Nói đến Huế, người ta thường xưng tụng "Huế đẹp và thơ" là tên một tập thơ của Nam Trân (1939) với những hình ảnh đặc sắc Huế.
Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
"Thuyền đủng đỉnh" phải là con đò Huế, "yểu điệu chèo" phải là cô gái sông Hương. Nhưng Nam Trân Nguyễn học Sỹ ,1907-1967 là "học trò trong Quảng ra thi ; thấy cô gái Huế chân đi không đành", chứ không phải là người Huế. Giới thiệu Nam Trân, Hoài Thanh đã nhận xét : "tả cảnh Huế chưa ai bằng Nam Trân" nhưng tác giả Thi Nhân Việt Nam (1942) lại có nhận xét :
"Huế đẹp, Huế nên thơ. Ai chẳng nói thế ? Ai chẳng thấy thế ? Nhưng sao hình ảnh Huế trong thi ca lại tầm thường thế ? có lẽ cảnh Huế quá huyền diệu, quá mơ màng không biết tả thế nào cho thoát sáo".
Nói thế là khe khắt vì thơ về Huế đã và đang có nhiều bài hay, nổi tiếng như bài Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử (1912-1940) người Quảng Bình :
Sao anh không về chơi thôn Vỹ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Cảnh Huế đã gây rung động nhiều lòng người phương xa ghé lại, làm quan, đi học hay du lịch. Nguyễn Du đã làm quan kinh sư, có người cho rằng không gian Phú Xuân đã góp âm hưởng vào truyện Kiều. Điều này không chắc, nhưng Nguyễn Du đã làm nhiều thơ về Huế, như bài Thu Chí (1805) :
Hương Giang nhất kiến nguyệt Kim cổ chứa đa sầu
dịch
Sông Hương trăng một vầng Kim cổ sầu mang mang
Thơ Huế của Nguyễn Du chủ yếu nói lên tâm sự bất đắc chí và hoài cổ, chứ không chủ tâm tả cảnh núi Ngự sông Hương. Thơ Cao Bá Quát cũng vậy. Nổi tiểng nhất là câu thơ tả sông Hương (1809) :
Vạn chướng như bôn nhiễu lục điền Trường giang như kiếm lập thanh thiên
dịch
Ruộng biếc núi vòng như chạy quanh Sông dài như kiếm liếc trời xanh
Toàn bài tám câu mang tâm trạng nhớ nhà. Bài tứ tuyệt Hương Giang tạp vịnh tả cảnh thành phố, nhưng chủ yếu là để nói lên chí khí ; và hay nhất ở hai câu sau :
Nhất đái duyên giang giáp đệ hùng Ngũ quân khai phủ chiếu tây đông Vinh khô tứ thập dư niên sự Chỉ hữu hà hoa tự cựu hồng.
dịch
Gác tía lầu son lóa mé sông Này dinh này phủ ngất tây đông Bốn mươi năm ấy nào vinh nhục Mà đoá sen xưa vẫn đỏ hồng
Dọc sông dãy dãy lâu đài, Này đồn, này phủ, đông tây đối đầu. Bốn mươi năm, những bể dâu
Màu sen năm cũ vẫn màu hồng xưa
Hơn trăm năm sau, nhà nho Phan Bội Châu có bài phú vịnh phong cảnh Huế (1926) với câu thơ nổi tiếng về con sông Hương "Hương ơi, e phải mày không – Sông ấy hoá ra mình có".
Nội dung bài phú dài diễn tả niềm đau đớn của người dân mất nước chứ không phải để tả phong cảnh cố đô, nơi Phan Bội Châu, ông già bến Ngự, bị giam lỏng.
