Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 21:37

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG Empty
Bài gửiTiêu đề: BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG   BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG I_icon13Thu 16 Nov 2017, 10:32

BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Cái váy của người đàn bà đất Bắc không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng đến khi nhà Minh xâm lăng Việt Nam vào năm 1414, thì ngay sau đó “bọn Hoàng Phúc muốn bắt dân ta đồng hóa với người Tàu, cấm con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài theo kiểu người Tàu, nghĩa là không được mặc váy như trước . . .” (ĐLQT, tr.206).

Váy là đồ mặc che nửa thân người phía dưới của người đàn bà xứ Bắc ngày xưa. Nó có hình thức gần giống như cái skirt (Mỹ) hay cái jupe (Pháp) của người phụ nữ Tây phương thường mặc. Và đúng như người bình dân của ta đã mô tả trong một câu đố như sau:


                      Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,
                       Bên ta thì có, bên Tàu thì không.


           Đến năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671), nhà vua lại ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà trở lại mặc váy theo y phục truyền thống của dân tộc.

           Vậy là, sau 250 năm, người đàn bà xứ Bắc lại mặc váy như trước thời kỳ bị quân Minh xâm lược bắt phải đồng hóa theo kiểu ăn mặc của đàn bà Tàu. Đó là tình trạng ở đất Bắc tức từ Thanh Hóa trở ra. Tình trạng ở phía nam đèo Ngang tức từ Quảng Bình trở vào lại khác.

           Số là, vào năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa rồi sau đó cho kiêm nhiệm trấn thủ đất Quảng Nam. Nguyễn Hoàng lúc đầu còn phải ra vào đất Bắc để phục vụ cho vua Lê, nhưng đến năm 1559 cuối đời vua Lê Thế Tông (1573-1599), Trịnh Tùng xưng vương hiệu là Bình An Vương lập nên phủ Chúa và vua Lê chỉ còn hư vị thì ngay năm sau (1600), Nguyễn Hoàng cũng lo củng cố và xây dựng đất Thuận Hóa rồi sau đó là đất Quảng Nam để đối đầu với chúa Trịnh ở đất Bắc. Đến khi Nguyễn Hoàng mất (1613), con là Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) lên thay, Nguyễn Phúc Nguyên tự bổ nhiệm quan lại để cai trị đất Đàng Trong, không còn nhận quan lại của vua Lê và chúa Trịnh gởi vào nữa. Tuy nhiên, đến đời chúa Nguyễn Phúc Trú (1725-1738)  các chúa Nguyễn vẫn chỉ xưng quận công hay quốc công và vẫn tuân theo một số luật lệ và phong tục của đất Bắc. Đến đời  Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), Khoát mới xưng vương gọi là Võ Vương (1744) đúc ấn quốc vương, định triều nghi và đưa ra một số cải cách để chứng tỏ sự tách biệt hoàn toàn với đất Đường Ngoài, chẳng hạn:

         “Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Theo giáo sĩ Koffler thì chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người đường ngoài, mà châm chước theo lối quần áo của người Tàu. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà đường trong bắt đầu mặc áo gài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đường ngoài nữa.” (VNVHSC, tr.173)

           Vậy có thể nói, từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trở về sau, cách ăn mặc của người Đàng Trong lại giống như cách ăn mặc của người Đàng Ngoài thời kỳ trước khi vua Lê Huyền Tông ra lệnh bỏ lối phục sức theo kiểu nhà Minh, hay nói một cách khác, trong lúc phụ nữ Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn mặc quần dài 2 ống thì người phụ nữ Đàng Ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh lại mặc váy.

Đến khi nhà Nguyễn dựng đế nghiệp (1802),  để thống nhất việc ăn mặc cho cả nước, vua Minh Mạng (1820-1840) đã hai lần ra sắc dụ bắt dân chúng Đàng Ngoài phải thay đổi cách ăn mặc theo người Đàng Trong. Việc cải đổi y phục của vua Minh Mạng đã gặp phải sức kháng cự của người dân Đàng Ngoài bằng hành động bất tuân phục và đặt ra những bài hò vè để chế diễu phản đối.

           Trong tác phẩm Đất Lề Quê Thói, tác giả Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu đã viết về vấn đề này như sau:

          “Người xứ Bắc vốn không qui phục nhà Nguyễn . . . lại gặp phải chính sự hà khắc cấm đoán cả về y phục, trái với lẽ thường, dân mất váy lần này có câu ca rằng:

          Tháng chín có chiếu vua ra:
          Cấm quầnkhông đáy người ta hãi hùng.
          Không đi thì chợ không đông,
          Đi ra bóc lột quần chồng sao đang.
          Có quần ra quán bán hàng,
          Không quần đứng nấp đầu làng trông quan ”

           (Đất Lề Quê Thói,  tr. 207-208)

Bài ca dao ở trên có nhiều dị bản.

* Trong Văn Học Bình Dân,  Nguyễn Trúc Phượng cũng sao lục giống như bài trên nhưng câu đầu  hoàn toàn khác:

Chiếu vua mồng sáu tháng ba

* Trong Tục Ngữ Phong Dao (tập 2) cuả Nguyễn Văn Ngọc và Thi Ca Bình Dân Việt Nam (tập 2) của Nguyễn Tấn Long và Phan Canh ,  bài ca dao nầy được ghi lại như sau :

           Tháng sáu có chiếu vua ra,
           Cấm quần, cấm áo đôi ta ngặt ngùng.
           Không đi thì chợ không đông,
           Đi ra bóc lột quần chồng mà mang.


* Trong Xã Hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp, bài ca dao được sao lục gần giống như của Vũ Văn Khiếu trong Đất lề Quê Thói nhưng “tháng Chín” được đổi ra “tháng Tám”:

          Tháng Tám có chiếu vua ra . . .
* Trong  Chuyện Cà Kê, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc cũng sao lục giống như bài của Vũ Văn Khiếu trong Đất Lề Quê Thói.

* Trong một bài biên khảo nhan đề “Thi Ca Trào Phúng Việt Nam” đăng trong Thằng Mõ Nam Cali, giai phẩm Xuân Giáp Thân, 2004, tác giả Vọng Đông lại chép là “tháng Chạp” :

           Tháng Chạp có chiếu vua ra . . .

           Như vậy là, trong câu đầu của bài ca dao nói về thời gian ban hành lệnh cấm mặc váy đã có những sai biệt như sau:

           * Chiếu vua mồng sáu tháng Ba ( theo Nguyễn Trúc Phượng)
           * Tháng Sáu có chiếu vua ra (theo Nguyễn Văn Ngọc , Nguyễn Tấn Long)
           * Tháng Tám có chiếu vua ra (theo Lương Đức Thiệp)
           * Tháng Chín có chiếu vua ra (theo Phùng Tất Đắc và Vũ Văn Khiếu)
           * Tháng Chạp có chiếu vua ra (theo Vọng Đông)

             Bài ca dao nầy có liên quan đến một sắc chỉ của vua Minh Mạng triều nhà Nguyễn về việc cải cách y phục cho nhất thống từ Bắc chí Nam. Ngoại trừ một vài khác biệt không đáng kể về một số chữ không quan trọng trong bài, điểm khác biệt quan trọng trong các bài được sưu tập, đó là thời gian xuất hiện của “Chiếu vua” : Tháng Ba? Tháng Sáu? Tháng Tám? Tháng Chín? Hay tháng Chạp?

           Chúng ta thử lần theo các trang sử để tìm ra sự thật.

Theo Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu :

           Năm Mậu Tý (1828) Minh Mạng thứ 9 “Tháng 10, truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh trở ra Bắc”. (quyển 3, trang 74)

           Năm Đinh Dậu (1837), Minh mang thứ 18, “Tháng 9 . . . thân dụ dân tự Hà Tĩnh trở ra phải đổi cách ăn mặc” (quyển 3, trang 112)

           Theo  Biên Niên Lịch Sử Cổ Trung Đại Việt Nam (Từ đầu đến giữa thế kỷ XIX) của Viện Sử Học Hà Nội, sự kiện nầy đã được ghi như sau :

           1828 (Mậu Tý) :“Tháng 10 Âm Lịch, Nhà nước ra lệnh cho nhân dân Bắc Thành từ Thanh Nghệ trở ra Bắc phải thay đổi y phục cho phù hợp với y phục của nhân dân từ sông Gianh trở vào Nam. Lại ấn định, từ Mùa Xuân 1829 y phục của nhân dân phải thay đổi đồng loạt trong cả nước.” (trang 436).

           1837 (Đinh Dậu) : “Tháng 9 âm lịch . . . . Ra lệnh cho nhân dân từ Hà Tĩnh trở ra phải đổi trang phục nữ mặc quần không được mặc váy. Lệnh nầy đã được ban hành từ năm 1827 (?), sau 10 năm nhân dân chưa thi hành, nên lệnh nầy được nhắc lại.”

           Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, quyển 184  ghi lại chiếu dụ của vua Minh Mệnh ban hành vào năm Minh Mệnh thứ 18, năm Đinh Dậu (1837) như sau:
          “Từ sông Gianh ra Bắc, trước đây vẫn còn ăn mặc theo hủ tục. Trẫm đã ra lệnh đổi y phục như từ Quảng Bình trở vào để phong tục thuần nhất. Lại ban hạn rộng rãi để ai nấy có thì giờ khâu may. Nhưng đến nay, kể đã ngoài 10 năm, mà ở Đàng Ngoài bọn ngu phu, ngu phụ vẫn cứ chần chừ chưa chịu đổi thay. Từ Quảng Bình trở vào Nam, hết thảy đã ăn mặc theo lối nhà Hán, nhà Minh, mũ mãng, áo quần đều chỉnh tề, tươm tất. Dân Bắc Kỳ cứ ăn mặc theo lối cũ. Đàn ông, con trai đóng khố, đàn bà, con gái mặc áo vạt khép vào nhau, dưới thì mặc váy. Như vậy đẹp xấu ra sao, mọi sự đã rõ. Một số nơi đã theo thói hay. Nhưng nhiều nơi vẫn duy trì hủ tục, phải chăng cố ý trái lệnh của Trẫm. Nay truyền cho các viên tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát các tỉnh phải giải thích, khuyên nhủ cho dân biết rõ ý của Trẫm. Lại ban hạn trong năm nay tất cả phải thay đổi quần áo. Nếu năm tới còn có kẻ nào ngoan cố áo quần, phải trị tội thật nặng”(chép theo Hoàng Hải Thủy)

           Trong tác phẩm Xã Hội Việt Nam, tác giả Lương Đức Thiệp đã nhắc đến vấn đề này như sau:

          “Dưới triều vua Tự Đức cũng có lệnh cấm đàn bà đường ngoài mặc váy. Câu ca dao sau đây đã đánh dấu việc cải cách y phục này:

           Tháng tám có chiếu vua ra
           Cấm quần, cấm áo người ta ngại ngùng
           Không đi thì chợ không đông
           Đi ra bóc lột quần chồng mà mang
           Có quần thì ra đứng đàng
           Không chồng (?) ta đứng đầu làng nghé quan”

                                   (XHVN, tr.252)

           Như  đã được trình bày ở trên, sự kiện thay đổi y phục xảy ra vào thời vua Minh Mạng (1820-1840) chứ không phải dưới thời vua Tự Đức (1848-1883) như Lương Đức Thiệp đã nói đến trong tác phẩm Xã Hội Việt Nam của ông.

           Trong Chuyện Cà Kê, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc ghi “ . . .  (1828) Minh Mệnh thứ 9, trong tháng 9 có chiếu cấm dân Bắc mặc váy . . .”. Như trên đã dẫn, chiếu cấm mặc váy được ban ra vào tháng 10 năm Mậu Tý, Minh Mệnh thứ 9 chứ không phải tháng 9 như Lãng Nhân đã ghi.

           Như vậy, bước đầu ta có thể kết luận: thời gian “mồng sáu, tháng Ba”, “tháng Sáu”, “tháng Tám” hay “tháng Chạp” là không phù hợp với lịch sử. Chỉ còn lại tháng Chín hay tháng Mười mới đúng.

           Đến đây, có một điều chúng ta cần bàn.

           Như ta đã biết, vua Minh Mạng đã 2 lần hạ chiếu cải dịch y phục :
* Lần thứ nhất là vào tháng Mười năm Mậu Tý (1828), Minh Mạng thứ 9.
* Lần thứ hai là vào tháng Chín năm Đinh Dậu (1837), Minh Mạng thứ 18. Lần nầy, như trong Đại Nam Thực Lục đã ghi, ta thấy lệnh   có vẻ gay gắt hơn nhiều và bắt buộc các quan đầu tỉnh từ Tổng Đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát phải theo dõi việc thực hiện.

Nay ta thử xét về âm vận của thể thơ đã được dùng trong bài ca dao. Đây là một bài  ca dao làm theo thể thơ lục bát. Trong âm luật thơ lục bát, chữ thứ 2 của câu lục (câu 6 chữ) phải là âm bằng, trừ trường hợp câu lục được ngắt nhịp ở chữ thứ 3 thì chữ thứ 2 của câu lục thường phải là âm trắc. Thí dụ: Mai cốt cách, tuyết tinh thần – Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười ; Đau đớn thay phận đàn bà – Lời rằng bạc mênh cũng là lời chung . . . (Kiều – Nguyễn Du).

Nếu xét theo âm luật như trên thì câu lục phải là : “Tháng Mười có chiếu vua ra . . .” nghe vừa xuôi tai lại vừa hợp với sự kiện lịch sử như vừa được dẫn ở trên. Vậy thì tại sao trong tất cả các bản được sưu tập xưa nay lại không có bản nào ghi lại là “Tháng Mười có chiếu vua ra”? Như vậy, theo tôi, có thể là câu ca dao trên chỉ xuất hiện sau khi vua Minh Mạng thấy rằng sắc lệnh lần trước (tháng Mười năm Mậu Tý,1828) không được thi hành đúng mức, vậy nên, 10 năm sau nhà vua đã phải ra lệnh gắt gao hơn (tức lệnh vào tháng Chín năm Đinh Dậu – 1837) lệnh lại bắt buộc các quan đầu tỉnh theo dõi sát nên trong dân chúng mới có sự phản ứng bằng bài ca dao như trên. Cái hiện tượng các quan phải theo dõi việc thi hành đã bị dân chúng vạch trần trong câu cuối: Không quần ra đứng đầu làng trông quan!

Và như vậy, bài ca dao trên chỉ có thể xuất hiện sau khi vua Minh Mệnh ban chiếu Cải dịch y phục cho dân Đàøng Ngoài lần thứ hai vào tháng 9 năm Đinh Dậu (1837) và câu ca dao đúng phải là :

           “Tháng Chín có chiếu vua ra . . .”

           Dân chúng Bắc Thành , nhất là từ Thanh Nghệ trở ra, xưa mặc váy chứ không mặc quần (hai ống) như dân chúng Nam Hà thời các chúa Nguyễn. Đến thời Minh Mạng nhà vua bắt dân chúng Bắc Hà mặc quần 2 ống, tức không cho mặc váy, nên bị dân chúng phản ứng bằng bài ca dao mỉa mai nói trên.

           Đồng thời với bài ca dao trên đây, ở vùng Thanh Nghệ còn lưu truyền bài vè sau đây:

Bước sang năm mới bình yên,
Chiếu vua hạ truyền:
Cải dịch y phục,
Quan huyện đã giục,
Lý trưởng, mục, tiên,
Lệnh vua đã truyền,
Bắt dân mặc cả.
.  .  .  .  .
Mai phiên chợ Trai,
Phải mượn quần chồng.
Đã cực trong lòng,
Lại thêm xấu hổ.
Không đời mô chộ
Ăn mặc ra ri.
Anh bước chân ra đi,
Không quần mà có áo.
Bắt từ ông lão,
Cho đến gái thanh tân,
Thân lại lập thân
Một người hai bộ.
.  .  .  .  .


           Như ở trên ta đã thấy, đối với dân gian, viết sử không phải chỉ là ghi lại sự kiện : “Tháng Chín có chiếu vua ra: Cấm quần không đáy” mà phần quan trọng chính là phần phê phán, phần nói lên cảm tưởng, thái độ  của dân gian đối với sự kiện : “người ta hãi hùng”, “Có quần ra quán bán hàng, Không quần ra đứng đầu làng trông quan!”. Chính cái phần phê phán, cái phần cảm tưởng này mới giúp ích nhiều cho các nhà xã hội học, các nhà sử học về sau.

                                                        (Trích trong Tản Mạn Về Ca Dao Lịch Sử)

                                                                       ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG   BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG I_icon13Thu 16 Nov 2017, 10:43

Quốc sử di biên & chuyện “cấm quần không đáy”

Thời gian lùi xa, nhiều cứ liệu về văn hóa học cũng bị cuốn theo dòng thời gian, không dễ truy tìm lại được. Do đó, những thông tin được lưu lại trong Quốc sử di biên (QSDB) của Đình nguyên Thám hoa Phan Thúc Trực đã đóng góp cho các nhà văn hóa học nhiều chứng cứ quý giá.

Trong QSDB, chúng tôi thống kê được 50 ghi chép về đời sống văn hóa cung đình và dân gian ở ba triều vua: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Trong khuôn khổ bài báo, chúng tôi chỉ bàn về một mảng nhỏ, xung quanh sự kiện “Chiếu vua Minh Mạng ban ra; Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng”… được QSDB phản ánh rất thú vị.

Khi mới lấy được Bắc Thành, theo QSDB, vào năm 1802, vua Gia Long đã ban hành nhiều chiếu như quy định tố tụng, định lệ cúng tế, việc trưng thu thuế… (QSDB, tr. 82), và ban bố 8 điều để yên lòng dân, trong đó, điều thứ nhất là quy định về trang phục. “Cách ăn mặc quần áo của đàn ông, đàn bà Bắc Hà vẫn theo lối cũ, chưa thể thay đổi thì không nên vì lối y phục khác lạ mà cùng nhau quấy rối, nhũng nhiễu người dân” (QSDB, tr.83).

Về quy định phong tục cho thường dân, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: “Minh Mạng năm thứ 7: Nhà nước ta bờ cõi hợp một, văn hóa cùng nhau, há lại nên có việc làm và quy chế khác. Huống chi tỉnh Quảng Bình là nơi gần kinh thành, từ trước đến nay châu Bố Chính thuộc về giới hạt doanh ấy đã lâu, thế mà áo mặc của dân gian vẫn còn khác hẳn, không phải là nghĩa nhất quán cùng một phong hóa, lỗi ở các viên chức không hay sức rõ, nên đến thế, rất là không hợp. Vậy nay doanh thần nên sức cho châu ấy về kiểu chế áo mũ đổi dùng kiểu áo mặc như sĩ dân từ sông Gianh trở vào Nam, để thống nhất thanh giáo mà điều chỉnh phong tục, nếu cứ quen như cũ, không chịu thay đổi, khi phát giác ra sẽ khép vào tội trái quy chế” (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 6, Quyển 69 - Quyển 95, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 215).

Từ quan điểm cần thống nhất về mặt văn hóa ở phương diện trang phục đó, vua Minh Mạng đã xuống chiếu cho đổi trang phục để thống nhất giữa hai miền Nam, Bắc: “Tháng trước, các trấn thần lần lượt xin đổi áo mặc cho sĩ dân, đã từng theo như lời xin. Nay các hạt ở Bắc Thành cũng nên kịp thời sửa đổi lại để cho được đồng nhất. Nhưng thay đổi phong tục là việc mới bắt đầu làm, mà dân gian giàu nghèo không đều, về sự nhu cầu mặc, tất nên rộng hạn cho ngày tháng. Vậy thiết tha xuống lời dụ này: các ngươi đại thần nên sức khắp cho sĩ dân trong hạt: phàm cách thức ăn mặc, đổi theo cách thức như Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn cho đến cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10, nhất tề sửa đổi lại để nêu ý nghĩa “vâng theo phép vua” (Khâm định, tr.217).

So sánh với QSDB, ta cũng sẽ thấy các quy định về trang phục xuất hiện khá nhiều lần trong bộ sử của ông với một đôi nét nhấn đặc biệt so với các bộ sử chính thống.

Về mốc thời gian, nếu như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép việc vua Minh Mạng xuống chiếu cho các hạt của trấn Bắc Thành thay đổi trang phục vào năm Minh Mạng thứ 8 thì QSDB chép đó là vào năm Minh Mạng thứ 9.

Theo QSDB, vào năm 1828 (Minh Mạng thứ 9), vấn đề đổi trang phục của miền Bắc được đặt ra, lần này không phải từ phía chính quyền trung ương mà là từ chính quyền địa phương. QSDB chép: “Tháng 9, phó Tổng trấn Bắc Thành là Phan Văn Thúy xin đổi cách mặc quần áo ở Bắc Thành, vua nghe theo. Vua dụ rằng: “Đất nước ta cùng chung bốn biển, phong tục hay, lẽ nào lại để cho có những chỗ sai khác. Tháng trước, các trấn thần ở Thanh Hóa, Nghệ An lần lượt xin đổi quần áo của sĩ dân, nay thể theo khẩn cầu, toàn hạt Bắc Thành cũng được sửa đổi kịp thời, để thống nhất chế độ. Nhưng việc thay đổi phong tục đều phụ thuộc vào cái ban đầu, mà dân chúng giàu nghèo lại khác nhau. Điều cốt yếu của việc biện chế phép tắc là phải xem xét thời điểm, lưu ý đến sự thích đáng đặc biệt lúc này. Nay ta dụ cho các ngươi, xuống lệnh cho khắp các sĩ dân trong hạt, cách thức ăn mặc đều sửa đổi theo các vùng từ Quảng Bình trở vào phía Nam. Chuẩn định vào mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10 (1829) nhất loạt sửa đổi để biểu dương cái nghĩa tuân lệnh quân vương. Tháng 10, Nguyễn Trứ mang ống vàng đi khắp toàn hạt, thông báo thay đổi thể chế áo quần, không câu nệ già trẻ trai gái, hạn cho tháng 3 phải sửa đổi, người nghèo thì được hạn cho 6 tháng”. (tr. 330-QSDB)

Qua những ghi chép của Phan Thúc Trực, người đọc có thể biết được, tháng 8 năm 1828, việc đổi trang phục được diễn ra ở Nghệ An, Thanh Hóa, và sau đó một tháng thì việc này được thực thi toàn trấn Bắc Thành với mục đích “để thống nhất chế độ” (tr.330). Vẫn theo lối ghi chép cụ thể đó, QSDB còn chép cụ thể hơn là: “người nghèo thì được gia hạn 6 tháng”.

Tiếp nối mạch chép về việc thay đổi trang phục để thống nhất phong tục trong toàn quốc, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép lời dụ của vua Minh Mạng được ban năm Minh Mạng thứ 18 (1837): “Trước kia cho rằng, áo mặc từ sông Gianh trở ra ngoài vẫn thói hủ lậu, đặc biệt cho xuống dụ đổi theo áo mặc như từ Quảng Bình trở vào Nam, để tỏ ra cùng một phong tục, lại cho kỳ hạn rộng rãi để cho thong thả may mặc. Thế mà từ năm Minh Mạng thứ 8 đến nay, đã qua 10 năm, vẫn nghe thấy nông phu và đàn bà thôn quê ở quãng ngoài, có nhiều người cứ theo thói cũ, chưa đổi. Về trách nhiệm thực là ở quan địa phương, xong việc thì quên ngay, không chịu ngày ngày khuyên bảo thêm cho nên đến nỗi thế. Vậy truyền dụ cho đốc, phủ, bố, án, thượng, ty từ Hà Tĩnh trở ra Bắc đều nên dốc lòng khuyên dụ dân hạt, bảo cho biết hiện nay cõi đất hợp làm một, há nên Nam, Bắc phong tục khác nhau, huống chi từ Quảng Bình trở vào Nam đều theo thể chế nhà Hán, nhà Minh, mũ áo, áo quần chỉnh tề như thế, so với người miền Bắc, con trai đóng khố, đàn bà thì trên thì mặc áo giao lĩnh, dưới mặc váy, đẹp xấu chẳng rõ rệt dễ thấy ư? Sao có kẻ đã theo tục tốt, mà có kẻ cũng quen tục cũ lỗi thời chưa đổi, há chẳng là đại ý cố tâm, cố trái, can phạm tội lệ, khiến cho đều nhận biết minh bạch. Vậy hạn cho trong năm nay, cần phải nhất luật thay đổi cả, và khi sang năm mới, nếu vẫn còn theo thói cũ không đổi, tức thì trị tội nặng” (Khâm định, tr. 217).

Cách ghi chép của Khâm định chỉ nêu hai mốc thời gian, từ khi ban bố chỉ dụ “sửa đổi trang phục”, cho đến 10 năm sau, trang phục của người Bắc “vẫn theo lối cũ”. Và cho đến chỉ dụ của năm 1837 này, người đọc mới thấy rõ loại trang phục bị lên án chính là “khố” của đàn ông và “váy” của đàn bà. Hẳn trong 10 năm đó, việc thay đổi trang phục của dân Bắc Hà đã bị phản ứng dữ dội, đến mức đi vào ca dao: “Chiếu vua Minh Mạng ban ra, Cấm quần không đáy người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông, Đi thì bóc lột quần chồng sao đang” rồi “Có quần ra quán bán hàng, Không quần ra đứng đầu làng trông quan”. Sự phản ứng dữ dội của dân chúng, đương nhiên là không được chép vào các bộ sử chính thống, và thường đi bằng con đường ngắn nhất vào các sáng tác dân gian. Tuy nhiên, với tư cách là một bộ sử tư nhân, QSDB đã bổ sung một số chi tiết ở cái khúc vắng trong các bộ sử chính thống đó.

Thứ nhất, một năm sau việc tâu để xin thay đổi trang phục, QSDB cho người đọc biết việc thực thi chỉ dụ của vua Minh Mạng ở Bắc Thành. Sách này chép, tháng 5-1830 (năm Minh Mạng thứ 11), viên Phó Tổng trấn Bắc Thành là Phan Văn Thúy lại sức các điều về cấm trang phục với quy định cụ thể: “Đàn ông không được đội mũ dài, mũ Thiên bình, mũ Yến vĩ, áo có ống tay rộng, cổ cao, đai lưng, đi tất chân. Phụ nữ không được dùng vải lụa ngắn quấn trên đầu, các dây đai eo lớn nhỏ và quần không đáy” (QSDB, tr. 426). Như vậy là đã rõ về việc đổi “váy” sang “quần” cho phụ nữ, và điều này được ban bố từ năm 1830, nghĩa là trước khi có chỉ dụ chấn chỉnh của vua Minh Mạng 7 năm.

Thứ hai, vào năm 1845 (Thiệu Trị thứ 5), sách QSDB còn chép thêm một sự kiện mà Phan Thúc Trực “lượm nhặt” được trên con đường kinh lí “cầu di thư” của mình: “Đạt (Phan Bá Đạt-Tổng đốc Nam Định) qua Hà Nội, thấy bà vợ viên Phó vệ mặc váy lĩnh hồng, lấy lạ bèn hỏi. Bà ta cậy chồng là người quyền thế liền buông lời ngạo mạn. Đạt ra lệnh chém và tố cáo việc của Phó vệ lên trên. Phó vệ đến xin miễn, vì thế việc cấm mặc váy càng nghiêm ngặt” (QSDB, tr. 540). Như vậy là không phải chỉ sau 10 năm chỉ dụ của Minh Mạng mà mãi tới 18 năm sau, chỉ dụ của vua Minh Mạng vẫn chưa thực sự được người phụ nữ Bắc Hà chấp nhận, họ vẫn gắn bó với chiếc váy truyền thống của mình.

Với tư cách là một thành tố của đời sống văn hóa, chi tiết quý báu mà QSDB chép được cho thấy một thực tế là, văn hóa truyền thống có một sức sống nội tại dai dẳng, bất chấp những can thiệp áp đặt từ phía bên ngoài, dù đó là những mệnh lệnh của nhà vua! Và như vậy, hẳn trong gần 20 năm của quá trình thay đổi trang phục đó, sự phản ứng của người dân Bắc Hà vẫn không dịu đi, và họ đã gửi gắm vào đoạn ca dao trên. Với việc “chụp” được bức ảnh “bà vợ của viên Phó vệ ngạo mạn mặc váy lĩnh hồng và suýt bị chém”, QSDB đã cho người đọc thấy một thực tế lí thú của việc “đi vào đời sống” của các quy định về phong tục dưới triều Nguyễn.

Trần Thị An
Về Đầu Trang Go down
 
BÀN VỀ MỘT BÀI CA DAO THỜI MINH MẠNG
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Đêm Lạnh Chùa Hoang (Trước 1975) - Minh Vương, Minh Cảnh, Lệ Thủy
» Trích Đoạn Nhất Kiếm Bá Vương - Lệ Thủy, Minh Phụng
» Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca
» Bình minh trên biển Cửa Tùng
» Cảnh Bình Minh Đẹp
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Phong tục tập quán-