la" cho liên minh". Một câu hỏi liên quan đến cuộc chiến hiện nay rằng Ukraine không nằm trong khối NATO mà tại sao lại sử dụng thành thạo vũ khí của Mỹ để chống lại Nga? Phần trình bày sau tóm lược trích đoạn dựa vào tài liệu của Điện Cẩm Linh, của cơ quan Tình Báo Trung Ương CIA và báo cánh hữu NY Post .
✲ Tuyên bố của TT Putin: sẽ không bao giờ chống lại Ukraine
Theo băn văn của Điện Cẩm Linh loan tải ngày 12.7.2021 về tuyên bố của TT Putun "Khi tôi được hỏi về quan hệ Nga-Ukraine, tôi đã nói rằng người Nga và người Ukraine là một dân tộc - một tổng thể duy nhất" -" Tôi tin tưởng rằng chủ quyền thực sự của Ukraine chỉ có thể thực hiện được khi hợp tác với Nga. "I am confident that true sovereignty of Ukraine is possible only in partnership with Russia"."..."
Ukraine ngày nay hoàn toàn là sản phẩm của thời kỳ Xô Viết. Chúng tôi biết và nhớ rõ rằng nó đã được định hình - một phần đáng kể - trên vùng đất của nước Nga theo lịch sử. Để chắc chắn về điều đó, chỉ cần nhìn vào ranh giới của các vùng đất được thống nhất với nhà nước Nga vào thế kỷ 17 và lãnh thổ của Lực lượng SSR Ukraina khi nó rời Liên Xô là đủ." - "..." "Nga chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chống lại Ukraine . Và Ukraine sẽ như thế nào - do công dân của họ quyết định - "Russia has never been and will never be ”anti-Ukraine“. And what Ukraine will be – it is up to its citizens to decide".[1]
Bản văn trên của TT Putin, có đoạn viết " Sau Cách mạng Tháng Hai, vào tháng 3 năm 1917, Trung ương Rada được thành lập ở Kiev, DỰ ĐỊNH trở thành cơ quan của quyền lực tối cao - After the February Revolution, in March 1917, the Central Rada was established in Kiev, intended to become the organ of supreme power". Tuy nhiên theo tài liệu của Cơ quan CIA, vấn đề không phải là còn trong giai đoạn DỰ ĐỊNH... Bản văn thiết lập năm 1958 và được công bố lên Thư viện CIA online ngày 27.12.2016 cho biết:
✲ Các yếu tố dẫn đến các cuộc kháng chiến và các khu vực lực lượng đặc biệt Ukraine hoạt động.
① Dân số và việc canh tác đất đai
Dân số Ukraine vào ngày 1 tháng 4 năm 1956 dựa theo các số liệu chính thức của Liên Xô báo cáo là 40.587.000. Theo tài liệu của CIA, Ukraine chiếm giữ khu vực màu mỡ nhất của Liên Xô và do đó, khu vực này được trồng trọt nhiều hơn bất kỳ khu vực nào có quy mô tương tự. Mặc dù chỉ bao gồm 2,6% tổng diện tích của Liên Xô, Ukraine có gần 25% diện tích đất trồng trọt và hơn 20% diện tích đất đã canh tác. Vào năm 1955, khoảng 55% diện tích tại quốc gia này được trồng trọt - con số này lớn hơn khoảng 54 lần so với mức trung bình của Liên Xô nói chung. Do có nhiều khu vực rộng lớn của Ukraine đang được canh tác nên khả năng thoát ly khỏi sự kiểm soát của Liên xô là điều rất khó khăn.( trang 49/2019)
② Nguồn gốc của sự chống đối
Sự phản đối cơ bản của người Ukraine đối với sự cai trị của Nga bắt nguồn từ gốc rễ sâu xa đã kích thích họ nổi dậy chống đối . Ngôn ngữ được dùng là tiếng Ukraina, mặc dù là một bộ phận của nhóm ngôn ngữ Đông Slavie, về cơ bản khác với các ngôn ngữ như tiếng Nga và tiếng Belonissan. Trước thế kỷ 19, nó không được viết thành văn, và một phần lớn giới trí thức Ukraine và người dân thành phố đã sử dụng nó, cũng là ngôn ngữ duy nhất được đông đảo nông dân hiểu được, và sau năm 1800 các tác phẩm viết bằng tiếng Ukraina bắt đầu xuất hiện bất chấp sự phản đối của chính phủ Nga. Đến năm 1900, ngôn ngữ này đã phát triển thành từ vựng và cấu trúc của riêng nó, và được Học viện Khoa học Hoàng gia Nga chính thức công nhận. Tính đặc biệt của ngôn ngữ Ukraine có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào dân tộc chủ nghĩa, việc nông dân Ukraine không có khả năng đọc các ấn phẩm tiếng Nga và nói chuyện với người Nga - đặc biệt là các quan chức chính phủ - sự kiện này đã góp phần khiến họ cảm thấy xa cách và đã đấu tranh để được chính thức công nhận quyền sử dụng tiếng Ukraina, và được coi là điểm tập hợp của phong trào dân tộc chủ nghĩa. ( trang 7/219)
③ Kháng chiến và nội chiến, 1917-1921
Dấu hiệu mạnh mẽ đầu tiên về tình trạng bất ổn ở Ukraine và các cuộc chống đối sự cai trị của Nga xuất hiện trong Thế chiến thứ nhất sau khi cuộc cách mạng tháng 3 năm 1917 đã tiêu diệt chính quyền Sa hoàng và mở đường cho các cuộc nổi dậy cục bộ trên khắp Đế quốc Nga, vào thời gian này các nhà trí thức và sinh viên họp ở Kiev đã thành lập một hội đồng Ukraine - Hội đồng Rada Trung ương ( Hội đồng Đại biểu toàn quốc). Mặc dù từ chối tuyên bố độc lập đối với Nga, nhưng người Ukraine đòi hỏi quyền tự trị trong khu vực, quyền sử dụng tiếng Ukraine trong các trường học, trong chính phủ và cuộc sống công cộng, và thành lập các đơn vị quân đội Ukraine riêng biệt. Tuy nhiên, Rada đã thất bại trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình khi những người Bolshevik Nga lật đổ Chính phủ Lâm thời và đưa quân vào Ukraine, Rada nhanh chóng bị đánh bại và buộc phải bỏ chạy khỏi Kiev vào đầu năm 1918.
Tuy nhiên chính phủ Đức ủng hộ nền độc lập của Ukraine khỏi sự kiểm soát của những người Bolshevik, đã quét sạch quân đội Nga khỏi Ukraine của và trả Rada cho Kiev. Dịp này những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine một lần nữa có cơ hội điều hành Ukraine. Nhưng quyền tự do hành động của họ bị hạn chế bởi sự chiếm đóng của Đức và các quan chức Đức can thiệp vào cả đời sống chính trị và kinh tế của đất nước Ukraine. Ukraine đã được cả Đức và Nga công nhận là một quốc gia độc lập. (trang 11/219)
④ Kháng chiến chống lại chế độ Xô Viết, 1921-1942.
Vào tháng 11 năm 1920, qua việc thành lập một chính phủ Xô Viết nhằm ổn định ở Ukraine nhưng bị phản kháng bởi các nhóm dân tộc chủ nghĩa .Cuộc đột kích vào tháng 10 năm 1921 do Tướng Tiutiunnyk cầm đầu bị đánh bại sau khi đưa quân vào miền tây Ukraine từ biên giới Ba Lan. Trong suốt những năm thuộc thập niên Hai mươi, sự phản đối sự cai trị của Liên Xô luôn diễn ra. Các nhà lãnh đạo Bolshevik Nga, vì muốn dành giành được sự ủng hộ ở Ukraine, đã áp dụng một chính sách ôn hòa hơn, bố cáo rằng ngôn ngữ và văn hóa Ukraine được duy trì, nhằm thu hút người Ukraine bản địa tham gia vào vị trí lãnh đạo, và để nhượng bộ cấp quyền độc lập cho các địa phương .
Tuy nhiên, xung đột giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine và các nhà lãnh đạo Liên Xô đã phát sinh . Đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nơi những người Ukraine bao gồm cả một số thành viên của Đảng Cộng sản quay lưng lại với Nga về văn học và nghệ thuật , và hướng về Tây Âu. Dưới áp lực của Stalin tuy đã không có xung đột công khai nào diễn ra, nhưng nhiều nhà văn Ukraine tiếp tục phản đối mối quan hệ giữa văn học Nga và Ukraine, và những hạn chế do Bolshevik áp đặt đã làm gia tăng sự bất mãn của người Ukraine đối với sự cai trị của Liên Xô.