Thời kỳ Phan Bội Châu bị quản thúc ở Huế cũng là thịnh thời của thơ mới. Hai nhà thơ mới chịu nhiều ảnh hưởng Huế vì ăn học tại cố đô là Xuân Diệu và Huy Cận. Xuân Diệu (1917-1985) chỉ học ở Huế một năm, năm cuối bẩc trung học (1936-1937) nhưng đúng vào thời anh hoa phát tiết, năm 1936 bắt đầu có thơ đăng báo và trái tim non trẻ đã rung động sâu xa trong tiềm năng sáng tạo, qua tập Thơ Thơ (1938). Huy Cận, 1919-2005, bạn thân của Xuân Diệu, thời đó ăn học ở Huế, đã kể lại :
"Xuân Diệu gặp Huế là gặp người và cảnh đồng điệu. Anh rất mê ca nhạc Huế và anh biết hát, hát khá hay, hầu hết các bài ca Huế, từ Nam ai, Nam bằng, tứ đại cảnh đến phú lục, lưu thủy, kim tiền, bình bán, phẩm tiết ... đến các điệu hò mái nhì, mái đẩy (...). Việc anh thuộc ca nhạc Huế có ảnh hưởng tốt cho sự phát triển của thơ anh, chính anh cũng nhận rõ thế ". (Bài thơ Thôn Vĩ, Huế,1987, tr. 53),
Tại hội nghị Văn Nghệ ngày 13-4-1949, Xuân Diệu trổ tài :
"Xuân Diệu hò Huế, Xuân Diệu vuốt một câu ca dao như ta nâng một giải lụa ... Những tiếng reo hò ở dưới : nữa, hò nữa ! xen vào những tràng pháo tay ... " (Nguyễn Huy Tưởng kể lại, báo Văn Nghệ, Việt Bắc, số 11-12 tháng 4/5/1949).
Bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu là hồi âm những giai điệu hồi quang của ánh sáng Huế lung linh trong thơ :
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần ! Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân
Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh Linh lung bóng sáng bỗng rung mình Vì nghe nương tử trong câu hát Đã chết đêm rằm theo nước xanh.
Người ta thường ngân nga thơ Xuân Diệu mà quên rằng văn xuôi Xuân Diệu cũng xuất sắc như tập Phấn Thông Vàng với một số bài viết tại Huế, như đoạn tả cảnh Nam Giao :
"Chiều lên dần. Tôi càng đi, trời càng tối. Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng , tôi khởi đi trong ánh sáng và tôi tới dần trong bóng tối, tựa hồ bên thành phố Huế là ngày, bên đàn Nam Giao là đêm ... Vâng, chiều lên dần ; chiều không xuống ... " (Thương vay, tặng Huy Cận, Phấn Thông Vàng, 1939).
Xuân Diệu quê nội Nghệ An, quê ngoại Bình Định, "cha đàng ngoài mẹ ở đàng trong hai mái đèo ngang một mối tơ hồng" (1960). Còn Huy Cận quê Hà Tĩnh ; và Xuân Diệu đã viết : "Huy Cận còn có một quê hương thứ hai, là Huế", vì Huy Cận đã sống và ăn học tại Huế mười hai năm (1927-1939) học từ lớp ba đến tú tài, đến khi nguồn thi hứng đã định hình. Rất nhiều bài trong tập Lửa Thiêng (1940) đã được khai từ hay khai trí tại Huế, như bài Chiều Xưa đăng trên báo Ngày Nay, số Tết 1938, cùng một khung với Cảm Xúc của Xuân Diệu
Chiều gieo theo gió veo hồ, Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa.
Đồn xa quằn quại bóng cờ, Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về
Ngàn năm sực tỉnh, lê thê Trên thành son nhạt, _ chiều tê cúi đầu…
Lưu ý biên tập : giữa câu cuối, có dấu phẩy thêm gạch ngang. Dấu phẩy thuộc cú pháp, syntaxe, gạch ngang thuộc thi pháp, poetique. Bút pháp này Huy Cận lĩnh hội từ Rimbaud. Giữa những cặp lục bát, có khoảng trắng. Mỗi cặp lục bát là một khổ thơ, strophe.
