Trang phục Tết của phụ nữ Hà Nội xưa và nay
Vào dịp cuối năm, người phụ nữ ngoài việc chuẩn bị các món ăn ngon, trang trí nhà cửa cho gia đình để tận hưởng những ngày nghỉ thoải mái vui vẻ. Họ còn có nhiệm vụ quan trọng hơn đó là chuẩn bị những bộ đồ đẹp nhất, mới và lịch sự nhất cho cả gia đình, việc mặc đẹp là sự biểu hiện của trạng thái tinh thần phẩn khởi đón chào năm mới
Đó cũng là nghi thức truyền thống mà mọi người phụ nữ Việt thời xưa và thời nay đã và đang thực hiện rất tốt. Vậy người phụ nữ Việt thời xưa và thời nay đã có những thay đổi gì trong các phục sức vào những dịp lễ hội truyền thống, hay các dịp lễ hội đặc biệt khác.
Thời đại nào cũng có kẻ giàu người nghèo, sự phân biệt đẳng cấp cũng thể hiện rất rõ trong cách ăn mặc, chúng ta không thể nhìn nhận sự tiến triển về kinh tế và văn hóa khi chỉ dựa vào một giai cấp nhất định nào, song thực tế cho thấy thời xưa người phụ nữ cũng có cách phục sức đặc biệt cho những dịp lễ hội đấy.
Thời xưa “các cụ” thường cho rằng Tết Nguyên đán là tết chào mừng buổi sáng đầu tiên của một năm mới, là thời điểm chuyển giao quan trọng nhất trong năm với rất nhiều nghi lễ: lễ thiên địa lúc giao thừa, lễ gia tiên, mừng tuổi, chúc thọ người già, thăm hỏi người thân trong gia đình, bạn bè thân hữu, người ta cảm thấy buổi sáng đầu năm thật quan trọng và thiêng liêng.
Lúc này cũng là thời điểm đẹp nhất trong năm, tiết xuân cây cối đâm chồi non lộc biếc, hoa xuân đua nhau khoe sắc màu, chim hót líu lo, nắng xuân dịu êm, không khí ấm áp…sau một năm làm việc đây là thời điểm tốt nhât để mọi người cùng nghỉ ngơi trong sự vui vẻ, cùng gia đình, thăm hỏi bè bạn với sự quan tâm đặc biệt. Do vậy họ cũng chú ý rất nhiều tới dung nhan và những bộ trang phục mới…sao cho thật đẹp và lịch sự.
Chúng ta thấy từ cuối thế kỷ XVII đến những năm 30 thế kỷ XX, ngày thường người phụ nữ chỉ mặc váy ngắn, yếm và áo cánh ngắn bằng vải mộc giản dị, nhưng trong các dịp lễ tết bao giờ họ cũng tìm mua những tấm vải mới và chất liệu đẹp hơn để may những bộ xiêm áo với sắc màu tươi thắm hơn. Các quý cô quý bà thường mặc những bộ áo tứ thân hay năm thân dài gần chấm đất, với những chiếc yếm màu thật đẹp trong những tấm áo mớ ba mớ bảy nẹp lật khoe những sắc màu tươi mới, nhưng lại vô cùng mặn mà đằm thắm nhờ lớp áo the sẫm màu mặc ngoài. Người càng giàu mặc càng nhiều tầng lớp, chất liệu lụa cũng óng ả và cao cấp hơn nhiều. Còn tầng lớp vua chúa quan lại còn cầu kỳ hơn bằng cách thêu thùa những họa tiết một cách hết sức nghệ thuật lên áo váy của mình.
Suốt trong các thời kỳ chiến tranh người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, cần kiệm trong nghèo khổ, song nghèo đến mấy khi tết về cũng cố may cho cả gia đình những bộ trang phục mới để đón xuân về, các cô các bà thành phố vẫn cất dành những bộ áo dài tha thướt thật duyên dáng và thanh lịch để mặc trong những dịp lễ tết.
Những năm 80-90, xã hội dư thừa về vật chất, khoa học công nghệ tiên tiến trên toàn thế giới. Thời trang nước nhà cũng bắt đầu khởi săc, người ta bắt đầu quan tâm tới ăn mặc nhiều hơn. Các bộ đầm dạ hội dành cho quý bà quý cô xuất hiện ngày càng nhiều với kiểu cách vô cùng phong phú, đa dạng.
Đặc biệt từ thập niên 90, Kinh tế, chính trị, văn hóa đều mang tính toàn cầu. Do sự trợ giúp của hệ thống truyền thông, internet và hàng không hiện đại khoảng cách thời trang trong nước và quốc tế hầu như không quá cách biệt.
Những bộ trang phục lễ hội cũng theo trào lưu chung của thế giới, không phải chỉ dành cho những dịp Tết Nguyên đán mà còn rất nhiều dịp lễ hội khác.
Những bộ đầm dạ hội đẹp, không những tạo sự thoải mái tự tin cho người mặc mà còn thể hiện phong cách cá nhân và xu hướng của thời đại. Thị hiếu thẩm mỹ của người Việt hoàn toàn bắt kịp trào lưu thế giới, người tiêu dùng ngày nay là những khách hàng thông minh, luôn kiếm tìm sự độc đáo, khác biệt, thỏa mãn sở thích cá nhân, để khẳng định cá tính.
Người phụ nữ hiện đại khao khát đạt tới trạng thái cân bằng mới, sống khỏe mạnh và vui vẻ. Khao khát hơn cả là có được nhiều hơn cái mà mình có. Như vậy đó là một phản xạ của một xã hội mang tính toàn cầu hơn bất cứ bao giờ trước đó. Tính cộng đồng và tính cá nhân cho phép mỗi người sống và mặc theo cá tính và phong cách của riêng mình.
Như vậy người phụ nữ Việt xưa và nay, trong tư duy cũng như trong phong cách sống đã có nhiều thay đổi, từ chỗ “ăn chắc mặc bền”, giờ họ đã hướng tới nhiều nhu cầu khác nữa, bởi trang phục luôn thể hiện phong cách riêng của người mặc, trình độ văn hóa, thẩm mỹ và sự thành công trong nghề nghiệp của mỗi cá nhân.
Thời trang cũng mang hơi thở của cuộc sống cuồng sôi, gửi gắm trong mỗi bộ trang phục không chỉ là ý nghĩa thông thường làm tôn vinh sắc đẹp, mà còn truyền tải những xúc cảm và ước vọng của người phụ nữ, một số mẫu thể hiện khuynh hướng thoát ly thực tế cuộc sống hiện tại trở về với thiên nhiên nguồn cội với tinh thần triết học về sự bình thản, cân bằng và đó chính là sự tiếp cận của mỗi người trong xu thế hội nhập toàn cầu thông qua con đường thời trang.
(Người Hà Nội)