Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Empty
Bài gửiTiêu đề: Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng   Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng I_icon13Thu 23 Jul 2020, 08:06

Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng

Hiện nay, nếu bạn lật từ điển (kể cả wikipedia tiếng Việt) thì sẽ thấy hầu hết ghi chim nhạn là loài chim thuộc họ Sẻ, có khi còn đồng nhất với chim én. Kể cả nhiều từ điển Anh-Việt mới cũng dịch con chim swallow là chim én, hoặc chim nhạn.


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim-e10

Chim én. Hình từ SOI


Thế nhưng, trong ca dao tục ngữ và thơ văn cổ, khi nói tới chim nhạn là nói tới loài ngỗng thiên di (tức chim di trú, thiên = đổi, di = dời). Chữ nhạn viết chữ Hán 雁, trong tiếng Trung Quốc hiện đại lẫn tiếng Nhật đều chỉ con ngỗng trời. Các từ điển Hoa-Anh hay Nhật-Anh đều dịch là “wild goose” (bạn có thể copy chữ Hán này và tìm bằng google nếu chưa tin). Tra các từ điển tiếng Việt, Hán-Việt cũ cũng thấy định nghĩa nhạn là con ngỗng trời (“Đại Nam quấc âm tự vị” của Huình Tịnh Paulus Của ghi “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng”.)


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim-e11

Tranh vẽ bầy ngỗng trời (雁), Trương Văn Đức (1920-), họa sỹ Đài Loan. Hình từ SOI


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim-e12

Bức “Lô nhạn đồ” (Roganzu), lô = cây lau, nhạn = ngỗng, đồ = bức tranh. Tranh của Itō Jakuchū, họa sỹ Nhật thế kỷ 18. Hình từ SOI

Theo điển cố “Tô Vũ chăn dê” trong văn học Tàu, chim nhạn lúc di cư được Tô Vũ dùng để đưa thư về trung nguyên. Điều này cũng khá hợp lý vì ngỗng trời có kích thước to lớn, có thể mang thư được, trong khi con chim én lại bé tí xíu. Trong thơ văn cổ có từ tin nhạn, nghĩa là chỉ tin tức từ xa về nói chung (“Tin nhạn vẩn, lá thư bài” – Truyện Kiều).

Thơ haiku của Nhật dùng hình tượng con nhạn làm quý ngữ chỉ mùa thu:

雁 行きて 門田 も 遠く おもはるる
Kari yukite kadota mo tooku omowaruru
(与謝 蕪村 Yosa Buson)

Dịch:

“Đàn ngỗng bay qua
Đồng lúa trước nhà
Trông dường như xa”


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim-e13

Ngỗng trời. Hình từ SOI

Theo một bài nghiên cứu của tác giả Lê Mạnh Chiến (2013 – link cuối bài), khảo sát cho thấy các từ điển soạn sau 1975, nhất là các cuốn của GS Lê Khả Kế và GS Nguyễn Lân, đều ghi nhạn là én, cũng như dịch swallow (Anh) và hirondelle (Pháp) là chim nhạn. Từ đó dẫn tới các sách phân loại sinh học dần gán cho én cái tên nhạn và con ngỗng trời dần mất đi cái tên ban đầu của mình. Một lý do gây nhầm lẫn có thể là do én và nhạn thường hay đi với nhau trong ca dao tục ngữ, chỉ lứa đôi xa cách:

“én bắc nhạn nam” – quan họ Bắc Ninh,
“cho én nhạn hiệp đôi” – Cao Văn Lầu, “Dạ cổ hoài lang”.

Mấy năm gần đây, uy tín trong việc làm từ điển, nhất là về mảng Hán Việt của cố GS Nguyễn Lân xuống khá thấp, sau khi một vài cuốn từ điển của ông bị các nhà nghiên cứu khác phê bình và chỉ ra rất nhiều lỗi sai (An Chi, Lê Mạnh Chiến,…) nhưng vấn đề này ít được đề cập trên báo chí chính thống.

Có lẽ khó mà thay đổi một cái sai đã thành hệ thống như việc gọi én là nhạn như thế này. Nhưng ít nhất, việc chúng ta có thể làm là luôn luôn nhớ chim nhạn nghĩa gốc là con ngỗng trời.

Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim-e14

Tranh “Song nhạn” trên giấy bản, màu nhạt của Watanabe Kazan, họa sỹ Nhật thế kỷ 18. Hình từ SOI

*

Tham khảo:


Bài nghiên cứu của Lê Mạnh Chiến, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (107) . 2013

Bài này có bàn thêm về cách gọi tên con chim “yến”, tức con én biển, cho yến sào, vốn là một loài không liên quan tới con én sẻ hay con nhạn ngỗng. Nếu quan tâm, xin mời bạn đọc.

(Nguồn: SOI)


Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng   Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng I_icon13Thu 23 Jul 2020, 08:57

Lê Mạnh Chiến: Cớ sao đổi tên chim Én thành chim Nhạn?


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim_e10

I. Nỗi băn khoăn khó dứt

Trong một lần giở cuốn Từ điển Anh Việt  (của Ủy ban Khoa học Xã hội, Viện ngôn ngữ học, Nhà xuất bản  Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975, 1960 trang, khổ 17 x 25cm), gặp từ swallow, người viết bài này không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những dòng sau đây:
"swallow1   dt (động)  Chim nhạn. One swallow does not make a summer =   Một con nhạn không làm nên mùa xuân."

(Từ swallow  trong tiếng Anh có vài nghĩa khác nhau; swallow1tức là nói về nghĩa thứ nhất, là danh từ chỉ tên một loại động vật)
Nhóm từ does not make a summer  nghĩa là không làm nên mùa hạ chứ chẳng phải là không làm nên mùa xuân. Hơn nữa, từ swallow trong tiếng Anh (là danh từ chỉ tên chim) hoàn toàn đồng nghĩa với từ hirondelle trong tiếng Pháp và với từ chim én trong tiếng Việt. Vậy, câu “One swallow does not make a summer” phải được dịch sang tiếng Việt là “Một con én không làm nên mùa hạ”.

Không ít người Việt Nam đã từng biết câu ngạn ngữ “Một con én không làm nên mùa xuân”. Nó đã đến nước ta qua sách báo tiếng Pháp, vốn là câu “Une hirondelle ne fait pas le printemps”. Ở cuốn Pháp Việt  từ điển của học giả Đào Duy Anh, từ hirondelle được dịch sang tiếng Việt là chim én, yến 燕, và sau khi nêu vài nghĩa phái sinh khác thì tiếp đến câu  Une hirondelle ne fait pas le printemps, được giải nghĩa là:  Lấy một việc chưa nên kết luận, quyết đoán.  Trong từ điển Robert, tại mục từ hirondelle, câu ngạn ngữ này được giải thích một cách sáng sủa hơn: un fait isolé, un seul exemple n’autorise pas de conclusion générale (nghĩa là: một sự việc riêng lẻ, một ví dụ duy nhất không cho phép rút ra kết luận tổng quát). Cũng có thể diễn giải rằng: không nên quá vội tin vào những biểu hiện bề ngoài; một cá nhân đơn độc không đủ để thực hiện một mục tiêu cao cả.  Đây vốn là một câu danh ngôn triết lý của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristote (384 – 322 tr CN) và đã trở thành ngạn ngữ  rất  phổ biến ở các nước châu Âu và nhiều nước khác, những nơi mà mỗi năm đều có một mùa xuân rõ rệt. Người Nga cũng có câu одна ласточка весны не делает; người Trung Hoa thì nói rằng, độc yến bất thành xuân 獨燕不成春, hoàn toàn tương ứng với câu trong tiếng Pháp. Chim én di cư về phương nam để tránh rét, sang mùa xuân thì trở về phương bắc, xuất hiện ở miền nam nước Nga và ở hầu khắp các nước Châu Âu nhưng sang mùa hạ mới về đến nước Anh, nên câu ngạn ngữ này ở xứ sương mù cũng khác một chút so với tiếng Pháp hoặc tiếng Nga.

Hẳn là các soạn giả của cuốn Từ điển Anh Việt kia đã biết rõ câu ngạn ngữ tiếng Pháp nọ cùng với lời dịch ra tiếng Việt quá quen thuộc nên đành phải dịch chữ summer (nghĩa là mùa hạ) thành ra mùa xuân. Có thể thông cảm với lời dịch sai này, nhưng một câu ví dụ nêu trong từ điển mà  phải dịch sai một từ thì có nên hay không? Một điều đáng băn khoăn hơn nữa là, họ đã dịch từ swallow (tương đương với hirondelle) thành chim nhạn rồi đặt nó vào câu ngạn ngữ “Một con nhạn không làm nên mùa xuân”. Đem câu này dán lên thanh tìm kiếm của Google trên máy tính, độc giả sẽ không tìm thấy một văn bản nào viết như thế, mà chỉ gặp rất nhiều văn bản có câu “Một con én không làm nên mùa xuân” hay “Một cánh én  không làm nên mùa xuân”. Nghĩa là, không ai chấp nhận việc đổi ÉN thành NHẠN, bởi vì Nhạn và Én là hai loại chim khác nhau. Ca dao đã có câu: Nhạn về  biển bắc  Nhạn ơi/ Bao thuở Nhạn hồi để Én đợi trông. Việc đổi Én thành Nhạn thì sai hoàn toàn, tệ hơn việc đổi Gà thành Vịt. Câu ngạn ngữ kia vẫn mãi mãi phải dịch là Một con én không làm nên mùa xuân.

II. Én và nhạn trong trong tâm thức người Việt

1.Chim én – biểu tượng của mùa xuân

Đối với mọi người Việt Nam, Én (hoặc Yến 燕, theo Hán ngữ) là một loại chim rất quen thuộc. Sắp đến mùa lạnh, chim én lặng lẽ  rời khỏi “bản quán” để tránh rét, ít khi bay thành từng đàn. Chỉ đến mùa xuân ấm áp chúng mới rủ nhau lũ lượt về “cố hương” tạo nên biểu tượng của mùa xuân, và là hình ảnh hết sức quen thuộc trong tâm trí mọi người: Ngày xuân con én đưa thoi (Truyện Kiều). Người nông dân theo dõi cách bay lượn của chim én để “dự báo thời tiết”, và chim én đi vào câu tục ngữ: Én bay thấp, mưa ngập bờ ao / Én bay cao, mưa rào lại tạnh. (Theo sách Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan,ở đoạn nói về Khí tượng và lao động sản xuất).

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn nhắc đến chim én ở một số câu thơ khác, với hình tượng chim én để tả tình tả cảnh mà thật khó dùng thứ khác để thay thế: Thiếp như con én lạc đàn  (câu 2117); Xập xè én liệng lầu không  (câu 2274).  Chim én có miệng rộng, cằm bạnh, cho nên hàm én (trong Hàn ngữ là yến ham 燕頷) là một đặc điểm về tướng mạo toát lên vẻ uy nghiêm của một võ tướng. Ban Siêu (32 – 102, danh tướng thời Đông Hán) thì có cổ hùm hàm én (yến hạm hổ cảnh); Trương Phi (? – 221, dũng tướng thời Tam quốc) thì có râu hùm hàm én (yến hạm hổ tu). Cái hàm én của Từ Hải đã được Nguyễn Du nhắc đến hai lần trong Truyện Kiều: Râu hùm, hàm én, mày ngài (câu  2167) và Hãy còn hàm én mày ngài như xưa (câu 2274)

Khi chim én được gọi là yến, lại đi liền với anh (chim vàng anh) thì thường để diễn tả quang cảnh đông vui nhộn nhịp, có khi mang sắc thái “trăng hoa”, như ở các câu  trong Truyện Kiều: Gần xa nô nức yến anh (câu 45); Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh (câu 64); Quá chiều nên đã chán chường yến anh (câu 514); Xôn xao anh yến dập dìu trúc  mai (câu 944) Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh (câu 1098); hoặc: Điều đâu lấy yến làm anh  (câu 955); Quyến anh rủ yến sự này tại ai ? (câu 1180).

Chim én có mặt trong vô số bài hát mừng xuân. Nó đã là đề tài của các nhạc sĩ nổi tiếng. Chỉ cần  kể tên  một số bài như Cánh én tuổi thơ  của Phạm Tuyên,  Tạm biệt chim én  của  Trần Tiến, Mùa chim én bay của Hoàng Hiệp, Những cánh én mùa xuân của Nguyễn Hiền; Khi chim én về của Võ Công Anh … cũng đủ thấy chim én thân thiết với các nhạc sĩ như thế nào.

Các nhà nhiếp ảnh  và các họa sĩ không thể không chú ý đến chim én. Ở Trung Quốc, Xuân phong yến hỷ 春風燕喜 (Én mừng gió xuân) là một chủ đề lớn trong hội họa suốt nhiều thế kỷ, nổi tiếng nhất về chủ đề  này  là tác  phẩm của Lữ Kỷ 呂紀(1477 - ?), họa sĩ lừng danh thời Minh. Loạt tranh này đã từng lưu hành ở  nước ta. Hiện nay, một số bức  tranh thuộc chủ đề này đang được  thêu hoặc in lại vì có nhiều người ưa chuộng.

Thật khó tìm thấy một loại chim nào khác đi vào tâm thức người Việt sâu xa  hơn chim Én. Nó có mặt trong ca dao, tục ngữ và ở mọi lĩnh vực nghệ thuật khác như văn, thơ, nhạc, họa.

2. Chim nhạn và bóng dáng của nó trong thơ ca

Nhạn không gần gũi với con người như én. Nhiều người chỉ nghe nói đến chim nhạn nhưng không biết rõ về nó. Nhưng trong văn thơ và ca dao, sau chim én thì chim nhạn được nói đến nhiều hơn các loại chim khác. Bởi vậy, việc tra cứu trong sách vở để biết rõ về chim nhạn là điều cần thiết.

a). Theo Đại Nam quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Imprimerie REY CURIOL & Cie                      
Saigon, 1896:

Nhạn  = Thứ chim giống con ngỗng.

b) Theo Từ điển Việt Nam phổ thông, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài gòn, 1951:

Nhạn = giống chim loài vịt trời.

Nhạn tín  = tin do chim nhạn đem tới (lấy tích Tô Vũ bên Tàu xưa sang sứ Hung- nô, bị     đày,  phải buộc thư vào chân chim nhạn để nhắn tin về cho vua Hán).

c) Theo  Việt nam tân từ điển,  Thanh Nghị, Nxb Thời thế, Sài gòn, 1952

Nhạn = chim thuộc loài vịt, cũng gọi là mòng

Nhạn tín  = tin nhờ con chim nhạn đem đến (theo tích Tô Vũ bị đày, viết thư vào lụa buộc vào chim nhạn đưa về cho vua). Thơ có câu: Ngày sáu khắc nghe tin nhạn vắng .

d) Theo Từ điển Việt Nam, Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ, Nhà sách Khai trí, Sài gòn, 1970.

Nhạn =  con mòng hay chim mòng, loại chim giống như vịt, hay bay xa:

Nhạn về biển bắc nhạn ôiBao thuở nhạn hồi để én đợi trông (Ca dao)

e) Theo Từ điển Việt – Pháp (Dictionnaire Annamite – Français), J.F.M. Génibrel, Imprimerie de la Mission à Tân Định, Saigon, 1898

NHẠN  雁=  Oie sauvage ( =Ngỗng trời)

f). Theo Từ điển Việt – Pháp phổ thông, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh – bảo,  Saigon, 1950

Nhạn = Oie sauvage ( =Ngỗng trời)

g) Theo Việt – Pháp từ điển, Đào Đăng Vỹ, Nhà sách Nguyễn Trung, Saigon, 1970  

Nhạn (mòng) = Oie sauvage ( =Ngỗng trời)

Ngày sáu khắc mong tin nhạn vắng (Cung oán)
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa (Kiều)


h) Theo Hán – Anh song giải Tân Hoa tự điển (Tự điển Tân Hoa, giải thích bằng Hán ngữ và Anh ngữ), Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ty, Bắc kinh, 2000

雁(鴈), 大雁,鸟名, 多指鴻雁, 羽毛褐色, 腹部白色, 嘴  扁平, 腿短, 群居 在水边. 飞时排列成行. 是候鸟.   wild goose; goose, usu.hóngyan, any of various brown and white-bellied  aquatic birds  with a flat bill and short legs, living by waterside in groups, and  flying in one-line flocks. It is migratory bird.

Dịch: Nhạn = ngỗng hoang dại, thường chỉ hồng nhạn, là mọi loài thủy cầm lông nâu, bụng  trắng có mỏ bẹt và chân ngắn, sống ven các vùng nước,  thành từng đàn, bay theo  từng nhóm thành một hàng. Đây là loại chim di cư.

i). Theo Từ điển Wikipedia Hán ngữ và Anh ngữ trên mạng Internet  thì Nhạn 雁 có tên Latin là Anser, loài tiêu biểu nhất có tên là Anser anser, tên tiếng Anh là Grey goose, Greylag goose (Ngỗng xám), có khi cũng gọi là Anser, nặng  khoảng 2,5 – 4,1kg.

Trong sách Chim Việt Nam tập I (Nxb Khoa học & Kỹ thuật, HN, 1975), tại  trang 110,  GS Võ Quý cho biết: loài Anser anser  có tên tiếng Việt là Ngỗng trời (đừng  nhầm với Thiên nga), trọng lượng  2,6 – 6,0kg, về mùa đông, loài này có nhiểu ở vùng đồng bằng gần  bờ biển (về phía nam, đến Thừa Thiên).

Như vậy, tất cả các từ điển ở nước ta từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1970 đã diễn giải về chim nhạn đúng như nghĩa của từ Nhạn 雁trong Hán ngữ và phù hợp với ý nghĩa biểu tượng của nó trong thơ văn Việt Nam. Đó là một giống chim thuộc họ Vịt (Anatidae), sắp đến mùa rét thì bay thành hàng dài xuống phương nam để tránh rét, kiếm ăn ở ven biển, ở ven sông, ở các hồ đầm  hoang vắng.  

Xuất phát từ truyện Tô Vũ thời Hán, chim nhạn đã đi vào văn thơ Việt Nam với nghĩa bóng là phái viên đưa thư (như chú giải trong một số từ điển kể trên):


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim_e11

Nhạn  =Ngỗng xám = Ngỗng trời


Mây giăng ải bắc trông tin nhạn,
Ngày xế non nam bặt tiếng hồng

(Nguyễn Đình Chiểu, trong bài Xúc cảnh)

Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng,
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền
.
(Nguyễn Gia Thiều, trong Cung oán ngâm khúc)

Thấy nhạn luống tưởng thư phong,
Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng.

(Đoàn Thị Điểm, trong Chinh phụ ngâm)

Tin nhạn vẩn, lá thư bài,
Đưa người cửa trước, rước người cửa sau

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Nhiều khi chim nhạn là hình tượng thích hợp để đưa vào những câu thơ tả cảnh, tả tình, như Nguyễn Du đã mấy  lần sử dụng trong Truyện Kiều:

Buồn trông phong cảnh quê người.
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa


và:

Phận bồ từ vẹn chữ tòng,
Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.


Hoặc như trong truyện thơ khuyết danh Bích câu kỳ ngộ

Những là én bắc nhạn nam,
Cánh hoa mặt nước biết làm sao đây.


Và cả trong những câu ca dao trữ tình, lãng mạn:

Nhạn về biển bắc nhạn ơi
Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông!


Hay:

Nhạn nam én bắc lạc bầy
Biết bao giờ đặng duyên vầy ái ân


3. Những nét tương phản giữa nhạn và én

Nhạn và én là hai loại chim khác nhau hoàn toàn về mọi đặc điểm, chúng tạo thành một cặp tương phản. Trước hết, về độ lớn của thân thể, chúng khác xa nhau, có trọng lượng chênh lệch nhau khoảng 100 lần. Loài nhạn nhỏ nhất cũng có trọng lượng từ 1,2 đến 1,6kg, còn loài én nhỏ nhất chỉ năng 10 – 20g; Loài nhạn lớn nhất có thể nặng tới 6kg nhưng loài én lớn nhất chỉ nặng không quá 60g. Nhạn bay rất cao thành hàng dài thẳng tắp, trong khi én bay lượn rất thấp không theo hàng lối nào cả. Chim nhạn mò cua bắt cá dưới nước, còn chim én thì săn bắt muỗi và các loại côn trùng nhỏ bé trên không. Người ta thường thấy từng đàn chim nhạn trên trời vào mùa thu, khi chúng bắt đầu bay về phương nam để để tránh rét, nhưng lại được ngắm nhìn từng đàn chim én bay lượn về mùa xuân khi mùa rét đã trôi qua. Nhạn và én thật khó gặp nhau, dường như chúng luôn luôn ở hai phương trời cách biệt. Ở miền bắc nước ta, cuối mùa thu, khi chim nhạn từ phương bắc bay về thì chim én (chịu rét kém hơn) đã phải tìm đến nơi xa hơn, ấm hơn. Bởi  thế cho nên, trong bài Cảm thu, tiễn thu, thi sĩ Tản Đà đã viết:    
       
Nhạn về én lại bay đi,
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm.


Giữa nhạn và én có những đặc điểm tương phản như vậy cho nên, trong thơ ca,  mỗi khi nhạn và én cùng được nhắc đến trong một tình huống, chúng đều đứng ở những vị trí tương phản, ví dụ như trong các câu thơ:  Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên; Nhạn về én lại bay đi  hay: Những là én bắc nhạn nam, hoặc như trong ca dao:  

Nhạn về biển bắc nhạn ơi
Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông.

và:  

Nhạn nam én bắc lạc bầy
Biết bao giờ lại duyên vầy ái ân

III.  Chim én đã bị đổi tên thành chim nhạn

Trong tất cả các từ điển Pháp -Viêt  và Việt –Pháp lưu hành từ những năm 1970 về trước, từ Én trong tiếng Việt được dùng để dịch từ Hirondelle trong tiếng Pháp. Theo chiều ngược lại, từ Hirondelle được dịch sang tiếng Việt bằng từ Én, với sự nhất trí của mọi người. Đối với từ Swallow trong tiếng Anh cũng vậy, vì nó hoàn toàn tương đương với từ Hirondelle nên cũng luôn luôn được dịch sang tiếng Việt bằng từ Én. Nghĩa là:  Hirondelle = Swallow = Én. Nhưng, có lẽ vì  GS Lê Khả Kế (một nhà sinh vật học và một người biên soạn từ điển) chủ trương đổi tên chim Én thành chim Nhạn, khi ông khẳng định rằng Hirondelle = Swallow = Nhạn thì tất cả những người biên soạn từ điển tiếp sau đều phụ họa theo. Sau đây là những thí dụ cụ thể:

Tất cả các cuốn Từ điển Anh- Việt và Từ điển Việt- Anh được biên soạn từ năm 1975 đến nay đều dịch swallow = chim nhạn, và ngược lại: nhạn = swallow

Có thể kể một số cuốn như:
     a).   Từ điển sinh học Anh- Việt,  Nxb Khoa học & Kỹ thuật HN, 1976
     b).   Từ điển Anh- Việt,  Lê Khả Kế, Nxb Khoa học Xã hội, 1997
     c).   Từ điển Anh -Việt,   Đại học ngoại ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997
     d).  Từ điển Anh- Việt,  Phan Ngọc chủ biên; Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995
     e).   Từ điển Anh -Viêt,  Viện Ngôn ngữ học (Hồ Hải Thụy, Chu Khắc Thuật, Cao Xuân Phổ), Nxb TP Hồ Chí Minh, 1994
    f).  Từ điển Việt – Anh,  Viện Ngôn ngữ học (Đặng Chấn Liêu, Lê Khả Kế, Phạm Duy Trọng),  Nxb TP Hồ Chí Minh, 1997
    g).  Từ điển Việt - Anh , Bùi Phụng, Nxb Thế giới, HN, 1996

Tất cả các cuốn Từ điển Pháp - Việt và Từ điển Việt-Pháp được biên soạn từ năm 1975 đến nay đều dịch hirondelle = chim nhạn, và ngược lại: nhạn = hirondelle

Cụ thể, điều đó đã xẩy ra trong các từ điển sau đây
a).  Từ điển sinh học Pháp Việt, Lê Khả Kế, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1981
b). Từ điển Pháp – Việt,    Viện Khoa học Xã hội, Lê Khả Kế chủ biên, Nxb Khoa học  Xã hội, Hà Nội, 1991
c).  Từ điển Việt –Pháp, Viện Ngôn ngữ học, Lê Khả Kế, Nguyễn Lân,  Nxb Khoa học  Xã hội, Hà Nội, 1989

Các cuốn Từ điển tiếng Việt đều mô tả chim Nhạn đúng như chim Én mà chúng ta vẫn thấy:
     a).  Theo Từ điển tiếng Việt,  Văn Tân chủ biên, (In lần thứ hai, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977): nhạn = loài chim trời thuộc bộ sẻ, đuôi dài chẻ đôi, mỏ ngắn, thường làm tổ trên hang đá hay bay từng đàn về vách đá
     b).  Theo Từ điển tiếng Việt,  Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, (tái bản nhiều lần):
           nhạn  = chim nhỏ di cư, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn
     c).  Theo Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000:
nhạn= loài chim trời thuộc bộ sẻ, đuôi dài chẻ đôi,mỏ ngắn; Nhạn bay cao mưa rào lại tạnh, nhạn bay thấp mưa ngập bờ ao; nhạn tín  =  (Theo truyền thuyết, Tô Vũ đời Hán bị giam ở đất Hung-nô viết thư buộc vào chân chim nhạn gửi về cho vua) Tin tức (cũ) .
     d).Theo Đại từ điển tiếng Việt,  Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb Văn hóa – Thông tin, 1999:
nhạn=  chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn,  bay thành đàn

Trong tất cả các từ điển về tiếng Việt từ cuốn đầu tiên (Đại Nam quấc âm tự vị, cuối thế kỷ 19) đến mọi cuốn khác in trước những năm 60 của thế kỷ 20 thì Nhạn chính  là Ngỗng trời. Nhưng sau đó, trong bốn quyển từ điển vừa  kể (3 quyển  do Viện Ngôn ngữ học bảo trợ) thì Nhạn lại là loại chim mà trước đây có tên  là Én. Lời diễn giải trong các quyển ấy, kết hợp với sự xác nhận nhạn = hirondelle = swallow trong các cuốn từ điển Anh –Việt, Việt –Anh, Pháp – Việt, Việt – Pháp, cộng với việc đổi Én thành Nhạn trong các câu danh ngôn và ca dao (như  GS  Nguyễn Lân và GS Lê Khả Kế đã làm) đã xác nhận điều đó. Nghĩa là loại chim mà bao đời nay người Việt vẫn gọi là Én thì nay đã được các nhà ngôn ngữ học đổi tên thành Nhạn.Tuy nhiên, hình như bây giờ Nhạn không còn là biểu tượng của mùa xuân nữa vì không thấy từ điển nào nhắc đến điều đó.

Các sách chuyên khảo về Chim Việt Nam  hiện có đều không nói đến chim én và không hề nhắc đến nó mặc dầu đó là loài chim hết sức quen thuộc ở nước ta. Cụ thể, các sách đó là

a).   Chim Việt Nam – Hình thái và phân loại, Võ Quý, Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội (tập I, 1975; tập II, 1981). Hai tập sách này dày hơn 1000 trang, mô tả khá kỹ các loài chim ở nước  ta, gồm hơn 1000 loài, có minh họa bằng hình vẽ đen-trắng. Sách này không nói đến chim Én, mà có một mục viết về Họ Nhạn – Hirundinidae. Vì  Hirundinidae là họ của Hirondelle trong tiếng Pháp hoặc Swallow trong tiếng Anh, cho nên, người viết bài này biết rõ rằng, đó chính là Họ Én trước đây nhưng nay đã bị đổi thành Họ Nhạn. Sách này cho biết:

Họ Nhạn gồm các loài chim nhỏ cỡ bằng chim sẻ. Cũng như yến, nhạn là những loài chim chuyên sống trên không, thân có hình thuôn, cổ ngắn, đầu tròn, mỏ dẹp, ngắn, hình tam giác và có thể há được rất rộng. Kiểu cấu tạo mỏ như thế giúp cho nhạn bắt mồi dễ dàng trong không trung. Giò nhạn ngắn, ngón chân yếu nhưng móng chân khá phát triển và cong. Cánh nhạn rất dài, nhọn và có 9 lông cánh sơ cấp thứ nhất rất bé. Đuôi có 12 lông; ở phần lớn loài, hai lông đuôi ngoài cùng dài hơn hẳn các lông khác. Bộ lông thường mượt, chủ yếu là màu đen ánh thép và màu trắng. Chim đực và chim cái có bộ lông giống nhau hay gần giống nhau.
Các loài nhạn đều bay rất giỏi và rất nhẹ nhàng. Chúng có thể đậu ở cành cây, ở vách đá, vách tường hay trên mặt đất nhưng không đi được hay đi rất khó khăn. Thức ăn của nhạn là côn trùng nhỏ mà chúng bắt trong khi bay. Nhạn thường làm tổ ở vách đá, vách tường và đôi khi làm tổ trên cây. Mỗi lứa đẻ 4 – 6 trứng.

Họ Nhạn gồm khoảng 75 loài phân bố rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam có 10 loài thuộc 3 giống.