Cho mãi đến cuối đời, 70 năm, sau Huy Cận vẫn chung thuỷ với nguồn thơ thưở nhỏ. Thơ Huế của Huy Cận về sau rõ nét, hiện thực và nhân đạo, như bài Phố Đông Ba làm 1972 :
Phố Đông Ba của tôi ngày bé Có ông cả Soạn đánh cờ cao Lắm khi một buổi đi vài nước Để bạn bè vây nghĩ nát đầu
Ông lại đàn hay. Nguyệt tiếng tơ Hồn ve dắn dỏi dưới trăng mờ Mòn tay tài tử dăm cung nhấn Nghe cả trời thu nức nở mưa
Bài thơ mô tả chính xác đường Đông Ba một khu phố nghèo ở Huế những năm 1930 với sinh hoạt thời đó, nhất là về mặt văn nghệ dân gian. Huế giàu chất thơ không phải chỉ nhờ những nét đẹp đài các bên ngoài :
Hai hàng, tôn nữ cười trong nón. Thơ mở lòng ra đón bóng yêu (thơ Quỳnh Dao)
hoặc :
áo tím qua cầu thơ cũng hết mùa thu (thơ Trang Châu)
Huế còn giàu chất thơ trong nội dung đời sống, trong tâm thức âm trầm về thân phận con gnười vá số phận dân tộc, những ám ảnh mà Huy Cận đã ghi lại được trong bài Phố Đông Ba
Cuối phố gốc cây chiều chủ nhật Là ông xẩm chợ với hai con "Kinh đô thất thủ" vè quen thuộc Lớn nhỏ ngồi nghe nặng trĩu hồn
"Thất thủ Kinh Đô" là một bài vè, dài khoảng 2000 câu, kể lại cuộc phản công quân sự của triều đình Huế đêm 4/7/1885 : Thất bại, vua Hàm Nghi phải bỏ Huế ra Quảng Trị. Cuộc thất bại của triều đình là bi kịch của đất nước nằm chồng lên thảm cảnh của nhân dân Huế.
Tuy nhiên bên cạnh những hình ảnh nhức nhối ấy, Huế vẫn để lại trong hồn thơ Huy Cận những kỷ niệm dịu dàng, mượt mà như giòng sông phẳng lặng trong Huế Vấn Vương (1978) Xanh mượt bờ xanh Huế Huế ơi !
Cỏ cây đây đã hoá vườn trời Người đi bước nhẹ không nghe tiếng Mà nặng lòng yêu biết mấy mươi.
Huế hoa thiên lý mùi hương thoảng Huế tím chiều thu giậy ước mơ Mái đẩy câu hò ngân ánh nước Sông không trôi bởi luyến lưu bờ
Tuổi nhỏ đời ta Huế giữ không ? Cho ta xin lại tháng năm hồng Cho ta trở lại ngày xưa cũ Mới hái mùa thơ giữa độ bông
Tình bạn tình yêu Huế khéo ươm Hoa xuân trái đậu tháng năm trường Bâng khuâng nay nhện chiều giăng lưới Bảng lảng lòng ai Huế vấn vương ...
Đề tài văn thơ mênh mông. Chúng tôi trích dẫn tác phẩm Xuân Diệu - Huy Cận vì mảng thơ Huế chiếm phần quan trọng – ít nhất là trước 1945 – trong sự nghiệp hai ông. Một mặt hai ông tiếp thu vào cảm xúc, và phản ánh lại khá rõ nét những âm sắc của cố đô, mặt khác tư liệu về họ khá đầy đủ, cho phép chúng ta lý luận chính xác. Còn nhiều bài khác của tác giả khác về Huế, chúng tôi sẽ có dịp bàn thêm vào dịp khác.
Có tác giả chỉ ghé qua Huế một lần và cũng để lại tác phẩm hay như Nguyễn Bính 1918-1966, với tập thơ Mười hai Bến Nước (1942) gồm nhiều bài nổi tiếng như : Xóm Ngự Viên, Giời Mưa Xứ Huế, ...
Đặc biệt nhạc sĩ Văn Cao 1923-1995, chỉ một lần ghé Huế, nhưng đă tiếp thu nhiều rung động nghệ thuật. Ông kể lại: "Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 1940. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế giúp tôi làm được âm nhạc và thơ". (Bài Thơ Thôn Vỹ, 1987, tr.152).
