Để tiện đường quý vị quan tâm theo dõi. Sau đây là nguyên văn "Dị bản Truyện Kiều" của Kỹ sư cơ khí Đỗ Minh Xuân:
Truyện Kiều - Nguyễn Du
với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng.
Lời mở đầu ( mở rộng )
Người khảo dịch Kỹ sư cơ khí - Đỗ Minh Xuân
☻☺☻☺☻
Tôi không có ý định nghiên cứu Truyện Kiều. Nhưng số phận đã đưa tôi đến với Nguyễn Du.
Lúc đầu, năm 2007, tôi tìm đến với Truyện Kiều là đọc cho vui. Nhưng từ nhiều sai lỗi về in ấn và sự vô trách nhiệm, có bản in thiếu hai đoạn: 529-560 thiếu 32 câu và 1249-1262 thiếu 14 câu. Buộc tôi phải sưu tầm trong số bạn bè các bản Truyện Kiều xuất bản trước đây. Sau khi đọc, tôi đã phát hiện ra những sự khác nhau cần phải bàn cãi giữa các bản Truyện Kiều đã sưu tầm được. Vì thế, mà tôi đã “đánh bạo” được góp phần làm sáng tỏ những vấn đề cần bàn cãi đó.
Truyện Kiều được Nguyễn Du viết bằng chữ nôm vào cuối Thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX (1796 – 1801, theo tài liệu (3)). Thời kỳ này, chữ nôm đang hình thành và phát triển. Chữ nôm là sự sáng tạo kết hợp bởi hai yếu tố cơ bản là “âm” và “nghĩa”của từ Hán. Tuy vậy, cũng vẫn dùng “thuần âm” hoặc “thuần nghĩa” trực tiếp của từ Hán.
Vì đặc thù của chữ nôm là “lựa viết” (phụ thuộc vào người viết) và “đoán đọc” (phụ thuộc vào người đọc). Bởi cùng một âm, mà mỗi người cũng có thể viết một kiểu (“Tử” là chết lại viết “Tử” là cây thị). Trái lại, cùng một chữ, mỗi người cũng có thể đọc một khác (“Chờ chờ”, “trờ trờ”, “sờ sờ”, “sè sè”, “se se”). Chưa nói đến viết “tắt”, viết không đủ nét (khác giản thể). Nên cần phải dựa vào chữ và văn cảnh cụ thể mà đoán đọc (dịch) cho sát. Như quốc ngữ viết tắt hoặc không có dấu về âm sắc.
Thời Nguyễn Du, còn thịnh “tầm chương, trích cú” là trong tác phẩm văn chương, Nho sĩ nào càng dẫn được nhiều tích-điển, nhiều tiếng cổ, tiếng địa phương khéo léo và hiệu quả thì càng thể hiện được sự học hỏi uyên thâm của mình. Như vậy, văn chương của thời ấy là giành cho giới Nho học. Ngay trong giới Nho học, nhiều người đâu đã biết viết, biết đọc chữ nôm, đúng với chữ “biết” của nó. Thế là, sự “tam sao thất bản” cả về viết và đọc ấy của các bản Truyện Kiều chữ nôm cũng “tam sao thất bản” tiếp sang các bản quốc ngữ. Chưa nói đến sai lỗi về in ấn. Để khắc phục “phần nào” sự “tam sao thất bản” này, các tập thể và cá nhân chuyên đi sâu nghiên cứu về Nguyễn Du nói chung và Truyện Kiều nói riêng, với ý thức “gạn đục khơi trong” nên “Tiếp cận với lời gốc Truyện Kiều”.
Đây là một việc hết sức khó khăn. Nhưng dựa vào công nghệ thông tin, tìm ra các “từ” sai khác mà tranh luận rộng rãi, phân tích kỹ càng, rồi tổ chức hội thảo khoa học để chọn lấy “từ”, “chữ” và cách đọc hợp lý nhất. Nguyễn Du thừa nhận, số đông thừa nhận là được!
Đây là công trình nghiên cứu mở của và qua nhiều thế hệ nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Truyện Kiều đã vượt qua tầm của giới Nho học, để đến được với mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè thế giới. Đó là thành công kiệt xuất của Nguyễn Du. Chính nhờ có sự hấp dẫn kỳ lạ của Truyện Kiều mà nó đã nhanh chóng lan tỏa trong dân gian qua truyền miệng. Chính là nhờ tính nhân văn, tính tư tưởng, tính thơ của Truyện Kiều. Phần nữa, không kém phần quan trọng là nhân dân đã biết “gạn đục khơi trong” (lược bỏ cái ít chưa rõ chưa hiểu), vượt lên các mặt hạn chế về lịch sử, giữ và nắm được cơ bản “hồn gốc” (không hẳn là “lời gốc”) của Truyện Kiều. Nhờ vậy, mà Truyện Kiều mới có được sức sống mãnh liệt trong nhân dân và trong bè bạn quốc tế hàng mấy trăm năm nay.
Ngày nay, đã có quốc ngữ. Trong thời đại thông tin, mỗi người phải tiết kiệm từng phần ngàn, phần vạn giây để tiếp thu nhiều thông tin quan trọng khác, ít có thời gian để tra cứu thì Truyện Kiều phải gắn với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng. Có thế mới giải tỏa được nỗi trăn trở, băn khoăn, day dứt của Nguyễn Du:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
“Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
Nhà thơ Xuân Diệu dịch:
“Ba trăm năm nữa mơ màng,
“Thế gian ai kẻ khóc chàng Tố Như?”
Là con dân Đất Việt, tự hào với truyền thống nhiều mặt của dân tộc mình, phàm những người có học, có lương tri thì không mấy ai lại vô cảm với trăn trở, băn khoăn, day dứt này của Nguyễn Du!
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du, UNESCO đã công nhận Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Du cùng với nhiều danh nhân của đất nước đã góp phần làm rạng rỡ non sông, vẻ vang dân tộc. Vậy, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người Việt Nam chúng ta là làm cho Truyện Kiều sống mãi trong lòng dân tộc, trong thời đại bùng nổ thông tin, trong tiếng Việt hiện đại, như “thịnh thời” đã có của nó.
Vì vậy, tôi đã “đánh bạo” nghiên cứu khảo dịch: TRUYỆN KIỀU - Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng.
Đối tượng nghiên cứu là giữ “hồn gốc” Truyện Kiều trong hoàn cảnh lịch sử mới, với mục đích rõ ràng, như trong tiêu đề đã nêu.
Dựa vào ba tài liệu sau, được chọn làm đối dẫn, để tìm ra sự chưa đồng nhất giữa các bản (về những nét gợn chính). Trên cơ sở đó, tôi cũng có chính kiến của mình.
1 – Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, Biên tập Hoàng Thị Đậu, Nhà xuất bản Khoa học xã hội in theo giấy phép số 3/KHXH - 74.
2 – Truyện Kiều của Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1973 do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích.
3 – Truyện Kiều - Văn bản hướng tới phục nguyên, khảo đính và chú giải của Nguyễn Khắc Bảo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, in tại Đà Nẵng năm 2009. Số đăng ký KHXB: 90-2009/CXB/11-82/GD. Sử dụng phần quốc ngữ để đối dẫn.
Ngoài ra tôi còn một số bản Truyện Kiều quốc ngữ, cả bản chép tay, Kiều nôm (photo): Kim Vân Kiều tân truyện (Tiên Điền Lễ tham Nguyễn hầu soạn năm Tự Đức thứ 19 tàng bản (bản khắc gỗ) Liễu văn đường, thiếu 18 tờ = 864 câu) để tham khảo. Bản khắc này ở vào thời đã có quốc ngữ, nhưng chưa rộng. Vì trong bản khắc đã dùng chữ số và câu 120 đã dùng ký hiệu “phút” là một dấu “phẩy”.
Thứ tự ba tài liệu trên, thay cho tên của từng tài liệu đối dẫn. Như câu 39: “Ngày xuân con én đưa thoi” riêng tài liệu 1 và 3 viết là: “Tiết vừa con én đưa thoi”. Không dùng “Tiết vừa” của tài liệu 1 và 3 thì cột ghi chú viết: “1-2. Tiết vừa (1, 3)”. “1-2” là thứ tự vị trí từ trong câu; “Tiết vừa” là từ cụ thể trong vị trí ấy; “(1, 3)” là sự sai khác này thuộc tài liệu 1 (TĐTK - ĐDA và tài liêu 3 của NKB). Nếu của tôi khác, nhưng của ba tài liệu giống nhau thì ghi “(*)”; và của tôi khác, nhưng của ba tài liệu cũng khác thì sẽ chú thích cả sự khác nhau đó và ký hiệu tài liệu đối dẫn (khi có thể) trong () và cuối ghi (*). Chú thích cả câu thì phần vị trí từ sẽ bỏ.
Chú thích như vậy, đã giữ nguyên được “từ” “ý” của các bản đối dẫn, người đọc có thể lựa chọn được “từ”, “ý” của bản mà mình cho là hợp lý. Đồng thời, cũng khích lệ mọi người tìm ra các “từ”, “ý” hợp lý hơn. Có thế mới tránh được sự áp đặt vô lý mà tôi đã gặp.
Bản Khảo dịch Truyện Kiều này có những vấn đề cần lưu ý: Phần trình bày: Chữ viết đứng dùng thể hiện nội dung thường; chữ viết nghiêng để dẫn lời, dẫn ý (cả ý nghĩ). Khi dẫn lời trong lời thì viết đứng, in đậm. Chú thích ngay trong cùng một dòng bằng cỡ chữ nhỏ. Phần chú thích hẹp nên viết cô đọng.
Chú thích cũng được trình bày khoa học. Ngoài ra, khi cần, còn dùng để giải thích, giúp người đọc hiểu ngay, bớt phải tìm đến các tài liệu khác.
Phân đoạn: Số La Mã chỉ Đoạn, số thường chỉ Phân đoạn.
Nội dung đã được thể hiện trong tiêu đề bản Khảo dịch.
Dịch sang tiếng Việt hiện đại, đã chú ý đến tính phổ thông, đại chúng và trong sáng. (Theo Từ điển Tiếng Việt – TĐTV. Viện ngôn ngữ học xuất bản năm 2005 tại Đà Nẵng).
I - VỀ TÍNH PHỔ THÔNG VÀ ĐẠI CHÚNG. Một là: chuyển một số từ ít phổ thông sang từ phổ thông cho phù hợp với tiếng Việt hiện đại. (Chung: viết nghiêng, lời dịch; kế, viết đứng trong (), lời bản đối dẫn).
Thí dụ: 413: “Nhớ từ năm vẫn(hãy) thơ ngây”.
Từ “gửi” thay toàn bộ từ “gởi”. (Không chú thích)
Từ “biển” thay toàn bộ từ “bể”. (Không chú thích)
Từ “ngắn” thay toàn bộ từ “vắn”. (Không chú thích)
Từ điển có nghĩa tương đương, như “hứng”, “hấng”. (Không chú thích)
Các từ “và” “vài”, “đà” “đã” hạn chế viết chệch. (Không chú thích)
Từ “đón”, “mời” thay từ “rước” theo văn cảnh tương ứng.
Từ “nay” thay từ “rây”. 337: Kim rằng: “Nay (Rây) gió mai mưa”,
Và một số từ, như “rày”, “rầy”… có thể thay bằng từ thích hợp khác.
Từ “vội” (534, 632, 1465, 2353), “mau” (1491, 2099) thay từ “kíp” với nghĩa tương ứng.
Từ “nghỉ” ngôi thứ ba (cổ) trong các câu 12, 610, 894, 1188:12: Gia tư ông (nghỉ) cũng thường thường bậc trung (Vương ông);
610: Vì nàng ông (nghỉ) cũng thương thầm xót vay (Chung ông).
Nhưng,
894: Phiá ngoài cũng (nghỉ) đã giục liền ruổi xe. Ẩn ngôi thứ ba (Mã Giám Sinh);
1188: Dơ tuồng hắn (nghỉ) mới kiếm đường tháo lui (Sở Khanh).
Thay xong, sắc thái của bốn câu trên đã nâng lên một tầm cao mới.
Từ “vẫn” thay từ “hãy” trong các câu 216, 226, 413, 2042, 2462: Như:216: Hương thừa dường vẫn (hãy) ra vào đâu đây;
226: Màu hoa lê vẫn (hãy) đầm đìa giọt mưa;
413: “Nhớ từ năm vẫn (hãy) thơ ngây”;
2462: Từ công riêng vẫn (hãy) mười phân nghi hồ (hồ đồ).
Nhưng:
2042: Lạ lùng Kiều tạm (nàng hãy) tìm đường nói quanh. “tạm” hay hơn “vẫn”!
Từ “đơn”, “lẻ” thay từ “chiếc” trong các câu 1523, 1526, 1627, 1792, 2231: Như:1523: Người về đơn (chiếc) bóng năm canh.
1526: Nửa in gối lẻ (chiếc) nửa soi dặm trường.
1627: Kiều từ đơn (chiếc) bóng song the.
1792: Buồng không thương kẻ tháng ngày đơn (chiếc) thân.
2231: Kiều từ đơn (chiếc) bóng song mai.
Từ “phía”, “mé” thay cho từ “mái” trong các câu 274, 378, 685, 866, 894, 1124, 2037, 2258, 2774. Như:
274: Dạo quanh chợt thấy phía (mái) sau có nhà.
378: Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé (mái) tường.
Tuy vậy, để đảm bảo âm luật vẫn dùng các từ ít phổ thông, nhưng mọi người đều hiểu đúng. Như (câu 91 – 94):Đã không kẻ đoái người hoài,
Sẵn đây ta kiếm một vài nén nhang (hương).
Gọi là gặp gỡ giữa đàng (đường),
Họa là người dưới suối vàng biết cho!
Hai là: Bảo đảm nghĩa tương ứng, đã dùng từ “cha” thay từ “xuân”; từ “mẹ” thay từ “huyên”; từ “cha mẹ” hoặc “mẹ cha” thay từ “xuân huyên” từ “phụ đường” hay “phủ đường” thay từ “xuân đường”…
Thay từ thuần Việt ít phổ thông bằng từ thuần Việt khác hoặc thay từ Hán khó hiểu bằng từ thuần Việt cho rõ nghĩa hơn. Thay các tích điển khó hiểu bằng sự diễn đạt khác lột tả được nội dung (“hồn”) của tích điển đó hoặc “ý” của tác giả muốn diễn đạt. Như:
136: Lỏng buông cương ngựa (tay khấu) bước lần dặm băng;
156: Buồng đào nơi tạm (Một nền Đồng Tước) khoá xuân hai Kiều;
208: “Lời vàng ý ngọc (Giá đành tú khẩu) cầm tâm khác thường”;
233: “Cứ trong mộng ấy (mộng triệu) mà suy”;
235: Dạy rằng; “Mộng mị (mộng triệu) cứ đâu”;
238: Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương (đã đào mạch Tương(1,2), mạch sương(3));
264: Ngọn lau (Ví lô) hiu hắt như màu khơi (khẩy) trêu;
266: Xăm xăm đè nẻo đánh liều (Lam Kiều) lần sang;
280: Có hiên kiểu dáng (Lâm Thúy) nét vàng chưa phai;
306: “Biết đâu chủ cũ (Hợp Phố) mà mong châu về”;
377: Quả ngon (Thì, Thời trân) thức thức xách tay (sẵn bày);
410: Chẳng dòng quý phái (sân ngọc bội) thì làng nho (phường kim) môn;
406: “Xưa nay hiếm thấy tài (Nàng Ban ả Tạ cũng) đâu thế này”;
419: Kim rằng: “Duyên định tại thiên!” (Sinh rằng: “Giải cấu là duyên”);
420: “Xưa nay nhân cũng (định) thắng thiên đã (cũng) nhiều”;
423: Đủ điều tâm sự xa gần (trung khúc ân cần);
439: Bâng khuâng tiên nữ giáng trần (đỉnh Giáp non Thần);
453: Anh tài sánh với thuyền quyên. (Chén hà sánh với quỳnh tương);
459: Rằng: “Khi lá thắm chỉ hồng” (Nàng rằng: “Hồng điệp xích thằng”);
464: “Người người luống những lắng tai ngưỡng vì (Chung Kỳ)”;
505: “Đã cho vào bậc tiết trinh (bố kinh);
507: “Ra tuồng trên cỏ (Bộc) trong dâu”; Từ “cỏ” thay tích sông “Bộc”.
512: “Lứa đôi từng thấy những ngày trái ngang” (Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi Trương);
603: Để lời hứa biển thề non (thệ hải minh sơn);
613: “Hãy về vay tạm mượn ngoài (phó tạm giam ngoài)”;
651: Định ngày dẫn lễ (nạp thái) vu quy;
838: Mượn màu giống hệt (chiêu tập) như (lại) là của (còn) nguyên. Giả giọt máu khi rách “màng trinh”!
904: “Buộc chân thôi phải đành lòng (xích thằng) nhiệm trao”;
942: “Đêm đêm tấp nập (Hàn thực) ngày ngày một siêu (Nguyên tiêu)”;
1018: “Sâu xa (Túc nhân) âu cũng có trời ở trong”;
1033: Trong lầu Kiều tạm (Trước lầu Ngưng Bích) khoá xuân;
1119: Đêm thu đã điểm (khắc lậu) canh tàn,
1129: “Trời kia sao (Hóa nhi thật) có nỡ lòng”;
1161: “Mưu sâu (Đà đao) sắp sẵn chước dùng”;
1232: Sớm đưa ong bướm (Tống Ngọc), tối tìm yến anh (Trường Khanh);
1261: “Khi về hỏi biết rằng ai (Liễu Chương Đài)”;
1287: Lạ gì cái thói gió trăng (thanh khí lẽ hằng);
1363: “Dù cho sự đến thế nào” (Đường xa chớ ngại Ngô Lào);
1371: Sẵn đâu lầu trúc ngát hương (Mượn điều trúc viện thừa lương);
1372: Đón (rước)về hãy tạm giấu nàng lầu mai (một nơi);
1452: “Nào hay (Mộc già) hãy thử một thiên trình nghề”; “Mộc già”- Kiều đeo gông.
1458: “Lứa đôi còn có gì cần nhiều hơn” (Châu - Trần còn có Châu - Trần nào hơn);
1480: “Mặn tình cát bụi (cát lũy) nhạt tình tao khang”.
1624: Khuyển Ưng lại chọn một bày du côn (côn quang);
1636: Liệu người ngoài cuộc khác vòng nghĩ sao? (Liệu như cung Quảng ả Hằng nghĩ nao?)
1684: Gọi hồn trị quỷ (Phí phù trí quỷ) cao tay thông huyền;
1685: Trên tiên giới (tam đảo) dưới suối vàng (cửu tuyền); (Tam đảo là ba ngọn núi tiên ở biển Bột-hải: Bồng-lai, Phương-trượng và Doanh-châu; Cửu tuyền là chín suối, suối vàng).
1746: Đầu bù (Dãi dầu) tóc rối da trì quản bao.
1750: Đem lời khuyên nhủ (phương tiện) mở đường hảo (hiếu (1, 2)) sinh.
1988: “So vào với thiếp xem tình (Lan Đình) nào thua”;
2047: Của dâng vật hiến (Rày vâng diện hiến) rành rành;
3104: “Dám đem nhớp nhúa (trần cấu) so vào tiết trinh (bố kinh)”;
3126: “Ai đâu mà nỡ hững hờ bấy nhiêu!”(Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu!); Sát đúng với cảnh Kim Trọng và Kiều hơn!
3200: Ấy là trong mộng hay là thực sinh. (Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh);
3230: Rêu lan mặt đất (trùm kẽ ngạch) cỏ lên mái nhà. Vì lớp trẻ bây giờ đã không hiểu “kẽ ngạch” là gì.
TĐTK – ĐDA, “đề huề”, là “mang xách”, “mang dắt”. Nhưng TĐTV, thì “đề huề” là “đông đủ và vui vẻ, hòa thuận”. Trong trường hợp này, tôi đã dịch “đề huề” theo TĐTK – ĐDA. Như :137: “Mang theo (đề huề) lưng túi gió trăng”;
278: “Túi đàn cặp sách vội về (đề huề) dọn sang”;
532: “Vừa đưa hài thể tha hương mang về”. (Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề).
Và dịch từ “bàn hoàn” câu:711: “Nỗi riêng riêng những lo toan (bàn hoàn)”;
1760: “Nỗi lòng biết tính ra làm sao đây (luống những bàn hoàn niềm tây)”;
2400: “Cố nhân đã dễ mấy khi thư nhàn (bàn hoàn)” theo nghĩa TĐTV, trùng với nghĩa 1, của TĐTK – ĐDA.
Câu 2749: “Xập xòe (xè) én lượn lầu không (nền không (3))”. “Xập xòe” cánh én bay, tượng hình, hợp TĐTV, còn “xập xè”, tượng thanh, TĐTV không có. Còn “nền không (3)” trái văn cảnh tả trong câu 2746: “Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời”.
II - VỀ TÍNH TRONG SÁNG: Giữ sự trong sáng của tiếng Việt, là bảo đảm tính nhất quán (hiểu theo một nghĩa); chặt chẽ, hợp logic, hợp văn cảnh, tránh lặp, tránh rườm …
Một là, về tính nhất quán, trước hết phải tránh sự nhầm lẫn giữa các nhân vật. Bảo đảm câu đó đứng độc lập cũng không hiểu lầm nhân vật này với nhân vật khác. Giúp người đọc đỡ mất thì giờ tìm hiểu xem đó là ai.
Truyện Kiều (các bản đối dẫn) có khoảng: 201 từ “nàng”, (trong 197 câu); 19 từ “Tiểu thư”, (trong 18 câu); 72 từ “chàng”, (trong 72 câu); 41 từ “sinh”, (trong 41 câu). Trong 201 từ “nàng”, có liên quan đến 6 nhân vật:1 – Kiều, 192 từ (189 câu);
2 – Đạm Tiên, 4 từ (câu 62, 68, 994, 2623);
3 – Thúy Vân, 2 từ (câu 2878, 3237);
4 – Hoạn Thư, 1 từ (câu 1606);
5 – Nàng Ban, 1 từ (câu 406),
6 – Nàng Oanh, 1 từ (câu 671).
Để bớt lầm, thay 133 từ “Kiều” (132 câu), 1 từ “ả” (câu 1616), 1 từ “bà” (câu 2000) vào tổng 192 từ “nàng” chỉ Kiều. Còn 57 từ “nàng” chỉ Kiều, vì âm luật hoặc văn cảnh không thay. Ngoài ra, cho rõ hơn, thay từ Kiều vào một số từ khác:Câu 227: Kiều (Thưa) rằng: “Chút phận ngây thơ”;
375: “Nhà Kiều (lan) thanh vắng một mình”,
379 - 380: “Cách hoa Kiều (sẽ) dắng tiếng vàng”,
465: Kiều (Thưa) rằng: “Tiện kĩ sá chi!”,
501: Kiều (Thưa) rằng: “Đừng lấy làm chơi”,
536: “Băng mình lên (lẻn) trước Kiều (đài) trang tự tình”,
1715: “Kiều vừa (Hoàng lương) chợt tỉnh hồn mai”,
1022: Kiều (Thưa) rằng: “Ai có muốn đâu thế này”,
1523: “Kiều (Người) về đơn bóng năm canh”,
1524: “Sinh (Kẻ) đi muôn dặm một mình xa xôi”,
1871: “Thư (Người) vào chung gối loan phòng”,
1872: “Kiều (Nàng) ra tựa bóng đèn chong canh dài”,
2195: Kiều (Thưa) rằng: “Lượng cả bao dong”,
2575: Kiều (Thưa) rằng: “Bạc mệnh khúc này”,
2583: Kiều (Thưa) rằng: “Chút phận lạc loài”
3221: “Kim - Kiều tình vẹn hòa hai” (Hai tình vẹn vẽ hòa hai) … Rõ và đẹp.
Trong 19 từ “Tiểu thư” thì 18 từ được thay là Hoạn Thư cho rõ hơn. Riêng câu2358: “Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!” không thay.
Trong 73 từ “chàng” liên quan đến 7 nhân vật sau:
1 – Vương Quan, 5 từ:145: “Vương Quan(Chàng Vương) quen mặt ra chào”,
2760: “Hỏi Vương Quan với cùng là Thúy Vân”,
2772: “Vương Quan (Chàng Vương) nghe tiếng vội vàng chạy ra”,
2863: “Vương Quan (Chàng Vương) nhớ đến xa gần”,
2950: “Vương thì cải nhậm đến thành châu Dương” (Chàng Vương cũng cải nhậm thành Phú Dương);
2 – Kim, 34 từ thì có 17 từ đã thay trực tiếp bằng từ “Kim” :(362, 428, 524, 2764, 2766, 2794, 2799, 2880, 2885, 2928, 3030, 3083, 3113, 3127, 3165, 3207, 3217), 4 từ “chàng Kim” (245, 727, 2792, 3012), 1 từ “chàng Kim Trọng” (2740), 2 từ “Kim” gián tiếp
380: “Dưới hoa Kim đã rỡ ràng (đã thấy có chàng) đứng trông”;
3192: “Thong dong Kim (lại) hỏi ngón đàn ngày xưa”),
còn 11 từ “chàng” (Kim) đứng độc lập (520, 756, 774, 2776, 2778, 2840, 2879, 3096, 3105, 3109, 3147);
3 – Sở Khanh, 4 từ:1059: “Một chàng vừa chạc thanh xuân”,
1062: “Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh”,
1064: “Trông nàng chàng cũng ra tình đuổi đeo (đeo đai)”,
1086: “Phục thư đã thấy tin chàng đến nơi”;
4 – Thúc Sinh, 27 từ, rõ có 12 câu :1431: “Nghĩ tình chàng Thúc mà thương”,
1439: “Sụt sùi Sinh (chàng) mới thưa ngay”,
1532: “Cùng Sinh (chàng) kết tóc xe tơ những ngày”,
1573: “Sinh (chàng) về xem ý tứ nhà”,
1590: “Thuận lời chàng Thúc (cũng) nói xuôi đỡ đòn”,
1608: “Nỗichồng (chàng) ở bạc nỗi mình chịu đen”,
1670: “Đường bộ Sinh (chàng) cũng đến nơi bây giờ”,
1800: “Nhớ quê chàng Thúc (lại) tìm đường về quê”,
1842: “Cáo say Thúc (chàng) đã tính bài lảng ra”
1858: “Cúi đầu chàng Thúc (những) gạt thầm giọt tương”,
2008: “Khiến (Mà) chàng Thúc phải ra người bó tay”,
2338: “Mồ hôi lã chã (chàng đổ) như mưa ướt đầm”;
15 từ “chàng” (Thúc Sinh) đứng độc lập (1315, 1320, 1326, 1347, 1358, 1431, 1491, 1498, 1610, 1844, 1862, 1890, 1984, 2328, 2333);
5 – Bạc Hạnh, 1 từ :2103: “Có (Này) chàng Bạc Hạnh cháu nhà”;
6 – Từ Hải, 1 từ :2218: “Chàng đi thiếp cũng quyết (một) lòng xin đi”;
7 – Chàng Tiêu, 1 từ :3126: “Ai đâu mà nỡ (Khách qua đường để) hững hờ bấy nhiêu (chàng Tiêu)!”.
Trong 41 từ “sinh” liên quan đến 4 nhân vật:1 – Mã Giám Sinh, 4 từ:805: “Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh”,
868: “Giám Sinh (Mã sinh) giục giã vội vàng ra đi”,
2385: “Tú bà với Mã Giám Sinh”
2889: “Tú bà cùng Mã Giám Sinh”;
2 – Bạc Hạnh, 2 từ:2131: “Bạc ta (sinh) quỳ xuống vội vàng”,
2138: “Bạc bèn (sinh) lên trước tìm nơi mọi ngày”;
3 – Kim, 13 từ đều được thay bằng từ “Kim”: (303, 311, 337, 401, 419, 435, 455, 468, 528, 534, 2809, 2820, 2831);
4 – Thúc Sinh, 22 từ, trực tiếp có 6 câu:1303: “Thúc Sinh quen nết hoang rồi (thói bốc rời)”,
1808: “Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh”,
1889: “Hoạn Thư hỏi lại Thúc Sinh”,
1899: “Liền tay trao lại Thúc Sinh”,
2337: “Thúc Sinh trông mặt bấy giờ”,
2914: “Tức thì đưa thiếp mời chàng Thúc Sinh”;
7 từ “Sinh” (viết hoa) để chỉ Thúc Sinh (1328, 1361, 1394, 1449, 1496, 1967, 1985).
Còn 9 câu:1293: “Thúc Sinh (Sinh càng) một tỉnh mười mê”,
1313: “Thúc Sinh (Sinh càng) tỏ nét càng khen”,
1839: “Thúc Sinh (Sinh càng) như dại như ngây”,
1845: “Thúc Sinh (Sinh càng) nát ruột tan hồn”,
1891: “Thúc Sinh (Sinh càng) rát ruột như bào”,
1863: “Thúc Sinh (Sinh càng) thảm thiết bồi hồi”,
1568: “Thúc Sinh (Sinh đã) về đến lầu hồng xuống yên”,
1869: “Thúc Sinh (Sinh thì) gan héo ruột dầu”,
1941: “Thúc Sinh mới vội (Thừa cơ Sinh mới) lẻn ra”.
Ngoài ra đã dịch câu:1602: “Thúc Sinh (Vó câu) thẳng ruổi nước non quê người”
và câu 1605: “Thúc Sinh (Roi câu) vừa gióng dặm trường”. Hiệu quả hơn!
Hai là: Chặt chẽ, hợp logic, hợp văn cảnh, tránh lặp, tránh rườm …Hợp logic: Rộng, như câu 2623 - 2624: “Đạm Tiên nàng nhé có hay”, “Hẹn ta thì đợi dưới này đón ta”. Hẹn khi nào? Vậy phải dịch câu 994: “Trong mê đã thấy Đạm Tiên bên màn”, mới bảo đảm được sự liên kết logic và trả lời được câu hỏi “Hẹn khi nào?”.
Hẹp, như các câu:3: Trải qua mỗi (một) cuộc biển dâu. Trong đời người, đâu chỉ có một cuộc biển dâu? Nên phải dùng “mỗi” mới hợp!
210: Thì giành (treo) giải nhất chi nhường cho ai.
320: Hẳn (Phải) người hôm nọ rõ ràng còn e (chăng nhe). Khẳng định hơn.
387: “Nhà vắng (vắng nhà) được buổi hôm nay”; “Nhà vắng” khác nghĩa với “vắng nhà”.
930: Trên treo thần ảnh (một tượng) trắng đôi lông mày.
1702: Thác rồi (Người đâu) mà lại thấy trên cõi trần? “Thác rồi” mà ở cõi trần mới lạ!
1709: Buồm căng (cao) lèo thẳng đẩy thuyền (cánh suyền).
1715: Kiều vừa (Hoàng lương) chợt tỉnh hồn mai.
1717: Đang còn (Bàng hoàng) dở tỉnh dở say.
1764: Ngày xót xa (Sớm năn nỉ) bóng đêm ôm (ân) hận lòng. “Xót xa” và “ôm hận” hợp và dễ hiểu hơn. “năn nỉ”, van xin gì và tại sao “ân hận”?
2739: Nỗi Kiều tai vạ (nạn) đã đầy; Tai vạ, hợp văn cảnh.
2941: “Định liều (Giấn mình) trong áng can qua”; Định chứ đâu đã giấn?
2973: Cơ duyên tác hợp khéo sao (đâu bỗng lạ sao); Hay hơn!
3024: “Dung quang hơi (chẳng) khác chút (chi) ngày bước ra”; Sát thực tế.
3026: “Mười phần xuân có giảm (gầy) ba bốn phần”; Thế nào là xuân gầy?
3071: “Bây giờ xum họp đã thành (gương vỡ lại lành)”;
3123: “Hoa dầu (tàn) nay trở lại tươi”;
3124: “Mây tan trăng sáng” (Trăng tàn mà lại) hơn mười rằm xưa. Có lý hơn!
3143: Tình nhân gặp lại (lại gặp) tình nhân. “Gặp lại” khác “lại gặp”.
3154: “Vớt hương dưới đất nhặt hoa đã vò (bẻ hoa cuối mùa)”. Được hoa cuối mùa đã quý!
Hợp văn cảnh, đúng với nghĩa và sắc thái của từ:Chữ “người” chỉ nhân vật nào đó thì phải viết hoa:
2785: “Gọi là trả chút nghĩa Người,” (Kim Trọng);
2978: “Người còn sao bỗng làm ma khóc Người” (Kiều);
3050: “Lòng nào lại dứt nghĩa Người ra đi”. (Giác Duyên);
Hoặc: “rầu rầu” (buồn) là chỉ trạng thái tâm lý, còn “dầu dầu”, “dàu dàu” (héo) là chỉ trạng thái hình thể. Nếu dùng “rầu rầu” thay cho “dầu dầu”, “dàu dàu” là chưa chính xác, thiếu sự trong sáng của tiếng Việt, trừ “nhân cách hóa”, “vật cách hóa”. Như:
2794: Kim càng nghe nói càng dầu (héo) (rầu) như dưa;
607: Họ Chung có vị (kẻ) lại già
2886: Họ Đô có vị (kẻ) lại già thưa lên; Trân trọng!
646: “Vận (Dớp) nhà nhờ lượng người thương dám nài” và
898: “Vận (Dớp) nhà đến nỗi giấn vào tôi ngươi”. “vận hạn” khác “dớp”.
877: “Tiếc (Hổ) sinh ra phận thơ đào”. Chỉ là “tiếc” không là “hổ” thẹn.
1064: Trông nàng chàng cũng ra tình đuổi đeo (đeo đai).
1054: Ầm ào (Ầm ầm) tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi. Sát với tiếng sóng!
1709: Buồm căng (cao) nèo thẳng đẩy thuyền (cánh suyền); chính xác hơn.
1728: Mắng (Diếc, Dức) rằng: “Những giống bơ thừa quen thân”.
1749: Khi trò chuyện (chè chén) khi thuốc thang. Hợp văn cảnh!
2000: “Nỗi ông vật vã nỗi bà (nàng) thở than”. “bà” thay “nàng” hợp văn cảnh. Vì “ông” đi với “bà” và hoa tì phải gọi Kiều là “bà” mới hợp. Chữ “bà” đã được dùng trong câu này, thì phải sửa câu
1995: “Hoa rằng: Người (Bà) đến đã lâu” để tránh lặp và tránh nhầm Hoạn Thư với Kiều.
2046: “Dạy đưa pháp bảo sang hầu sư danh (huynh) ”. Giác Duyên là sư nữ dùng chữ “huynh” là không hợp.
2062: Bóng hoa rợp đất ve (vẻ) ngân vang (ngang) trời. Tả “Cửa thiền vừa độ (tiết, cữ) cuối xuân” (câu 2061) vào ban ngày, trời nắng. Dùng “ve ngân” mới hợp với thực tế.
2530: “Bởi nghe lời thiếp ra (đến) cơ sự (hội) này”. Dùng “cơ sự” đúng, còn “cơ hội” thì có nghĩa phản.
2571: Ve kêu (ngâm) vượn khóc (hót) nào tày; Hợp văn cảnh!
2700: Dong (Đóng) thuyền chực bến kết chài giăng sông. TĐTV: “đóng”, “dóng”, “dong” thì “dong” hợp logic, hợp văn cảnh hơn cả.
2714: “Bõ (Mất) công mười mấy năm vừa (thừa) ở đây”. Hợp hơn.
2898: ”Bắt về Vô Tích toan đường vò (bẻ) hoa”;
Có khi phải thay từ, đảo ý, đảo vị trí từ cho rõ nghĩa và giữ âm luật. Như câu :2956: “Tiện đường cũng lại tìm nàng sau xưa”.
Nếu dịch cùng 2955 - 2957: “Được tin Kim mới rủ Vương”,
2956: “Tìm Kiều dò hỏi dọc đường nhân cơ”.
2957: “Hàng Châu đến đó bây giờ”, thuận âm luật, rõ và đẹp hơn.
Hoặc như câu 3072: Tình xưa nghĩa cũ phải dành có nơi (Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi);
1391: Quyết ngay: “Phải trọn một bề!” thay Quyết ngay biện bạch một bề(1, 2), Phải sao chịu tốt một bề(3).Đảo ý như thế đã tạo được sự liên kết logic về sau.
Tiếp, chặt chẽ, tránh lặp, tránh rườm … :Khi có thể, đã bỏ tên riêng, tên cụ thể để khỏi rườm và rối. Như:
275: Là nhà của một (Ngô Việt) thương gia;
1722: Chức quan trông rõ (Thiên quan trùng tế) có bài treo trên;
1924: Và còn (Xuân Thu) cắt sẵn hai tên hương trà;
Tránh lặp và trong sáng hơn. Như:2250: Đại (Lửa) binh đâu đã ầm ầm một phương;
2259:Lễ (Giáp) binh kéo đến quanh nhà. Vừa hợp văn cảnh, vừa tránh lặp “giáp binh” trong câu
2252: Đầy sông kinh ngạc chật đường giáp binh.
Và các thí dụ cụ thể như:174: Hải đường rủ (lã (1), lả (2), rã (3)) ngọn đồng lân; Ngọn Hải đường rủ (chờm) sang hàng xóm.
178: Đường gần rộn (Rộn đường gần) với nỗi xa bời bời. Đọc thuận hơn.
362: Kim (Chàng) về phòng sách (viện sách) Kiều (nàng) rời lầu trang;
496: “Họa dần dần bớt! Thế nào được không?” (Họa dần dần bớt chút nào được không?) Đây là Kiều “làm nũng”! Không phải Kim yêu cầu!
1096: Sự mình Kiều (Lạy rồi nàng) mới rỉ trao ân cần; “Lạy” lặp “chào”!
1101: Sở Khanh tủm tỉm (Lắng nghe lẩm nhẩm) gật đầu; Hợp cảnh!
1564: Nào ai còn dám hé răng nửa (nói năng một) lời! Hợp thành ngữ.
1606: Hoạn Thư thừa dịp lên (Xe hương nàng cũng thuận) đường quy ninh; Chỉ “thừa dịp”, không phải “thuận đường”.
1608: Nỗi chồng (chàng) ở bạc nỗi mình chịu đen. “Chồng” rõ và đẹp!
1789: Lần lần tháng đến (lọn, trọn, lụn) ngày qua.
1829: Hoạn Thư (Tiểu thư) trông mặt dò la (hỏi tra). “Hỏi tra”, không hợp với cách nói của Hoạn Thư!
1851: Kiều càng đau đớn tái tê, (Nàng đà tán hoán tê mê).
1867: Lòng riêng khấp khởi (tấp tểnh) mừng thầm. “Tấp tểnh”, sai nghĩa.
1940: Tưởng Thư thật dạ (Tiểu thư phải buổi) vấn an về nhà. Hoạn Thư lập mưu để dò mối quan hệ tình cảm của Thúc Sinh với Kiều. Vì thế đã dịch rõ “ý định” này của Hoạn Thư để tạo mối liên kết logic về sau. Câu 1941: Thúc Sinh mới vội (Thừa cơ sinh mới) lẻn ra.
2080: Ngồi chờ nước đến nhảy thường kịp chi (nên dường còn quê).
2088: Bạc bà cùng (học) với Tú bà đồng môn; Tránh lặp học với đồng môn.
2251: Oai phong khắp mọi nẻo đường, (Ngất trời sát khí mơ màng).
2301: Mấy người bạc ác (phụ bạc) xưa kia;
2347: “Gọi là một (Nghìn vàng gọi) chút lễ thường”. Hợp với người đi tu.
2929: “Xót nàng (thay) chiếc lá bơ vơ”,
Tránh lặp “xót” đã phải sửa câu2932: “Lênh đênh (Xót thân) chìm nổi đau lòng hợp tan”.
3158: “Yêu mà như thế (Yêu nhau thì lại) bằng mười phụ nhau!”.
5: Mỗi người thứ có thứ không (Lạ gì bỉ sắc tư phong); Giữ được hồn gốc.
6: Đời lại (Trời xanh) quen thói má hồng đánh ghen. Trời là Đấng phân xử công minh đâu có đánh ghen với người!
III - ĐÔI ĐIỀU SUY TƯ VỀ CÁC BẢN ĐỐI DẪN. 1 – Có bản câu 39 viết: “Tiết vừa con én đưa thoi”. Vậy, cứ tiết trời có én bay là mùa xuân? Như thế, ngoài mùa xuân ra thì én “đi bằng hai chân” để kiếm sống?
2 – Từ điển Truyện Kiều (ĐDA) viết: “Sè sè: Hình dung cái gì thấp sát đất”. Trong từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản tại Đà Nẵng năm 2005 viết: “Sè sè là vật thể hình khối thấp”.
Phải khẳng định: “Sè sè” là tượng thanh không phải là tượng hình. Đây là một sự lầm lẫn đáng tiếc.
Đọc chữ nôm, gần như đọc quốc ngữ viết tắt hoặc không dấu về âm sắc. Chữ nôm có khi còn đọc khác cả vần. Chẳng hạn, chữ “bì” (là da) câu 24 đọc là “bề” (So bề tài sắc lại là phần hơn) thì câu 39 lại đọc là “vừa” (Tiết vừa con én đưa thoi). Thì “sờ sờ” “sè sè” “se se” cũng vậy. Tin rằng, “se se” mới là lời của Nguyễn Du!
Như thế, câu 57-58 phải đọc là:
Se se nấm đất bên đàng,
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Vì đó là nấm mồ vừa mới đắp, đất hơi “se se”, cỏ chưa hồi phục hẳn, nên đang còn nửa vàng, nửa xanh.
3 – Các tài liệu đã dẫn viết các câu 77-78:Sắm sanh nếp tử xe châu,
Vùi nông (Bụi hồng (2, 3)) một nấm mặc dầu cỏ hoa.
Nếu hiểu “nếp tử” là quan tài bằng gỗ thị, thì ra Đạm Tiên chết thối không ai chôn? May mà có người khách viễn phương “vùi nông” cho? Trường hợp này, phải dùng chữ “tử” là “chết”. Đây không phải “quan tài bằng gỗ thị”, mà là cái lễ theo nếp (phong tục) giành cho người chết.
Câu 71: “Buồng không lặng ngắt như tờ”, đã đủ làm sáng tỏ! Vậy dịch:
Sắm sanh lễ mọn đội đầu,
Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa.
Và một số suy tư nhỏ như: 1 – Kiều giữ kỷ vật của Kim Trọng là “Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông” (câu 318) và Kim Trọng giữ kỷ vật của Thúy Kiều là “Với kim thoa ấy tức thì đổi trao” (câu 358). Thế mà, có bản đã viết câu 735: “Chiếc thoa với bức tờ bồi ở đây”. Nên viết rõ “xuyến vàng” để thay cho “chiếc vành”: “Xuyến vàng với bức tờ bồi ở đây”.
2 – Trong các câu 87-88: “Sống làm vợ khắp người ta”, “Hại thay (khéo thay) thác xuống làm ma không chồng”. Thì cách viết: “Sống làm vợ khắp người ta”, “Mà nay thác xuống là ma không chồng” chẳng trong sáng hơn?
3 – Các câu 2637-2638 các bản viết: “Thổ quan theo vớt vội vàng”, “Thì đã đắm ngọc chìm hương mất rồi”, thì có bản lại viết câu 2638: “Thì đà đắm ngọc chìm hương cho rồi”.
4 – Các câu 1561-1562 : “Vội vàng xuống lệnh ra uy”, “Đứa thì tát mặt đứa thì vả răng (vả vào mồm)”. Thế mà có bản viết “Đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng”. Hoạn Thư ác thế sao? Chữ “bì” đọc là “vừa”, thì “vả” hợp.
5 – Câu 2140: “Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người”. Liệu từ “thịt” ở đây có nên dùng?
6 – Câu 458: “Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng”. TĐTK - ĐDA viết: “Lần khân: Đòi hỏi nhiều”. Có bản lại giải thích: “Lần khân: Cợt nhả thân mật quá hóa nhờn…”. Trong Từ điển Tiếng Việt viết: “Lần khân: Kéo dài thời gian để dây dưa” (phù hợp TVHĐ). Tôi đành “bạo gan” dịch theo ý hiểu của mình: “Còn e vội vã ra sàm sỡ chăng”.
7 – Câu 964, tài liệu (1) viết: “Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi”. “Min” là “ta”, ngôi thứ nhất (cổ), thì phải thay vào từ “chồng” là từ “của” mới đúng, mới hợp. “Thôi đã cướp sống của min (ta) đi rồi!”
Cuối cùng, là đôi điều suy tư về bản đối dẫn của Nguyễn Khắc Bảo. (Tài liệu 3)
Mong muốn của Tác giả: “Văn bản hướng tới phục nguyên”. Nhưng thực tế, Tác giả đã có việc làm tác dụng ngược.
Câu 1919: “Đưa “chàng” (Kiều) đến trước phật đường”, là phục nguyên?
Tài liệu 3 (NKB), trong chú thích có liên quan đến 507 câu. Riêng của NKB có 439 câu sai khác với các bản đối dẫn (439/3254 = 13,49%). Như:
121: “Ào ào gió lốc rung cây”;
140: “Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời”.
207: “Xem thơ thắc thẻm khen thầm”, “thắc thẻm” TV không dùng.
503: “Vĩ chi một đóa yếu đào”. “Vĩ”, không hợp.
550: “Chưa vui xum họp đã sầu chia bôi”. “bôi” không hợp TĐTV.
792: “Nhị đào đã bẻ cho người tình chung”.
1132: “Vuốt đâu dưới đất cánh đâu trên trời”.
1509: “Đôi ta chút nghĩa bèo bồng”. “Bèo bồng” TĐTV không có!
1919: “Đưa chàng đến trước phật đường”. Chàng nào?!
Tài liệu (1, 2), câu 3030: “Đứng trông chàng cũng trở sầu làm tươi” thì tài liệu (3) viết “Đứng trông nàng (?) đã trở sầu làm tươi”.
Tài liệu (1, 2), câu 1064: “Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai”, thì tài liệu (3) viết: “Trông chàng nàng cũng ra tình đeo đai”. Kiều tầm thường vậy sao mà phải mê chàng Sở Khanh? Câu 1063: “Bóng nga thấp thoáng trước mành” và tiếp các câu: 1065 - 1072 chẳng đã rõ Sở Khanh say đắm Kiều? Sự trái ngược (chàng nàng, nàng chàng) này, thì đâu là nguyên tác?
Nguyễn Khắc Bảo viết: “Câu chữ nào của Nguyễn Du, xin trả lại cho Nguyễn Du!” Vậy phải dựa vào đâu để xác định? Nếu có bản gốc thì mới “trả lại” được chữ. Còn lời phải “đoán đọc” thì làm thế nào? Như câu 57, “chờ chờ” “trờ trờ”, “sờ sờ”, “sè sè”, “se se” thì đâu là lời của Nguyễn Du?
Việc thất lạc bản Kiều gốc, như bức tranh vẽ rồng khúc hiện khúc ẩn trong mây. Khúc hiện, không bàn! Khúc ẩn, phải “vẽ” (dịch) đó vẫn là “rồng”, không là “rắn”!
Điều đó, hoàn toàn phụ thuộc vào sự tài giỏi của người dịch! Ngay khi dịch ra quốc ngữ, theo bản gốc, liệu đã dịch đúng “lời” của Nguyễn Du? Như “chờ chờ”, “trờ trờ”, “sờ sờ”, “sè sè”, “se se” đã nêu.
Bởi vậy, không vì “phục nguyên” mà “vội” theo bản “cổ” sai, bỏ qua bản “kim” đúng, theo cái “nhiều”dở, bỏ qua cái “ít” hay; hoặc “chữ gốc” còn, “lời gốc” mất!
Khi dịch Truyện Kiều từ bản nôm ra quốc ngữ, thì “lời” phải phù hợp với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng. Dịch sao cho Nguyễn Du chấp nhận và số đông chấp nhận là được. “Rồng”, phải là “rồng”! Không vì một “cớ” nào mà biến “rồng” thành “rắn”!
Trong tiếng Việt hiện đại, chỉ cần nắm được “hồn gốc” (không giống hoàn toàn “lời gốc”) của Truyện Kiều! Đọc hiểu ngay và hay là đủ!
Chỉ có trên quan điểm ấy mới giải tỏa được nỗi trăn trở, băn khoăn, day dứt của Nguyễn Du đã nêu trên. Đó là định hướng, là mục tiêu!
Bản khảo dịch này, là một sự mở đầu của cuộc “cách mạng” dịch Truyện Kiều sang tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng. Hy vọng, sẽ là cơ sở ban đầu cho các thế hệ kế tiếp hoàn thiện việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Việt hiện đại. Trước mắt, dịch ra tiếng nước ngoài cũng sẽ thuận lợi hơn.
Trên đây tôi cũng đã mạnh dạn bày tỏ một số suy tư của mình. Mong bạn đọc lưu tâm tham góp!
Những gì đã bày tỏ trên, có liên quan đến 1376 câu, trên 3254 câu (42,29%). Trong đó, chính kiến của tôi khác với ba tài liệu đối dẫn (*), có liên quan đến 995 câu, trên 3254 câu (30,58%).
Là người mở lối, bản khảo dịch đầu tiên này, chắc chắn còn có nhiều thiếu sót! Nhưng với sự tham góp của mọi người, bản khảo dịch sẽ ngày một hoàn thiện.
Hy vọng, bản khảo dịch Truyện Kiều này, Nguyễn Du sống lại cũng phải thốt lên: “Hậu sinh khả úy!”
Nếu được như vậy, thì tôi cũng có được chút nghĩa “đèo bòng” với Nguyễn Du. Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng Một năm Ất Dậu, (03-01-1766, theo “Họ Nguyễn Tiên Điền” qua gia phả, sử sách và tư liệu điền dã do Phạm Quang Ái sưu tầm và biên soạn, xuất bản 2011). Còn tôi, cũng vào ngày 23 tháng Một năm Quí Dậu, (Khai 06-01-1934) đúng sau ngày sinh của Nguyễn Du trọn 14 Giáp, 168 năm, thì tôi cũng cất tiếng khóc chào đời!
Việc khảo dịch Truyện Kiều này là ngẫu nhiên hay là sự đưa đẩy của số phận? Dù thế nào, cùng với mọi người, tôi cũng đã góp được một phần nhỏ của mình trong việc giải tỏa nỗi trăn trở, băn khoăn, day dứt trên của Nguyễn Du.
Hữu dư tam bách niên dĩ hậu,
Thiên hạ văn đàn thịnh Tố Như.
Dịch:
Ba trăm năm hẳn có thừa,
Thế gian vẫn đọc say sưa Truyện Kiều.
Người khảo dịch: Kỹ sư cơ khí - Đỗ Minh Xuân