Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 21:37
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Tác giả | Thông điệp |
---|
mytutru
Tổng số bài gửi : 11370 Registration date : 08/08/2009
| Tiêu đề: GIỚI LUẬT TỨ PHẦN.. Fri 06 Nov 2020, 07:56 | |
| Bài 1- 2
GIỚI PHÁP PHẬT TỬ TẠI GIA Trải qua bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sinh, đức Như-lai không phân biệt giới tính, màu da, chủng tộc hay giai cấp sang hèn. Người bình đẳng hóa độ đủ mọi hạng người, mọi tầng lớp trong xã hội. Những đệ tử được Như-lai hóa độ dựa vào căn cơ và chí nguyện mà phân thành hai chúng là đệ tử xuất gia và Phật tử tại gia. 1. Khái niệm giới pháp Phật tử tại gia: - Giới: Phạn ngữ là Sìla, Hán ngữ là Thi-la, Giới gồm sáu nghĩa: 1. Phòng phi chỉ ác: Ngăn ngừa điều sai trái, chặn đứng việc xấu ác. 2. Biệt biệt giải thoát: Giữ được giới nào, giải thoát được việc đó. 3. Xứ xứ giải thoát: Nơi nào các điều giới được gìn giữ, thì nơi ấy cuộc sống được thanh thoát. 4. Tùy thuận giải thoát: Hướng về con đường giải thoát. 5. Thanh lương: Làm cho cuộc sống mát mẻ, thoải mái. 6. Chế ngự: Có năng lực kiềm chế những việc xấu. - Pháp: Là những lời dạy của đức Phật được kết tập lại - Phật tử: Là chỉ cho những người phát tâm quy y làm đệ tử của đức Phật. Gồm đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia. - Tại gia: Người quy y làm đệ tử đức Phật, nhưng vẫn còn sống tại gia đình. Giới pháp Phật tử tại gia là chỉ cho các loại giới pháp đức Phật chế định cho người đệ tử tại gia gìn giữ để ngăn ngừa những việc làm xấu ác, đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. 2. Tam quy (Quy y Tam Bảo): a. Khái niệm: Quy: Là trở về. Y: Là nương tựa. Tam bảo: Là ba ngôi báu ở thế gian: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Quy y Tam Bảo là trở về nương tựa ba ngôi Báu: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Người phát tâm lãnh thọ ba pháp quy y là chính thức trở thành đệ tử của đức Phật. b. Nội dung: 1. Trở về nương tựa Phật, là đấng từ bi bình đẳng như người cha lành, người dẫn đường chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đời. 2. Trở về nương tựa Pháp, là phương pháp giải trừ khổ não, là con đường của tình thương và sự hiểu biết chân chánh. 3. Trở về nương tựa Tăng, là bậc đại trí nguyện sống cuộc đời tỉnh thức và hoằng pháp lợi sanh. c. Lợi ích: Người quy y Tam bảo sẽ được Tứ Thiên Vương sai 36 vị thiện thần theo ủng hộ và đạt được tám điều lợi ích: 1. Thành đệ tử Phật. 2. Là nền tảng của sự thọ giới. 3. Giảm khinh tội chướng. 4. Chứa nhóm phước đức rộng lớn. 5. Chẳng đọa vào ba đường ác. 6. Người và phi nhân không thể nhiễu loạn. 7. Tất cả việc tốt đều sẽ thành công. 8. Được thành Phật đạo. 3. Ngũ giới (Năm điều giới): a. Khái niệm: Người phật tử nên thọ ngũ giới. Năm giới này là những nguyên tắc xây dựng nền tảng cho đạo đức cá nhân, hạnh phúc gia đình và đem lại sự bình yên cho toàn xã hội. Ðó cũng là những nguyên tắc để hướng dẫn chúng ta hướng về đời sống an lạc trong hiện tại và sự giác ngộ, giải thoát trong tương lai. b. Nội dung: 1. Không được sát sinh. 2. Không được trộm cướp. 3. Không được tà dâm. 4. Không được nói dối. 5. Không được uống rượu. c. Lợi ích: - Người thọ trì mỗi một điều giới sẽ có năm vị thiện thần theo bảo hộ khiến cuộc sống gặp nhiều điều tốt lành. - Thọ giữ năm giới, là đi đúng con đường chánh pháp, sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau, sợ hãi và được mọi người tôn kính. - Xây dựng được cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và góp phần vào sự an ổn cho toàn xã hội. - Thọ giữ năm giới, là nhân tốt để kiếp sau sanh lại làm người hưởng phước giàu sang, địa vị và được mọi người kính trọng. - Giữ gìn trang nghiêm thanh tịnh ở đời vị lai sẽ chứng quả Niết-bàn. 4. Thập thiện giới (Mười điều giới): a. Khái niệm: Mười thiện giới giúp giữ gìn tam nghiệp thanh tịnh và phát khởi tâm niệm thiện. Đây là nhân lành để hưởng phước báu cõi trời. Thân có ba, miệng có bốn và ý có ba. Bao gồm trong 3 tụ tịnh giới sau đây: Người con Phật phải nguyện từ bỏ mọi điều ác, vâng làm các việc lành và đem lại lợi ích cho tất cả chúng sinh. b. Nội dung: 1. Không giết hại chúng sanh mà còn đem sự sống đến cho muôn loài. 2. Không trộm cướp mà còn đem tài sản của mình bố thí cho người khác. 3. Không tà dâm, tôn trọng tiết hạnh và sự chung thủy của mọi người. 4. Không nói dối, luôn luôn nói đúng sự thật. 5. Không nói lưỡi hai chiều, chỉ nói những lời đưa đến hòa hợp, đoàn kết. 6. Không nói thêu dệt, mà nói những lời chính xác, có thật. 7. Không nói thô lỗ mà luôn luôn nói những lời nhã nhặn, từ ái. 8. Không tham lam keo kiệt mà thực hành hạnh bố thí. 9. Không sân hận mà thực hành hạnh từ bi. 10. Không tà kiến, cố chấp mà tu hành chánh kiến.
