V-ĐÔI ĐIỀU NÓI THÊM VỀ CÁC DỊ BẢN của bài TỐNG BIỆT HÀNHNgay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi còn là một chú nhóc, tôi đã được đọc một số các dị bản của bài TỐNG BIỆT HÀNH được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, trong đó có một bản được mở đầu và kết thúc bằng 2 câu như sau :
Dịch thủy hàn hề, phong tê tê
Tráng sĩ một đi chẳng trở vềVà phải thú thật không chỉ ngay lúc mới đọc ấy, mà cho đến tận bây giờ bài thơ này, 2 câu “hành” khởi đầu và kết thúc này vẫn khiến tôi cãm thấy “Phong tê tê” thực sự.
(Dịch thủy hàn hề, phong tê tê nghĩa là : Nước sông Dịch lạnh, gió châm chích liên tục vào da thịt, cũng có nghĩa là gió buốt đến rứt thịt rứt da, gió buốt đến tận xương)1-Về bối cảnh xuất xứ của bài thơ: Dựa trên nội dung của bài thơ ta có thể nhận thấy tác giả Thâm Tâm muốn viết về những cảm xúc vô cùng vô tận của một người thanh niên, giã biệt gia đình, để lại mẹ già, chị, và em nhỏ, để cất bước sang sông làm một việc có tính chất quốc gia đại sự, mà hành trình sẽ rất gian nan, nguy hiểm, cực khổ, nếu không muốn nói là “bất khả thi”.
Việc đó có thể hiểu là việc Thâm Tâm sang sông, gia nhập quân kháng chiến, chống lại giặc Pháp, giành lại độc lập, tự do cho quê hương, cho tổ quốc. Trong bối cảnh phải dùng tầm vông, giáo mác, gạch đá, cung tên để chống lại súng ống, tàu thuyền, máy bay, đại bác của giặc thì cuộc hành trình chiến đấu gian khổ ấy quả thật là rất đỗi gian nan, và “tráng sĩ một đi chẳng trở về” là khả năng dễ xảy ra thật!
Từ xuất phát điểm ấy, hành trình ấy, việc sang sông của “Người-vì-nước” này có tính chất không khác gì Kinh Kha, rời nước Yên, sang sông Dịch, làm nhiệm vụ thích khách, ám sát bạo chúa Tần Thủy Hoàng ngày xưa.
Do đó, bài thơ này không phải viết về Kinh Kha, mà là viết về một “Người-vì-nước Việt Nam”, con sông trong bài thơ này cũng không phải sông Dịch ở Trung Hoa, mà là một con sông bình thường nào đó ở trung du Bắc Việt. Nhiệm vụ khó thực hiện trong bài thơ này là “Cứu quốc”, “đánh đuổi giặc Pháp”, chứ không phải là hành vi ám sát, hành thích một cá nhân nào.
Tuy vậy, hình ảnh sang sông, bối cảnh giã biệt gia đình, tâm trạng lạnh lùng và hùng khí ngất trời của người tráng sĩ, dễ khiến liên tưởng đến hình ảnh hào hùng, bất khuất của Kinh Kha xưa vậy.
2-Một chút so sánh các dị bản:Bản trong sách giáo khoa VĂN lớp 11, là bản được công nhận chính thức trên văn bản. Các dị bản khác với một số khác biệt về nội dung, tuy không được công nhận chính thức, nhưng lại được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, và thực sự có những ưu điểm hơn hẳn bản chính thức nói trên
-“Sao có tiếng sóng ở trong lòng” (BCT) và “Mà sao có sóng ở trong lòng” (DB): 4 thanh trắc liên tiếp “có tiếng sóng ở” trong bản chính thức khiến câu thơ khi đọc lên rõ ràng là không êm, không hay bằng câu trong dị bản (Nhị, tứ, lục đảo thanh).
-“Nắng chiều không thắm, không vàng vọt” (BCT), và “Nắng chiều không sẫm, không vàng vọt” (DB): Chữ “thắm” có màu sắc tươi quá, do đó cũng không bằng chữ “sẫm” trong dị bản
-“Ly khách! Ly khách, con đường nhỏ” (BCT) và “Ly khách! Ly khách con thuyền nhỏ” (DB): Khác biệt nhau chỉ một chữ “đường” và một chữ “thuyền” thôi, nhưng hiệu quả và hậu quả thì hoàn toàn khác xa nhau. Phải chăng vì câu đầu “Đưa người, ta không đưa qua sông”, khiến biên tập viên bài thơ, biên tập viên sách giáo khoa Văn cho rằng Ly khách đã đi bằng … đường bộ (!), và phải là “Con đường nhỏ” mới đúng (?). Thật ra, “không đưa qua sông”, phải được hiểu là “chỉ đưa đến bờ sông thôi, và ly khách sang sông một mình đơn độc”. Do đó các dị bản đều chép là “Con thuyền nhỏ” là rất hợp lý và rất chính đáng vậy.
-“Trời chưa mùa Thu” (BCT) và “Trời chưa vào Thu” (DB) : Đây là một khác biệt tương đối nhỏ, và cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến nội dung hay âm hưởng của bài thơ. Do đó, dù là “mùa” hay “vào” thì cũng tương đối ổn. Tất nhiên chữ “vào” là một giới từ chỉ hướng chuyển động vẫn “ăn tiền” hơn chữ “Mùa” có tính chất tĩnh.
-“Gói tròn thương tiếc” (BCT) và “Gói tròn thương nhớ” (DB) : “Thương tiếc” là một tình cảm, một cảm xúc, một xúc động mãnh liệt trước những gì “ĐÃ MẤT, hoặc nhất là VỪA MẤT”. Do đó không ai đưa tiễn người thân, bạn hữu ra đi mà lại trù ẻo bằng cách …“THƯƠNG TIẾC” cả. Có chăng “THƯƠNG TIẾC” là khi trở về trong hình hài vô tri bất động của một thực thể đã giã từ nhân gian thì lúc ấy dùng từ THƯƠNG TIẾC mới đúng. Dị bản dùng 2 từ THƯƠNG NHỚ chính xác hơn nhiều.
-“hơi rượu say” (BCT) và “hơi rượu cay” (DB) : Hơi rượu say thì làm cho người ta chếnh choáng, bốc hào khí ngùn ngụt lên đầu. Còn “hơi rượu cay” thì diễn tả một thoáng “chua xót, ngậm ngùi” khi phải để những người thân yêu ở lại… Cái nào hay hơn? Điều ấy tùy thuộc hoàn toàn vào cảm quan của người đọc vậy.
Tóm lại, với 6 khác biệt vừa nêu, trong đó có 2 khác biệt vô cùng quan trọng là “Đường và Thuyền”, “Thương tiếc và Thương nhớ”, một câu hỏi, một băn khoăn không nguôi vẫn hiện hữu trong tôi: Đâu mới là bản gốc của Thâm Tâm?
3-Đâu là bản gốc của Thâm Tâm? Câu trả lời là
”Không biết! Không rõ!”. Có thể có 2 khả năng xảy ra:
- Một là, có thể ông đã viết đúng như nguyên bản trong bản chính thức của sách giáo khoa Văn lớp 11 trước đây. Và người đời sau, khi tiếp cận với bài thơ của ông đã linh động thêm thắt, chỉnh sửa lại đôi chút theo nhãn quan và kiến thức của riêng họ. Các danh tác được người đời yêu mến vẫn thường hay bị “tam sao thất bản” là vì thế.
-Hai là, có thể Thâm Tâm đã viết giống như trong dị bản và BẢN CHÍNH THỨC đã biên tập sai theo ý kiến chủ quan của biên tập viên thời ấy. Đừng quên Bản chính thức này chỉ là bản chính thức trong sách giáo khoa mà thôi. Giữa BẢN CHÍNH THỨC này và BẢN GỐC của tác giả vẫn có thể có không ít khác biệt vậy.
4-Một chút cảm tác của HSN:LY NHỎ
Rượu nồng tiễn biệt lúc lên đường
Bến vắng đìu hiu khói nhuốm sương
Ly nhỏ khó vơi sầu vạn cổ
Thuyền con khôn chở chí ngàn phương
Mái chèo khua nước khơi hùng chí
Thanh kiếm chọc trời biệt cố hương
Thương xót mẹ già đầu bạc trắng
Anh hùng đến mấy cũng lệ vương.
HÀN SĨ NGUYÊN