Truyện ngắn ----------------------------------
DUYÊN NỢ
Trinh giảm bớt tay ga. Chiếc xe lao chậm lại. Con đường thênh thang phiá trước mặt phủ một màu tro. Mưa xối xả. Những giọt mưa đánh ngược vào rát cả mặt. Hàng cây bên vệ đường đẩy đưa nhảy múa trong một lạc điệu bất thường. Bỗng dưng Trinh muốn khóc thật to. Nàng quên cả khăn che mặt, quên cả kính mát, quên luôn cả áo mưa dù đã nhận ra nơi mình muốn đến là một khoảng trời đầy mây mù xám xịt kèm theo luồng gió lành lạnh đang xô về.
Trinh ngồi trên xe như trốn chạy. Mà thật, nàng đang trốn chạy cái hiện tại quá ngọt ngào đến nỗi những người hàng xóm nhìn vào phải ghen tị. Trinh lấy tay vuốt mặt. Tự dưng hình ảnh của Ân hiện về. Ân đang cười với nàng qua chiếc ly thuỷ tinh trong suốt. Đôi mắt của Ân sao thật to nhưng lại trể xuống dính liền những vết nhăn ngoằn nghoèo tựa sấm chớp. Giọng của Ân sao ấm áp, vỗ về bảo nàng hãy cười đi dù là một nụ cười không thành tiếng.
Mưa vẫn ào ạt. Chiếc xe vận tải vụt lướt qua kéo theo một màn nước tạt vào chân Trinh khiến nàng giật mình. Ân đột ngột biến mất khỏi tâm tưởng của Trinh và để lại trong nàng một sự sợ hãi. Nàng buột miệng gọi nhỏ: Tâm ơi!
Trinh lấy Tâm hơn mười năm, đã có hai đứa con , trai và gái. Tâm có dáng người nho nhã dễ nhìn, hoạt bát, vầng trán cao, nước da trắng sáng như một công tử nhà giàu không quen lao động tay chân. Tâm làm việc với cái đầu, tích cực, cần mẫn, hoàn thành mọi việc hầu như suông sẻ tốt đẹp khiến hầu hết đồng nghiệp trong cơ quan đều cảm phục và hay kháo nhau là Tâm được trời phú cho cái thông minh, nhạy cảm với công tác, biết kín đáo tránh né đụng chạm với người khác mỗi khi nhận ra hiện tượng bất hoà khi giao tiếp. Bàn làm việc của Tâm rất ngăn nắp, sắp xếp dụng cụ văn phòng cũng như tài liệu rất hợp lý. Đặc biệt, Tâm không hề biết “ nhậu” là gì; mới nghe mùi rượu thoáng qua thì đã muốn bổ nhào. Vì thế, Tâm không bao giờ la cà đến quán rượu hay nơi đông người tiệc tùng ngoại trừ các buổi tổng kết của cơ quan Tâm phải đến “cho có mặt” theo yêu cầu. Gia đình Trinh cũng rất quý Tâm. Mỗi khi vợ chồng Tâm về thăm, mọi người đều cởi mở đón tiếp, gần gủi, không e dè đối dãi như kiểu “ dâu con- rễ khách”. Ngoài ra, Tâm rất biết chăm lo đến gia đình phía vợ, sẵn lòng giúp đỡ tiền bạc cho đứa em của Trinh đang học đại học mỗi khi cần.
Cuộc sống gia đình của Tâm và Trinh có một sự phân công hẳn hoi. Câu nói “ Anh đi làm, em lo việc nhà với trông nom con” đã biến thành một qui định tại gia bất di bất dịch mà cả hai đã tuân thủ thực hiện một cách nghiêm túc. Tâm rất thương yêu vợ con, không bao giờ to tiếng. Khi nhác thấy Trinh ủ đột, Tâm liền hỏi han và tranh thủ ngày cuối tuần đưa cả nhà lên chiếc xe pờ-rô bốn-lẻ-bốn màu trắng cũ kỷ của mình ra tận ngoại ô hay bãi biễn làm cuộc pic-nic nhỏ. Chính điều này đã làm Trinh xúc động tuy rằng tình cảm ban đầu như thuở còn quen nhau đã phai lạt dần và đang chuyển sang một trạng thái khác êm đềm, ấm cúng hơn, trách nhiệm hơn. Nhưng Trinh vẫn cảm thấy như có một trở ngại nào đó làm nàng không thề nào gần Tâm hơn nữa dù rất cố gắng đừng hình dung đến. Cái chắn vô hình tạo ra từ kiểu cách tuy không cố tình của Tâm đã làm Trinh cứ nghĩ rằng đó chính là cái vỏ bọc bao quanh Tâm qua những việc làm hằng ngày cứ lặp đi lặp lại nhàm chán vô vị như chiếc kim quét mãi một tua trên mặt điã đá của chiếc píc-cúp.
Mỗi khi nghe tiếng Tâm về, đứa con gái đã vội vàng rời mẹ chạy ra đón, Nó ôm cặp tài liệu của ba rồi tung tăng đem đặt vào đúng nơi trong phòng làm việc. Tự dưng Trinh thấy hẩng. Tệ hại hơn, một sự cô độc lấn chiếm vào suy nghĩ. Trinh cảm thấy mình bị xúc phạm. Một cảm giác tuột dốc, bỏ rơi, buông xuôi, lao thẳng đến nỗi không có một vật chướng ngại nào ngăn chận lại.
Tâm vừa cỡi giày vừa mỉm cười hỏi han vợ như thường lệ:
- Ở nhà bình thường chứ em? Có gì vui không kể anh nghe với!
- Thằng Ri chơi game không chịu học bài gì cả! Trinh phàn nàn.
Tâm nhẹ nhàng, giọng không hề lộ vẻ trách cứ:
- Nghỉ hè, cho con tự do một chút. Tội nó…
Con người Tâm như thế làm sao Trinh giận được? Trinh thầm nghĩ. Nàng muốn đến ngồi gần Tâm hơn nhưng không thể nào nhích chân lên được. Cái vỏ bọc vô hình kia của Tâm quá lớn làm nàng ngại đến nỗi nhìn xa mà không dám tiến lại phía chồng mình. Trinh cảm thấy mình quá bé nhỏ trong căn nhà này, quyền tự chủ như bị thu hẹp gần như triệt tiêu. Nàng buồn đến ngạt thở, muốn giận dữ la toáng lên thật lớn một câu nào đó cho dẫu rất vô nghĩa mà không hề chỉa vào đối tượng nào. Trinh cố gắng cho mình một nụ cười rồi dứng dậy bước vào nhà bếp chuẩn bị cho bữa cơm trưa.
oOo
Ngày sắp hết vội vàng hơn mọi khi. Đong đưa trên xích đu, Trinh bâng quơ nhìn vào giậu lan nở trắng xoá lủng lẳng dưới nhánh cây sứ trước hiên nhà. Nàng mường tượng lại mùi hương của nó – một mùi hương kỳ quặc, không bình thường. Còn tên? Không sao nhớ nỗi! Trinh chợt nghĩ: giậu hoa ấy sao giống mình? Tại sao lại ẩn nấp dưới cây sứ mà không nơi nào khác? Mọi sự đã diễn ra đâu phải ngẫu nhiên. Chính nàng đã chọn lựa treo nó nơi ấy. Trinh bỗng nghe thấy tiếng violon trong bài Adago Cantable của Beethoven từ nhà bên cạnh vẳng sang da diết lẩn quẩn trong sắc nắng chiều vàng. Bàn chân này đã bao lần bước theo Ân vào quán nước? Bàn tay này đã bao lần để im ấm trong bày tay của Ân? Bờ vai này đã tựa vào Ân cũng đã bao lần? Mái tóc này đã thắm bao lần với bồ kết theo ý thích của Ân? Ý nghĩ về người đàn ông tên Ân quen thuộc từ thời học sinh cấp ba ám ảnh quay cuồng trong Trinh. Nàng thấy mình là kẻ phụ bạc Tâm. Nhưng Tâm đã làm gì cho nàng trong vai một người chồng tử tế? Lớn lên, lấy chồng, sinh con, nghe lời chồng, nuôi con, nấu cơm, ngồi đợi … và hết? Một sự so sánh đến mức độ thô thiển tầm thường xuất hiện trong suy nghĩ xuất hiện đến không ngờ nhảy ra từ suy nghĩ của Trinh. Với Ân đâu có gì là độc đáo? Anh ấy là một người bình thường như mọi người bình thường khác, thậm chí còn tệ hơn , vì nghề nghiệp không ổn định, thích giao du với những kẻ ăn không ngồi rồi bàn chuyện phiếm đông- tây –kim- cổ, không vợ không con, thừa hưởng gia tài của cha mẹ để lại vỏn vẹn là căn nhà lợp ngói âm dương và khoảnh vườn trồng cây ăn trái chưa đầy năm trăm mét vuông ở tận mít mù nơi “ khỉ ăn đá, gà ăn muối” cách thành phố hơn hai mươi cây số! Ân chỉ được cái tính “bụng để ngoài da”, không câu nệ nhất là quên nhanh như thường tự biện “ quên để không biết giận lâu là gì ”. Tình yêu có cần cân- đo- đong- đếm? Ừ thì cứ. Thời nay làm sao có chuyện “ mái nhà tranh- hai quả tim vàng”? Mà Trinh đâu phải hạng người “ ăn no sinh chuyện”!
Căn nhà của vợ chồng Trinh nằm trong khu vực khá yên ả sạch sẻ mà đa số người trú ngụ nơi ấy là đối tượng cán bộ hay kinh doanh có cỡ. Vài ba tháng một lần, nơi ấy, dăm ba chiếc xe con đắt tiền láng bóng đổ bên lề, tiếng chúc tụng cười chào inh ỏi. Nhà vợ chồng Trinh không ngoại lệ mặc dù họ chẳng quan hệ thân thiết với ai tại nơi ấy. Những đồng nghiệp có đến thăm, ai cũng tỏ vẻ vị nể Tâm. Mỗi khi Tâm lên tiếng, ai cũng đều chăm chú lắng nghe. Có người đàn bà nói Trinh may mắn được người chồng quá tuyệt vời. Lúc ấy Trinh chỉ biết nhún cười, im lặng rót trà và đem bánh ngọt mời khách.
Một lần, Ân đến. Ân dựng xe đạp trước ngõ nhìn vào. Tâm lịch thiệp mời vào và giới thiệu với mọi người. Tâm chuyện trò bình thường nhưng nhắc khéo Ân đừng hút thuốc. Tan cuộc gặp mặt, Tâm còn khuyên vợ tiễn Ân một đoạn. Đi bên Ân mà lòng Trinh rối bươm. Đến lối vắng, Trinh rụt rè đặt tay lên ghi-đông để Ân chạm lấy. Xong bữa cơm tối như mọi khi, Tâm ôm hai con vào lòng ngồi xem tivi. Trinh rữa chén mà nước mắt cứ muốn trào không hiểu tại sao. Cũng hôm ấy, trời đột ngột đổ mưa. Không khí ngột ngạt đến bức bối. Những sợi mưa lắt lay giăng xiêng qua màn đêm mang màu đổ lửa từ ánh điện đường thiếu sáng trông như đang diễn xuất trên một sân khấu kể về một trận đánh đảo điên cuồng nộ.
Đợi khi Tâm ngủ yên, Trinh rón rén rời giường. Nàng mở cửa, bước ra lan can. Mưa đã ngưng tự lúc nào như khi nó đến. Những căn nhà bên kia đường đã tắt đèn. Nhìn xuống con đường im lìm loang lổ những vũng nước xa gần, Trinh bất giác rùng mình. Nàng kéo cao cổ áo và tự dưng thèm nghe lại bài hát Hold me với giọng hát đồng quê khàn khàn của Kenny Rogers như khi ngồi trong quán nước với Ân ngày nào. Trinh tự hỏi: Ân có yêu mình không hay xem nàng như một người bạn gái? Nếu không lấy Tâm, nàng sẽ là gì lúc này? Chắc chắn một điều Trinh với Ân không bao giờ nên duyên chồng vợ vì với tính cách của Ân không bao giờ chinh phục được tình cảm của cha mẹ nàng chưa kể đến Ân lại là một “ thằng lính đào ngũ !”. Tiếng chim ăn đêm bay ngang hốt hoảng lảnh lót. Tiếng đồng hồ lách cách ru đều đặn. Trời không một chút gió, ẩm ướt, lạnh lẻo. Trinh vẫn chưa thấy buồn ngủ. Đôi mắt ráo hoãnh. Nàng lại muốn nhìn sâu qua tàn cây sứ trước nhà xem giậu lan có còn đó những đoá hoa hay đã bị cơn mưa giận dữ kia quật ngã vỡ toang. Trinh nhắm mắt lại, lắc đầu xua đi những suy nghĩ không đầu không đuôi nghiệt ngã dai dẳng bám riết trong nàng.
Đêm dài như bất tận. Lãng đãng chút sương mù từ đâu tụ về bên kia đường. Sâu hút góc hành lang của căn nhà đối diện hình như có đôi mắt của ai giống Ân như đúc đang nhìn chăm chăm vào nàng. Trinh cảm thấy sợ hãi. Chân nàng như hoá đá bên lan can lạnh ướt trơn trớt.
oOo
Trinh dừng xe trước căn nhà ngói âm dương. Đám quỳ vàng vẫn nở rộ bên dãy hàng rào đan chéo bằng tre gai. Vài đứa học trò nhỏ vừa đi vừa xoắn ống quần bước qua vũng nước mưa đọng màu nâu đất, mắt chúng nhìn vào Trinh với cái nhìn xoi mói lạ lẩm. Trong bộ đồ tây ướt sủng ôm sát vào người, Trinh run lẩy bẩy. Có lẽ Ân không có ở nhà. Trinh đến mà không hẹn trước.
… Tiếng chuông điện thoại vang lên. Trinh không muốn lấy nghe trong lúc này. Tiếng chuông réo liên tục.
- Có phải chị là Phù Trinh?
- Tôi đây! Trinh trả lời gọn lõn. Anh là ai?
- Yêu cầu chị về nhà gấp! Anh Tâm bị tai nạn…
- …
- Lật xe!
Tiếng “bíp” tắt máy. Trinh cảm thấy đờ đẫn. Nàng không còn thấy lạnh. Loạng choạng, Trinh buông tay khỏi xe rồi ngồi bệt xuống đất.
Gió thổi mạnh. Mây xám nghịt một góc trời. Lất phất mưa…
BẢO LỄ
( HTN.09-2009)