Ghi chú  Ở đây, tác giả dùng từ yến  để chỉ loại chim có bề ngoài rất giống  chim én, có tên bằng tiếng Anh là Swift, (tiếng Pháp là Martinet, tiếng Hán là Vũ yến 雨燕), hợp thành Họ Apodidae (= Swift family)  mà Trung Quốc gọi là Họ Vũ Yến, ở Việt Nam hiện nay đang gọi là Họ Yến.

b).  Chim Việt Nam, Nguyễn Cử, Lê Trọng Trải, Karen Philipps, Nxb Lao động – Xã    hội, Hà Nội, 2000.

Sách này do chương trình Bird Life International tại Việt Nam tổ chức biên soạn và phát hành, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (World  Bank) và Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature). Phần mô tả các loài chim ngắn gọn, có 85 trang ảnh màu mô tả hơn 500 loài chim. Dưới đây là vài hình ảnh của  “chim nhạn” (hàng ngàn năm qua được gọi là chim én) theo sách này.


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim_e12Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim_e13


IV. Có nên đổi tên chim én thành chim nhạn hay không?    

Điều gì khiến người ta đổi tên của chim Én?
   
   
Én (tương ưng với Hirondelle, Swallow vàYến 燕 (trong Pháp ngữ, Anh ngữ và Hán ngữ) là loại chim nhỏ gồm nhiều giống, rất nhiều loài, bằng cỡ chim sẻ hoặc nhỏ hơn, là nhóm tiêu biểu của họ Hirundinidae mà trước đây người Viêt gọi là họ Én mà khoảng hơn 40 năm gần đây lại đổi thành họ Nhạn. Chim Én đi lại rất kém, cũng không bơi được nhưng bay rất giỏi, sống nhờ tài bay lượn để bắt bọn côn trùng nhỏ trên không. Mọi hoạt động của chúng như bắt mồi, rỉa lông, kể cả ngủ và giao phối  đều diễn ra trong lúc bay. Suốt một thời gian rất dài, người ta coi mọi loài chim có những đặc điểm bên ngoài như vậy đều thuộc Họ Én, bao gồm cả một số loài có khả năng gắn tổ vào vách đá bằng chất keo tiết ra theo nước bọt. Trong thế kỷ 20, người ta mới khám phá ra rằng, những loài chim có nước bọt dính ấy và chim Én không có quan hệ họ hàng với nhau. Chỉ vì điều kiện sống giữa chúng với chim Én giống nhau nên đã diễn ra sự tiến hóa hội tụ (convergent evolution) khiến cho chúng có những biểu hiện bề ngoài giống như chim Én,  nhưng về bản chất sinh vật học thì khác hẳn, thể hiện rõ nhất ở cấu trúc ADN. Chúng có tên chung bằng tiếng Anh là Swift, tiếng Pháp là Martinet, tiếng Hán là Vũ yến 雨燕. Vì nhóm chim này thực chất không phải là Én nên  người ta đã tách chúng ra khỏi Họ Én để  xếp vào họ Apodidae  hay Swift family  (Trung Quốc gọi là họ Vũ yến) rồi ghép với họ Trochilidae (họ Chim ruồi),  hợp thành  bộ  Apodiformes. Trong họ Apodidae này có một số loài thuộc phân họ Collocaliini (người Anh – Mỹ gọi là Swiftlet, người Pháp gọi là Salangane, người  Hán gọi là Kim ti yến 金丝燕, tức  là Yến tơ vàng, người Nhật viết bằng chữ Hán là Huyệt yến 穴燕, nghĩa  là Yến hang) làm tổ gần như hoàn toàn bằng những sợi keo rút ra từ nước bọt.  Người Trung Hoa gọi tổ yến ấy là yến oa 燕窩 hoặc yến sào 燕巢 (tiếng Anh là  Edible bird's nest, tiếng Pháp là Nid d’hirondelle). Từ hơn 400 năm qua, họ đã coi đó là món ăn rất quý. Giá trị của các loại tổ yến cũng rất khác nhau. Tổ yến của loài Aerodramus fuciphagus, còn gọi là Collocalia fuciphaga  (tiếng Anh là Edible-nest Swiftlet, tiếng Pháp là Salangane à nid blanc, tiếng Hán là Trảo-oa Kim ti yến, nghĩa là Yến tơ vàng Java) được coi là quý nhất.

Vì muốn phân biệt rạch ròi giữa Én (còn gọi là Yến, = Hirondelle = Swallow) nên các nhà ngôn ngữ học và sinh vật học nước ta đã đổi Én thành Nhạn và dành  tên Yến để chỉ các loài Swift  mà người Hán gọi là Vũ yến. Chim  Én vốn  có mặt trong ca dao và danh ngôn, nay bị đổi thành Nhạn, rồi họ mô tả chim Nhạn theo “quy định” mới, đúng  như loại chim có tên là Hirondelle trong tiếng Pháp. Mọi ý niệm về chim Nhạn (sứ giả đưa tin) đã được định hình từ bao đời nay đều bị xóa bỏ để nhường chỗ cho những quy định của họ về chim “Nhạn mới”.

Những  rắc rối bỗng xuất  hiện do việc đổi tên Én thành Nhạn


Chim Én đã được định hình rõ nét trong tâm thức của mọi người, đã là hình tượng quen thuộc trong những câu ca dao, những câu thơ nổi tiếng. Đổi tên Én thành Nhạn thì âm hưởng và tính truyền cảm của câu thơ sẽ khác hẳn, trở nên xa lạ, lạc lõng. Vả lại, ca dao và những câu thơ nổi tiếng của tiền nhân đều đã đi vào lịch sử, ai có quyền sửa đổi?  Chim Nhạn biểu trưng cho sứ giả đưa tin từ người phương xa, đã có chỗ đứng đẹp đẽ trong văn thơ rồi. Trong thơ và ca dao, nhiều khi Én và Nhạn cùng đối diện nhau, bởi vậy, khi đã đổi En thành Nhạn thì cũng phải đổi Nhạn thành cái tên gì đó. Thế là tạo nên sự lộn xộn lung tung. Câu danh ngôn triết lý sâu sắc nhưng giản dị “Một con én không làm nên mùa xuân “ của nhà hiền triết Hy Lạp cách đây 24 thế kỷ, đã trở thành ngạn ngữ quen thuộc  ở khắp Châu Âu và trên thế giới, khi bị GS Lê Khả Kế đổi thành  Một con nhạn không làm nên mùa xuân thì  trở nên gượng ép, vô nghĩa,  bởi vì từ bao đời nay có ai nghĩ đến mối liên hệ giữa chim Nhạn (ngỗng trời) và mùa xuân  đâu. Còn  GS Nguyễn Lân đổi hai câu Én bay thấp, mưa ngập bờ ao / Én bay cao, mưa rào lại tạnh thành ra Nhạn bay cao, mưa rào lại tạnh / Nhạn bay thấp, mưa ngập bờ ao  thì quả là đã xuyên tạc câu ca dao phản ánh một  kinh nghiệm dân gian. Bởi vì Nhạn là con ngỗng  trời, chẳng ai thấy  nó tung tăng bay lượn trước mắt mọi người nên không thể có mặt trong hai câu ấy. GS Nguyễn Lân  còn cho biết rằng, nhạn tín (hay thư nhạn) nghĩa là tin tức và chú giải: “Theo truyền thuyết, Tô Vũ đời Hán bị giam ở đất Hung-nô viết thư buộc vào chân chim nhạn gửi về cho vua”. Ngay trước đó, ông đã xác quyết: “nhạn  là loài chim trời thuộc bộ sẻ, đuôi dài chẻ đôi, mỏ ngắn”. Đó chính là con chim mà từ nhiều thế kỷ người ta đã gọi là Én. Thử hỏi, ai có thể buộc thư vào đôi chân nhỏ xíu như cọng cỏ và ngắn ngủn của một con chim nặng 50 – 60g để nhờ nó chuyển đi xa hàng ngàn dặm?

Cứ theo các vị Nguyễn Lân và Lê Khả Kế, phải thay Én bằng Nhạn như họ đã làm mẫu trong các cuốn từ điển kia thì ắt phải xẩy ra nhiều điều rắc rối, nan giải. Riêng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã năm lần nhắc đến Én, tám lần nói đến Yến (cũng là Én), nếu phải thay các từ Én  và Yến bằng Nhạn thì sẽ có những câu như: Xập xè nhạn liệng lầu không; Thiếp như con nhạn lạc đàn, …,Từ Hải sẽ có tướng mạo Râu hùm, hàm nhạn, mày ngài.  Còn gì là thơ của Nguyễn Du nữa đâu!

Đến câu Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên thì gặp rắc rối to: yến thì đổi thành nhạn, còn nhạn (khác hẳn yến) thì nay gọi là gì? Gọi là Ngỗng trời chăng? Có lẽ chỉ nên gọi là  Ngỗng để cho câu thơ vẫn có 8 chữ? Lúc đó, sẽ có hai câu:

Phận bồ từ vẹn chữ tòng,
Đổi thay ngỗng nhạn đã hòng đầy niên.


Lại thử noi gương hai vị giáo sư, đổi Én thành Nhạn (mới) và đổi  Nhạn (cũ) thành Ngỗng thì sẽ được các câu ca dao trữ tình như sau:

Ngỗng  về biển bắc ngỗng  ơi
Bao thuở ngỗng hồi để nhạn đợi trông!


và:

Ngỗng nam nhạn bắc lạc bầy
Biết bao giờ đặng duyên vầy ái ân


Có thể chấp nhận sự sửa đổi như thế hay không?

Phải khẳng định rằng, những câu thơ của các thi nhân nổi tiếng cùng với  những câu ca dao có nhắc đến nhạn và én (hoặc yến) đều rất hợp cảnh hợp tình, không hề  sai, cho nên không thể sửa đổi, không được phép sửa đổi, vì đã quá hay và còn là cứ liệu lịch sử về ngôn ngữ trong văn chương tiếng Việt .

Một em bé khi mới ra đời liền được cha mẹ đặt cho một cái tên để gọi và để phân biệt với mọi đứa trẻ khác. Khi một người lớn vì một lý do nào đó khiến cần phải đổi tên thì việc đó cũng không hề đơn giản, do người ấy có nhiều quan hệ xã hội phức tạp, đổi tên thì sẽ dẫn đến nhiều sự rắc rối nhầm lẫn, có khi rất tai hại. Người nào dù có quan hệ xã hội rộng rãi đến mấy thì cũng chỉ nằm trong một phạm vi rất nhỏ hẹp so với toàn xã hội, vậy mà thủ tục đổi tên cũng khá phiền phức và cần phải xem xét rất  thận trọng. Khi một cộng đồng cư dân tiếp xúc với một đối tượng mới lạ (các hiện tượng tự nhiên, các sinh vật, v.v.) thì cộng đồng ấy đặt cho đối tượng nọ một hoặc vài cái tên rồi những cái tên ấy được định hình trong nhận thức của mỗi người, chẳng dễ thay đổi.

Từ xa xưa, người Trung Hoa và người Việt Nam nhìn thấy cá voi và cá sấu sống dưới nước như rất nhiều loại cá khác nên họ coi chúng là những loại cá, gọi là cá voi (kình ngư) và cá sấu (ngạc ngư). Về sau, nhận thấy rằng cá voi là động vật có vú, là một loại thú, cá sấu là động vật bò sát tương tự như thằn lằn, nhưng chẳng ai thấy cần phải đổi tên chúng cho đúng với thực tế. Đó là vì những cái tên kia đã được định hình trong trí óc của mọi người, mọi thế hệ, thật khó có cái tên mới nào thay thế được. Chỉ cần mọi người hiểu và dạy bảo cho các cháu nhỏ biết rõ thực chất của các động vật này là đủ. Cá voi chẳng họ hàng gì với voi. Để làm sáng tỏ điều đó, ta có thể gọi nó là cá kình. Nhưng  nó  không  phải là  cá mà thuộc loại thú, Vậy, nếu gọi nó là thú kình thì rất đúng và cũng không sợ nhầm lẫn gì cả.  Nhưng chẳng ai gọi như thế. Quả là không ai muốn và cũng rất khó  đổi tên cho cá voi, vì đó là một việc chẳng có ich lợi và chướng tai, hoàn toàn không  nên làm.

So với cá voi thì chim Én còn gần gũi với quảng đại cư dân Việt Nam gấp hàng vạn lần. Én lại còn len lỏi vào ca dao tục ngữ và văn thơ nhạc họa. cho nên, việc đổi tên cho nó lại càng khó hơn việc đổi tên cho cá voi gấp hàng triệu lần. Nay lại gán cho Én cái tên “Nhạn” (cũng đã được định hình và đi vào văn thơ từ bao thế kỷ) thì sự thể lại càng rắc rối biết bao?

Sự lúng túng của những người đã đổi tên Én thành Nhạn

Chúng ta đã biết rằng, một số giống chim trong họ Hirundinidae (tiếng Việt trước đây gọi là họ Én) đã được chuyển sang họ Apodidae (tiếng Việt gọi là họ Yến) thuộc bộ Apodiformes (bộ Yến) vì chúng có bản chất sinh vật học khác hẳn bọn còn lại mặc dầu nhìn  những đặc điểm bên ngoài thì rất khó phân biệt. Bọn còn lại đông đảo hơn thì vẫn thuộc họ Hirundinidae.   Đó là những con chim rất quen thuộc với người Việt, vốn là biểu tượng của mùa xuân,  trước đây chúng ta vẫn gọi  là Én thì nay được các nhà ngôn ngữ học (mà tiêu biểu là  GS  Lê Khả Kế và GS Nguyễn Lân, cả hai đều đoạt Giải thưởng Nhà nước về thành tích biên soạn từ điển) ban cho một cái tên mới là Nhạn. Người viết bài này cứ ngỡ rằng, sau khi chia lũ Én thành bọn Yến và bọn Nhạn thì cái tên Én bị hủy bỏ, như đã thấy trong hai tác phẩm chuyên khảo về Chim Việt Nam (xem  ở cuối mục III của bài này) vì nó không có chỗ đứng nữa. Tuy nhiên, trong cả bốn quyển Từ điển về tiếng Việt kể trên và trong các quyển Từ điển Việt – Anh hoặc Từ điển Việt- Pháp vẫn có từ Én. Hẳn là các  nhà biên soạn từ điển đã ngộ ra rằng, không thể xóa bỏ từ Én trong tiếng Việt. Chim Én vốn rất gần gũi thân thiết  với mọi người con của Đất Việt, dẫu đã được ban tên mới là Nhạn thì tên cũ ấy vẫn để lại dấu vết sâu đậm trong tâm trí mọi người, trong sách vở, trong thơ ca nhạc họa.