Cuộc phản kháng thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với sự cai trị của Liên Xô đã xuất hiện trong những người nông dân Ukraine, sau năm 1927 dưới áp lực ngày càng gia tăng buộc những nông dân phải từ bỏ đất đai do họ sở hữu đã dẫn đến nạn đói tập thể . Năm 1928, các loại thuế phân biệt đối xử và thuế ngũ cốc được áp dụng đối với những người giàu có, các hạn chế được đặt ra đối với quyền tư hữu của nông dân, và nhiều biện pháp khác được áp dụng yêu cầu nông dân tham gia vào các hợp tác xã do nhà nước quản lý. Năm 1929, người ta quyết định loại bỏ hoàn toàn giai cấp kulaks (nông dân giàu có): ruộng đất của họ bị tịch thu; họ bị từ chối quyền tham gia vào hợp tác xã và bị trục xuất khỏi nơi họ sinh sống. Sau năm 1930, tất cả những người nông dân buộc phải rời bỏ trang trại cá nhân của họ, nông dân trên khắp Liên bang Xô viết không thích cách làm mới, và giai đoạn từ năm 1929 đến năm 1933, thời kỳ xung đột diễn ra gay gắt ở tất cả các vùng nông thôn. ( trang 10 và 11/219)
⑤ Kháng chiến trong chiến tranh thế giới thứ hai và từ 1945-1957
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và cuộc xâm lược Liên Xô của Đức đã tạo cơ hội mới cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine chống lại sự cai trị của Nga Xô Viết. Khi Hồng quân bị buộc phải rút khỏi Ukraine, sự kiểm soát của Liên Xô đã bị loại bỏ và người Ukraine được phép thể hiện tình cảm dân tộc trong khuôn khổ chính sách của Đức. Trong thời kỳ chiến tranh những bài học về kháng chiến là yếu tố cụ thể về khả năng hình thành Lực lượng Đặc biệt ở Ukraine. Cuộc kháng chiến của người Ukraine trong thời kỳ chiến tranh chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố. Đầu tiên là thái độ của chính quyền Đức đối với Ukraine và đặc biệt là đối với chủ nghĩa dân tộc Ukraine.
Quân đội Đức đã tuyển dụng các thông dịch viên và các đơn vị cảnh sát người Ukraine, đồng thời tổ chức một lực lượng nhỏ quân đội Ukraine; nhưng một số giới chức cao cấp của Đức phản đối chủ nghĩa dân tộc Ukraine, nhiều nhà lãnh đạo Ukraine đã bị bỏ tù và một chính sách nghiêm khắc áp đặt đối với phong trào dân tộc. (trang 12/219)
• Kháng chiến vào thời gian 1945-1957
Người tham gia vào các hoạt động kháng chiến với sự tái chiếm Ukraine của quân đội Nga vào cuối Thế chiến thứ hai, các đảng phái chủ nghĩa trong chiến tranh đã chiến đấu với cả hai chống lại Quân đội Đức và chống lại các lực lượng Liên Xô. Nhiều người Ukraine không chấp nhận sự cai trị của Liên Xô và do đó tại các khu vực mà họ đã kiểm soát trong thời gian Đức chiếm đóng, họ đã dùng các căn cứ này tiếp tục chống lại các lực lượng Nga. Đồng thời, khi Hồng quân một lần nữa hành quân vào các quận Volhynia và Galicia của Ba Lan trước đây và khi chính phủ Liên Xô thể hiện rõ ý định sáp nhập những khu vực này vào Liên bang Xô viết. Để chống lại việc sáp nhập , một số lượng lớn cư dân đã hỗ trợ tích cực cho các kháng chiến quân, cung cấp thực phẩm và vật dụng và cung cấp nơi trú ẩn. Kết quả đã tạo ra một khu vực vững chắc cho sự phản kháng Liên Xô đã được thiết lập. Một phong trào phản kháng đã xuất hiện, tập trung chủ yếu ở các quận phía tây, bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine thống trị. Chính phong trào này đã chịu trách nhiệm cho hầu hết các hoạt động kháng chiến sau chiến tranh. Sự phản kháng ở các khu vực khác của Ukraine chỉ xuất hiện một cách lẻ tẻ và hạn chế.
• Các tổ chức kháng chiến Quốc gia Ukraina
Phong trào đối lập do các nhóm kháng chiến dân tộc chủ nghĩa Ukraine thành lập được coi là một phong trào có tổ chức quy mô, các mục tiêu dài hạn đã được vạch ra cẩn thận. Phong trào này đã được coi là chủ chốt trong việc đánh bại Lực lượng Liên Xô kiểm soát Ukraine và sự hình thành một nhà nước Ukraine độc lập. Phong trào bao gồm các hoạt động không chỉ là các biện pháp công khai chống lại chế độ, chẳng hạn như phá hủy các cây cầu và trụ sở cảnh sát, mà còn tung ra chiến dịch tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc để chống Bolshevik. Ba tổ chức kháng chiến đã thành lập : Tổ chức Những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraina (LHQ), Tổ chức quân đội Urgent Ukraina (UFR) và Hội đồng Giải phóng Tối cao Ukraina (CHVR). Ba tổ chức này đã được liên kết chặt chẽ với nhau.
Trong những năm gần đây, vì các biện pháp đàn áp mạnh tay của Liên Xô đã phá hủy gần như hoàn toàn phong trào chống đối bên trong Ukraine, biến ba tổ chức này chỉ còn danh nghĩa trên giấy tờ.
• Các biến cố do lực lượng kháng chiến gây ra từ 1945-1957
Các cuộc kháng chiến được báo cáo kể từ Thế chiến II và được tập trung tại khu vực đông đúc dân cư ở hướng cực Tây, trước đây là các vùng thuộc Ba Lan của Ukraine. Trong số 212 biến cố được ghi nhận, có 163 vụ tức gần 77% vụ đã xảy ra ở sáu vùng (Rovenskaya, Volynskaya, Lisovskaya, Tarnopolsky, Stanislavski và Drogobychskaya) được chuyển từ Ba Lan sang Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Hai mươi trong số 49 biến cố còn lại đã xảy ra ở các vùng cực tây của Ukraine, các khu vực được Tiệp Khắc và Romania nhượng lại cho Liên Xô (các vùng Zakarpatskaya và Chernyavskaya). Ở các khu vực khác của Ukraine tại các quận thuộc Liên Xô trước Thế chiến thứ hai chỉ có 28 biến cố, xấp xỉ 13% đã được báo cáo trong những năm sau chiến tranh. Sự chiếm ưu thế của các khu vực Ba Lan trước đây là các trung tâm kháng chiến vì những người nổi dậy hoạt động trong các khu vực này đã có mối liên hệ chặt chẽ với những người theo chủ nghĩa dân tộc di cư từ các nước phương Tây, và do đó đã báo cáo đầy đủ về các hoạt động của các nhóm kháng chiến ở các khu vực khác của Ukraine. Nhưng hoạt động phản kháng được thực hiện ở miền đông Ukraine chưa bao giờ được loan tải ra bên ngoài.