c. Lợi ích: - Hiện tại được an lạc. - Đời sau được sanh về cõi trời hưởng phước. 5. Bát quan trai giới (Bảy điều giới và một điều trai): a. Khái niệm: Bát: Là tám. Quan: Nghĩa là đóng cửa của 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) không cho tiếp xúc sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) Trai: Nghĩa là không dùng sau giờ ngọ. Giới: Là những điều răn nhằm ngăn ngừa những sai phạm của ba nghiệp. Ðây là loại giới pháp Phật chế định cho đệ tử tại gia học tu hạnh xuất gia tạm thời. Những giới tử này rời bỏ gia đình đến ở chùa để tập sự nếp sống của người xuất gia trong vòng một ngày đêm. Giữ gìn tám điều trai giới để phòng hộ các ác hạnh của ba nghiệp (thân, khẩu, ý), lại có thể đóng cửa con đường ác, nên gọi là Bát Quan Trai Giới. b. Nội dung: 1. Không được sát sinh. 2. Không được trộm cắp. 3. Không được hành dâm. 4. Không được nói dối. 5. Không được uống rượu. 6. Không được trang sức bằng vòng hoa, không được ca hát, nhảy múa và cố ý đi xem nghe. 7. Không được ngồi nằm giường ghế cao sang. 8. Không được ăn phi thời. c. Lợi ích: - Không bị đọa vào ác thú, bát nạn và biên địa. - Luật Ma Ha Tăng Kỳ: “Nếu một ngày một đêm xuất gia tu hành phạm hạnh thì xa lìa 6.660 năm không phải đọa vào tam đồ”. - Kinh Ưu Bà Tắc Giới: Người thọ bát giới, trừ tội ngũ nghịch, tất cả tội khác thảy đều tiêu diệt. - Gieo nhân duyên, thực hành hạnh xuất gia và sẽ chứng quả vị giải thoát. 6. Bồ tát giới: Phạm Võng kinh Bồ tát giới a. Khái niệm: Giới Bồ tát được gọi là Bảo giải thoát. Nghĩa là bảo hộ người tu hành giải thoát sanh tử đạt đến vô thượng bồ đề, là bậc đạo sư tối thượng, là con đường tắt đi vào niết bàn. Thời gian lãnh thọ cho đến khi thành Phật. Đối tượng lãnh thọ các loài chúng sanh từ cõi trời Sắc giới trở xuống, hễ ai hiểu được lời nói của pháp sư đều có thể thọ giới. b. Nội dung: Kinh Phạm Võng gồm 58 giới. Mười giới trọng:
1. Giới sát sanh. 2. Giới trộm cướp. 3. Giới dâm dục. 4. Giới vọng ngữ. 5. Giới bán rượu. 6. Giới nói lỗi tứ chúng. 7. Giới tự khen mình chê người. 8. Giới xan tham. 9. Giới cố giận hờn. 10. Giới phỉ báng Tam bảo.
Bốn mươi tám giới khinh, là những việc làm thiết thực Bồ Tát thực hành đem lại lợi ích thiết thực cho hết thảy chúng sanh. Gồm đủ tam tụ tịnh giới: Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành và đem sự an lạc lợi ích đến cho hết thảy chúng sanh. c. Lợi ích: - Giới thể theo hộ trì bên mình cho đến khi thành Phật. - Thực hành Bồ tát hạnh, đời đời qua lại chốn nhân thiên. 7. Vai trò của giới pháp tại gia: Đức Phật chế định cách nay đã 25 thế kỷ, thời gian và không gian có nhiều thay đổi nhưng giới pháp của Phật vẫn còn mang đầy đủ tính chất hiện đại và vô cùng thiết thực. Giới pháp được thiết lập trên nền tảng đạo đức nhân bản, nhằm hoàn thiện phẩm giá con người, đem lại an lạc cho cá nhân, hạnh phúc cho gia đình, ổn định cho xã hội và thanh bình cho toàn thể nhân loại./.