Đây là tiếng đàn trên sông Hương mà nhà thơ Văn Cao đã ghi lại, trong bài nhạc Thiên Thai nổi tiếng. Và trong thơ :
Em cạn lời thôi anh dứt nhạc Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh Một đêm dàn lạnh trên sông Huế Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh ...
Chúng ta đã cùng nhau nhìn lại mảng thi ca về Huế trước 1945 của những tác gia không phải người Huế. Sau này, có dịp, ta sẽ tìm hiểu thêm về một xứ Huế gần đây hơn, thời sự hơn, với những sôi nổi và đau thương chưa lắng xuống.
Vì không phải chỉ có một Huế đẹp và thơ xa xôi trong mộng tưởng. Vì còn một Huế khác, đau thương và khốn khó, như trong ca dao xứ Huế :
Ví dầu đèn tắt, có trăng,
Khổ thì em chịu, biết mần răng đặng chừ..
nguồn : internet
k1221
Tổng số bài gửi : 18 Age : 23 Registration date : 13/08/2020
Làng Thanh Tiên nằm dọc theo bờ nam, hạ lưu sông Hương gần ngã ba Sình thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là một địa danh nổi tiếng về nghề làm hoa giấy (đặc biệt là hoa sen).
Nghề làm hoa đã xuất hiện tại đây cách đây hơn 300 năm. Bí quyết làm hoa giấy tập trung ở khâu nhuộm màu, sao cho giấy giữ được màu sắc lâu bền. Người làm hoa không sử dụng hóa chất công nghiệp, mà dùng các nhựa cây và lá cây để chế tạo thuốc nhuộm theo kiểu gia truyền. Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Hoa giấy được trang trí ngoài sân, bên hiên nhà hay những nơi trang trọng vào các ngày lễ, Tết đến, xuân về. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng vô cùng độc đáo và đặc sắc của người dân xứ Huế.
Họa sĩ Thân Văn Huy với những đóa sen giấy ngũ sắc được chăm chút, tỉ mẩn từng chi tiết.
sưu tầm
k1221
Tổng số bài gửi : 18 Age : 23 Registration date : 13/08/2020
Sài Gòn những ngày hè nóng bức, đâu đâu cũng đầy khói bụi và tiếng còi xe ồn ào náo nhiệt, chiều chiều có cơn mưa rào đi ngang thành phố như xoa dịu đi bớt cái nắng hè oi bức. Sau cơn mưa ấy, người người lại đổ nhau ra đường.
Giữa hạ, dưới cái nắng nóng khô khốc của Cali, lòng chợt nhớ về Sài Gòn, nơi chỉ có hai mùa mưa nắng. Sài Gòn mùa này, chợt nắng chợt mưa, chợt vui chợ buồn. Thời tiết đỏng đảnh như cô gái mới lớn. Sài Gòn mùa này là vậy, mưa vội mà nắng cũng mau. Sài Gòn những ngày hạ, mưa đến và đi chẳng hề báo trước, mới nắng đó mà đổ mưa được ngay. Sài Gòn mùa này chợt nắng chợt mưa đong đầy kỷ niệm nối hai bờ thương nhớ của người Sài Gòn xa xứ, của những ai đã từng đến đây, đã từng gọi tên Sài Gòn trong niềm nhớ.
Sài Gòn những ngày hè nóng bức, đâu đâu cũng đầy khói bụi và tiếng còi xe ồn ào náo nhiệt, chiều chiều có cơn mưa rào đi ngang thành phố như xoa dịu đi bớt cái nắng hè oi bức. Sau cơn mưa ấy, người người lại đổ nhau ra đường. Có những người yêu Sài Gòn đến lạ bởi cái khoảng khắc giản dị sau cơn mưa chiều mùa hạ, ngồi bệt trước công viên nhà thờ Đức Bà vừa nhâm nhi ly cà phê nồng nàn hòa nguyện cùng mùi đất và hơi thở của cơn mưa mùa hạ giữa lòng thành phố hoa lệ vừa ngắm nhìn ánh chiều đổ đầy trên tượng Đức Mẹ rồi lặng lẽ tắt dần, nhường chỗ cho những ánh đèn vàng trên hè phố, ánh đèn nê ông đủ màu sắc từ hàng quán, cửa tiệm, nhà hàng khắp các con đường. Lúc ấy mới cảm nhận được những thăng trầm triền miên của thành phố Sài Gòn.
Đã có một thời từng mơ sống trọn cuộc đời mình với Sài Gòn. Nhưng có lẽ giấc mơ ấy mãi chẳng thể thành hiện thực. Sau nhiều năm xa cách, Sài Gòn giờ đây chỉ còn thể hiện trong nỗi nhớ và giấc mơ. Mùa hạ năm ấy khi rời xa Sài Gòn, tôi chẳng dám ngờ rằng sau ngần ấy năm xa cách là ngần ấy thời gian sống trong nỗi nhớ và giấc mơ, không phải vì Sài Gòn là nơi có những người thương, mà vì Sài Gòn mùa hạ đong đầy quá nhiều ký ức cho người đi xa. Nếu được một ngày trở về Sài Gòn, tôi sẽ mơ về một Sài Gòn lãng mạn với những cơn mưa rào chợt đến chợt đi của ngày hè nắng gắt, tôi sẽ mơ được nhìn thấy Sài Gòn khoác lên mình vẻ đẹp kiêu sa nhưng hết sức bình dị giữa đêm hè oi bức, tôi sẽ mơ được cảm nhận về một Sài Gòn đậm chất thơ và tình của mùa hạ giữa một Sài Gòn ồn ào náo nhiệt và tất bật mưu sinh.
Sài Gòn mùa này là vậy. Lúc nào cũng gợi cho người đi xa bao niềm luyến lưu. Hai hàng me xanh mướt, nắng bụi ngày hè, phố xá đông đúc người xe, cơn mưa rào chiều hạ, ly cà phê nơi vỉa hè công viên, những cuộc chia tay tuổi học trò khi hè sang, những âm tạp của cuộc sống mưu sinh hối hả. Sài Gòn sau nhiều năm xa cách giờ đây chắc đã thay đổi nhiều, đôi khi vì không muốn chấp nhận sự thật hiển nhiên ấy nên cứ mãi nhớ về những ký niệm nơi đây. Có người nghĩ mình đã đánh mất Sài Gòn, nhưng có lẽ ký ức về Sài Gòn thì chẳng bao giờ mất, bởi dù ở xa cách nơi đâu, chỉ một cơn mưa rào thoáng qua cũng đủ gợi nhớ tất cả kỷ niệm về Sài Gòn. Sài Gòn dù có đổi thay, thì vẫn luôn tại một Sài Gòn dĩ vãng trong lòng người xa xứ.
Nhắm mắt nghe thời gian trôi qua những mùa hạ nơi xứ người sống trong nỗi nhớ về Sài Gòn. Đâu đó trong sâu thẳm ký ức của một người nhớ Sài Gòn quay quắt từ mùa hạ xa cách ấy là những nỗi niềm và mơ ước. Mơ ước một ngày mùa hạ được trở về Sài Gòn như ngày hè năm ấy đã cất bước rời xa nơi đây ...
Vương Vi nguồn Cali Today News
k1221
Tổng số bài gửi : 18 Age : 23 Registration date : 13/08/2020
Cho dù đã có được nhiều cơ duyên với bao lễ hội, bao cuộc biểu diễn thời trang trong một không gian đầy sắc màu huyền ảo và âm thanh hiện đại những chiếc áo dài biến tấu phát phơ, làm loá mắt dưới ánh đèn màu, nhưng tôi vẫn thấy một tà áo rất đỗi thân thương như là khép nép ở một góc làng quê nào đó trên mảnh đất quê hương - một dấu lặng khiêm nhường gigữa giàn đại hoà tấu ồn ã của cuộc sống hiện đại. Phải chăng chiếc áo bà bà khiêm nhường đến thế lại có thể nào trở nên thua chị kém em trong cơn lốc của luồng gió thời trang bốn phương thổi về.
Giữa quê hương miền Nam đi đi về về hai mùa mưa nắng, không biết tự bao giờ chiếc áo bà ba hiện hữu, đồng hành với người phụ nữ miền Nam như một thứ y phục đặc trưng cho một chất thuần hậu, dịu dàng của họ. Dường như khi nhìn những đườnc nét mộc mạc của chiếc áo bà ba, ta cảm nhận đó là một thứ ngôn ngữ im lặng ký thác một phẩm hạnh, một giá trị vĩnh cửu của người phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ miền Nam nói riêng.
Tôi - một người sinh ra và lớn lên trong một thời khắc mà thời trang mặc nhiên đồng nghĩa với văn hóa, đơn giản hơn nữa là năng lực thẩm mỹ của nhiều giai tầng trong xã hội. Tôi đã từng được thưởng lãm các phục trang của nhiều hãng thời trang lừng danh thế giới như Piere Cardin, CK, Versage..., nhưng điều làm tôi thấy lạ là giữa bao nhiêu sắc màu biến ảo của phục trang thời thượng thì chiếc áo bà ba vẫn dung dị trong màu đen chàm cố hữu mà hàng ngàn năm nay vẫn thế. Nó gợi nhớ màu đen sẫm của đất, giàu lượng để nuôi dưỡng, tiếp năng lượng cho bao mầm xanh trên mảnh đất yêu dất này.
Áo thấp thoáng trên những nhịp cầu tre lắt lẻo, mềm mại trên những chuyến đò ngang trên xuồng ba lá và bay bổng, lãng mạn quyện hòa trong những điệu lý con sáo, lý cây bông... ngọt ngào đến nao lòng những người đi xa, và cũng dệt nên những sợi tơ lòng để kết nối đôi lòng trai gái, nối quá khứ với hiện tại...
Khăn rằn - nón lá - áo bà ba đã trở nên một liên kết "tam vị nhất thể" tạo dựng một biểu trưng hoàn mỹ nhất cho vẻ đẹp tâm hồn thuần khiết của người phụ nữ Việt Nam. Có những chiếc áo ta mặc chỉ có một lần rồi xếp vào ngăn tủ, ít khi lấy ra mặc lại. Chiếc áo bà ba thì khác hẳn; chiếc áo như một sự "phong vận" vào mỗi một phận người, chiếc áo đó ủ chín niềm tin, vỗ về bao đoái vọng và chắp cánh cho bao giấc mơ có thực giữa vòng tay bao dung của cuộc đời. Có biết bao tà áo dài dười bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ đã biến tấu để không lỡ nhịp với tiết điệu của cuộc sống hiện đại, có rất nhiều tà áo bay đi rất nhiều "hương đồng gió nội". Xin hãy nâng niu giữ mãi sắc màu dung dị, kín đáo thuở ban đầu ấy của chiếc áo bà ba, bởi ta vẫn biết ở giữa cánh đồng thời gian rộng lớn, mẹ và em vẫn mặc chiếc áo ấy; ẩn hiện sau lũy tre làng, trĩu cong bờ vai giữa bao lo toan của dòng đời để làm nên hạt lúa củ khoai cho ta lớn khôn mang khí phách Phù Ðổng vươn mình tới bao chân trời mới của tương lai...
source: ST
k1221
Tổng số bài gửi : 18 Age : 23 Registration date : 13/08/2020
Hoa sen được chọn ủ trà phải là giống sen hồ Tây, bông hoa tròn to và mỗi sản phẩm có giá 30.000 đồng.
Sen hồ Tây (sen Bách Diệp) là giống sen nổi tiếng của Hà Nội với đặc trưng bông nhẹ, to, thơm ngát.
Từ lâu nhiều vùng ở Hà Nội đã trồng sen này để cắm chơi và làm nguyên liệu sản xuất chè sen.
Gia đình anh Nguyễn Thế San (Liêm Mạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có 6.000 mét vuông diện tích mặt nước trồng sen.
"Sen mọc hoàn toàn tự nhiên, bắt đầu thu hoạch từ 19/5 cho đến 2/9 hàng năm", anh San cho biết.
Những ngày này, cứ 4h sáng là anh San thức dậy chèo thuyền đi cắt hoa nhưng vẫn không đủ cung cấp cho đơn đặt hàng của khách.
Người hái thường chọn thời điểm sáng sớm mát mẻ, khi hoa vừa hé nở thì hương sẽ thơm lâu hơn.
Sen hồ Tây khi bung nở có hàng trăm cánh nhỏ li ti, nở nhanh và chóng tàn.
"Các công đoạn làm trà ủ hoa sen không quá cầu kỳ, quan trọng là chọn được đúng loại sen phù hợp để ướp trà", chị Hạnh cho biết.
Hoa sen được chọn ủ trà phải là giống sen hồ Tây, bông hoa tròn to. Mỗi ngày một người có thể hái được hơn 400 bông hoa sen.
Trà để ủ sen phải là trà Thái Nguyên bởi trà của vùng này cho nước màu xanh. Mỗi cân trà ngon giá khoảng 500.000 đồng.
"Trà được đưa vào bông hoa khi vừa hé nở, mỗi bông thường chứa 13g trà. Trong thời gian ủ, hương sẽ ngấm đượm vào cánh trà. Mỗi bông sen ủ trà phải còn nguyên phần thân, sau đó cắm vào nước trong một ngày để hoa vẫn tươi và hút nước cho hương lan toả bên trong", chị Lê Ngọc Yến, người có kinh nghiệm làm trà ủ sen lâu năm cho biết.
Mỗi bông sen ủ trà có giá 30.000 đồng.
Để có trà sen uống lâu dài, mỗi bông sẽ được hút chân không và để tủ lạnh, sử dụng được trong 6 tháng.
k1221
Tổng số bài gửi : 18 Age : 23 Registration date : 13/08/2020
Hình như rằng ngay từ thời “năm tư” đã xuất hiện câu “chúng ta đi mang theo quê hương.” Và mãi đến sau này, khi trời vào Thu ở bất cứ nơi nào, mình còn có thể nói “chúng ta đi mang theo mùa Thu.”
Gửi gấm cái hương Thu của Hà Nội cho những người ly hương chính là Ðoàn Chuẩn. Ông là nhạc sĩ của mùa Thu, mà phải là mùa Thu của Hà Nội thanh lịch, trong cái nắng se lạnh của làn gió heo may, có tà áo nhung của nhà Cát Tường, thường được gọi là áo “Lemur.”
Không phải vì tựa đề của bài hát là mùa Thu, mà tất cả các ca khúc của Ðoàn Chuẩn đều có mùa Thu dù dưới nhan đề khác.
“Tình Nghệ Sĩ” được viết vào mùa Thu 1947 mở đầu bằng câu:
Ðây khách ly hương mấy thu vàng ấm Nơi quán cô đơn mơ qua trùng sóng Mơ tới bên em, em tô quầng mắt Em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung...
Ca khúc đầu tiên của Ðoàn Chuẩn viết tại một hàng cà phê ngon kỳ lạ của vùng Tự Do ở Khu Tư, tên là Thanh Hương. Ðây là tên của cô hàng xinh đẹp và người nhạc sĩ muốn viết: “Ðây quán Thanh Hương mấy thu vàng ấm.” Ở trong Nam, nhiều người di cư từ miền Bắc thì nghĩ đến phận ly hương của mình, nhưng sự huyền diệu của lời ca che giấu một bí mật trong gần nửa thế kỷ.
Qua đến “Lá Thư” ông viết năm 1949 cũng mở đầu như sau:
Nhớ tới mùa Thu năm xưa gửi nhau phong thư ngào ngạt hương Nét bút đa tình lả lơi... Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng Chờ đến kiếp nào, tình đầu trong gió mùa, người yêu ơi...
Ca khúc này, người nghệ sĩ viết vì nhớ phút giây xao xuyến. Nàng là em gái của một người bạn phố hàng Ðàn. Bài hát tha thiết là lời chia tay:
Em nay về đâu, phong thư còn đây Nhớ nhau tìm trong ánh sao...
Cũng như thế, chúng ta thấy thấp thoáng mùa Thu trong “Thu Quyến Rũ”:
Anh mong chờ mùa Thu Trời đất kia ngả màu xanh lơ Ðàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa Bên những bông hồng đẹp xinh..
Hay trong “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”:
Với bao tà áo xanh đây mùa Thu Hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ Lá vàng từng cánh rơi từng cánh Rơi xuống âm thầm trên đất xưa...
Hai bài “Chuyển Bến” và “Cánh Hoa Duyên Kiếp” có tựa cũ là “Dạ Lan Hương” cũng đậm hương Thu, được viết để tặng nữ danh ca Mộc Lan xinh đẹp nõn nà vào thập niên 50. Xúc động nhất là “Tà Áo Xanh” tức “Dang Dở” viết vào mùa Xuân 1955 là lời trao đổi đầy ân hận, lảng tránh. Ðó là mối tình trên giấy, lãng mạn mà chừng mực. Mỗi tuần, ông gửi thư và một bó hoa lan trắng đến đài phát thanh Pháp Á. Lòng ông thổn thức khi nghe tiếng nàng vang vọng trên làn sóng âm thanh câu hát của bài “Dạ Lan Hương”:
Từ một nơi xa xôi Cách bao núi rừng suối đồi Anh gửi mấy cánh hoa về người yêu Hoa Lan Hương mầu trắng, như duyên anh thầm kín Trong hương thu mầu tím buồn...
Ðúng như ông viết, “Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ, chóng tàn vì vướng muôn ý thơ...”
Có lẽ vì vậy mà bà Ðoàn Chuẩn không hề ghen với những người yêu trong nhạc của chồng. Lẽ dĩ nhiên ông rất yêu vợ, và sống trọn đời bên bà. Ông có viết một ca khúc tặng vợ yêu dấu trong những ngày chinh chiến, ly tán. Ðó là bài “Ðường về Việt Bắc” rất nổi tiếng:
Chiều nào áo tím nhiều quá. Lòng thấy rộn ràng nhớ người Dù đời chinh chiến xa cách nhau Tình đầu âu yếm quên nhớ chăng? Anh quên sao đôi mắt em, đôi môi xinh, nụ cười tươi Ðường về lả lướt bóng ai, những chiều gió Thu qua mành the Thầm nhắc anh về...
Về nhạc thuật, nhạc của Ðoàn Chuẩn giản dị, dễ hát và hay vì lời ca. Một số bài ông chia đoạn không cân đối nên khó hòa âm. Hát nhạc Ðoàn Chuẩn chỉ cần một cây guitare thùng, trong một thính đường nhỏ, thân mật và hát một cách thủ thỉ thì tuyệt. Nhiều người chọn hát Ðoàn Chuẩn vì dễ thành công khi diễn tả tình cảm.
Ca khúc được hát nhiều nhất là “Tà Áo Xanh” tức “Dang Dở.” Bài này bị khuyết điểm về sự thiếu cân đối hay “carrure.”
Riêng thiển ý người viết, hai bài hay nhất của ông là “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” và “Lá Ðổ Muôn Chiều.” Vì tứ nhạc hài hòa, câu mở, chuyển đoạn và kết đoạn đầy đủ.
Riêng bài “Lá Ðổ Muôn Chiều,” ông viết đoạn mở bằng âm giai thứ và cả chuyển đoạn cũng dùng âm giai thứ, đến câu kết mới tài tình dẫn qua âm giai Trưởng để nỗi buồn tan biến trong hư không như một sự tha thứ:
Thôi thế từ nay anh cố đành quên rằng có người Cầm bằng như không biết mà thôi Lá thư còn lại đôi ba cánh Dành lòng cho nước cuốn hoa trôi...