Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 01:29
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 19:40
7 chữ by Tinh Hoa Yesterday at 05:26
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Mon 30 Dec 2019, 09:47 | |
| Các điểm đặc biệt của tuyến cáp treo FansipanĐộ chênh cao hai nhà ga lớn nhất thế giớiCáp treo ba dây đầu tiên tại Việt NamCáp treo ba dây dài nhất tại thời điểm 2016Chiều dài toàn tuyến tính cả độ võng 6132,5m |
| | | buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Mon 30 Dec 2019, 09:49 | |
| LỜI TÒA SOẠN Từ đầu năm 2016, cáp treo Fansipan đã chính thức được vận hành, lần đầu tiên kết nối trực tiếp thị trấn Sapa với đỉnh trời cao nhất Đông Dương. Với tổng độ dài gần 7 cây số và độ chênh giữa điểm bắt đầu và kết thúc lên tới hơn một ngàn mét, vào thời điểm ra đời, đây được coi là công trình của những kỷ lục. Ngồi trên cabin, chạy thẳng vào những tầng mây, phóng tầm mắt nhìn xuống thung lũng Mường Hoa trải dài lúa vàng óng ả, hầu hết du khách không thể hình dung được hết tầm vóc đồ sộ và kỳ vĩ của tuyến cáp đặc biệt này. Thứ tầm vóc, vốn đã được gọi bằng cái tên “hoang đường” để định vị. Đó là bản hùng ca của những người công nhân xây dựng, trong hành trình chinh phục nóc nhà Đông Dương, với tinh thần hoà hợp cùng thiên nhiên. Câu chuyện về những thế hệ đầu tiên góp phần dựng lên cáp treo Fansipan, ở một khía cạnh nào đó, còn là câu chuyện chiến thắng của sức người, của ý chí trước thiên nhiên khắc nghiệt trong hành trình chinh phục đầy khát vọng của mình. Nhằm tái hiện lại một phần hành trình thi công tuyến cáp treo Fansipan, công trình nêu bật niềm kiêu hãnh của người Việt, trong tháng 10 và 11/2018, nhóm phóng viên VietnamPlus đã cùng các công nhân, kỹ sư – những người đã trực tiếp thở trong hơi thở gấp gáp của 1.000 ngày "băng rừng", mở lối lần theo con đường mòn họ đã từng đi qua trước kia. Và câu chuyện bắt đầu mở ra, hoang hoải và kỳ vĩ như những cánh rừng Hoàng Liên rậm rạp. |
| | | buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Mon 30 Dec 2019, 09:50 | |
| FANSIPAN, trong tiếng bản địa có tên gọi khác Hủa Xi Pan, nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Với độ cao 3.143m, đây là ngọn núi cao nhất của cả 3 nước Đông Dương; đồng thời cũng là dãy núi có địa hình phức tạp vào bậc nhất của khu vực. Theo tư liệu từ Viện địa chất Việt Nam thì toàn bộ Fansipan là một khối đá hoa cương khổng lồ được đột khởi từ sâu trong lòng đất nhờ hoạt động kiến tạo địa chất đặc thù từ hơn 250 triệu năm về trước. Nhìn từ trên cao, toàn bộ đỉnh núi “anh cả” giống như một bàn tay bất thình lình với lên từ mặt rừng xanh thẳm, vươn mãi tới trời mây. Không ai biết chính xác: Người đầu tiên khai sơn, phá thạch tìm đường lên đỉnh trời là ai? Cũng không có tư liệu chính xác ghi nhận lại hành trình khi xưa để chạm tay tới nóc nhà Đông Dương gian nan và khó khăn đến mức độ nào. Những dấu vết bạc phếch của lịch sử đã bị lớp bụi thời gian hàng trăm năm phủ đầy. Điều duy nhất còn được chứng thực là mức độ… kinh hoàng của cung đường rừng cũ kỹ. Trong thư gửi Tô Hoài vào năm 1964, nhà văn Nguyễn Tuân đã viết: “Hoài. Mình leo Hoàng Liên Sơn cả lên cả xuống mất 5 ngày. Người đang mệt và đầu gối rất đau. Mình ở trên đỉnh cao nhất được thấy hoa Đỗ quyên nở rất đẹp…Trong đời mình, trong mọi mùa xuân, mình chưa bao giờ thấy mây và hoa nhiều đến thế. Lên đây lạnh, mưa gió như bão, túi luôn phải có chai rượu mạnh để chống khí núi…” Một năm sau ngày cụ Nguyễn đặt chân lên điểm cao 3.143m rồi quay về, đoàn công tác đầu tiên đo đạc, khảo sát để tiến hành lập bản đồ địa chất khu vực Hoàng Liên mới chính thức ra đời. Năm 1965, nhà địa chất E.P. Izokh trong nhóm chuyên gia Liên Xô tiếp tục vượt rừng, vượt khe lên Fan trong giấc mơ lần đầu bản đồ hóa, địa chất hóa ngọn Hủa Xi Pan huyền thoại. Dưới bàn chân của tiền nhân, đường rừng lên nóc nhà Đông Dương dần dần được mở lối. Thời gian lên đỉnh cũng rút ngắn dần, nhưng thứ xúc cảm được vượt lên tất cả, vượt qua cả chính mình để được đứng… trên nóc trời, nhìn xuống biển mây lô xô chạy vẫn như một loại rượu mạnh đã được ủ lâu năm, dễ nghiện, dễ say và dễ dàng… gây thương nhớ. Chính thứ men say ấy đã khiến hàng trăm, hàng nghìn người trong vài thập kỷ qua vẫn vai khoác balo, tay chống gậy vượt rừng, băng suối để một lần được “hít thở” sương khói trên đỉnh của nóc nhà Đông Dương. Blogger Vũ Ngọc Anh là một chàng trai đặc biệt. Sinh năm 1987, anh đã từng bị gãy xương đến 150 lần do căn bệnh xương thủy tinh. Trong tự truyện “Không thể vỡ” của mình, Ngọc Anh viết: “Cuộc đời tôi từ nhỏ luôn gắn liền với chiếc xe lăn, không thể nào thoải mái đến những nơi bản thân tôi muốn đi được, chỉ biết ngồi một chỗ, ai bế đi đâu thì đi…. Trong những suy nghĩ non dại nhất, tôi vẫn có thể tưởng tượng ra niềm vui nếu có thể đi bằng đôi chân một cách bình thường như bao người khác.” Bằng nghị lực phi thường và niềm đam mê cháy bỏng như thế, Ngọc Anh đã tự mình đi du lịch, khám phá các vùng đất mới bằng xe lăn và chính… đầu gối của mình. Thế nhưng, trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên và khí hậu của rừng Hoàng Liên Sơn, chàng trai xương thủy tinh ấy đã từng nghĩ mình sẽ không thể chinh phục được ngọn núi anh cả của 3 nước Đông Dương: “Vào năm 2010-2011, tôi và một người anh người mà sau này tôi luôn coi anh là anh ruột, có kế hoạch điên rồ là sẽ leo Fansipan bằng hai đầu gối, đi đường rừng. Tôi không đi theo kiểu 2 ngày 1 đêm, hay thuê người cõng cho nhanh. Nếu đi theo kế hoạch đó, tôi sẽ phải ở trong rừng nhiều ngày, đến khi tôi từ bỏ… (Trích Không thể vỡ). Kế hoạch cậu tự gọi là điên rồ ấy đã bị hoãn gần như vô thời hạn cho tới tận vài năm về sau. Fansipan khi đó là một thử thách quá lớn và rất khó để vượt qua với ngay cả những người tưởng chừng “không thể vỡ”. Ở cách xa Ngọc Anh 100km xuôi về phía Nam, bố mẹ tôi khi nhìn những bức hình về 2 ngày leo núi, ngủ rừng để lên điểm cao 3.143m của tôi gửi về lại khe khẽ thở dài. Hai cụ vốn là kỹ sư tham gia xây dựng Thủy điện Sông Đà từ những ngày đầu tiên vỡ đất, vỡ cát. Một quãng đời rất dài của họ đã gắn với cái công trình vốn được coi là kỳ vĩ bậc nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Khi về hưu, cả hai luôn muốn được một lần đặt chân lên những cột cờ Lũng Cú, đất mũi Cà Mau hay đỉnh Fansipan… như một cách để ôn lại tháng năm tuổi trẻ. Thế nhưng, tuổi già sầm sập kéo đến khiến cho giấc mơ lên đỉnh Fansipan của cả hai đóng sập lại. “Cha không đi được, thì con hãy đi thay,” bố tôi từng tự trào phúng và nhắn gửi riêng cho con trai như thế khi tôi bắt đầu mỗi chuyến đi của riêng mình.
Fansipan, ở thời điểm trước năm 2016 đã vừa gần mà lại vừa xa như thế! Tháng 2/2016, tuyến cáp treo 3 dây nối từ thị trấn Sapa lên đỉnh Fansipan chính thức được đưa vào vận hành, trực tiếp rút ngắn quãng đường chinh phục nóc nhà Đông Dương từ 2 ngày xuống còn 15 phút.
Trong đoàn khách đầu tiên được mời trải nghiệm cáp treo, chàng trai thủy tinh Vũ Ngọc Anh cũng có mặt. Sau đúng 6 năm, kế hoạch điên rồ và bất khả thi ngày nào mới có thể thành hiện thực một phần. Khi về hưu, cả hai luôn muốn được một lần đặt chân lên những cột cờ Lũng Cú, đất mũi Cà Mau hay đỉnh Fansipan… như một cách để ôn lại tháng năm tuổi trẻ. “Bắt đầu phải bỏ xe lăn lại phía sau để lên đỉnh, tôi phải qua khoảng hơn 600 bậc đá nữa. Những bậc đá đó không thấp và dễ đi như ở cực Bắc Lũng Cú, mà cao khoảng 20 cm, và sâu chỉ khoảng 15 cm. …Tôi đi từng bước, từng bước bằng hai đầu gối đã chai sạn từ lâu. Tôi nhớ ở cực Đông đã suýt nữa phải vào viện vì rách da, ở cực Bắc đau và mỏi rã rời sau khi lên tới nơi. Nhưng ở đây, nó hơn những thứ đó rất nhiều. Mỗi bước đi, cảm giác như có nghìn viên đá dăm hằn sâu vào đầu gối, đau rát qua lớp vải quần bò mà tôi nghĩ nó có thể bảo vệ mình. Mất khoảng hơn 1 tiếng để tôi bò lên đỉnh Fansipan với tiếng vỗ tay và hò hét của những du khách đi cùng. Họ chụp ảnh cùng, bắt tay chúc mừng, nhưng tôi không còn nhìn thấy gì nữa, tai ù đi và mắt nhòe cay.” Cáp treo vào thời điểm này, một phần giúp những số phận đặc biệt như Ngọc Anh chạm tay vào giấc mơ; nhưng mặt khác cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những phượt thủ từ khắp cả nước. Họ cho rằng, cáp 3 dây chính là hồi chuông khai tử cho những cung trekking xuyên qua rừng già và vực sâu. Thế nhưng, thực tế, tuyến đường phượt vẫn được duy trì song song với cáp treo. Những người có đủ sức khỏe, thời gian và cả… tiền bạc vẫn có thể thỏa mãn đam mê vượt qua chính mình bằng hành trình cũ ấy. Trên góc nhìn của một người không may mắn, Vũ Ngọc Anh nhắn nhủ: “Cáp treo khiến nhiều bạn nhớ nhung, tiếc nuối, bực tức, nhưng công trình này giúp những người không đủ điều kiện sức khỏe được đứng trên đỉnh Fansipan. Mình muốn nhắn gửi tới các phượt thủ, các bạn vẫn có những cung đường cũ để đi. Không phải cáp treo khiến đường rừng biến mất. Leo Fan là một thử thách, đừng đặt nặng là phải leo bao nhiêu mệt nhọc mới đến để chụp ảnh với cục inox rồi đi xuống, vì vẫn có câu nói "thành công là cả một quá trình chứ không phải kết quả". Những ngày này, khi đã ngồi trên cabin, chạy thẳng vào những tầng mây, phóng tầm mắt nhìn xuống thung lũng Mường Hoa trải dài lúa vàng óng ả, hầu hết du khách không thể hình dung được hết tầm vóc đồ sộ và kỳ vĩ của cả tuyến cáp. Thứ tầm vóc, vốn đã được gọi bằng cái tên “hoang đường” để định vị vì ngay cả những chuyên gia tư vấn nước ngoài lẫn người trong cuộc đều đã ít nhất một lần “nghi ngờ” về đích đến. Thứ tầm vóc ấy cũng đã được đánh đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt của những gã ăn núi, ngủ rừng, tắm băng ròng rã trong suốt gần 1.000 ngày đằng đẵng khi mà hàng chục nghìn tấn sắt thép, xi măng, thiết bị… đã được “cõng” lên núi trên những đôi vai trần. Để có thể dựng lên một công trình ấy, hàng nghìn người đã phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình trên từng thước đất. Có người thậm chí đã vĩnh viễn nằm lại bên chân cột trụ T2, trở thành một vị linh thần thiêng liêng trong lòng đồng nghiệp. Có kẻ may mắn hơn khi kịp thoát khỏi tay tử thần sau khi hưởng thứ đặc sản quái gở mang tên rắn lục của rừng Hoàng Liên… Câu chuyện về những thế hệ đầu tiên góp phần dựng lên cáp treo Fansipan, ở một khía cạnh nào đó, còn là câu chuyện chiến thắng của sức người, của ý chí trước thiên nhiên khắc nghiệt trong hành trình chinh phục đầy khát vọng của mình. |
| | | buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Mon 30 Dec 2019, 10:09 | |
| - Trích dẫn :
- * Theo chân những gã điên mở lối lên Fansipan
Hơn 6km đường cáp, độ chênh 1.410m, cáp 3 dây hiện đại nhất Châu Á… Những con số khô khan mang nặng tính “kiểm đếm” kỷ lục ấy thật ra không đủ để người ta hình dung hết về hành trình gian khổ của “những gã điên” đã làm nên công trình đồ sộ bậc nhất Sapa. Sau 2 năm vận hành, người còn ở, kẻ đã mải miết đi theo những công trình mới nhưng những ký ức về tháng ngày “vác bê tông, cõng cáp” bằng vai trần, tay trắng vẫn còn vẹn nguyên trên cung đường mở lối lên cổng trời năm xưa. Biết chúng tôi có ý định lần theo dấu con đường mở tuyến kéo cáp 5 năm về trước, Lục Thanh Chiến, một trong những gã đã “ăn nằm” cùng Fansipan từ những ngày đầu cảnh báo và “nắn gân”. Theo Chiến, từ sau năm 2016, khi cáp treo chính thức được vận hành, toàn bộ tuyến đường rừng trước kia được sử dụng để thi công đã hoàn toàn bị “đóng”. Không ai được đi vào khu vực này khi chưa xin phép kiểm lâm vì đây là tuyến đặc hữu sẽ chạy cắt từ bản Sín Chải xuyên qua khu vực nguyên sinh được bảo tồn nghiêm ngặt của rừng quốc gia Hoàng Liên. Bên cạnh đó, vì quá nguy hiểm nên đây cũng là cung núi mà dân du lịch, trekking không được đi nếu muốn chạm tay tới nóc nhà Đông Dương. Theo kế hoạch, hành trình chinh phục lại cung kéo cáp nửa thập niên trước sẽ do Chiến và 3 kỹ sư, công nhân “cựu binh” khác đã từng tham gia đặt những viên đá đầu tiên của công trình này dẫn đường. Trước giờ xuất phát, một lượng lớn nước uống đã tập kết và xếp đầy trong các balo và gùi đi rừng. Trong khi đoàn khách lo lắng, sợ… xanh mắt vì nghĩ tới đoạn núi phải leo và loay hoay tìm cách bịt kín… mọi chỗ hở vì sợ vắt cắn thì đội dẫn đường cười như được mùa, vẫn áo cộc, quần bò, xăng xái khoác lỉnh kỉnh hành lý. Má A Tông, người dân tộc Mông Sa Pả, cao tới gần một mét tám, lênh khênh cõng trên lưng chiếc balo bộ đội cũ sờn, tay cầm quắm phát cây rảo bước dẫn cả đoàn người tiến tới. Rời khỏi Sín Chải chừng nửa giờ, vượt qua thảm lúa đến mùa vàng rợp, cả đoàn mới thực sự “chạm” vào chân núi từ Dốc Đỏ. Đúng như cái tên của mình, toàn bộ con dốc đỏ quạch như máu. Đá núi đỏ, đất phía trên cũng ngả màu bazan. Do lâu không có người đi, bề mặt đá trơn tuột rêu. Nước từ trên cao đổ xuống khoét sâu thành rãnh ngay bên sườn như những vết thương lở lói còn chưa lành. Toàn bộ con dốc dựng đứng và rậm rạp cây rừng. Đến đây, tốc độ của cả đoàn bị khựng hẳn lại. Không có lối, chúng tôi phải lổm ngổm bò, tay cố bám chặt vào từng mấu đá bò ra, vừa leo, vừa hổn hển. Thi thoảng, đá từ phía người trước lăn lông lốc, lộp cộp rồi lọt thỏm xuống phía đoạn đường vừa vượt qua. Dốc càng ngày càng đứng thẳng, như lưng con ngựa bỗng giật mình chồm lên hí. Chỉ sau chừng 15 phút, cả đoàn đã không thể đi hay bò lên một cách bình thường nữa. Do quá mệt, người leo đã phải ép sát thân mình vào mặt đá, hì hục gò lên từng bước. Áo ngoài, khăn đeo đầm đìa nước. Ngực như muốn vỡ tung ra vì thở gấp. Sau này, nhớ về con dốc “dữ dội” án ngữ ngay chặng đầu của hành trình, Hậu, chàng kiến trúc sư từ tận Quảng Nam ra làm việc từ những ngày đầu còn chưa hết bủn rủn: “Lúc lên đến giữa dốc Đỏ, mệt quá, lại tụt lại cuối cùng, em chỉ biết nằm khóc ngay lưng chừng. Không hiểu sao mình lại lựa chọn công việc này. Chân tay, người ngợm thì rã hết ra. Lúc ấy chỉ muốn bỏ về.” Bỏ về - Đấy cũng là lựa chọn của không ít người trong những ngày đầu tiên tìm đường, mở lối lên đỉnh trời Đông Dương. Ngay cả trong đoàn chúng tôi đi, 2 thành viên do không chịu nổi độ cao nên đã buộc lòng đầu hàng, quay lại trong tiếc nuối. Mất chừng hơn 45 phút, cả đoàn mới lục tục kéo chính mình vượt qua sơn ải đầu tiên. Nhìn mấy vị khách từ dưới xuôi lúc này mặt đã đỏ gay gắt, môi khô bợt và nứt nẻ, Má A Tông khẽ chau mày: “Đi với tốc độ này, chắc 3 tiếng không tới đích nổi.” Phía trước, cánh rừng nguyên sinh vẫn rậm rì, xanh thẳm và ngun ngút không thấy dấu lối mòn. (Còn tiếp) |
| | | buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Mon 30 Dec 2019, 18:45 | |
| - Trích dẫn :
- Đang ngồi đợi đoàn nghỉ chân, Trần Đình Luật, cậu kỹ sư điện trẻ măng bỗng vùng đứng dậy, chạy vội tới một góc, hí húi như phát hiện ra thứ gì đặc biệt. Gạt gạt lớp rêu đã bám dày như nhung trên một thân cây cằn, Luật reo lên: “Nhìn này, vết dao đi rừng ngày xưa em khắc vào cây để làm điểm bám trèo dốc vẫn còn nguyên đây này. Đã mấy năm rồi em mới đi lại đấy.”
Nói đoạn, Luật khoe vết chém vát vào thân cây gỗ tạo thành điểm mấu bám, vết chém sau gió mưa và thời gian đã xạm lại, xù xì thô nhám. Luật bảo: Sau chừng ấy năm, giờ cách dễ nhất để tìm dấu cung kéo cáp ngày nào là đi theo trí nhớ và… dấu khắc trên những thân cây già như thế này. “Từ đây lên trụ T2, cứ bám vết dao khắc đi là không bao giờ lạc. Chứ nếu nhìn cáp treo trên đầu mà tới là mệt có nhiều đoạn cáp còn treo qua vực sâu nữa,” vẫn chưa thôi hớn hở sau phát hiện “để đời” của mình, Luật cười tươi rói nói. Càng vào sâu trong lòng rừng, đường càng gập gềnh hơn. Dốc nối tiếp dốc. Cây giằng ngang mặt người. Nhưng những dấu vết của con đường cũ lại dần dần được phát lộ. Đó là những cây cầu tạm bắc qua thung, khe làm từ cây rừng đã bắt đầu mục ruỗng mà nếu không để ý, người đi sẽ thụt rơi xuống phía dưới hàng chục mét. Đó còn là chiếc thang thô sơ hết mức khi đội công nhân chỉ kịp khắc bước vào một thân gỗ cứng rồi dựng lên đoạn dốc không thể vượt qua. Sau 5 năm, những cầu, thang leo và tay vịn chắn bên vực ngày ấy giờ đang hồi sinh; từng chồi mới đua nhau mọc lên xanh mướt. Có những đoạn đường hoàn toàn biến mất. Vách đá dựng gần như thẳng đứng, chỉ còn sợi dây thừng mảnh mai vắt xuống từ năm nào. Người đu bám phải lựa lực vì không thể biết sợi dây ấy đã bị thời gian và mưa gió mài mòn tới mức độ nào. Mắt thấy, tay sờ vào dấu vết ngày càng dày đặc khắp đường đi, nhóm dẫn đường – những gã trai đã đốt cháy của thanh xuân suốt gần 1.000 ngày dọc tuyến kéo cáp như vào mạch chuyện. Họ say sưa kể: Con đường này ngày xưa không có lối đâu, chính tay mấy anh em em vừa đi vừa phát cây leo đấy! Chỗ thang bắc qua suối này này, bọn em phải lấy đinh to, đóng cầu rồi gác sang hai bên, chứ không tới mùa lũ, xuống suối mà đi là bị cuốn mất ngay. Trong thoáng chốc, câu chuyện về những dấu vết nhạt mờ như kéo họ trở lại thời điểm khi tuyến cáp vẫn chưa được định hình 5 năm về trước. Nỗi phấn khích của người cũ gặp cảnh xưa lan sang người bên cạnh, khiến cái mệt bỗng nhẹ bẫng, lẫn loãng vào sương mù đang mỗi lúc một dày thêm. Càng lên tới gần trụ T2, đường càng khó đi hơn. Những nương thảo quả cao kín đầu người đã bị bỏ lại phía sau. Trước mắt, chỉ còn dốc và dốc nối tiếp. Lúc này, Lục Thanh Chiến, gã “cựu binh” của nhóm dẫn đường được cắt tụt lại phía sau chốt đoàn, tránh cho người bị bỏ lại do quá mệt. Hai bên, rừng đã chuyển từ những tán thấp sang thể nguyên sinh với những gốc thẳng đứng, đôi khi che kín ánh sáng mặt trời. Thi thoảngngười leo núi còn nghe thấy đàn khỉ chí chóe giành ăn đâu đó trên những tán cây rậm rì. Chiến cười cười bảo: 5 năm trước, khi chưa mở được lối vào rừng, các kỹ sư và chuyên gia nước ngoài nghe tiếng khỉ, tiếng chim cũng mắt tròn, mắt dẹt lắm. Rừng Hoàng Liên bắt đầu từ đoạn này hắt lên đến T3, T4 ở độ cao trên 2.000m thời điểm đó đầy thú, trong đó, thứ “đặc sản” mà mọi người ngán ngại nhất là rắn lục đuôi đỏ. Tâm, cựu công nhân kéo cáp có mặt trong chuyến đi gạt gạt mồ hôi đã đầm đìa trên mặt kể: “Gặp rắn trên đường khảo sát và mở tuyến là chuyện hầu như anh em ai cũng gặp. Như em, hồi đi kéo cáp công vụ, tự nhiên thấy tiếng bục bục. Cúi xuống thì thấy con rắn lục đang mổ tới tấp vào ủng chân của mình. Có người đang nằm ngủ, rắn trườn qua người. Mấy anh em sợ quá, chỉ kịp hất tung ra rồi cuống cuồng bỏ chạy.” Những người “cựu binh” từng ăn rừng, ngủ núi trên dọc tuyến cáp còn gửi cho nhau hình ảnh một thân cây kín đặc loài rắn xanh. Hàng chục con uốn éo, cuộn chặt nhau nhung nhúc trên cành trong mùa giao phối. Lại có chuyện, cậu bảo vệ trẻ được giao nhiệm vụ canh gác trụ T3, ngay trong những ngày đầu tiên làm việc đã tá hỏa bỏ chạy ra khỏi nhà vệ sinh vì thấy rắn “mắc võng” ngay bên cạnh. Có những người tưởng chừng như vĩnh viễn phải nằm lại giữa đại ngàn chính vì thứ đặc sản tai quái này. Thế nên, toàn bộ hệ thống các nhà ở, nhà canh gác của các công nhân, cán bộ gần các trụ T sau này đều được che chắn rất kỹ, đảm bảo không có khe hở cho loài bò sát đặc hữu của Hoàng Liên bò vào tìm hơi ấm. Một nỗi sợ hãi khác nữa đối với người đi rừng Hoàng Liên là vắt. Những ngày mưa ẩm, vắt bò lổm ngổm ven đường. Vắt nhảy choi choi khi phát hiện bước chân rảo tới. Vắt mút chặt, no căng máu ngay trên thân người. Thậm chí, ngay cả khi đã sử dụng thuốc chống côn trùng, dầu gió bôi quanh chân, nhưng trong đoàn vẫn có người không thể thoát được loài đỉa núi. “Cực nhất là những ngày mưa, trời vừa lạnh, đường lại trơn. Bọn em đi, bò, lăn, leo đủ cả mà lại còn phải ‘canh’ vắt. Về sau, đi rừng nhiều, mỗi đoạn dừng chân cả nhóm mới kiểm tra và bắt vắt một thể cho đỡ… mất công,” Luật cười híp mắt trào phúng. 6 giờ chiều. Rừng âm u và tối sập. Đã hơn 5 tiếng từ khi hành trình bắt đầu. Cả đoàn vẫn ngồi thở dốc trên một vạt đá vôi bằng phẳng nhô ra mỏm vực. Trăng ngày rằm sáng rõ trên đỉnh đầu, soi sáng những cabin cáp ro ro chạy không ngừng nghỉ. Đích đến vẫn xa ngái. Hành lý lúc này hầu hết đã được chuyển lại cho nhóm dẫn đường. Đoàn leo núi từ miền xuôi lên hổn hển thở dốc, mặt đỏ gay nhìn về thị trấn Sapa phía xa xa đang lấp lóe sáng đèn. Do không còn dấu đường mòn, Má A Tông được giao nhiệm vụ đi dò lối đi tiếp. Sau chừng 10 phút mất hút, A Tông quay lại, hồ hởi: “Trụ T2 ngay sau mỏm núi này rồi. Mọi người cố lên.” Hy vọng thấy đích đến khiến cho cả đoàn cố gắng đứng dậy, sấp ngửa bước theo bóng lưng mảnh khảnh, cao lêu đêu của hoa tiêu A Tông. Đường lên trụ chỉ là một vạt đất nhô ra chừng 40cm ven vách núi. Người đi vừa bám cây, vừa dò dẫm từng bước. Hơi rừng lạnh buốt và bóng tối loang lổ khiến cả đoàn rùng mình. Về sau, khi tiếp tục trải nghiệm đoạn dẫn tới nhà công vụ tại T3, T4, chúng tôi mới nhận ra: Đó hoàn toàn không thể được gọi là đường. Như để lên được nhà T3, nhân viên an ninh phải bám vào một sợi dây thừng buộc chặt vào gốc cây trên đỉnh dốc, vừa đu, vừa đạp đất để tới. T4 thì nằm lọt thỏm sau con dốc lởm chởm đá và chằng chịt trúc lùn, đỗ quyên và dẻ rừng cổ thụ. (Còn tiếp) |
| | | buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Mon 30 Dec 2019, 18:48 | |
| - Trích dẫn :
- Đó đích thị là những ốc đảo giữa núi khi không có đường lên và xuống. “Vì tuyến đường này quá khó khăn, nên nhân viên an ninh khi lên trạm canh gác các trụ T sẽ được vận chuyển bằng cabin cáp công vụ. Việc mất dấu, mất lối như thế này là khó tránh được,” anh Chiến ái ngại giải thích.
