Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Sự tích hoa dâm bụt Thu 18 Jan 2018, 09:20 | |
| Sự tích hoa dâm bụt
Có một loài hoa gắn liền với sự từ bi che chở của Phật , ngay cái tên của nó cũng đã gắn liền với sự hiền từ. Đó là loài hoa dâm bụt. Có một số người cho rằng loài hoa này vốn có tên gốc là hoa dâng bụt (hoa để dâng lên cho Bụt, tức Phật), về sau do đọc trại mà thành dâm bụt. Có lẽ không chính xác. Dâm bụt còn có nghĩa là Râm: che bóng, Bụt: Phật. Dâm Bụt hay râm bụt là cái lọng che Phật (vì hoa có hình dạng giống cái lọng).
Dâm bụt (vùng ven biển miền Bắc gọi râm bụt; phương ngữ miền Nam gọi là bông bụp, bông lồng đèn, còn có các tên gọi khác mộc cận, chu cận, đại hồng hoa, phù tang, phật tang) (danh pháp hai phần: Hibiscus rosa-sinensis), là loài cây bụi thường xanh thuộc họ Bông hoặc Cẩm quỳ (Malvaceae), có nguồn gốc Đông Á. Nó thường được trồng làm cây cảnh tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hoa lớn, màu đỏ sậm nhưng ít có hương. Nhiều giống, thứ, lai được tạo ra, với màu hoa khác nhau từ trắng tới vàng và cam, hồng, đỏ tươi, với cánh đơn hay cánh đôi.
Truyền thuyết kể rằng, ngày xửa ngày xưa hai chị em Nađi và Naban sống với nhau trong một ngôi làng nhỏ của một vùng quê thuộc nông thôn Ấn Độ. Naban bị liệt cả hai chân. Bố mẹ mất sớm nên hai chị em thương nhau lắm. Ngày ngày Nađi bày trò chơi với em. Naban rất thích nhìn chị chạy nhảy vui đùa và ước ao có đôi chân khỏe mạnh để chơi đùa với chị. Một ngày kia, Nađi quyết định rời khỏi làng đến miền đất của những ước mơ để xin các thần ban cho Naban đôi chân. Em đi mãi, đi mãi. Đôi chân bé bỏng phồng rộp cả lên. Nhưng nghĩ tới đôi chân bị liệt của Naban, Nađi lại cố gắng nén đau đi tiếp. Đói khát đã làm em kiệt sức. Em thiếp đi dưới một gốc cây bên đường.
Lúc tỉnh dậy, em thấy một cụ già râu tóc bạc phơ ngồi cạnh. Ông cụ mặc một chiếc áo đỏ rực như mặt trời sắp lặn sau dãy núi. Nađi kể câu chuyện của mình cho cụ già nghe. Nghe xong, ông cụ đặt một bàn tay lên đầu Nađi và nói: “Ông có thể chữa lành chân cho em cháu. Nhưng khi chân Naban khỏi bệnh thì chính đôi chân của cháu sẽ không còn đi lại được nữa”. Vì thương em, Nađi gật đầu chấp nhận. Chiếc áo đỏ đã biến thành chiếc dù biết bay đưa hai ông cháu về nhà.
Ông cụ chữa lành chân cho Naban. Cảm động trước tình cảm của hai chị em ông không nỡ lấy mất đôi chân khỏe mạnh của Nađi. Quá vui sướng, hai chị em ôm chầm lấy nhau và nhảy múa. Ông lão mỉm cười rồi biến mất chỉ để lại chỗ mình đứng một hàng cây mát xanh. Từ những kẽ lá xanh mướt nở ra những bông hoa năm cánh đỏ thắm. Mỗi bông hoa giống như một chiếc ô nhỏ. Hàng cây xòa cành che bóng mát cho hai em nô đùa.
Hoa Dâm bụt thường nở rộ vào khoảng tháng 5-7 hàng năm. Thế nhưng ở Nghệ An, những ngày Tết, nắng ấm xua tan những ngày đông giá lạnh, sắc hoa dâm bụt đã khoe sắc trong nắng.
Hoa dâm bụt ( tiếng Anh là hibiscus) là 1 loài hoa đặc biệt, nó không cao sang như hoa hồng, quyến rũ như hoa huệ, đài cát như hoa lan … nhưng nó có nét đẹp riêng độc đáo và có vị trí riêng của mình trong thiên nhiên .
Hoa dâm bụt là quốc hoa của Malaysia, với tên gọi Bunga Raya trong tiếng Mã Lai, Sembaruthitrong tiếng Tamil và mamdaram trong tiếng Telugu (మందారం). Năm 1958 bộ nông nghiệp Malaysia đã đề cử hoa dâm bụt cùng hoa hồng, hoa sen và nhiều hoa khác để tranh cử làm quốc hoa và cuối cùng ngày 28 tháng 7 năm 1960 chính phủ Malaysia đã chính thức công bố hoa dâm bụt là quốc hoa của Malaysia và được in trong tiền giấy cũng như tiền cắc của Mã lai.
Hoa dâm bụt cũng là quốc hoa không chính thức của Haiti.
Một giống hoa màu vàng có tên là Dâm Bụt của người Hawai đã trở thành hoa đại diện chính thức cho tiểu bang này vào năm 1988 dù đây không phải là loại hoa bản địa của Hawaii. Nó là hoa thứ hai chính thức đại diện cho tiểu bang Hawaii. Còn hoa đại diện đầu tiên lại là một bông hoa dâm bụt đỏ rất quen thuộc với người Hawaii.
Hoa dâm bụt có ý nghĩa gì ?
Ý nghĩa của dâm bụt tùy theo nền văn hóa của nơi nó được trồng, nhưng dâm bụt tượng trưng cho vài ý nghĩa thông thường sau.
Đây là một bông hoa rất nữ tính và thường được tặng hoặc mang bởi phụ nữ. Đối với Bắc Mỹ, hoa dâm bụt tượng trưng cho một người vợ hoặc phụ nữ tuyệt vời.
Ở thời Victorian, tặng hoa dâm bụt nghĩa là người tặng công nhận vẻ đẹp của người được tặng.
Ở Trung Hoa, dâm bụt tượng trưng cho vẻ đẹp danh vọng hoặc vinh quang cá nhân, chúng được tặng cho cả nam và nữ.
Tại một số vùng của Ấn Độ, hoa dâm bụt được dùng để đánh giầy, cũng như được dùng trong thờ phụng thần Devi.
Tại Malaysia màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, cuộc sống no đủ, tình yêu nồng cháy, lòng dũng cảm và đức tin. Bởi vậy hoa dâm bụt trở thành quốc hoa của đất nước này vì lẽ ấy. Năm cánh hoa tượng trưng cho năm nguyên tắc (Rukun Negara) của quốc gia Malaysia là: - Niềm tin vào Thiên Chúa - Trung thành với nhà vua và quốc gia - Hiến pháp nhà nước là tối cao - Sống theo nguyên tắc và tuân thủ pháp luật - Sống đúng đắn và có đạo đức
Theo quan niệm dân gian của Việt Nam thì biểu tượng và ý nghĩa của hoa dâm bụt thường dùng để nói về các cô gái có lối sống lẳng lơ, không chung thuỷ. Hoa mọc ở hàng rào nên ai đi qua cũng dễ dàng ngắt hái. Đẹp nhưng không bền.
|
|