Bài 2 CÔNG ĐỨC THỌ TRÌ QUY GIỚI
(Kinh Hy Hữu Giảo Lượng Công Đức) Bấy giờ đức Phật ở tinh xá Kỳ Viên, tôn giả A Nan khởi lên nghi vấn đến bạch lên đức Phật: Người thiện nam tín nữ có đức tin trong sạch quy y Tam Bảo, không biết được bao nhiêu công đức? Cúi xin đức Thế Tôn xót thương phân tích, chỉ bày cho chúng sanh được sự thấy biết chân chánh. Đức Phật khen A Nan là người có trí và dạy về công đức quy y Tam Bảo. 1. Công đức thọ Tam Quy 1. Đức Phật dạy, như thế giới Diêm Phù Đề này, chiều dài chiều rộng vào khoảng bảy ngàn do tuần. Giả sử thế giới này đầy các bậc Tu Đà Hoàn như rừng trúc, mía, lúa, mè,… Như có thiện nam tín nữ nào để ra trọn trăm năm đem các món ăn uống, thuốc thang, y phục, ngọa cụ quý giá nhất trên đời dâng cúng các Ngài, lòng cung kính lễ bái. Đến khi các Ngài diệt độ đem xá lợi xây tháp tôn thờ hàng ngày mang hương hoa, các thứ dâng cúng. Như thế Phước đức có nhiều không? Tôn giả A Nan đáp: rất nhiều. Đức Phật dạy: Nếu so với người quy y Tam Bảo không bằng một phần trăm, một phần ngàn,… cho đến không thể dùng toán số mà thí dụ được. 2. Đức Phật dạy tiếp, đừng nói chi thế giới Diêm Phù Đề này, giả sử phương tây Cù Đà Ni chiều rộng, chiều cao đều vào khoảng tám ngàn do tuần hình thế đất đai giống như mặt trăng bán nguyệt. Trong cõi này đông đầy các bậc Tư Đà Hàm như rừng trúc, mía, lúa, mè,… Như có thiện nam tín nữ nào để ra trọn hai năm đem tứ sự thượng diệu cúng dường các Ngài như trước. Khi các Ngài diệt độ xây tháp thất bảo phụng thờ xá lợi mỗi bảo tháp cúng dường hương hoa,.. sẽ thu được phước rất nhiều. Nhưng nếu đem so với người quy y Tam Bảo không bằng một phần trăm, một phần ngàn, … cho đến không thể dùng toán số mà thí dụ được. 3. Đức Phật dạy, đừng nói chi thế giới Diêm Phù Đề, Cù Đà Ni, giả sử phương đông thế giới Phất Bà Đề chiều rộng, chiều cao đều vào khoảng chín ngàn do tuần hình thế đất đai dường như vầng trăng tròn, trong cõi này đông đầy các bậc A Na Hàm như rừng trúc, mía, lúa, mè,… Như có thiện nam tín nữ nào để trọn ba trăm năm đem tứ sự thượng diệu cúng dường các Ngài như trước. Khi các Ngài diệt độ xây tháp thất bảo phụng thờ xá lợi mỗi bảo tháp cúng dường hương hoa,.. sẽ thu được phước rất nhiều. Nhưng nếu đem so với người quy y Tam Bảo không bằng một phần trăm, một phần ngàn, … cho đến không thể dùng toán số mà thí dụ được. 4. Đức Phật dạy, đừng nói chi thế giới Diêm Phù Đề, Cù Đà Ni, Phất Bà Đề, giả sử phương bắc thế giới Uất Đơn Việt trong cõi này đông đầy các bậc A La Hán đông như rừng trúc, mía, lúa, mè,… Như có thiện nam tín nữ nào để trọn bốn trăm năm đem tứ sự thượng diệu cúng dường các Ngài như trước. Khi các Ngài diệt độ xây tháp thất bảo phụng thờ xá lợi mỗi bảo tháp cúng dường hương hoa,.. sẽ thu được phước rất nhiều. Nhưng nếu đem so với người quy y Tam Bảo không bằng một phần trăm, một phần ngàn, … cho đến không thể dùng toán số mà thí dụ được. 5. Đức Phật dạy, đừng nói chi thế giới Diêm Phù Đề này, Cù Đà Ni, Phất Bà Đề, Uất Đơn Việt; giả sử bốn châu thiên hạ đông đầy các bậc Bích Chi Phật đông như rừng trúc, mía, lúa, mè,… Như có thiện nam tín nữ nào để trọn mười ngàn năm đem tứ sự thượng diệu cúng dường các Ngài như trước. Khi các Ngài diệt độ xây tháp thất bảo phụng thờ xá lợi mỗi bảo tháp cúng dường hương hoa,.. sẽ thu được phước rất nhiều. Nhưng nếu đem so với người quy y Tam Bảo không bằng một phần trăm, một phần ngàn, … cho đến không thể dùng toán số mà thí dụ được. 6. Đức Phật dạy, đừng nói chi bốn châu thiên hạ giả sử một thiên thế giới gồm 1,000 mặt trăng, mặt trời, 1,000 bốn biển lớn, 1,000 núi Tu Di, 1,000 cõi Diêm Phù Đề, 1,000 thế giới Cù Đà Di, 1,000 thế giới Phất Đề Bà, 1,000 thế giới Uất Đơn Việt, 1,000 cõi Tứ Thiên Vương, 1,000 cõi Tam Thập Tam Thiên, 1,000 cõi Đâu Suất Đà Thiên, 1,000 cõi Hóa Lạc Thiên, 1,000 cõi Tha Hóa Tự Tại, 1,000 cõi Phạm Thiên… như vậy gọi là một tiểu thiên thế giới, 1,000 tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới, 1,000 trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới. Hiệp cả mới gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Giả sử khắp cả tam thiên đại thiên thế giới đông đầy các Đức Phật Như Lai đông như rừng trúc, mía, lúa, mè,… Như có thiện nam tín nữ nào để trọn hai muôn năm đem tứ sự thượng diệu cúng dường các Ngài như trước, khi các Ngài diệt độ xây tháp thất bảo phụng thờ xá lợi mỗi bảo tháp cúng dường hương hoa,.. sẽ thu được phước rất nhiều. Nhưng nếu đem so với người quy y Tam Bảo không bằng một phần trăm, một phần ngàn,… cho đến không thể dùng toán số mà thí dụ được. 2. Công đức thọ Thập Thiện Giới Đức Phật dạy, nếu Phật tử quy y Tam bảo rồi, để ra thời gian bằng khảy móng tay thọ trì Thập Thiện, thọ xong tu hành. Do nhân duyên này được công đức vô lượng vô biên gấp trăm ngàn lần phước đức quy y Tam bảo như trên. 3. Công đức thọ Bát Quan Trai Giới Đức Phật dạy, nếu Phật tử quy y Tam bảo rồi, có thể trọn một ngày đêm thọ trì giới Bát Quan Trai. Thu hoạch công đức gấp bội trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn muôn phần công đức khoảnh khắc thọ trì Thập Thiện. 4. Công đức thọ trì Ngũ Giới Đức Phật dạy, nếu Phật tử quy y Tam bảo rồi, để trọn cuộc đời thọ Năm Giới cấm phước đức thu hoạch được gấp bội trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn muôn phần người một ngày đêm thọ trì giới Bát Quan Trai. Cho đến cũng không thể dùng toán số thí dụ có thể hình dung được. 5. Công đức thọ trì Giới Sa Di, Giới Sa Di Ni Đức Phật dạy, nếu người đã quy y lại thọ trì giới Sa Di, Sa Di Ni lại càng hơn người thọ trì Năm Giới trên gấp trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn muôn lần. Cho đến cũng không thể dùng toán số thí dụ có thể hình dung được. 6. Công đức thọ trì Giới Thức Xoa Ma Na Đức Phật dạy, nếu người đã quy y lại thọ trì giới Thức Xoa Ma Na thu hoạch được công đức càng hơn người thọ trì giới Sa Di, Sa Di Ni gấp trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn muôn lần. Cho đến cũng không thể dùng toán số thí dụ có thể hình dung được. 7. Công đức thọ trì đại Giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni Đức Phật dạy, nếu người đã quy y lại phát tâm trọn cuộc đời thọ trì đại giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, y theo Ba La Đề Mộc Xoa như thuyết tu hành, không khuyết, không phạm, không ô uế, không phạm hạnh thanh tịnh, được công đức vô lượng vô biên gấp bội người thọ trì giới Thức Xoa trăm lần, ngàn lần, trăm ngàn muôn lần. Cho đến cũng không thể dùng toán số thí dụ có thể hình dung được. 8. Công đức thọ trì Giới Bồ Tát Đức Phật dạy, nếu Phật tử quy y Tam bảo rồi lại phát tâm bồ đề trên cầu Phật đạo, dưới độ khắp chúng sanh, cùng tận thời gian vị lai thọ trì Bồ Tát ba tụ tịnh giới không phạm, không thiếu sót thu hoạch được phước đức vượt ngoài vòng nghĩ lường, tối thắng, tối tôn, tối thượng, tối diệu. Khi tôn giả A Nan nghe đức Phật dạy nói về công đức quy y, cho đến trọn đời thọ trì Tỳ Kheo ba la đề mộc xoa, Bồ Tát ba tụ giới, thu hoạch công đức vô biên, tấm tắc khen ngợi cho việc hy hữu chưa từng được nghe bao giờ. Tôn giả A Nan bạch Phật: Thật là hết sức hiếm có và lạ lùng, thưa Thế Tôn! Kinh này vi diệu sâu xa cao cả khó có thể suy lường! Công đức to tát khó có thể lấy gì so sánh được! Bạch Ngài tên kinh này gọi là gì? Chúng con phụng trì như thế nào? Phật dạy kinh này nên gọi là hiếm có (hy hữu) trong các sự hiếm có các ông nên phụng trì. Tại sao lại gọi kinh như vậy? Là vì nội dung kinh này nói về các việc hết sức hiếm có, các pháp thù thắng mà cả thế gian này chưa ai từng nghe, vì thế nên gọi là Kinh Hy Hữu Giảo Lượng Công Đức./.
Được sửa bởi mytutru ngày Fri 06 Nov 2020, 08:18; sửa lần 3. |
| | | mytutru
Tổng số bài gửi : 11370 Registration date : 08/08/2009
| Tiêu đề: Re: GIỚI LUẬT TỨ PHẦN.. Fri 06 Nov 2020, 07:58 | |
| Bài 3
QUY Y TAM BẢO - Đa số đồng bào Việt Nam đều biết thờ cúng tổ tiên, hiếu thuận ông bà cha mẹ, tâm luôn hướng về điều thiện. Biết thờ Phật, cúng Phật, lễ Phật và thường thắp hương cầu nguyện Phật trời gia hộ mạnh khỏe, công việc thuận lợi, người quá vãng được sanh về cõi tốt lành… Người biết đi chùa, biết thờ Phật, cúng Phật, lễ Phật, nghe chư Tăng thuyết giải giáo pháp và tự nhận mình là Phật tử là chưa đúng pháp. Bởi người muốn bước vào ngôi nhà Phật pháp, muốn trở thành tín đồ chánh tín thì điều trước tiên là phải quy y Tam bảo. 1- Quy-y: Quy là trở về, theo về; Y là nương tựa, nương nhờ hay thuận theo, làm theo lối đã định. Quy-y là trở về nương tựa. 2- Tam bảo: Tam bảo là ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Được người đời tôn xưng là ba ngôi báu vì Đức Phật, giáo Pháp, chư Tăng mới có đủ năng lực dắt dẫn con người ra khỏi những nỗi khổ niềm đau của cuộc đời. a. Phật: Tiếng Phạn Buddha, dịch âm là Phật-đà, là bậc đại trí đại bi, bậc giác ngộ trên ba phương diện: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Đức Phật có mười hiệu, mỗi danh hiệu tôn xưng một đặc tính hay một địa vị chứng ngộ khác nhau của Đức Phật: Như Lai: Người đã đến như thế, người đã đến từ cõi chân như. Ứng Cúng: Người đáng được cúng dường, đáng được tôn kính. Chánh Biến Tri: Người hiểu biết đúng tất cả pháp. Minh Hạnh Túc: Người có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh. Thiện Thệ: Người đã đi, đã khéo vượt qua tất cả một cách tốt đẹp. Thế Gian Giải: Người đã thấu hiểu thế giới. Vô Thượng Sĩ: Đấng tối cao, không ai vượt qua. Điều Ngự Trượng Phu: Người đã điều phục được mình và nhân loại. Thiên Nhân Sư: Bậc thầy của cõi người và cõi trời. Phật Thế Tôn: Bậc giác ngộ thế gian tôn kính. Trong tự thân mỗi danh hiệu đã bao gồm đặc tánh của các danh hiệu khác. Do vậy chỉ cần gọi tên một danh hiệu là đã thâu nhiếp các danh hiệu khác. b. Pháp: Tiếng Phạn Dhamma, dịch âm là Đạt-ma, là từ dùng để chỉ cho lời dạy mà Đức Phật Thích Ca tuyên thuyết trong thời gian 45 năm (theo Phật giáo Nam truyền) truyền giáo của Ngài, bao gồm ba tạng: Kinh, Luật và Luận. Tính chất đặc biệt của pháp là “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí chứng hiểu”. Pháp thiết thực hiện tại biểu hiện qua sáu nghĩa: Pháp do Thế Tôn khéo thuyết giảng. Thế Tôn luôn dựa trên căn tánh, cơ duyên chúng sanh mà nói. Pháp luôn được giảng dạy trên tinh thần khế lý, khế cơ. Pháp được khai triển, hiện hữu giữa cuộc đời vì khổ đau có mặt. Pháp để thực hành, tu tập và chứng ngộ để thoát khỏi khổ đau. Tất cả chỉ vì một mục đích là đem lại hạnh phúc, an lạc, giải thoát cho những ai học pháp, hành pháp và an trú trong chánh pháp. c. Tăng: Tiếng Phạn Shanga, dịch âm là Tăng-già, tên gọi khác là hòa hợp chúng. Đây là khái niệm dùng chỉ chung cho đoàn thể của những người xuất gia tu học theo giáo pháp của Đức Phật, gồm ít nhất là bốn vị Tỳ-kheo (hay Tỳ-kheo ni) trở lên. Tăng gồm những người thành tựu lòng tin tuyệt đối với Đức Phật, với giáo Pháp, với chúng Tăng và thể hiện qua bốn đặc tính: Diệu hạnh: Hạnh lành, luôn tăng trưởng các pháp thiện và giữ gìn đầy đủ oai nghi tế hạnh của một người tu sĩ. Trực hạnh: Tâm hạnh chất trực, thẳng thắn. Như lý hạnh: Ứng hợp với trí tuệ. Ba nghiệp thân, miệng, ý dù móng khởi, tác ý hay hành động đều đúng như chánh pháp. Chánh hạnh: Phạm hạnh thanh tịnh. Thành tựu bốn hạnh lành này là xứng đáng được tôn kính, là ruộng phước cho chúng sanh gieo trồng hạt giống thiện và là người thay thế đức Thế Tôn truyên dương chánh pháp. 3- Ba hình thức Tam Bảo: a. Đồng Thể Tam Bảo: - Đồng thể Phật bảo: Tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh sáng suốt. - Đồng thể Pháp bảo: Chúng sanh cùng chư Phật đồng một pháp tánh từ bi bình đẳng. - Đồng thể Tăng bảo: Chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh thanh tịnh và hòa hợp. b. Xuất Thế Gian Tam Bảo: - Xuất thế gian Phật bảo: Chư Phật trong mười phương ba đời: Quá khứ, hiện tại và vị lai. - Xuất thế gian Pháp bảo: Chánh pháp của Phật như: Tứ-đế, Ngũ-uẩn, Lục-độ, Thập-nhị-nhân-duyên, v.v... - Xuất thế gian Tăng bảo: Chỉ cho các vị Thánh Tăng đã ra khỏi sự ràng buộc của thế gian như tôn giả Ca-Diếp, A-Nan v.v... c. Thế Gian Trụ Trì Tam Bảo: - Thế gian trụ trì Phật bảo: Chỉ cho Xá-lợi Phật, tranh ảnh Phật, tượng Phật,… - Thế gian trụ trì Pháp bảo: Tam tạng giáo điển: Kinh, Luật, Luận hiện đang lưu hành. - Thế gian trụ trì Tăng bảo: Chỉ các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni đang sống cuộc đời tỉnh giác và thực hành nhiệm vụ hoằng truyền chánh pháp. 4- Quy-y Tam-bảo: a. Quy y Phật bảo: Quy Y Phật là hàng ngày chúng ta phải nhớ tưởng đến Phật, niệm danh hiệu Phật, chiêm ngưỡng hình tượng Phật và nguyện suốt đời theo bước chân Ngài. Quy y Phật còn ý nghĩa nữa là trở về với Phật tánh sáng suốt của tâm mình. Mỗi người đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật. Nhưng Phật tánh ấy bị mê lầm, vọng tưởng che lấp. Vọng tưởng như mây mờ, Phật tánh như trăng. Mây mờ có thể che khuất, chứ không thể tiêu diệt được trăng sáng. Phật tánh chúng ta bị vọng tưởng vô minh che lấp sâu kín đến đâu cũng vẫn thường còn, nếu như chúng ta trở về sống với Phật tánh sáng suốt ấy thì con đường đi đến thành tựu quả vị của đức Phật sẽ không xa. Người quy y Phật sẽ không quy y Thiên thần quỷ vật. b. Quy y Pháp bảo: Quy y pháp là thường ngày học Kinh, Luật, Luận, tìm hiểu nghĩa lý, suy nghiệm nghĩa lý và đem nghĩa lý áp dụng vào đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó chúng ta sắp xếp thời công phu tu tập. Khi thực hành thời khóa không để tâm tán loạn, nghĩ tưởng mông lung mà phải đưa tâm trở về trạng thái an định, nhờ tâm an định mà phát sinh trí huệ. Có trí huệ giúp chúng ta vượt qua nỗi khổ niềm đau, từ bỏ tâm tham lam ích kỷ, dục vọng thấp hèn,… Trong tâm ta có đủ tất cả các Pháp: Từ bi, Trí tuệ, bình đẳng, sáng suốt,... chúng ta cần phát huy những đức tánh ấy và thực hành theo chúng, tuân thủ theo chúng. Chỉ có phương pháp của Phật là đầy đủ công năng để đưa chúng ta qua khỏi biển khổ, đến bờ giải thoát. Đó chính là quy y Pháp. Người quy y pháp không tin theo tà kiến. c. Quy y Tăng bảo: Tăng là một đoàn thể tu hành từ bốn vị Tỳ-kheo (Tỳ-kheo-ni) trở lên, sống cùng một trú xứ, cùng giữ giới luật đức Phật chế định, cùng chia sẻ cho nhau một cách hòa thuận những gì đã thâu nhận được, từ vật chất đến tinh thần. Thế gian thường nói: "Trọng Phật, phải kính Tăng". Cho nên, nếu chúng ta thành tâm thờ Phật thì phải thật dạ kính Tăng. Khi thấy người xuất gia tu hành, giữ gìn giới luật, thì liền kính nể, quý trọng, vì vị đó là đại diện cho đức Phật hoằng truyền chánh pháp trong hiện tại. Quy y Tăng là vâng theo Thầy trong tâm mình, là đức tánh hòa hợp thanh tịnh của mình, như Tăng già là hiện thân của sự hòa hợp thanh tịnh bên ngoài. Bấy lâu vì mình mê muội, không nhận thấy được ông Thầy trong tâm, nay nhờ Phật chỉ dạy, mình nhận thấy được ông Thầy thanh tịnh ấy, thì mình phải quy-y với Thầy của mình. Người quy y Tăng không theo thầy tà bạn ác. Vậy quy y Tam bảo là trở về nương tựa ba ngôi báu, gồm Phật, Pháp, Tăng. Về sự, quy y Tam bảo có nghĩa là nương tựa vào Đức Phật, vào giáo Pháp và vào Tăng chúng. Về lý, quy y Tam bảo nghĩa là nương theo tánh giác ngộ của mình, nương theo sự chân chánh không tà kiến, nương theo đức tánh thanh tịnh không nhiễm trước. Thế nên người quy y Tam bảo sẽ đạt được sự an ổn vô hạn của tâm thức, thoát ly mọi khổ não và là chỗ quay về nương tựa hướng thượng chơn chánh, thiết thực với căn tánh mỗi người. Người tu học Phật pháp khi vào đạo phải thực hiện nghi thức quy y; thệ nguyện quy y Phật, quy Pháp, quy y Tăng xong mới chính thức được xem là một người đệ tử Đức Phật. Người đó có thể là một Phật tử tu tại gia hay là người tu sĩ sống đời sống xuất gia trong tăng đoàn. 5. Những người đệ tử tại gia đầu tiên của Đức Phật: Đệ tử đầu tiên của Đức Phật là hai vị thương gia Đề-lê-phú-bà và Bạch-lê-ca. Hai vị này chỉ thọ hai pháp quy y vì lúc bấy giờ chưa có Tăng. Đệ tử Ưu-bà-tắc quy y Tam bảo đầu tiên của Đức Phật là cha của tôn giả Da Xá. Đệ tử Ưu-bà-di quy y Tam bảo đầu tiên của Đức Phật là mẹ và vợ của tôn giả Da Xá. 6. Lợi ích của quy y Tam bảo Tam Bảo là nơi nương tựa, là nền tảng căn bản, nền tảng quan trọng mà tất cả Phật tử tại gia cần ý thức và thể hiện tốt đẹp trong cuộc sống. Sự lợi ích của quy y Tam bảo không thể nghĩ lường, có thể cầu được cái vui hiện đời, có thể cầu được cái vui đời sau, lại cũng từ đây mà đạt đến cái vui cứu cánh của Niết bàn tịch tịnh. Tóm lược có tám điều lợi ích: a.Thành đệ tử Phật. Người quy y Tam bảo sẽ chính thức trở thành đệ tử đức Phật, được sống trong ngôi nhà Phật pháp, được chư Phật gia hộ, Thầy Tổ quan tâm chỉ dạy, huynh đệ đồng tu khích lệ, nhắc nhở, động viên. Nhờ vậy chúng ta có sức mạnh và nghị lực tinh tấn, dũng mãnh vượt qua các chướng duyên nghịch cảnh trên bước đường tu học và vững bước đến lộ trình giải thoát. b. Nền tảng của sự thọ giới. Người quy y Tam bảo mới đủ tư cách thọ lãnh giới pháp. Vì ba pháp quy y là nền tảng của sự tin Phật, học Phật và thọ giới. Nếu người đến với đạo không bằng ba pháp quy y Tam bảo mà muốn lãnh thọ giới pháp như: Ngũ giới, Thập thiện giới, Bát quan trai giới,.. thì không thể được. Chẳng khác gì người muốn xây dựng tòa nhà cao tầng mà không kiến tạo nền móng. Kinh Ưu Bà Tắc Giới: “Nếu không y nơi Tam bảo mà thọ giới, thì đó là giới thế gian. Giới này không bền vững, như sơn màu mà không có chất keo dính. Cho nên trước tiên quy y Tam bảo rồi sau mới lãnh thọ giới pháp”. Khi đã lãnh thọ giới pháp rồi lại không được bỏ pháp quy y. Cũng như cần nền móng để xây dựng tòa nhà, có được tòa nhà vẫn cần phải bảo quản nền móng. c. Tiêu trừ tội chướng. Kinh Chiếc Phục La Hán: “Xưa kia có một vị Thiên tử ở cung trời Đao Lợi khi phước trời đã hết, Thiên tử tự biết sẽ bị đầu thai vào loài heo, rất lấy làm lo sợ liền thỉnh cầu Thiên vương cứu giúp, Thiên vương không cứu được nên khuyên Thiên tử nên đến cầu cứu Phật. Phật dạy Thiên tử quy y Tam Bảo, nên sau khi chết không đọa vào lòai heo, mà còn được sanh làm người, gặp Xá Lợi Phất học đạo chứng đắc thánh quả”. Kinh Sai Miệt Nẳng Pháp Thiên Tử Thọ Tam Quy Y Hoạch Miễn Ác Đạo: “Xưa có một vị thiên tử ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên khi phước trời đã tận còn bảy ngày nữa sẽ chết, những sự hoan lạc, những thiên nữ đẹp không còn thân cận, những tướng mạo uy nghi đều đã thay đổi, mùi hôi bốc ra từ thân thể và thiên tử cũng biết rằng sẽ bị đầu thai vào loài súc sinh, Thiên vương biết được liền dạy thiên tử phát tâm quy y Tam Bảo sau bảy ngày thiên tử vãng sanh, Thiên vương muốn biết thiên tử sanh vào đâu, nhưng không thể quán chiếu thấy được bèn đến hỏi Phật. Phật liền dạy rằng: “Thiên tử nhờ công đức quy y Tam Bảo đã được sanh lên cõi trời Đâu Suất”. d. Chứa nhóm phước đức rộng lớn. Kinh Ưu Bà Tắc Giới: “Nếu ai có thể quy y Tam Bảo, nên biết người này được phước báo không thể cùng tận. Này thiện nam tử! Ví như nước Ca Lăng Già có một kho báu lớn tên là Tân Già La. Nhân dân cả nước đó không luận lớn nhỏ, nam nữ, đều dùng voi ngựa, xe cộ,… chở đi trong suốt bảy ngày, bảy tháng, bảy năm mà vẫn không hết. Nếu người chí tâm quy y Tam bảo, được công đức, phước báo còn nhiều hơn trăm vạn lần so với số châu báu ở trong kho này”. Kinh Hy Hữu Giảo Lượng Công Đức ghi: “Giả sử người trong bốn châu lớn đều là bậc Thánh nhân nhị thừa, hay khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới đều có Phật ra đời. Nếu có ai trọn đời cúng dường, cho đến xây tháp bảy báu thờ phụng xá lợi của từng vị một, công đức tuy vô lượng vô biên, không vẫn không sánh bằng một phần nhỏ của người chí tâm thanh tịnh quy y Tam Bảo”. e. Chẳng đọa ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Bất cứ chúng sanh nào, dù là bậc cao hay thấp, thì đời sống và thọ mạng của họ cũng có hạn lượng. Có sanh thì ắt phải chết, có chết thì mới tái sanh để tạo ra vòng xoáy luân hồi vô cùng vô tận. Thế Tôn dạy chính nghiệp do mình tạo ra trong hiện đời (và đời trước) sẽ quyết định xu hướng tái sanh. Thế nên, sống trong đời, người có chánh kiến thì không lo lắng về cái chết mà suy tư sau khi mình chết sẽ sinh về đâu để chuyển hóa nghiệp lực theo hướng thiện lành. Một trong những biểu hiện của việc chuyển nghiệp là phát tâm hướng thiện quy y Tam bảo. Như vị thiên tử nhờ quy y Tam bảo mà thoát kiếp làm loài lừa. Quy y Tam bảo “trọn chẳng đọa ba đường ác” là một sự thật. Không phải Tam bảo có quyền năng ban cho chúng ta hạnh phúc mà chính việc tự thức tỉnh, bỏ tà quy chánh, nguyện hướng đến sự trọn lành, chân thiện của Phật-Pháp-Tăng đã cứu vớt chúng ta khỏi ba đường ác. Đây chính là công đức của việc quy y. f. Người và phi nhân không thể làm hại. Phật cũng đã từng dạy, nếu người quy y Tam Bảo thì được Tứ đại Thiên vương, sai 36 vị thiện thần hộ trì, 36 vị Thiện thần này còn có trăm ngàn vạn ức hà sa quyến thuộc cũng theo hộ trì người quy y Tam Bảo. Trên thực tế, người quy y Tam bảo là tâm luôn hướng thượng và hàng ngày làm nhiều việc thiện mang lại lợi ích cho tự thân và tha nhân. Thế nên loài người và phi nhân chẳng thể nhiễu loạn. g. Tất cả việc tốt đều sẽ thành công. Là người đệ tử đức Phật, nương tựa ba đức tánh cao quý nên trong giao tiếp, trong công việc lúc nào cũng làm trong chánh niệm tỉnh giác. Tin sâu nhân quả, gieo trồng nhân lành nên những quả báo thiện lành luôn được thành công. h. Được thành Phật đạo. Kinh Mộc Hoạn Tử: “Ngày xưa có vị tỳ kheo Sa Đẩu chuyên tụng trì danh hiệu của Tam bảo trong suốt mười năm, chứng đắc sơ quả Tu Đà Hoàn, nay ở tại thế giới Phổ Hương làm vị Bích Chi Phật”. Kinh Pháp Hoa đức Phật day: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, hay “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành như ta”. Thế nên, ai chưa quy y thì hãy quy y Tam bảo để được nương tựa và dẫn dắt đời mình theo con đường sáng. Ai đã quy y rồi thì tiếp tục tin sâu và nương tựa Tam bảo nhiều hơn nữa nhằm tự hoàn thiện mình. Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Đi trong ánh hào quang của Tam bảo thì chắc chắn sẽ đến chỗ bình an, hạnh phúc. Người quy y Tam Bảo được sự bình an như thế, nhưng mục đích cuối cùng của việc quy y Tam bảo là hướng vào chính mình làm sống dậy, làm sáng ngời Tam bảo của tự thân mỗi chúng ta. Phật, Pháp, Tăng có mặt trong mười phương thế giới mà cũng có mặt trong mọi người. Do đó, quy y Tam Bảo ngoài sự cung kính Phật, nương theo pháp tu tập, thực hành theo sự hướng dẫn của chư Tăng để được sự lợi ích hàng ngày thì chúng ta cần phải trở về nương tựa nơi chính bản thân mình, nơi bản tâm thanh tịnh, ở khả năng khai mở và phát triển tình thương, trí tuệ Phật tánh trong mỗi người chúng ta./. --------- TKN Đào Liên lưu nhớ
Được sửa bởi mytutru ngày Fri 06 Nov 2020, 08:19; sửa lần 1. |
| | | mytutru
Tổng số bài gửi : 11370 Registration date : 08/08/2009
| Tiêu đề: Re: GIỚI LUẬT TỨ PHẦN.. Fri 06 Nov 2020, 07:59 | |
| Bài 3 |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: GIỚI LUẬT TỨ PHẦN.. | |
| |
| | | |
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |