Bài viết mới | Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 19:43
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Yesterday at 06:59
KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45
KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30
SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22
Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22
NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20
KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08
Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54
Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10
7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10
Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21
Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52
Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28
Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13
Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07
Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36
Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09
Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46
Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06
Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04
DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19
Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37
Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34
TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17
CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05
Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04
Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39
Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41
Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16
|
Âm Dương Lịch |
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
|
|
| Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc | |
| |
Tác giả | Thông điệp |
---|
Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Thu 17 Feb 2022, 09:56 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
Lăng-đô ? Trời ơi ! Hảo suýt ngộp thở khi nói thầm đến thứ xe giường trẻ con đó !
- Mình thật ngốc vô cùng, bà lẩm-bẩm. Nho không dùng xe nhà thì mình mất dấu anh ấy. Nhưng còn chiếc lăng-đô của bé Nhã? Ừ, lẽ nào họ không sai người nhà đẩy bé Nhã đi đổi gió? Chiếc lăng-đô ấy chính mình mua; mình đã chọn chiếc ấy vì cái màu mui đặc-biệt của nó mà không xe nào có cả: mui xe màu kem.
Như vậy thì cứ bền chí lân-la ở các vườn chơi trẻ con, các huê-viên người lớn thì có ngày sẽ gặp, không phải gặp Nho-Liên, vì chắc họ không dám ra đường, mà gặp chiếc xe trên đó có bé Nhã, do một chị vú đẩy đi.
Hảo mừng rỡ hết sức rồi lái xe chạy tuốt về nhà.
Bắt đầu hôm đó, chiều nào bà cũng chạy qua các vườn chơi trẻ con cả. Vườn Tao-đàn và Sở-Thú thì mất công hơn, phải đậu xe bên ngoài, rồi đi bộ hết các nẻo đường trong đó.
Nếu bác-sĩ ở đâu cũng chỉ thấy vi trùng, thầy pháp ở đâu cũng chỉ thấy ma, thì Hảo ở đâu cũng chỉ thấy xe lăng-đô. Không còn vật gì có nghĩa trước mắt của bà nữa, trừ loại xe giường đó. Trên vỉa hè, dưới đường, trong các công-viên, Hảo chỉ tìm kiếm lăng-đô như con trai tìm con gái đẹp, như bợm nhậu tìm quán rượu, như đờn-hà bị tơ lụa và hột xoàn quyến-rủ.
Một tuần đã qua mà Hảo không hề thấy chiếc lăng-đô nào mui màu kem cả. Đi dạo mát buổi chiều đành rằng không phải luôn luôn hôm nào cũng phải đi, nhưng không lẽ suốt bảy hôm mà Liên không cho con đổi gió lần nào.
Cứ bằng vào âm-lực trong điện-thoại thì Nho vẫn còn ở Sài gòn, chớ không phải đi xa như ban đầu Hảo ngỡ. Như vậy thì làm sao mà không thấy bóng dáng chiếc xe?
Hảo tính sơ-sơ lại thì từ hôm bày ra vụ theo dấu tìm xe đến nay, bà đã mất đi trên mười lăm ngàn tiền công thám-tử, tiền xsăng và mọi thứ tổn-phỉ lặt-vặt khác. Đó là chưa kể công khó-nhọc của chính bà, và sự bứt-rứt, sự căng-thẳng của thần-kinh-hệ của bà, lắm khi nó làm cho bà muốn phát điên lên.
Chiều hôm ấy, Hảo lái xe đi một vòng các công-viên, vô-kết-quả như mọi ngày; bà thở dài lẩm-bẩm một mình:
- Bé Nhã không đi đổi gió thì mình đi vậy.
Rồi bà lái xe tuốt ra bờ sông. Mất ăn và mất ngủ mấy tháng nay đã làm cho bà sút đi nhiều lắm. Áo dài chiếc nào cũ mà vừa ý muốn mặc, bà phải thâu eo lại cả. Tuy đi rểu phố rất thường mà Hảo nghe thiếu không-khí trong ngực luôn. Đây cũng là một dịp cho bà đi thở gió lành dưới sông đưa lên.
Hảo đậu xe, bước vào trên đường sỏi đỏ rồi giựt mình mà bảo thầm:
- A, ở đây cũng có trẻ con ! Mình ngốc quá, vậy mà hổm nay quên phức bờ sông, cứ lục-lạo ở các công viên thôi.
Hảo vào ngay chỗ cầu tàu cá của Nhựt-bổn. Đưa mắt dòm qua một vòng, bà không thấy một chiếc xe nào mui màu kem hết. Muốn xem-xét cho kỹ, Hảo đi lần vô phía trong bến thủy-quân.
Đờn-bà đeo theo con lớn con bé rất đông. Từ lâu Hảo đặt hy-vọng vào bé Nhã nên bớt nghe thèm con. Nay cái cảnh vui-vầy của những bà mẹ tốt phước đùm-đề con lại diễn ra trước mặt bà, khiến bà nghe nao-nao buồn. Những đứa trẻ kia, cho đến cả vài đứa xanh xao và ốm như con còng gió, bà thấy cũng là dễ thương và mẹ của chúng là những người sung-sướng hơn bà nhiều lắm.
Trong giây phút, bà bớt căm-hờn Liên, thấy Liên cả quyết giữ con là chính-đáng, là hợp lòng người lắm. Nếu Liên chịu để bé Nhã làm con của cả hai người mẹ thì vui biết bao nhiêu! Việc gì cũng ổn-thỏa hết: bà khỏi phải giành giựt như vậy, và sự thù oán sẽ không còn giữa hai người đáng lý phải thương yêu nhau.
Nhưng bà bỗng bật cười: một người đờn-ông có thể là chồng chung của hai người đờn-bà được, nhưng một đứa bé không thể là con chung của hai bà mẹ. Quyền sở-hữu về chồng không tuyệt-đối bằng quyền sở-hữu về con, người ta chia chồng chớ thế-gian chưa hề nghe nói ai chia con bao giờ.
Lòng Hảo nghe bớt căm hờn Liên, nhưng trí bà vẫn muốn giữ căm-hờn đó. Nên chi tiềm-thức của bà làm việc âm-thầm bên trong để tìm lý lẽ mới đặng ghét Liên. Nó đã tìm được và trình-bày lý lẽ ấy ra. Đây nầy: "Liên nó còn đường sanh đẻ nó sẽ có con đàn cháu đống. Như vậy không nhượng bé Nhã cho bà là một kẻ không còn hy-vọng có con nữa, Liên rõ là một kẻ xấu bụng, không thể tha thứ được.
Khi tiềm-thức của bà nêu ra lý lẽ trên đây thì Hảo nổi xung lên, quyết chiến-đấu đến cùng.
Bà đã lên tới bến thủy-quân rồi, bị hàng rào dây xích to cản đường bà mới hay. Hảo lại quay gót trở về qua lối cũ để thử tìm một lần nữa chiếc xe quí báu kia.
Lần nầy Hảo đến chỗ bà đậu xe mà khòng dừng chơn, đi luôn ra câu-lạc-bộ bơi lội là phía mà bà chưa xem xét hồi nãy. Tới hông quán rượu "Mũi đất của những anh tán dóc" Hảo mừng đến muốn ngộp thở mà thấy chiếc lăng-đô mui kem đậu cạnh chị hàng mía.
Không có người giữ xe và giữ em. Nho và Liên chắc tự đẩy con ra đó rồi vào quán mà giải khát, để bé Nhã ở ngoài. Sợ bị Nho-Liên trông thấy, Hảo xẻ ra ngoài đường mà đi chớ không đi giữa đám bờ sông nữa.
Bà len-lén nhìn vào trong quán thì thấy có hai cặp vợ chồng, nhưng cả hai đều không cặp nào phải là Nho-Liên cả. Hảo nhìn mặt những người đờn-ông uống rượu lẻ-loi nầy hay uống chung bàn năm ba người. Mặt nào cũng lạ hoắt cả.
Thật là kỳ ! Lăng-đô bán ở các hiệu, thường-thường màu xanh, mui xám, mui sô-cô-la. Màu kem ít thấy có lắm, bà ngỡ chiếc xe bà mua cho bé Nhã là độc nhứt, không dè cũng còn chiếc khác giống như vậy ?
Nhưng biết đâu ! Xe ấy có thể là xe chở bé Nhã, nhưng Nho-Liên đang đứng đâu đó chớ không phải đang uống rượu trong quán. Hảo nhìn quanh-quất mà không thấy bóng dáng hai người quen đâu cả.
Bỗng một người đờn-bà độ bốn mươi, ngồi dưới đất mà ăn mía nãy giờ, đứng lên chùi miệng bằng khăn tay, rồi đẩy chiếc xe đi vào hướng bến thủy-quân.
Hảo làm bộ như tình cờ mà đi ra sát mé trước, để lại gần xe. Chừng đi ngang qua gần đó bà mới thấy mình lầm to. Đứa bé nằm trong đó là một đứa bé gái con Tây.
Hết hy-vọng sau vụ mừng hụt đó, bà tìm một chỗ băng trống mà ngồi. Chỗ Hảo tìm được ở ngoài bìa trái của một chiếc băng. Bên mặt của bà là năm mẹ con, bà mẹ trạc ba mươi tuổi, bốn đứa con chừng sanh năm một, chỉ cao thấp hơn nhau chừng một phân Tây thôi.
Mấy đứa bé lao-chao, lộn-xộn quá, khiến mẹ chúng phải mắng:
- Có bà ngồi chơi kia, chớ không phải một mình tụi bây đâu mà chào-rào nhảy lên nhảy xuống hoài cho bà phải bực mình.
Hảo day lại mỉm cười với bà mẹ:
- Không sao đâu bà. Trẻ con thì đứa nào cũng như vậy hết. Tôi yêu trẻ lắm.
Bà mẹ sợ con mình quấy Hảo nên đổi chỗ ngồi gần sát bà để ngăn con chạm tới bà:
- Khổ quá, bà mẹ than, tôi chăn bốn đứa nầy nhọc bằng người ta chăn cả ngàn con vịt.
- Tôi thì tôi chỉ muốn được khổ như bà thôi, mà vẫn không toại nguyện.
- Bà chưa có cháu nào sao ?
- Chưa. Nên tôi thấy trẻ tôi yêu lắm.
Hảo nói xong câu đó, đưa tay ra để vuốt tóc đứa bé gái nhỏ hơn hết của bà kia, nó vừa đến trước đó và dạn-dĩ, nó muốn làm quen với Hảo.
- Bé tên chi ? Hảo hỏi đứa gái.
- Dạ con tên Lệ.
- Bé mấy tuổi ?
- Dạ con năm tuổi.
- Con đi học chưa ?
- Dạ con học ở nhà với tía con.
- Con biết đọc chưa ?
- Dạ con biết chữ A, chữ B, chữ C.
- Giỏi. Bé ngoan quá. Con gái dễ thương quá phải không bà ?
- Dạ, bà nói đúng. Còn ba thằng giặc kia thì tôi chịu không thấu, mà xóm-diềng cũng không ai chịu được chúng nó cả.
Thật rõ-ràng là luận-điệu của một kẻ dư ăn dư để, cho rằng của-cải làm bận rộn mình! Hảo hơi buồn, ngó mông ra ngoài sông. Một chiếc xuồng máy trên đó hai mẹ con người Âu lo lái xuồng cho người chồng chuồi trên mặt nước sau chiếc xuồng với đôi giày tuột tuyết. Đôi vợ chồng ấy chỉ có một đứa con thôi, một đứa con trai độ mười tuổi. Gia-đình tay ba ấy trông sao mà đầm-ấm vui-vẻ lạ. Nếu bà được thằng Nhã thì có thua gì gia-đình người Âu nầy đâu!
Bỗng tiếng còi hụ liên-tiếp chạy qua trên đường, sau lưng Hảo. Bà day lại thì thấy đó là một chiếc xe chở bịnh của Đô-thành. Cùng trong lúc ấy, Hảo thừ người ra: một đứa con gái lối 17, 18 tuổi từ ngoài đường nhựa, đẩy vào đường đá đỏ trong nầy một chiếc lăng-đô mui kem.
Kinh-nghiệm ở đời và thất-vọng vừa rồi ngăn Hảo mừng rỡ sau giây phút thẫn-thờ ban đầu đó. Để khỏi thất-vọng nữa, bà cầm bằng như chiếc xe mui kem nầy là một chiếc thứ ba ở Sàigòn và đứa bé nằm trong đó là đứa bé con Tây nào đó.
Hảo gạt-gẫm lòng mình như vậy, nhưng lòng bà vẫn không chịu để bị gạt dễ-dàng. Nó cứ bứt-rứt muốn biết đích-xác đứa bé nằm trong xe là đứa bé nào.
Mắt bà không rời chiếc xe và đứa con gái đẩy xe. Con nhỏ đẩy lăng-đô đi riết lại sân gôn-phờ, rồi ngừng gần đó mà xem người ta chơi banh.
Kể từ lúc chiếc xe mui kem đẩy vào bờ sông, Hảo không còn biết người đờn-bà bên cạnh mình nói gì nữa. Bà chỉ ừ-hử lấy lệ thôi. Mấy đứa con của bà bên cạnh hình như đang làm giặc hay giựt giàn chay gì đó, thế mà Hảo cũng xem như không không.
Giây lâu, không chịu được nữa, bà đứng lên, chào bà mẹ mà rằng:
- Thôi, bà ngồi đây hóng mát nhé. Tôi ngồi lâu cũng mỏi, cần đi qua đi lại vài vòng.
- Dạ, chào bà.
Hảo không dám đi ngay lại sân gôn-phờ, sợ rằng không phải, rồi khổ thêm nhưng bà cũng không đi xa đó được. Bà đánh mấy vòng và những vòng ấy càng lúc càng hẹp lại cho đến một khi kia thì bà chỉ còn cách chiếc lăng-đô độ sáu bảy thước thôi. Bà ngóng cổ lên, cố dòm vào xe, nhưng nệm xe ở dưới sâu, không trông rõ được đứa bé.