Mất thêm nửa giờ vừa đi vừa dò dẫm, nhà T2 mới lấp lóe đèn trước mắt. Kiến trúc chung của tất cả 4 nhà công vụ canh gác T giữa rừng Hoàng Liên đều giống nhau, bao gồm khung thép và tường ép. Một tổ 2 nhân viên bảo vệ sẽ thay phiên nhau làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các cột trụ, vốn được coi là xương sống của cả tuyến cáp treo dài gần 7km lên nóc nhà Đông Dương. Ngày ngày, ngoài giờ làm việc, họ ngồi trước hiên nhà, hướng về phía những cabin sáng đèn chạy qua chạy lại như một thứ niềm vui đạm bạc giữa rừng già… Hành trình chinh phục đủ 5 trụ T của toàn tuyến cáp treo Fansipan của chúng tôi buộc phải cắt đôi trong 2 tháng 9 và 10/2018 do giữa T3 và T4 là một vực sâu gần 100m. Để đảm bảo an toàn, sau khi chạm tới T3, cả đoàn đã phải quay về. Phải gần 1 tháng sau, khi đã hoàn hồn, chúng tôi mới quay lại và chinh phục nốt T5, T4 theo hướng từ đỉnh Fansipan đi xuống. Thế nhưng, trong những ngày đầu phá lối, mở đường kéo cáp… lên mây, những người thợ đã không có thời gian nhiều như thế. Họ mải miết đi, băng qua cả vực sâu hun hút đã ngăn bước chúng tôi. Để phần nào nói lên độ khốc liệt của cung kéo cáp năm nào, xin được nhắc tới một câu chuyện đau lòng mới chỉ xảy ra hơn 2 năm về trước. Tháng 6/2016, Aiden Shaw Webb, một vận động viên leo núi trẻ tuổi người Anh đã quyết tâm chinh phục đỉnh Fansipan bằng chính con đường chạy dưới chân cáp mà chúng tôi đã trải nghiệm. Mặc dù vậy, khe vực sâu giữa T3 và T4 đã trở thành định mệnh với Webb. Trong lúc cố vượt qua khe vực này, Webb đã vĩnh viễn nằm lại giữa rừng Hoàng Liên Sơn. Báo cáo về sau của Công an huyện Sapa kết luận: “Vị trí phát hiện xác nạn nhân trong một khe vực gần 2 thác nước nhỏ ở độ cao 2.500 m, gần trụ T4 cáp treo Fansipan Sa Pa.” Nói về tuyến kéo cáp qua núi 5 năm về trước, cho tới giờ, những người còn sót lại vẫn hay dùng từ “kinh hoàng” để chỉ mặt, đặt tên. Và họ cũng tự gọi mình là những gã điên rồ khi bất chấp tất cả để ăn gió, ngủ rừng, thở núi trên một tuyến hoàn toàn không có lối. Để đi tới, hàng trăm kỹ sư, công nhân, chuyên gia đã buộc phải vừa lầm lũi dò đường, vừa nín thở trước những tai họa có thể bất cứ lúc nào ập tới. Chỉ bằng đôi chân trần, họ đã tạo nên một tuyến đường huyết mạch, tạo cơ sở hình thành cáp treo kỳ vĩ hơn về sau này. (Còn tiếp) |
| | | buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Tue 31 Dec 2019, 06:59 | |
| - Trích dẫn :
- * Hơn 800 ngày đêm cõng sắt đá tới lưng trời
TÍNH MỘT CÁCH CHI LI, ĐỂ TUYẾN CÁP TREO 3 DÂY CHÍNH THỨC ĐƯỢC VẬN HÀNH, NHỮNG CHUYÊN GIA, KỸ SƯ VÀ CÔNG NHÂN ĐÃ CÓ HƠN 800 NGÀY ĐÊM LIÊN TỤC ĂN NGỦ VỚI NÚI RỪNG HOÀNG LIÊN. ĐÂY CŨNG LÀ KHOẢNG THỜI GIAN THỬ THÁCH Ý CHÍ VÀ SỨC BỀN GHÊ GỚM NHẤT KHI HẦU HẾT VIỆC VẬN CHUYỂN NGUYÊN VẬT LIỆU XÂY DỰNG, CÁC KẾT CẤU, LINH KIỆN THÉP… ĐỀU CHỈ ĐƯỢC THỰC HIỆN BẰNG SỨC NGƯỜI.
NHỮNG GIẤC NGỦ CHẬP CHỜN BÓNG TUYẾT
Cuối năm 2013, ngay sau khi giấy phép xây dựng cáp treo Fansipan có hiệu lực, hơn 300 cán bộ, công nhân từ thị trấn Sapa “nhận lệnh hành quân” theo tuyến đường bộ, “rải” đóng ở các độ cao dọc cho tới tận đỉnh núi. Cùng khoảng thời gian này, Nguyễn Xuân Hậu, chàng kiến trúc sư người Quảng Nam vừa trở về nước từ Australia. Chỉ ít lâu sau, Hậu ngược ra miền Bắc và trúng tuyển vị trí phiên dịch viên cho nhóm chuyên gia nước ngoài đang trực tiếp tham gia tư vấn thi công cáp treo. Theo chân 300 người “tiền nhiệm”, cậu trai Nam Trung Bộ cũng leo bộ vào Hoàng Liên và trở thành một nhân chứng sống xuyên suốt cho giai đoạn khốc liệt nhất trong toàn bộ quá trình hiện thực hóa giấc mơ kéo cáp qua lòng chảo Mường Hoa. Nhắc tới những ngày đầu tiên, Hậu khẽ nhăn trán: “Đường vào các điểm thi công khi ấy thực sự kinh hoàng. Cây cối thì rậm rạp. Dốc lại dựng đứng. Bản thân em chỉ đi tới dốc Đỏ là bị rớt lại, cứ nằm giữa lưng chừng mà khóc và chỉ muốn bỏ về.” Nhưng khó khăn không chỉ dừng lại ở đường đi hiểm trở. Chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi Hậu cùng đồng nghiệp vào núi, tuyết bất ngờ rơi trắng cả Sapa. Nhiệt độ trong rừng hạ sâu khiến ngay cả nước uống cũng đóng băng dày từ 1-2cm. Từ sườn Lai Châu, gió Ô Quy Hồ ràn rạt thổi khiến cái rét như cắt da cắt thịt trở nên căm căm hơn. Càng lên cao, tình hình càng trở nên xấu. Tuyết đóng dày khiến cho mặt đá trơn tuột, sẵn sàng vật ngã người đi phía trên. Những gã “người rừng” đã phải nếm trải mùa đông khắc nghiệt bậc nhất mà phải nửa thế kỷ mới có một lần của Tây Bắc. “Nhiều lúc, có cảm giác mình hít vào chỉ toàn là băng lỏng lạnh buốt,” Hậu nhớ lại. Như một “cơ duyên”, liên tiếp các năm sau đó, mưa tuyết liên tục rơi. Chỉ tính trong khoảng thời gian hơn 800 ngày thi công, đã có tới 5 lần Hậu và đồng nghiệp được ngủ cùng cảm giác hít toàn băng lỏng lạnh buốt. Thời tiết lạnh thường xuyên ở mức âm độ khiến cho mọi sinh hoạt trên dọc sống lưng Fansipan trở nên bất thường theo cách… bình thường nhất. Những người như Hậu quen dần với việc cả tuần cố thủ trong mấy lớp áo khoác dày sù sụ, chấp nhận quên luôn… cả thói quen tắm rửa hàng ngày. “Tắm làm sao nổi hả anh khi nước thì thiếu do suối, khe ở quá xa, mà trời thì cũng quá lạnh? Anh em công nhân đi gùi từng can nước về dùng dần, nhưng chưa kịp đổ ra thì toàn bộ bề mặt đã đông cứng. Sau này bắc được đường ống thì mọi người lại có thêm công việc là gõ ống cho tan băng để nước chảy về mỗi khi trời rét,” Hậu méo xệch khi nhớ lại trải nghiệm khó quên ngày nào. Thiếu nước khổ một thì thiếu ăn khổ mười. Trong suốt những tháng đầu tiên, toàn bộ thức ăn của cán bộ, công nhân làm việc trong núi đều được thuê dân địa phương gùi vào theo từng đợt. Gặp khi thời tiết xấu, phải mất mấy ngày, đồ tiếp tế mới tới nơi. Đến lúc mở ra, cá khô, thịt lợn đã chảy nước, bốc mùi không sử dụng được. Tâm, công nhân kéo cáp thuộc nhà thầu Lilama kể lại: Có đợt mưa lớn khiến cho hoạt động cung ứng bằng sức người tạm thời bị cắt đứt. Không điện, không thức ăn, cả đội chỉ còn nhõn vài gói mỳ tôm chia nhau cầm cự. Để có sức tiếp tục làm việc, anh em phải cắt cử nhau tỏa ra, hái rau rừng, thậm chí bắt cả… nòng nọc của ếch núi mà ăn. “Ngon lắm. Đặc sản của Fansipan đấy anh ạ,” Tâm cười xòa nhẹ bẫng. Chuyện ăn chín, uống sôi cũng trở thành khái niệm xa xỉ trên đỉnh trời trong những ngày giá rét. Nhiều lúc, dọn được mâm cơm ra, nhìn mọi thứ nguội ngắt, lạnh tanh, đám đàn ông hôi rình lại ngao ngán lắc đầu rồi cố động viên nhau ăn cho qua bữa. Ăn uống là thế, đến giấc ngủ của họ cũng không… bình thường. Nhà của những người như Tâm, Hậu và hàng trăm công nhân khác trong suốt những ngày đầu chỉ được dựng tạm bằng vài thân trúc uốn cong ghim chặt lên mặt đất. Bạt dứa phủ làm mái, lá cây trải thành giường. Cứ thế, sau ngày làm việc nặng nhọc, cả đám lại mặc nguyên áo quần chui vào bên trong để ngủ. Cực nhất là những ngày mưa tuyết. Gió Ô Quy Hồ sầm sập chạy từ sườn núi phía Lai Châu cuộn thẳng vào các điểm cao. Không hiếm gặp trường hợp, gió hất tung lều trại, chỉ còn trơ lại nhúm người rúm ró, cố gắng bám chặt vào bất cứ thứ gì quanh mình để không bị thổi bạt đi. Má A Tông, cậu trai người Mông bản xứ đến giờ vẫn còn rùng mình mỗi lần nhắc về chuyện ngủ trên đỉnh mùa gió chướng. Kèm theo gió còn có mưa đá và tuyết bất thường. Nó phá sập mái lều trúc, quăng ràn rạt vào người nằm phía dưới.Tông bảo: Về sau, khi lần đầu rời Fansipan về nhà, trong giấc mơ đêm, Tông vẫn chập chờn thấy tuyết, băng và gió lạnh… Sau này, trong hồi ức của mình, Trịnh Văn Hà, một trong những người đầu tiên tham gia mở tuyến xây dựng cáp treo Fansipan đã viết: “Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa rừng thực sự là ác mộng. Mười con người chen chúc trong cái lán ẩm thấp và mưa dột tong tong, nếu ngồi thì tất cả cùng ngồi, nếu nằm tất cả cùng nằm, tất nhiên không thể đứng, lại tự an ủi với nhau bằng những bài hát không đầu không cuối, những câu hỏi về gia đình, người thân mà chẳng thể có câu trả lời. Mưa dài ngày, thức ăn chưa kịp gùi lên, chúng tôi tự cải thiện bằng cách xuống suối bắt ếch. Hôm nào may mắn thì được con chuột rừng. Canh nòng nọc là món khoái khẩu của dân bản xứ, nhưng với chúng tôi là nỗi khiếp sợ. Nhắm mắt húp tý nước, cái mùi tanh tanh lờ lợ ám ảnh đến tận bây giờ”… |
| | | buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Wed 01 Jan 2020, 06:49 | |
| - Trích dẫn :
- Còng lưng cõng sắt đá lên… trời
Thời tiết khắc nghiệt và đỏng đảnh là thế, nhưng công việc thì vẫn cứ phải làm. Nhiệm vụ của nhóm tiên phong lúc này là phải san gạt mặt bằng, tạo nền móng để chuẩn bị đổ bê tông cốt thép cho 2 nhà ga đi, đến và 4 cột trụ về sau. Do các điểm được chọn để thi công đều nằm sâu trong rừng rậm, đường vào hết sức khó khăn; cộng thêm chủ trương không phá rừng từ phía chủ đầu tư nên mọi phương tiện vận chuyển đều phải đầu hàng vô điều kiện. Phương án khả thi nhất được đưa ra và phê duyệt: Dùng gùi để cõng sắt, đá cùng các vật dụng cần thiết khác vào 6 công trường trải dài từ độ cao 1.200m tới 3.143m. Nguyễn Xuân Hậu, chàng kiến trúc sư trẻ được đào tạo chính quy từ Australia trở về đã từng phải mắt tròn mắt dẹt khi nghe tới cách thức vận chuyển “như thời chiến” ấy. Hậu kể, ngay chính những chuyên gia nước ngoài cũng không có mấy niềm tin rằng việc huy động người “cõng đá” vào rừng sẽ đạt kết quả lạc quan. Nhưng bất chấp tất cả sự nghi ngại, ngày ngày, từng đoàn người vẫn gò mình gùi cát sỏi, xi măng đu đá, bám cây để vào điểm tập kết. Họ lầm lũi đi, cần mẫn như bầy kiến thợ tha mồi về tổ. Bằng cách thức ấy, trong suốt hơn 1 năm đầu tiên, hàng trăm tấn vật liệu đã có mặt tại 6 đại công trình. Thứ máy móc duy nhất có thể đưa vượt núi sau khi đã tháo rời ra thành từng bộ phận là các máy trộn bê tông cỡ nhỏ. “Ngày đầu tiên nhận việc, em được giao vác một bao xi măng từ chân núi lên điểm xây T3 [độ cao 1.800m-PV]. Lên đến nơi thì mình cũng kiệt sức,” Má A Tông ở ngay bên cạnh thật thà góp chuyện. Tập kết đủ vật liệu thì quá trình thi công mới được chính thức bắt đầu. Bằng đôi tay trần, những A Tông xoay trần ra đào, cuốc, san gạt tạo mặt bằng. Công việc bộn bề nhưng tiến độ hết sức ì ạch do thời tiết quá lạnh, cứ làm 15 - 20 phút lại phải chạy vào hơ tay cho bớt cóng rồi mới làm tiếp được. Lúc này, để đảm bảo công trình “chạy” kịp kế hoạch, vấn đề sống còn được đặt ra là cần phải nhanh chóng thiết lập tuyến cáp phụ để tăng tốc độ vận chuyển, đưa được thêm máy móc, thiết bị và vật tư vào cả 6 công trường, đặc biệt là đại công trường trên đỉnh dãy Hoàng Liên Sơn. Nhưng kéo cáp như thế nào và bằng phương tiện gì? Nhớ lại thời điểm này, ông Phan Tất Thắng (Phó Giám đốc Kỹ thuật – Công ty Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan Sapa) kể lại: “Tính tới khoảng tháng 7/2014, công việc vẫn chưa đảm bảo đúng tiến độ. Lúc này, sức người không thể đảm bảo thành công việc đào hố móng. Chúng tôi buộc phải làm một tuyến cáp công vụ với sức nâng 5 tấn nhằm mang modul lên để đổ bê tông. Tuy nhiên, các cấu kiện của tuyến cáp này cũng rất nặng nên nhà thầu một lần nữa lại chọn cách ‘vác thủ công’ lên dọc tuyến.” Là người thợ kéo hiếm hoi còn sót lại từ nhà thầu Lilama, Tâm lắc đầu nguầy nguậy khi được hỏi về những ngày ăn rừng, ở núi để rải cáp năm nào. “Gùi đá sỏi vào công trường cực thế nào thì bọn em đi dựng cáp công vụ còn khổ hơn nữa. Đầu tiên, anh em vẫn phải gùi, vác từng cấu kiện sắt thép, có thanh nặng tới hơn 100kg băng qua rừng. Các thanh này về sau sẽ được dựng thành trụ cho cả tuyến cáp bắc qua. Rồi khiêng máy tời, khuân dầu máy. Người ngợm lúc nào cũng sặc lên mùi mỡ.” Tới tháng 1/2015, thuần túy nhờ vào sức người, tuyến cáp công vụ (LCS) chính thức được vận hành, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của cả đại công trình trên núi Hoàng Liên. Máy phát điện công suất lớn, vật tư, vật liệu, thực phẩm, thiết bị kết nối đường truyền internet... được chuyển lên. Sau nhiều tháng sống trong lều bạt mong manh trên đỉnh Fansipan lộng gió, hàng ngàn công nhân đã chính thức được sống trong các nhà làm từ vật liệu nhẹ. Máy bơm nước được đưa vào sử dụng. Ở trên đỉnh cao nhất, hàng chục tấn bê tông, cốt thép, cốp pha… lũ lượt theo từng chuyến cáp tập kết. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, một mặt sàn với khối lượng gần 3.000m3 bê tông đã được định hình. LCS trở thành một tuyến huyết mạch, quyết định tới 50% thành công của cả dự án. Nhưng ngay cả khi LCS đã ra đời, những công nhân đỉnh Fansipan vẫn chưa bao giờ rời bỏ được vai “kiến thợ” của mình. Lần lượt, trong các tháng tiếp theo, họ vẫn còn tiếp tục còng lưng trong hành trình kéo điện lên nóc nhà Đông Dương; hành trình vác đá lát lên đỉnh trời. Chỉ tính riêng giai đoạn thi công khu ga đến, hàng trăm công nhân đã xoay trần, đánh vật với hơn 4.200 viên đá nguyên khối, mỗi khối 300kg. Cứ 20 người sẽ khiêng một trụ mà hoàn toàn không có máy móc nào trợ lực. Theo ông Phan Tất Thắng, để thi công các cột trụ và 2 ga đi-đến, có thời điểm hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư và công nhân được đồng thời huy động. Trung bình mỗi công trường có khoảng 250 người thường xuyên ngủ rừng, bám núi để làm việc. Lớp lớp những con người ấy, trong suốt hơn 800 ngày dựng cáp đã dùng chính đôi tay và bờ vai của mình để tạo nên những kỷ lục lặng thầm không chính thức. Nhìn họ, chúng tôi chợt nghĩ: Hình như dưới mỗi một mét đường dọc theo tuyến cáp hôm nay đều có ẩn giấu một phần máu, mồ hôi rơi ra từ đội quân kiến thợ ngày nào./. |
| | | buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Thu 02 Jan 2020, 07:26 | |
| - Trích dẫn :
- * Kì tích kéo điện lên nóc nhà Đông Dương
Suốt trong quá trình thi công cáp treo Fansipan, một trong những bài toán khó nhất cần phải giải quyết chính là tạo nguồn cung cấp điện ổn định và lâu dài để phục vụ nhu cầu xây dựng trước mắt cũng như việc vận hành về sau. Để giải nan đề đó, từ ngày 6/11/2015, một tổ nhóm đặc biệt đã được thành lập và nhận nhiệm vụ kéo đường dây 35kV lên nóc nhà Đông Dương. Lúc ấy, ngay cả những người trong cuộc cũng không dám tin tưởng mình sẽ thành công. Hành trình đưa ánh sáng bóng đèn lên điểm cao 3143m, với họ, giống như một thứ kỳ tích hoang đường, khó tin nhưng có thật.
Hoang đường và bất khả thi Mùa đông năm 2015. Gió Ô Quy Hồ vun vút quật từ Lai Châu, thốc thẳng vào sườn Hoàng Liên bên phía Sapa khiến cho Trần Đình Luật rùng mình. Hổn hển nằm thở trên tảng đá lạnh ngắt phủ đầy rêu, cậu kỹ sư điện trẻ thẫn thờ nhìn lên phía đường núi hun hút sâu trước mặt lẩm nhẩm: “Bao giờ mới tới nơi? Bao giờ mới tới cột? Kéo điện mà khổ như này thì sao mà làm được.” Đó cũng là lần đầu tiên, Luật theo chân đồng nghiệp leo lên đỉnh Fansipan khảo sát trụ để chuẩn bị kéo đường dây 35kV. Và gần như ngay lập tức, Luật bị rớt lại do không đủ sức đi kịp cả đoàn. Vào thời điểm đó, câu hỏi: Bằng cách nào để đưa được điện lên đỉnh Fan là một thách thức lớn ngay cả đối với những người lạc quan nhất. Hơn 10km đường dây sẽ chạy như thế nào trên một địa hình toàn núi cao, vực sâu và um tùm đại thụ? Các cột, trụ sẽ được đổ móng và dựng lên ra sao khi không thể đưa bất kỳ thứ máy móc, phương tiện hiện đại nào vào lõi rừng sâu? Một ngày sau khi lên tuyến, Trần Đình Luật đã xin về để… viết đơn xin nghỉ việc. “Lúc đó, thực sự em cảm thấy nản ghê gớm và nghĩ chuyện đưa điện lên tận điểm cao 3.143m là quá hoang đường,” Luật thành thật. Nhưng lá đơn của Luật không được duyệt. Cậu được động viên ở lại để cùng “bắt tay làm được điều gì đó… điên rồ mà ý nghĩa cho quê hương” như cách cánh thợ vẫn thường trào phúng. Luật lại lên núi, băng rừng trong cảm giác mông lung khi chưa thể hình dung ra nổi hình hài của tuyến dây 35kV sẽ vắt ngược lên nóc nhà Đông Dương. Để có thể xây dựng 33 trụ điện chạy dọc từ Trạm Tôn tới nóc nhà Đông Dương, trong vài tháng tiếp theo, hơn 300 công nhân được huy động, mang theo xà beng, cuốc, xẻng thô sơ vào rừng. Cùng thời điểm đó, vật liệu đủ loại cũng đã tập kết đầy phía chân núi. Hàng trăm lượt người Mông, Dao, Thái… bản địa được thuê cùng đội thi công “cõng” sắt đá tới các địa điểm được định sẵn. Ngày ngày, bất chấp mưa rừng, tuyết trắng, từng đoàn người cứ lầm lũi, gù lưng địu cát sỏi… nối đuôi đi về phía cổng trời. Chỉ bằng cách thức không thể thô sơ hơn như thế, tổng cộng hơn 15.000 tấn vật liệu đã băng qua rừng sâu, vực thẳm để có mặt tại vị trí dựng cột. Vận chuyển đã khó khăn, việc thi công lại càng gian nan gấp bội phần. Toàn bộ các khâu tạo mặt bằng, đào hố móng, đổ bê tông… đều chỉ thực hiện bằng tay trần. Bên cạnh đó, do thời điểm tiến hành dựng cột lại vào mùa khô nên nước cực kỳ khan hiếm. Anh em công nhân buộc phải đi sâu hơn vào trong lõi rừng, tìm kiếm khe suối, hứng từng can nước về để đổ bê tông và sinh hoạt. Tính tới đầu tháng 11/2015, hàng ngàn tấn bê tông đã được đổ, tạo nên 33 cột điện ngạo nghễ giữa đại ngàn, thách thức sự khốc liệt của Hoàng Liên. Phải đến tận lúc này, những gã thợ của rừng Fansipan mới dám tin vào sự thành công của con đường ánh sáng trong một ngày không xa xôi. “Nhìn thấy cột, mọi người mừng lắm. Anh em ôm chầm lấy nhau, bất chấp tay chân, mặt mũi đang đầy bụi bặm,” Nguyễn Văn Bình, kỹ sư giám sát xây dựng hồi tưởng lại. Mặc dù vậy, thách thức vẫn chưa dừng lại. Có trụ rồi thì lại phải tính toán đến phương án kéo dây vào núi. Một chuỗi ngày vất vả lại tiếp tục trải dài cho những chàng trai trẻ như Trần Đình Luật… |
| | | buixuanphuong09
Tổng số bài gửi : 37480 Age : 86 Registration date : 28/02/2012
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC Fri 03 Jan 2020, 08:35 | |
| - Trích dẫn :
- Những gã thợ điện… tarzan
Trong tiếng địa phương, Fansipan còn có một tên gọi khác là Hủa Xi Pan, nghĩa là Phiến đá cổ khổng lồ chênh vênh. Cũng chính vì quá chênh vênh nên việc dẫn dây điện băng qua Hủa Xi Pan luôn khiến những người “thực thi” phải đau đầu. Yêu cầu khi đó là phải kéo dây đi nhưng không được chặt phá cây rừng. Điều ấy đồng nghĩa với việc chúng em sẽ không thể đưa xe kéo hay bất kỳ loại máy móc nào vào để hỗ trợ việc dẫn dây. Tất cả một lần nữa lại được làm thuần túy bằng sức người. Các công nhân sẽ phải cuốc bộ, rải dây qua 16km đường rừng xuyên suốt từ Trạm Tôn cho tới đỉnh. “Về cơ bản,ban đầu cánh thợ chúng em sẽ rải những sợi thừng có đường kính 8mm loại nhẹ dọc từ cột này sang cột khác để làm dây mồi. Sau khi đã căng được lên trụ thì mới đưa dây 35kV lớn hơn buộc vào để kéo lên cho nhẹ. Đối với các trụ ở gần, địa hình ‘dễ chịu’ thì không sao. Nhưng nếu ngăn cách ở giữa là vực thì thực sự là khốn đốn,” Luật nheo trán nói. Điển hình như các cột số 14 và 15 cách nhau 589m thì toàn bộ 589m này toàn là vực sâu tới hơn 100m. Nhìn vách núi dựng đứng và mù sương, ai cũng phải ngao ngán lắc đầu. Lúc này, một loạt phương án được nhà thầu đưa ra: Từ việc dùng khinh khí cầu để rải dây, tới việc buộc dây mồi vào nỏ rồi… bắn từ cột này sang cột kia để “bắc cầu”. Nhưng, tất cả đều thất bại. Gió Hoàng Liên luẩn quẩn, dữ dội không cho phép khí cầu cất cánh và cũng sẵn sàng đánh bạt khi mũi tên vừa rời khỏi ná. “Chỉ còn cách đu xuống dưới vực thôi. Nếu không toàn bộ công sức sẽ đổ sông, đổ bể cả,” Luật vẫn nhớ như in thời khắc quyết định được cả đội đưa ra. Dây bảo hộ lúc này được thả dọc từ trên miệng vực tới đáy. Những gã thợ điện, thân đeo đai an toàn, tay bám dây bắt đầu đu mình từ từ tụt xuống cả trăm mét mù mịt mây phía dưới. Lạnh và sợ. Đấy là những cảm giác mà cho tới tận hơn 2 năm sau Trần Đình Luật vẫn nhớ như in khi buộc phải biến mình thành tarzan những ngày tháng ấy. Cậu trai trẻ hiền khô khàn khàn bảo: Ban đầu, tuyệt nhiên cậu không dám làm. Chỉ tới khi vài đồng nghiệp… thành công, cậu mới đủ can đảm để bám dây xuống đáy. Gió vẫn sầm sập thổi. Hai tay Luật tê dần. Mắt cậu dán chặt lên phía trên, nơi bóng người càng ngày càng bé lại. Dù lạnh đến tê người nhưng mồ hôi vẫn túa ra như tắm. Chỉ tới lúc, bàn chân chạm vào lớp lá mục dày cộp phía dưới, Luật mới thở phào. Đây cũng là khe vực đã tiêu tốn của cả đội nhiều thời gian nhất khi phải mất gần 1 tháng ròng, hơn 600m dây mới được “vắt qua” giữa hai cột trụ. Đúng ngày 2/9/2015, sau gần 1 năm vật lộn với đại ngàn, “ tổ đặc nhiệm” được đón ánh sáng đầu tiên trên nóc nhà Đông Dương khi dòng điện chính thức đóng. Ở trên độ cao hơn 3 ngàn mét, dưới thứ ánh sáng mà những Tarzan rừng Hoàng Liên tự gọi là rực rỡ nhất đời, hàng chục gã đàn ông ôm chầm lấy nhau, hò hét, hát ca đến… chảy nước mắt. Điện lên rồi. Thành công rồi. Cuối cùng thì một trong những hành trình hoang đường, bất khả thi và điên rồ nhất cũng đã có điểm đến. Ánh sáng điện đèn – thứ biểu tượng vĩnh cửu của văn minh cuối cùng đã được thắp trên nóc nhà Hủa Xi Pan… Không chỉ lập kỷ lục về đường điện “cao nhất” Việt Nam, tuyến 35kV còn được coi là “mạch máu” của toàn bộ việc xây dựng cáp treo Fansipan. Cũng bắt đầu từ đây, dự án chính thức bước vào giai đoạn tăng tốc và về đích… |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: GIẤC MƠ HOANG ĐƯỜNG -> CÔNG TRÌNH KỶ LỤC | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 1 trong tổng số 2 trang | Chuyển đến trang : 1, 2 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |