HÀNH TRÌNH DIỆU VIỄN
Hành trình diệu viễn kiếp trần ai
Hệ phược (1) triền miên nghiệp chướng (2) tài
Thất túc tam đồ (3) thân nhận lãnh
Đương đầu bát khổ (4) phúc tàng mai
Công danh kiến tạo phù vân tản
Đạo pháp tu trì huệ trí khai
Triệt thấu ưu phiền oan trái tận
Bình tâm quả đức kết liên đài.
4/11/2015
Bảo Minh Trang
行程 妙遠
行 程 妙 遠 劫 塵 埃
繫 縛 纏 绵 業 障 栽
失 足 三 途 身 認 领
當 頭 八 苦 福 藏 埋
功 名 建 造 浮 雲 散
道 法 修 持 慧 智 開
徹 透 忧 煩 冤 債 盡
平 心 果 德 結 蓮 臺.
2015 年11 月4 日
寶 明 莊
GIẢI NGHĨA
Cuộc hành trình ở trần gian xa xôi thăm thẳm, nghiệp chướng do mình gieo tạo như những sợi dây trói buộc lấy mình, lỡ sa chân vào chốn tam đồ thì những thống khổ đó thân phải nhận lãnh, khi đương đầu với 8 cái khổ thì phúc cũng tự vùi chôn, công danh xây dựng rốt cuộc chỉ là làn mây tụ rồi tan, chỉ có đạo pháp tu trì mới con đường mở khai trí huệ. Khi đã thấu triệt nguồn gốc ưu phiền thì oan trái tự dứt, tâm đã bình quả đức tự kết thành đài sen giải thoát.
(1) Hệ phược
Saṃyojana (P), Bandhana (S), Fetters Kiết trược, Phược, Kiết sử; Kết, Thằng thúc1- Thắt buộc lại, dây trói buộc. Có 5 mối kết: tham kết, nhuế kết, mạn kết, tật kết, kiên kết. Dục giới có 5 mối kết gọi là Ngũ hạ phần kết. Cõi Sắc giới và Vô sắc giới có 5 mối kết gọi là Ngũ thượng phần kết. Có 9 mối kết trói buộc lòng người: ái, nhuế, mạn, si, nghi, kiến, thủ kiến, kiên, tật đố. 2- Dây trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi là ham muốn đeo níu trong sắc giới (ruparaga) và ham muốn đeo níu trong Vô sắc giới (aruparapa).
(2) Nghiệp chướng
業障; C: yèzhàng; J: gōshō; S: karma-āvarana.
1. »Chướng ngại của nghiệp«. Sự chướng ngại của nghiệp xấu ác; 2. Chướng ngại gây ra do kết quả của hành vi xấu ác.
(3) Tam Đồ
(三途・三塗): ba đường gồm hỏa đồ, đao đồ và huyết đồ, đồng nghĩa với Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh của Ba Đường Ác, do vì các nghiệp ác của thân, miệng và ý gây ra nên dẫn đến kết quả sanh vào ba đường này.
(1) Hỏa Đồ (tức đường Địa Ngục): do vì chúng sanh của cõi này thường chịu nỗi khổ bức bách, nóng bỏng của lò sôi, vạc cháy, hoặc do vì nơi ấy lửa tích tụ rất nhiều, nên có tên gọi là Hỏa Đồ.
(2) Đao Đồ (tức đường Ngạ Quỷ): do chúng sanh ở cõi này thường chịu cái khổ bức bách của đao gậy nên có tên gọi như vậy.
(3) Huyết Đồ (tức đường Súc Sanh): do chúng sanh ở cõi này tranh giành cấu xé lẫn nhau, người mạnh lấn áp kẻ yếu, uống máu ăn thịt nhau, nên có tên gọi như vậy.
Từ điển Phật Quang
(4) bát khổ
(八苦) I. Bát khổ. Tám khổ. Là tám thứ quả khổ mà chúng sinh vòng quanh trong sáu đường phải lãnh chịu, là nội dung chủ yếu của Khổ đế trong bốn đế. 1. Sinh khổ. Có năm thứ: a. Thụ thai, nghĩa là khi thần thức gá vào thai mẹ, ở trong bụng mẹ chật chội dơ bẩn. b. Chủng tử, nghĩa là khi thần thức được gá vào di thể (tinh trùng và trứng) của cha mẹ, hạt giống thức phải tùy thuộc hơi thở ra vào của người mẹ, không được tự tại. c. Tăng trưởng, nghĩa là ở trong bụng mẹ chín tháng mười ngày, nóng bức nung nấu, thân hình lớn dần, dưới ruột non trên ruột già, khoảng giữa chật hẹp như tù ngục. d. Xuất thai, nghĩa là khi mới sinh, có gió lạnh gió nóng thổi vào thân mình và quần áo cọ xát vào da mỏng mềm nhũn, đau rát như đâm như cắt. e. Chủng loại, nghĩa là về nhân phẩm có giàu sang, nghèo hèn, về tướng mạo thì có đầy đủ, khiếm khuyết, xinh đẹp, xấu xí v.v... 2. Lão khổ. Có hai thứ: a. Tăng trưởng, nghĩa là từ trẻ thơ đến trai tráng đến già cả, khí lực suy yếu, đi đứng không vững. b. Diệt hoại, nghĩa là thịnh đi suy đến, tinh thần hao mòn, mệnh sống qua mau, dần dần hoại diệt. 3. Bệnh khổ. Có hai thứ: a. Thân bệnh, nghĩa là khi bốn đại (bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió) mất thăng bằng thì tật bệnh phát sinh. Như khi đất mất thăng bằng thì thân nặng trĩu, gió không điểu hoà thì toàn thân tê cứng, nước mất thăng bằng thì thân thể phù thũng, lửa không điều hoà thì khắp mình nóng bức. b. Tâm bệnh, nghĩa là trong lòng khổ não, lo buồn thương đau. 4. Tử khổ. Có hai thứ: a. Thân tử, nghĩa là vì hết số nên đau ốm mà chết. b. Ngoại duyên tử, nghĩa là hoặc gặp duyên ác, hoặc gặp các tai nạn nước, lửa mà chết. 5. Ái biệt li khổ, nghĩa là những người thân yêu mà phải chia lìa, không được sống chung 6. Oán tắng hội khổ, nghĩa là những kẻ cừu thù oán ghét, mình muốn xa lánh mà không được, trái lại, cứ phải chung sống bên nhau. 7. Cầu bất đắc khổ, nghĩa là hết thảy sự vật trong thế gian, lòng mình ưa thích, mà cầu mong không được. 8. Ngũ ấm thịnh khổ, nghĩa là sắc, thụ, tưởng, hành, thức gọi là năm ấm. Âm, có nghĩa che lấp; tức năm ấm hay che lấp chân tính, không cho hiển lộ ra. Thịnh, có nghĩa thịnh vượng, dung chứa. Tức là tất cả các nỗi khổ của sinh, lão, bệnh, tử kể ở trên tụ tập lại, cho nên gọi là ngũ ấm thịnh khổ. [X. Trung a hàm Q.7; luận Đại tì bà sa Q.78; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.6]. II. Bát khổ. Luận Du già sư địa quyển 44 còn nêu ra tám nỗi khổ khác nhau như sau: khổ vì rét, khổ vì nóng, khổ vì đói, khổ vì khát, khổ vì mất tự do, khổ vì tự mình giày vò mình, khổ vì người khác ức hiếp, khổ vì phải sống dưới một loại quyền uy nào đó trong một thời gian dài.