Về từ Én, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên  và Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân viết gần giống hệt nhau: Én = loài chim nhảy, đuôi chẻ đôi, cánh dài, bay nhanh, hàng năm thường thấy vào mùa xuân. Còn Từ điển tiếng Việt  do Hoàng Phê chủ biên và Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên thì viết chỉ khác nhau vài chữ: Én = chim nhỏ, lông màu đen, cánh dài và nhọn, chân ngắn, bay nhanh, thường gặp nhiều vào mùa xuân.

Với lời diễn giải như vậy thì từ Én vẫn đang được lưu hành, nếu không phải như thế thì các từ điển đã phải ghi thêm mấy chữ “nay gọi là Nhạn” hay là “tên gọi cũ của Nhạn”. Hẳn rằng từ Én nay được các giáo sư giao phó nhiệm vụ định danh cho một loại chim nào đó khác hẳn với chim “Én cũ”, vì “Én cũ” đã được đổi thành Nhạn rồi cơ mà. Cứ theo sự diễn giải trong bốn quyển từ diển này thì người đọc nghĩ ngay đến câu danh ngôn “Một con én không làm nên mùa xuân”. Nhưng, lẽ nào “Én mới” cũng vẫn là Hirondelle, là Swallow, cũng chính là “Én cũ” mà nay đã đổi thành Nhạn? Vậy thì “Én mới” này là loại chim gì đây? Tên cũ của nó là gì? Điều này đáng lẽ phải được nói rõ nhưng  không thấy một quyển từ điển tiếng Việt nào nhắc đến. Hẳn là những người biên soạn từ điển rất lúng túng, rất “khó ăn khó nói”.  Nay muốn biết cái từ Én ở đây là chỉ con chim gì thì đành phải đi đường vòng, phải tra cứu xem “Én mới” đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp như thế nào, từ đó tiếp tục tìm kiếm trong các đại từ điển của nước ngoài và trên mạng Interrnet mới có thể lần mò ra diện mạo của nó.

Từ điển Việt –Pháp  của Lê Khả Kế và Nguyễn Lân (Nxb Khoa học  Xã hội, Hà Nội, 1989) cho biết:  Én = Martinet và Yến = Salangane

Từ điển Việt – Anh  của Đặng Chấn Liêu, Lê Khả Kế và Phạm Duy Trọng (Nxb TP Hồ Chí Minh, 1997) thì viết: Én = Swift; Yến = Salangane

Ở đây, các từ điển này đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng. Salangane là một từ trong tiếng Pháp có gốc Mã Lai và Philippines, tương ứng với Swiftlet trong tiếng Anh.  Tại tiểu mục 1 trong phần IV này, độc giả đã biết rằng, Salangane hay Swiftlet là tên chung của các loài trong phân họ Collocaliini thuộc họ Yến (Apodidae) mà người Nhật gọi là Huyệt yến, tức  là Yến hang.  Họ Apodide là họ của bọn Swift (=Swift family) mà người Trung Quốc gọi là họ Vũ yến còn ở nước ta thì gọi là họ Yến. Các giống Swift là nhóm chim tạo thành họ Apodidae, đã được định danh là Họ Yến rồi, nay lại bảo rằng chúng cũng là Én thì thật là luẩn quẩn. Phải chăng, những người biên soạn các cuốn Từ điển Việt – Pháp và Từ điển Việt – Anh này đã bối rối cực độ nên đành phải viết liều?

V. Vài lời cuối bài

Nếu cứ khăng khăng đổi tên chim Én thành chim Nhạn thì hẳn phải gây ra  nhiều rắc rối và mâu thuẫn nan giải trong việc học tập và giảng dạy tiếng Việt. Tai hại nhất là điều đó đã làm cho những câu thơ và những câu ca dao bất hủ trở nên thô kệch, ngớ ngẩn. Đành rằng, các nhà ngôn ngữ học có  lòng mong muốn cho từ ngữ tiếng Việt được rành mạch, chính xác, tách bạch rõ ràng đâu ra đấy. Nhưng ngôn ngữ thì biến đổi phức tạp, khó theo đúng những quy định hay phép tắc chặt chẽ. Nếu quá chú trọng  uốn nắn sửa chữa để đạt đến mức chính xác như toán học thì nhiều khi dẫn đến sai lầm rất tai hại, mà việc cố ý đổi tên chim Én thành chim Nhạn là một ví dụ rõ rệt.

Đối với những từ ngữ đã có lịch sử lâu đời, đã được định hình trong tâm trí của hàng chục  triệu người qua nhiều thế hệ, nghĩa của chúng có thể thu hẹp hoặc mở rông ở từng thời kỳ thì chúng ta phải chú ý đến diễn biến về ngữ nghĩa để hiểu và phân biệt trong từng ngữ cảnh chứ không nên (và cũng  không thể) sửa đổi chúng. Từ thời nhà Minh, người Trung Quốc đã coi ”Yến sào” là một món ăn rất quý. Yến 燕 nghĩa là Én, Yến sào nghĩa là Tổ Én, vì hồi bấy giờ người ta cho rằng con chim làm ra cái tổ ấy là con Én. Nay đã biết con chim ấy khác với Én nhưng người ta vẫn gọi nó là Yến, cụ thể là Kim ti yến. Chỉ cần hiểu rõ bản chất của  nó là đủ. Người Pháp cũng vậy, họ gọi món ăn ấy là Nid d’hirondelle, nghĩa là Tổ của chim Én.   Hiện nay họ vẫn duy trì tên gọi đó, mặc dầu biết rằng đó là tổ của các loài Salangane. Các bộ  từ điển tiếng Pháp phổ thông rất nổi tiếng như Larousse, Robert, Hachette  đều xác nhận điều này. Khi gõ trên máy tính mấy chữ Nid de Salangane (Tổ của Salangane) để tìm kiếm trên mạng Internet thì chỉ  thấy hiện lên 2 văn bản có mấy chữ ấy nhưng lại là văn bản  của người Việt để quảng cáo cho món “Yến sào” Việt Nam. Như vậy là đủ để thấy rằng, đổi tên chim Én là một việc  không ích lợi gì mà chỉ gây ra rắc rối, làm hại cho tiếng Việt. Không thể đổi tên chim Én đã đành, đổi Én thành Nhạn thì lại càng sai lầm thậm tệ nữa, bởi vì Nhạn cũng là một tên gọi có lịch sử lâu đời, đã từng cùng với Én song hành trong văn thơ. Về từ Yến (tên chim) trong tiếng Việt, chỉ cần mở rộng nghĩa cho nó là đủ.

Trước đây, trong tiếng Việt, từ Yến (tên chim) chỉ có nghĩa là chim Én. Cách đây hơn một thế kỷ, một loại chim đẹp và hót hay, có nguồn gôc từ Quần đảo Canaria (ở Đại Tây Dương, thuộc Tây Ban Nha) được đưa vào Việt Nam  cũng được gọi là chim Yến.  Nếu muốn phân biệt cho rõ thì  gọi là chim Yến cảnh hoặc chim Yến hót. Loại chim Yến này có danh pháp ba phần là Serinus canaria domestica (gồm các biến chủng Bạch Yến, Hồng Yến, Hoàng Yến, ...) thuộc họ Fringillidae (ở Việt Nam gọi là họ Sẻ thông hoặc là  họ Sẻ đồng, ở Trung Quốc  goi là họ Yến tước 燕雀). Nay từ Yến được mở rộng thêm nữa để chỉ loại chim giống như Én, dùng nước bọt có chất keo để gắn tổ vào vách đá hoặc để làm tổ. Sự mở rộng nghĩa của một từ  là điều rất bình thường, không thể vì thế mà phải thay đổi những tên gọi đã có lịch sử nhiều thế kỷ và đã in sâu trong tâm trí mọi người.

Một điều đáng mừng là, tuy các nhà biên soạn từ điển đã cùng nhau đổi tên “con én đưa thoi” trong mùa xuân thành con nhạn nhưng mọi người khác, những người viết văn viết báo, các nhạc sĩ vẫn luôn luôn nói về loại chim ấy bằng cái tên “Chim Én” với tình cảm thân thương, trìu mến. Chắc chắn rằng, chim Én trong các văn phẩm và nhạc phẩm ấy chính là “con én đưa thoi” về mùa xuân trong thơ Nguyễn Du  và cũng là con én trong câu danh ngôn của Aristote. Mong sao các  thầy giáo, các cô giáo dạy tiếng Việt đừng dựa vào các cuốn từ điển tiếng Việt hiện hành, đừng đổi Én thành Nhạn, vừa gây rắc rối cho mình khi giảng dạy văn thơ, ca dao, tục ngữ, vừa làm hỏng tiếng Việt. Đầu năm nay, trong bài Giải mã hàng chục ngàn chim én về ở Đồng Tháp trên báo Đất Việt ngày 15/01/2013, GS Võ Quý cũng hoàn toàn gọi Én bằng cái tên muôn thưở của nó chứ không gọi bằng cái tên mới là Nhạn như TS Lê Mạnh Hùng trong cùng một bài ấy. Nếu đúng đó là chủ ý của  GS Võ Quý thì thật là một đều rất đáng mừng.

Nguồn: Văn Hóa Nghệ An

Theo Lê Mạnh Chiến (diendantheky)

Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng   Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng I_icon13Fri 24 Jul 2020, 11:32

Trà Mi đã viết:
Lê Mạnh Chiến: Cớ sao đổi tên chim Én thành chim Nhạn?


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim_e10

I. Nỗi băn khoăn khó dứt

Trong một lần giở cuốn Từ điển Anh Việt  (của Ủy ban Khoa học Xã hội, Viện ngôn ngữ học, Nhà xuất bản  Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1975, 1960 trang, khổ 17 x 25cm), gặp từ swallow, người viết bài này không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những dòng sau đây:
"swallow1   dt (động)  Chim nhạn. One swallow does not make a summer =   Một con nhạn không làm nên mùa xuân."

(Từ swallow  trong tiếng Anh có vài nghĩa khác nhau; swallow1tức là nói về nghĩa thứ nhất, là danh từ chỉ tên một loại động vật)
Nhóm từ does not make a summer  nghĩa là không làm nên mùa hạ chứ chẳng phải là không làm nên mùa xuân. Hơn nữa, từ swallow trong tiếng Anh (là danh từ chỉ tên chim) hoàn toàn đồng nghĩa với từ hirondelle trong tiếng Pháp và với từ chim én trong tiếng Việt. Vậy, câu “One swallow does not make a summer” phải được dịch sang tiếng Việt là “Một con én không làm nên mùa hạ”.

Không ít người Việt Nam đã từng biết câu ngạn ngữ “Một con én không làm nên mùa xuân”. Nó đã đến nước ta qua sách báo tiếng Pháp, vốn là câu “Une hirondelle ne fait pas le printemps”. Ở cuốn Pháp Việt  từ điển của học giả Đào Duy Anh, từ hirondelle được dịch sang tiếng Việt là chim én, yến 燕, và sau khi nêu vài nghĩa phái sinh khác thì tiếp đến câu  Une hirondelle ne fait pas le printemps, được giải nghĩa là:  Lấy một việc chưa nên kết luận, quyết đoán.  Trong từ điển Robert, tại mục từ hirondelle, câu ngạn ngữ này được giải thích một cách sáng sủa hơn: un fait isolé, un seul exemple n’autorise pas de conclusion générale (nghĩa là: một sự việc riêng lẻ, một ví dụ duy nhất không cho phép rút ra kết luận tổng quát). Cũng có thể diễn giải rằng: không nên quá vội tin vào những biểu hiện bề ngoài; một cá nhân đơn độc không đủ để thực hiện một mục tiêu cao cả.  Đây vốn là một câu danh ngôn triết lý của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristote (384 – 322 tr CN) và đã trở thành ngạn ngữ  rất  phổ biến ở các nước châu Âu và nhiều nước khác, những nơi mà mỗi năm đều có một mùa xuân rõ rệt. Người Nga cũng có câu одна ласточка весны не делает; người Trung Hoa thì nói rằng, độc yến bất thành xuân 獨燕不成春, hoàn toàn tương ứng với câu trong tiếng Pháp. Chim én di cư về phương nam để tránh rét, sang mùa xuân thì trở về phương bắc, xuất hiện ở miền nam nước Nga và ở hầu khắp các nước Châu Âu nhưng sang mùa hạ mới về đến nước Anh, nên câu ngạn ngữ này ở xứ sương mù cũng khác một chút so với tiếng Pháp hoặc tiếng Nga.

Hẳn là các soạn giả của cuốn Từ điển Anh Việt kia đã biết rõ câu ngạn ngữ tiếng Pháp nọ cùng với lời dịch ra tiếng Việt quá quen thuộc nên đành phải dịch chữ summer (nghĩa là mùa hạ) thành ra mùa xuân. Có thể thông cảm với lời dịch sai này, nhưng một câu ví dụ nêu trong từ điển mà  phải dịch sai một từ thì có nên hay không? Một điều đáng băn khoăn hơn nữa là, họ đã dịch từ swallow (tương đương với hirondelle) thành chim nhạn rồi đặt nó vào câu ngạn ngữ “Một con nhạn không làm nên mùa xuân”. Đem câu này dán lên thanh tìm kiếm của Google trên máy tính, độc giả sẽ không tìm thấy một văn bản nào viết như thế, mà chỉ gặp rất nhiều văn bản có câu “Một con én không làm nên mùa xuân” hay “Một cánh én  không làm nên mùa xuân”. Nghĩa là, không ai chấp nhận việc đổi ÉN thành NHẠN, bởi vì Nhạn và Én là hai loại chim khác nhau. Ca dao đã có câu: Nhạn về  biển bắc  Nhạn ơi/ Bao thuở Nhạn hồi để Én đợi trông. Việc đổi Én thành Nhạn thì sai hoàn toàn, tệ hơn việc đổi Gà thành Vịt. Câu ngạn ngữ kia vẫn mãi mãi phải dịch là Một con én không làm nên mùa xuân.

II. Én và nhạn trong trong tâm thức người Việt

1.Chim én – biểu tượng của mùa xuân

Đối với mọi người Việt Nam, Én (hoặc Yến 燕, theo Hán ngữ) là một loại chim rất quen thuộc. Sắp đến mùa lạnh, chim én lặng lẽ  rời khỏi “bản quán” để tránh rét, ít khi bay thành từng đàn. Chỉ đến mùa xuân ấm áp chúng mới rủ nhau lũ lượt về “cố hương” tạo nên biểu tượng của mùa xuân, và là hình ảnh hết sức quen thuộc trong tâm trí mọi người: Ngày xuân con én đưa thoi (Truyện Kiều). Người nông dân theo dõi cách bay lượn của chim én để “dự báo thời tiết”, và chim én đi vào câu tục ngữ: Én bay thấp, mưa ngập bờ ao / Én bay cao, mưa rào lại tạnh. (Theo sách Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan,ở đoạn nói về Khí tượng và lao động sản xuất).

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du còn nhắc đến chim én ở một số câu thơ khác, với hình tượng chim én để tả tình tả cảnh mà thật khó dùng thứ khác để thay thế: Thiếp như con én lạc đàn  (câu 2117); Xập xè én liệng lầu không  (câu 2274).  Chim én có miệng rộng, cằm bạnh, cho nên hàm én (trong Hàn ngữ là yến ham 燕頷) là một đặc điểm về tướng mạo toát lên vẻ uy nghiêm của một võ tướng. Ban Siêu (32 – 102, danh tướng thời Đông Hán) thì có cổ hùm hàm én (yến hạm hổ cảnh); Trương Phi (? – 221, dũng tướng thời Tam quốc) thì có râu hùm hàm én (yến hạm hổ tu). Cái hàm én của Từ Hải đã được Nguyễn Du nhắc đến hai lần trong Truyện Kiều: Râu hùm, hàm én, mày ngài (câu  2167) và Hãy còn hàm én mày ngài như xưa (câu 2274)

Khi chim én được gọi là yến, lại đi liền với anh (chim vàng anh) thì thường để diễn tả quang cảnh đông vui nhộn nhịp, có khi mang sắc thái “trăng hoa”, như ở các câu  trong Truyện Kiều: Gần xa nô nức yến anh (câu 45); Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh (câu 64); Quá chiều nên đã chán chường yến anh (câu 514); Xôn xao anh yến dập dìu trúc  mai (câu 944) Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh (câu 1098); hoặc: Điều đâu lấy yến làm anh  (câu 955); Quyến anh rủ yến sự này tại ai ? (câu 1180).

Chim én có mặt trong vô số bài hát mừng xuân. Nó đã là đề tài của các nhạc sĩ nổi tiếng. Chỉ cần  kể tên  một số bài như Cánh én tuổi thơ  của Phạm Tuyên,  Tạm biệt chim én  của  Trần Tiến, Mùa chim én bay của Hoàng Hiệp, Những cánh én mùa xuân của Nguyễn Hiền; Khi chim én về của Võ Công Anh … cũng đủ thấy chim én thân thiết với các nhạc sĩ như thế nào.

Các nhà nhiếp ảnh  và các họa sĩ không thể không chú ý đến chim én. Ở Trung Quốc, Xuân phong yến hỷ 春風燕喜 (Én mừng gió xuân) là một chủ đề lớn trong hội họa suốt nhiều thế kỷ, nổi tiếng nhất về chủ đề  này  là tác  phẩm của Lữ Kỷ 呂紀(1477 - ?), họa sĩ lừng danh thời Minh. Loạt tranh này đã từng lưu hành ở  nước ta. Hiện nay, một số bức  tranh thuộc chủ đề này đang được  thêu hoặc in lại vì có nhiều người ưa chuộng.

Thật khó tìm thấy một loại chim nào khác đi vào tâm thức người Việt sâu xa  hơn chim Én. Nó có mặt trong ca dao, tục ngữ và ở mọi lĩnh vực nghệ thuật khác như văn, thơ, nhạc, họa.

2. Chim nhạn và bóng dáng của nó trong thơ ca

Nhạn không gần gũi với con người như én. Nhiều người chỉ nghe nói đến chim nhạn nhưng không biết rõ về nó. Nhưng trong văn thơ và ca dao, sau chim én thì chim nhạn được nói đến nhiều hơn các loại chim khác. Bởi vậy, việc tra cứu trong sách vở để biết rõ về chim nhạn là điều cần thiết.

a). Theo Đại Nam quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Imprimerie REY CURIOL & Cie                      
Saigon, 1896:

Nhạn  = Thứ chim giống con ngỗng.

b) Theo Từ điển Việt Nam phổ thông, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài gòn, 1951:

Nhạn = giống chim loài vịt trời.

Nhạn tín  = tin do chim nhạn đem tới (lấy tích Tô Vũ bên Tàu xưa sang sứ Hung- nô, bị     đày,  phải buộc thư vào chân chim nhạn để nhắn tin về cho vua Hán).

c) Theo  Việt nam tân từ điển,  Thanh Nghị, Nxb Thời thế, Sài gòn, 1952

Nhạn = chim thuộc loài vịt, cũng gọi là mòng

Nhạn tín  = tin nhờ con chim nhạn đem đến (theo tích Tô Vũ bị đày, viết thư vào lụa buộc vào chim nhạn đưa về cho vua). Thơ có câu: Ngày sáu khắc nghe tin nhạn vắng .

d) Theo Từ điển Việt Nam, Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ, Nhà sách Khai trí, Sài gòn, 1970.

Nhạn =  con mòng hay chim mòng, loại chim giống như vịt, hay bay xa:

Nhạn về biển bắc nhạn ôiBao thuở nhạn hồi để én đợi trông (Ca dao)

e) Theo Từ điển Việt – Pháp (Dictionnaire Annamite – Français), J.F.M. Génibrel, Imprimerie de la Mission à Tân Định, Saigon, 1898

NHẠN  雁=  Oie sauvage ( =Ngỗng trời)

f). Theo Từ điển Việt – Pháp phổ thông, Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh – bảo,  Saigon, 1950

Nhạn = Oie sauvage ( =Ngỗng trời)

g) Theo Việt – Pháp từ điển, Đào Đăng Vỹ, Nhà sách Nguyễn Trung, Saigon, 1970  

Nhạn (mòng) = Oie sauvage ( =Ngỗng trời)

Ngày sáu khắc mong tin nhạn vắng (Cung oán)
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa (Kiều)


h) Theo Hán – Anh song giải Tân Hoa tự điển (Tự điển Tân Hoa, giải thích bằng Hán ngữ và Anh ngữ), Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ty, Bắc kinh, 2000

雁(鴈), 大雁,鸟名, 多指鴻雁, 羽毛褐色, 腹部白色, 嘴  扁平, 腿短, 群居 在水边. 飞时排列成行. 是候鸟.   wild goose; goose, usu.hóngyan, any of various brown and white-bellied  aquatic birds  with a flat bill and short legs, living by waterside in groups, and  flying in one-line flocks. It is migratory bird.

Dịch: Nhạn = ngỗng hoang dại, thường chỉ hồng nhạn, là mọi loài thủy cầm lông nâu, bụng  trắng có mỏ bẹt và chân ngắn, sống ven các vùng nước,  thành từng đàn, bay theo  từng nhóm thành một hàng. Đây là loại chim di cư.

i). Theo Từ điển Wikipedia Hán ngữ và Anh ngữ trên mạng Internet  thì Nhạn 雁 có tên Latin là Anser, loài tiêu biểu nhất có tên là Anser anser, tên tiếng Anh là Grey goose, Greylag goose (Ngỗng xám), có khi cũng gọi là Anser, nặng  khoảng 2,5 – 4,1kg.

Trong sách Chim Việt Nam tập I (Nxb Khoa học & Kỹ thuật, HN, 1975), tại  trang 110,  GS Võ Quý cho biết: loài Anser anser  có tên tiếng Việt là Ngỗng trời (đừng  nhầm với Thiên nga), trọng lượng  2,6 – 6,0kg, về mùa đông, loài này có nhiểu ở vùng đồng bằng gần  bờ biển (về phía nam, đến Thừa Thiên).

Như vậy, tất cả các từ điển ở nước ta từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1970 đã diễn giải về chim nhạn đúng như nghĩa của từ Nhạn 雁trong Hán ngữ và phù hợp với ý nghĩa biểu tượng của nó trong thơ văn Việt Nam. Đó là một giống chim thuộc họ Vịt (Anatidae), sắp đến mùa rét thì bay thành hàng dài xuống phương nam để tránh rét, kiếm ăn ở ven biển, ở ven sông, ở các hồ đầm  hoang vắng.  

Xuất phát từ truyện Tô Vũ thời Hán, chim nhạn đã đi vào văn thơ Việt Nam với nghĩa bóng là phái viên đưa thư (như chú giải trong một số từ điển kể trên):


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim_e11

Nhạn  =Ngỗng xám = Ngỗng trời


Mây giăng ải bắc trông tin nhạn,
Ngày xế non nam bặt tiếng hồng

(Nguyễn Đình Chiểu, trong bài Xúc cảnh)

Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng,
Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền
.
(Nguyễn Gia Thiều, trong Cung oán ngâm khúc)

Thấy nhạn luống tưởng thư phong,
Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng.

(Đoàn Thị Điểm, trong Chinh phụ ngâm)

Tin nhạn vẩn, lá thư bài,
Đưa người cửa trước, rước người cửa sau

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Nhiều khi chim nhạn là hình tượng thích hợp để đưa vào những câu thơ tả cảnh, tả tình, như Nguyễn Du đã mấy  lần sử dụng trong Truyện Kiều:

Buồn trông phong cảnh quê người.
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa


và:

Phận bồ từ vẹn chữ tòng,
Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.


Hoặc như trong truyện thơ khuyết danh Bích câu kỳ ngộ

Những là én bắc nhạn nam,
Cánh hoa mặt nước biết làm sao đây.


Và cả trong những câu ca dao trữ tình, lãng mạn:

Nhạn về biển bắc nhạn ơi
Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông!


Hay:

Nhạn nam én bắc lạc bầy
Biết bao giờ đặng duyên vầy ái ân


3. Những nét tương phản giữa nhạn và én

Nhạn và én là hai loại chim khác nhau hoàn toàn về mọi đặc điểm, chúng tạo thành một cặp tương phản. Trước hết, về độ lớn của thân thể, chúng khác xa nhau, có trọng lượng chênh lệch nhau khoảng 100 lần. Loài nhạn nhỏ nhất cũng có trọng lượng từ 1,2 đến 1,6kg, còn loài én nhỏ nhất chỉ năng 10 – 20g; Loài nhạn lớn nhất có thể nặng tới 6kg nhưng loài én lớn nhất chỉ nặng không quá 60g. Nhạn bay rất cao thành hàng dài thẳng tắp, trong khi én bay lượn rất thấp không theo hàng lối nào cả. Chim nhạn mò cua bắt cá dưới nước, còn chim én thì săn bắt muỗi và các loại côn trùng nhỏ bé trên không. Người ta thường thấy từng đàn chim nhạn trên trời vào mùa thu, khi chúng bắt đầu bay về phương nam để để tránh rét, nhưng lại được ngắm nhìn từng đàn chim én bay lượn về mùa xuân khi mùa rét đã trôi qua. Nhạn và én thật khó gặp nhau, dường như chúng luôn luôn ở hai phương trời cách biệt. Ở miền bắc nước ta, cuối mùa thu, khi chim nhạn từ phương bắc bay về thì chim én (chịu rét kém hơn) đã phải tìm đến nơi xa hơn, ấm hơn. Bởi  thế cho nên, trong bài Cảm thu, tiễn thu, thi sĩ Tản Đà đã viết:    
       
Nhạn về én lại bay đi,
Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm.


Giữa nhạn và én có những đặc điểm tương phản như vậy cho nên, trong thơ ca,  mỗi khi nhạn và én cùng được nhắc đến trong một tình huống, chúng đều đứng ở những vị trí tương phản, ví dụ như trong các câu thơ:  Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên; Nhạn về én lại bay đi  hay: Những là én bắc nhạn nam, hoặc như trong ca dao:  

Nhạn về biển bắc nhạn ơi
Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông.

và:  

Nhạn nam én bắc lạc bầy
Biết bao giờ lại duyên vầy ái ân

III.  Chim én đã bị đổi tên thành chim nhạn

Trong tất cả các từ điển Pháp -Viêt  và Việt –Pháp lưu hành từ những năm 1970 về trước, từ Én trong tiếng Việt được dùng để dịch từ Hirondelle trong tiếng Pháp. Theo chiều ngược lại, từ Hirondelle được dịch sang tiếng Việt bằng từ Én, với sự nhất trí của mọi người. Đối với từ Swallow trong tiếng Anh cũng vậy, vì nó hoàn toàn tương đương với từ Hirondelle nên cũng luôn luôn được dịch sang tiếng Việt bằng từ Én. Nghĩa là:  Hirondelle = Swallow = Én. Nhưng, có lẽ vì  GS Lê Khả Kế (một nhà sinh vật học và một người biên soạn từ điển) chủ trương đổi tên chim Én thành chim Nhạn, khi ông khẳng định rằng Hirondelle = Swallow = Nhạn thì tất cả những người biên soạn từ điển tiếp sau đều phụ họa theo. Sau đây là những thí dụ cụ thể:

Tất cả các cuốn Từ điển Anh- Việt và Từ điển Việt- Anh được biên soạn từ năm 1975 đến nay đều dịch swallow = chim nhạn, và ngược lại: nhạn = swallow

Có thể kể một số cuốn như:
     a).   Từ điển sinh học Anh- Việt,  Nxb Khoa học & Kỹ thuật HN, 1976
     b).   Từ điển Anh- Việt,  Lê Khả Kế, Nxb Khoa học Xã hội, 1997
     c).   Từ điển Anh -Việt,   Đại học ngoại ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997
     d).  Từ điển Anh- Việt,  Phan Ngọc chủ biên; Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995
     e).   Từ điển Anh -Viêt,  Viện Ngôn ngữ học (Hồ Hải Thụy, Chu Khắc Thuật, Cao Xuân Phổ), Nxb TP Hồ Chí Minh, 1994
    f).  Từ điển Việt – Anh,  Viện Ngôn ngữ học (Đặng Chấn Liêu, Lê Khả Kế, Phạm Duy Trọng),  Nxb TP Hồ Chí Minh, 1997
    g).  Từ điển Việt - Anh , Bùi Phụng, Nxb Thế giới, HN, 1996

Tất cả các cuốn Từ điển Pháp - Việt và Từ điển Việt-Pháp được biên soạn từ năm 1975 đến nay đều dịch hirondelle = chim nhạn, và ngược lại: nhạn = hirondelle

Cụ thể, điều đó đã xẩy ra trong các từ điển sau đây
a).  Từ điển sinh học Pháp Việt, Lê Khả Kế, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1981
b). Từ điển Pháp – Việt,    Viện Khoa học Xã hội, Lê Khả Kế chủ biên, Nxb Khoa học  Xã hội, Hà Nội, 1991
c).  Từ điển Việt –Pháp, Viện Ngôn ngữ học, Lê Khả Kế, Nguyễn Lân,  Nxb Khoa học  Xã hội, Hà Nội, 1989

Các cuốn Từ điển tiếng Việt đều mô tả chim Nhạn đúng như chim Én mà chúng ta vẫn thấy:
     a).  Theo Từ điển tiếng Việt,  Văn Tân chủ biên, (In lần thứ hai, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977): nhạn = loài chim trời thuộc bộ sẻ, đuôi dài chẻ đôi, mỏ ngắn, thường làm tổ trên hang đá hay bay từng đàn về vách đá
     b).  Theo Từ điển tiếng Việt,  Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, (tái bản nhiều lần):
           nhạn  = chim nhỏ di cư, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn
     c).  Theo Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2000:
nhạn= loài chim trời thuộc bộ sẻ, đuôi dài chẻ đôi,mỏ ngắn; Nhạn bay cao mưa rào lại tạnh, nhạn bay thấp mưa ngập bờ ao; nhạn tín  =  (Theo truyền thuyết, Tô Vũ đời Hán bị giam ở đất Hung-nô viết thư buộc vào chân chim nhạn gửi về cho vua) Tin tức (cũ) .
     d).Theo Đại từ điển tiếng Việt,  Nguyễn Như Ý chủ biên, Nxb Văn hóa – Thông tin, 1999:
nhạn=  chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn,  bay thành đàn

Trong tất cả các từ điển về tiếng Việt từ cuốn đầu tiên (Đại Nam quấc âm tự vị, cuối thế kỷ 19) đến mọi cuốn khác in trước những năm 60 của thế kỷ 20 thì Nhạn chính  là Ngỗng trời. Nhưng sau đó, trong bốn quyển từ điển vừa  kể (3 quyển  do Viện Ngôn ngữ học bảo trợ) thì Nhạn lại là loại chim mà trước đây có tên  là Én. Lời diễn giải trong các quyển ấy, kết hợp với sự xác nhận nhạn = hirondelle = swallow trong các cuốn từ điển Anh –Việt, Việt –Anh, Pháp – Việt, Việt – Pháp, cộng với việc đổi Én thành Nhạn trong các câu danh ngôn và ca dao (như  GS  Nguyễn Lân và GS Lê Khả Kế đã làm) đã xác nhận điều đó. Nghĩa là loại chim mà bao đời nay người Việt vẫn gọi là Én thì nay đã được các nhà ngôn ngữ học đổi tên thành Nhạn.Tuy nhiên, hình như bây giờ Nhạn không còn là biểu tượng của mùa xuân nữa vì không thấy từ điển nào nhắc đến điều đó.

Các sách chuyên khảo về Chim Việt Nam  hiện có đều không nói đến chim én và không hề nhắc đến nó mặc dầu đó là loài chim hết sức quen thuộc ở nước ta. Cụ thể, các sách đó là

a).   Chim Việt Nam – Hình thái và phân loại, Võ Quý, Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội (tập I, 1975; tập II, 1981). Hai tập sách này dày hơn 1000 trang, mô tả khá kỹ các loài chim ở nước  ta, gồm hơn 1000 loài, có minh họa bằng hình vẽ đen-trắng. Sách này không nói đến chim Én, mà có một mục viết về Họ Nhạn – Hirundinidae. Vì  Hirundinidae là họ của Hirondelle trong tiếng Pháp hoặc Swallow trong tiếng Anh, cho nên, người viết bài này biết rõ rằng, đó chính là Họ Én trước đây nhưng nay đã bị đổi thành Họ Nhạn. Sách này cho biết:

Họ Nhạn gồm các loài chim nhỏ cỡ bằng chim sẻ. Cũng như yến, nhạn là những loài chim chuyên sống trên không, thân có hình thuôn, cổ ngắn, đầu tròn, mỏ dẹp, ngắn, hình tam giác và có thể há được rất rộng. Kiểu cấu tạo mỏ như thế giúp cho nhạn bắt mồi dễ dàng trong không trung. Giò nhạn ngắn, ngón chân yếu nhưng móng chân khá phát triển và cong. Cánh nhạn rất dài, nhọn và có 9 lông cánh sơ cấp thứ nhất rất bé. Đuôi có 12 lông; ở phần lớn loài, hai lông đuôi ngoài cùng dài hơn hẳn các lông khác. Bộ lông thường mượt, chủ yếu là màu đen ánh thép và màu trắng. Chim đực và chim cái có bộ lông giống nhau hay gần giống nhau.
Các loài nhạn đều bay rất giỏi và rất nhẹ nhàng. Chúng có thể đậu ở cành cây, ở vách đá, vách tường hay trên mặt đất nhưng không đi được hay đi rất khó khăn. Thức ăn của nhạn là côn trùng nhỏ mà chúng bắt trong khi bay. Nhạn thường làm tổ ở vách đá, vách tường và đôi khi làm tổ trên cây. Mỗi lứa đẻ 4 – 6 trứng.

Họ Nhạn gồm khoảng 75 loài phân bố rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam có 10 loài thuộc 3 giống.

Ghi chú  Ở đây, tác giả dùng từ yến  để chỉ loại chim có bề ngoài rất giống  chim én, có tên bằng tiếng Anh là Swift, (tiếng Pháp là Martinet, tiếng Hán là Vũ yến 雨燕), hợp thành Họ Apodidae (= Swift family)  mà Trung Quốc gọi là Họ Vũ Yến, ở Việt Nam hiện nay đang gọi là Họ Yến.

b).  Chim Việt Nam, Nguyễn Cử, Lê Trọng Trải, Karen Philipps, Nxb Lao động – Xã    hội, Hà Nội, 2000.

Sách này do chương trình Bird Life International tại Việt Nam tổ chức biên soạn và phát hành, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (World  Bank) và Hiệp hội Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature). Phần mô tả các loài chim ngắn gọn, có 85 trang ảnh màu mô tả hơn 500 loài chim. Dưới đây là vài hình ảnh của  “chim nhạn” (hàng ngàn năm qua được gọi là chim én) theo sách này.


Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim_e12Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Chim_e13


IV. Có nên đổi tên chim én thành chim nhạn hay không?    

Điều gì khiến người ta đổi tên của chim Én?
   
   
Én (tương ưng với Hirondelle, Swallow vàYến 燕 (trong Pháp ngữ, Anh ngữ và Hán ngữ) là loại chim nhỏ gồm nhiều giống, rất nhiều loài, bằng cỡ chim sẻ hoặc nhỏ hơn, là nhóm tiêu biểu của họ Hirundinidae mà trước đây người Viêt gọi là họ Én mà khoảng hơn 40 năm gần đây lại đổi thành họ Nhạn. Chim Én đi lại rất kém, cũng không bơi được nhưng bay rất giỏi, sống nhờ tài bay lượn để bắt bọn côn trùng nhỏ trên không. Mọi hoạt động của chúng như bắt mồi, rỉa lông, kể cả ngủ và giao phối  đều diễn ra trong lúc bay. Suốt một thời gian rất dài, người ta coi mọi loài chim có những đặc điểm bên ngoài như vậy đều thuộc Họ Én, bao gồm cả một số loài có khả năng gắn tổ vào vách đá bằng chất keo tiết ra theo nước bọt. Trong thế kỷ 20, người ta mới khám phá ra rằng, những loài chim có nước bọt dính ấy và chim Én không có quan hệ họ hàng với nhau. Chỉ vì điều kiện sống giữa chúng với chim Én giống nhau nên đã diễn ra sự tiến hóa hội tụ (convergent evolution) khiến cho chúng có những biểu hiện bề ngoài giống như chim Én,  nhưng về bản chất sinh vật học thì khác hẳn, thể hiện rõ nhất ở cấu trúc ADN. Chúng có tên chung bằng tiếng Anh là Swift, tiếng Pháp là Martinet, tiếng Hán là Vũ yến 雨燕. Vì nhóm chim này thực chất không phải là Én nên  người ta đã tách chúng ra khỏi Họ Én để  xếp vào họ Apodidae  hay Swift family  (Trung Quốc gọi là họ Vũ yến) rồi ghép với họ Trochilidae (họ Chim ruồi),  hợp thành  bộ  Apodiformes. Trong họ Apodidae này có một số loài thuộc phân họ Collocaliini (người Anh – Mỹ gọi là Swiftlet, người Pháp gọi là Salangane, người  Hán gọi là Kim ti yến 金丝燕, tức  là Yến tơ vàng, người Nhật viết bằng chữ Hán là Huyệt yến 穴燕, nghĩa  là Yến hang) làm tổ gần như hoàn toàn bằng những sợi keo rút ra từ nước bọt.  Người Trung Hoa gọi tổ yến ấy là yến oa 燕窩 hoặc yến sào 燕巢 (tiếng Anh là  Edible bird's nest, tiếng Pháp là Nid d’hirondelle). Từ hơn 400 năm qua, họ đã coi đó là món ăn rất quý. Giá trị của các loại tổ yến cũng rất khác nhau. Tổ yến của loài Aerodramus fuciphagus, còn gọi là Collocalia fuciphaga  (tiếng Anh là Edible-nest Swiftlet, tiếng Pháp là Salangane à nid blanc, tiếng Hán là Trảo-oa Kim ti yến, nghĩa là Yến tơ vàng Java) được coi là quý nhất.

Vì muốn phân biệt rạch ròi giữa Én (còn gọi là Yến, = Hirondelle = Swallow) nên các nhà ngôn ngữ học và sinh vật học nước ta đã đổi Én thành Nhạn và dành  tên Yến để chỉ các loài Swift  mà người Hán gọi là Vũ yến. Chim  Én vốn  có mặt trong ca dao và danh ngôn, nay bị đổi thành Nhạn, rồi họ mô tả chim Nhạn theo “quy định” mới, đúng  như loại chim có tên là Hirondelle trong tiếng Pháp. Mọi ý niệm về chim Nhạn (sứ giả đưa tin) đã được định hình từ bao đời nay đều bị xóa bỏ để nhường chỗ cho những quy định của họ về chim “Nhạn mới”.

Những  rắc rối bỗng xuất  hiện do việc đổi tên Én thành Nhạn


Chim Én đã được định hình rõ nét trong tâm thức của mọi người, đã là hình tượng quen thuộc trong những câu ca dao, những câu thơ nổi tiếng. Đổi tên Én thành Nhạn thì âm hưởng và tính truyền cảm của câu thơ sẽ khác hẳn, trở nên xa lạ, lạc lõng. Vả lại, ca dao và những câu thơ nổi tiếng của tiền nhân đều đã đi vào lịch sử, ai có quyền sửa đổi?  Chim Nhạn biểu trưng cho sứ giả đưa tin từ người phương xa, đã có chỗ đứng đẹp đẽ trong văn thơ rồi. Trong thơ và ca dao, nhiều khi Én và Nhạn cùng đối diện nhau, bởi vậy, khi đã đổi En thành Nhạn thì cũng phải đổi Nhạn thành cái tên gì đó. Thế là tạo nên sự lộn xộn lung tung. Câu danh ngôn triết lý sâu sắc nhưng giản dị “Một con én không làm nên mùa xuân “ của nhà hiền triết Hy Lạp cách đây 24 thế kỷ, đã trở thành ngạn ngữ quen thuộc  ở khắp Châu Âu và trên thế giới, khi bị GS Lê Khả Kế đổi thành  Một con nhạn không làm nên mùa xuân thì  trở nên gượng ép, vô nghĩa,  bởi vì từ bao đời nay có ai nghĩ đến mối liên hệ giữa chim Nhạn (ngỗng trời) và mùa xuân  đâu. Còn  GS Nguyễn Lân đổi hai câu Én bay thấp, mưa ngập bờ ao / Én bay cao, mưa rào lại tạnh thành ra Nhạn bay cao, mưa rào lại tạnh / Nhạn bay thấp, mưa ngập bờ ao  thì quả là đã xuyên tạc câu ca dao phản ánh một  kinh nghiệm dân gian. Bởi vì Nhạn là con ngỗng  trời, chẳng ai thấy  nó tung tăng bay lượn trước mắt mọi người nên không thể có mặt trong hai câu ấy. GS Nguyễn Lân  còn cho biết rằng, nhạn tín (hay thư nhạn) nghĩa là tin tức và chú giải: “Theo truyền thuyết, Tô Vũ đời Hán bị giam ở đất Hung-nô viết thư buộc vào chân chim nhạn gửi về cho vua”. Ngay trước đó, ông đã xác quyết: “nhạn  là loài chim trời thuộc bộ sẻ, đuôi dài chẻ đôi, mỏ ngắn”. Đó chính là con chim mà từ nhiều thế kỷ người ta đã gọi là Én. Thử hỏi, ai có thể buộc thư vào đôi chân nhỏ xíu như cọng cỏ và ngắn ngủn của một con chim nặng 50 – 60g để nhờ nó chuyển đi xa hàng ngàn dặm?

Cứ theo các vị Nguyễn Lân và Lê Khả Kế, phải thay Én bằng Nhạn như họ đã làm mẫu trong các cuốn từ điển kia thì ắt phải xẩy ra nhiều điều rắc rối, nan giải. Riêng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã năm lần nhắc đến Én, tám lần nói đến Yến (cũng là Én), nếu phải thay các từ Én  và Yến bằng Nhạn thì sẽ có những câu như: Xập xè nhạn liệng lầu không; Thiếp như con nhạn lạc đàn, …,Từ Hải sẽ có tướng mạo Râu hùm, hàm nhạn, mày ngài.  Còn gì là thơ của Nguyễn Du nữa đâu!

Đến câu Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên thì gặp rắc rối to: yến thì đổi thành nhạn, còn nhạn (khác hẳn yến) thì nay gọi là gì? Gọi là Ngỗng trời chăng? Có lẽ chỉ nên gọi là  Ngỗng để cho câu thơ vẫn có 8 chữ? Lúc đó, sẽ có hai câu:

Phận bồ từ vẹn chữ tòng,
Đổi thay ngỗng nhạn đã hòng đầy niên.


Lại thử noi gương hai vị giáo sư, đổi Én thành Nhạn (mới) và đổi  Nhạn (cũ) thành Ngỗng thì sẽ được các câu ca dao trữ tình như sau:

Ngỗng  về biển bắc ngỗng  ơi
Bao thuở ngỗng hồi để nhạn đợi trông!


và:

Ngỗng nam nhạn bắc lạc bầy
Biết bao giờ đặng duyên vầy ái ân


Có thể chấp nhận sự sửa đổi như thế hay không?

Phải khẳng định rằng, những câu thơ của các thi nhân nổi tiếng cùng với  những câu ca dao có nhắc đến nhạn và én (hoặc yến) đều rất hợp cảnh hợp tình, không hề  sai, cho nên không thể sửa đổi, không được phép sửa đổi, vì đã quá hay và còn là cứ liệu lịch sử về ngôn ngữ trong văn chương tiếng Việt .

Một em bé khi mới ra đời liền được cha mẹ đặt cho một cái tên để gọi và để phân biệt với mọi đứa trẻ khác. Khi một người lớn vì một lý do nào đó khiến cần phải đổi tên thì việc đó cũng không hề đơn giản, do người ấy có nhiều quan hệ xã hội phức tạp, đổi tên thì sẽ dẫn đến nhiều sự rắc rối nhầm lẫn, có khi rất tai hại. Người nào dù có quan hệ xã hội rộng rãi đến mấy thì cũng chỉ nằm trong một phạm vi rất nhỏ hẹp so với toàn xã hội, vậy mà thủ tục đổi tên cũng khá phiền phức và cần phải xem xét rất  thận trọng. Khi một cộng đồng cư dân tiếp xúc với một đối tượng mới lạ (các hiện tượng tự nhiên, các sinh vật, v.v.) thì cộng đồng ấy đặt cho đối tượng nọ một hoặc vài cái tên rồi những cái tên ấy được định hình trong nhận thức của mỗi người, chẳng dễ thay đổi.

Từ xa xưa, người Trung Hoa và người Việt Nam nhìn thấy cá voi và cá sấu sống dưới nước như rất nhiều loại cá khác nên họ coi chúng là những loại cá, gọi là cá voi (kình ngư) và cá sấu (ngạc ngư). Về sau, nhận thấy rằng cá voi là động vật có vú, là một loại thú, cá sấu là động vật bò sát tương tự như thằn lằn, nhưng chẳng ai thấy cần phải đổi tên chúng cho đúng với thực tế. Đó là vì những cái tên kia đã được định hình trong trí óc của mọi người, mọi thế hệ, thật khó có cái tên mới nào thay thế được. Chỉ cần mọi người hiểu và dạy bảo cho các cháu nhỏ biết rõ thực chất của các động vật này là đủ. Cá voi chẳng họ hàng gì với voi. Để làm sáng tỏ điều đó, ta có thể gọi nó là cá kình. Nhưng  nó  không  phải là  cá mà thuộc loại thú, Vậy, nếu gọi nó là thú kình thì rất đúng và cũng không sợ nhầm lẫn gì cả.  Nhưng chẳng ai gọi như thế. Quả là không ai muốn và cũng rất khó  đổi tên cho cá voi, vì đó là một việc chẳng có ich lợi và chướng tai, hoàn toàn không  nên làm.

So với cá voi thì chim Én còn gần gũi với quảng đại cư dân Việt Nam gấp hàng vạn lần. Én lại còn len lỏi vào ca dao tục ngữ và văn thơ nhạc họa. cho nên, việc đổi tên cho nó lại càng khó hơn việc đổi tên cho cá voi gấp hàng triệu lần. Nay lại gán cho Én cái tên “Nhạn” (cũng đã được định hình và đi vào văn thơ từ bao thế kỷ) thì sự thể lại càng rắc rối biết bao?

Sự lúng túng của những người đã đổi tên Én thành Nhạn

Chúng ta đã biết rằng, một số giống chim trong họ Hirundinidae (tiếng Việt trước đây gọi là họ Én) đã được chuyển sang họ Apodidae (tiếng Việt gọi là họ Yến) thuộc bộ Apodiformes (bộ Yến) vì chúng có bản chất sinh vật học khác hẳn bọn còn lại mặc dầu nhìn  những đặc điểm bên ngoài thì rất khó phân biệt. Bọn còn lại đông đảo hơn thì vẫn thuộc họ Hirundinidae.   Đó là những con chim rất quen thuộc với người Việt, vốn là biểu tượng của mùa xuân,  trước đây chúng ta vẫn gọi  là Én thì nay được các nhà ngôn ngữ học (mà tiêu biểu là  GS  Lê Khả Kế và GS Nguyễn Lân, cả hai đều đoạt Giải thưởng Nhà nước về thành tích biên soạn từ điển) ban cho một cái tên mới là Nhạn. Người viết bài này cứ ngỡ rằng, sau khi chia lũ Én thành bọn Yến và bọn Nhạn thì cái tên Én bị hủy bỏ, như đã thấy trong hai tác phẩm chuyên khảo về Chim Việt Nam (xem  ở cuối mục III của bài này) vì nó không có chỗ đứng nữa. Tuy nhiên, trong cả bốn quyển Từ điển về tiếng Việt kể trên và trong các quyển Từ điển Việt – Anh hoặc Từ điển Việt- Pháp vẫn có từ Én. Hẳn là các  nhà biên soạn từ điển đã ngộ ra rằng, không thể xóa bỏ từ Én trong tiếng Việt. Chim Én vốn rất gần gũi thân thiết  với mọi người con của Đất Việt, dẫu đã được ban tên mới là Nhạn thì tên cũ ấy vẫn để lại dấu vết sâu đậm trong tâm trí mọi người, trong sách vở, trong thơ ca nhạc họa.

Về từ Én, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên  và Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân viết gần giống hệt nhau: Én = loài chim nhảy, đuôi chẻ đôi, cánh dài, bay nhanh, hàng năm thường thấy vào mùa xuân. Còn Từ điển tiếng Việt  do Hoàng Phê chủ biên và Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên thì viết chỉ khác nhau vài chữ: Én = chim nhỏ, lông màu đen, cánh dài và nhọn, chân ngắn, bay nhanh, thường gặp nhiều vào mùa xuân.

Với lời diễn giải như vậy thì từ Én vẫn đang được lưu hành, nếu không phải như thế thì các từ điển đã phải ghi thêm mấy chữ “nay gọi là Nhạn” hay là “tên gọi cũ của Nhạn”. Hẳn rằng từ Én nay được các giáo sư giao phó nhiệm vụ định danh cho một loại chim nào đó khác hẳn với chim “Én cũ”, vì “Én cũ” đã được đổi thành Nhạn rồi cơ mà. Cứ theo sự diễn giải trong bốn quyển từ diển này thì người đọc nghĩ ngay đến câu danh ngôn “Một con én không làm nên mùa xuân”. Nhưng, lẽ nào “Én mới” cũng vẫn là Hirondelle, là Swallow, cũng chính là “Én cũ” mà nay đã đổi thành Nhạn? Vậy thì “Én mới” này là loại chim gì đây? Tên cũ của nó là gì? Điều này đáng lẽ phải được nói rõ nhưng  không thấy một quyển từ điển tiếng Việt nào nhắc đến. Hẳn là những người biên soạn từ điển rất lúng túng, rất “khó ăn khó nói”.  Nay muốn biết cái từ Én ở đây là chỉ con chim gì thì đành phải đi đường vòng, phải tra cứu xem “Én mới” đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp như thế nào, từ đó tiếp tục tìm kiếm trong các đại từ điển của nước ngoài và trên mạng Interrnet mới có thể lần mò ra diện mạo của nó.

Từ điển Việt –Pháp  của Lê Khả Kế và Nguyễn Lân (Nxb Khoa học  Xã hội, Hà Nội, 1989) cho biết:  Én = Martinet và Yến = Salangane

Từ điển Việt – Anh  của Đặng Chấn Liêu, Lê Khả Kế và Phạm Duy Trọng (Nxb TP Hồ Chí Minh, 1997) thì viết: Én = Swift; Yến = Salangane

Ở đây, các từ điển này đã phạm một số sai lầm nghiêm trọng. Salangane là một từ trong tiếng Pháp có gốc Mã Lai và Philippines, tương ứng với Swiftlet trong tiếng Anh.  Tại tiểu mục 1 trong phần IV này, độc giả đã biết rằng, Salangane hay Swiftlet là tên chung của các loài trong phân họ Collocaliini thuộc họ Yến (Apodidae) mà người Nhật gọi là Huyệt yến, tức  là Yến hang.  Họ Apodide là họ của bọn Swift (=Swift family) mà người Trung Quốc gọi là họ Vũ yến còn ở nước ta thì gọi là họ Yến. Các giống Swift là nhóm chim tạo thành họ Apodidae, đã được định danh là Họ Yến rồi, nay lại bảo rằng chúng cũng là Én thì thật là luẩn quẩn. Phải chăng, những người biên soạn các cuốn Từ điển Việt – Pháp và Từ điển Việt – Anh này đã bối rối cực độ nên đành phải viết liều?

V. Vài lời cuối bài

Nếu cứ khăng khăng đổi tên chim Én thành chim Nhạn thì hẳn phải gây ra  nhiều rắc rối và mâu thuẫn nan giải trong việc học tập và giảng dạy tiếng Việt. Tai hại nhất là điều đó đã làm cho những câu thơ và những câu ca dao bất hủ trở nên thô kệch, ngớ ngẩn. Đành rằng, các nhà ngôn ngữ học có  lòng mong muốn cho từ ngữ tiếng Việt được rành mạch, chính xác, tách bạch rõ ràng đâu ra đấy. Nhưng ngôn ngữ thì biến đổi phức tạp, khó theo đúng những quy định hay phép tắc chặt chẽ. Nếu quá chú trọng  uốn nắn sửa chữa để đạt đến mức chính xác như toán học thì nhiều khi dẫn đến sai lầm rất tai hại, mà việc cố ý đổi tên chim Én thành chim Nhạn là một ví dụ rõ rệt.

Đối với những từ ngữ đã có lịch sử lâu đời, đã được định hình trong tâm trí của hàng chục  triệu người qua nhiều thế hệ, nghĩa của chúng có thể thu hẹp hoặc mở rông ở từng thời kỳ thì chúng ta phải chú ý đến diễn biến về ngữ nghĩa để hiểu và phân biệt trong từng ngữ cảnh chứ không nên (và cũng  không thể) sửa đổi chúng. Từ thời nhà Minh, người Trung Quốc đã coi ”Yến sào” là một món ăn rất quý. Yến 燕 nghĩa là Én, Yến sào nghĩa là Tổ Én, vì hồi bấy giờ người ta cho rằng con chim làm ra cái tổ ấy là con Én. Nay đã biết con chim ấy khác với Én nhưng người ta vẫn gọi nó là Yến, cụ thể là Kim ti yến. Chỉ cần hiểu rõ bản chất của  nó là đủ. Người Pháp cũng vậy, họ gọi món ăn ấy là Nid d’hirondelle, nghĩa là Tổ của chim Én.   Hiện nay họ vẫn duy trì tên gọi đó, mặc dầu biết rằng đó là tổ của các loài Salangane. Các bộ  từ điển tiếng Pháp phổ thông rất nổi tiếng như Larousse, Robert, Hachette  đều xác nhận điều này. Khi gõ trên máy tính mấy chữ Nid de Salangane (Tổ của Salangane) để tìm kiếm trên mạng Internet thì chỉ  thấy hiện lên 2 văn bản có mấy chữ ấy nhưng lại là văn bản  của người Việt để quảng cáo cho món “Yến sào” Việt Nam. Như vậy là đủ để thấy rằng, đổi tên chim Én là một việc  không ích lợi gì mà chỉ gây ra rắc rối, làm hại cho tiếng Việt. Không thể đổi tên chim Én đã đành, đổi Én thành Nhạn thì lại càng sai lầm thậm tệ nữa, bởi vì Nhạn cũng là một tên gọi có lịch sử lâu đời, đã từng cùng với Én song hành trong văn thơ. Về từ Yến (tên chim) trong tiếng Việt, chỉ cần mở rộng nghĩa cho nó là đủ.

Trước đây, trong tiếng Việt, từ Yến (tên chim) chỉ có nghĩa là chim Én. Cách đây hơn một thế kỷ, một loại chim đẹp và hót hay, có nguồn gôc từ Quần đảo Canaria (ở Đại Tây Dương, thuộc Tây Ban Nha) được đưa vào Việt Nam  cũng được gọi là chim Yến.  Nếu muốn phân biệt cho rõ thì  gọi là chim Yến cảnh hoặc chim Yến hót. Loại chim Yến này có danh pháp ba phần là Serinus canaria domestica (gồm các biến chủng Bạch Yến, Hồng Yến, Hoàng Yến, ...) thuộc họ Fringillidae (ở Việt Nam gọi là họ Sẻ thông hoặc là  họ Sẻ đồng, ở Trung Quốc  goi là họ Yến tước 燕雀). Nay từ Yến được mở rộng thêm nữa để chỉ loại chim giống như Én, dùng nước bọt có chất keo để gắn tổ vào vách đá hoặc để làm tổ. Sự mở rộng nghĩa của một từ  là điều rất bình thường, không thể vì thế mà phải thay đổi những tên gọi đã có lịch sử nhiều thế kỷ và đã in sâu trong tâm trí mọi người.

Một điều đáng mừng là, tuy các nhà biên soạn từ điển đã cùng nhau đổi tên “con én đưa thoi” trong mùa xuân thành con nhạn nhưng mọi người khác, những người viết văn viết báo, các nhạc sĩ vẫn luôn luôn nói về loại chim ấy bằng cái tên “Chim Én” với tình cảm thân thương, trìu mến. Chắc chắn rằng, chim Én trong các văn phẩm và nhạc phẩm ấy chính là “con én đưa thoi” về mùa xuân trong thơ Nguyễn Du  và cũng là con én trong câu danh ngôn của Aristote. Mong sao các  thầy giáo, các cô giáo dạy tiếng Việt đừng dựa vào các cuốn từ điển tiếng Việt hiện hành, đừng đổi Én thành Nhạn, vừa gây rắc rối cho mình khi giảng dạy văn thơ, ca dao, tục ngữ, vừa làm hỏng tiếng Việt. Đầu năm nay, trong bài Giải mã hàng chục ngàn chim én về ở Đồng Tháp trên báo Đất Việt ngày 15/01/2013, GS Võ Quý cũng hoàn toàn gọi Én bằng cái tên muôn thưở của nó chứ không gọi bằng cái tên mới là Nhạn như TS Lê Mạnh Hùng trong cùng một bài ấy. Nếu đúng đó là chủ ý của  GS Võ Quý thì thật là một đều rất đáng mừng.

Nguồn: Văn Hóa Nghệ An

Theo Lê Mạnh Chiến (diendantheky)



đổi én thành nhạn cho nó có vẻ  "sáng tạo", nhờ dzị mới được ban tặng giải thưởng nhà nước chứ!   lol2

_________________________
Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
buixuanphuong09

buixuanphuong09

Tổng số bài gửi : 37480
Age : 86
Registration date : 28/02/2012

Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng   Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng I_icon13Sat 25 Jul 2020, 15:06

Chữ ĐV nhỏ quá tôi không đọc được, tôi cũng đang yếu nên không copy về máy đọc, toàn bộ bài này tôi đã đăng ở VNTH năm 2015, có cả phần phân biệt giữa Én và Yến, đọc tiêu đề “Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng” qua Sưu tập chim tôi nêu ra đây một vài ý để thầy, Trà Mi và mọi người xem xét
* Trên mạng hiện nay thường lẫn lộn ba loài NHẠN – ÉN _ YẾN.
Theo ý hiểu của tôi, ba loài này khác nhau :
+ Nhạn là con Ngỗng trời Anser anser, Chi Anser : Ngỗng xám, Phân họ Ngỗng và thiên nga Anserinae, Họ Vịt Anatidae, Bộ Ngỗng Anseriformes
+ Én là chim có đuôi sẻ, giống yến, nó thuộc họ Én Hirundinidae của bộ Sẻ. Bộ Sẻ thứ 36/36 bộ chim trong Bộ Sưu tập của tôi, bao gồm 6043/9724 loài.
+ YẾN thuộc họ Apodidae, Bộ Yến 27 Apodiformes, gồm 482 loài.
Theo wikipedia :
NHẠN (Đừng nhầm với họ Nhàn)
(Họ Nhàn Sternidae là các loài chim biển thuộc bộ Choi choi Charadriiformes. Chim nhàn có mối quan hệ gần với mòng biển và chim xúc cá.)
+ Trong văn học và trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, từ này chỉ một số loài chim thuộc chi Ngỗng (Anser)
+ Cách gọi mới xuất hiện gần đây cho các loài chim thuộc họ Én (Hirundinidae)
ÉN
Họ Én hay họ Nhạn là một nhóm các loài chim dạng sẻ có danh pháp khoa học Hirundinidae. Chúng là những loài chim thích nghi với cuộc sống săn tìm mồi trên không. Nhạn/én cũng được sử dụng tại châu Âu như là từ đồng nghĩa của nhạn nhà. Các tài liệu không chuyên ngành điểu học (chủ yếu là văn chương) dùng từ yến để chỉ các loài trong họ này.
YẾN
+ Các loài chim thuộc họ Apodidae (yến, cụ thể hơn còn gọi là vũ yến) và họ Hemiprocnidae (yến mào)
+ Gọi tắt của yến sào - món ăn làm từ tổ yến của một số loài thuộc họ Apodidae nói trên; yến tiệc.
+ Trong văn chương, người ta dùng từ yến để chỉ các loài thuộc họ Hirundinidae (én, gần đây cũng gọi là nhạn)
+ Một số loài thuộc chi yến hót hay Bạch yến Serinus, là một chi chim trong họ Sẻ thông Fringillidae.
Về Đầu Trang Go down
Online
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng   Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng I_icon13Sat 25 Jul 2020, 15:52

buixuanphuong09 đã viết:
Chữ ĐV nhỏ quá tôi không đọc được, tôi cũng đang yếu nên không copy về máy đọc, toàn bộ bài này tôi đã đăng ở VNTH năm 2015, có cả phần phân biệt giữa Én và Yến, đọc tiêu đề “Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng” qua Sưu tập chim tôi nêu ra đây một vài ý để thầy, Trà Mi và mọi người xem xét
* Trên mạng hiện nay thường lẫn lộn ba loài NHẠN – ÉN _ YẾN.
Theo ý hiểu của tôi, ba loài này khác nhau :
+ Nhạn là con Ngỗng trời Anser anser, Chi Anser : Ngỗng xám, Phân họ Ngỗng và thiên nga Anserinae, Họ Vịt Anatidae, Bộ Ngỗng Anseriformes
+ Én là chim có đuôi sẻ, giống yến, nó thuộc họ Én Hirundinidae của bộ Sẻ. Bộ Sẻ thứ 36/36 bộ chim trong Bộ Sưu tập của tôi, bao gồm 6043/9724 loài.
+ YẾN thuộc họ Apodidae, Bộ Yến 27 Apodiformes, gồm 482 loài.
Theo wikipedia :
NHẠN (Đừng nhầm với họ Nhàn)
(Họ Nhàn Sternidae là các loài chim biển thuộc bộ Choi choi Charadriiformes. Chim nhàn có mối quan hệ gần với mòng biển và chim xúc cá.)
+ Trong văn học và trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, từ này chỉ một số loài chim thuộc chi Ngỗng (Anser)
+ Cách gọi mới xuất hiện gần đây cho các loài chim thuộc họ Én (Hirundinidae)
ÉN
Họ Én hay họ Nhạn là một nhóm các loài chim dạng sẻ có danh pháp khoa học Hirundinidae. Chúng là những loài chim thích nghi với cuộc sống săn tìm mồi trên không. Nhạn/én cũng được sử dụng tại châu Âu như là từ đồng nghĩa của nhạn nhà. Các tài liệu không chuyên ngành điểu học (chủ yếu là văn chương) dùng từ yến để chỉ các loài trong họ này.
YẾN
+ Các loài chim thuộc họ Apodidae (yến, cụ thể hơn còn gọi là vũ yến) và họ Hemiprocnidae (yến mào)
+ Gọi tắt của yến sào - món ăn làm từ tổ yến của một số loài thuộc họ Apodidae nói trên; yến tiệc.
+ Trong văn chương, người ta dùng từ yến để chỉ các loài thuộc họ Hirundinidae (én, gần đây cũng gọi là nhạn)
+ Một số loài thuộc chi yến hót hay Bạch yến Serinus, là một chi chim trong họ Sẻ thông Fringillidae.

Do gọi lẫn lộn như vậy các tác giả mới đòi trả lại tên NHẠN cho ngỗng trời và trả lại tên ÉN cho én! :-bd

Trong văn chương thì NHÀN tức là NHẠN, TIN NHÀN là TIN NHẠN :potay:

(biến âm tương tự như NẠN -> NÀN, ví dụ TAI NÀN, NGUY NÀN)



_________________________
Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
buixuanphuong09

buixuanphuong09

Tổng số bài gửi : 37480
Age : 86
Registration date : 28/02/2012

Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng   Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng I_icon13Sat 25 Jul 2020, 17:17

Ai Hoa đã viết:
buixuanphuong09 đã viết:
Chữ ĐV nhỏ quá tôi không đọc được, tôi cũng đang yếu nên không copy về máy đọc, toàn bộ bài này tôi đã đăng ở VNTH năm 2015, có cả phần phân biệt giữa Én và Yến, đọc tiêu đề “Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng” qua Sưu tập chim tôi nêu ra đây một vài ý để thầy, Trà Mi và mọi người xem xét
* Trên mạng hiện nay thường lẫn lộn ba loài NHẠN – ÉN _ YẾN.
Theo ý hiểu của tôi, ba loài này khác nhau :
+ Nhạn là con Ngỗng trời Anser anser, Chi Anser : Ngỗng xám, Phân họ Ngỗng và thiên nga Anserinae, Họ Vịt Anatidae, Bộ Ngỗng Anseriformes
+ Én là chim có đuôi sẻ, giống yến, nó thuộc họ Én Hirundinidae của bộ Sẻ. Bộ Sẻ thứ 36/36 bộ chim trong Bộ Sưu tập của tôi, bao gồm 6043/9724 loài.
+ YẾN thuộc họ Apodidae, Bộ Yến 27 Apodiformes, gồm 482 loài.
Theo wikipedia :
NHẠN (Đừng nhầm với họ Nhàn)
(Họ Nhàn Sternidae là các loài chim biển thuộc bộ Choi choi Charadriiformes. Chim nhàn có mối quan hệ gần với mòng biển và chim xúc cá.)
+ Trong văn học và trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, từ này chỉ một số loài chim thuộc chi Ngỗng (Anser)
+ Cách gọi mới xuất hiện gần đây cho các loài chim thuộc họ Én (Hirundinidae)
ÉN
Họ Én hay họ Nhạn là một nhóm các loài chim dạng sẻ có danh pháp khoa học Hirundinidae. Chúng là những loài chim thích nghi với cuộc sống săn tìm mồi trên không. Nhạn/én cũng được sử dụng tại châu Âu như là từ đồng nghĩa của nhạn nhà. Các tài liệu không chuyên ngành điểu học (chủ yếu là văn chương) dùng từ yến để chỉ các loài trong họ này.
YẾN
+ Các loài chim thuộc họ Apodidae (yến, cụ thể hơn còn gọi là vũ yến) và họ Hemiprocnidae (yến mào)
+ Gọi tắt của yến sào - món ăn làm từ tổ yến của một số loài thuộc họ Apodidae nói trên; yến tiệc.
+ Trong văn chương, người ta dùng từ yến để chỉ các loài thuộc họ Hirundinidae (én, gần đây cũng gọi là nhạn)
+ Một số loài thuộc chi yến hót hay Bạch yến Serinus, là một chi chim trong họ Sẻ thông Fringillidae.

Do gọi lẫn lộn như vậy các tác giả mới đòi trả lại tên NHẠN cho ngỗng trời và trả lại tên ÉN cho én!  :-bd

Trong văn chương thì NHÀN tức là NHẠN, TIN NHÀN là TIN NHẠN   :potay:

(biến âm tương tự như NẠN -> NÀN, ví dụ TAI NÀN, NGUY NÀN)


Cảm ơn thầy. Trò chỉ là một nông dân, cả đời chỉ quẩn quanh bên luỹ tre làng, có biết gì đâu. Nhờ lòng khát hoc, cuối đời sử dụng được vi tính, phúc duyên được gặp thầy, được thầy khai mở cái đầu củ chuối, được tiếp xúc với những tri thức cao rộng, cộng với lòng đam mê sưu tập, trò đã hiểu biết thêm nhiều. Sắp về với đất cũng mãn nguyện lắm rồi. Một đời khát học, chưa gặp được ai hiểu, cảm thông, tận tình chỉ bảo trò như thầy. Một lần nữa trò muốn nhắc lại một điều :"Sự học không có tuổi, ngươi truyền thụ kiến thức là thầy, người học là trò, không có ngoại lệ. Học mà không kính thầy thì chẳng học được gì." Trò gọi thầy xưng trò từ đáy lòng sâu thẳm, với lòng biết ơn vô hạn. Xin thành kính tri ân thầy. 
Về Đầu Trang Go down
Online
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng   Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng I_icon13Mon 27 Jul 2020, 09:56

buixuanphuong09 đã viết:
Ai Hoa đã viết:
buixuanphuong09 đã viết:
Chữ ĐV nhỏ quá tôi không đọc được, tôi cũng đang yếu nên không copy về máy đọc, toàn bộ bài này tôi đã đăng ở VNTH năm 2015, có cả phần phân biệt giữa Én và Yến, đọc tiêu đề “Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng” qua Sưu tập chim tôi nêu ra đây một vài ý để thầy, Trà Mi và mọi người xem xét
* Trên mạng hiện nay thường lẫn lộn ba loài NHẠN – ÉN _ YẾN.
Theo ý hiểu của tôi, ba loài này khác nhau :
+ Nhạn là con Ngỗng trời Anser anser, Chi Anser : Ngỗng xám, Phân họ Ngỗng và thiên nga Anserinae, Họ Vịt Anatidae, Bộ Ngỗng Anseriformes
+ Én là chim có đuôi sẻ, giống yến, nó thuộc họ Én Hirundinidae của bộ Sẻ. Bộ Sẻ thứ 36/36 bộ chim trong Bộ Sưu tập của tôi, bao gồm 6043/9724 loài.
+ YẾN thuộc họ Apodidae, Bộ Yến 27 Apodiformes, gồm 482 loài.
Theo wikipedia :
NHẠN (Đừng nhầm với họ Nhàn)
(Họ Nhàn Sternidae là các loài chim biển thuộc bộ Choi choi Charadriiformes. Chim nhàn có mối quan hệ gần với mòng biển và chim xúc cá.)
+ Trong văn học và trong văn hóa truyền thống của Việt Nam, từ này chỉ một số loài chim thuộc chi Ngỗng (Anser)
+ Cách gọi mới xuất hiện gần đây cho các loài chim thuộc họ Én (Hirundinidae)
ÉN
Họ Én hay họ Nhạn là một nhóm các loài chim dạng sẻ có danh pháp khoa học Hirundinidae. Chúng là những loài chim thích nghi với cuộc sống săn tìm mồi trên không. Nhạn/én cũng được sử dụng tại châu Âu như là từ đồng nghĩa của nhạn nhà. Các tài liệu không chuyên ngành điểu học (chủ yếu là văn chương) dùng từ yến để chỉ các loài trong họ này.
YẾN
+ Các loài chim thuộc họ Apodidae (yến, cụ thể hơn còn gọi là vũ yến) và họ Hemiprocnidae (yến mào)
+ Gọi tắt của yến sào - món ăn làm từ tổ yến của một số loài thuộc họ Apodidae nói trên; yến tiệc.
+ Trong văn chương, người ta dùng từ yến để chỉ các loài thuộc họ Hirundinidae (én, gần đây cũng gọi là nhạn)
+ Một số loài thuộc chi yến hót hay Bạch yến Serinus, là một chi chim trong họ Sẻ thông Fringillidae.

Do gọi lẫn lộn như vậy các tác giả mới đòi trả lại tên NHẠN cho ngỗng trời và trả lại tên ÉN cho én!  :-bd

Trong văn chương thì NHÀN tức là NHẠN, TIN NHÀN là TIN NHẠN   :potay:

(biến âm tương tự như NẠN -> NÀN, ví dụ TAI NÀN, NGUY NÀN)


Cảm ơn thầy. Trò chỉ là một nông dân, cả đời chỉ quẩn quanh bên luỹ tre làng, có biết gì đâu. Nhờ lòng khát hoc, cuối đời sử dụng được vi tính, phúc duyên được gặp thầy, được thầy khai mở cái đầu củ chuối, được tiếp xúc với những tri thức cao rộng, cộng với lòng đam mê sưu tập, trò đã hiểu biết thêm nhiều. Sắp về với đất cũng mãn nguyện lắm rồi. Một đời khát học, chưa gặp được ai hiểu, cảm thông, tận tình chỉ bảo trò như thầy. Một lần nữa trò muốn nhắc lại một điều :"Sự học không có tuổi, ngươi truyền thụ kiến thức là thầy, người học là trò, không có ngoại lệ. Học mà không kính thầy thì chẳng học được gì." Trò gọi thầy xưng trò từ đáy lòng sâu thẳm, với lòng biết ơn vô hạn. Xin thành kính tri ân thầy. 

Người thầy như người đưa đò chở khách, duyên gặp gỡ chỉ trong 1 khúc sông ngắn, qua sông rồi có mấy khi khách nhớ người chèo? Người ta nói nước mắt chảy xuôi không bao giờ chảy ngược, xưa nay không ít học trò bất nghĩa với thầy mà hiếm khi ngược lại. Tấm lòng của bác thực là quý giá, AH xin ghi nhận.  hearts  bác rất nhiều!

_________________________
Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng   Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Chim nhạn – Hãy trả lại tên cho ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Tiếng Hát Chim Đa Đa
» Loài chim giết người bằng... một cái vuốt ve
» Chim Phụng Thái Lan
» Hội Chim
» Tâm sự loài chim biển
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-