Con nhỏ đẩy xe thì xem mê-mệt trò chơi của mấy người đờn-ông. Hảo rón-rén bước lại gần sau lưng nó như là kẻ cắp định làm một vố rồi chạy đi. Khi chỉ còn cách đó chừng hai thước, bà dòm vào xe thì máu bà bỗng như ngưng chảy.
Thằng Nhã tuy có đổi khác sau mấy tháng xa bà nhưng vẫn còn nhìn được. Phương chi càng lớn tháng nó càng giống Nho hơn nên càng dễ nhìn hơn.
Nhã đang ôm cái núm vú cao su mà núc, mắt khờ-khạo nhìn trời xanh, bà thấy là muốn nhảy tới cắn cho đã thèm.
Hảo đang tìm cớ để bắt chuyện với đứa con gái đẩy xe. May quá, chiếc núm vú của bé Nhã rơi xuống nệm, và nó mếu muốn khóc lên.
Con nhỏ đẩy xe say mê cuộc chơi gôn-phờ không hay biết gì cả. Hảo bước tới vài bước dòm vào xe rồi day lại gọi con nhỏ:
- Núm vú của em bé rớt, em bé muốn khóc kia em à!
Con Lầu ngước lên, mỉm cười với Hảo, vị tình bà đã săn-sóc cho Nhã chớ thật ra nó không sốt-sắng lắm với bổn-phận của nó.
Lầu lượm núm vú lên, chùi đầu núm vú vào tay áo nó rồi đút vào miệng thằng bé. Hảo ghê-tởm quá, và tội-nghiệp cho Nhã quá, nhưng không dám nói gì, cũng chẳng lộ vẻ khó chịu ra, sợ mích lòng chị vú non. Bà học được một bài học kinh-nghiệm quí-giá, là giao con cho tôi-tớ không được. Một bà mẹ tốt, phải chính mình săn-sóc lấy con mình.
Hôm ấy, Hảo mới hiểu tại sao con của bạn-hữu bà, nuôi dưỡng vệ-sanh là thế, mà lắm khi lại mắc những chứng bịnh do bẩn-thỉu mà ra. Con nhỏ giữ em nầy, ra chừng không phải ác mà bôi bẩn bé Nhã đâu. Nhưng vì nó không tin những lời căn-dặn của chủ nó, nên mới hành-động như vậy.
Bấy giờ Hảo mới dám công-khai vịn chiếc lăng-đô.
Bà cúi xuống cười với bé Nhã, nói chuyện với nó. Bé Nhã ngưng núc núm vú, ngơ-ngác nhìn bà, rồi nhìn bà trân-trối ra. Ký ức non-dại của nó không chắc nó nhớ được người đờn-bà đã thương-yêu nó như thương yêu chính gò má của bà, cách đây mấy tháng. Nó nhìn bà mãi chỉ vì nó ngạc-nhiên mà thấy một gương mặt lạ, khác hẳn gương mặt của mẹ nó và chị vú của nó.
Nghe êm tiếng người, Hảo ngước lên thì các tay gôn-phờ đã thôi chơi. Bà mừng thầm vì con vú non sẽ hết mê và bà có thể bắt chuyện với nó. Hảo cười với con Lầu mà rằng:
- Em bé dễ thương quá. Mấy tháng đó em?
- Thưa bà bốn tháng.
- Bú gì mà sổ sữa như vậy?
- Thưa chủ em nói là bú hổn-hợp, phân nửa sữa mẹ, phân nửa sữa bò.
- Hèn chi.
- Bú như vậy tốt lắm hả, thưa bà?
- Bú sữa mẹ thì tốt nhứt. Có tệ lắm cũng bú hỗn-hợp như vậy. Bú toàn sữa bò không thôi, ít có đứa được tốt lắm. Em bé là con so hay con rạ vậy em?
- Thưa em không biết. Em chỉ mới vào ở hai tháng nay thôi. Em thấy cô chủ em chỉ có một mình bé Nhã đây thôi, nhưng không rõ còn em nào nữa để ở đâu hay không.
- Em bé tên là Nhã?
Hảo vừa nói vừa mở sắc lấy kẹo ra, nhưng bà ăn trước rồi mới mời con Lầu sau, để cho nó không thấy được đó là một cử-chỉ sắp đặt để mua lòng nó. Con Lầu nhận kẹo, nói cám-ơn và thật lòng cảm-tình với Hảo nhiều lắm. Hảo rủ:
- Lại đây ngồi chơi em. Để cô đẩy xe cho.
Vừa nói, bà vừa đẩy chiếc lăng-đô lại đống gạch đỏ ở gần đó mà Đô-thành dùng để xây một bồn bông.
Con Lầu nối gót theo bà và hỏi:
- Coi bộ bà thích trẻ con lắm, thưa bà?
- Ừ. Ta ngồi ở đây, không ai quấy rầy như ở đằng các băng.
Hảo lại trao thêm kẹo cho con Lầu và hỏi:
- Em làm một tháng bao nhiêu?
Lầu không ngạc-nhiên lắm. Những lần ở các chủ trước, nó cũng bị nhiều bà lạ hỏi như vậy. Có bà chỉ thấy nó sạch-sẽ duyên-dáng nên cảm-tình mà hỏi thế thôi. Có bà đang túng người làm, thấy tôi-tớ của ai cũng hỏi đon hỏi ren để dụ-dỗ.
- Thưa bà, năm-trăm, nó đáp.
- Chỉ có năm trăm thôi à? Cũng hơi ít đó.
- Nhưng em khỏi phải làm công việc gì khác hết.
- Nhà kẻ ăn người ở nhiều lắm hả?
- Dạ chỉ có một mình em thôi. Nhưng chủ em ăn cơm xách.
- Vậy sao? Còn ai quét dọn.
- Dạ chủ em ở bun-đin, mướn có hai buồng trên, gọn lắm. Hành-lang đã có nhơn-công của bun-din lau quét. Nhà ở xóm sang, nên đi ra đi vào, guốc dép không dính một chút đất nào; thành ra buồng trong cũng khỏi phải lau.
- Ở bun-đin, chắc chủ em sang lắm?
- Dạ, họ sang lắm. Nghe nói mướn hai buồng ấy là mỗi tháng phải trả tới bốn ngàn.
- Bun-đin nào mà ở xóm sang hở em?
- Dạ bun-đin năm từng đường Tự-do.
Ít ra tới đây Hảo cũng biết đích-xác họ ở đâu, tuy chưa dám hỏi họ ở từng thứ mấy và buồng số mấy.
Làm bộ buồn cười, Hảo cười lớn lên rồi hỏi tiếp, vừa hỏi vừa biếu thêm kẹo:
- Em nói bun-đin năm từng mà nói theo ta hay theo Tây?
Con Lầu ngạc nhiên trố mắt nhìn Hảo giây lâu rồi hỏi lại:
- Thưa cô, gì mà theo ta, theo Tây, em không hiểu ?
Hảo cười mà rằng:
- Ta hiểu theo Tàu và ăn nói theo họ. Căn nhà dưới đất ngtrời Tàu gọi là từng thứ nhứt và vì vậy, từng lầu thứ nhứt họ gọi là từng nhì. Thế nên nhà chỉ có hai từng mà họ bảo là ba từng đó em.
Con Lầu như chợt tỉnh, phá lên cười rồi nói:
- Trèn đét ơi, cô nói em mới nhớ ra. Phải rồi, nhà ấy chỉ có bốn từng thôi. Buồn cười quá, cái gì căn dưới đất lại kêu là từng nhứt, bây giờ mới thấy kêu như vậy là vô-lý.
Câu chuyện từng lầu giúp Hảo hỏi được chi tiết sau đây mà không có vẻ dò xét điều gì.
- Chà, nhà bốn từng, leo thang chắc rụng giò?
- Thưa cô, có thang máy chớ. Nhưng chủ em ở từng nhì... ủa từng nhứt (con Lầu cười ngặc-ngẹo sau lời nói lộn nầy) nên nếu phải leo thang cũng không nhọc bao nhiêu.
- Chắc em sung-sướng lắm, đẩy em bé đi chơi cả ngày, mà lúc ở nhà, chủ cũng vắng mặt, mặc sức mà ở không.
Sợ Hảo có ý xấu về nó, có hại cho nghề-nghiệp của nó nếu bà có ý dụ-dỗ nó, con Lầu vội cãi:
- Không, thưa cô. Coi vậy mà làm lắc-xắc cũng hết giờ. Lại còn phải đi xách cơm, xách đồ ăn sáng, ngày ba bận.
Hảo lại biếu thêm kẹo; lần nầy cả một nắm đầy, để xóa sự nghi-ngờ giả-vờ của bà. Bà nói:
- Cô ra đây hóng ngát rất thường, sao ít gặp em. Chắc em thường đi vườn trẻ con hơn?
- Thưa cô, em chỉ ra đây thôi, chủ em dặn như vậy.
- Vậy à. Thôi, từ rày cô sẽ để ý tìm em. Cô có bạn rồi đó. Thôi, em còn ở đây chơi nhé...
Hảo đứng lên, con Lầu cũng đứng theo mà chào bà. Nhưng bà không đi ngay ra xe, sợ con Lầu biết tung-tích bà, không tiện. Bà làm bộ đi lên đi xuống một hồi, và thấy con nhỏ đang mê xem Tây chuồi trên nước bằng giày tuột tuyết, bà mới nhảy lên xe và phóng lẹ.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Fri 18 Feb 2022, 07:22 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
Phần Kết
Lần đầu-tiên từ hai tháng nay, Hảo ăn biết ngon, và đêm đó ngủ được sau nửa tiếng đồng-hồ suy tính mưu-kế.
Phải, bây giờ thì khỏe rồi đó nhé ! Chỉ còn thi-hành kế quỉ thôi, chớ khỏi tìm kiếm ai nữa cả !
Kế quỉ nầy muốn thành được phải khôn-khéo và tốn tiền. Khôn khéo làm thân với con Lầu cho nó tin-cậy không sợ-hãi. Khôn-khéo làm cho nó ham-muốn có nhiều tiền. Khi sự ham-muốn ấy của nó lên tới độ tột cùng và nó sắp tuyệt-vọng vì thấy không thể nào có tiền nhiều được thì thảy tiền ra trước mặt nó một số tiền to-tát đối với nó, làm cho nó ngộp thở không còn cân nhắc gì được cả.
Tuần-lễ nầy không có gì khó-khăn: bà chủ hãng mà kết thân với một đứa gái giữ em, có tốn công tốn của bao nhiêu đâu? Vài gói kẹo, vài trái bom, vài trái xá-lỵ là đạt mục đích ngay.
Chiều hôm sau, Hảo lại ra chốn cũ, đi bằng tắc-xi chớ không dám lái xe nhà nữa. Bà võ-trang bằng nửa ký nho tươi, mới được nhập-cảng dồi-dào nên giá hạ lắm, và một quyển tiểu thuyết mà bìa vẽ rằn-rịt và tô màu sặc-sỡ xanh đỏ tím vàng.
Cuộc tiếp xúc khởi-diễn bằng sự mời ăn quà chung, chớ không phải biếu quà khách sáo.
Con Lầu thấy lối khách ăn mặc, trông phong-độ và bằng vào thứ quà sang trọng nầy mà chính chủ nó cũng thường ăn, thì nó đoán Hảo cũng thuộc vào hạng sang như chủ nó. Nhưng tại sao Hảo lại ra đây mà ngồi trên gạch, đánh bạn với tôi-tớ của người ta thì chưa rõ; nó quyết dò lần để tìm biết.
Hôm nay Hảo nói chuyện ít thôi, cắm đầu đọc tiểu-thuyết. Lâu lắm, bà mới xếp sách lại rồi nhìn con Lầu mà thở dài.
- Truyện hay lắm hả, thưa bà? Con Lầu hỏi.
Hảo làm bộ giựt mình:
- Ơ… hơ... à, cũng khá hay. Em biết đọc hay không?
- Dạ biết.
- Em ưa đọc tiểu-thuyết không?
- Em thấy mấy chị em bạn của em họ mê lắm. Mà em làm biếng, nên không có đọc.
- Đọc tiểu-thuyết cũng hay, giải buồn được. Như nãy giờ cô đọc chuyện cô Dần trong nầy hay quá. Cô Dần cũng đi ở giữ em cho người ta như em, và như em, cô ấy cũng xinh đẹp và rất có duyên.
Nói tới đây, Hảo nâng càm của con Lầu lên rồi nhìn nó mà cười. Bà thấy nó xinh đẹp và có duyên thật. Bà kể tiếp:
- Một hôm nó ngồi xem chừng con của chủ nơi một vườn trẻ, thì một cậu công-tử đi ngang qua. Thấy dung-nhan cô Dần, cậu công-tử mê lắm. Cậu ta bèn vào vườn chơi mà làm quen với nó.
Hai người yêu nhau, cậu nọ cho tiền cô Dần rất nhiều nhưng cô ta tham-lam quá đòi hỏi quá sức của cậu nên cậu phải đi lường-gạt người khác để đủ tiền cung-phụng cho cô ta.
Kết-cuộc cậu ấy bị bắt, cô Dần hóa ra mất nơi nương dựa, và lần lần lùi trở về đời sống nghèo cực như trước.
- Đáng kiếp, con Lầu phê-bình.
Nó phê-bình theo lối của nó, của hạng người như nó: chỉ phê-bình nhân-vật thôi. Rồi im-lặng giây lâu nó hỏi:
- Không biết chuyện trong tiểu-thuyết có thật vậy hay không cô?
- Có chớ không có làm sao ai biết mà viết ra.
Hảo để cho Lầu nghĩ-ngợi rất lâu về chỗ có thật ấy: Lầu ngó mông ra ngoài sông, trong lòng chắc ao-ước được một công-tử nào đến yêu nó và cho nó thật nhiều tiền.
Giây lâu Hảo lại nói:
- Tiếc cho cái cô Dần nầy đã quá tham lam!
Ừ, Lầu cũng nghĩ như vậy. Nó sẽ biết điều hơn chớ không đòi hỏi quá cho đến nỗi sụp đổ cả như cô Dần dại-dột kia đâu.
Cho nó ý nghĩ về biết điều trong sự vừa phải xong, Hảo lại kéo nó trở về thật-tế:
- Tiểu-thuyết họ dựa theo sự thật mà viết. Nhưng chuyện thật không phải là chuyện thường xảy ra. Một công-tử ít có dịp mê một cô gái giữ em lắm.
Con Lầu cười:
- Em cũng nghĩ như vậy. Thiếu gì người đẹp hơn bọn chúng em. Thành ra em ít khi dám mơ hảo.
- Ít mà không phải là không có. Em cứ mơ đi chớ! Nào có tốn hao gì đâu mà em sợ.
Nho tươi lại từ tay Hảo truyền qua tay con Lầu. Lầu vui thích lắm, không phải nhờ thứ quà ngon mà không mấy khi nó được ăn kia, mà vì nó thấy rằng nó có bạn, một người bạn hay-ho, khác hẳn bao nhiêu là đồng-nghiệp khác của nó, không bao giờ gợi cho nó nghĩ đến những chuyện xa vời như vậy.
Hổm rày, Hảo đã mở khóa cho trí óc con Lầu thoáng thấy sự có thể được hưởng một đời sống xa-hoa. Đó là bà dắt nó đi bước đầu chơi chơi vậy thôi chớ gợi ham muốn, phải xác-thực hơn thế kia.
Hôm sau, Hảo ra tiệm vàng sắm một bộ nữ trang toàn bằng vàng và cẩm thạch gồm một đôi hoa tai, một sợi dây chuyền mề đai, một chiếc cà-rá và hai chiếc vòng cẩm thạch nạm vàng.
Đó là loại nữ-trang bình-dân. Từ thuở giờ Hảo chỉ diện bằng nữ-trang quí-phái kín-đáo bằng bạch kim nhận xoàn. Bà biết rằng con Lầu chưa biết thưởng-thức vẻ đẹp của loại nữ-trang của hạng bà, nên mới sắm thứ của nó, xanh xanh vàng vàng rất dễ mê đối với mắt của nó.
Hôm ấy bà bạn cao tuổi và sang trọng của con Lầu hiện ra với mớ cẩm thạch bọc vàng trên người, khiến nó thấy bà như vừa bước xuống hàng-ngũ của nó, gần-gũi nó hơn hôm trước nhiều.
Thấy con bạn trẻ nhìn mê nữ-trang của mình, Hảo cười rồi mở dây chuyền của bà ra mà tròng vào cổ nó. Chiếc cà-rá và hai chiếc vòng cũng được sang qua tay con Lầu. Xong, bà lấy chiếc gương con trong sắc ra đưa trước mặt con nhỏ mà rằng:
- Tướng của em sang lắm. Em mà có chút đỉnh nữ-trang đeo vào mình thì xinh đẹp hơn trước bội phần. Đó em nhìn cho rõ thì biết.
Con Lầu nhìn trân-trối cái ngực của nó trong kiếng. Chiếc mề-đai thẻ ngà ngọc-thạch bọc vàng y nằm trên đó, nó thấy đẹp quá sá.
Nó lại dòm xuống hai chiếc vòng cẩm-thạch nạm vàng ôm vừa khít cổ tay của nó rồi nó thấy tay nó sao mà dễ thương quá đi mất.
Hảo rình hai con mắt của con nhỏ giữ em để theo dõi những ý nghĩ thầm kín của nó lộ ra trong ấy. Con bé thích chí, rồi buồn rầu thấy cả đời nó khó sắm được những món đẹp ấy.
Hảo nói:
- Xem thì rôm mà không bao nhiêu tiền đâu. Em muốn những thứ nầy thì thiết-thực đó, có cơ sắm được chớ không phải mơ hảo như mơ cậu công-tử trong truyện đâu.
- Hết thảy giá độ bao nhiêu thưa cô?
- Kể cả đôi bông tai của cô đây thì chỉ lối tám ngàn là sắm đủ.
- Ý trời ơi, cô nói như là ít tiền lắm, nhưng em lại thấy là quá nhiều. Em làm lương tháng có năm trăm thôi. Nếu để dành được mỗi tháng vài ba trăm thì cũng phải đến bốn năm mới gom đủ số tiền ấy. Mà dễ gì để dành, thưa cô?
- Em còn trẻ, có dịp kiếm tiền, đừng có thối chí sớm như vậy.
Con Lầu bỗng buồn nét mặt rồi thân-mật kể-lể:
- Năm ngoái có một thầy yêu em lắm. Thẩy hứa sắm cho em những món nữ-trang thứ đó, một hôm dắt em đi chơi, ngang qua các tiệm vàng mà em đứng lại trầm-trồ. Nhưng rồi thầy ấy không yêu em nữa, em mất mộng sắm nữ-trang từ đó.
- Đừng, em đừng nhờ đờn-ông sắm cho, trừ ra người đó là chồng của em. Nhờ như vậy xấu lắm. Thường-thường thì bị họ gạt-gẫm hứa suông rồi chừng hưởng được em rồi, họ làm lơ đi.
- Cô dạy rất phải. Nhưng quả thật không có đường nào khác.
- Cũng còn đường. Em bền-chí rồi sẽ gặp được con đường ấy.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Tue 22 Feb 2022, 08:31 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
Nhờ dọ hỏi biết Nho-Liên không bao giờ theo con ra bờ sông cả, nên Hảo hay ẵm bé Nhã ra khỏi xe để nựng nịu nó mỗi lần gặp con Lầu.
Mặc dầu chủ nó đã căn dặn kỹ-lưỡng và giao-ước gắt-gao về khoản đó, Lầu vẫn không nói gì, vì nó thấy Hảo là bạn thân nó, và chủ nó cũng không thể biết được mà phải sợ.
Hôm ấy Hảo nắm gót bé Nhã mà hôn trơ hôn trất, khiến con Lầu phải nói:
- Hổm nay em không thấy cô dẫn con của cô ra đây lần nào hết, và cứ xem cô cưng bé Nhã thì em đoán cô không con, và muốn con lắm phải không thưa cô ?
- Đúng, em khá thông-minh. Cô có con, nhưng con của cô đã chết mấy tháng nay nên cô buồn lắm.
- Chỉ có một em thôi sao cô ?
- Ừ, chỉ có một thôi. Cô mà được một đứa con trai như bé Nhã nầy thì thích nhứt đời.
Nói rồi bà lại nựng bé Nhã, kêu nó bằng cục cưng, cục vàng, cục ngọc, đủ thứ là món quí.
Giây lâu, Hảo ngước lên nhìn con Lầu mà cười rồi nói giọng cà rởn:
- Em bán bé Nhã cho cô đi. Giá cả tùy em định-đoạt.
Con Lầu lấy làm hay-ho lắm, cũng cười theo mà rằng:
- Cha, bán bé Nhã thì mặc sức mà sắm vàng. Nhưng rồi vô khám, rốt cuộc không đeo vàng được.
- Ai dại gì để vô khám.
- Chớ trốn đâu cho khỏi, thưa cô.
Hảo thấy chưa phải lúc nói nhiều và nói nghiêm-trang về vụ nầy, nên bông-lơn thêm một câu nữa rồi ra về sau khi hôn hít rất lâu bé Nhã.
° ° ° Tối hôm đó trong giờ ăn, con Lầu đứng hầu bới cơm cho Nho - Liên, nghe chủ nói về một bà quen của họ cũng hiếm-hoi và muốn con, nó xen vô:
- Thưa cô, cô nói em mới nhớ. Hổm nay em đẩy bé Nhã đi chơi, hay gặp một cô sang trọng lắm cũng hóng mát ngoài bến tàu. Cô ấy cứ theo trầm-trồ bé Nhã hoài, khen bé Nhã nào kháu-khỉnh, nào sổ sữa, lu-bù thứ khen.
Nhờ gặp nhiều lần nên em quen với cô ấy, và hỏi ra mới biết cô ấy không con. Sao kỳ quá hở cô, họ ham con quá !
Liên nghe câu chuyện con Lầu vừa kể thì giựt mình đánh thót rồi hỏi lăng-xăng:
- Cồ ấy già hay trẻ, ra làm sao, gặp ở đâu ?
- Con Lầu ngạc-nhiên trước sự bối-rối và quýnh-quáng của chủ nó. Nó hơi sợ, không biết sợ cái gì, nhưng phải đáp vì đã nói lỡ ra rồi.
- Thưa, cô ấy xem bơi cao tuổi hơn cô một chút. Ra làm sao thi em nói không được, mà trông sang trọng không kém gì cô. Dạ, gặp ngoài bến tàu.
Con Lầu quyết chí thổ-lộ có bấy nhiêu đó thôi, chủ nó hỏi thêm thế nào nó cũng không nói.
Ăn cơm xong, Liên khóa cửa buồng ngủ lại rồi nói nhỏ với Nho:
- Anh có mghi gì hay không ?
- Nghi gì.
- Về câu chuyện con Lầu nói.
Nho cười ngất mà rằng:
- Em khéo lo hảo thì thôi. Em nghi đó là Hảo hả ? Nếu như là Hảo thì nó đã hành động rồi.
- Hành-động thế nào ?
- Ai biết đâu. Nhưng không lẽ nó theo dấu mình, rồi khi tìm được, lại không làm gì hết.
- Biết đâu chị ấy không chẩm-rãi để hành-đông cho chắc.
- Em sợ Hảo đến đây phải không ? Nếu vậy thì đuổi con Lầu đi.
- Vô ích, vì đã quá trễ rồi. Ra khỏi nhà nầy, con Lầu sẽ oán ta mà giúp Hảo đắc-lực thêm. Nhưng em không phải sợ điều đó.
- Chớ em sợ gì ?
- Bé Nhã.
- Không dám đâu.
- Anh cứ nói thế, đờn-ông hay bình-tỉnh tầm phàu lắm !
Nho ngoài mặt nói vậy mà trong bụng lại rối lung-tung-beng. Ông thấy cảnh khổ của ông đến mức nầy là đủ rồi. Ông vừa quen được với cảnh khổ nầy, vừa chịu đựng được nó và thấy tạm đễ chịu với nó. Nếu Hảo gây rối mãi, thì không biết đời ông sẽ bị náo-động đến đâu.
Chiều hôm sau, khì mặt trời đã khuất sau những dãy nhà cao, thì con Lầu sửa-soạn để đưa bé Nhã đi hóng mát. Liên nói:
- Bữa nay em bé hơi ấm đầu, đừng có đẩy em đi.
- Vậy sao, thưa cô.
Con Lầu chưng hửng vì nó săn-sóc bé Nhã từng phút từng giây lại không hay bé Nhã ể mình. Nó bước lại rờ trán em bé thì nghe trán lạnh tanh.
Bỗng nó chợt hiểu, nên làm thinh, không cãi như nó vừa toan làm.
Hảo ngồi trên đống gạch đỏ mà đợi mãi con bạn vú em đến tối mịt, đèn đường và đèn dưới tàu cháy lên, bà mới ra về.
Trẻ con không được đưa đi hóng mát một hôm là sự thường nên Hảo không lấy làm lạ về sự vắng mặt đó. Nhưng liền bốn ngày sau đó, bà cũng không thấy tăm dạng con Lầu và chiếc lăng-đô màu kem đâu cả.
Hảo đi qua khắp các vườn chơi trẻ con, đi cho chắc ý vậy thôi chớ con Lầu đã quả-quyết với bà là nó chỉ ra bến tàu thôi mà cũng không gặp người bạn trẻ và đứa bé thương yêu.
Hôm sau bà đến dưới bun-din để rình con Lầu. Nhưng khi tới nơi, bà thấy làm như vậy bất tiện lắm. Nho và Liên có thể ra đi thình-lình và bắt gặp bà. Bà chưa hành-động mà quậy hôi ổ, họ sợ rồi dời chỗ ở thì khổ cho bà thêm. Hơn thế, nếu con Lầu không ra thì có phải bà đợi rụng giò hay không.
Nhớ lại chi-tiết về vụ xách cơm, Hảo trở về nhà và liệu đến gần giờ ăn, đi chận đường con Lầu trên khoảng phố từ nhà hàng lấy cơm đến bun-đin mà Liên ở.
Gặp mhau, cả hai đều dớn-dác nhìn quanh ngó quẩn, trông như hai kẻ gian-phi, hoặc hai người buôn lậu. Chưa thố-lộ gì với nhau, họ đã hiểu nhau lắm rồi.
Hảo hỏi:
- Sao hổm nay em không đưa bé Nhã đi hứng gió ?
- Dạ cô chủ em không cho.
- Sao lại không cho ?
- Cô chủ em nói bé Nhã ấm đầu.
- Thế nghĩa là bé Nhã không có ấm đầu ?
- Sao cô biết ?
- Nếu bé Nhã ấm đầu thì em đâu có nói: Cô chủ em nói, em đã nói ngay là bé Nhã ấm đầu kia chớ.
Con Lầu cười ngất rồi khen:
- Cô thật tinh ý.
- Nhưng sao chủ em lại nói dối làm chi ?
- Dạ em không biết. Hình như bả sợ cái gì.
- Sợ cái gì?
- Em cũng không biết nữa.
Quả thật Lầu không biết rõ nhưng nó hơi nghi bà chủ nó sợ Hảo. Hảo cầm tay Lầu như bạn thân, vừa đi vừa nói:
- Hổm nay cô nhớ em quá, mà cũng nhớ bé Nhã nữa. Em nè, cô muốn nói với em một chuyện...
- Chuyện gì thưa cô?
- Em có muốn được tất cả nữ-trang hôm nọ, thêm năm ngàn đồng bạc mặt nữa không?
Con Lầu bối-rối hết sức. Nó thoáng hiểu Hảo muốn gì. Nó ham số tiền ấy lắm, mà cũng sợ-hãi lắm. Nó thừ người ra giây lâu rồi hỏi:
- Em phải làm gì mới được thưởng như vậy, thưa cô?
- Em đưa bé Nhã cho cô nuôi.
Con Lầu chờ đợi đề-nghị đó, nhưng nghe Hảo nói ra, nó choáng-váng như bị ai đánh một vố vào đầu. Nó im-lặng rất lâu rồi nói:
- Ở tù chết!
- Em đi luôn kia mà.
- Làm sao trốn cho khỏi. Họ cớ bót, lính sẽ tìm mình.
- Làm sao mà tìm được. Em là con gái có ai xét giấy tờ gì đâu.
- Họ đăng nhựt-trình rồi em đi tới đâu cũng bị người ở gần biết cả rồi đi tố cáo, làm sao?
- Khỏi lo. Em theo về nhà cô. Cô cần em để giữ bé Nhã. Cô lại không tố-cáo em.
- Người ở của cô sẽ nghi-nan thì làm sao?
- Cô mướn một nhà riêng chỉ một mình cô, em và bé Nhã ở mà thôi.
- Mà em sợ quá cô à!
- Đã cam đoan không ai tìm ta thì còn sợ gì?
- Mà sao em cứ sợ.
- Chủ em có lấy hình của em hay không, có ghi thẻ căn-cước em hay không?
- Thưa không.
- Như vậy khỏi lo gì hết. Họ chỉ biết tên em thôi thì làm sao đi thưa kiện được, làm sao đăng báo được.
- Nhưng chủ em không cho đem bé Nhã ra ngoài thì làm sao?
- Thì mình tìm cách cho cô ấy sai em đem bé Nhã ra ngoài, không khó lắm đâu. Miễn là em bằng lòng là được.
Thấy con Lầu cứ làm thinh mãi, Hảo mở ví lấy ra hai ghim bạc đưa cho nó.
- Em nhận trước số tiền nầy, kẻo ngại cô hứa suông.
Con Lầu cầm tiền không dám bỏ túi. Hảo phải cầm tay nó mà thồn cả tay lẫn tiền vào túi áo bà ba của nó.
- Lấy khăn mù-xoa đậy tiền lại, kẻo họ thấy. Em nhận lời chớ?
Con Lầu ngần-ngừ một lát rồi giao-ước:
- Mà cô bảo-bọc em nghe!
- Ừ, hứa chắc mà.
- Bây giờ làm sao để đem bé Nhã ra?
- Giờ tới tối, em có khuấy sữa cho bé Nhã thì khuấy nước lạnh nghe không?
- Dạ.
- Bụng nó thì đừng che đậy bằng áo, bằng tã gì hết, phải để cho cái bụng chịu lạnh sáng đêm nay.
- Dạ.
- Như vậy ngày mai thế nào bé Nhã cũng đau bụng và đi rửa.
- Rồi làm sao nữa cô?
- Rồi thế nào cô chủ của em cũng đưa bé Nhã đi đốc tơ. Chắc chắn là em phải đi theo để ẵm bé Nhã.
- Dạ hay lắm!
- Vào phòng chờ em ngắt véo thế nào cho bé Nhã khóc ré lên. Sợ làm ồn, chủ em sẽ bảo em ẵm bé Nhã ra ngoài giây lát. Chừng đó cô sẽ đợi em, cô mở cửa xe sẵn, em lên ngồi là ta chạy luôn.
Con Lầu vỗ tay reo lên:
- Cô sắp đặt thật tài-tình như trong hát bóng.
Bỗng nó lo-lắng hỏi:
- Nhưng cô biết chủ em đưa bé Nhã đi đốc-tơ nào để mà đón ngoài cửa?
- Chủ em sẽ đi đốc-tơ Minh.
- Sao cô đoán trước được?
- Vì ông Minh là ông đốc-tơ chuyên trị trẻ con danh tiếng nhứt, lại ở cùng đường với chủ em.
- Hay quá. Cô giỏi như vậy, em an lòng được và dám theo cô đa.
- Về nhà làm ngay đi, theo lời cô dặn nhé!
- Dạ.
- Thôi cô đi đây.
Sự việc xảy ra đúng từng chi tiết một theo kế-hoạch của Hảo.
Hồi bốn giờ khuya, bé Nhã bỗng khóc thét lên khiến cả nhà đều giựt mình thức dậy. Nho lật đật nhảy xuống giường chạy lại công-tắc mà vặn đèn.
Chiếc nôi của bé Nhã đặt ngay tại cửa buồng giữa phòng ngoài và phòng trong để cho Lầu vừa săn sóc em bé được, mà Liên cũng vừa kiểm-soát được con Lầu.
Hai vợ chồng và cả con vú đều chạy a lại nôi của bé Nhã. Liên vội-vã ẵm bé lên và ôm nó vào lòng. Nho hét:
- Lầu, xem trong nôi có con gì hay không như bò cạp, rít chẳng hạn.
Trong khi đó thì Liên tháo tã của bẻ Nhã ra. Nho nói:
- Có khi kim nó rơi dính tã, rồi đâm con.
- Nếu có kim thì từ đầu hôm đến giờ, Nhã bị đâm từ lâu rồi.
Mặc dầu vậy, Nho cũng vò vải tã và vải mền của bé Nhã cho thật chắc ý.
Cả nhà tìm giây lâu, không thấy nguyên-nhân gì lạ, Liên kết-luận:
- Bé Nhã bịnh rồi đó.
Bé Nhã mỗi lần thét lên khóc là nẩy ngược ra. Nó khóc đổ mồ-hôi đến da nó lạnh ngắt. Để úm cho con ấm, Liên ôm con vào ngực và vác nó lên vai, được ẵm như vậy, bé Nhã đỡ hay sao không rõ nhà nó im được.
Nho nói:
- Đích thị là nó đau bụng.
- Sao anh biết?
- Thì ôm bụng nó là nó bớt kia mà.
Lời đoán của ông lang băm, phải đợi đến sáng bét mới được xác-nhận. Sáng ra bé Nhã đi rửa ướt cả tã, thay mãi mà nó cứ làm dơ hoài.
Con Lầu rất hồi-hộp mà nghe hai vợ chồng bàn với nhau để chọn đốc-tơ. Khi họ đồng ý về đốc-tơ Minh, con Lầu mới thở ra nhẹ-nhõm.
Chủ-tớ sửa-soạn trong nháy mắt thì xong. Họ đi bộ đến phòng khám bịnh của vị lương y, và trên đường, con Lầu phải một phen hồi-hộp nữa. Nó sợ Hảo vụng-về quá rồi chủ nó biết. Nó lại sợ Hảo đến không kịp lúc.
Họ vào, phòng mới mở cửa chưa đầy nửa tiếng đồng-hồ; thế mà tấm thẻ Liên nhận được mang đến số 20. Con Lầu nghe dễ chịu lắm vì lúc bước qua ngưỡng cửa phòng khám bịnh, nó đi sau, thấy Hảo ngồi tắc-xi đi ngang qua đó, rồi ngừng lại cách đó năm căn nhà.
Hôm nay không có trẻ con nhỏ quá. Con bịnh nào cũng năm sáu tuổi đổ lên, nên chi phòng khám bịnh tương-đối yên-tịnh được. Thấy con nín mà ngủ, Liên an lòng, bắt chuyện với một bà bên cạnh. Hai người đang nói chuyện say mê thì bé Nhã bỗng ré lên khóc. Con Lầu đã làm thế nào không biết mà bé Nhã khóc mãi không chịu nín nữa.
Trong khi ai nấy đều im, bé Nhã có vẻ làm ồn quá, Liên bèn day lại nói:
- Lầu, ẵm em ra ngoài giây lát coi. Ở đây ngột quá, chắc em khó chịu.
Con Lầu mừng rỡ nhưng không dám hối-hả sợ chủ nó nghi. Nhưng, khi cánh cửa bật của phòng khám bịnh khép mạnh lại sau lưng nó thì nó bươn-bả đi thật mau lại chiếc tắc-xi đậu đằng kia, cửa xe mở ra nửa chừng, có cánh tay đờn-bà ló ra mà vịn cửa ấy.
Cửa xe vội mở lớn ra, con Lầu nhào vô xe thì cửa đóng lại một cái rầm; xe còn rồ máy, giựt chạy luôn.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Thu 24 Feb 2022, 07:47 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
Liên nói chuyện một hơi, nghe chừng đã lâu rồi, nàng mới sốt ruột lên. Bé Nhã có thể khóc quá mà đổ mồ-hôi. Gió bên ngoài có thể làm cho nó lạnh. Nhưng sao con Lầu ở mãi ngoài ấy? Nàng đợi thêm vài phút nữa, rồi xin phép người bạn bên cạnh, đứng lên để đi tìm con Lầu.
Nàng ngạc-nhiên mà không thấy con nhỏ ở đứng lối tước cửa. Nhìn xa lên phía trên không thấy gì cả, Liên nhìn xa xuống phía dưới, cũng chẳng thấy tăm dạng con Lầu ở đâu hết.
Đâm sợ, nàng chạy tới góc đường nhỏ nối liền Tự-do và Nguyễn-Huệ mà tìm. Không, con Lầu cũng không có mặt nơi con đường đó.
Bối-rối lên, Liên đánh một vòng qua hết bốn con đường. Bao bọc khối nhà mà trong đó có nhà Ông đốc-tơ Minh. Con Lầu vẫn vắng bóng.
Liên nghe bủn-rủn tay chơn, muốn té quị xuống. Nàng cố gắng-gượng đi một vòng nữa, rồi trở lại phòng khám bịnh. Ở đó không ai thấy con Lầu trở lại lần nào hết.
Tuyệt-vọng minh-mông, nàng chạy tuốt về nhà một nước. Liên nhảy lên thang lầu từng hai nấc một, và hổn-hển, nàng nhào vào phòng mà réo:
- Anh Nho ơi! Anh Nho!
Nghe kêu bài-hãi, Nho mất cả hồn vía, nghĩ ngay tới sức khỏe của con, ông tái mặt khi thấy mặt Liên cũng đaug tái ngắt:
- Gì đó? Gì đó? Bé Nhã đâu?
- Mất rồi.
- Mất, mất làm sao? Nói theo nghĩa nào?
- Con Lầu ẵm nó trốn mất rồi!
Rồi nàng ngã vật lên giường mà khóc òa.
Tin con mất lại làm cho Nho nghe nhẹ ra. Tiếng mất mà Liên dùng lại có nghĩa là chết. Đang lo cho sức khỏe củn con mà thấy Liên hớt-hơ hớt-hãi chạy về, Nho nghĩ ngay đến cái rủi-ro đó. Bây giờ rõ lại là bé Nhã chỉ mất thôi. Mất con cũng là cái khổ to, nhưng khổ to ấy bỗng hóa nhỏ ra sánh với cái chết của đứa bé, nên ông mới nghe nhẹ được trong lòng.
Bé Nhã mất, tức là nó còn sống, còn hy-vọng tìm lại được. Mà biết đâu con Lầu không đi đâu đó, rồi Liên hoảng-hốt lên như vậy thôi. Ông hỏi:
- Mất làm sao? Sao em chắc là mất?
Liên kể lại hết mọi chi-tiết khiến Nho cũng đâm hoảng. Nỗi mừng con không chết đã qua. Cái sợ mất con bây giờ bày ra với cả vẻ to-tát và thảm-khốc của nó.
Tay chơn run-rẩy, Nho thay quần-áo tốc-hành rồi nhảy xuống thang lầu. Cũng như Liên, ông chạy mấy vòng ở các nẻo đường quanh đó, rồi trở về phòng khám bịnh: Con Lầu đã đi mất thật tình.
Nho bơ-phờ như kẻ mất trí, trở về nhà bảo Liên:
- Em nên đi ngay xuống bót mà cớ, và cầu-cứu với họ: Gắp lắm, bé Nhã đang bịnh, bọn ăn-cướp không biết săn sóc gì cả, sợ bé Nhã phải gặp chuyện không hay.
Nghe Nho nhắc đến bịnh của con, Liên đau-xót vô cùng, nhưng là người đờn-bà mạnh về bản-tính, nàng trấn-tỉnh nói:
- Không nên đi cớ bót.
- Sao vậy?
- Anh xét thử coi nó ăn cắp con mình để làm gì. Nếu nó ăn cắp đặng mà cho mình chuộc bằng một số tiền lớn, thì đi cớ bót tức là lên án con mình đó. Quân ấy không do dự mà giết con mình để phi-tang khi chúng bị nhà chức trách theo dõi ráo-riết.
Nho như sực tỉnh sau mấy lời của Liên, ngồi phệt xuống ghế, thở dài mà hỏi:
- Nhưng làm sao bây giờ? Con nó đang bịnh.
- Nó bịnh mà có thể khỏi. Chớ nó mà bị quân ấy muốn giết là không thoát được. Vả chúng nó cần bé Nhã sống để mà làm tiền chúng ta, thì chắc chúng nó phải lo điều trị cho bé Nhã vậy.
- Theo em thì đợi chúng nó đến làm tiền à?
- Phải.
- Nhưng nếu nó cứ giữ mãi bé Nhã để làm tiền mình hoài thì sao?
- Không, chúng nó không làm thế vì đi đêm có ngày gặp ma, và làm tiền người ta mãi, họ sẽ tức trí cầu-cứu nhà chức-trách thì nguy cho chúng. Chúng chỉ tống tiền ta vài lần thôi.
- Khổ quá!
- Anh khổ vì sự tốn tiền sắp tới phải không?
- Không. Anh quên mất sự tốn tiền đó. Nhưng vừa nghe em nhắc đến, anh cũng thấy đó là một cái rủi lớn.
- Anh đừng lo lắm. Không chắc đó là bọn lưu-manh bắt con mình để cho chuộc đâu.
- Vậy chớ ai?
- Anh thử đoán xem.
Nho suy nghĩ giây lát rồi hỏi:
- Có phải con Lầu đem con mình mà bán cho người khác hay không?
- Không. Muốn tìm con nuôi, thiếu gì cách, ai dại gì mua trẻ ăn cắp cho tốn tiền mà còn nguy-hiểm nữa là khác.
- Anh chịu là bí.
- Hảo!
- Hảo?
Nho ngạc-nhiên hỏi rồi cãi:
- Không, không thể nào Hảo làm như vậy. Hảo ghét em chớ ghét anh đâu.
- Hảo ăn cắp bé Nhã không phải vì ghét em mà vì muốn được con thôi.
- Nhưng mà con lậu thì ăn cắp làm gì?
- Không lậu. Anh quên rằng trong khai-sanh Nhã là con của Hảo đẻ à?
Nho thừ người ra trước câu chuyện kỳ lạ mà Liên vừa gợi ra đó. Đờn-bà mông nghĩ, thật là trăm mưu ngàn kế. Bọn đờn-ông của ông không khi nào mà rắc-rối được như vậy. Kẻ thì bày mưu thiết kế, kẻ lại đoán hiểu mưu-kế của người đồng giống rất tài như Hảo và Liên đây. Có bao giờ mà ông đoán được như vậy đâu.
Tuy-nhiên, sự nghi-ngờ của Liên giúp Nho an lòng lại được đôi phần. Nếu quả như thế thì chỉ có Liên là lỗ còn phần ông, dầu sao ông cũng có một đứa con, con của ông, mà khỏi mất gì cả.
Đoán được những ý-nghĩ thầm-kín của bạn, Liên cười mỉm mà rằng:
- Anh thích lắm đấy nhé. Hảo mà bắt con em thì anh vẫn có con được, mà khỏi bỏ vợ con bị khổ như thế nầy.
Nho sợ-hãi mà thấy cái gì Liên cũng biết được cả. Ông đánh trống lấp hỏi:
- Nhưng làm sao biết chắc là bọn lưu-manh hay Hảo bắt con mình?
- Dễ ợt. Cứ đợi vài hôm, nếu không có thơ hay không có người đến đây đề-nghị cho chuộc thì đích thị là Hảo bắt rồi đó.
Hai vợ chồng nhẫn-nại đợi, mỗi ngày coi năm bảy tờ báo hằng ngày, mong hảo tìm tin-tức về con của họ. Tuy ý-nghĩ Hảo có thể bắt con của họ, trấn-tỉnh họ được phần nào. Nho-Liên vẫn không ăn ngủ, và trong tai-họa chung, họ càng thương yêu nhau hơn lên.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Fri 25 Feb 2022, 09:16 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
Cửa xe tắc-xi đóng lại xong, Hảo vừa hỏi vừa láy mắt cho con Lầu:
- Bác-sĩ bảo sao ?
Con Lầu hội ý đáp:
- Dạ ổng nói em không sao hết, uống thuốc theo toa là khỏi bịnh.
Tắc-xi chạy xuống sông, quẹo qua tay mặt và khi tới đầu đại lộ Nguyễn-Huệ thì hai người sang qua tắc-xi khác. Họ sang như thế đến bốn lần mới cho chạy luôn về nhà.
Từ mấy hôm nay, Hảo đã mướn một căn phố tại đường Đề-Thám, giữa khoảng Cô Bắc và Cô Giang. Dãy phố mấy mươi căn, mà người thuê toàn là người Tàu cả. Hảo cố ý chọn như vậy để khỏi bị đồng-bào tò-mò dòm ngó.
Họ vào nhà một lát thôi cho con Lầu biết chỗ, rồi lại trở ra ngay để đi đến một bác sĩ khác. Bé Nhã khóc rùm trên xe, khóc rùm nhà, nhưng không ai để ý cả.
Người Trung-hoa họ tò-mò một cách kín-đáo cho mình đỡ khó chiu, và không hề xen vào đời tư của ta.
Trưa hôm đó, bé Nhã đã khỏi. Giữ lời hứa, Hảo trao đủ số tiền còn lại cho con Lầu, và tất cả nữ-trang bằng cẩm-thạch mà bà đã sắm để quyến-rủ nó hôm nọ.
Đời sống của con Lầu ở đây cũng như ở đằng bun-đin, nghĩa là cũng ăn cơm xách và không ra khỏi nhà. Có khác một chút là ở đây, chính chủ nhà xách cơm tới cho nó ăn mỗi bữa, vì nó không thể bỏ bé Nhã và nhứt là vì nó không nên cho ai gặp mặt cả.
Mỗi ngày Hảo tới hai lần vào hai bữa ăn để làm phận-sự tiếp-tế cho con vú gian-hùng và để nựng-nịu săn-sóc bé Nhã.
Mấy ngày đầu, bà thích quá. Bây giờ bé Nhã là của bà rồi, không còn ông trời nào cướp lại được cả. Đối với pháp-luật, bà cũng đúng phép vì nó là con của chính bà sanh ra, có khai đàng-hoàng trong bộ sanh của Đô-thành.
Liên cướp luôn chồng của bà? Hừ, ông ấy dầu sao không thể bỏ luôn gia-đình và sự-nghiệp được. Vả ông theo Liên một phần lớn là vì đứa con. Nay đứa con đã về tay bà, thì ông sẽ trở về nay mai.
Thế là bà đã trả thù được cái vố bắt cóc chồng bà của Liên rồi vậy.
Nhưng tâm-trạng của bà chủ mới nầy và của con vú lưu-manh biến đổi một cách kỳ lạ.
Hảo thấy lần-lần mình lâm vào ngõ bí. Đứa con về mặt vật-chất lẫn pháp-lý, bà vẫn không dám đem con về nhà. Liên nó đã hăm-dọa về sự khai-sanh, không biết nó sẽ làm gì một khi nó nghi-ngờ, đến ngay nhà bà và bắt gặp bé Nhã ở đó. Thà là giấu luôn bé Nhã tại đây, rủi Liên có liều mạng đến nhà bà thì bà cứ chối phăng đi.
Nhưng nếu có con mà phải giấu mãi năm nầy qua năm khác thì khổ thân quá đi mất. Làm thế nào để hưỏng được cái quyền cái của, của bà mà khỏi ai phá rối? Câu trả lời đến ngay, nó rất giản dị: là Liên phải không còn nữa trên đời nầy, Liên mà mất đi thì thật không còn ai muốn phanh-phui sự giả-mạo của bà ra cả: bà đỡ bà ấy là tùng-đảng thì cố-nhiên là muốn giấu nhẹm y như Hảo. Không ai phanh-phui sự giả mạo, cũng chẳng ai giành con giành cái gì cả.
Phải, Liên phải chết!
Nhưng câu đáp giản-dị ấy vừa đến là Hảo hoảng-hốt ngay. Con người mà không có căn sát-nhơn, có thể làm đủ chuyện ác, trừ cái chuyện tày trời ấy ra. Chẳng những không dám làm, nội việc nghĩ đến cũng khiếp-đảm lắm rồi.
Hay là mình trốn đi ngoại-quốc? Hảo lẩn-thẩn nghĩ như thế và thấy vô-lý hết sức. Chồng con, sự-nghiệp, tóm lại hạnh-phúc có sẵn trong tay lại phải bỏ cả mà trốn.
Lắm khi Hảo ôm đầu mà khóc. Khổ quá đi mất. Lúc phạm phép nước, nghe sao dễ-dàng quá. Mà viễn-ảnh trừng-trị của pháp-luật cũng chẳng thấy ghê-gớm bao nhiêu. Bây giờ phép nước đã phạm rồi, không tài nào xóa gỡ được nữa, bà lại bỗng ý-thức tất cả cái quan-trọng, cái nguy-nan của sự giả-mạo khai-sanh.
Hảo không biết đích-xác Liên đã rõ gì về vụ khai-sanh. Thí-dụ là Liên biết hết sự thật đi. Nó sẽ đi thưa bà với nhà chức-trách, thì sẽ ra sao?
Cố nhiên là bà phải tội tù. Danh-dự của Nho sẽ mất, và Nho sẽ xin ly-dị với bà vì lẽ đó. Bấy giờ thì thật là mất cả.
Hảo khóc ra những giọt lệ hối-hận chơn-thành. Bà kiểm-điểm lại những tội-lỗi của bà từ lúc xô đứa cháu, xô người bạn thuở hoa-niên vào đống bùn nhơ cho dến bây giờ, thì bà thấy bà ghê-tởm bà quá. Đứa con, máu-mủ của người ta, mà bà âm-mưu để giả-mạo khai-sanh để cắt đứt sự dính-líu của nó với mẹ ruột của nó, thì có cái ác nào hơn.
- Trời ơi, mình gieo gió, đã gặt bão nho-nhỏ và sắp gặt bão lớn rồi đây!
Đứa tớ gái cũng thấy nó khổ như chủ nó. Hai ngày đầu nó no với tiền và nữ-trang, thấy của-cải ấy đủ làm cho nó sung-sướng lắm rồi.
Nhưng rồi nó thấy ngay nó đang sống một cách vô lý. Nếu nữ-trang đeo vào cho đẹp thêm người ra thì vẻ đẹp tăng-cưòng ấy phải được người khác trầm-trồ mới là thích, chớ còn ngực đầy vàng mà nằm mãi trong buồng không ma nào thấy hết, thì cũng bằng như mặc áo gấm mà đi trong đêm tối. Có tiền thật nhiều trong túi mà thèm ly nước đá không dám, không được phép đi uống, thì còn tệ hơn là làm lương tháng năm trăm lúc trước.
Vì thế, nó nghĩ mãi để tìm mưu hòng thoát khỏi cảnh kỳ-khôi mà nó đã lỡ bước lầm vào.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Mon 28 Feb 2022, 12:42 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
Hai hôm, ba hôm, bốn hôm... Một ngày qua mà không có tin tức gì về bé Nhã là một ngày cặp Nho-Liên nghe gánh nặng trong lòng họ vơi đi một phần. Họ suy-luận rằng nếu kẻ bắt con họ là tay chuyên-mồn làm tiền, hắn đã gởi thơ hoặc gởi người đến đề-nghị nầy kia rồi.
Bớt lo-sợ, họ đâm ra lục-đục với nhau. Liên trách móc:
- Em đã nói bọn người ngoài chợ Bến-thành là dân lưu-manh hết thảy, mà anh không nghe cứ mướn bừa.
- Em chỉ nói thế thôi chớ không chống hơn. Về sau em lại khen con Lầu siêng-năng và dễ-thương.
- Nhưng sau anh lại không ghi trẻ căn-cước của nó, không bắt nó đưa hình. Bây giờ chỉ biết nó tên Lầu thôi (mà chưa chắc đó là tên trong giấy của nó), rồi làm sao mà truy ra nó.
Nho thở dài mà rằng:
- Thì mình cũng ngỡ nhà không có gì đáng ngừa kẻ cắp hết.
- Không có gì ? Còn bé Nhã lại không đáng kể à ?
- Ai mà ngờ nó ăn cắp đến trẻ con.
Bốn hôm, năm hôm, sáu hôm... Liên quả quyết:
- Thế nầy thì là chị Hảo bắt rồi chớ không còn ai vô đây nữa cả.
Nho cũng mong là thế. Nhưng ông sợ mừng sớm rồi sự mừng hụt làm cho thất-vọng càng đau-đớn thêm và sợ Liên hành-động chống Hảo nên nói:
- Khoan đã ! Khoan đã ! Đừng có vội kết-luận. Lắm khi bọn lưu-manh khôn quỉ nên dè-dặt. Chúng ngại mình gài bẫy, nên nén lòng đợi để nghe-ngóng. Có lẽ chúng đợi đến cả tháng lận.
Liên trầm-tỉnh lắm nên nghe lời Nho mà chờ. Lần-lần nàng lại thấy lý lẽ của bạn có bề vững-chắc nên đâm lo trở lại như hôm mới mất con. Cái lo-sợ vốn nó đã hay truyền-nhiễm, cái lo-sợ nơi một người trầm-tỉnh như Liên càng dễ lây hơn. Thành ra hễ Liên sợ là Nho sợ, Liên sợ một, Nho sợ mười.
Trong ba tuần lễ, tình-cảm họ như cơn sốt-rét, qua cơn kinh-sợ thì bình-tỉnh lại, rồi lại qua cơn kinh-sợ khác. Cứ như thế mãi đến ngót hai mươi hôm.
° ° ° Con Lầu ngồi ăn cơm trưóc chiếc bàn con trong góc. Hảo nựng-nịu bé Nhã trên chiếc đi-văng của con Lầu. Con nhỏ ở do-dự giây lát rồi nói:
- Thưa cô, tình thế của em, em chưa thưa hết cho cô rõ. Hổm nay thấy cô bận trí quá nên em phải đợi tới bữa nay, cô vững dạ em mới dám nói:
Hảo lo-lắng hỏi:
- Gì đó?
- Thưa cô, em đã có chồng.
- Vậy à? Ngỡ gì.
- Thưa cô, hồi em làm với cô trước, mỗi tuần em được nghỉ mười mấy tiếng đồng-hồ để về với gia-đình em.
- Vậy bây giờ em cũng muốn như vây?
- Thưa phải.
Hảo làm thinh rất lâu rồi thở ra nhẫn-nại nói:
- Nhưng em phải dè-dặt. Ra khỏi đây là về ngay nhà, và lìa nhà thì lại đây ngay, đi bằng xe, không nên ghé đâu cả, không nên la-cà nơi nào cả. Tránh đừng cho người quen nào gặp mặt.
- Dạ, em sẽ giữ như vậy. Tối nay cô cho em về được hay không thưa cô. Em đi lúc sáu giờ rưỡi, sáng bảy giờ thì có mặt em ở đây.
Hảo nhẩm tính lại xem bà có hẹn tiếp khách-khứa gì đêm nay hay không. Giây lát bà nói:
- Thôi cũng được. Mà phải đúng bảy giờ sáng đa nghen.
Con Lầu không còn ai trên đời nầy cả. Năm ngoái có một thầy yêu nó, hứa với nó đủ điều. Nó trót nghe lời rồi vỡ mộng. Nó vốn có yêu một người con trai, Tây lai mà giống người Việt nhiều hơn người Âu, nhưng nó khôn lắm, không chịu thất thân với chàng thanh-niên đẹp mã nhưng lình-xình, lưu-linh ấy. Nó biết nó sẽ bị anh ta hất-hủi sau một lúc anh ta hưởng được nó. Và nếu bị bỏ rơi với một đứa con trong bụng thì khổ thân biết bao.
Vi thế, tình bạn giữa người con trai ấy với nó chỉ là tình bạn suông. Lời tục thường nói:
Đói cơm rách áo tèm-lem, No cơm ấm áo lại thèm nọ kia.
Bây giờ có tiền, con Lầu sực nhớ đến ái-tình. Năm xưa nó vào tay cái thầy hứa bướng kia mà không yêu thầy. Bây giờ nó muốn yêu lắm và thấy là đã có phương-tiện yêu, nên nghĩ ngay đến thằng Mô-Rít.
Nó sẽ hiến thân cho thằng Mô-Rít mà không sợ bị hất-hủi về sau. Mô-Rít là tay ăn chơi, nhưng vô-nghề-nghiệp và cứ cần tiền mãi. Ngày nào nó còn tiền để đưa cho Mô-Rít xài là Mô-Rít còn ở với nó. Mô-Rít ngỡ nó còn nghèo nên không đòi hỏi bao nhiêu, mỗi tháng lấy hết lương nó thì thôi. Như vậy nó có thể cung-phụng mãi tiền bạc cho Mô-Rít để mua ái-tình. của hắn. Mô-Rít bỏ rơi nó khi nó có thai ? Không sao. Chỗ làm nầy không bao giờ mất được, vì bà chủ nó phải sợ nó tố-cáo chớ. Khi không, nó không dám nói xì ra vì cũng sợ ở tù lây. Nhưng bị làm bứt, nó sẽ liều thì bà chủ nó không sợ à ?
Con Lầu kêu xe vào Chợ Ngã-bảy cũ, vừa bước xuống tắc xi là gặp Mô-Rít trong ngõ hẻm đi ra. Mô-Rít mặc áo con chim con cò, cái đầu ruồi đậu phải chống gậy và sực nức mùi nước hoa.
- Kìa em Yến-Tuyết! Như bao nhiêu đồng-nghiệp khác của nó, con Lầu lấy một tên hiệu kêu vang như thế. Em đi đâu mà đến tối mò như vậy?
- Đi thăm anh chớ đi đâu.
- Thật à?
- Chớ giả ở chỗ nào. Em có bà con dòng họ gì ở xóm nầy đâu.
- Hân-hạnh. Nhưng anh lại không có nhà để tiếp em…
- Anh còn ở đậu bà Bảy Nu chớ?
- Còn. Không có nhà tiếp em thôi thì tiếp ngoài tiệm vậy. Em ăn cơm tối chưa?
- Chưa.
- Ta đi ăn nè.
- Ăn gì và ở đâu?
- Ăn cơm thố ở Chợ-cũ.
- Trời ơi, Tây gì mà đãi người ta cơm thố cắc-chú?
- À, Tây đui ấy mà.
Đôi bạn cười xòa. Mô-Rít thêm:
- Ta đi Chợ-cũ, nhưng lại ăn đồ Tây.
- Đồ Tây ?
- Nghĩa là đầy tô ấy mà.
Đôi bạn lại cười nữa. Vui quá. Lên xe, Mô-Rít hỏi:
- Sao, lóng nầy dễ chịu hay không?
- Vẫn làm năm trăm như hồi nào. Được cái chỉ một mình thôi nên cũng dễ thở.
- Vẫn một mình?
- Ừ.
- Khó tin quá.
- Ai cầu anh tin.
- Nhưng anh muốn tin kìa chớ!
- Muốn thì cứ tin, dầu em nói láo cũng tin.
- Ở một mình không buồn à?
- Buồn chết đi.
- Thì ở hai mình vậy, cho nó vui. Anh còn thương em như ngày nào.
- Nhưng em nghèo quá!
- Nữa nè, em cũng ăn nói như hồi đó. Anh có cần một người yêu giàu có đâu.
Con Lầu làm thinh. Mô-Rít rất hiểu sự im-lặng ấy. Anh ngạc-nhiên sao bây giờ con Lầu bỗng dễ tánh quá, khòng bắt ai nài-nỉ vô hiệu hàng lụa như năm xưa. Nhưng mặc kệ. anh không thèm tìm hiểu lâu.
Bữa cơm xong, là đôi bạn đi tìm nơi để thành vợ chồng.
Từ đó, con Lầu cứ năm bữa một là xin về nhà một lần, và nó đã nghỉ phép như vậy ba lần rồi.
Sáng hôm ấy Hảo trở về nhà sau môt đêm con Lầu đi vắng. Phải thức với bé Nhã vì bé Nhã ấm đầu, bà mệt-mỏi quá, vừa toan lên thẳng trên lầu để ngủ lấy sức lại thì người nhà báo có Liên đến.
Hảo sợ-hãi vô cùng, biết Liên tới làm dữ. Bà định chối tội cả nhưng vẫn sợ không biết Liên sẽ làm gì đây.
Liên mặt tươi-cười chớ không hầm-hầm như bà tiên đoán, khiến bà càng lo lơn. Đó là vẻ tươi cười che đậy sự nham-hiểm, đó là buổi tốt trời gạt-gẫm đi tiên-phuông cho một trận dông-tố dữ-dội không lường trước được.
Cũng là tay đanh thép, Hảo vồn-vả tiếp em, mừng rỡ đến chảy nước mắt khi gặp lại đứa em mà bà ngỡ "đã đi biệt xứ"
Liên chỉ mỉm cười trước những giọt nước mắt giả-dối khóc ra một cách tài-tình rồi hỏi nhỏ:
- Chị có thể tiếp em trên lầu được hay không?
Hảo giựt mình, Liên nó muốn gì đây? Nó muốn giết bà à? Nhưng không. Nó dại gì mà phạm trọng tội như vậy. Do dự giây lát, bà tươi cười như trước, nói:
- Thì em cứ lên đây với chị, nhà nầy như là nhà của em mà.
Hai người lên tới trên rồi, Liên nhìn buồng của nàng thấy đóng cửa, nàng bùi-ngùi nói:
- Em đã để chút ít kỷ-niệm lại đây. Kỷ-niệm đau buồn nên nhớ mãi.
- Đây, em vào buồng chị đây mà nói chuyện, Hảo mời.
Hai chị em ngồi xuống trên chiếc đi-văng Hảo để dành lúc trời nóng bức mà nằm. Liên nói, giọng bông-lơn:
- Chị đùa làm chi, báo người ta hết hồn.
Hảo làm bộ chưng-hửng hỏi:
- Chị có đùa gì đâu, em nói lạ, chị chưa hiểu.
- Chớ chị không có bắt bé Nhã à?
Hảo làm bộ hốt-hoảng lên, quýnh-quáng hỏi:
- Sao? Bé Nhã làm sao? Bị ai bắt cóc? Hồi nào? Trờ ơi! Con tôi... con tôi mất rồi!
Rồi bà khóc bù-lu bù-loa khiến Liên bật cười mà rằng:
- Chị tài quá mà không theo nghề diễn kịch cũng uổng.
- Em nói chị không thương bé Nhã mà chỉ làm bộ thôi à?
- Không, chị thương bé Nhã lắm, thương đến bắt nó về mà nuôi.
- Trời ơi, sao em lại nói vậy?
- Vì em biết chắc như vậy.
- Em nè, chuyện nầy quan-trọng lắm, em đừng đùa chớ.
- Em không đùa chút nào.
- Nhưng bằng cớ ở đâu?
- Chị muốn bằng cớ hả? Em có bằng cớ đủ, nhưng em không đưa ra vì em có định thưa-kiện gì chị đâu.
- Thì chị em với nhau, ta giải-quyết trong nhà là hơn.
- Phải, em đến đây với mục-đích đó. Em đến để nói cho chị biết là em bằng lòng để chị nuôi bé Nhã hai tháng cho thỏa tình thương của chị rồi trả nó lại cho em.
- Trời ơi, em đòi thứ của mà chị không có, lấy đâu chị trả cho em.
- Không biết, nếu quá hai tháng chị không trả bé Nhã thì em se đi kiện chị vì tội kia.
- Tội gì nữa đó? Trời, tôi đủ thứ tội cả.
- Tội giả-mạo khai sanh.
Hảo như bị điện giựt, điếng cả người, nhưng còn gượng cãi:
- Chị giả-mạo khai sanh của ai, bao giờ đâu?
- Chị không có cho tiền bà đỡ để khai là chính chị đẻ bé Nhã à?
Thấy không thể chối được nữa, Hảo trở mặt ngay, làm dữ cho đỡ ngượng.
- Ừ, em có giỏi, thưa-kiện gì thì thưa. Ừ, chính chị đẻ bé Nhã đó. Ai nói trái lại được? Bà đỡ và người nhà của bà đã chứng-kiến chuyện ấy!
- Lũ đó làm chứng gian sẽ ở tù cả đám.
- Ai có mồm mép trời, cũng không nói trái lại được tờ khai-sanh.
Liên cười khanh-khách mà rằng:
- Anh Nho cũng đã nói thế. Hai vợ chồng thật xứng nhau về chỗ dốt pháp-luật. Nè, bộ có người đi kiện thì Tòa không điều-tra ra à?
- Điều tra thì bất quá hỏi nhân-chúng là cùng.
- Còn cách khác nữa chớ. Thí-dụ Tòa sẽ nhờ pháp-y khám thử xem chị có sanh đẻ lần nào chưa mà có con.
Trước lý lẽ ấy, Hảo tái mặt đi, mồ-hôi toát ra ướt cả áo. Trời ơi, bà quên mất điều đó. Phải, Tòa sẽ nhờ thầy thuốc khám và sự gian-lận của bà sẽ lòi ra.
Liên lại cười khanh-khách rồi đứng dậy kiếu-từ và thêm:
- Chị thấy không? Hễ không trả bé Nhã thì ở tù liền. Thôi em thương tình, gia hạn thêm cho chị nửa tháng nữa, để chị hôn hít bé Nhã cho thỏa thích. Xin phép chị em về.
Trong khi Liên khoan-thai bước xuống lầu, thì Hảo ngã vật lên đi-văng mà khóc.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Wed 09 Mar 2022, 08:54 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
- A-lô, Quãng đó phải không?
- Dạ, chính tôi đây.
- Ở nhà có gì lạ không?
- Thưa không. Thưa ông, bà hiện có mặt ở đây và có việc cần muốn nói với ông.
- Được cứ trao ống nói cho bà.
Hảo đỡ lấy ống nói, khoát tay ra hiệu cho viên thơ ký đi ra ngoài, rồi gọi:
- A-lô, anh Nho, em đây!
- Ừ, Hảo, có gì lạ hay không em ?
- Liên có đến đây hôm qua.
- Vậy à?
Nho ngạc-nhiên thật tình vì ông không hay Liên đến nhà ông.
Từ hôm nghi quyết Hảo ăn cắp con mình, Liên không sợ gì nữa cả, đi cùng khắp nơi, vì nàng thấy là Hảo đã biết nhà nàng, không cần lẫn trốn nữa,
- A-lô, Liên nó đòi bé Nhã lại.
- Mà em có giấu bé Nhã hay không nè?
Hảo hạ giọng đáp nho nhỏ:
- Có!
Nho thở ra rồi mỉm cười mà rằng:
- Hú vía!
- Có Liên ở đó hay không?
- Có.
- Sao anh lại nói "hú vía" hóa ra em đã thú-nhận à?
- Không sao đâu!
- Anh mắc dịch, không sao về phần anh, chớ về phần em thì em ở tù.
- Thì cứ trả lại nó là xong.
- Nhưng nó lại hăm kiện em về vụ giả-mạo khai-sanh: Nó dữ như vậy, em quyết không trả đó.
- Ai biểu em giả-mạo khai-sanh làm chi?
- Anh mắc dịch, anh khốn-nạn. Vì ai mà em phải làm rắc-rối đủ điều cho mang phải tội, rồi bây giờ anh lại còn trách em. Anh khốn-nạn lắm, anh nghe chưa?
- Nghe rõ lắm. Nhưng nầy, vụ khai-sanh cũng dễ gỡ. Em nói với bà đỡ là Liên sắp kiện, nếu bà ta không gỡ rối.
- Gỡ làm sao cho được?
- Dễ ợt. Em biểu bả khai thêm một cái nữa, để là Liên đẻ.
- Hóa ra bé Nhã hai khai-sanh.
- Ừ, nhưng ai biết mà lo. Con của em tên Nhã, còn con của Liên lấy tên khác. Liên nó sẽ không bằng lòng vì nó thương yêu đến cả cái tên Nhã ấy nữa. Nhưng anh sẽ năn-nỉ cho nó hy-sinh.
- Ừ, thôi để em làm như vậy.
- Nhưng em trả con cho nó, nó mới êm được. Bằng không nó sẽ đi thưa như thường.
- Không, quyết không trả.
- Thì nó sẽ đi thưa em.
- Em giao cho anh đó, làm sao được thì làm. Nó mà đi thưa thì em tự-vận em chết. Em chết thì mất bé Nhã luôn, vì em giấu bé Nhã ở một nơi mà chỉ có một mình em biết thôi.
Hảo nói rồi móc lẹ ống nói lại, khiến Nho không phân thêm được lời nào nữa cả.
- Trời ơi!
Nho ôm đầu, kêu lên như vậy rồi lảo-đảo bước lại ghế mà ngồi phệt xuống.
Trong vụ nầy có đến hai người gặt bão chớ không riêng gì bà vợ lớn kia. Mà cũng phải, bởi vì cả hai người ấy đều gieo gió, một đàng là chánh-phạm, một đàng là kẻ tùng-đảng.
Nho thấy mình đứng trước một tình-thế gay-go quá sức. Lời hăm-dọa của Hảo không thể xem thường được. Hảo mất chồng đã khổ lắm rồi; nếu bị kiện nữa, nó se dám chết lắm. Mà nó chết là mất tích luôn bé Nhã.
Nhưng nó lại khư-khư giữ lấy thằng bé thì làm sao mà ngăn Liên kiện được.
- Chị ấy nói gì mà nhiều thế và làm anh như mất hồn vậy? Liên hỏi sau một hồi xét-nét gương mặt của bạn.
- Nó hăm tự-tử nếu em kiện.
Liên cười dài mà rằng:
- Chị ấy diễn kịch giỏi thế, chắc đã sắm súng giả rồi để tự tử cho huê-đạng mà không chết,
- Em lầm! Phen nầy nó dám chết lắm đó.
- Chị ấy chết thì mặc chỉ. Cái người chịu trăm đắng ngàn cay không phải là chỉ, thì chỉ chết cũng chẳng ai thương.
- Em không sợ nó chết, nhưng anh thì sợ lắm.
- Thì anh thương vợ anh, anh sợ là phải.
- Không phải vậy. Nếu Hảo chết thì ta sẽ mất bé Nhã luôn.
- Vì sao?
- Vì Hảo giấu bé Nhã ở một nơi mà chỉ có một mình Hảo là biết thôi.
Liên hơi nao-núng trước viễn-ảnh nầy. Thấy bạn có thể dịu lại vì lo ngại, Nho nói:
- Anh van em, em tạm dẹp vụ kiện nầy lại cái đã. Hảo hứa sẽ lập lại một khai-sanh khác cho bé Nhã trong đó sẽ ghi người mẹ là em. Như vậy em không mất gì cả về mặt pháp-lý. Còn thân-thể của Nhã, anh cam-đoan sẽ tìm bắt lại cho em.
- Không biết, anh làm sao có cho được thì làm. Đến ngày hết hạn mà không có bé Nhã về đây, em sẽ vào đơn liền, không ông trời nào ngăn cản được hết.
Cả hai người đờn-bà đều giao y hệt như nhau: "Anh làm sao được đó thì làm".
Ừ, Nho sẽ làm, nếu không làm thì hỏng cả: mất vợ lớn, mất con, và chính ông cũng sẽ không sống được sau hai cái mất đó.
Im-lặng một lúc, Liên nói:
- Anh nè, em vừa khám phá được thêm một vụ nữa.
Nho sợ-hãi hỏi.
- Gì nữa đó?
- Cả đến cái vụ em ra đi, dọn về đây ở, cũng do Hảo sắp đặt.
Nho ngạc-nhiên trố mắt nhìn Liên rồi cãi:
- Em nói lạ, chính em và anh đã tính chuyện đó chớ.
- Phải, nhưng do Hảo xúi-giục.
- Nó xúi-giục em à?
- Không, nhưng chị ấy đã để ta gặp nhau dễ-dàng. Trước thì chỉ giữ anh chằng-chằng.
- Nhưng nó khuyến-khích để làm gì?
- Nếu bé Nhã bị mất cắp trong nhà anh, em sẽ nghi chỉ ngay, và nếu em đi thưa kiện, thì cuộc điều tra của nhà chức-trách sẽ có thể lôi ra ánh sáng kẻ âm-mưu.
Nho thấy Liên đoán đúng, nhưng ông không dám nhận nữa, sợ năng tội của Hảo thêm ra.
- Thấy rõ là chị ấy thủ-đoạn lắm, và thủ đoạn nào của chỉ cũng nghiên-cứu kỹ-lưỡng. Nhưng chỉ chỉ hớ một việc, là quên viết thơ cho chuộc bé Nhã. Nếu chỉ viết thì chắc mình cũng đến lầm tuốt. Đối với một người như vậy anh mà cướp con lại được cũng phải trầy vi tróc vảy.
- Nhưng nó đã hớ một lần, thì có thể hớ nữa.
- Không chắc lắm. Nhưng thôi, anh đã lãnh nhiệm-vụ thì cứ làm, em không cần biết tới.
Nho thở dài. Đành rằng từ đây đã thay bực đổi ngôi: kẻ lẫn trốn với đứa con là Hảo, chớ không phải Liên nữa, và kẻ theo dấu người khác là ông, ông mà trước kia đã tài-tình nhảy từ xe nầy qua xe khác để cho kẻ theo dấu phải trợt mỡ bò. Đành rằng sự theo dấu rất khó khăn, khó nhọc...
Nhưng ông không phải khổ vì chuyện đó. Ông khổ là ông bị nô-lệ cho cái thời hạn mà Liên đã vạch ra. Trước kia, Hảo nó mất cả năm để tìm ra ông và Liên cũng không sao cả. Bây giờ thì khác hẳn ông phải thành công trong một thời gian ngắn, không thôi Liên nó sẽ làm tùm-lum ra.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Fri 11 Mar 2022, 11:27 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
Hảo vừa chợp mắt thì nghe gõ cửa. Nhớ chừng đang ngủ ở nhà, bà hỏi:
- Đứa nào đó?
- Dạ em.
- Thì cứ vô.
- Thưa cô, cửa chưa mở.
Chừng ấy, Hảo mời chợt tỉnh và nhận ra rằng mình ngủ trong căn phố đường Đề-Thám. Thức suốt đêm với bé Nhã, bà định nhắm mắt giây lát cho khỏe người, không dè ngủ say đến thế.
Mở mắt ra, Hảo thấy ánh nắng chói lòa ngoài lá sách các cửa sổ. Bà vội ra ngoài mở cửa cho con Lầu, rồi thức luôn đi rửa mặt.
Lúc đánh phấn, Hảo hỏi con Lầu đang lau bàn ghế:
- Chồng em làm nghề gì và ở đâu?
- Thưa, ảnh làm thợ chuyên-môn vô-tuyến-điện trong Phú-thọ.
Con Lầu không nói láo đâu. Danh từ chuyên-môn vô-tuyến-điện mới lạ đối với nó quá, để nó có thể bịa ra được. Đó là cái nghề tưởng-tượng mà Mô-Rít đã khoe với nó.
- Chà, khá dữ!
- Nhưng ảnh cũng nghèo, ảnh ở đậu với người ta trong một buồng nhỏ.
- Tánh tình nó thế nào?
- Dạ, cũng dễ chịu.
- Cô thấy em đi thường quá, thật là bất-tiện cho cô. Nhà nầy bỏ không cũng uổng, ý cô muốn cho nó về ở đây, em nghĩ thế rào?
Con Lầu mừng lắm. Nó biết Mô-Rít chỉ yêu nó có chừng mực thôi, vì nó không đẹp bao nhiêu lại không biết làm dáng cho vừa mắt Mô-Rít. Bắt Mô-Rít về ở chung, nó mới có thể cầm chơn hắn ta được.
- Thưa, nếu cô thương vợ chồng em được như vậy, em đội ơn cô biết bao nhiêu. Để em nói lại với anh ấy xem sao.
- Ừ, trưa mốt cô coi nhà cho em đi. Nếu nó bằng lòng thì biểu nó dọn về đây lập tức, vì cô không muốn cho em vắng nhà nữa.
- Dạ.
° ° ° Mô-Rít chỉ lai mới có một đời mà người hắn mang đến 72 phần trăm nét Việt-Nam. Chỉ có cái mũi cao và nước da tương đối trắng-trẻo là tố cáo ít nhiều căn-cội của hắn mà thôi. Vì thế hắn nghiễm-nhiên là một thanh-niên Việt rất đẹp mã nhờ hơi-hướng Âu-châu trong đó.
Hắn đã thối bước trên đường đời nên về sống với bên ngoại, tức là xã-hội Việt-Nam, y theo câu tục-ngữ "Thắng về nội, thối về ngoại". Vì vậy, hắn rất sành Việt-Nam, cố nhiên.
Lần đầu vào nhà ở đường Đề-Thám, là Hảo có cảm tình ngay với chàng con trai thợ mà có vẻ thầy ấy, lại là thứ thầy đẹp trai và có tướng sang.
Chàng con trai ấy lại ăn nói, ra vào đúng khuôn-phép, biết thủ-phận là kẻ nhờ ơn, kẻ ở đậu.
Có nhiều giả-thuyết cho rằng những người lai-căng thường-thường chỉ thừa-tự những cái xấu của hai dân-tộc. Phương chi Mô-Rít lại là dòng giống của một anh chàng phiêu-lưu nào đó không biết, đã yêu một chị chàng trắc-nết nào đó, dưới những gốc me nào trong thành-phố, không biết nữa.
Cả cha lẫn mẹ anh đều không được rạng-danh về đạo-đức lắm, nên trổ sanh anh là lột tay thủ-đoạn ghê hồn.
Trước kia, không hỏi bạn về chủ nhà, nên anh không nghĩ ra điều gì bậy-bạ cả. Nay không khỏi tò-mò về cái gia-đình kỳ-lạ của gia chủ, anh gạn hỏi con Lầu mọi chi-tiết và biết được bí-mật của nhà nầy.
Lẽ cố nhiên là Mô-Rít nghĩ ngay đến mối lợi khai-thác được ở cái mỏ vàng nầy. Qua tuần lễ đầu là con Lầu đã xin ăn lên. Nó nói:
- Thưa cô, em nghe trong mình hơi khác, chắc lả cấn thai. Việc đó làm cho em nghĩ tới tương-lai của em sau nầy. Vợ chồng em ăn ở với nhau không có hôn-thú, nên anh ấy không ăn tiền vợ tiền con được. Em phải có tiền để phụ giúp chồng em mà nuôi con. Em không muốn rời cô để đi làm ăn nghề khác để kiếm số tiền ấy, thì không còn cách nào hơn là xin cô tăng lương cho ngay từ bây-giờ. Em sẽ dành-dụm, và chừng đó sẽ có một số tiền đủ chi-dụng khi gia-đình em đông thêm một người.
Hảo hơi phiền, hỏi cho rõ:
- Em muốn cô tăng lên bao nhiêu?
- Cô thương em thì cho em mỗi tháng một ngàn.
Hảo thương nó, nhưng không thương quá đến như thế. Bà kêu:
- Tăng một trăm phần trăm?
- Nói thì nghe nhiều, nhưng thật ra có bao nhiêu đâu thưa cô. Đời nầy mà mỗi tháng một ngàn là giá cũng thường thấy có nhiều nơi theo.
Hảo không biết con Lầu tình thật là đòi tăng hay có ý gì khác. Nhưng dầu sao bà cũng sợ mích lòng nó, nó là kẻ độc nhứt biết chỗ ẩn núp của bà và là tùng-đảng với bà.
Bà thở đài rồi nói xui-xị:
- Thôi được, em muốn thế, cô cũng thỏa-mãn em vậy, mặc dầu em đòi hỏi nhiều quá.
Rồi hai hôm sau đến ngày lương, con Lầu lãnh đủ một ghim.
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Mon 14 Mar 2022, 11:53 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
- Mô-Rít không đi làm à?
Hảo bước vào nhà, thấy Người con trai mặc đồ mát đang nằm trên võng nên ngạc nhiên hỏi như vậy.
Mô-Rít tuột xuống, lễ phép nói:
- Thưa cô, tôi khởi sự nghỉ hăm chín ngày có lương, bắt đầu từ bữa nay.
- Vậy hả? Thế ra Mô-Rít đã vào ngạch?
- Dạ, được vào ngạch hôm đầu năm.
Luôn-luôn con người được đối xử theo bề ngoài của họ, chớ không theo địa-vị thật của họ.
Hảo không coi Mô-Rít là chồng của tôi-tớ, cũng không coi hắn là người thợ. Hắn sang lắm và đẹp trai lắm, nên được biệt-đãi ngay từ trong lối xưng-hô. Bà kêu hắn là Mô-Rít, thân-mật như kêu một đứa em trai, hay gì gì khác, tùy ai hiểu sao thì hiểu.
Sự thân-mật ấy khiến Mô-Rít bớt lễ-phép lần-lần. Về sau bà gọi, nó vẫn còn dạ, nhưng nó thì không còn "thưa cô" lúc mở lời như buổi đầu gặp-gỡ nữa.
Hảo ẵm bé Nhã trên tay hôn nó như đi vắng hằng tuần mới về, trong khi con Lầu sửa-soạn đi chợ. Ấy, con Lầu có chồng về ở chung nên nấu ăn lấy. Hảo khỏi trả tiền cơm xách cho nó nữa, nhưng số tiền ấy bà không được hưởng, vì nó đòi hỏi trả bù cho nó.
Hảo đoán mấy hôm trước bà tới trễ, chắc là Mô-Rít giữ bé Nhã lúc con Lầu vắng nhà.
- Có phải như vậy không Mô-Rít, hổm nay Mô-Rít giữ em cho vợ đi chợ?
Mô-Rít cười mà xác-nhân lời đoán ấy. Hảo cà-rỡn:
- Tập lần đi, năm tới có con thì đã sành rồi.
Mô-Rít lại gần sát Hảo, nắm ấy chơn bé Nhã mà hôn rồi nói:
- Nghèo quá, không đám có con đâu, nựng đỡ bé Nhã cũng được rồi.
Nó nói trổng, còn vô-phép hơn là gọi Hảo bằng chị, bằng em gì. Nhưng không hiểu vì những lẽ bí-mật nào mà Hảo không lấy thế làm mích lòng.
Bé Nhã chơi một lát thì bắt đầu cằn-nhằn. Hảo xem lại đồng-hồ thì thấy đã tới giờ bú của nó.
- Mô-Rít chắc biết khuấy sữa chớ? Hảo hỏi.
- Anh vú chuyên-môn mà!
Mô-Rít càng lúc càng ăn nói vô-lễ hơn. Anh ta đi lại bàn nước, rót nước sôi trong bình thủy ra để tráng mọi vật cần dùng rồi khuấy sữa. Trong khi đó Hảo ẵm con lại võng để ru nó ngủ.
Không mấy khi ở lâu với bé Nhã, Hảo không lót võng đặng đặt nó lên trên đồ lót, mà nằm ngủ, để nó trên ngực bà cho tình mẹ con khắn-khít hơn.
Mô-Rít khuấy sữa xong đến võng để trao ve. Không cần lại sát Hảo, nó vẫn ngồi xề khít bên bà và tự đặt núm vú cao-su vào miệng bé Nhã và ngồi luôn đó mà đỡ cái ve.
Hảo là một ngươi đờn-bà đoan-trang nhưng dễ-dãi. Bà đã tính nó như em út trong nhà, nên cũng không phản-đối gì.
Thằng Mô-Rít có ý xằng bậy nào hay chăng, thật khó biết. Nhưng dầu sao sự dạn bước dạn tay của nó cũng chỉ dừng nơi đó thôi.
° ° ° Được tăng lương ba ngày rồi, con Lầu không nâng mực sống của nó lên tí nào cả. Đó là một món lợi bất-ngờ mà người nào nghĩ ra cách kiếm, phải được hưởng. Lý-lẽ đó Mô-Rít đưa ra để lấy trọn năm trăm rồi ăn nhậu một đêm là hết sạch.
Trước kia, ít kiếm được tiền, Mô-Rít ít nghe cần tiền. Bây giờ tiền tới dễ quá, anh ta thấy sự cần dùng món ấy thật là cấp-bách. Trong nhà lại có sẵn kẻ dễ khảo tiền nên hắn luyện cho bạn hắn biến thành một bà "thầy hát".
Cho nên vừa được ăn lên xong, con Lầu lại bắt đầu kiếm chuyện.
- Thằng Mô-Rít nó đi làm, mà nó có dư hay không ? Một hôm Hảo hỏi con ở lúc chồng nó đi vắng.
- Thưa cô, ảnh ăn xài lớn quá lên tháng nào cũng vừa đủ khít nút. Thêm nhà xa chỗ làm, xe cộ nuốt tiền dữ lắm. Từ đây vô Phú-thọ thì cô biết xe ăn hết bao nhiêu tiền của ảnh mỗi tháng. Ảnh than với em hoài, phải chi ảnh có tiền mua một chiếc vết-ba thì tiện biết bao nhiêu và lợi biết bao nhiêu. Nếu có được xe, chắc vợ chồng em sẽ có dư. Vì vậy hổm nay em định cầu cứu với cô mà chưa có dịp nói, nay cô có lòng tốt để tâm tới gia đạo của vợ chồng em, em xin tỏ thiệt ước-mong của em là cô cho em mượn lối hăm-lăm ngàn để sắm xe, rồi cô trừ lần tiền lương của em.
Hảo sợ-hãi mà nghe câu chuyện của con Lầu. Mích lòng nó, bà thì không dám nhưng nó đòi hỏi nhiều quá lố như vậy, bà làm sao thỏa-mãn ý muốn của nó được. Hăm-lăm ngàn, bà vẫn có, nhưng ai dám đưa bạc vạn cho một kẻ mà mình không biết gốc ngọn, xứ sở ở đâu.
Hảo làm thinh rất lâu rồi đáp:
- Số tiền em hỏi nhiều quá; để cô suy-tính lại xem.
Mô-Rít đã dạy con Lầu rằng khi chủ nó đáp như thế tức là bà ta giục huởn cầu mưu. Trong trường-hợp như vậy phải đưa khí-giới hăm dọa bóng gió ra. Con Lầu là cái máy nên làm y theo bài đã học được.
- Thưa cô, nó nói, em với cô đã là một phe rồi, cô còn không tin em hay sao. Em thưa thật với cô là lòng em trung-tín với cô lắm, để cô đợi mà xem thì thấy rõ. Như vụ bé Nhã đây, em thề trọn đời ngậm miệng, không bao giờ đi tố cáo cô đâu.
Hảo vừa sợ vừa giận lắm. Thì ra nó bắt đầu trở mặt rồi. Nó chỉ làm có một chút xíu việc là đổi chủ ở mà đã hưởng không biết bao nhiêu ơn-huệ của bà rồi, nào nữ trang, nào bạc mặt, nào tăng lương, thế mà nó chưa vừa lòng hay sao ?
Hảo nghi-ngờ rằng chính Mô-Rít đã xui dại nó, chớ nếu nó cố ý làm tiền, nó đã làm lâu rồi, không đợi tới ngày thằng Tây lai về đây rồi mới trở mặt. Nghĩ như vậy, bà bỗng nghe bớt cảm-tình với người thanh-niên có máu pha ấy.
Bà muốn dằn để khỏi gây ác-cảm với con Lầu, vai chánh trong vụ tống tiền, mặc dầu có kẻ khác xúi-giục, nhưng cơn giận của bà mạnh quá, đè xuống mãi nó vẫn trồi lên. Bà hét:
- Mầy lại muốn trở mặt với tao hả, cơm ăn vừa xong lại vuốt mặt kia? Mầy đừng có tưởng mầy bảnh. Hễ đi chung một xuồng thì số phận chung. Mầy tố-cáo tao ở tù, mầy lại khỏi à? Mầy còn mang tội hơn tao nữa là khác, nói cho mầy biết, vì tao xúi giục nhưng chính mẩy làm, mầy là chánh phạm đó.
Mô-Rít không tiên-liệu được lý-lẽ liều mạng của Hảo nên không có dạy con Lầu cách đối-đáp để đối-phó. Vì vậy nó chỉ ngậm câm mà chịu.
Vừa lúc ấy thì Mô-Rít về tới nhà. Thấy mặt thằng Tây lai mà Hảo nghi-ngờ là đứa giựt dây dụi cho con Lầu, bà nổi xung lên hỏi:
- Mô-Rít, mầy có xúi biểu vợ mầy điều gì hay không?
Mô-Rít biết là bạn nó đã thất-bại nên làm bộ chưng-hửng, đứng thừ người ra giây lâu rồi lễ-phép đáp:
- Thưa cô không! Mà nó đã nói bậy nói bạ gì đó?
- Nó hăm-dọa tao, muốn làm tiền tao đó chớ gì. Nè, tao nói cho tụi bây biết, tao cũng là tay có mòng cỏ mỏ chớ không vừa gì đâu. Ở tù thì ở tù luôn cả đám, đừng tưởng tao sợ mà nhát tao. Chắc nó đã kể chuyện bé Nhã cho mầy nghe rồi, không cần hỏi cặn kẽ nữa. Nó đã hăm-dọa tao về vụ đó. Tức quá mà, tao có xấu bụng với nó đâu, đã cho nó ăn ngập mặt, mà nó còn muốn phản-bội.
Mô-Rít đưa cả hai tay lên trời, một cử-chỉ Âu-châu đặc sệt mà tự-nhiên nó có vì căn Tây của nó, chớ không phải bắt chước xi-nê-ma như vài anh diễn-viên ta đâu, rồi kêu lên:
- Trời đất quỉ-thần ơi, sao em Lầu lại tệ đến như vậy? Thưa cô, xin cô tha cho, để em dạy bảo nó lại cho nó ăn ở phải đạo một chút. Nó đã dại-dột, cô giận nó cũng không ích gì, để em là chồng nó, em chịu trách-nhiệm cho.
Nói đoạn nó day qua con Lầu rồi sừng-sô nạt:
- Em phản chủ. Em đã biết lỗi hay chưa? Trời ơi, nhờ ai mà vợ chồng ta được gần-gũi nhau trong một cái nhà mà hạng khá-giả chưa chắc có được? Sao em lại ngu-xuẩn mà muốn phá chính cái hạnh-phúc của mình. Còn ơn của cô đây, dầu em không mang nặng em cũng phải luôn luôn nhớ rằng có chớ? Em dại lắm! Cũng may cô chỉ giận em thôi, chớ nếu cô hờn thì chắc anh với em đã bị tống cổ ra khỏi nhà nầy lập-tức từ nãy giờ rồi.
Mô-Rít vuốt ngực sơ-sơ mà Hảo đã nghe mát dạ lắm rồi. Cảm-tình đối với anh Tây lai đã mất đi hồi nãy, bây giờ trở về y nguyên chỗ cũ trong lòng bà.
Con Lầu thì bị lạc hướng. Nó điên đầu không hiểu vì sao chồng nó đã xúi biểu như thế, mà bây giờ lại hùa theo chủ để phủ-nhận hành-động của nó và mạt-sát nó.
Nó ngồi đó mà khóc rấm-rứt vì uất-ức, nhưng Hảo lại ngỡ nó khóc vì ăn-năn, nên bà nói:
- Thôi, chuyện đâu bỏ đó, bây giờ lo cho bé Nhã đi!
|
| | | Trà Mi
Tổng số bài gửi : 7190 Registration date : 01/04/2011
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc Tue 15 Mar 2022, 08:30 | |
| Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
- Thưa cô, để em ẵm bé Nhã cho cô lót võng, vì em lót không sành.
Mô-Rít nói thế rồi sốt-sắng bước lại rước lấy đứa bé. Cứ hễ con Lầu đi chợ thì nó săn-sóc đứa nhỏ một mình. Có Hảo đến nó phụ với Hảo mà làm công việc ấy.
Lúc nầy bé Nhã đã ẵm đứng trên ngực được rồi, Hảo chưa kịp đưa bé Nhã ra khỏi mình bà thì Mô-Rít đã lẹ tay rút lấy thẳng nhỏ. Hành-động như thế, nó bắt buộc phải đụng chạm tới Hảo một cách như vô-tình.
Đã có lúc làm ma-cạo, thằng Mô-Rít sành khoa học và nghệ-thuật đụng chạm, vì thế xúc-giác của người đờn-bà đoan-chánh kia khó lòng dửng-dưng trước sự gần-gũi ấy được.
Tuy-nhiên, đó chỉ là một cảm-giác thoáng qua, phù du rồi tắt hẳn nơi người của một người đờn-bà mà lòng dạ và thân-thể vẫn trong sạch từ thuở mới dậy thì đến bây giờ.
Hảo đặt con lên võng, ru ê-a một lát thì nó ngủ khì.
Mô-Rít đứng gần đó mà nhìn, bụng rất tiếc mà thấy Hảo không ru con trên ngực như hôm nọ. Khi bé Nhã ngủ say, Hảo đứng đậy thì nó thở dài, thấy đã mất dịp.
Hảo đi ra sau buồng vệ-sinh, giao-phó việc đưa võng cho anh Tây lai. Giây lâu bà trở lên, và vì phải đi ngang qua sàn nước ẩm-ướt nên guốc của bà ướt mèm. Gạch bông láng lẩy bị guốc ướt làm trơn như mỡ, khiến Hảo bước lên nhà trên được có mấy bước thì guốc của bà chuồi đi trên gạch.
Mô-Rít trông thấy kịp Hảo chới-với, kêu lên: "Ý chết !" rồi nhảy tới thật lẹ để đỡ bà. Hảo té ngửa trên tay của anh Tây lai.
Anh nầy ôm chặt bà ta lại. Đó cũng la sự thường vì nếu không, cánh tay mềm không thể ngăn sức nặng đang rơi cho khỏi rơi luôn được.
Nhưng nó lại không đỡ dựng bà dậy như bà mong đợi. Hảo vừa ngạc-nhiên, vừa sợ-hãi, vừa nghe đê-mê sâu-sắc hơn lúc nó chạm vào bà để rước bé Nhã.
Trong giây phút, ý-nghĩ tội-lỗi bỗng nở ra nơi lòng bà, lần đầu tiên trong đời bà, và trong giây phút bà muốn ngã; ngã về tinh-thần, mặc dầu thân ngã đã có kẽ đỡ khỏi.
Nhưng căn-bản trinh-khiết nơi bà vững lắm, nên bà trấn tâm được, tự chồi dậy và hất nhẹ Mô-Rít ra. Là tay kinh-nghiệm mặc dầu còn trẻ tuổi, Mô-Rít không nài-nĩ thêm mà lại đỡ giúp Hảo đứng lên ngay ngắn.
Nó biết rằng bước chậm sẽ thành-công, và làm đột-ngột có thể hỏng việc.
Hảo vững lòng trinh thì đã đành, mà cũng nhờ bà chợt nhớ ra thủ-đoạn xúi vợ làm tiền của thằng Mô-Rít, nên nỗi sợ bị mắc bẫy giúp thêm vào lòng trong-sạch của bà khiến bà vượt qua được giây phút yếu đuối của xác thịt.
Mô-Rít gài bẫy bà thật. Hôm nọ, mắng vợ xong, nó điều-tra lại kỹ-càng lúc Hảo ra về. Nó biết Hảo muốn liều mạng để khỏi tốn tiền, và vợ nó thì cũng sợ ở tù.
Phương-tiện làm tiền ấy vì thế hóa ra khó sử-dụng nên nó mới suy-tính để đổi chiến-lược. Sau một đêm bóp trán nó phát-minh ngay ra ngón đòn tình-ái nầy.
Nó đẹp trai và kinh-nghiệm, Hảo lại vắng chồng lâu. Như thế nó lôi Hảo xuống vực thẳm không khó-khăn gì. Hảo lại xinh đẹp và còn khá trẻ, như thế, mặc dầu nó trẻ hơn, nó cũng chẳng lỗ-lã gì bao nhiêu.
Được Hảo rồi, nó sẽ dùng kinh-nghiệm tình-ái để làm cho bà mê, rồi mặc sức mà lột da bà. Chừng ấy, không còn đứa trung-gian nào sợ ở tù lây nữa để ngăn trở kế-hoạch làm tiền của nó.
Khi nào Hảo hết mê nó, hết chịu lòi tiền ra thì nó sẽ đưa lá bùa ở tù ra mà dọa. Như thế Hảo sẽ là kho vàng vô-tận, khai thác không bao giờ cạn cả.
° ° ° Hảo đã trấn tâm được và vượt qua phút yếu-hèn đó. Nhưng ý-tưởng tội-lỗi trong trí, sự rung-động thân-thể một khi đã xảy ra, vẫn in dấu vết trên bà. Ý ấy lẻo-đẻo trở về mỗi khi âm-hưởng của rung-động vang dội lên.
Bà sợ-hãi hết sức, quyết-tâm chiến-đấu kẻo ngã mất nhưng bản-năng thú-vật lại xui bà đến căn nhà đường Đề-Thám thường hơn lúc trước.
Không kíp thì chầy, Hảo sẽ ngã, Mô-Rít tin chắc như vậy, và Hảo cũng tin như vậy, mặc dầu tự dối mình, cho rằng bà sẽ thắng.
Đừng ai mắng lén Hảo cả. Con người vẫn yếu đuối, cô cũng thế mà tôi cũng thế. Chớ thấy người ta lỡ đứng ở miệng hố, còn mình ngồi nơi vững hơn mà vội chê người ta muốn tìm ra hố để nhảy xuống.
Ai dai gì tìm ra hố mà ngã. Người ta chỉ bị rủi-ro đẩy ra đó thôi. Rồi thì cái hố nó có sức quyến-rũ huyền bí của nó, khó lòng mà cưỡng được.
Dầu sao, Hảo vẫn chưa ngã kia mà.
|
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Gieo Gió Gặt Bão- Bình Nguyên Lộc | |
| |
| | | |
Similar topics | |
|
Trang 4 trong tổng số 5 trang | Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5 | |
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |