Bài viết mới | Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Trăng
Tổng số bài gửi : 1844 Registration date : 23/04/2014
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN Wed 26 Jun 2019, 15:37 | |
| - Trà Mi đã viết:
- Trăng đã viết:
- Trà Mi đã viết:
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI Vũ Đức Sao Biển (tiếp theo)
Suy niệm ký tiểu hữu
Tôi đang ngồi trên bãi biển Nha Trang. Mùa xuân, trời thật đẹp nhưng biển chiều vẫn mang theo cái vẻ u uất, trầm tư ngàn đời của nó. Bỗng dưng, tôi chợt nhớ đến đoạn Tiểu Siêu chia tay Trương Vô Kỵ trên biển, đoạn văn mà tôi cho là đẹp nhất, xúc động nhất trong Ỷ thiên Đồ long ký. Mối tình thơ ngây ấy của Tiểu Siêu đã bị ngăn trở bởi hàng rào tôn giáo, cô phải hy sinh để cứu mạng sống và chuộc lại lỗi lầm cho mẹ mình. Ngôi vị dành cho cô tạ Ba Tư là giáo chủ Bái hỏa giáo, biểu tượng của một thứ quyền lực và vinh quang tột đỉnh mà mọi cô gái đồng trinh đều mơ ước. Nhưng thực chất, làm giáo chủ Bái hỏa giáo Ba Tư hạnh phúc hơn hay làm người tình nhỏ của Trương Vô Kỵ ở Trung Hoa để suốt đời được cùng nhau phiêu bạt giang hồ là hạnh phúc hơn? Tiểu Siêu thích cái thứ hai nhưng bắt buộc phải chọn cái thứ nhất. Sự mâu thuẫn giữa tình yêu và tôn giáo, giữa tình yêu và bổn phận làm con đã được đẩy lên đến đỉnh điểm. Điều đau xót nhất trong mối tình đầu đã có thể làm Tiểu Siêu nổ tung ra được, chết đi tức khắc được. Có hiểu được cái uyên nguyên sâu xa ấy chăng, hỡi biển của đời tôi?
Có một lần, tôi lên Gia Lai, dừng chân lại trên đỉnh đèo Krong Buk giữa biển sương khói mênh mông, lạnh buốt của một sáng cuối đông. Tôi đứng dưới những cụm sơn tùng và chợt nhớ đến nỗi cô đơn của Hà Túc Đạo, được Kim Dung viết trong đoạn lung của Ỷ thiên Đồ long ký. Từ đỉnh Kinh Thần Phong trên Thiên Sơn, Hà Túc Đạo với một cây đàn, một thanh kiếm lãng du về Trung Nguyên. Dừng chân giữa rừng bách ở ngoại vi chùa Thiếu Lâm, tỉnh Hồ Nam, Hà đánh đàn một mình cho chim nghe, chống kiếm than thở một mình về tình yêu, về cuộc sống. “Hỡi ơi, nước xanh, đá trắng sao rời rạc nhau đến như vậy” – đó không chỉ là tiếu kêu thương cô đơn của riêng Hà Túc Đạo, của riêng Kim Dung mà là của tất cả mọi con người cô độc trên thế gian. Nước xanh chảy mãi, ra đi; đá cuội trắng vẫn còn ở lại. Tình yêu là như thế, chỉ đơn giản là nguồn suối đem lại cho đời nỗi ngậm ngùi vì rời rạc nhau.
Hà Túc Đạo đánh cờ một mình, bán cầu não bên trái đánh với bán cầu não bên phải. Cho đến khi thế cờ ở vào chỗ bế tắc, tiến thoái lưỡng nan, Hà như rơi vào một mê hồn trận. Mê hồn trận ấy chính là nghiệp chướng do Hà Túc Đạo tạo ra và bước vào. Để cứu người anh hùng đơn độc, Quách Tương đã mách nước: “Sao tiên sinh không bỏ Trung Nguyên mà quay về Tây Vực?”. Một lời chỉ điểm đơn giản đã giúp Hà Túc Đạo nhận ra biện pháp giải tỏa bế tắc trong đại cục của đời mình, của tư tưởng mình. Chàng trung niên khen hay và cám ơn người bạn mới nhỏ tuổi.
Năm ấy, Quách Tương mới 16 và Hà đã gần 40. Phiêu bạt một đời mới tìm ra bạn ngọc, anh chàng sáng tác một bản đàn để đàn cho Quách Tương nghe lòng thương nhớ cảm phục của mình. Bản đàn ấy vang lên trong một trận đấu tranh dữ dội; Quách Tương nghe và đỏ mặt lên vì nhận ra tiếng nỉ non của tình yêu. Hà Túc Đạo nhớ thương cô nhưng cô chỉ nhớ thương Dương Qua. Cuộc gặp gỡ giữa cô và Hà chỉ là cái duyên không hẹn trước, chỉ như là nước xanh và đá trắng rời rạc nhau. Cô bỏ đi tu, còn Hà quay về đỉnh Kinh Thần Phong, bỏ Trung Nguyên về Tây Vực đúng như thế cờ dang dở.
Đêm ngồi ở Rạch Giá, Kiên Giang, trông ngàn sao lấp lánh trên biển, tôi chợt nhớ đến Nghi Lâm cởi rồi thắt lại giải áo để cầu nguyện cho mình được sống bên cạnh Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ). Nghi Lâm, cô sư nữ lỡ vướng vào ma chướng của tình yêu nhưng vẫn một lòng thủy chung cùng Bồ Tát. Mâu thuẫn tình yêu và tôn giáo đã xé nát lòng cô sư nữ ấy. Cho nên mới có một sự dung hoà hi hữu trên đời: tiếng kinh tụng niệm Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn lại mang theo âm hưởng dịu dàng, trữ tình, say đắm của tình yêu. Có một cái gì đó đã không thể gặp gỡ và Nghi Lâm cố gắng biến nó thành ra cái có thể gặp gỡ được. Nội dung lời kinh là tôn giáo mà âm hưởng tụng niệm, diễn đạt lại là tình ca.
Tôi yêu hệ thống tư tưởng của đạo Phật. Một lần lên Thiền Lâm, tôi ngồi với vị sư già, ngỏ ý xin ngài chỉ cho tôi một con đường đi để được xa cuộc sống mà vẫn rất gần với cuộc sống. Tôi nhớ đoạn Kiều Phong lên núi Thiên Thai, tìm nhà sư Trí Quan để xin cho ông biết chân diện mục của mình. Trí Quan cho Kiều Phong biết Kiều Phong là người Khất Đan, không phải họ Kiều mà là họ Tiêu –Tiêu Phong. Nhà sư đọc: Khất Đan với Hán nhân Bất luận giả hay chân Ân oán cùng vinh nhục Không hơn đám bụi trần. Rồi nhắm mắt nhập định và viên tịch. Tôi chọn hai câu thơ sau trong bài thơ này để làm huớng xuất xử cho cuộc đời.
Thượng toạ dạy tôi: “Nghiệp duyên của đạo hữu với cuộc đời còn nặng lắm. Đạo hữu cứ sống an nhiên, là, hết các công việc của mình, đem hết trí tuệ tuôn ra ngòi bút để phục vụ cho cuộc sống. Đạo Phật chủ trương “Duy tuệ thị nghiệp”. Phật tính nằm ngay trong công việc, trong glối sống chứ không hẳn là nằm trong Thiền viện, trong cuộc thanh tu. Còn khi nào tâm hồn xót xa, trí lực mệt mỏi, đạo hữu hãy tìm đến với thầy”. Khi tôi bạch Thượng toạ xin phép ra về, ngài còn dặn: “Ai cũng có thể nói tu là cõi phúc, tình là dây oan. Nhưng tu sẽ không phải là cõi phúc nếu người ta còn sân si trong đường tu, tình sẽ không là dây oan nếu người ta không tạo ra những oan trái. Cả tu với tình đều có thể là cõi phúc, đều có thể là dây oan. Thầy đã đọc gần như đầy đủ cả ngàn bài viết của đạo hữu và nhận ra chất nhân hậu trong từng bài, từng câu. Hãy phát triển hơn nữa cái tâm từ bi trong ngòi bút”. Lời dạy của vị Thượng toạ 87 tuổi quả thật là dòng nước cam lồ tưới mát lòng tôi.
Một đêm tháng 7, tôi lên rừng Phước Sơn (Lâm Hà, Đà Lạt), đúng 12 giờ khuya. Đêm nằm trong lán tranh nghe mưa rơi tầm tã ngoài trời, lạnh quá không ngủ được, tôi chong đèn và đọc Kim Dung. Lần này tôi mang theo Liên thành quyết, giở ra đúng đoạn Thủy Sinh một mình ra Quan ngoại, sống trong sơn cốc bốn bề mênh mông tuyết phủ, chở Địch Vân trở lại. Những nhân vật nữ của Kim Dung thật thông minh và cũng thật lãng mạn. Họ sẵn sàng đi mấy ngàn dặm ra ngoài quan ải – bây giờ thuộc Đông bắc Trung Quốc, sống một mình trong hang đá lạnh lẽo đời tình quân về từ sự suy đoán riêng của họ, Thủy Sinh trong Liên thành quyết, A Châu trong Thiên Long bát bộ suy đoán thế nào chàng Địch Vân, chàng Kiều Phong cũng sẽ trở lại. Và cám ơn trời, cái hạnh phúc ấy đã thực sự xảy ra. Hay nói ngược lại, nếu Thủy Sinh, A Châu đi mấy ngàn dặm ra Quan ngoại chờ mà tình quân không trở lại, chắc họ sẽ đau đớn, sẽ ngậm ngùi mà chết đi trong nỗi tuyệt vọng. Tác giả đã để cho Địch Vân, Kiều Phong trở lại. Giữa tuyết trắng mênh mông lạnh buốt của thảo nguyên, bóng người về trở thành ngọn lửa sưởi ấm trái tim những người khao khát tình yêu.
Người về Quan ngoại chính là bản tình ca, là chủ nghĩa nhân đạo phương Đông. Có lứa đôi đoàn viên hạnh phúc như Thủy Sinh - Địch Vân. Có lứa đôi tan nát, bất hạnh như Kiều Phong – A Châu. Nhưng bản tình ca nào cũng sáng lên rực rỡ cái đẹp phẩm giá con người, của sự thủy chung, của lòng chân thật. Đêm Đà Lạt lạnh buốt mà lòng tôi vẫn cảm thấy ấm áp khi Thủy Sinh choàng tay ôm lấy Địch Vân.
“Huyền tẫn” là một khái niệm sâu xa trong triết lý của Lão giáo. “Huyền tẫn” có nghĩa là nguyên lý mẹ, nguyên lý tìm về giống cái, cội nguồn của sự sinh nở, của đời sống. Hãy nhìn lại mà xem, các dân tộc phương Đông tôn thờ và kính trọng các nữ thần biết bao nhiêu: Tây Vương Mẫu, Nữ Oa ở Trung Hoa; Thái Dương thần nữ ở Nhật Bản; Shiva ở Ấn Độ; mẹ Âu Cơ ở Việt Nam. Bởi vì họ là Mẹ của muôn loài, là chất ngọc của giống cái, là biểu trưng của văn minh phồn thực. Yoni – hình ảnh bộ phận sinh dục nữ, đã được tạc thành totem để thờ phượng, kính nguỡng. Thông qua các nhân vật nữ xinh đẹp, tài hoa và lãng mạn của Kim Dung, thông qua những hình bóng phụ nữ cụ thể trên đời, tôi cũng cất công đi tìm chất ngọc, đi tìm “Huyền tẫn” của chính mình. Mười hai năm trước, mẹ tôi qua đời, tôi cảm thấy bơ vơ như đứa trẻ lên ba dù tuổi tôi đã 40. Cái quyết định tâm linh một người đàn ông chính là người phụ nữ mà người đàn ông ấy tôn thờ, thương yêu, kính trọng nhất. Mẹ tôi chính là người phụ nữ như thấ. Và tôi đọc Kim Dung, bàn về những khía cạnh khác nhau trong tiểu thuyết của nhà văn phương Đông tầm cỡ này cũng là đi tìm “Huyền tẫn” của mình.
Truơng Vô Kỵ và Triệu Mẫn cùng vào một tiệm cơm nhỏ, lựa một chiếc bàn khiêm tốn và gọi mấy món thức ăn với một bình rượu đối ẩm. Sau đó, Trương Vô Kỵ đưa quần hùng Minh giáo đến tấn công chùa Vạn Pháp do Triệu Mẫn chỉ huy để cứu các hào kiệt Trung Nguyên đang bị Triệu Mẫn giam giữ. Cuộc chiến đấu thành công, Triệu Mẫn phải gánh chịu sự thảm bại lớn nhất trong đời cô. Đêm ấy, Triệu Mẫn tìm vào quán cơm xưa, chọn đúng chiếc bàn cũ, cũng kêu đúng các món ăn cũ, bình rượu, hai cái cốc, hai cái chén và hai đôi đũa. Cô rót rượu ra hai cốc thì bỗng dưng… Trương Vô Kỵ xuất hiện. Họ lặng lẽ đối ẩm như ngày nào mà không hề nói đến cuộc chiến một mất một còn ở chùa Vạn Pháp. Tôi cũng mong những lứa đôi trên đời này có được những bữa ăn ấm cúng tình yêu như vậy.
T nghe người ta hay nói kiếm hiệp có Kim và Cổ , đó là Kim Dung và Cổ..gì T quên mất tiêu. Cổ Long á T! Truyện Cổ Long có 2 nhân vật nổi tiếng Lục Tiểu Phụng và Sở Lưu Hương có biệt tài phá án Nghe phá án là T mê ... |
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN Fri 28 Jun 2019, 07:14 | |
| KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI Vũ Đức Sao Biển (tiếp theo)
Tiếu ngạo giang hồ Cách đây trên 30 năm, Tiếu ngạo giang hồ đã đến với bạn đọc miền Nam (1967). Nhưng đó là một Kim Dung feuilleton, một Kim Dung tác chiến mỗi ngày khoảng 1.500 chữ để đăng trên Minh báo, một Kim Dung đi máy bay từ Hongkong qua Việt Nam mỗi ngày, được dịch ra Việt ngữ đăng đại trà trên những nhật báo Sài Gòn. Luật sư Nguyễn Văn Tầm, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang, nhớ lại: ngày ấy, ông còn học ở đại học Luật khoa và chính ông là thư ký giúp dịch giả Hàn Giang Nhạn dịch những tác phẩm của Kim Dung. Trong căn gác nghèo trên đường Vườn Chuối, dịch giả Hàn Giang Nhạn đọc tờ báo đến đâu, dịch ra đến đó. Chàng sinh viên Nguyễn Văn Tầm lót 10 tờ pelure và 9 tờ giấy than, viết lời dịch của Hàn tiên sinh bằng một cây bút bic. Ở phía dưới căn gác, hàng chục ông tuỳ phái của hàng chục tờ báo ngồi đợi… Tiếu ngạo giang hồ. Viết xong bản dịch, chàng sinh viên Nguyễn Văn Tầm đem xuống phân phát cho từng người. Ai may mắn lấy được những bản phía trên còn đọc ra chữ, ai lãnh những bản phía sau chỉ còn cách xem chữ đoán ý. Trên cơ sở tập đại thành những hồi, những đoạn đã được đăng báo, Tiếu ngạo giang hồ được in lại thành sách - một Kim Dung feuilleton. Nguyên tác Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung do Minh Hà xã in năm 1997 hoàn toàn mới lạ, khác hẳn Tiếu ngạo giang hồ đã từng có trên báo chí Sài Gòn trước đây. Kim Dung đã mạnh dạn cắt bỏ một số đoạn mà ông xét thấy là không cần thiết. Thí dụ như ông đã cắt bỏ khoảng 3.000 từ ngay trong hồi đầu có nội dung giới thiệu về quan hệ gia tộc, võ công, sự nghiệp kinh doanh và oai lực của Phước Oai tiêu cục thành Phúc Châu. Ông cũng bỏ hẳn đoạn Nhạc Linh San trong vai cô gái bán rượu xấu xí cứu Lâm Bình Chi bằng cách cho chàng uống rượu pha thuốc có dược tính thật mạnh mà thay vào bằng một đoạn mới với những tình tiết hợp lý hơn, hấp dẫn hơn. Ngày trước, ông đã để cho Đại tung dương thủ Phí Bân phái Tung Sơn chết đi rồi sống lại, bây giờ tình huống đáng tiếc đó không còn nữa. Ông thận trọng ra từ câu, chỉnh từng ý, xem lại từng tình huống tiểu thuyết. Cho nên, bản dịch mới trên nền tảng bản chỉnh lý năm 1997 là một bản dịch mới lạ. Chúng tôi xin dịch lại Tiếu ngạo giang hồ với tham vọng giới thiệu cùng bạn đọc Việt Nam yêu tài năng Kim Dung, một Kim Dung văn học. Khái niệm văn học ở đây gói gọn trong ngữ nghĩa văn học tiểu thuyết võ hiệp. Trong sự nghiệp trước tác đồ sộ của Kim Dung, chúng tôi gọi Tiếu ngạo giang hồ là một siêu phẩm. Toàn bộ tác phẩm gồm 40 chương hồi. Tuy nhiên, tác phẩm lớn không phải ở chỗ dài hơi đó. Nó lớn vì chiều sâu kiến thức hàm chứa ngay trong tác phẩm. Hai trong ba nguồn tư tưởng lớn của triết học phương Đông - Phật giáo và Lão giáo – đã được Kim Dung hình tượng hoá và cụ thể hoá qua những hình tượng văn học. Phương Chứng đại sư chùa Thiếu Lâm là con người tiêu biểu của tư duy Thiền tông Phật giáo. Với một căn bản võ công trác tuyệt, một tâm địa từ bi, nhà sư gần như đã góp phần hoá giải những hận thù, chia rẻ, sân si. Định Nhàn, Định Dật phái Hằng Sơn là một dạng Phật giáo khác, một Phật giáo nhập thể và nhập thế. Họ hàng phục yêu ma bằng chính cái tâm hoà bình trung chính của người đi tu. Họ áp dụng nguyên tắc Miên lý tàng châm (Trong cái gối bông mềm có chứa cây kim). Họ không đánh ai nhưng ai đánh họ thì bị kim đâm, càng đánh mạnh thì vết thương càng nặng. Họ lập ra kiếm trận là để tự giữ mình, chống cự ngoại địch chứ chẳng để bao vây ai, tiêu diệt ai. Nhưng điểm đặc sắc nhất vẫn là tư duy Lão – Trang qua đường Độc Cô cửu kiếm. Phong Thanh Dương đã dạy Lệnh Hồ Xung “Dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu”. Trong thế kiếm hữu chiêu, vì có chiêu thức cho nên để phát ra được chiêu thức ấy, con người phải có bộ vị, có ni tấc. Và quan điểm của Phong Thanh Dương là nên đánh ngay vào thời điểm chuẩn bị bộ vị, ni tấc đó. Kiếm phải phát theo ý và kiếm sĩ phát triển kiếm ý chứ không sử dụng kiếm chiêu. Nói cách khác, người sử kiếm chứ không phải kiếm sử người và cần đến một phong thái ung dung, liên tục như nước chảy mây trôi trong khi giao đấu với địch thủ. Cách dạy của Phong Thanh Dương lại vô cùng phù hợp với tâm tính lãng mạn của Lệnh Hồ Xung. Điều này làm ta nhớ đền chương “Thuyết kiếm” của Trang Tử. Lão – Trang chủ trương Vô vi (không làm). Không làm nhưng không có gì là không làm (Vô vi nhi vô bất vi). Chính trên nền tảng đó, đạo trưởng Xung Hư, chưởng môn phái Võ Đang, nhân vật đại biểu của tư tưởng Lão – Trang, đã gắn bó cuộc đời mình với sự thịnh suy, hưng vong của võ lâm Trung Hoa. Cũng chính trên nền tảng đó đã có một cuộc đấu kiếm kỳ lạ xảy ra: Lệnh Hồ Xung và Xung Hư đấu kiếm mà không dùng đến kiếm, chỉ lấy mắt ngó nhau, cuối cùng, Xung Hư đành nhượng bộ. Tiếu ngạo giang hồ lặng lẽ đưa người đọc đi vào cuộc hành trình tìm về những suối nguồn tư tưởng phương Đông, một phương Đông lãng mạn bay bổng “khi lên cao chín ngàn dặm, nương mây cưỡi gió mà bay” như Trang Tử đã viết trong Nam hoa kinh. Tiếu ngạo giang hồ có cái u uẩn trầm mặc đầy suy niệm của những ngôi chùa, những đạo quan, những rừng tùng bách, bóng trăng sáng trên Trường Giang, cơn mưa tuyết mùa đông trên Ngọc Nữ phong. Xuyên suốt tác phẩm là tiếng đàn, tiếng sao của khúc Tiếu ngạo giang hồ, tiếng ca buồn của Mạc Đại tiên sinh trong khúc Tiêu Tương dạ vũ. Tác phẩm còn là sự tập hợp của nhiều kiến thức về y học, dược học, địa lý học, tửu học, giải phẫu học, võ học, xã hội học… Chính nhờ tác phẩm này, tôi mới biết người Tứ Xuyên luôn luôn bịt khăn trắng trên đầu - tục lệ có từ 2.000 năm trước khi để tang con người huyền thoại Khổng Minh. Trong kỹ thuật kết cấu tiểu thuyết, có thể coi Tiếu ngạo giang hồ như một kịch bản phim với những đoạn chuyển cảnh rất nhanh và rất hợp lý. Những mâu thuẫn chiều sâu trong nội tâm của các nhân vật kết hợp với những mâu thuẫn chiều dài trong sự đấu tranh, trong âm mưu, trong thủ đoạn của các môn phái tạo cho cốt truyện những tình huống nghẹt thở, khiến cho người đọc càng đọc càng cảm thấy cuốn hút, say sưa. Kim Dung đã giải quyết hợp ký các mâu thuẫn đó khiến cho người đọc thở phào, nhẹ nhõm và cảm thấy hạnh phúc. Có những điều mà ta nghĩ rằng không bao giờ có thật trên đời lại xảy ra trong tác phẩm của Kim Dung một cách hợp lý và tràn đầy đạo lý. Cơ duyên nào đã đưa một cô nữ ni thánh thiện, trong như ngọc mới 16 tuổi, dấn thân vào nơi ô uế, phức tạp nhất là động điếm Quần Ngọc dưới chân núi Hằng Sơn để cứu mạng Lệnh Hồ Xung? Cô đã bồng chàng lãng tử thanh danh tàn tạ ấy ra vùng hoang sơn dã lĩnh, chấp nhân phạm giới cấm khi ăn trộm dưa hầu có thức ăn cho chàng, tụng kinh Cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát cầu xin cho chàng tai qua nạn khỏi. Lạ thay, lời kinh trang nghiêm của Phật giáo lại được đọc với hơi thở từ một trái tim tràn đầy tình yêu và đức hy sinh. Cơ duyên nào đã đưa đẩy một nàng Nhạc Linh San mới 16 tuổi, say mê cái mã đẹp trai của Lâm Bình Chi và dễ dàng phụ rẫy mối thâm tình ban đầu mà cô đã dành cho Lệnh Hồ Xung? Cho đến khi lấy Lâm Bình Chi, nhận ra bản chất tàn bạo của gã, cô mới hối hận vì đã đánh mất một báu vật trên đời: “Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử. Xương trắng thành tro hận chửa tan”. Cơ duyên nào đã đến với thánh cô Nhậm Doanh Doanh, ở ẩn trong ngũ Lục Trúc thành Lạc Dương mà “nhặt” được một chàng Lệnh Hồ Xung ốm o bệnh hoạn và khám phá ra được đó là người đàn ông anh hùng, trung thực, có bản sắc nhất giữa cuộc đời này? Từ bỏ ngôi vị cao quý, cô gái tươi đẹp, thông minh 17 tuổi ấy đi theo chàng trai, bắt ếch nuôi chàng, đánh đàn ru cho chàng ngủ và khi chàng kiệt sức thì cõng chàng lên chùa Thiếu Lâm, chấp nhận cho phái Thiếu Lâm cầm tù để đổi lấy sự sống cho người yêu dấu. Đó là 3 dạng tình yêu trên đời: một tình yêu không nói thành lới do sự mâu thuẫn giữa tôn giáo và thế tục, một tình yêu thực dụng vì say mê hào nhoáng bên ngoài mà không thấy được rõ phẩm chất bên trong, một tình yêu chân chính vì khám phá được chất ngọc bên trong mà không cần chú ý đến vẻ bên ngoài của một con người ốm o tàn tạ. Kim Dung không lên gân bình luận, phê phán; ông chỉ tường thuật và chúng ta hiểu. Thế thôi!
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN Wed 03 Jul 2019, 12:08 | |
| KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI Vũ Đức Sao Biển (tiếp theo)
Những suy niệm siêu hình học Lai như lưu thủy hề, thệ như phong Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung. Từ khi con người xuất hiện trên trái đất, đã có những suy niệm về số phận con người. Lịch sử triết học, văn chương quan nhiều thời đại đã trăn trở đi tìm lời giải cho những vấn nạn: con người là ai, con người từ đầu đến và con người sẽ về đâu. Một tác phẩm văn chương, triết học nhằm cắt nghĩa một trong các vấn nạn ấy được gọi là tác phẩm có giá trị nhân bản, nhân văn.
Ba mươi mấy năm đọc tác phẩm Kim Dung, càng lúc tôi càng nhận ra sự trăn trở của ông trong quá trình tìm cách cắt nghĩa số phận con người. Thời còn đi học, tôi đọc Kim Dung như một cách giải trí, một cách lãng quên cuộc sống thực tại để đi tìm một cuộc sống viễn mộng lí tưởng. Đến tuổi chững chạc, tôi đọc Kim Dung như một cách học tập: học cách viết văn, học phương pháp tiểu thuyết, học những kiến thức Trung Quốc học, học làm người. Thuở đó, tính tôi rất nóng nảy, tâm hồn đầy sự hoài nghi, trí óc đầy niềm căm giận. Gần như, tôi nghi ngờ tất cả mội giá trị trên đời, tôi sẵn sàng căm hận những ngaỳ tháng cũ đau thương và những ngày đang sống đầy trắc trở. Ai gây cho tôi một sự đau khổ, nói với tôi một lời thiếu thiện cảm, thể hiện trước tôi một hành động xúc phạm; tôi đã nghĩ đến chuyện mắt đổi mắt, răng đổi răng. May mắn thay, đọc Kim Dung và các loại sách kinh điển của Nho,Phật, Lão; tôi biết đến sự kìm giữ trái tim và khối óc của mình, tôi biết đến sự tha thứ, vì rằng tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho mình, tôi biết quên những đau thương của chính mình để có thế làm một điều có lợi cho người khác hoặc không làm một điều có thể tổn thương cho người khác. Còn bây giờ, hoàng hôn của thế kỉ 20, mùa thu bắt đầu về trên đời, tôi đọc Kim Dung như một cách chiêm nghiệm, suy tưởng. Lai như lưu thủy hề... (Chợt đến như dòng nước chảy) Phải đợi đến tuổi 50, câu hát Tiểu Siêu thường hát cho Vô Kỵ nghe rút từ kinh điển Bái hoả giáo mới cho tôi nhận ra được là câu hát góp phần cắt nghĩa nguồn gốc con người!
Darwin nói con người đã đi qua một quá trình tiến hoá, phát triển từ khỉ vượn thành người. Thánh Kinh Thiên chúa giáo nói con người là do Thượng đế sinh ra. Nhà Nho điềm nhiên phát biểu mà như không hề phát biểu điều gì: "Chuyện ngoài trời đất, bực thánh nhân biết đấy nhưng không nghĩ đến" (Lục hợp chi ngoại, thánh nhân tồn nhi bất nghị). Lão - Trang hiền triết một cách khôn khéo: "Trong cái không đẻ ra cái có" (Vô trung sinh hữu). Chỉ có Tiểu Siêu hát: "Chợt đến như dòng nước chảy" (Lai như lưu thủy...)
Lai như lưu thủy hề... không trực tiếp trả lời cho hai câu hỏi con người là ai và con người là từ đâu đến. Đúng hơn, nó trực tiếp trả lời cách thế có mặt của con người trước cuộc sống: "Chợt đến như dòng nước chảy". Dòng nước luôn luôn có một khởi nguyên ban sơ, thí dụ như một cơn mưa, một núi băng tan, một hồ chứa, một đập tràn. "Chợt đến như dòng nước chảy" không cắt nghĩa cái khởi nguyên ban sơ đó; nó chỉ nói đến cách thế có mặt; "chợt đến" không cắt nghĩa khởi nguyên, cũng không phủ nhận khởi nguyên. Nguồn gốc và đời sống con người đơn giản chỉ là sự chợt đến; có nguồn có cội đấy nhưng nguồn cội là gì, ở đâu thì đó là chuyện để mỗi con người tự chiêm nghiệm. Bản thân "chợt đến" đã có một quá trình chuẩn bị, không hề tình cờ, không hề tự nhiên mà có. Thệ như phong (Và tàn như gió qua mau)
Con người sống ở trên đời bao nhiêu năm? Không ai trả lời được câu hỏi đó. Phương Đông thường đưa ra khái niệm "trăm năm": "Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì". Bản thân chữ "Trăm năm" đó hoàn toàn mang tính chất tượng trưng, để chỉ số nhiều. Anh may mắn sinh ra trong một gia đình giàu sang, lớn lên khoẻ mạnh, nhiều hạnh phúc... có thể sống được 98 tuổi. Cô gái nghèo kia bỏ ruộng đồng đi bán bia ôm, đem tấm thân trinh trằng cho đám đàn ông thành phố bỡn cợt, đêm trở về căn phòng trọ bị cướp của, hãm hiếp rồi bị giết, chỉ hưởng dương được 23 tuổi. Tôi một đời ưu tư sầu khổ, năm mươi năm chưa thực sự có được một ngày là hạnh phúc, những nếp gấp trên vừng trán càng lúc càng đậm, giọt lệ vĩnh viễn ở cuối mi mắt trái không bao giờ tan được trong cuộc đời làm sao sống được 60 tuổi? Nhưng dù có sống được bao lâu, 23 hay 60, 98 hay 100 tuổi thì thời gian ấy có là gì so với thời gian miên viễn là trường tồn hằng nhiên? Tất cả chỉ là một cái chớp mắt của tạo hoá.
Tôi không ngờ từ một thằng bé nghèo sinh ra trong bom đạn chiến tranh giữa núi rừng Quảng Nam đã trở thành một anh trung niên đang lắng nghe mùa thu về, trí tuệ luôn luôn bị cưỡng bách, không một đêm nào ngủ được quá bảy tiếng, thân xác đau rã rời bởi chứng thoát vị đĩa đệm cột sống và đầu óc luôn bị choáng váng với chứng thiểu năng tuần hoàn não. Ai nói sống trên đời là hạnh phúc? Tôi sống trên năm mươi năm, mong được hưởng một ngày gọi là hạnh phúc để nếm xem mùi vị hạnh phúc là thế nào nhưng vẫn chưa có hân hạnh được nếm thử. Thì thôi, thà mua một đôi giày chật mang dính vào chân suốt ngày, buổi chiều cởi được nó ra lắng nghe hai bàn chân không còn cảm giác đau đớn để cứ gọi đó là hạnh phúc. Vâng, hạnh phúc là sự cởi bỏ được đôi giày quá chật ra khỏi hai bàn chân của bạn.
Thệ như phong Cuộc sống con người ngắn ngủi lắm, tàn mau như gió. Nào có ai thấy được gió, chỉ thấy lá cây rung động, cỏ dợn thành sóng, ta mới biết có gió thổi qua. Gió thổi qua là có thật đấy, ta biết nhưng không thể biết được nó đến khi nào và đi khi nào. Rồi tàn như gió qua mau - danh sĩ hay kẻ ngu đần, mỹ nhân hay ác quỷ, cao quý hay đê hèn, hiền thục hay điêu ngoa - tất cả đều tàn như gió qua mau.
Đây không phải đường về của chủ nghĩa hư vô. Ở cuối đời sống chúng ta là cái chết, là sự suy tàn lụn bại tất yếu của cuộc sống. Sống một ngày là gần gũi với cái chết một ngày, bên nhau một ngày là gần gũi với lâm biệt một ngày - quy luật ấy nhân loại đều đã ý thức rõ rệt. Có hiểu chăng, hỡi bạn đời của tôi?
Bất tri hà xứ lai hề (Chẳng biết từ đâu mà tới) Bây giờ câu hát mới đi thẳng vào vấn nạn từ đâu tới. Ta biết ta có nguồn gốc nhưng nguồn gốc đó ở đâu thì đó là cái mà ta không thể biết được. Ta biết con chim thì nó bay, con cá thì nó lội, nhưng khởi nguyên của khả năng bay, của khả năng lội thì đó là cái mà ta không thể biết được. Ngay cả đến lý do tại sao không biết ta cũng đã không biết rồi. Ta chỉ biết rằng ta không biết và tại sao ta không biết thì đó là điều ta không biết vậy. Giữa cái biết và cái không biết có một biên giới tuyệt đối về mặt ý thức. Biết là ban ngày, không biết là ban đêm; biết là ý thức, không biết là chiều sâu trong vô thức. Phương Đông nói một cách triết lý: Tri chi vi tri chi Bất tri vi bất tri Thị tri giả (Biết cái gì thì làm cái đó Không biết thì làm cái không biết Ấy là biết vậy) Ta biết cái ta không biết - khởi nguyên của loài người - đó là biết vậy chăng? Ngay khi cả ta biết rằng ta không hề biết gì cả cũng là biết vậy chăng? Triết học quả là rất nhân hậu và nhân bản, sẵn sàng tha thứ cho thái độ ngu muội của con người, vẫn cho đó là một thái độ hiểu biết.
Hà sở chung (Và chẳng biết về nơi đâu) Cái gì cũng có một chung cuộc. Nhưng chung cuộc của con người ở đâu thì con người không biết được. Đạo Thiên Chúa nói con người công chính được về với cõi vĩnh hằng, về với nước Chúa, với Thiên đàng, Đạo Phật nghĩ đến một quá trình luôn hồi, trong đó sự đầu thai là một quy luật sẽ diễn ra ở kiếp sau. Đạo Phật dẫn những con gnười đạo hạnh từ bi đi về miền Cực lạc. Cực lạc ở đâu? - Cõi Tây Phương. Tây phương là Tây phương nào? - Không biết. Hà sở chung - nước chảy về đâu, gió tàn về đâu? Cuộc sống hữu hạn ngắn ngủi của con người như nước chảy, như gió thổi. Nước chảy về đâu là chung cuộc, gió thổi về đâu là chung cuộc - đó là điều ta không biết.
Lai như lưu thủy hề, thệ như phong Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung. Câu hát nói về số phận con người sao mà buồn lắm vậy. Trong số phận của con người, có số phận tình yêu. Tình yêu của con người sao mà buồn lắm vậy. Đạo Phật tôn trọng chữ duyên, mọi việc diễn ra hôm nay đều bắt nguồn từ cơ duyên đã được định trước của ngày hôm qua. Nhưng tìm đâu cho ra cơ duyên ấy thì đó là điều mà ta không thể biết được. Thế giới có đến sáu tỉ người, tại sao em chỉ yêu mình ta? Đã bao lần qua núi đồi thanh xuân, cúi xuống, kính cẩn hôn ngọn Ngọc Nữ phong bát ngát tình yêu và hạnh phúc, uống dòng nứớc ngọt ngào từ nguyên khê đổ lại. Ta như không còn có mặt trên đời, ta tan biến vào người, người tan biến vào ta. Bản ngã (Moi) không còn nữa, chỉ còn Đại ngã (Grand Moi). Khi ta cao tới mây xanh, vươn tay ra là chạm tới hạnh phúc, Đại Ngã không còn nữa; ta đang vươn tới Siêu ngã (Sur-Moi). Nhưng siêu ngã chỉ là giây phút thoáng qua. Rồi ta trở lại cuộc đời trần tục, xót xa, đau đớn nhìn nước trôi, ngậm ngùi nghe gió tàn. Lai như lưu thủy hề, thệ như phong Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung. Một thoáng hạnh phúc chợt đến rồi chợt tan biến khỏi đời sống con người. Và chỉ còn ta ở lại, đối diện với hư vô.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN Thu 04 Jul 2019, 09:59 | |
| KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI Vũ Đức Sao Biển (tiếp theo)
Sự suy tàn của chủ nghĩa bạo lực Bao giờ cũng như bao giờ, bạo lực luôn luôn có giữa cuộc sống loài người. Có thứ bạo lực chân chính nhằm duy trì trật tự xã hội, bảo vệ công lý, bảo vệ mạng sống và quyền lợi chính đáng của những con người lương thiện. Có thứ bạo lực phản động nhằm làm náo loạn cuộc sống, gây cảnh can qua cho trăm họ lầm than để thừa cơ hưởng lợi hoặc để cai trị, nô dịch người khác. Loại bạo lực phản động ấy không thiếu trong tác phẩm võ hiệp tiểu thuyết Kim Dung.
Khi xử lý tác phẩm, tác giả thường để cho chủ nghĩa bạo lực tự nó suy tàn đúng như định đề "Gieo nhân nào, hưởng quả ấy" của phương Đông hay "Ai gieo gió phải gặt bão" của phương Tây.
Đoạn lung mở đầu cho Lộc Đỉnh ký có lẽ là đoạn triết luận hay nhất, tài hoa nhất trong sự nghiệp trước tác của Kim Dung. Ông luận về chủ nghĩa duy bạo lực của các thế lực quân chủ mấy ngàn năm ở Trung Quốc qua hai từ "Trục lộc" (đuổi hươu). Mượn lời nhà văn Lữ Lưu Lương dạy con trai, Kim Dung nhắc lại câu nói của Khương Thái Công với Chu Văn Vương: "Lấy thiên hạ như đuổi bắt con hươu để làm thịt chia nhau mà ăn. Con hươu dù có trốn chui trốn nhủi nhưng rốt cuộc vẫn bị bắt. Có khi nó bị nhiều người ăn thịt, có khi một người giành ăn hết".
Con hươu (lộc) ở đây có nghĩa là thiên hạ, mà thiên hạ có nghĩa là đất Trung Hoa. Hán thư có câu: "Nhà Tần để sổng con hươu, thiên hạ tranh nhau đuổi bắt". Hán vương Lưu Bang và Tây Sở Bá vương Hạng Võ cùng đánh nhà Tần, sau cùng Hán vương diệt được Tây Sở Bá vương, chiếm được thiên hạ, bắt được cả con hươu béo mập.
Để có thể nấu thịt hươu lên ăn, người ta phải dùng đến cái vạc to, có ba chân, đốt lửa ở dưới. Cái vạc ấy đồng thời cũng là hình cụ tàn khốc để đốt, để nấu những người phạm trọng tội. Chữ "đỉnh" trong Hán văn tức là cái vạc lớn. Lộc đỉnh có nghĩa là cái vạc lớn để nấu thịt hươu. Tranh nhau "lộc đỉnh" có nghĩa là tranh nhau giành lấy thiên hạ. Các thế lực quân chủ là dao là thớt, muôn triêu dân lành trở thành cá thành thịt.
Để có thể giành lấy thiên hạ, đạt được quyền lực, người ta phải dùng đến bạo lực phi nhân tính nhất. Các thế lực quân chủ dùng bạo lực phi nhân để trục lợi còn các thế lực giang hồ trong các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung cũng dùng bạo lực phi nhân để đô hộ, chế ngự, nô dịch người khác.
Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, chủ nghĩa duy bạo lực luôn luôn gắn liền với các bọn tặc đạo muôi tham vọng thống nhất giang hồ, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Trong Lộc Đỉnh ký, tà đạo Thần Long giáo ở biển Liêu Đông do Hồng An Thông làm giáo chủ nuôi một thứ tham vọng như vậy. Tà giáo này chủ trương xây dựng các hầm rắn để trừng trị những kẻ không trung thành, buộc bọn thuộc hạ uống loại độc dược Độc long dịch cân hoàn để họ phải trung thành với giáo chủ. Họ gọi con rắn (xà) là thần long. Họ cũng có một thứ "kinh điển" nhằm đầu độc trí óc bọn giáo chúng thanh niên, sùng bái cá nhân giáo chủ: Hồng giáo chủ ra oai sấm sét Chúng đồ nhi sức mạnh phi thường... ...Hồng giáo chủ thần kinh như điện Chiếu nhãn quan ra khắp muôn phương...
Tà giáo này có tham vọng tranh đoạt tấm bản đồ chỉ dẫn đi tìm kho báu được giấu trong bộ Tứ thập nhị chương kinh của nhà Thanh. Họ cấy người vào nội cung triều Khang Hy nằm vùng, khuynh loát chính trị và dọ dẫm tìm bảo vật. Thực hiện không được âm mưu ấy, họ định liên minh với các thế lực biên phòng của Sa hoang Nga La Tư để chống lại Trung Quốc. Điều buồn cười là giáo chủ Hồng An Thông tuy danh vọng to lớn, võ công cao cường nhưng chỉ là một lão liệt dương. Khang Hy đã ra lệnh cho hải quân nhà Thanh bắn phá tan tành đảo Thần Long, cuối cùng bọn thuộc hạ quần công Hồng An Thông, giết giáo chủ. Thần Long giáo tự diệt, đơn giản chỉ vì nó là một tà đạo duy bạo lực.
Trong Thiên Long bát bộ lại có một tà phái khác là phái Tinh Tú, do Tinh Tú hải lão ma Đinh Xuân Thu làm chưởng môn. Đinh Xuân Thu là kẻ lừa thầy phản bạn, từng đánh lại thầy mình là Vô Nhai Tử rồi tự mình tách ra khỏi phái Tiêu Dao để lập thành phái Tinh Tú. Vì đã từng lừa thầy nên bản tâm vẫn sợ bọn đồ đệ đánh nổi lên làm loạn chống mình, Đinh Xuân Thu chủ trương dùng thuốc độc và đạn lân tinh để trừng phạt đệ tử. Lão cho phép các đệ tử đánh nhau thoải mái để giành chức đại đệ tử. Lão chiêu nạp một đám bàng môn tả đạo làm đệ tử và đặt ra những ca quyết để đệ tử tâng bốc mình: Tinh Tú lão tiên Danh lừng Trung thổ Đức sánh cửu thiên Đánh đâu thắng đó. Ngày Đinh Xuân Thu trở lại Trung Nguyên, gần như lão khống chế được toàn bộ phái Tiêu Dao. Thế nhưng, như một kịch bản hoàn hảo nhất của công lý trên đời, Đinh Xuân Thu đã bị Hư Trúc, Cung chủ cung Linh Thứu, trừng phạt. Bằng nội công Bắc minh chân khí chính tông, mượn giọt rượu của đệ tử tung lên không gian, Hư Trúc biến các giọt rượu trở thành băng và cấy vào trong các huyệt đạo trọng yếu của Đinh Xuân Thu. Miếng băng lạnh tiếp xúc với da thịt nóng, tan ngay vào các huyệt đạo, hoá thành một thứ bùa gọi là Sinh tử phù. Sinh tử phù chạy vào người Đinh Xuân Thu, trở thành một chất kháng nguyên, khiến lão có cảm giác ngứa ngáy như bị hàng vạn con kiến đốt. Đinh Xuân Thu phải chịu thua, đầu hàng, bị phái Thiếu Lâm nhốt lại. Toàn bộ phái Tinh Tú bị giải tán, bạo lực của Tinh Tú hải lão ma tự diệt vong.
Chủ nghĩa duy bạo lực nhìn vấn đề dưới một nhãn quan đơn giản: có sức mạnh là có thể cai trị, khống chế được người khác. Và để có một sức mạnh thì phải leo lên được đỉnh cao của quyền lực, phải nắm quyền lực trong tay. Khát vọng quyền lực khiến các loại nhân vật giang hồ rình mò nhau, ngấm ngầm hại nhau. Điều đáng xấu hổ là những âm mưu đó lại được nấp sau bộ mặt của người quân tử, kẻ chính nhân - tất nhiên là quân tử, chính nhân giả hiệu. Tiếu ngạo giang hồ xây dựng một bộ ba chưởng môn khả kính: Dư Thương Hải - chưởng môn phái Thanh Thành; Tả Lãnh Thiền - chưởng môn phái Tung Sơn; Nhạc Bất Quần - chưởng môn phái Hoa Sơn. Dư Thương Hải đánh Phước Oai tiêu cuc để tìm lấy kiếm pháp Tịch tà; Tả Lãnh Thiền định triệt hạ bốn phái để leo lên chức chưởng môn Ngũ Nhạc Phái; Nhạc Bất Quần vừa rình mò Dư Thương Hải để chiếm kiếm pháp Tịch tà, vừa tháu cáy Tả Lãnh Thiền để tranh đoạt chức chưởng môn Ngũ Nhạc phái. Họ là những người quân tử chính nhân giả hiệu, mở miệng ra là nói đạo đức, lòng nhân, sự khiêm ái... Cuối cùng Dư Thương Hải bị giết; Tả Lãnh Thiền bị đui mắt; Nhạc Bất Quần cũng bị giết, duy bạo lực bị đền tội bởi chính những mưu đồ và hành vi độc ác của họ đã gây ra.
Sự trừng phạt của cuộc sống khá nghiêm minh: gieo nhân nào hưởng quả ấy, mức độ trừng phạt tương ứng với mức độ nguy hiểm của hành vi.
Tất nhiên, để có thể tiêu diệt chủ nghĩa duy bạo lực này, phải có một thứ bạo lực chính nghĩa đi tiên phong. Đó là bạo lực của những người anh hùng chân chính, trung thực.
Tác phẩm của Kim Dung cũng đi theo con đường "có hậu" của nhiều tác phẩm văn học trên thế giới đã đi: chính nghĩa thắng gian tà. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, bạo lực nhân nghĩa của người Trung Quốc yêu nước đã chiến thắng bạo lực phi nhân nghĩa của các thứ giặc xâm lược Kim Quốc và Mông Cổ. Chủ nghĩa yêu nước lấp lánh phía sau những tình huống tiểu thuyết vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thoại sử đem lại cho người đọc sự thú vị tuyệt vời. Bạo lực phi nghĩa nào cũng có ngày tàn lụi; nếu người ta không sử dụng bạo lực chính nghĩa để tiêu diệt nó thì tự nó cũng có ngày tàn lụi. Đưa ra cái trắng, cái đen, cái thiện và cái ác, cái đúng là cái sai, cái tốt và cái xấu là Kim Dung đã khẳng định quy luật trên. Cho nên, đọc tiểu thuyết của ông, người ta có cảm giác thoả mãn khi thấy công lí thắng lợi, cái ác bị trừng phạt nặng nề. Điều này cũng chính là khát vọng ngàn đời của loài người!
Ngay đến những âm mưu sử dụng bạo lực để khuấy đảo thiên hạ, âm mưu "Toạ sơn quan hổ đấu" cũng tàn lụi từ trong trứng nước. Trong Thiên Long bát bộ, cha con Mộ Dung Bác - Mộ Dung Phục âm mưu phục hồi đế hiệu nước Đại Yên. Để có thể làm việc đó, Mộ Dung Bác phao ngôn rằng quân Khiết Đan sắp tấn công qua Nhạn Môn Quan. Bọn quần hùng Trung Quốc nóng lòng bảo vệ đất nước, ra ải Nhạn Môn Quan đánh giết lầm gia đình Tiêu Viễn Sơn. Không khuấy đảo được cho hai nước Tông - Liêu đánh nhau, Mộ Dung Bác khích cho quốc sư Cưu Ma Trí nước Thổ Phồn nhập Trung Nguyên - Trung Quốc. Làm xong mấy việc đó, Mộ Dung Bác giả chết, vào nằm cùng trong Tàng kinh các chùa Thiếu Lâm, học lén võ công Thiếu Lâm mơ làm anh hùng thiên hạ.
Mộ Dung Phục lại là một tay cơ hội chủ nghĩa ghê gớm. Tưởng cha chết thật, Mộ Dung Phục vẫn âm thầm nuôi giấc mộng Đại Yên. Gã hoá thân thành một cao thủ nước Tây Hạ có cái tên lạ hoắc là Lý Diên Tông, đầu quân vào dưới trướng Hách Liên Thiết Thụ sang đánh Trung Quốc. Việc đánh đấm không thành sự, gã phụ rẫy mối tình của biểu muội Vương Ngữ Yên, sang Tây Hạ dự lễ tuyển phu với một hy vọng hết sức bệnh hoạn: được cưới công chúa Tây Hạ làm vợ, trở thành phò mã Tây Hạ, đem binh lực Tây Hạ về đánh Trung Quốc. Việc lại không thành, gã trở về Trung Quốc, lạy tôn thế tử Đoàn Diên Khánh của nước Đại Lý để hoàng gia nước Đại Lý không còn ai, Đoàn Diên Khánh sẽ lên ngôi, gã là Thái tử. Rồi gã sẽ phế người cha nuôi để lên làm vua nước Đại Lý, đem quân về đánh Trung Quốc.
Cha con Mộ Dung Bác - Mộ Dung Phục, mỗi người một âm mưu, muốn quậy cho Trung Quốc đại loạn để phục hưng nước Đại Yên. Mộ Dung Bác còn khích Kiều Phong - Nam viện đại vương nắm giữ binh quyền nước Khiết Đan - rằng lão sẵn sàng tự tử để tạ tội phao ngôn, chỉ mong Kiều Phong đưa quân Khiết Đan qua Nhạn Môn Quan đánh Tống triều! Hai cha con này ăn chén cơm Trung Quốc mà kịch liệt chống đối lại trăm họ Trung Quốc. Kim Dung giải quyết khá công bằng: ông để cho Mộ Dung Bác tự ngộ ra rằng âm mưu phục hồi nước Đại Yên chỉ là mây trắng, rằng không thể lấy thiên hạ để phục hồi đế vị cho một dòng tộc. Mộ Dung Bác xin ở lại chùa Thiếu Lâm đi tu. Mộ Dung Phục giết hết những bằng hữu trung thành của mình, bị Lục mạch thần kiếm của Đoàn Dự đánh cho tơi tả. Gã phát bệnh tâm thần, đi chằm mũ lá đội, mua kẹo bánh bỏ sẵn trong túi để ...làm vua với các trẻ em chăn trâu. Giấc mơ bạo lực tự nó suy tàn mà không cần đến một tác động ngoại lai.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN Fri 05 Jul 2019, 09:41 | |
| KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI Vũ Đức Sao Biển (tiếp theo)
Thanh kiếm và Cây đàn Thanh kiếm và cây đàn là hai hình ảnh mà ta thường gặp trong thế giới tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Từ Ỷ thiên Đồ long ký, Thiên Long bát bộ đến Tiếu ngạo giang hồ. Trong những giai đoạn lịch sử mà các chế độ phong kiến cầm quyền nhân danh một thứ “vương pháp” tràn đầy bất công và bạo lực áp dụng để cai trị hàng triệu triệu con người, những kẻ có tiền, có quyền, có thế lực ra sức hà hiếp, hãm hại dân đen thì thanh kiếm của người hiệp sĩ trở thành biểu tượng của công lý, một thứ công lý của nhân dân. Thanh kiếm là một vũ khí trừ gian, diệt bạo, tế khổn, phò nguy. Ngược lại cây đàn là một dụng cụ nhằm thể hiện tình cảm, cảm xúc, thể hiện những khát vọng hoà bình, trung chính trước cuộc sống… Nhìn một cách nào đó thì thanh kiếm và cây đàn khó có thể gặp gỡ nhau, khó có thể dung hoà với nhau. Nhưng trong các tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đã tạo ra sự gặp gỡ dung hoà và tương tác giữa hai hình ảnh đó một cách kỳ thú lạ lùng. Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Côn Lôn Tam Thánh Hà Túc Đạo từ dãy Thiên Sơn đi về tỉnh Hồ Nam, đem theo một cây thất huyền cầm và một thanh trường kiếm. “Hỡi ơi, nước xanh và đá trắng sao rời rạc nhau đến như vậy” - lời than thở của Hà Túc Đạo giữa rừng sâu là lời than chưa tìm được một người tri kỷ hồng nhan, như nước xanh cứ mãi trôi mà đá trắng vẫn trơ vơ đứng lại bên đời. Cho đến khi gặp được cô gái Quách Tương, Hà Túc Đạo đã cảm hứng sáng tác ra được một nhạc khúc để chờ có dịp là đàn cho cô nghe. Và trong một trận chiến với 3 cao thủ Thiếu Lâm Tây Vực, Hà Túc Đạo đã ngồi tại chỗ, sử dụng một tay kiếm đánh với đối thủ, tay kia vẫn tiếp tục đánh đàn. Nghe tiếng đàn phơi phới xuân tình, tràn đầy niềm nhớ thương u ẩn, Quách Tương đỏ mặt lên, biết Hà Túc Đạo muốn tỏ tình với mình. Năm ấy cô mới 16 tuổi. Tiếc thay tuy thắng trong trận này nhưng sau đó Hà Túc Đạo đánh thua sư Giác Viễn và Trương Quân Bảo (chính là Trương Tam Phong sau này) ở chùa Thiếu Lâm nên lặng lẽ bỏ Trung Nguyên trở về Thiên Sơn, khiến khát vọng phối hợp thanh kiếm và cây đàn của chàng không thực hiện được. Kim Dung đã để cho Cầm điên Khang Quảng Lăng, nhân vật trong Thiên Long bát bộ thực hiện khát vọng ấy. Khang Quảng Lăng có ngoại hiệu là Cầm điên, một nhân vật chơi hồ cầm rất tài hoa. Lão dùng tiếng đàn làm vũ khí, đấu nhau với kiếm kích đao thương của người khác. Nghe tiếng đàn của lão, trái tim người ta dội ngược, kinh mạch loạn lên, người không có nội công thâm hậu khó chống chọi được điệu đàn của lão, tiếng đàn thoạt đông thoạt tây, thoạt trên thoạt dưới, thoạt gần thoạt xa. Khang Quảng Lăng thuộc phái Tiêu Dao tức là tu theo Lão - Trang. Thế nhưng lão vẫn chưa thoát tục được, giai điệu vẫn chưa đạt đến mức thượng thừa của âm nhạc hoà bình trung chính. Có lẽ điều chưa đạt được đó đã được tác giả Kim Dung thử nghiệm lại trong Tiếu ngạo giang hồ.Trong tác phẩm này, tác giả xây dựng một nhân vật cổ quái là Tiêu Tương dạ vũ Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn. Mạc Đại tiên sinh cất một thanh kiếm ngắn, lưỡi mềm và mỏng như lá lúa trong đáy cây hồ cầm. Tiên sinh được ca ngợi với 8 chữ “cầm trung tàng kiếm, kiếm phát cầm âm” (trong đàn giấu kiếm, kiếm phát tiếng đàn). Kiếm pháp “Bách biến thiên ảo, Hành Sơn vân vụ thập tam thức“ của lão nhằm cứu người trong cơn hoạn nạn, tế khốn phò nguy. Nhưng tiếng hồ cầm của lão chưa thoát tục, cứ đi mãi trên con đường bi ai sầu thảm; lại thêm lời ca của bài Tiêu Tương dạ vũ (mưa đêm trên sông Tiêu Tương) nghe ra đau xót như những giọt mưa rơi xuống lá cây. Mạc Đại tiên sinh là hình ảnh của một trích tiên bị đoạ. Một nhân vật khác của Tiếu ngạo giang hồ là Khúc Dương đã nhận ra chỗ thiếu sót đó của Mạc Đại. Khúc Dương là trưởng lão của Triêu Dương thần giáo (Ma giáo). Khúc Dương là 1 nhạc sĩ tài ba, do không phục một câu nói của Kê Khang, 1 nhạc sĩ đời Tây Tấn đã đàn khúc Quảng lăng tán trước khi bị Tư Mã Chiêu giết, rằng: “ta chết đi từ nay trên đời không còn khúc Quảng lăng tán nữa”. Khúc Dương đã bỏ công ra đi đào 29 ngôi mộ của các vua chúa và đại thần thời Đông Hán và Tây Hán và đến ngôi mộ thứ 29 ở đất Thái Ung thì lão tìm ra khúc phổ Quảng lăng tán, Khúc Dương đã cải biên thành nhạc khúc dành cho đàn thất huyền cầm và gọi tên khúc đó là Tiếu ngạo giang hồ. Lão chơi thân với Lưu Chính Phong, nhạc sĩ thổi sáo của phái Hành Sơn. Lưu Chính Phong dựa vào cung đàn của Khúc Dương để viết 1 phần tiêu phổ cho ống sáo. Cầm tiêu song tấu, họ có được nhạc khúc Tiếu ngạo giang hồ hoà bình, trung chính; thể hiện được khát vọng được sống tự tại tiêu dao của một kiếp người. Nhưng cả Lưu Chính Phong và Khúc Dương đều bị lên án bởi phái Tung Sơn. Với tham vọng lên ngôi minh chủ Ngũ Nhạc kiếm phái, chưởng môn phái Tung Sơn là Tả Lãnh Thiền đã sai thủ hạ sát hại Lưu Chính Phong, định tiêu diệt phái Hành Sơn trước. Thế nhưng trên cả âm mưu của phái Tung Sơn, Nhạc Bất Quần, chưởng môn đã nuôi mộng lên ngôi Ngũ Nhạc phái (bỏ chữ kiếm) bằng chính một đường kiếm tàn ác - Tịch tà kiếm pháp - mà lão ăn cắp được. Cũng với thanh kiếm, Lệnh Hồ Xung đã học được Độc Cô cửu kiếm để trị Tịch tà. Tác giả Kim Dung đã để cho Độc Cô thắng Tịch tà, lấy cái ngay thẳng để chế ngự cái tà ma, lấy cái chính nhân để trị cái nguỵ quân tử. Và khi thanh kiếm chính nghĩa đã toàn thắng thì khúc hợp tấu cầm tiêu Tiếu ngạo giang hồ lại ung dung trổi lên, hoà bình trung chính làm say đắm lòng người nghe. Lưỡi kiếm là bạo lực, có cái bạo lực phản động, có cái bạo lực để chống bạo lực phản động. Tiếng đàn là tiếng lòng, là âm điệu của hoà bình nhân ái. Lưỡi kiếm ngay thẳng chống bạo lực phản động, lập lại công lý cho cuộc sống để tiếng đàn hoà bình, nhân ái được cất lên. Toàn bộ khát vọng của Kim Dung được thể hiện qua Ỷ thiên Đồ long ký, Thiên Long bát bộ giữa sự giao thoa của kiếm và đàn chưa hoàn thành. Và ông viết tiếp Tiếu ngạo giang hồ để hoàn thành ước mơ đó. Chàng kiếm sĩ Lệnh Hồ Xung với đường Độc Cô cửu kiếm cuối cùng cũng buông lưỡi kiếm xuống, cầm lấy cây đàn cùng người yêu thổi tiêu hợp tấu Tiếu ngạo giang hồ. Vì vậy mà trên cuộc sống này vẫn tồn tại câu nói “Hoà bình là hiệu quả của chân lý”. Ở một chừng mực nào đó Kim Dung đã thể hiện tư tưởng có trước đây hơn 2000 năm của Socrate “Hoà bình chỉ thực sự có khi công lý được xác lập”.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN Wed 10 Jul 2019, 10:43 | |
| KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI Vũ Đức Sao Biển (tiếp theo)
Huyền thoại Thủ cung sa Thủ cung sa (守宮沙) có lẽ là một khái niệm khá mới trong hệ thống từ Hán - Việt của ngôn ngữ Việt Nam. Tôi đã tra 6 cuốn từ điển Hán - Việt hoặc Việt – Hán mà không tìm ra được từ ghép này, có lẽ vì nó cổ quá và có lẽ đến bây giờ, người phụ nữ Trung Quốc không cần đến nó nữa. Cuộc sống văn minh với làn sóng “cách mạng tình dục”, tư tưởng tự do luyến ái và một chút thực dụng của chủ nghĩa hiện sinh Tây phương đã ảnh hưởng đến phương Đông.
Người phương Đông, kể cả người phương Đông Trung Quốc, vốn là con cháu Đức Khổng Phu tử, đã có một quan điểm rất thoáng về chữ trinh nơi người phụ nữ. Tôi nhấn mạnh chữ Trinh (貞) chứ không phải chữ Tiết (節). Trinh là một cái gì đó hoàn toàn nguyên vẹn, ban sơ mà đạo Khổng vốn coi là biểu tượng của sự trong trắng, đạo đức, của tất cả các hành vi giữ mình như ngọc của một cô gái mới lớn lên.
Trong y học, trinh mang ý nghĩa cụ thể hơn: đó là một cái màng mỏng nằm trong nội cung người phụ nữ. Ai còn trinh thì được gọi là xử nữ. Và do vậy, màng trinh được gọi là xử nữ mạc. Thủ cung sa là một dấu vết nhỏ có màu đỏ sậm của thần sa, được điểm lên cánh tay của một cô gái mới lớn (thường là cánh tay trái, cách vai khoảng một tấc, ngang với chỗ mà ngày nay người ta chủng ngừa đậu mùa) để chứng minh cô gái ấy còn trinh bạch. Các thầy thuốc ngày xưa khó lòng quan sát xử nữ mạc, mà dẫu muốn quan sát cũng chưa chắc được ai cho! Cho nên, người Trung Quốc cổ mới nghĩ đến một tiêu ký nhằm hình tượng hoá chữ trinh ra ngoài cấm địa của người phụ nữ - ấy là vế thủ cung sa trên cánh tay. Muốn biết cô gái nào còn là xử nữ hay không, chỉ chỉ cần vén tay áo lên xem xét thủ cung sa còn hay mất. Nếu thủ cung sa mất đi thì ô hô, ai tai; dẫu có mười miệng cũng không biện giải, cãi chày cãi cối nữa với mọi người vốn thuộc lòng câu “Nam nữ thọ thọ bất thân”.
Làm sao lưu được tiêu ký của thủ cung sa? Hán thư, cách chúng ta trên 2.000 năm, ghi chú rõ: bắt một con tắc kè con, nuôi nó cho thật tử tế, cho nó ăn hết bảy cân thần sa. Đập nát con tắc kè, vắt xác của nó lấy một loại nước có màu đỏ sậm. Đem nước ấy chấm lên cơ bắp cánh tay trái của cô gái mới lớn. Dấu chấm ngoài da sẽ ăn sâu vào lớp ngoại biểu bì, để lại một vết tròn màu đỏ sậm trên làn da trắng nõn. Vết tròn màu đỏ sậm ấy chính là biểu tượng uy nghi, hùng hồn nhất của sự trinh bạch. Nếu cô gái tự mình gần gũi với người đàn ông hoặc bị cưỡng hiếp, vết thủ cung sa sẽ mất đi ngay.
Lý luận thì chặt chẽ như vậy nhưng Hán thư của học giả Ban Cố vẫn không cắt nghĩa được mối tương quan hữu cơ giữa thủ cung sa trên cánh tay và xử nữ mạc trong nội cung của người phụ nữ. Nói cách khác, lời bí chú của Hán thư không giải thích được tại sao khi xử nữ mạc bị rách thì vế thủ cung sa lại biến mất đi và giả thiết một cô gái bị mất thủ cung sa rồi thì họ có thể… làm lại cái mới không. Và bởi thủ cung sa có được từ nước cốt của con tắc kè ăn đủ 7 cân thần sa, nghĩa là chuyện mà tất cả mọi nhà ở Trung Quốc đời Hán đều làm được, và bởi thịt da ai cũng như ai nên tôi đồ chừng tất cả mọi phụ nữ Trung Quốc (thời Hán thôi nhé) từ cô gái 16 tuổi thơm như đóa ngọc lạn đến người thiếu phụ 50 tuổi có mấy mặt con, tả tơi như tàu lá chuối sau trận bão, đều có thể tự làm tiêu ký thủ cung sa được. Đến lúc đó, dẫu sư phụ của các danh y Hoa Đà, Biển Thước nhìn được vết thủ cung sa cũng khó lòng nhận ra chân giả, thực hư. Không chừng rút kinh nghiệm đó mà ngày nay, các tú bà thường cho bác sĩ “tân trang” xử nữ mạc các cô để gạt mấy tay Hongkong, Taiwan giàu sụ.
Đó là chuyện 2.000 năm trước. Hai ngàn năm sau, nhà văn Kim Dung đã đưa huyền thoại thủ cung sa của dân tộc mình vào trong các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của ông, vẫn với mục đích chứng minh cho sự trinh bạch của người phụ nữ mới lớn. Các nhân vật nữ của ông như Chu Chỉ Nhược (Ỷ thiên Đồ long ký), Lý Mạc Sầu (Thần điêu hiệp lữ), Mai Phương Cô (Hiệp khách hành) đều giữ được những vết đỏ thắm của thủ cung sa trên cánh tay trắng nõn nà. Nghĩa là họ không hề mất trinh, chưa từng chăn gối với đàn ông, chưa thất thân vì người khác giới như họ tự nhận hoặc do người khác vu vạ. Lứa đôi Chu Chỉ Nhược và Trương Vô Kỵ thương yêu nhau. Diệt Tuyệt sư thái, chưởng môn phái Nga My lại buộc học trò Chu Chỉ Nhược của mình phải thề độc, không được thương yêu Trương Vô Kỵ. Chu Chỉ Nhược phải dựng lên câu chuyện Tống Thanh Thư là chồng của cô để đánh lừa mọi người, chủ yếu là đánh lừa chàng Trương. Khi Tống Thanh Thư bị đánh trọng thương, mọi người vẫn đinh ninh rằng Chu Chỉ Nhược đã là đàn bà. Đến lúc đó, Chu Chỉ Nhược mới vén cánh tay áo lên cho mọi người biết cô vẫn còn vết thủ cung sa tươi thắm. Vết thủ cung sa đó đủ sức cải chính tất cả mọi lời đồn đại, mọi điều mà cô đã tự nhận về mình. Mai Phương Cô thương yêu Thạch Thanh nhưng Thạch Thanh đã có vợ, có hai con trai. Trong một cơn ghen tuông làm mất lý trí, cô đã bắt một đứa con mới 3 tháng tuổi của Thạch Thanh đem đi, nuôi nấng hài nhi thành người, đặt tên là Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống). Đứa bé lớn lên, vẫn đinh ninh Mai Phương Cô là mẹ ruột của mình. Cho đến một ngày vợ chồng Thạch Thanh lên núi Hùng Nhĩ tìm Mai Phương Cô, có cả cậu trai Cẩu Tạp Chủng đi theo, Mai Phương Cô vẫn vì cơn ghen, không tiết lộ thân thế Cẩu Tạp Chủng. Ai cũng yên chí Phương Cô chửa hoang, sinh ra thẳng bé không cha, riêng vợ Thạch Thanh thì cho rằng chồng mình đã chăn gối với Mai Phương Cô sinh ra cậu Cẩu Tạp Chủng. Kim Dung đã xử lý tình huống tiểu thuyết hết sức bi kịch nhưng cũng hết sức cao thượng: ông để cho Mai Phương Cô tự vận, một bên áo rách hiện rõ vết thủ cung sa trên làn da trắng. Nghĩa là Mai Phương Cô vẫn còn trinh bạch. Còn Cẩu Tạp Chủng là ai, tại sao khuôn mặt chàng giống hệt Thạch Thanh, tại sao chàng gọi Mai Phương Cô là má má thì tự độc giả tìm hiểu.
Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, huyền thoại thủ cung sa được nâng lên thành hiện thực mang dấu ấn của triết lý, dấu ấn của tư tưởng nhân văn và nhân đạo. Nếu cứ lý luận theo kiểu nhà nho thì ai còn trinh mới là đạo đức; ai mất trinh là kẻ hư thân. Nhưng Kim Dung không nhìn người phụ nữ Trung Quốc theo nhãn quan đó. Trong Thần điêu hiệp lữ, ông xây dựng nhân vật Tiểu Long Nữ, chưởng môn phái Cổ Mộ Đài. Tiểu Long Nữ mới 18 tuổi, thương yêu người học trò nhỏ hơn cô 2 tuổi là Dương Qua. Một hôm, khi cô đang thoát y để luyện Ngọc nữ tâm kinh trong bụi rậm thì bị một tên đệ tử phái Toàn Chân là Doãn Chí Bình điểm huyệt, che mặt rồi đưa vào chỗ kín đáo cưỡng hiếp. Cô gái đau khổ khi mất đi vết thủ cung sa và cảm thấy không còn xứng đáng với chàng học trò nhỏ Dương Qua nữa. Cô đau xót bỏ Dương Qua ra đi. Nhưng trong con mắt Dương Qua, một Tiểu Long Nữ mất trinh còn hơn hàng vạn cô gái trinh bạch khác trên đời. Dương Qua ra đi tìm cô khắp bốn phương trời.
Không có nhà văn nào can đảm như Kim Dung khi đưa ra một người thầy mất trinh, một mối tình thầy trò trong một bối cảnh xã hội mà Khổng giáo vẫn chiếm tư thế độc tôn như xã hội Trung Quốc thế kỷ XI. Ở đây, ông muốn chứng minh một điều: chữ trinh qua dấu vết thủ cung sa không là cái gì cả. Một tai nạn thông thường hoặc nghiêm trọng có thể làm mất đi sự trinh bạch của người phụ nữ nhưng phẩm giá và tình yêu của người phụ nữ đó vẫn còn nguyên vẹn. Chất nhân bản, nhân văn đó dễ có mấy ai đã thể hiện được trong tiểu thuyết. Một Lý Mạc Sầu trinh bạch nhưng tàn ác vẫn thua xa một Tiểu Long Nữ bị mất trinh nhưng tấm lòng quảng đại bao dung. Nếu với đàn ông, Kim Dung thường đưa câu “Đừng đem thành bại luận anh hùng” thì với phụ nữ, chúng ta cũng có thể nghĩ đến câu “Chớ đem trinh tiết khoe thục nữ”. Thủ cung sa, rốt cuộc lại, chỉ là quan điểm của Kim Dung về chữ trinh, một quan điểm mới mẻ, vượt xa công thức sơ lược của cổ nhân.
Trước Kim Dung trong hơn 200 tác phẩm tiểu thuyết Minh – Thanh, chữ trinh đã từng là vấn đề trong Tây sương ký, Liêu trai chí dị, Tam quốc chí, Hồng lâu mộng. Thế nhưng, chữ trinh đó đôi khi rất cực đoan, đôi khi lại bị xem quá nhẹ. Chữ trinh trong tác phẩm tiểu thuyết Kim Dung không nhẹ, cũng chẳng cực đoan. Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh, thời điểm, số phận của từng nhân vật cụ thể. Kim Dung không lấy chữ trinh làm thước đo phẩm giá người phụ nữ. Những nhân vật nữ thất trinh của ông như Tiểu Long Nữ, Kỷ Hiểu Phù… khiến người đọc thông cảm, xót xa, kính trọng. Văn chương của Kim Dung đúng là một thứ văn chương nhân bản, nhân văn.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN Thu 11 Jul 2019, 07:34 | |
| Hì, mún thí nghiệm thử coi sách nói đúng hôn mờ hổng biết kiếm đâu ra con tắc kè con với 7 kí thần sa đây? |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10638 Registration date : 23/11/2007
| | | | Trăng
Tổng số bài gửi : 1844 Registration date : 23/04/2014
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN Thu 11 Jul 2019, 13:35 | |
| - Ai Hoa đã viết:
- Trà Mi đã viết:
- Hì, mún thí nghiệm thử coi sách nói đúng hôn mờ hổng biết kiếm đâu ra con tắc kè con với 7 kí thần sa đây?
Hỏi cô giáo T dạy hoá sinh nè, xem tắc kè con tác dụng với 7 kí thần sa thành ra cái gì? Thầy và tỷ TM biết nè mà hong chịu nói.. Tỷ TM ui , tắc kè dễ kiếm rồi , còn thần sa thì...cũng kiếm dễ luôn Thần sa là phân tử sulfur Thủy ngân HgS , có dang khối màu đỏ, nếu dạng bột gọi là chu sa , trong HgS có chứa selen chữa thần kinh rất hay nhưng nếu hòa bằng nước nóng sẽ dễ phân hủy thủy ngân rất độc Chuyện thủ cung sa hong biết thực hư nhưng giới mỹ thuật hay dùng chu sa hòa nước làm mực ấn triện, đóng lên tranh khó phai màu Như vậy làm thủ cung sa cũng dễ ha tỷ, hong cần chờ tắc kè ăn 7kg thần sa ( gặm sao nỗi cả khối ), lấy chu sa hay nghiền nát thần sa ra , hòa nước rồi chấm 1 giọt lên tay , bảo đảm hàng thủ cung sa này chất lượng cao , 1 tuần mới phai , phai rồi chấm lên tiếp |
| | | Ai Hoa
Tổng số bài gửi : 10638 Registration date : 23/11/2007
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN Fri 12 Jul 2019, 12:37 | |
| - Trăng đã viết:
- Ai Hoa đã viết:
- Trà Mi đã viết:
- Hì, mún thí nghiệm thử coi sách nói đúng hôn mờ hổng biết kiếm đâu ra con tắc kè con với 7 kí thần sa đây?
Hỏi cô giáo T dạy hoá sinh nè, xem tắc kè con tác dụng với 7 kí thần sa thành ra cái gì? Thầy và tỷ TM biết nè mà hong chịu nói.. Tỷ TM ui , tắc kè dễ kiếm rồi , còn thần sa thì...cũng kiếm dễ luôn Thần sa là phân tử sulfur Thủy ngân HgS , có dang khối màu đỏ, nếu dạng bột gọi là chu sa , trong HgS có chứa selen chữa thần kinh rất hay nhưng nếu hòa bằng nước nóng sẽ dễ phân hủy thủy ngân rất độc Chuyện thủ cung sa hong biết thực hư nhưng giới mỹ thuật hay dùng chu sa hòa nước làm mực ấn triện, đóng lên tranh khó phai màu Như vậy làm thủ cung sa cũng dễ ha tỷ, hong cần chờ tắc kè ăn 7kg thần sa ( gặm sao nỗi cả khối ), lấy chu sa hay nghiền nát thần sa ra , hòa nước rồi chấm 1 giọt lên tay , bảo đảm hàng thủ cung sa này chất lượng cao , 1 tuần mới phai , phai rồi chấm lên tiếp Hay a! T thí nghiệm thử chưa? Mai mốt tiếp thị thuốc tạo thủ cung sa cho trinh nữ chắc giàu to à! _________________________ Sông rồi cạn, núi rồi mòn Thân về cát bụi, tình còn hư không |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI - VŨ ĐỨC SAO BIỂN | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 10 trong tổng số 19 trang | Chuyển đến trang : 1 ... 6 ... 9, 10, 11 ... 14 ... 19 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |