Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 21:37

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Yesterday at 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next
Tác giảThông điệp
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:27

V-THỦ PHÁP ĐIỆP NGỮ :

Điệp ngữ là thủ thuật lặp đi lặp lại có chủ ý một từ nào đó , mục đích để thi vị hoá câu thơ, đồng thời nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ một điểm đặc trưng trong câu. Điệp ngữ cũng có nhiều hình thức khác nhau và cũng thường được sử dụng xen lẫn vào trong các thủ pháp khác, đặc biệt là
hay đi kèm cùng câu đồng dạng


1-Điệp ngữ qua hình thức sử dụng “từ láy” :

Trong tiếng Anh, khi một tính từ (Adjective) nhận thêm một hậu tố (Suffix) ISH, ta sẽ có được một tính từ mới có nghĩa nhẹ nhàng hơn . Ex :

Brown --------- Brownish
Yellow -------- Yellowish

Trong tiếng Việt, cách dùng Điệp ngữ dưới hình thức “từ láy” cũng có giá trị tương tự, trong đó, chữ thêm vào đặt trước chữ chính . Thí dụ :


Xa xa --------- hơi hơi xa
Xanh xanh ----- hơi hơi xanh, xanh nhạt
Nho nhỏ ------- hơi hơi nhỏ
Tim tím ------- hơi hơi tím, tím nhạt

Để ý rằng :
-Nếu chữ chính thanh bằng (Xa, Xanh, Buồn...): Lặp lại y nguyên chữ đó (Xa xa, xanh xanh, Buồn buồn...)
-Nếu chữ chính thanh trắc (Nhỏ, Tím, Đỏ...) : Lặp lại bằng từ thanh bằng tiệm cận với từ ấy (Nho nhỏ, Tim tím, Đo đỏ, Biền biệt, Văng vẳng, Đằng đẵng ...)

***Các thí dụ về Điệp ngữ dùng “Từ láy” trong thơ lục bát :

Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dang tay ra về
Bước lần theo ngọn tiểu khê
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nấm đất bên đàng
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
.................……………..(Nguyễn Du-Kiều)

Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tằm
Trời hôm mây kéo tối rầm
Dàu dàu ngọn cỏ, đầm đầm cành sương
.................……………..(Nguyễn Du-Kiều)

Nàng thì chiếc bóng song mai
Đêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây
Sân rêu chẳng vẽ dấu giày
Cỏ cao hơn thước, liễu gầy vài phân
Đoái trông muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa
................………….(Nguyễn Du-Kiều)

Hỏi han hết mực kính nhường
Cớ sao cố ý chặn đường xe qua
Ba lần hỏi, chẳng thèm thưa
Trước sau vờ vĩnh pho pho ngáy đều
Gió đưa râu bạc phiêu phiêu
Phơ phơ tóc trắng, ra chiều tiên nhân
...............……………….(HSN-ƯHPT)

Gióng cương trực chỉ Tây Hà
Tần kề một bước, Nguỵ xa ngàn trùng
Rừng mai khuất đám bụi hồng
Lửa hương se thắt chạnh lòng mà đau
Băng băng xe lướt ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt khơi sầu chinh nhân
Xa xa thấp thoáng non Tần
Biết bao gian khổ khó khăn sẵn chờ
...............………………..(HSN-ƯHPT)

Trời chiều, bóng ngả cô liêu
Hai quân im tiếng, đìu hiu chiến trường
Xa xa hạc lẻ kêu sương
Đó đây văng vẳng tiếng hờn âm u
Oan hồn tử sĩ phiêu du
Khói hương chẳng có, mịt mù sầu dâng
............………………....(HSN-ƯHPT)

Nhanh chân núp dưới tường hoa
Em không có nón, trời mưa tầm tầm
Đường xa, trời tối, mưa dầm
Người không quen biết xăm xăm ngỏ lời
........………..(HSN-Lời người trong mưa)

Từ khi trao gửi trâm vàng
Chia tay rời khỏi miệng hang trở về
Đường xa muôn dặm sơn khê
Nước đi biền biệt không về cùng non
Nghẹn ngào đá lấp, người chôn
Chẳng hay quân tử mất còn nơi nao
Rưng rưng ruột xót gan bào
Bời bời hoa lá, dàu dàu cỏ cây
.......(HSN-Thạch Sanh Lý Thông Tân Biên)


2-Điệp ngữ đi cùng câu đồng dạng trong một trường đoạn:
(Xin xem lại ở phần Câu đồng dạng)

***Thêm một số các thí dụ :

Rút trâm giắt sẵn mái đầu
Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài
......................(Nguyễn Du-Kiều)... 3 lần “Lại càng”

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày
......................(Nguyễn Du-Kiều)... 4 chữ “Khi”

Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
Còn non còn nước còn dài
Còn về còn nhớ đến người hôm nay
......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 5 chữ “Còn”

Xem gương trong bấy nhiêu ngày
Thân con chẳng khỏi mắc tay bợm già
Khi về bỏ vắng trong nhà
Khi vào dúng dắng, khi ra vội vàng
Khi ăn khi nói lỡ làng
Khi thầy khi tớ xem thường xem khinh
......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 7 chữ “Khi”

Lo gì việc ấy mà lo
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu
Làm cho nhìn chẳng được nhau
Làm cho đày đoạ cất đầu chẳng lên
Làm cho trông thấy nhãn tiền
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay !
......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 3 lần “Làm cho”

Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi
Bắt khoan bắt nhặt đến lời
Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay
......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 5 chữ “Bắt”

Sẵn Quan âm các vườn ta
cây trăm thước, hoa bốn mùa
cổ thụ, sơn hồ
Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh
......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 4 chữ “Có”

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ dàu dàu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
......................(Nguyễn Du-Kiều) ... 4 lần “Buồn trông”


Nguỵ Tề càng đánh càng điên
Men say càng bốc, ghét ghen càng nồng :
Đánh cho chết đứa cuồng ngông
Đánh cho hết kẻ ám thông nước ngoài
Đánh cho tuyệt nọc tay sai
Đánh cho trắng mắt những loài gièm pha !
.......(HSN-Ứng Hầu Phạm Thư) ... 4 “Càng”, và 4 lần “Đánh cho”

Nhớ chăng gương Bá Lý Hề
Bảy mươi chăn ngựa nuôi dê xứ người
Nhớ chăng Câu Tiễn nằm gai
Phơi sương nếm mật có ngày nên công
...............(HSN-Ứng Hầu Phạm Thư) ... 2 lần “Nhớ chăng”

Chợt quen em, phút giây này
Long lanh mắt biếc, bay bay tóc huyền
Mỉm cười, duyên lại thêm duyên
Càng nghe càng mến, càng nhìn càng ưa
..................(HSN-Mưa tình cờ) ... 4 chữ “Càng”

Đường đời càng ngẫm càng đau
Càng buồn càng tủi càng sầu càng thương
Tơ không ai vấn mà vương
Chiêm bao chưa tỉnh hồn nương xứ nào ?
...................(HSN-Một thuở đưa đò) ... 6 chữ “Càng”

LƯU Ý :

Có lẽ cũng cần thiết phải phân biệt “Cách nói trùng lặp”“Điệp ngữ”

-Cách nói trùng lặp, nhai đi nhai lại, cà lăm là cách diễn đạt rất tầm thường vì cho thấy người viết túng ý, nghèo từ, thiếu lời nên cứ phải nói đi nói lại mãi một từ hoặc một câu

-Trong khi đó, Điệp ngữ là sự lặp đi lặp lại một từ nào đó có chủ ý để làm tăng tính thi vị của câu thơ. Thủ pháp này rất đặc sắc, vì thường được “lồng vào”, “nhúng vào” , “kèm theo” vô số những “quái chiêu”.

Nếu Điệp Ngữ ví như ánh sao sáng lấp lánh trên bầu trời đêm, thì cách nói trùng lặp chỉ là... chân vịt trên mặt bùn. Cả 2 đều... có cùng... 5 cánh , nhưng khác nhau xa, khác nhau nhiều lắm vậy...
Thật lạ lùng khi có nhiều thức giả lại nhầm lẫn, cho rằng 2 thứ này... là một, không những vậy, còn đưa ra lời khuyến cáo sai lầm: "càng ít dùng điệp ngữ... càng tốt" (!)

Hàn Sĩ Nguyên





_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Tue 08 Sep 2009, 00:36; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:28

3-Các thủ pháp Điệp ngữ đặc biệt

Có lẽ cũng cần thiết phải phân biệt “Cách nói trùng lặp”“Điệp ngữ”

-Cách nói trùng lặp, nói lắp, cà lăm là cách diễn đạt rất tầm thường vì cho thấy người viết túng ý, nghèo từ, thiếu lời nên cứ phải nhai đi nhai lại mãi một từ hoặc một câu

-Trong khi đó, Điệp ngữ là sự lặp đi lặp lại một từ nào đó có chủ ý để làm tăng tính thi vị của
câu thơ. Thủ pháp này rất đặc sắc, vì thường được “lồng vào”, “nhúng vào” , “kèm theo” vô số những “quái chiêu”.

Dưới đây là một số “quái chiêu” hay đi kèm cùng Điệp ngữ

3.1- Điệp ngữ & từ bất định :

Đừng điều nguyệt nọ hoa kia
Ngoài ra AI lại tiếc gì với AI
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Khóc rằng :-“Oan khốc vì ta
Có nghe lời trước, chẳng đà luỵ sau
Cạn lòng chẳng biết nghĩ sâu
Để AI trăng tủi hoa sầu vì AI”
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Vườn xưa khuất bóng AI rồi
AI thành tượng đá ngậm ngùi thiên thu
...................(HSN-Thiên thu ngậm ngùi)

Nhìn nhau lòng những ngượng ngùng
Vì đâu AI bỗng lạnh lùng với AI
...................(HSN-Tình cờ)

+++Trong các thí dụ trên , cùng một đại từ bất định AI (indefinite pronoun) nhưng đều chỉ 2 đối tượng khác nhau


3.2- Điệp ngữ kiêm chơi chữ :

ĐÀO tiên đã bén tay phàm
Thà vin cành QUÝT cho CAM sự đời
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

+Chơi chữ cùng một chủng loại : (Họ “trái cây” : Đào, cam, quýt).
+Chơi chữ một chữ 2 nghĩa : “cam” ngoài nghĩa là “quả cam” còn có nghĩa là “cam lòng, cam đành. cam chịu” nữa !

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật MÌNH, MÌNH lại thương MÌNH, xót xa
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Chơi chữ khác từ loại : “giật mình” (trạng từ cách thức-Adverb of manner), “mình” (chủ từ-Subject) , và “mình” (đại từ phản thân-Reflexive pronoun)

Mượn người thuê kiệu rước nàng
BẠC đem mặt BẠC kiếm đàng cho xa
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Chơi chữ một chữ 2 nghĩa : Chữ “Bạc” thứ nhất là danh từ riêng chỉ tên người (Bạc Hạnh), chữ “bạc” thứ hai là tính từ “bạc bẽo”

Lòng RIÊNG, RIÊNG những kính yêu
Chồng CHUNG chưa dễ ai chiều cho ai
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

+Chơi chữ khác từ loại : “riêng” trong “lòng riêng” là tính từ , chữ “riêng” thứ nhì là trạng từ (=especially)
+Chơi chữ từ đối lập : “chung” và “riêng”

Hiên tà gác bóng nghiêng nghiêng
Nỗi RIÊNG, RIÊNG chạnh tấc RIÊNG một mình
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Chơi chữ chữ riêng khác từ loại

CỔ chưa đứt CỔ là may
Phún nhân hàm huyết từ nay xin chừa !
...................(HSN-Ứng hầu Phạm Thư)

Chơi chữ khác từ loại : Chữ “Cổ” thứ nhất là danh từ riêng chỉ tên người (Tu Cổ), chữ “cổ” thứ hai là danh từ chung (cái cổ, đầu cổ)


3.3- Điệp ngữ điên đảo càn khôn :

Nguyệt hoa / hoa nguyệt não nùng
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng ?
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Lửng lơ / lơ lửng cánh diều
Lênh đênh theo sóng bọt bèo lênh đênh
...................(HSN-Bọt bèo lênh đênh)

3.4- Điệp ngữ tiền hậu song trùng

Sá chi liễu ngõ hoa tường
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Xót thay đào lý một cành
Một phen mưa gió, tan tành một phen
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Phận bèo bao quản nước sa
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Anh hùng mới biết anh hùng
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa ?
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Giá đành trong nguyệt trên mây
Hoa sao hoa khéo đoạ đày bấy hoa ?
Tức gan riêng giận trời già
Lòng này ai hiểu cho ta hỡi lòng ?
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Thân tàn gạn đục khơi trong
Là nhờ quân tử khác lòng người ta
Mấy lời tâm phúc ruột rà
Tương tri dường ấy, mới là tương tri
.....................................(Nguyễn Du-Kiều)

Lá dâu thưa lá vườn dâu
Giàn hoa thiên lý phai màu giàn hoa
Bèo ken đặc kín ao nhà
Vườn mênh mông cỏ, xót xa không vườn ?
...................(HSN-Áo anh sứt chỉ đường tà)

Lửng lơ lơ lửng cánh diều
Lênh đênh theo sóng bọt bèo lênh đênh
...................(HSN-Bọt bèo lênh đênh)

3.5- Điệp ngữ Lưỡng Đầu Xà

Là một loại Điệp ngữ Tiền hậu song trùng đặc biệt, 2 chữ cuối là hoán vị, là nghich đảo của 2 chữ đầu. Trong toàn bộ truyện Kiều chỉ tìm thấy một câu có sử dụng Lưỡng Đầu Xà như sau :

Nay hoàng hôn đã, lại mai hôn hoàng

Nhưng câu này không phải là Lưỡng Đầu xà chính tông, vì 2 chữ "hoàng hôn" ấy không nằm ở đầu câu
Các thí dụ về Lưỡng Đầu Xà khác có thể đọc thêm ở THI PHÁP chương 3,4 (phần nói về Thất Ngôn Bát Cú ).

3.6- Điệp ngữ... Lã Đầu Xường

Lã Đầu Xường là thủ pháp Điệp ngữ Lưỡng Đầu Xà Nghich Thiệt (nói lái). Hai chữ cuối là nghich đảo , nói lái của 2 chữ đầu. Hình thức này khó hơn Lưỡng Đầu Xà một bậc nữa , nhưng cũng tinh vi hơn, cao chiêu hơn , khó... nhằn hơn

Hoàng hôn thấm lạnh hồn hoang
...........................................

Các bài tham khảo về Lã Đầu Xường (Xem chương 3,4)


Kết luận về Mỹ Từ Pháp :

Các thủ thuật Mỹ từ pháp, ngoài những điều đã nêu (Ngắt mạch, Tiểu đối, Đồng dạng, Ẩn ngữ, Đảo ngữ, Điệp ngữ...) vẫn còn nhiều hình thức quái chiêu khác, cụ thể như : Nhân cách hoá, Ẩn dụ, Hoán dụ, Nghịch đảo, Thậm xưng, Khoa đại , Tỷ giảo v.v...
Tuy vậy, không thể một lúc mà có thể tiếp thu hết ngay được. Biết nhiều quá, nhiều khi lại chỉ ... có hại !!!
Các thủ pháp trên đây chỉ nên coi chúng như các công cụ “cưa, giũa, đục, bào, kìm, búa, ê-ke, vạch mực” mà thôi. Một điều quan trọng hơn là phải biết “lúc nào dùng công cụ nào” cho thích hợp nhất (Tất nhiên, không thể lấy búa ra cưa được, cũng không thể lấy kìm ra đục !).

Trong thực tế, chỉ có thể chọn lựa đúng công cụ cần thiết khi đã từng trải, lăn lóc với thơ, thu góp kinh nghiệm sử dụng dần dần theo kiểu “tích tiểu thành đại”. Điều này thật sự là không ai có thể giúp được cho ai vậy.
Nói chung, cứ đi tất sẽ đến, cứ làm tất sẽ biết mà thôi, các bạn ạ.

Hàn Sĩ Nguyên





_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Tue 08 Sep 2009, 00:37; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:29

THƠ LỤC BÁT
3 PHỤ LỤC

-------------------------------------------------
PHỤ LỤC 1
Bài biên khảo của NHẤT LANG
để giúp hiểu rõ thêm về Vần, và Thông vận
Trích từ "Tập làm thơ – Quy tắc căn bản”
by Nhất Lang.
---------------------------------------------------

NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN

1) TIẾNG BẰNG:

Tiếng BẰNG là những tiếng KHÔNG DẤU, và những tiếng có DẤU HUYỀN, thí dụ như hai chữ "THƠ" và "TÌNH", cả hai chữ này đều là tiếng BẰNG !
Tiếng BẰNG là những tiếng có giọng ÊM dịu, có thể đọc kéo dài ra được.
*Phân loại : Tiếng BẰNG có HAI LOẠI: THƯỢNG BÌNH THANH, và HẠ BÌNH THANH.
Nói cách khác, Thượng Bình Thanh là tiếng BỔNG, Hạ Bình Thanh là những tiếng CHÌM hay TRẦM.
Nhất Lang dùng hai chữ thí dụ trên để nói tiếp:
-"THƠ" là tiếng KHÔNG CÓ DẤU, ta gọi là tiếng BỔNG!
-TÌNH là tiếng CÓ DẤU HUYỀN, ta gọi là tiếng CHÌM hay TRẦM!
Tiếng Bổng và tiếng Trầm chan hòa với nhau tạo ra âm điệu du dương, làm bài thơ hay hơn. Nếu ta chỉ dùng 1 loại tiếng trong một câu thơ thì âm điệu sẽ rất ngang và trúc trắc.

2) TIẾNG TRẮC :

Bên cạnh những tiếng BẰNG, chúng ta còn cần phải làm quen với những tiếng TRẮC. Tiếng TRẮC là những tiếng có giọng đọc ngắn, không kéo dài ra như tiếng BẶNG . Những tiếng có chữ C, CH, P, T đứng ở cuối tiếng và những tiếng có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều là những tiếng TRẮC.
Cũng như tiếng BẰNG, TRẮC có tiếng TRẦM và BỔNG - tiếng TRẦM của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu HỎI và NẶNG, tiếng BỔNG của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu SẮC và NGÃ.
Hai chữ "Lãng" và "Mạn" đều là tiếng TRẮC, "Lãng" là tiếng BỔNG, "Mạn" là tiếng Trầm hay Chìm.

3) KẾT HỢP BẰNG TRẮC :

Mỗi câu thơ đều nên có tiếng BẰNG và tiếng TRẮC, và vì hai loại tiếng khác nhau, nên ta phải xếp sao cho tiếng nọ chế tiếng kia, thì khi đọc sẽ tìm thấy một âm điệu du dương. Nói tóm lại, mỗi câu thơ nên được xếp sao cho mỗi loại tiếng chan hòa với nhau, có nghĩa là cố giữ sao cho câu thơ 8 chữ phải có ít nhất 3 tiếng BẰNG, 5 tiếng TRẮC hoặc ngược lại... nếu được 4 tiếng này, 4 tiếng kia thì càng tốt; câu thơ 8 chữ mà chỉ có 1 tiếng BẰNG và 7 tiếng TRẮC, thì câu thơ ấy thiệt là chướng tai ghê lắm.
Cho dù câu thơ có mấy chữ đi nữa, BẰNG và TRẮC nên được cân đối với nhau, tuy nhiên không đòi hỏi phải bằng số !
*Điều quan trọng :
Văn thơ khác hơn âm nhạc ở chỗ chữ BẰNG không thể nào hợp VẬN cùng chữ TRẮC. Nghĩa là chữ TÌNH có thể vần cùng chữ MÌNH, nhưng không thể vần cùng chữ TÍNH.
Luật định : BẰNG vần với BẰNG, TRẮC vần với TRẮC.

4) KẾT HỢP TRẦM BỔNG :

Tiếng Bổng và Trầm được xếp ra sao thì là do biệt tài của mỗi người, ta không có luật định rõ...
Tuy nhiên, TRẦM và BỔNG được xem là nhất định ở chữ thứ 6 và thứ 8 trong câu BÁT của thơ Lục Bát. Nếu tiếng BỔNG được dùng ở vị trí chữ thứ 6 thì tiếng TRẦM nhất định phải được dùng ở vị trí chữ thứ 8. Và ngược lại, nếu chữ thứ 6 đã là tiếng TRẦM, thì chữ thứ 8 nhất định phải là tiếng BỔNG. Nếu 1 loại tiếng được dùng ở cả hai vị trí nói trên, thì câu thơ ấy sẽ bị mất đi âm điệu của thơ.
Các bạn đọc thử hai câu thơ này:

Đêm nay trăng tỏ sao mờ,
Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em VỀ.

Các bạn đọc lại hai câu này:

Đêm nay trăng tỏ sao mờ,
Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em TÔI.

Hai câu trên đọc nghe chướng tai lắm, vì cả hai tiếng TRẦM đều được dùng ở vị trí thứ 6 và 8 trong câu Bát (câu có 8 chữ).
Hai câu dưới đọc nghe êm tai, vì hai loại tiếng khác nhau (Trầm và Bổng) đã được dùng vào vị trí chữ thứ 6 và 8 trong câu Bát.

5) VẦN :

VẦN - Nghĩa là những tiếng có cùng một ÂM HƯỞNG; hai tiếng có cùng giọng phát âm thì VẦN với nhau được... hai tiếng không VẦN với nhau thành ra LẠC VẬN, trái luật thơ !
Tuy hồn thơ, lời và ý đều quan trọng, nhưng nếu bài thơ không có VẦN thì không gọi là thơ. Cho dù là thơ MỚI (không chú trọng đến luật) cũng cần phải có VẦN thì bài thơ mới hay.

*Tiếng BẰNG vần với tiếng BẰNG, tiếng TRẮC vần với tiếng TRẮC... không có điều ngoại lệ!

a-Vần chính của vần BẰNG :

A vần với A hoặc À, E vần với E hoặc È, AN vần với AN hoặc ÀN, INH vần với INH hoặc ÌNH.
Một thí dụ cho vần chính của vần BẰNG:

Pháo nổ dồn, pháo nổ DỒN,
Pháo đang xâu xé tâm HỒN lẻ loi. ...

Trong hai câu LỤC BÁT trên Nhất Lang đã dùng vần chính của âm ÔN ...

Mắt em hãy nghiền nhắm,
Anh tặng một nụ HÔN,
Cho em ấm cả HỒN,
Mộng liêu trai chìm đắm.

Bốn câu trên được viết theo thể loại thơ MỚI (5 chữ), hai chữ cuối của câu 2 và 3 phải vần nhau, và Nhất Lang cũng đã dùng vần chính của âm ÔN. NHẮM và ĐẮM chỉ là trùng hợp, hai chữ này không cần phải VẦN nhau.

b-Vần chính của vần TRẮC

-Á với Á, Ả, Ã, hoặc Ạ vần với nhau.
-É với É, Ẻ, Ẽ, hoặc Ẹ vần với nhau.
Một thí dụ cho vần chính của vần TRẮC :

Cứ mỗi độ chiều về bên SUỐI,
Anh trộm nhìn đắm ĐUỐI dáng hoa.

Vần chính của vần TRẮC đã được dùng trong hai câu SONG THẤT trên.

c-Vần thông của vần BẰNG :

Vần thông là những tiếng không có cùng một ÂM như các vần CHÍNH, nhưng có cùng một giọng PHÁT ÂM, có thể ăn vận với nhau được.
Nếu không am hiểu vần THÔNG chúng ta rất dễ bị LẠC VẬN khi làm thơ. Vì thế khi muốm dùng vần thông, chúng ta cần phải hiểu rõ luật vần thông.
Theo kinh nghiệm và cách nhìn của Nhất Lang thì người miền Nam thường hay bị lầm lẫn về vần THÔNG hơn (Nhất Lang chỉ nói là thường - riêng Nhất Lang cũng là người miền Nam.
VẦN THÔNG là những tiếng có sự vận động của môi và lưỡi rất giống nhau khi ta phát âm.
Nhất Lang cố gắng đem vào đây hầu hết những VẦN THÔNG mà chúng ta thường gặp ... Các bạn và các em cố gắng chú ý : CẦN NHẤT LÀ NÊN THUỘC LÒNG những vần Thông này, nếu không thì nên dùng chỉ vần chính mà thôi
!

TÓM TẮT các VẦN THÔNG của vần BẰNG

-A và Ơ thông với nhau. Ơ và Ư thông với nhau
(Nhưng A và Ư KHÔNG thông với nhau được !)
-E, Ê và I thông với nhau
-O, Ô và U thông với nhau
-AI thông với AY. AI thông với tất cả các ÂM sau đây: OI, ÔI, ƠI, ƯƠI,
UI, Nhưng, AY, tuy thông với AI nhưng không thông với các ÂM trên ! Tất
cả những ÂM trên THÔNG với nhau.
-AO thông với AU. AU thông với ÂU, Nhưng AO không thông với ÂU.
-AO thông với tất cả các âm sau: EO, ÊU, IÊU, IU, ƯU Nhưng AU và ÂU không thể thông.
-AM thông với ƠM
-ĂM thông với ÂM
-ÊM thông với IM và EM
-AN thông với ƠN
-ĂN thông với ÂN và UÂN
-EN, IN, IÊN, và UYÊN thông nhau
-ON, ÔN và UÔN hoặc UN thông nhau
-ANG và ƯƠNG thông nhau. ƯƠNG và UÔNG thông nhau. Nhưng ANG không thông với UÔNG.
-ĂNG, ÂNG, và ƯNG thông nhau
-ONG, ÔNG, và UNG thông nhau
-ANH, ÊNH và INH thông nhau

*LƯU Ý :

***ĂN và ĂNG, ÂN và ÂNG, hay UN và UNG, ON và ONG, ÔN và ÔNG vv... không thông nhau.
Những chữ có "G" theo sau nhất định chỉ thông với những chữ có G theo sau ! Đây là điểm mà Nhất Lang nhìn thấy người có giọng phát âm của miền Nam hay bị lầm vì sơ ý hay theo thói quen. (Nhất Lang lắm khi cũng không ngoại lệ)

***NHẮC LẠI : Khi Nhất Lang bảo là THÔNG thì có nghĩa là những ÂM ấy VẦN với nhau được !

d-Vần thông của vần TRẮC

Vần thông của vần TRẮC cũng dựa theo nguyên tắc như những vần thông của vần BẰNG.
Vần thông có nguyên âm đứng cuối :
-É, Í, Ẻ, Ỉ, Ẽ, Ĩ, Ẹ, Ị thông với nhau.
Cũng như vần BẰNG tất cả những âm I có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều có thể thông với những âm Y có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG, nhưng Y không thông được với E.
-Ổ, Ũ, Ó, hay Ộ, Ú, Ọ thông nhau
-Ọ và ỦA thông nhau (tất cả các âm O và UA có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều thông)
-ĨA và UỆ thông nhau
-ÁO, IỄU, ẢO, YẾU, ÉO, ỈU, ỮU và tất cả các đồng âm có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần được.
-ÓI, ẢI, Ội, ỠI, ƯỢI, ÚI và các đồng âm có các dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần nhau được.
-ẤC và ỰC thông nhau
-ẠM, ỢM, ÁM, ỞM thông nhau
-ẶN và ẨN hay UẨN thông nhau
-ÓNG và ÚNG
-ẬT và ẮT
-ẬT và ỨT
-ÚT và UỐT vv...

Tóm lại : vần thông của vần TRẮC không khác chi vần thông của vần BẰNG về ÂM, tuy nhiên ta cần hiểu rõ khác biệt giữa TRẮC và BẰNG.

6) GIEO VẦN

Sau đây là các điều đáng nhớ trong sự GIEO VẦN:

* A, Ă, Â rất thường được GHÉP với một phụ âm khác như C, M, N, P, T để tạo thành âm GHÉP như: AC, ĂC, ÂC... AM, ĂM, ÂM... AN, ĂN, ÂN... AP, ĂP, ÂP... AT, ẮT, ẤT vv... Những vần GHÉP nói trên CHỈ thông được với nhau khi có cùng một phụ âm đứng trước!
Thí dụ: BÁT thông được với BẮT hay BẤT, mà KHÔNG thông được với CẮT hay CẤT hoặc MẮT hay
MẤT... tuy nhiên BÁT thông được CÁT hay MÁT vì chúng đều có âm GHÉP "AT" theo sau.
*TAM thông với TĂM hay TÂM, mà KHÔNG thông với CĂM hay CÂM, cũng không thông được với TRĂM hay TRÂM... tuy nhiên TAM thông được với CAM, TRAM, vì chúng có cùng âm GHÉP "AM" theo sau.
*TAN thông với TĂN hay TÂN, mà không thông với VĂN hay VÂN vv...

a-Khi có vần GHÉP bằng 2 hoặc 3 chữ nguyên âm

với một phụ âm đứng cuối: IÊN, UYÊN, UÂN, UÔN, ta nên lấy 2 chữ cuối cùng làm VẬN CĂN, Có nghĩa là dựa theo hai chữ cuối cùng mà gieo vần...


Thí dụ:
-EN, IN, vần với YÊN hay UYÊN
-ÂN vần với UÂN
-ƠN vần với OAN
-ON vần với UÔN

b-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm với 2 phụ âm

Thí dụ như chữ ƯƠNG... thì ta nên lấy 3 chữ cuối mà làm VẬN CĂN để GIEO VẦN.
Cho nên : ƯƠNG vần với ANG,
Cũng nên nhớ : ƯƠNG vần với UÔNG vì Ơ vần với Ô, nhưng UÔNG không vần với ANG vì Ô không vần với A.

c-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm :

Khi có loại âm này thì ta nên theo âm điệu mà lấy 1 hay 2 chữ ấy mà làm VẬN CĂN.
Thí dụ:
-OA, OE, UÊ, UY... thì vận căn là A, E, Ê, Y; nên OA vần với A, OE vần với E, UÊ vần với Ê, UY vần với I hay Y.
-UÂY vần với ÂY
-IA, UYA ... vận căn là I, Y mà chữ A đứng cuối không ảnh hưởng chi cả.
-UA, ƯA vận căn là U , Ư chữ A cuối không ảnnh hưởng chi cả
-I vần với IA
-A vần với IA trong chỉ một chữ GIA, không vần với IA bắt đầu bằng phụ âm khác, như TIA, KIA...
-Ư vần với ƯA
-Ô vần với UA vv...

d-Lưu ý :
-Hai tiếng đồng âm và đồng nghĩa thì không vần được với nhau !
-Hai tiếng đồng âm mà khác nghĩa thì vần được !

Các bạn và các em đọc lại tất cả các bài trên đây để làm quen và có gì thắc mắc, cứ hỏi... Nhất Lang sẽ cố gắng trả lời theo khả năng của mình.
Sau khi mọi người thông qua từ BẰNG & TRẮC, BỔNG & TRẦM, VẦN CHÍNH & VẦN THÔNG thì mình sẽ bắt đầu nói đến THƠ LỤC BÁT
!
Những bước trên là những điều căn bản mà các anh chị, các bạn, và các em cần phải hiểu khi bắt đầu tập làm thơ.
Nhất Lang mong rằng những điều ghi trên giúp ích được cho các anh chị, các bạn, và em muốn làm quen cùng nguyên tắc làm thơ. Bài kế tiếp Nhất Lang sẽ bắt đầu nói đến những loại thơ.
Chúc tất cả vui vẻ và thành công!

-Nhất Lang-

=====================================
(HSN giới thiệu)





_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Tue 08 Sep 2009, 00:43; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:30

THƠ LỤC BÁT
3 PHỤ LỤC

------------------------------------------------------------------
PHỤ LỤC 2
NHỮNG VẦN NÀY “CƯỠNG” HAY “THÔNG” ?
-Hàn Sĩ Nguyên-
-------------------------------------------------------------------

1-Nhắc lại đôi điều về cách hoà vận

Có 4 cách hoà vận :

a-Chính vận : là những vần ăn khớp chặt chẽ với nhau (ví như anh em ruột vậy)
Thí dụ :
A với A
I với I
AI với AI
ONG với ONG v.v....
gọi là chính vận ( vần nào ăn khớp chặt chẽ với vần nấy )

b-Thông vận : là những vần cùng nhóm, hơi khác nhau một chút nhưng có thể tương thông với nhau. Nói nôm na là “hơi khác nhau, nhưng nghe ... lọt tai” (ví như anh em chú bác ruột vậy).
Thí dụ :
A với oa
I với e, ê, ia, uy
AI với ay, ây
EM với êm, im, iêm
ANH với inh, ênh, uynh
ANG với oang, ương
ONG với ông, ung v.v...
gọi là thông vận ( vần hơi khác loại nhưng ăn thông với nhau được )

c-Cưỡng vận : là vần ép, vần cưỡng bách, bản thân chúng không liên quan với nhau mấy ( bà con quá xa, xa 5,7 đời) thực chất thì không thông nhau được, nhưng miễn cưỡng dùng ép cũng ... tạm được. Tất nhiên cưỡng vận chỉ được dùng khi ... bí vận mà thôi. Miễn cưỡng thì cũng được, nhưng nếu dùng nhiều quá thì sẽ làm giảm hoặc mất giá trị bài thơ
Thí dụ :
AN với ang
ON với om
ƠN với ơm
ÔN với ôm
UÔN với ƯƠNG
IN với inh, im, êm, iêm ...
v.v.....
gọi là cưỡng vận ( vần ép, vần cưỡng bách )

d-Lạc vận :
Ơ với ơi
A với ai, ia
Ô với ôi, ôn, ông
ƠI với ơn
AI với an, ang v.v....
gọi là lạc vận ( vần ăn ... trét; không hoà vận )

Trong 4 cách hoà vận nói trên
-Chính vận thường chặt chẽ, nhưng cũng gò bó, kém phần linh động.
-Thông vận là cách hòa vận thoải mái nhất, làm cho bài thơ trở nên đặc sắc, biến ảo vô cùng
-Cưỡng vận là vần ép, miễn cưỡng cũng có thể dùng được, nhưng nếu sử dụng cưỡng vận nhiều quá, sẽ làm giảm giá trị câu thơ

Tóm lại :
Cả ba cách hoà vận nói trên đều dùng được
Chỉ riêng Lạc vận là phải tuyệt đối tránh, gieo vần lạc vận kể như bài thơ hỏng

2-Cưỡng hay thông ?

Một vấn đề thường hay gây ra tranh cãi là bản thân 2 vần nào đó là “Cưỡng vận” hay “Thông vận” của nhau ?. Một tiêu chuẩn là xét theo truyện Kiều, những vần nào Nguyễn Du có sử dụng, được coi như thông vận.
Một số thí dụ như sau :

***Ong, ông, ung là thông vận
Thí dụ :
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán LÒNG
Phòng văn hơi giá như ĐỒNG
Trúc se ngọn thỏ, tơ CHÙNG phím loan
........................................Nguyễn Du-Kiều [251-254]

***Ang, oang, ương là thông vận
Thí dụ :
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một TRƯƠNG
Khúc nhà tay lựa nên XOANG
Một thiên “Bạc mệnh” lại CÀNG não nhân
........................................Nguyễn Du-Kiều [31-34]

***Nhưng ong, ông và ương là cưỡng vận. (Trong toàn bộ truyện Kiều, không có câu nào ông đi đôi với ương cả)
Cưỡng vận tuy miễn cưỡng cũng dùng được, nhưng nếu có thể thì nên tránh .

3-Nguyên tắc chung của các quan điểm liên quan đến Thông vận và Cưỡng vận là :
-Vần nào Nguyễn Du có sử dụng được kể như thông vận
-Vần nào Nguyễn Du không sử dụng là cưỡng vận

4-Thật ra, quan niệm cưỡng hay thông cũng
là do con người định đoạt. Một vần nào đó bản chất là cưỡng, nhưng nếu được dùng nhiều lần quen đi trong những bài thơ hay thì dần dần cưỡng ấy sẽ được coi như thông mà thôi :

a-Trong truyện Kiều :

Rất ít khi thấy xuất hiện Cưỡng vận. Cả bộ truyện, chỉ có thể nhặt ra được 4 lần Nguyễn Du sử dụng cưỡng vận mà thôi :

Lời con dặn lại một hai
Dẫu mòn bia đá, dám phai tấc VÀNG
Lạy thôi nàng lại rén CHIỀNG :
-“Nhờ cha trả được nghĩa CHÀNG cho xuôi” [771-774]

Tin nhà ngày một vắng TIN
Mặn tình cát luỹ, nhạt TÌNH tào khang [1480]

Bao nhiêu đoạn khổ tình thương
Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở THAN
Dặn tôi đứng lại một BÊN
Chán tai rồi mới bước lên trên lầu [2002]

Lệnh quan ai dám cãi lời
Ép tình mới gán cho người thổ quan
Ông tơ thật nhẽ đa ĐOAN
Xe tơ sao khéo vơ QUÀNG vơ xiên [2600]

b-Trong phong trào thơ mới 1932 :

Kiểu hoà vận này lại rất thường thấy

Thí dụ :
Viết vội mấy dòng để ý TAN
Đang khi hồn ở chốn mơ MÀNG
Chỉ mong ân ái vài giây phút
Giữa lúc say say tưởng cạnh NÀNG
.................................Say- Đỗ Huy Nhiệm......

Nàng về thôn nảo thôn nao ấy
Sau núi nghiêng nghiêng đá chập CHÙNG
Những buổi chiều vàng sau nắng nhạt
Theo chiều lại đến với yêu THƯƠNG
.................................Say- Đỗ Huy Nhiệm....

Đừng mong ước cả thiên ĐƯỜNG
Hãy xin lấy nửa mảnh VƯỜN trắng hoa
-----------------------Giản dị-Hồ Dzếnh........

Khăn nhung quần lĩnh rộn RÀNG
Áo cài khuy bấm em LÀM khổ tôi
............................Chân Quê-Nguyễn Bính....

Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái ĐEN ?
Nói ra sợ mất lòng EM
Van em em hãy giữ NGUYÊN quê mùa
............................Chân Quê-Nguyễn Bính....

Lòng tôi như chiếc thuyền NAN
Tình cô như khách sang NGANG một chiều
..............................Sang ngang-Nguyễn Đình Thư

Ta nhớ chiều khi dưới ánh TRĂNG
Cúi nâng tà áo nhẹ tay CẦM
Mơ màng ngỡ nắm tơ trăng biếc
Áo lụa ngời trăng đẹp mỹ NHÂN
.....................Áo lụa-Bàng Bá Lân.......

Lớn lên em đã biết làm DUYÊN
Mỗi lúc gặp tôi che nón NGHIÊNG
Nghe nói ba em chưa chịu nhận
Cau trầu của khách láng giềng BÊN
.................Gái Quê- Hàn Mặc Tử .......

Hôm nay sáng tỏ cung HẰNG
Khiến lòng em nhớ hôm RẰM bên anh
...........................Ghen Trăng- Mai Đình ......

Một mùa thu trước mỗi hoàng HÔN
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy BUỒN
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu ĐƯƠNG
..................Hai sắc hoa Ti-gôn – TTKH .......

Tóm lại :

Qua những thí dụ ấy, ta thấy rằng nếu biết dùng cưỡng vận một cách hạn chế, có chừng mực thì bài thơ vẫn hay như thường. Còn nếu lạm dụng, hoặc dùng không khéo thì ... khó nghe lắm.
Và cuối cùng thì câu hỏi “Vần này Cưỡng hay Thông” vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu đáp vậy.

HÀN SĨ NGUYÊN





_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Tue 08 Sep 2009, 00:44; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:31

THƠ LỤC BÁT
3 PHỤ LỤC

-----------------------------------
PHỤ LỤC 3
Một số bài Lục bát tiêu biểu
-----------------------------------

1-Chân quê
-Nguyễn Bính-

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh (1) rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi !
Nào đâu cái áo lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ?
Nào đâu (2) cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ? (3)
Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa (4)
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở giữa vườn chanh (5)
Thày u mình với chúng mình chân quê (6)
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội (7) bay đi ít nhiều.

Nguyễn Bính

-7 lần dùng Mỹ từ pháp :

(1)-Tiểu đối mini 2/2 : “Khăn nhung / quần lĩnh”
(2)-Điệp ngữ và câu đồng dạng : “Nào đâu ...”
(3)-Tiểu đồng dạng 4/4 : “Cái khăn ... / cái quần ...”
(4)-Ngắt mạch 2/6
(5)-Điệp ngữ 2 chữ “chanh”
(6)-Điệp ngữ 2 chữ “mình” và ngắt mạch 3/5
(7)-Tiểu đối mini 2/2 : “Hương đồng / gió nội”

-2 lần sử dụng cưỡng vận :

*“ràng” (câu 3) và “làm” (câu 4)
*“đen” (câu 8) với “em” (câu 9), và “em” (câu 9) với “nguyên” (câu 10)

***Ý kiến của HSN :

Trong 16 câu thơ ngắn ngủi, tác giả đã thực hiện 7 lần thủ pháp Mỹ từ hoá, và bài thơ có đủ cả 3 phần nhập đề, thân bài, kết luận !!! Vì vậy, dẫu rằng có 2 lần sử dụng cưỡng vận, bài thơ vẫn không mất hoặc giảm đi giá trị thực sự của nó. Trước sau đây vẫn là một bài thơ hay của Nguyễn
Bính nói riêng, và văn học VN nói chung vậy.

-------------------------------------------

2-Giản dị
-Hồ Dzếnh-

Em ăn, em nói, em cười [1]
Đời này không có hai người như em
Kinh thành quần nhiễu, hàng len [2]
Em tôi áo trắng quần đen [3] sơ sài
Ai mà để ý đến ai [4]
Quần đen lẩn bóng, áo gai lẩn màu [5]
Trót đời hai đứa yêu nhau
Quần đen hoá đẹp, áo sầu hoá vui [6]
Tình là hạnh phúc chia đôi
Hương lan kẽ lá, trăng soi dặm đường [7]
Đừng mong ước cả thiên đường
Hãy xin lấy nửa mảnh vườn trắng hoa.

Hồ Dzếnh

-7 lần dùng Mỹ từ pháp :

[1]-Ngắt mạch 2/2/2
[2]-[3]-Tiểu đối mini 2/2
[4]-Điệp ngữ bất định từ AI
[5]-[6]-Tiểu đồng dạng
[7]-Tiểu đối 4/4 : đối song song

-2 lần bị cưỡng vận :

*“em” (câu 2) và “len” (câu 3)
*“đường” (câu 12) và “vườn” (câu 13)

***Ý kiến của HSN:

Trong bài Lục bát 12 câu này, tác giả đã sử dụng 7 lần thủ pháp Mỹ từ hoá thuộc 5 hình thức khác nhau !!! Vì vậy, dẫu có đến 2 lần bị cưỡng vận, đây vẫn là một bài thơ hay.


---------------------------------------

3-Sang ngang
-Nguyễn Đình Thư-

Lòng tôi như chiếc thuyền nan
Tình cô như khách sang ngang một chiều [1]
Thu nào quá đỗi cô liêu
Bờ hun hút lạnh nắng hiu hiu buồn [2]
Bến tình vương vất khói sương [3]
Phất phơ vạt áo dọc đường hư không
Sóng đưa bọt nước mênh mông
Ai người xa bến còn trông nhớ đò ?

Nguyễn Đình Thư

-3 lần dùng Mỹ từ pháp :

[1]-Thủ pháp Nhập đề Tỷ giảo
[2]-Tiểu đối 4/4
[3]-Đảo ngữ toàn phần : Ý câu xuôi là “Khói sương vương vất ở nơi bến tình”.

-2 lần bị cưỡng vận :

*“nan” (câu 1) và “ngang” (câu 2)
*“buồn” (câu 4) và “sương” (câu 5)

***Ý kiến của HSN :

Trong bài thơ 8 câu này, tác giả đã 3 lần vận dụng thủ pháp Mỹ từ hoá. Chỉ 3 lần thôi, nhưng hiệu quả thật là lớn lao. Hai lần cưỡng vận vẫn không làm giảm được giá trị bài thơ.

----------------------------------------------

4-Tương Tư
-Trần Huyền Trân-

Phải đây mùa nhớ thương nhau
Chim ngoài ngọn giá, hoa đầu cành mưa (1)
Biết yêu thì khổ có thừa
Hình dung một thoáng tương tư chín chiều (2)
Xa nhau gió ít lạnh nhiều (3)
Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh (4)
Bóng đơn đi giữa kinh thành
Nhìn duyên thiên hạ nghe tình người ta (5)
Đêm về hương ngát bên hoa
Tỉnh ra thì lại vẫn là chiêm bao.

Trần Huyền Trân

(1),(2),(4),(5)-Tiểu đối 4/4
(3)-Tiểu đối mini 2/2

***Ý kiến của HSN :

Trong 10 câu ngắn ngủi, tác giả đã sử dụng 5 lần thủ pháp Mỹ từ hoá, và không có chỗ nào bị cưỡng vận cả. Tuy vậy, bài thơ này hơi “phô” (mắc lỗi nhẹ) vì 2 lẽ :

-Một là, dùng quá nhiều tiểu đối (5 lần), không có thủ pháp khác chen vào, nên có vẻ hơi gượng ép, thiếu nét tự nhiên
-Hai là, 2 lần dùng chữ “thì” trong câu 3 và câu 10. “Phô” nhất là 4 “dư từ” đi liên tiếp với nhau trong câu cuối : “thì lại vẫn là” (!).
Tiếc thay !

Trong thi ca, việc sử dụng những “dư từ” như :
thì , và, là, mà, [cho] nên, bởi, tại, vì, do, lại, cũng, vẫn, cứ, dù, dẫu [rằng], nhưng, v.v... là điều nên tránh. Càng ít sử dụng những “dư từ” này càng tốt vậy

Hàn Sĩ Nguyên





_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Tue 08 Sep 2009, 00:45; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:32

=====================
THI PHÁP
- Chương II-

LỤC BÁT BIẾN THỂ
=====================

Nội dung phần II
Các biến thể của thơ Lục Bát bao gồm :

1-Lục bát Đoạn cú
2-Lục bát “Tứ Bằng Lục Trắc”
3-Lục Bát thêm vào (Lục bát More)
4-Lục bát biến thể âm vận (Lục bát Bút Tre)
5-Lục Bát Trắc vận
6-Lục bát xen kẽ, và Lục bát kết bài
7-Song Thất Lục Bát
8-Lục Bát Lập thể
=================





_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:33

I-LỤC BÁT BIẾN THỂ NGẮT CÂU
(Lục bát đoạn cú)

1-Tiết tấu nhanh chậm, hối thúc trong một câu thơ :

-Một câu thơ nếu để trôi xuôi, sẽ có dạng như một dòng nước lững lờ, đều đều lặng lẽ.
Thí dụ :
Anh cho em một đoá hồng
Khơi lên hy vọng trong lòng của em

-Với thủ pháp ngắt mạch [Xin xem lại ở phần I, Thơ Lục Bát, Mỹ Từ Pháp, thủ pháp ngắt mạch], ta có thể dễ dàng thay đổi nhịp điệu của dòng chảy ấy, khiến cho nhịp thơ nhanh hơn, cuồn cuộn hơn, hối thúc hơn
Thí dụ :
Nụ cười, ánh mắt, hoa hồng
Cho em, cho cả tấc lòng yêu thương

Thí dụ khác :
Em là hạt cải gió đưa
Anh quen em lúc trời mưa bất ngờ

Viết lại bằng thủ pháp ngắt mạch :
Sấm vang, chớp giật, gió đưa
Mây mù xe mối, hạt mưa kết tình

-Khi muốn có một tiết tấu chậm hơn, thậm chí ngập ngừng, e dè, thủ pháp ngắt mạch cũng thường được sử dụng, kèm theo những dấu 3 chấm
Thí dụ :
Anh bây giờ ... còn lại ... một mình thôi

Tóm lại :
Chính thủ pháp “Ngắt mạch” đã có hiệu ứng thúc đẩy tiết tấu nhanh chậm, mạnh mẽ, hối thúc, hoặc chậm rãi, ngập ngừng ... của một bài thơ vậy

2-Lục bát biến thể ngắt câu :

Hai câu lục bát được ngắt mạch ra thành những câu ngắn hơn, phân biệt hoàn toàn bằng cách xuống dòng. Các thí dụ :

Biến thể [6/8] thành [3,3/8] hoặc [3,3/4,4]

Trời trong xanh, nước trong xanh
Êm êm tiếng hát, bập bềnh thuyền con
Đàn tơ sáo trúc nỉ non
Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ

Viết lại thành [3,3/8] :

Trời trong xanh,
Nước trong xanh
Êm êm tiếng hát, bập bềnh thuyền con
Đàn tơ sáo trúc nỉ non
Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ

hoặc [3,3/4,4]

Trời trong xanh,
Nước trong xanh
Êm êm tiếng hát,
Bập bềnh thuyền con
Đàn tơ sáo trúc nỉ non
Thuyền ai xa bến, cô thôn mong chờ

Biến thể [6/8] thành dạng [2,2,2/8], [2,2,2/4,4] hoặc [2,2,2/3,5], [6/2,2,2,2] v.v...

Một mai phấn nhạt hương phai
Bình rơi, trâm gãy, bèo trôi, hoa tàn

Viết lại thành dạng [2,2 ....]

Một mai
....... phấn nhạt
................hương phai
Bình rơi
....... trâm gãy
...............bèo trôi
.......................hoa tàn

Tóm lại :

Lục bát biến thể ngắt câu là một dạng lục bát mới xuất hiện khoảng 30 năm gần đây, và thường được coi như một trong các dạng Thơ tự do. Thể loại này khá hay, đặc biệt là diễn tả được tiết tấu nhanh chậm, hối thúc, hoặc ngập ngừng, chậm rãi của mạch thơ.

Một hậu quả xấu :

Khi ngắt mạch bừa bãi, tuỳ hứng, không vì một mục đích gì rõ rệt, hoặc vì không hiểu thủ thuật ngắt mạch, thì hậu quả là ta sẽ có được những bài... “Lục bát ... tốn giấy” (!) , cũng hay được gọi đùa là ... “Lục nồi... lung tung” (!)

Thí dụ :
Con mèo
.............mà
..................trèo cây cau
Hỏi thăm
..........chú
.............chuột
.................đi đâu vắng ...
................................. nhà !
[... Thật là dị hợm phải không các bạn ? .....]

Thêm một thí dụ về Lục bát biến thể ngắt câu (của tác giả Promise) :

BẤT NGỜ

Bất ngờ nắng
Bất ngờ mưa
Bất ngờ anh đến
Lòng chưa hỏi lòng

Bất ngờ gió
Bất ngờ giông
Bất ngờ em nhớ
Anh không lại tìm

Kẻ quay đi
Người trách mình
Bất ngờ gặp gỡ
Vô tình chia xa.

Promise
(Trên thi đàn TTVNOnline.com năm 2001)





_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Tue 08 Sep 2009, 00:47; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:34

II-LỤC BÁT BIẾN THỂ
TỨ BẰNG LỤC TRẮC


1-Nhắc lại đôi điều về Lục bát chính thể :

Trong phần mở đầu của Thơ Lục bát (ở phần I) ta đã biết là Lục bát chính thể luôn luôn tuân thủ luật “Tứ Trắc Lục Bằng” trong câu 8. (Câu 6 được tự do, linh động hơn, có thể không theo luật này)
Vài thí dụ :

Mai sau dù CÓ bao giờ
Đốt lò hương CŨ, so tơ phím này
Trông ra ngọn CỎ lá cây
Thấy hiu hiu GIÓ thì hay chị về
Hồn còn nặng MỘT lời thề
Nát thân bồ LIỄU đền nghì trúc mai
............................(Nguyễn Du-Kiều).......

Nước non nặng MỘT lời thề
Nước đi đi MÃI không về cùng non
Nhớ lời nguyện NƯỚC thề non
Nước đi chưa LẠI, non còn đứng không
Non cao những NGÓNG cùng trông
Suối khô dòng LỆ chờ mong tháng ngày
.......................(Tản Đà NKH-Thề non nước)......

Tâu rằng :-“Cha QUÁT ngày xưa,
Trước khi lâm TỬ dặn dò đinh ninh
Chớ nên cho QUÁT cầm binh
E rằng hại NƯỚC, thân mình cũng vong
Trước làm bại HOẠI gia phong
Sau làm xương TRẮNG máu hồng tuôn rơi
Việc quân há PHẢI việc chơi
Xin vua xét LẠI, chớ vời trẻ ranh”
.........(HSN-Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư).....

Vài thí dụ về sự linh động trong câu 6 : Chữ thứ tư có thể là thanh bằng, đặc biệt khi sử dụng thủ pháp Ngắt mạch kèm theo Tiểu đối hoặc Tiểu đồng dạng

Nước trong xanh, TRỜI trong xanh
Êm êm tiếng hát , bập bềnh thuyền con

Yêu nhau đi, YÊU nhau đi
Ngày mai hai đứa biệt ly ngàn đời

Khi tựa gối, KHI cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày

Tuy vậy hình thức này không nên lạm dụng, chỉ nên lâu lâu điểm xuyết như dùng Mỹ từ pháp mà thôi. Nếu lạm dụng, sẽ đánh mất sự hài hoà, thanh thoát của bài lục bát.

2-Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”

Thay vì “Tứ Trắc Lục Bằng” như truyền thống lâu đời của Thơ lục bát chính thể, nếu bây giờ ta đảo ngược luật đó thành “Tứ Bằng Lục Trắc”, thì ta sẽ có được một thể Lục bát mới, đó là Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”.
Chữ cuối câu 6 sẽ phải ăn vần với chữ thứ 4 của câu 8
Lục bát biến thể loại này cũng ít khi thấy toàn bài, mà chỉ thấy thỉnh thoảng đan xen trong Lục bát chính thể mà thôi

Vài thí dụ về Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”:

Mẹ già ở với nàng DÂU
Đoạn thảm vơi SẦU, con một cậy cha
Mười phần thương mẹ ở nhà
Chín phần thương vợ còn là thơ ngây
....(Khuyết Danh-Thoại Khanh Châu Tuấn)......

Thoắt thôi vợ nói cùng CHỒNG
Đặng bốn mươi ĐỒNG gặp buổi đúc chuông
..........................
Âu là một thái tử ĐÂY
Ban cho nhà NÀY chẳng tiếc làm chi
............(Khuyết Danh-Phạm Công Cúc Hoa)

Em ta bé bỏng thơ ngây
Ngày xưa hay đứng nhìn mây trông trời
Môi hồng má đỏ thắm TƯƠI
Ít nói ít CƯỜI, hay mộng hay mơ
Ông tơ làm rối mối tơ
Một lần lỡ bước bơ vơ xứ người
........................(HSN-Ngàn dâu)......

Bảy năm giao kết Đào viên
Trong nhà chăm chỉ, ngoài thềm siêng năng
Thạch Sanh hay lũ hay LAM
Ít ngủ hay LÀM, dậy sớm thức khuya
Lý gia hưng thịnh mọi bề
Tiền muôn bạc ức đề huề hơn xưa
........(HSN-Thạch Sanh Lý Thông tân biên).....





_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Tue 08 Sep 2009, 00:49; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:34

III-LỤC BÁT THÊM VÀO
(Lục bát MORE)


Lục bát thêm vào (còn được gọi đùa vắn tắt là Lục bát More; chữ More nghĩa là thêm vào...) là một thể loại “thật tưởng như đùa, đùa y như thật”, xuất phát từ Lục bát chính thể, hình thành bằng cách “thêm vào” mỗi câu một, hai, ba chữ nữa. Thể loại này thường thấy trong ca dao hơn cả .

Thí dụ 1: Thử so sánh hai câu sau đây

+Lục bát chính thể :

Yêu nhau MẤY núi cũng trèo
MẤY sông cũng lội, MẤY đèo cũng qua

+Lục bát biến thể “thêm vào” : Thơ 6/8 thành thơ 7/10 !

Yêu nhau TAM TỨ núi cũng trèo
NGŨ LỤC sông cũng lội, THẤT BÁT đèo cũng qua

Hoặc :

Yêu nhau BA BỐN núi cũng trèo
NĂM SÁU sông cũng lội, BẢY TÁM đèo cũng qua

Thí dụ 2 :

+Lục bát chính thể :

Em nhỏ thó, có duyên NGẦM
Khiến anh thương trộm nhớ THẦM bấy nay

+Lục bát biến thể “Tứ bằng lục trắc”

Em nhỏ thó, có duyên NGẦM
Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay

+Lục bát More “Tứ bằng lục trắc” :

(Thấy) em nhỏ thó (lại) có duyên NGẦM
Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay

+Lục bát More ngắt câu :

Thấy em nhỏ thó,
Lại có duyên NGẦM
Anh phải lòng THẦM đã bấy lâu nay

Thí dụ 3 :

+Lục bát chính thể :

Bước ngang nhà má tôi QUỲ
Vì thương con má sá GÌ thân tôi

+Lục bát More :

Bước ngang nhà má, tay tôi xá, cẳng tôi QUỲ
Vì thương con má sá GÌ thân tôi

+Lục bát More biến thể ngắt câu :

Bước ngang nhà má
Tay tôi xá
Cẳng tôi QUỲ
Vì thương con má sá GÌ thân tôi

Rõ ràng là nhờ “thêm mắm dặm muối” mà Lục bát thêm vào nghe đã tai, hay hơn hẳn Lục bát chính thống vậy

SmileSmileSmile





_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Tue 08 Sep 2009, 00:49; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Y Nhi
Admin
Y Nhi

Tổng số bài gửi : 3173
Registration date : 22/11/2007

Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13Thu 09 Oct 2008, 02:35

IV-LỤC BÁT BIẾN THỂ ÂM VẬN
(Lục bát Bút Tre)

1-Nhắc lại về luật Phù Trầm :

+Trong câu 8, nếu chữ thứ 6 là Phù bình thanh (không dấu), thì chữ thứ 8 phải là Trầm bình thanh (dấu huyền)
Thí dụ :

Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà ĐAU đớn LÒNG

+Ngược lại nếu chữ thứ 6 là Trầm bình thanh (dấu huyền), thì chữ thứ 8 bắt buộc phải là Phù bình thanh (không dấu)
Thí dụ

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu HỜN kém XANH

2-Lục bát biến thể âm vận

Còn được gọi ngắn gọn là Lục bát Bút Tre, do nhà thơ Bút Tre đi tiên phong. Thể loại này có được bằng hình thức “phá cách” về âm vận, trong khi vẫn tuân thủ chặt chẽ luật “Phù Trầm”.
Cụ thể là :
-Vẫn tuân thủ chặt chẽ luật phù trầm
-Các âm trắc có thể linh động thay thế bằng âm bằng tiệm cận với nó

Hiệu quả : Đạt được tính trào phúng, khôi hài cao độ nếu sử dụng một cách tinh tế, thâm thuý, hài hoà.
Thí dụ : Trích từ thơ dân gian-Tác giả Khuyết danh

Đứng xa cứ tưởng ta già
Lại gần mới biết vẫn là ... trẻ ... khô
Mắt HI, môi sứt, mặt RÔ (hí / rỗ)
Cô ơi tui chỉ hơn cô mấy TUỒI (tuổi)

Thuyền đi ngược, nước chảy xuôi
Trăm năm nhớ mãi cái BUÔI ban đầu (buổi)

Chồng bà mới chết hôm qua
Vừa NĂN, vừa khóc, vừa XÒA, vừa rên (nắn / xoa)

Ý câu này bề ngoài là “vừa lăn, vừa khóc, vừa xõa tóc, vừa rên la” vì... thương chồng, nhưng lại bao hàm một ý ngầm “nắn / xoa” vừa tinh tế, vừa thâm thúy, cười người phụ nữ bị mất ... một món ... đồ chơi !!!


V-LỤC BÁT TRẮC VẬN

Từ lâu, thơ Lục bát hầu như tất cả đều là vần bằng.
Tuy vậy, vẫn có thể tìm thấy những thí dụ về Lục bát trắc vận trong kho tàng ca dao Việt Nam, đặc biệt là ca dao phương Nam. Mới nghe qua thấy có vẻ kỳ quặc, nhưng quả thật là có thứ Lục bát vần Trắc thật :

*Thí dụ 1 : Ca dao

Tò vò mà nuôi con NHỆN
Ngày sau nó lớn nó QUẾN nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhận hỡi nhện đi đàng nào ?

*Thí dụ 2: Thơ dân gian
+Lục bát Trắc vận :

Môi xẻ, mũi lân, mắt LỘ
Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em

+Lục bát More Trắc vận :

Môi chù ụ, lỗ mũi lân, con mắt LỘ
Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em

+Lục bát More, Ngắt câu, Trắc vận :

Môi chù ụ
Lỗ mũi lân
Con mắt LỘ
Khắp xứ này, không ai NGỘ bằng em

*Thí dụ 3 : Thơ dân gian
+Lục bát chính thể :

Mũi xúc xích, miệng chèm BÈM
Làng trên xóm dưới ai THÈM cưới cô !

+Lục bát Trắc vận :

Miệng chèm bèm, mũi xúc XÍCH
Có thằng khùng nó rục RỊCH cưới cô !!!

*Tóm lại : Lục bát trắc vận tuy chỉ là ... của hiếm, và thường dùng để đùa bỡn thôi, nhưng dù sao vẫn tồn tại thể loại này trong thi ca, đặc biệt là thi ca truyền khẩu Nam bộ.

*Ý kiến khác : Có người cho rằng không có cái gọi là “Lục bát trắc vận”, mà những trường hợp
thí dụ nêu trên chỉ là một biến thái thêm bớt chữ của thể “Song thất” mà thôi.
Thí dụ :

Miệng chèm bèm, mũi (như) xúc XÍCH
Có thằng khùng (nó) rục RỊCH cưới cô !

Nghĩ như vậy cũng có thể là đúng. HSN chỉ nêu ra, và không dám có ý kiến riêng.

(Còn tiếp)

HSN

_________________________
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Signat21


Được sửa bởi Ý Nhi ngày Tue 08 Sep 2009, 00:51; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
https://www.daovien.net
Sponsored content




Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên   Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Thi Pháp - Hàn Sĩ Nguyên
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Việt Sử Giai Thoại - Tập 4 - Nguyễn Khắc Thuần
» Danh tướng Việt Nam 3 - Nguyễn Khắc Thuần
» Tản Đà toàn tập
» Trang thơ Tú_Yên (P2)
» Vụ Án Cháu Nguyễn Hoàng Anh
Trang 2 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: BIÊN KHẢO, BÌNH LUẬN THƠ VĂN-