Sự tập trung của sự phản kháng có thể được giải thích theo hai cách, Thứ nhất, người dân Ukraine ở sáu khu vực phía Tây luôn là những người phản đối sự cai trị của Liên Xô mạnh mẽ nhất trong các nhóm người Ukraine. Trong khoảng thời gian giữa chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, khu vực này là một phần của Ba Lan, nay trở thành trung tâm cho những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine chống Liên Xô. Nhiều người Ukraine đã chạy trốn khỏi Liên bang Xô Viết, đã tham gia vào các tổ chức của người Ukraine chống lại Nga. Kết quả là, khi Liên Xô chiếm giữ khu vực này vào đầu Thế chiến thứ hai, Liên Xô đã kiểm soát chặt chẽ khu vực này. Vì thế, sự thù địch của người dân địa phương gia tăng vì quá trình Xô viết hóa tại khu vực này, nhiều cơ sở đã bị nhà nước tiếp quản; Kết quả là, sự phản đối của người Ukraine đối với sự cai trị của Liên Xô ở các quận phía tây đã tăng lên nhanh chóng. (trang 66 và 67/219)
• Lực lượng Đặc biệt
Người Ukraine họ đã phải chịu một chế độ nông nô cứng nhắc và nghèo nàn bởi tầng lớp quý tộc người Ba Lan cho đến thế kỷ thứ mười tám. Gần đây hơn, trong giai đoạn giữa Thế chiến thứ nhất và thứ hai, nỗi cay đắng của người Ukraine ở các quận phía tây đã giảm bớt. Người Ukraine và người Ba Lan không thể đoàn kết để cùng chống lại sự cai trị của Liên Xô. Mối quan hệ giữa người Ukraine và người Ba Lan kém thân thiện, vì vậy Lực lượng Đặc biệt khó có thể tìm được sự hỗ trợ từ các nhóm Ba Lan cho các hoạt động của lực lượng du kích Ukraine để chiến đấu cho mục tiêu dân tộc chủ nghĩa của họ. (trang 77/219)
• Hoạt động tại khu vực Đông Galicia (Khu vực XII kèm bản đồ )
Khu vực cuối cùng ở Ukraine và là khu vực có dân số theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ nhất, Bao gồm các khu Stanislavski, Tarnopolskaya, Drogobychskaya và I’vovskaya. Trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nó là một phần của Đế quốc Áo-Hung, và những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine phải học hỏi tìm cách phát triển văn hóa, và khu vực này trở thành trung tâm cho những người có khát vọng dân tộc chủ nghĩa. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, khu vực này đã cung cấp các đơn vị quân đội Ukraine lớn nhất và là thành trì cuối cùng của những người ủng hộ nền độc lập của Ukraine. Sau chiến tranh, nó trở thành một phần của Ba Lan và tiếp tục phát triển như một trung tâm của chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan, bất chấp cam kết bảo vệ các quyền của người Ukraine, đã đàn áp các cơ chế của người Ukraine và thuộc địa hóa những người định cư trong khu vực này. Nhưng các nỗ lực này chỉ thành công một phần và khu vực này vẫn là một trung tâm dân tộc chủ nghĩa của Ukraine cho đến Thế chiến II khi Đức xâm lược vào Nga năm 1940, nhân cơ hội này người Ukraine ngay lập tức nắm quyền kiểm soát, tuyên bố thành lập một quốc gia độc lập với thủ đô là L’vov (Lviv). Những người theo chủ nghĩa dân tộc ngay lập tức bị đàn áp bởi sự chiếm đóng của Đức, nhưng trong suốt cuộc chiến, hoạt động của những người theo chủ nghĩa dân tộc diễn ra rộng khắp mang lại một số thành công trong việc chống lại cả lực lượng Đức và các đảng phái thân Liên Xô. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc kháng chiến chống lại sự thống trị của Liên Xô được thể hiện trên quy mô lớn trong những năm từ 1945 đến 1950 và ở quy mô hạn chế cho đến năm 1956. Mặc dù đã có nhiều cuộc trục xuất khỏi khu vực, nhưng nhiều nhóm kháng chiến vẫn tồn tại hoạt động ở những khu vực rừng rậm xa xôi hơn thuộc dãy núi Carpathian. Tại khu vực này, Lực lượng Đặc biệt nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ người dân địa phương Ukraine, bao gồm cả sự tham gia tích cực của những thành phần chống lại chế độ Liên Xô. (trang 84/219) [2]
✲ Cựu TT Trump "ngạc nhiên" khi TT Putin ra lệnh xâm lăng Ukraine và đã gửi hàng tỷ tỷ đô la cho liên minh
Theo báo cánh hữu NY Post, ngày 16.3.2022, Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba rằng ông "ngạc nhiên" khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược nước láng giềng Ukraine...“Tôi ngạc nhiên - tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ ông ta đang đàm phán khi đưa quân đến biên giới. Tôi nghĩ rằng ông ấy đang đàm phán,” Trump nói với Washington Examiner. "Tôi nghĩ đó là một cách khó khăn để đàm phán, nhưng là một cách thông minh để đàm phán." - “Tôi nghĩ rằng ông ta sẽ thực hiện một thỏa thuận tốt như mọi người khác đối với Hoa Kỳ - bạn biết đấy, giống như mọi thỏa thuận thương mại." tổng thống thứ 45 nói thêm trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Florida.
“Và rồi ông ta thực hiện - và tôi nghĩ ông ta đã thay đổi. Tôi nghĩ ông ta đã thay đổi. Đó là một điều rất đáng buồn cho thế giới. Ông ta đã thay đổi rất nhiều, ” Trump nói về nhà lãnh đạo Nga. Cựu tổng thống, người đã nhiều lần khẳng định rằng Nga sẽ không tiến hành cuộc xâm lược nếu ông ta vẫn ở trong Nhà Trắng. Ông Trump đã tự bào chữa trước những lời chỉ trích từ các nhà lập pháp, bao gồm một số đảng viên Cộng hòa, vì ông Trump đã ca ngợi Putin ngay trước cuộc xâm lược là "thông minh" và là "thiên tài." .
"Khi bạn nghĩ về nó, ai là người cứng rắn với Nga hơn tôi?" Trump hỏi, lưu ý rằng "Tôi đã gửi hàng tỷ tỷ đô la" cho liên minh. Hạ viện đã bỏ phiếu để luận tội Trump qua một cuộc điện đàm vào tháng 7 năm 2019, trong đó ông yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở cuộc điều tra đối với Biden và con trai ông Hunter để đổi lấy 391 triệu đô la viện trợ quân sự. Theo NY Post [3]
✲ Hoa Kỳ viện trợ cho Ukraine từ FY 2014 đến FY 2021 là 2.5 tỷ đô la
Để tiện bề so sánh về số tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine, theo trang web của Quốc Hội Hoa Kỳ Congressional Research Service,ngày 5.10.2021, Hoa Kỳ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận và thúc đẩy việc thực hiện các cải cách trong nước. Kể từ khi Ukraine độc lập vào năm 1991, và đặc biệt là sau năm 2014 Nga xâm lược và chiếm đóng lãnh thổ Ukraina, Ukraine là nước nhận viện trợ quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ.
-Từ năm 2015 đến năm 2020, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phân bổ viện trợ cho Ukraine trung bình khoảng 418 triệu đô la một năm.
-Trong năm tài chính 2021, Bộ Ngoại giao và USAID phân bổ cho Ukraine tổng cộng khoảng 464 triệu USD.
-Kể từ năm 2014, Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 2,5 tỷ đô la hỗ trợ an ninh cho Ukraine, chủ yếu là Hỗ trợ An ninh Ukraine .[4]
Còn theo Tổ chức Stimson-Org bản văn ngày 26.1.2022, tiêu đề: U.S. Military Assistance to Ukraine liệt kê con số tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine từng năm tài chánh, thời TT Obama, năm 2016 là $318.13 million . Thời TT Trump: năm 2017 là $262.24 million; năm 2018 là $298.88 million; năm 2019 là $427.92 million; năm 2020 là $412.05 million. [5]
✲ Câu hỏi : Ukraine không nằm trong khối NATO mà tại sao lại sử dụng thành thạo vũ khí của Mỹ để chống lại Nga?
Theo báo New York Post ngày 16.3.2022, Quân đội Ukraine đã được học về chiến tranh du kích thời hiện đại do Cơ quan Tình báo Trung ương tổ chức sau cuộc xâm lược Crimea năm 2014 của Nga. Do đó các quan chức Mỹ tin rằng qua các khóa huấn luyện này đã giúp Ukraine cầm chân Điện Kremlin hiện nay. Các sĩ quan bán quân sự của CIA thuộc Bộ phận Hoạt động Đặc biệt đã bí mật huấn luyện các lực lượng Ukraine về bắn tỉa, chiến tranh chống tăng và trốn tránh giám sát ngay sau khi xảy ra vụ Nga xâm lăng năm 2014, Yahoo News đưa tin hôm thứ Tư.
Một cựu quan chức tình báo nói với Yahoo: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang thấy tác động lớn từ các tay súng bắn tỉa. “Đặc biệt là khi các lực lượng Nga đã bị sa lầy vì thiếu tiếp tế, tôi nghĩ rằng các khóa huấn luyện đã thực sự thành công.”
“Chúng tôi đã cố gắng huấn luyện tập trung vào việc lập kế hoạch tác chiến, sau đó là các kỹ năng quân sự thực sự khó khăn như tác xạ tầm xa,” một cựu quan chức CIA khác cho biết. "Không chỉ là phải có năng lực để làm điều đó, mà còn phải biết cách áp dụng trên chiến trường, hầu làm suy yếu sự đối kháng của phía bên kia."
CIA còn huấn luyện người Ukraine biết cách né tránh sự giám sát điện tử của Nga. Một cựu quan chức khác cho biết, lực lượng huấn luyện đã rút khỏi Ukraine vào tháng trước khi Nga xâm lược vào cuối tháng Hai. [6]
Trở về vấn đề nêu ra phần trên TT Putin nói: "Nga chưa bao giờ và sẽ không bao giờ chống lại Ukraine " nhưng cuộc xâm lăng Ukraine hiện nay đã chứng minh điều ngược lại. Cồn về tuyên bố của cựu TT Trump "ngạc nhiên" khi TT Putin ra lệnh xâm lăng Ukraine, nhưng phía tình báo Mỹ thì không " ngạc nhiên" họ đã có sự chuẩn bị từ 2014 đề phòng việc Nga xâm lăng nên đã huấn luyện cho quân nhân Ukraine biết sử dụng vũ khí và kỹ thuật tác chiến của Mỹ ...
Cũng theo NY Post: "Cựu tổng thống, người đã nhiều lần khẳng định rằng Nga sẽ không tiến hành cuộc xâm lược nếu ông ta vẫn ở trong Nhà Trắng". Có dư luận cho rằng khi cựu TT Trump tuyên bố điều này chứng tỏ Trump-Putin đã có sự thông đồng. Còn ý kiến của bạn đọc liệu có cùng quan điểm với nhận xét trên là Trump-Putin đã có sự thông đồng, nên Nga "không tiến hành cuộc xâm lược nếu ông ta vẫn ở trong Nhà Trắng"?
-- Đào Văn (Việt Báo)
Nguồn:
[1] Điện Cẩm Linh:Article by Vladimir Putin ”On the Historical Unity of Russians and Ukrainians [2] Thư viện CIA: Resistance Factors And Special Forces Areas Ukraine.pdf [3] NY Post: Trump claims he’s ‘surprised’ Putin invaded Ukraine, thought troop buildup was a ploy [4] CRS của Quốc Hội:Ukraine: Background, Conflict with Russia,and U.S. Policy [5] Stimson-Org : U.S. Military Assistance to Ukraine [6] NY Post:Ukrainians got secret CIA training after Russia’s Crimea invasion in 2014: report
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Fri 01 Apr 2022, 07:26
Nước Nga, những ngày này nhớ lại
Trần Anh Chương
Chủ nghĩa cộng sản với những hào nhoáng vô nghĩa đã che giấu thực trạng u tối của nước Nga; Moscow 1989 (ảnh: Klaus Rose/ullstein bild via Getty Images)
Mùa Hè 1983 tôi đến Mạc Tư Khoa sau hai ngày đêm trên tàu từ Praha, qua Lvov, Kiev, Kharkov, xuyên suốt một vùng mênh mông của Ukraine. Đêm đầu tiên ngủ trên nền xi măng của căn phòng ký túc xá dơ bẩn của người bạn. 4 giờ sáng tỉnh giấc thấy bạn không có trong phòng. 7 giờ sáng bạn về với hai con gà còn lông vừa bị bẻ cổ. Người bạn dậy sớm ra một chợ trời ngoại ô mua tí thịt đãi bạn. Hôm đó vào Hồng Trường, cửa hàng bách hoá MGU nổi tiếng đối diện với điện Kremlin hầu như trống trơn, chỉ vài con gấu Misa nhồi bông, biểu tượng của Olympics Moskva 80, rất nhiều quạt tai voi, bàn ủi; chỗ thực phẩm hầu như không có gì, mấy ổ bánh mì đen chỏng trơ.
Chúng tôi ngao ngán. Cỗ máy kinh tế của Liên Xô không còn vận hành nữa, cuộc chiến ở Afghanistan, cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ đã làm xơ cứng một xã hội ngập chìm trong khủng hoảng. Năm 1991, nghe tin Liên Xô sụp đổ tôi chẳng lấy gì làm lạ. Người Nga đã chán ngấy với khẩu hiệu. Họ cần một mái nhà trên đầu, chút thịt cho bữa cơm, cái xe và vài bộ quần áo. Liên Xô không làm được điều đó.
Nước Nga đối với tôi thời đó vẫn còn nhiều bí ẩn lẫn thích thú. Thời nhỏ tôi đã bị mê hoặc bởi sự tàn bạo và dày vò trong Tội Ác và Trừng Phạt của Dostoevsky, thổn thức với thân phận con người và tình yêu mong manh giữa những đối thay thời cuộc ở Bác Sĩ Zhivago của Pasternak. Nhưng trên hết là sự tuyên truyền và suy tôn nước Nga ở Việt Nam sau năm 1975 như một tương lai cho nhân loại, thế giới đại đồng. Trong trí óc tôi thời đó còn gờn gợn tại sao tại thiên đường xã hội chủ nghĩa lại có Quần Đảo Ngục Tù của Solzhenitsyn.
Chuyến đi thăm Mạc Tư Khoa làm tôi thất vọng!
Sau nhiều năm sống ở Đông Âu, nơi người Tiệp, người Ba Lan, người Slovak nói cùng một dòng ngôn ngữ như người Nga, chả ai thích thú với người Nga. Trong các quán bia ở Tiệp và Đông Đức, quán rượu ở Ba Lan, sự chế diễu tính nhà quê của người Nga luôn là một đề tài muôn thuở. Người ta nói chuyện vui rằng mật vụ Stasi của Đông Đức có thể bắt anh ở quán vì mọi chuyện nhưng chửi Nga thì không sao, họ còn phụ họa thêm.
Người vô gia cư ở Moscow, 1990 (ảnh: Peter Turnley/Corbis/VCG via Getty Images)
Nước Nga đã đóng góp cho kho tàng nhân loại từ văn học, hội họa, âm nhạc, khoa học những thành tựu tuyệt vời. Nhưng trong tâm khảm người Âu châu, người Nga luôn dùng vũ lực đem đến cho lục địa nhiều điều phiền muộn. Napoleon thất trận, những người Cossacks vào quán xá Paris, đập bàn dậm chân la hét ‘bistro, bistro’ trong tiếng Nga nghĩa là nhanh lên, nhanh lên. Sau đó tiếng Pháp có thêm từ Bistro là quán ăn nhanh. Năm 1945, người Anh Mỹ đối xử với những vùng tạm chiếm ở Đức một cách nhân đạo, thì vùng Nga chiếm hàng trăm ngàn vụ hãm hiếp, trả thù. Năm 1953, xe tăng Nga dẹp loạn ở Đông Đức, 1956 đàn áp ở Budapest và Poznan, 1968 đàn áp ở Praha. Ba Lan chẳng bao giờ quên vụ thảm sát Katyn và những thế kỷ bị Nga đô hộ.
Vậy người Nga là ai?
Những người Nga tôi quen đều rất tốt và chân chất. Nhiều đồng nghiệp trong ngành giỏi tuyệt vời. Với một dân tộc có trí tuệ như vậy và một đất nước bao la tài nguyên trù phú, tại sao người Nga lúc nào cũng nghèo?
Câu trả lời đối với tôi có thể tìm thấy trong sự quay lưng và phản bội của giới cầm quyền và tinh hoa của Nga cho đại đa số nhân dân. Những người lính nông dân của Nga sau khi thắng Napoleon trở về vẫn mang thân làm kiếp nông nô, một dạng nô lệ cho giới quý tộc vốn chiếm hữu phần lớn đất đai. Giới quyền quý của Nga dùng tiếng Pháp trong giao tiếp nhiều như tiếng mẹ đẻ. Sự bất lực của Nga Hoàng về cải cách xã hội dẫn tới Cách Mạng Tháng Mười 1917 làm đổi thay cục diện thế giới.
Dưới chế độ cộng sản, người Nga chẳng sống khá hơn. Nạn đói ở Ukraine và thanh trừng tàn bạo của Stalin cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người. Cuộc chiến tranh chống Quốc xã Đức cướp thêm hai mươi triệu người nữa. Thời hậu Stalin cũng bê bết trì trệ, người Nga buộc nhịn ăn để làm siêu cường, để viện trợ cho các quốc gia khác. Chịu không nổi, Liên Xô sụp đổ. Thời hậu Cộng sản, Putin lên cầm quyền, giới tài phiệt ăn theo bòn rút của cải quốc gia. Chỉ trong thời gian này người Nga mới bắt đầu biết đến thế giới, giới trung lưu có thể mua xe và đi nghỉ Hè ở Ai Cập.
Mạc Tư Khoa có McDonald và Starbucks nhưng GDP đầu người của Nga chỉ có 11 ngàn đô tức 1/6 của Mỹ và nền kinh tế Nga xấp xỉ Tây Ban Nha. Người Nga vẫn nghèo! Sự sụp đổ của chế độ cộng sản có thể giúp đời sống tốt hơn chút đỉnh nhưng những giá trị về dân chủ và nhân quyền chẳng bám rễ ở Nga. Giới tinh hoa thỏa hiệp với Putin, chia chác quyền lợi. Giáo hội Chính Thống giáo của Nga, vốn bị triệt tiêu trong thời cộng sản phải biết giá trị của tự do hơn ai hết lại ủng hộ Putin, xem Putin như cứu cánh của nền văn minh Nga, vốn bị Tây Phương xem như lạc hậu. Solzhenitsyn trở về Nga sau lưu vong, quay lưng lại với những giá trị nhân bản vốn đã cưu mang ông, ca ngợi Putin như người tìm lại được nước Nga cho người Nga. Nước Nga của Solzhenitsyn bao gồm Ukraine như một phần không thể tách rời của đất mẹ. Người học trò của ông, Putin mấy ngày trước khi xâm lược Ukraine đã lập lại luận điệu đó.
Chợ trời Moscow 1990 (ảnh: Francoise De Mulder/Roger Viollet via Getty Images)
Trong những dân tộc đã mất rất nhiều mà chẳng đạt được hạnh phúc, người Nga và người Việt có thể chia sẻ cùng niềm bất hạnh. Hơn chục năm trước tôi có đến công tác ở Volgograd, tên mới của thành phố Stalingrad. Nơi đây cuối năm 1942, đầu năm 1943 đã diễn ra trận chiến kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại giữa Phát xít Đức và Hồng quân Liên Xô.
Trên đồi Mamayev, nơi bức tượng Người Mẹ sừng sững là nơi đánh dấu cái chết của hơn 200 ngàn binh lính hai phía trong một vùng đất chưa đến một cây số vuông. Stalin nướng vào đây hàng chục sư đoàn, nướng sạch. Một người lính gởi vào đây sống trung bình 4 giờ. Sỏi trên đồi vẫn còn chứa mảnh vụn của xương người. Phía dưới Volgograd ngày nay tiêu điều. Hôm đó tôi liên tưởng tới Quảng Trị, Khe Sanh, Xuân Lộc, Vị Xuyên. Bao nhiêu mất mát và hy sinh chỉ để lại một nước Nga nghèo và một nước Việt nhược tiểu. Cả hai nước đều có một điểm chung là một nhóm tài phiệt cá mập giàu sụ trên đầu nhân dân.
Trong ảnh: Tiến sĩ Trần Anh Chương Ảnh chụp ở đồi Mamayev, Volgograd (Stalingrad).
Phần lớn giới tinh hoa của Nga qua bao thế kỷ chẳng thích gì những giá trị của Tây Phương. Có thể là sự mặc cảm. Chính Thống Giáo Nga luôn cạnh tranh với Cơ Đốc Giáo. Sự thiếu vắng giá trị tự do trong xã hội làm người Nga luôn ngây ngất với lãnh tụ cho đến khi họ không có gì ăn vì những kẻ lãnh đạo điên rồ. Cứ nhìn năm 1917 và 1991 thì thấy rõ. Cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraine sẽ chỉ cho người Nga thấy rằng họ sẽ nghèo hơn rất nhiều trong những năm tới. Chẳng ai cạp đất mà ăn được cho dù đó là đất thánh của một đế quốc tuy mênh mông nhưng đã là quá khứ.
Trần Anh Chương Nguồn: SÀI GÒN NHỎ & phamcaohoang
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Fri 01 Apr 2022, 13:04
Kiev hay Kyiv?
Mỹ Anh
Chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ. Nếu bạn gọi thủ đô Ukraine là “Kiev” (kee-yev) thì đó là cách nói dựa trên phiên âm từ tiếng Nga Киев vốn sử dụng phổ biến suốt thời kỳ Xô Viết và vào những năm đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, với người Ukraine, họ sẽ vui hơn khi bạn gọi thủ đô của họ là “Kyiv” (kee-yiv), theo cách viết và phiên âm của tiếng Ukraine Київ.
Xét riêng về ngôn ngữ, sự giống lẫn khác biệt giữa tiếng Nga và tiếng Ukraine xuất phát từ quá trình phát triển ngôn ngữ suốt hàng thế kỷ ở một khu vực từng nằm dưới quyền của các đế chế Mông Cổ, Litva, Ba Lan và Nga hơn 1,000 năm. Tiếng Nga và tiếng Ukraine đều thuộc hệ ngôn ngữ Đông Slavonic (khác với ngôn ngữ Tây Slavonic như tiếng Ba Lan và ngôn ngữ Nam Slavonic như tiếng Bulgaria).
Với tên thủ đô Ukraine, Kyiv hay Kiev không chỉ là chuyện ngôn ngữ mà còn là vấn đề chính trị. Năm 2018, Bộ Ngoại giao Ukraine thực hiện chiến dịch trực tuyến “KyivNotKiev” kêu gọi mọi người trong nước, đặc biệt giới truyền thông phương Tây và nước ngoài nói chung, nên viết và gọi tên thủ đô của họ là “Kyiv”. Đây là một phần trong làn sóng “thoát Nga” sau hàng thập niên mọi thứ, từ văn hóa đến chính trị ở Ukraine, bị “Nga hóa” (Russification, hay Russianization – tiếng Nga: Русификация, Rusifikatsiya). Một góc Kyiv
Trong tiếng Anh, Kiev được sử dụng lần đầu tiên có lẽ vào năm 1804 khi nó xuất hiện trong một cuốn bản đồ nằm trong tập New Universal Atlas của tác giả John Cary ấn hành ở London. Quyển New Russia: Journey from Riga to the Crimea by way of Kiev được xuất bản năm 1823 của Mary Holderness cũng dùng Kiev. Từ điển tiếng Anh Oxford đưa từ “Kiev” vào trong một trích dẫn trong ấn bản 1883, và mở mục từ “Kyiv” trong ấn bản 2018.
Thật ra “Kyiv” được chính phủ Ukraine chọn là từ chính thức cho thủ đô họ vào năm 1995 nhưng gần đây mới được khuyến khích phổ biến. Không chỉ “Kyiv”, Natalia Khanenko-Friesen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ukraine thuộc Đại học Alberta (Canada), cho biết thêm những năm gần đây, ngày càng có nhiều từ Ukraine được dùng thay thế cho tên tiếng Nga. Chẳng hạn KHÔNG nên dùng Odessa mà là Odesa, thay Kharkov bằng Kharkiv, thay Lvov bằng Lviv, thay Nikolaev bằng Mykolaiv và thay Rovno bằng Rivne…
“KyivNotKiev” được thực hiện rầm rộ đến mức có cả sự tham gia nhiều cơ quan cấp bộ cũng như loạt cơ quan đại diện Ukraine ở nước ngoài. Chiến dịch giành được sự ủng hộ đa số người dân Ukraine. Hiện thời, gần như tất cả hãng thông tấn và tờ báo lớn thế giới đều dùng “Kyiv”, từ BBC, CNN, Reuters, AFP, đến Washington Post, New York Times, USA Today… “Kyiv” cũng được một số tổ chức quốc tế thông qua. Tháng Sáu 2019, theo yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng như Đại sứ quán và các tổ chức khác của Ukraine tại Mỹ, tên “Kyiv” chính thức được Ủy ban Hoa Kỳ về địa danh (United States Board on Geographic Names-BGN) thông qua.
“KyivNotKiev” còn thuyết phục các phi trường quốc tế chuyển từ “Kiev” sang “Kyiv”. Trước đây, hầu hết sân bay đều từ chối, viện lẽ rằng trong danh sách của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), cái tên Kiev đã được quen dùng. Tuy nhiên, Tháng Mười 2019, IATA, theo quyết định của BGN, đã chuyển sang sử dụng “Kyiv”. Tính đến Tháng Một 2020, 63 sân bay và ba hãng hàng không đã sử dụng “Kyiv”, ngay cả trước khi được IATA thông qua. Tháng Chín 2020, Wikipedia tiếng Anh chính thức dùng “Kyiv” thay vì “Kiev” khi đề cập đến thủ đô Ukraine.
Nguồn: SẢI GÒN NHỎ
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Tue 05 Jul 2022, 10:49
Trời sinh Volodymyr Zelensky để lãnh đạo cuộc chiến vệ quốc của người dân Ukraine
Nguyễn Văn Nghệ
Tổng thống Zelensky phát biểu tại Kyiv ngày 22/2/2022. Nguồn: RM/ Shutterstock
Ngày 24/2/2022 Putin đã xua quân sang xâm chiếm nước Ukraine. Nga gọi việc xâm chiếm Ukraine bằng một cụm từ mỹ miều: “Chiến dịch quân sự đặc biệt”. Ngày 2/3/2022 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết về “Hành động xâm lược Ukraine”, có 141 phiếu ủng hộ (Campuchia cũng nằm trong số các quốc gia ủng hộ), 5 phiếu chống (gồm Nga, Belarus, Bắc Hàn, Syria và Eritrea) và 35 phiếu trắng (trong đó có Việt Nam). Những người có lương tri trên thế giới không ai ủng hộ chiến tranh cả.
Nhìn xem tương quan lực lượng giữa Ukraine và Nga thì Ukraine chẳng khác nào “châu chấu đá voi”. Đây là một cuộc chiến không cân sức chút nào cả. Về phương diện lực lượng quân sự, quân số, vũ khí cũng như về sức mạnh kinh tế và dân số thì Nga áp đảo Ukraine. Đại đa số đều nghĩ thầm là Ukraine sẽ bị quân Nga đánh bại trong vòng 2-3 ngày. Nhưng đến nay, ngày 14/3/2020, sau 18 ngày quân Nga xâm lăng Ukraine mà Ukraine vẫn chưa chiến bại. Ý chí bất khuất, quật cường đã giúp quân dân Ukraine trụ đến nay. Trong đó phải kể đến Tổng thống Zelensky là “linh hồn” của cuộc chiến vệ quốc. Tổng thống Zelensky là mục tiêu số một và gia đình của tổng thống là mục tiêu kế tiếp mà quân xâm lược Nga nhắm đến.
Ngày 26/2/2022 Tổng thống Ukraine Zelensky đã tuyên bố qua đoạn video trên Twitter: “Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước của mình, bởi vì vũ khí của chúng tôi là sự thật, và sự thật của chúng tôi đó là: Đây là đất của chúng tôi, con cái của chúng tôi và chúng tôi sẽ bảo vệ tất cả những điều này” [1].
Trước đó, sáng ngày 25/02/2022, Tổng thống Zelensky tuyên bố: “Tôi đang ở thủ đô, tôi đang ở với người dân của mình. Tôi đang ở trong khu vực chính quyền, cùng với những người có nhiệm vụ cần thiết cho việc vận hành đúng chức năng của quyền lực trung ương”. Tổng thống cho biết thêm: “Gia đình tôi cũng ở Ukraine và các con tôi cũng ở Ukraine. Các thành viên trong gia đình tôi không phải là kẻ phản bội, họ là công dân của Ukraine” [2].
Sau khi Nga xâm lược Ukraine, lãnh đạo nước Mỹ có ý định sơ tán Tổng thống Zelensky, nhưng Tổng thống Zelensky đã khước từ và nói: “Cuộc chiến đang diễn ra ở đây, tôi cần đạn dược chứ không phải một chuyến đi” [3].
Phía Nga cứ tung tin thất thiệt là Tổng thống Zelensky đã rời khỏi Kiev, hòng lung lạc tinh thần chiến đấu của quân dân Ukraine. Ngày 26/2/2022, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Vyacheslav Volodin cho biết: “Ông Zelensky đã rời khỏi Kiev từ hôm qua (25/2), ông ấy đã không còn ở thủ đô mà đã đến Lviv (thành phố phía tây gần biên giới Ba Lan) với đoàn tùy tùng” [4].
Trước những tin đồn thất thiệt ấy, Tổng thống Zelensky trấn an: “Cứ vài ba ngày có thông tin nói rằng tôi đã rời Ukraine, rời khỏi thủ đô Kiev, rời khỏi văn phòng tổng thống. Các bạn thấy đấy, tôi vẫn ở đây. Ông Andriy Borysovich [người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine] vẫn ở đây. Không ai rời đi cả. chúng tôi vẫn làm việc, chúng tôi thích chạy bộ nhưng giờ thì không có thời gian” [5].
Tổng thống Zelensky nêu lý do quân dân Ukraine cầm súng chống xâm lăng: “Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, nếu chúng ta phải đối mặt với một nỗ lực nhằm lấy đi đất nước, sự tự do của chúng ta, cuộc sống của chúng ta và cuộc sống con cái của chúng ta, chúng ta sẽ tự bảo vệ mình. Khi bạn tấn công chúng tôi, bạn sẽ nhìn thấy khuôn mặt của chúng tôi, không phải lưng của chúng tôi” [6].
Ngày 7/3/2022 Tổng thống Zelensky lại khẳng định: “Tôi đang ở Kiev, trên phố Bankova (nơi đặt văn phòng tổng thống) không trốn tránh và tôi không sợ bất kỳ ai cho đến khi chiến thắng”.
Tổng thống Zelensky phát biểu tiếp: “Hôm nay là ngày thứ 12 chúng tôi nỗ lực và chiến đấu. Tất cả chúng tôi đều ở trận địa… Những anh hùng của chúng ta: Các bác sĩ, nhân viên cứu hộ, người vận chuyển, nhà ngoại giao, nhà báo… Tất cả chúng tôi đều trong cuộc chiến. Tất cả chúng tôi đều góp phần cho chiến thắng, điều chắc chắn chúng ta sẽ giành được, bằng sức mạnh của quân đội, bằng sức mạnh của ngoại giao và bằng sức mạnh của tinh thần” [7].
Những bài phát biểu của Tổng thống Zelensky đều được những người có lương tri ngưỡng mộ, bởi vì những phát biểu xuất phát từ con tim chân thật, không hề gian dối: “Tôi kể cho các bạn nghe về 13 ngày chiến tranh, cuộc chiến mà chúng tôi không bắt đầu và chúng tôi không mong muốn. Tuy nhiên chúng tôi phải tiến hành cuộc chiến này, chúng tôi không muốn mất những gì chúng tôi có, những gì là của chúng tôi, đất nước Ukraine của chúng tôi”.
“Ukraine không muốn xảy ra cuộc chiến này. Ukraine không muốn trở thành vĩ đại trong những ngày diễn ra cuộc chiến này. Chúng tôi là đất nước đang cứu mọi người mặc dù phải chiến đấu với một trong những đội quân lớn nhất thế giới”.
“Câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là tồn tại hay biến mất. Đó là câu nói của Shakespeare. Trong 13 ngày câu hỏi này có thể đã được hỏi nhưng bây giờ tôi có thể trả lời dứt khoát cho các bạn. Chắc chắn là tồn tại. Chắc chắn là như vậy”.
“Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc và chúng tôi sẽ không thua. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến cùng, trên biển, trên không. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì đất đai của mình, bất kể giá nào. Chúng tôi sẽ chiến đấu trong rừng, trên cánh đồng, trên bờ biển, trên đường phố”. (Phát biểu qua video trước các nhà lập pháp Anh vào lúc 17h ngày 8/3/2022 – Giờ GMT, tức 0 giờ ngày 9/3/2022 giờ Việt Nam).
Với bài phát biểu này, các nhà lập pháp của Nghị viện Anh đều đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Riêng Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace nói với Sky News là bài diễn văn này “vô cùng mạnh mẽ”. Ông cho biết thêm: “Tổng thống Zelensky là tinh thần của Ukraine, đó là sự trẻ trung, là tư duy tự do, hướng ra bên ngoài, là người Âu Châu và đó là điều mà Nga hay Tổng thống (Vladimir) Putin không hiểu”.
Có nhiều người Việt Nam “cuồng Putin” đem nghề nghiệp quá khứ của Tổng thống Zelensky ra hòng bôi nhọ ông. Họ gọi Tổng thống Zelensky là “anh hề, chú hề, thằng hề”. Họ gọi như vậy chính là họ tự hạ thấp nhân phẩm của họ. Có những vị từng là “phụ bếp; thiến dái heo…” lên làm lãnh đạo, nhưng có người nước ngoài nào đem chuyện ấy ra biêu riếu bao giờ đâu? Người dân Ukraine đã bầu chọn một diễn viên hề lên làm lãnh đạo tử tế để lãnh đạo dân tộc Ukraine chiến đấu, để không bị làm nô lệ.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào đầu tháng 3/2022, như sau: “Chiến tranh và xung đột thường xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp quốc tế”.
Nước Nga thời Putin là kế thừa di sản của cộng sản Liên Xô. Bà Angela Merkel có nhận xét về cộng sản, “là chủ nghĩa gian trá và man rợ” [8]. Do kế thừa di sản “gian trá và man rợ” nên Putin đã ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, bằng việc xua quân xâm lược Ukraine.
Winston Churchill nói: “lMột dân tộc mà cố tình né tránh chiến tranh vệ quốc thì dân tộc đó sẽ trở thành nô lệ và hậu sinh của họ sẽ nguyền rủa họ”.
Hiểu rõ chân lý ấy, nên Tổng thống Zelensky đã sát cánh cùng quân dân Ukraine chiến đấu chống quân xâm lược với tinh thần “tướng sĩ một lòng phụ tử”, cùng “Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính… Hòa bình phải trong vinh quang, đền công lao bao máu xương hùng anh” và “Quyết đấu tranh đến khi nào đạt thành mong ước…Vận nước trong tay ta, là quyền của quân dân ta… quyết không cầu hòa bình đen tối” và “Đánh cho cùng dù phải chết, để mai này về sau con cháu ta sống còn… Thà chết chớ không hề lui. Quyết không hề phản bội quê hương” (Lời bài hát “Thề không phản bội quê hương”)
Trời không muốn quân dân Ukraine trở thành nô lệ cho Putin, nên đã sản sinh ra Volodymyr Zelensky để lãnh đạo nước Ukraine trong cuộc chiến vệ quốc.
Hai câu thơ tương truyền là của anh hùng Mai Xuân Thưởng có thể nói lên nỗi lòng của Tổng thống Zelensky:
“Anh hùng mạc bả doanh du luận Vũ trụ trường khan tiết nghĩa lưu”.
(Giáo sư Lam Giang – Nguyễn Quang Trứ đã tạm dịch: Nên hư công luận phê bình Đừng đem thành bại xem khinh anh hào Mênh mông đất rộng trời cao Tấm gương nghĩa liệt ngàn sau vẫn còn).
Người xưa nói: “Không thành công cũng thành nhân”.
Những người có lương tri luôn ủng hộ cuộc chiến vệ quốc của quân dân Ukraine: “Với Ukraine, chúng ta ủng hộ người bạn của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách ‘ngoại giao pháo hạm’ của nước lớn” [9].
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Wed 06 Jul 2022, 08:21
Nga - Ukraine: Anh em hay kẻ thù? (1500 năm lịch sử | P.1)
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Wed 06 Jul 2022, 08:23
Nga - Ukraine: Anh em hay kẻ thù? (1500 năm lịch sử | P.2)
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine Mon 18 Jul 2022, 11:04
Giải thích lời Putin nói Lenin 'để mất Ukraine'
Phạm Cao Phong BBC News Tiếng Việt
Trong diễn văn ngày 21/02/2022 về tình hình ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã nhắc đến vai trò của Lenin và những người Bolshevik và nước Nga Cộng sản như những tội đồ chia cắt những gì thuộc về lịch sử đất Nga.
Hãy trở lại những trang lịch sử đầu tiên, khi những người Cộng sản Nga ký Hiệp ước Brest-Litovsk (người Nga gọi là Treaty of Brest) với Liên minh Trung tâm bao gồm nước Đức, đế chế Ottoman, Đế chế Áo-Hung, Bulgaria.
Tùy theo góc độ của mỗi sử gia, Hiệp ước này được gọi với nhiều cái tên hàm xúc đủ mọi cung độ từ 'Hiệp ước Hòa Bình', 'Hiệp ước Nhục nhã', thậm chí 'Hiệp ước Bán nước'.
Trong tác phẩm của mình, sử gia Volker Ullrich đã gọi đó là 'một nền hòa bình nhục nhã' mà người Bolshevik đã thỏa thuận với Đức.
Lưu ý, Volker Ullrich là người Đức và năm 1918, nước Đức lúc đó chỉ còn mấy tháng để buộc phải ký Hiệp ước Versailles chấm dứt Thế chiến I (28/07/1914 - 11/11/1918).
Hiệp ước Versailles với những điều khoản ép buộc quá quắt của phe Đồng minh mà nước Đức phải ký, được cho là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc Đại chiến II, 20 năm sau.
Đó cũng là mầm mống dẫn đến sự hình thành chủ nghĩa phục thù dân tộc của Đức và việc lên nắm quyền của Hitler.
Khi phái đoàn Đức trên bàn đàm phàn nàn về các điều khoản của Hiệp ước Versailles là quá đáng và ô nhục cho nước Đức thua trận, họ nhận được câu trả lời rằng, so với những gì Đức ép buộc Nga với Hiệp ước Brest-Litovsk thì Hiệp ước Versailles còn chưa thấm vào đâu.
Nga Xô ký kết Hiệp ước Brest-Litovsk vào ngày 3 tháng 3 năm 1918, chỉ 8 tháng trước khi nước Đức bại trận nói lên một điều cay đắng: Để bám giữ quyền lực, Lenin đã chấp nhận ký một hiệp ước tồi tệ nhất trong lịch sử 200 năm cận đại của nước Nga.
Hòa ước đã tước đi của Nga phần lãnh thổ chiếm tới 750.000 km², so sánh Catherin Đại Đế II của Nga cả đời chinh phục, đánh Đông dẹp Bắc mới mang về 500.000 km² cho nước Nga.
Nga mất 26% tổng diện tích lãnh thổ thuộc châu Âu, 9/10 tổng số mỏ than, 70% sản lượng sắt, 1/5 tổng số km đường sắt.
Đế Chế Nga mất 1/4 dân số vốn sống trên các khu vực địa lý này. Cụ thể Nga mất cho Đức: Ba Lan, Latvia, Litva, Ukraine, Phần Lan. Nga phải trao cho Thổ Nhĩ Kỳ vùng Batumi, Kars, Adana…
Hòa ước nhục nhã này dẫn tới sự ra đời của 10 quốc gia độc lập được tách ra từ các vùng lãnh thổ của Đế chế Nga, bao gồm: Phần Lan, Estonia, Latvia, Ba Lan, Belarus, Armenia, Gruzia và Ukraine.
Nga phải bồi thường chiến phí cho Đức một khoản tiền là 6 tỉ mark vàng.
Theo nhà sử học Mỹ Spencer Tucker (2005-World War One): "Bộ Tổng tham mưu Đức đã đưa ra những điều khoản cực kỳ khắc nghiệt trong bản hòa ước đến nỗi nó đã gây sốc cho cả các nhà đàm phán của Đức".
Tại sao những người Bolshevik lại hấp tấp chấp nhận những đòi hỏi quá đáng của Đức như vậy?
Từ cuối tháng 7 năm 1917, Nga mất thế chủ động trên chiến trường Nga- Đức, thương vong nặng nề, sự đào ngũ của binh lính trên mặt trận, tình trạng thiếu lương thực kéo dài ở các trung tâm đô thị lớn của Nga đã dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Hai, buộc Sa Hoàng Nicolas II thoái vị.
Chính phủ lâm thời Kerensky lên nắm quyền điều hành đất nước vẫn theo đuổi việc tiếp tục cuộc chiến tranh chống Đức.
Nhận thấy, Chính phủ mới của Nga không hề có ý định từ bỏ cuộc chiến, Chính phủ Đức đã quyết định bí mật ủng hộ cho những người Cộng sản Bolshevik Nga.
Tháng 4 năm 1917, tình báo Đức đã bí mật đưa Lenin cùng 31 đồng chí của ông từ Thụy Sĩ trở về Petrograd.
Lenin (1870-1924) có mối thâm thù riêng với Sa Hoàng Nga. Anh ruột Lenin đã bị xử tử treo cổ ngày 11/5/1887 do cầm đầu vụ mưu sát Nga Hoàng Tsar Alexandre III (1845-1894).
Lenin ngay sau cái chết của người anh đã thề sẽ đi theo con đường của người anh trai.
Khi về đến Petrograd, Lenin đã công bố Luận cương Tháng Tư, hô hào chuyển giao quyền lực chính trị tại Nga về tay các Xô viết công nhân và binh lính, cũng như rút Nga ngay lập tức khỏi cuộc chiến tranh với Đức.
Cuộc đảo chính của tướng Kornilov nhằm lật đổ lật đổ Chính phủ Kerensky làm tình hình ngày thêm rối ren.
Ngày 7 tháng 11 (theo lịch Nga), những người Bolshevik tấn công Cung Điện Mùa Đông, bắt giữ toàn bộ thành viên của Chính phủ lâm thời.
Lenin và những người Cộng sản Bolshevik giành được chính quyền tại Petrograd tuyên bố thành lập 'Nước Cộng hòa Xô viết Nga'.
Ngày 18/2/1918, liên quân Đức, Áo-Hung nổ súng tấn công trở lại, mũi nhọn chủ yếu nhắm vào Petrograd nhằm tiêu diệt Nga. Quân Nga thất bại liên tiếp.
Lenin trình bày với Uỷ ban Trung ương (UBTUĐ) Bolshevik, rằng "mọi người hãy chấp nhận nền hòa bình đáng xấu hổ này để cứu lấy cuộc cách mạng thế giới".
Lenin tuyên bố ông sẽ từ chức nếu như UBTUĐ không chấp nhận. Một cuộc bỏ phiếu được tán đồng để đưa ra quyết định cuối cùng.
Có 6 thành viên UBTUĐ ủng hộ Leninký kết hòa ước với Đức.
Bốn UBTUĐ Bukharin, Lomov, Uritsky và Bubnov bỏ phiếu chống.
Bốn thành viên UBTUĐ khác, bỏ phiếu trắng.
Trotsky cho rằng bốn phiếu trắng, trong đó có một phiếu của ông, đã "cứu Lenin khỏi thất bại đáng xấu hổ", sau đó đã từ chức bộ trưởng ngoại giao.
Đảng này, lo sợ cho chỗ đứng của họ, đã lùi bước khi đối mặt với mối đe dọa quân sự của Đức.
Hòa ước đã gây ra một sự chia rẽ sâu sắc tại nước Nga, ngay cả trong nội bộ của đảng Bolshevik. Nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc Nội chiến Nga (1917-1922) đẫm máu, khiến hàng triệu người Nga thiệt mạng trong những năm sau đó.
Hòa ước Brest Litovsk chính thức hết hiệu lực sau Hiệp định đình chiến ngày 11 tháng 11 năm 1918, khi Đức đầu hàng phe Hiệp ước và chấp nhận thất bại trong Thế chiến I. Tuy vậy hậu quả của Hòa ước vẫn còn đó khi nước Nga đã mất đi sự kiểm soát đối với Ba Lan và vùng Baltic.
Bản đồ nước Nga sau hòa ước Brest-Litovsk (phần màu hồng là phần mất đi sau hòa ước)
Đêm ngày 16 rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918, toàn bộ gia đình Sa Hoàng Tsar Nicolas II (1894-1917) đã bị cảnh sát mật Bolshevik giết hại dã man, vùi dấu xác trong một nấm mộ tập thể, khuất sâu trong rừng Yekaterinburg.
Tước hiệu chính thức của vị Sa Hoàng cuối cùng dòng họ Romanov là Nikolas Đệ nhị, Sa hoàng và Đấng cai trị chuyên chính của toàn nước Nga, Đại vương công Phần Lan và Vua Ba Lan. Điều đó nói lên ảnh hưởng của Sa hoàng Nga trên Đế chế rộng lớn này.
Nguyên nhân sự giết hại dã man này của người Bolshevik là để ngăn chặn việc quân Bạch Vệ giành được gia đình Sa hoàng và tái lập chế độ phong kiến tại nước Nga.
Những người Bolshevik, Lenin, Stalin với Hiệp ước Brest-Litovsk và sự truy diệt dòng họ Sa hoàng Romanov đã phá vỡ mối giao duyên giữa các vùng đất và lịch sử Nga, chặt đứt mạch ngầm đã nuôi dưỡng Ukraine và Nga.
Ở đây, tôi muốn nhắc lại một phần lịch sử nước Nga mà sử gia Mỹ Peter Tourtchine đã viết trong tác phẩm của ông 'The Rise and Fall of Empires' (Sự thăng trầm của các Đế chế 2006):
"Người Ukraine xem Caffa, nơi thường liên hệ đến những trang sử u tối nhất của lịch sử châu Âu như 'con quỷ hút máu của nước Nga', vì trong thời người Genoa và sau khi người Thổ chiếm thành phố này, thương cảng Genoa là kho chứa hàng cho việc buôn bán nô lệ trên Biển Đen. Qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người Slav Đông Âu và các dân khác sinh sống ở các vùng rừng phía bắc thảo nguyên bị đem bán ở Caffa và chuyên chở khắp nơi trên Địa Trung Hải".
Ở đây tôi muốn lưu ý đến cụm từ "con quỷ hút máu của nước Nga". Ông giải thích vị thế Ukraine trong chương 'Cuộc sống bên bờ vực':
"Tôn giáo là chất kết dính đã đoàn kết xã hội Moscow lại với nhau. Một vài quy tắc, chẳng hạn như việc sẵn lòng 'hy sinh vì niềm tin', nghĩa là hy sinh sự an toàn và ngay mạng sống của mình để làm điều đúng, đã ăn sâu vào tâm trí người dân. Hãy quay trở lại với Biên niên sử Stroganov mô tả trước các cuộc chiến quyết định, các vị thủ lĩnh đã cổ vũ tinh thần người Kozak như thế nào để 'hy sinh cho niềm tin Chính thống giáo đích thực'. Bỏ mình trong cuộc chiến đấu chống kẻ tà giáo là một hành vi mộ đạo. Người Moscow hợp tác không vì đó là một điều hợp lý phải làm, mà vì đó là điều cần làm".
Vẫn theo sử gia này: "Lịch sử tái diễn khi vùng Ukraine rời bỏ Ba Lan và Lithuania để về với nước Nga. Khi Ba Lan và Lithuania hòa nhập với nhau vào năm 1569, giới quý tộc của họ nhanh chóng đồng hóa ngôn ngữ Ba Lan và Thiên chúa giáo, gây nên những xáo động trong hàng ngũ những người nông dân sinh sống ở vùng Lithuania trước đây (hiện nay là Ukraine và Belarus). Người Kozak ở sông Dnieper đứng đầu trong việc phản kháng chống lại chính quyền Ba Lan. Họ thiết lập tổng hành dinh của mình gọi là Sech trên một hòn đảo nhỏ phía dưới thành Dnieper. Họ sinh sống giống như những người Nga, lúc thì phục vụ cho chính quyền Ba Lan, lúc thì đột kích vào vùng Crimea và nước Thổ của người Tatar.
Dân Kozak tự tổ chức thành một chính quyền dân chủ quân sự, trong đó người ta bầu ra các quan chức và mọi quyết định quan trọng đều được biểu quyết bởi tất cả mọi người. Đó là một ví dụ về xu hướng mong muốn bình đẳng ở vùng biên giới.
Đầu thế kỷ XVII, áp lực buộc phải cải qua đạo Thiên Chúa gia tăng khi các chủ đất Ba Lan áp đặt những biện pháp hà khắc đối với nông dân Ukraine. Bắt đầu từ năm 1624, một loạt những cuộc nổi loạn do người Kozak dẫn đầu lan tràn khắp vùng Ukraine. Người Ba Lan liên tục đàn áp với rất nhiều khó khăn.
Năm 1653, dân Ukraine gửi đại diện đến Moscow để xin Sa Hoàng bảo vệ. Thoạt đầu tiênchính quyền Moscow ngần ngại vì chấp nhận đề nghị này có nghĩa là dẫn đến chiến tranh với Ba Lan, điều mà nước Nga chưa sẵn sàng, nhưng cuối cùng họ cũng đi đến quyết định giúp đỡ người anh em Chính thống giáo.
Bước cuối cùng dẫn đến việc hòa nhập được thực hiện ở 'Đại hội quần chúng' Pereiaslav (Переяслав - Pereïaslav) năm 1654. Các đại biểu thảo luận rất chi tiết phương hướng của mình. Những cuộc chiến tranh trước đây với Ba Lan đã chứng tỏ cho người Ukraine thấy rõ rằng, họ không đủ mạnh để thiết lập một quốc gia độc lập, do đó lựa chọn của họ là hoặc thuần phục Ba Lan, hoặc liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ hay nước Nga.
Yếu tố tiên quyết trong quyết định cuối cùng là sụ hòa hợp tôn giáo và đại hội Pereiaslav bỏ phiếu chịu thuần phục Sa Hoàng theo Chính Thống giáo".
Sponsored content
Tiêu đề: Re: 5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine
5 lý do lịch sử dẫn đến quan hệ tồi tệ giữa Nga và Ukraine