Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 16:38

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Thu 03 Sep 2020, 08:32

CHĂM, SIÊNG, NĂNG, HAY

1. CHĂM: làm không trễ nhác, mà cho việc ấy là cần, bận đến đâu cũng phải làm.

Ví dụ:

- nhà giàu chăm việc, nhà kiết chăm ăn (tục ngữ)

2. SIÊNG: chăm, mà có ý cần mẫn.

Ví dụ:

- Phần chăm việc khách phần siêng việc mình (Nhị độ mai)

3. NĂNG: hay làm, có ý sốt sắng, nhưng không cần, không bắt buộc.

Ví dụ:

- năng nhặt chặt bị.
- dao năng liếc thì sắc, người năng chào thì quen. (tục ngữ)
- Tin xuân đâu dễ đi về cho năng. (Kiều)

4. HAY: làm luôn, cũng như NĂNG nhưng không có ý sốt sắng, gặp thì làm, không thì thôi.

Ví dụ:

- Hay làm mà chẳng hay lo
làm chi làm vậy làm cho nhọc mình (ca dao)

- Hay ăn hay phá hay chơi
thì trời lại đoạ vào nơi có tiền (ca dao)

- Hay chửi hay rủa là quạ dương gian, hay hát hay đàn là tiên hạ giới (tục ngữ)

- Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ (tục ngữ)

(Theo Việt ngữ tinh nghĩa từ điển, Long Điền Nguyễn Văn Minh)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Thu 17 Sep 2020, 11:20

KHI, LÚC

Trong tiếng Việt KHI và LÚC thường thấy được dùng như nhau, không phân biệt rõ ràng. Song xét kỹ hai tiếng có nghĩa hơi khác nhau.

KHI: chỉ một thời gian dài và xa

Ví dụ:

- Chú khi ni, mi khi khác.
- Khi nên trời cũng chiều lòng.
- Miếng khi đói bằng gói khi no. (tục ngữ)

- Khi vui thì vỗ tay vào
Đến khi tẻ ngắt thì nào thấy ai. (ca dao)

- Anh hùng gặp phải khúc lươn
Khi cuộn thì ngắn khi vươn thì dài. (ca dao)

- Khi khóe hạnh, khi nét ngài,
Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa. (Kiều)

- Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường? (Kiều)

- Nhịn sầu mà gượng làm tươi
Kẻo khi nguyệt mỉa hoa cười chăng hay (Phan Trần)

LÚC: chỉ một thời gian ngắn và gần

Ví dụ:

- Sông có khúc, người có lúc. (tục ngữ)

- Đi đâu chẳng biết lo xa
Lúc trẻ đã vậy lúc già thì sao? (ca dao)

- Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo (Nguyễn Khuyến)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Sun 16 May 2021, 13:17

LẮM và NHIỀU

LẮM: nhiều thứ, không nói số lượng

Ví dụ:

- Nghề chơi cũng lắm công phu (Kiều)
- Lắm mối tối nằm không (Tục ngữ)
- Sống lâu thấy lắm chuyện kỳ (Nhị độ mai)

NHIỀU: trái với ít

- Ăn ít ngon nhiều
- Nhiều tiền thì thắm, ít tiền thì phai (Tục ngữ)
- Còn nhiều kết quả ngậm vàng về sau (Kiều)
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Sun 16 May 2021, 13:50

THÌ. THỜI

THÌ: giới tự để nối hai phần của câu

Ví dụ:

- Yên xong trở mũi thuyền đi,
Kẻ thì phó lỵ người thì tiến kinh  (Nhị độ mai)

- Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ (Kiều)

- Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết (Tục ngữ)

THỜI:
thuở, lúc, buổi; dùng với tiếng khác vẫn giữ nghĩa chính như thời cơ, thời cục, thời đại, thời kỳ, thời trang, thời vận, thời buổi, thời giờ...

Ví dụ:

- Thời trân thức thức sẵn bày,
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường (Kiều)

- Thời giờ là vàng bạc (Tục ngữ)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Sun 16 May 2021, 14:19


THI, THƠ, THƯ

THI: 1. Đua, so hay giỏi để định hơn kém, như thi cử, thi sức, thi gan, thi tài, thi hương
      2. (Hán tự) thơ, tức là bài văn có vần, như thi ca, thí bá, thi hứng, thi thoại, thi nhân, thi xã...

Ví dụ:

- Học tài thi phận (Tục ngữ)
- Sởn gai, lời thốt lạ-lùng
Nếu thi gan với anh hùng thì thua (Phan Trần)

THƠ: thể văn vần, nên viết làm thơ, không viết làm thi

Ví dụ:

- Chân hề, giong-ruổi dặm tràng,
Đứa đeo thơ túi, đứa mang rượu bầu (Nhị độ mai)

- Xin chàng đọc sách ngâm thơ
Dầu hao thiếp rót đèn mờ thiếp khêu (Ca dao)

THƯ:
chữ Hán nghĩa là sách, như thư án, thư lại, thư viện, thư kiếm, chữ Việt nghĩa là tờ giấy viết cho nhau, như gửi thư, phong thư (đừng viết gửi thơ, phong thơ)

Ví dụ:

- Nàng rằng: “Tích trước ghi lòng,
“Chiêu Quân gửi nhạn thư phong chốn này (Nhị độ mai)

- Cửa sài vừa ngỏ then hoa,
Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang (Kiều)


Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Tue 18 May 2021, 08:10

SINH, ĐẺ

SINH là chữ Hán, nghĩa là đẻ. Trong tiếng Việt hai chữ này thường đồng nghĩa.

SINH: khi cùng một tiếng Hán khác thì vẫn dùng theo nghĩa chính như:

sinh dục: đẻ và nuôi nấng
sinh hoá: sống với chết
sinh hoạt: sống và hoạt động
sinh kế: việc làm ăn để mưu sống
sinh linh: nói chung về người sống
sinh ly: lìa nhau lúc sống
sinh lý: cách làm để sống
sinh nhai: kiếm ăn để sống
sinh nhật: ngày ra đời
sinh quán: nơi ra đời
sinh thời: lúc sống
sinh tồn: sống còn
sinh thú: thú vui để sống
sinh trưởng: ra đời và lớn lên
sinh vật: loài vật sống

Khi tiếng SINH đứng một mình thì theo nghĩa ra đời.

Ví dụ:

- Anh sinh năm nào?
- Sinh sau đẻ muộn.

ĐẺ: sinh nở, thường gọi là ở cữ (lúc đẻ phải năm yên trong một cữ, con trai 7 ngày, con gái 9 ngày), nằm bếp (lúc đẻ phải nằm lửa có ý dùng lửa kỵ gió), lâm bồn (lâm: vào, bồn: chậu tắm)

Ví dụ:

- Mang nặng đẻ đau.
- Gà đẻ gà cục tác.
- Có chửa có đẻ.
- Cây không trồng không tiếc, con chẳng đẻ chẳng thương (Tục ngữ)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Tue 18 May 2021, 08:41

THƯ, NHÀN, THONG THẢ, THƯ THẢ, THƯ THƯ

THƯ: chữ Hán nghĩa là duỗi ra, rỗi rảnh, hớn hở, thường đi cùng tiếng Hán khác như:

thư dương: đắc ý
thư phúc: thích ý
thư sướng: rỗi rảnh, vui vẻ, thích chí
thư thái; yên lặng rỗi rãi
thư thản: yên mà phẳng lặng
thư thoả: yên mà vững vàng

Đứng một mình trong tiếng Việt thường dùng theo nghĩa thảnh thơi, khá rảnh rỗi, không bức bách, không bó buộc quá.

Ví dụ:

- Mấy hôm bận quá, bây giờ mới thư.
- Xin thư cho món nợ ít lâu.

NHÀN:
rảnh rang, không có công việc bận, không bị câu thúc bó buộc gì, nghĩa là rảnh rỗi hơn THƯ.

Ví dụ:

- Độ này nhiều việc quá tôi bận không có thời giờ đi đâu, mãi hôm kia mới thư một chút, nay thì đã được nhàn, vì việc xong cả.

THONG THẢ: Không vội vàng

Ví dụ:

- Thong thả đi chơi mát.
- Đi thong thả, đừng chạy!

- Đi đâu mà vội mà vàng
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây
Thong thả như chúng anh đây
Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào quàng (Phong dao)

THƯ THẢ: Công việc đã xếp đặt xong, không bận lắm, đã có thời giờ rảnh.

Ví dụ:

- Mấy tháng trước, công việc nọ kia bận quá, nay được thư thả, sang thăm anh.

THƯ THƯ: Đỡ bận, có một ít thời giờ rảnh.

Ví dụ:

- Mới dọn về đây công việc bận quá, nay đã đỡ, mới được thư thư một chút.

Thường hay nhầm THONG THẢ với THƯ THẢ. THONG THẢ là không vội, ung dung. Còn THƯ THẢ là rỗi rãi, không bận.

Ví dụ:

- Làm thong thả cho khỏi sai. Viết thong thả cho đẹp đẽ.
- Thư thả tôi sẽ làm cho. Thư thả tôi mới viết được.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Fri 28 May 2021, 09:46

MANG, ẴM, BẾ, BÊ, BỒNG, BƯNG, CẦM, CÁNG, CẮP, CÕNG, CHỞ

MANG: Dời một vật ở nơi này ra nơi khác bằng một phương tiện nào đó, không theo một cách thức rõ rệt; có ý bao quát.

Ví dụ:

- Mang nặng đẻ đau (Tục ngữ)
- Quan văn lục phẩm thì sang
Quan võ lục phẩm thì mang gươm hầu (Ca dao)

- Vua Ngô băm sáu tàn vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì (Phong dao)

ẴM: Dùng một tay hay hai tay mang vật gì trong lòng, dùng nói về người hay sinh vật (ẵm con, ẵm mèo, ẵm chó), không dùng nói về bất động vật (không nói ẵm thúng, ẵm nồi, ẵm nải)

Ví dụ:

- Già thì bế cháu ẵm con
Già đâu lại muốn cau non trái mùa (Ca dao)

BÊ: Mang bằng hai tay mà không nhấc cao lên được, hay chỉ nhấc một góc.

Ví dụ:

Hòm nặng như thế, bê lại cũng khó.

BẾ: Cũng như ẵm, nhưng dùng được cho cả động vật và bất động vật: bế cháu, bế em, bế một đãy.

Ví dụ:

- Thương mẹ thì bế lấy con.
- Tôi thấy nó bế một bọc áo chạy ra đường.

BỒNG: cũng như ẵm, nhưng nâng cao lên, có ý nâng niu.

Ví dụ:

- Duyên em dù nối chỉ hồng,
May ra khi đã tay bồng tay mang (Kiều)

- Thiếp toan bồng bế con sang,
Thấy chàng bạc bẽo thiếp mang con về (Ca dao)

BƯNG: Mang vật gì bằng hai tay mà nâng cao lên. Bưng chỉ để vật trên hai bàn tay chứ không ôm quàng. Thường nói: bưng khay nước, bưng mâm cơm.

Ví dụ:

- Bưng cơm rót nước (Tục ngữ)

* Nghĩa khác là giấu giếm che đậy (bưng bít)

Ví dụ:

- Bưng mắt bắt chim (Tục ngữ)
- Tối như bưng (Thành ngữ)

- Nghĩ đà bưng kín miệng bình
Nào ai có khảo mà mình lại xưng (Kiều)

CẦM: Mang vật gì bằng một tay (mang hai tay là BƯNG).

Ví dụ:

- Cầm gươm đàng lưỡi (Tục ngữ)

_ Cầm lược lại nhớ đến gương
Cầm khăn nhớ túi đi đường nhớ nhau (Ca dao)

- Cầm tay hỏi hết xa gần
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can (Nguyễn Khuyến)

Nghĩa rộng nói về sự gìn giữ cho có thứ tự, chừng mực.

Ví dụ:

- Cầm cân nẩy mực.
- Đánh trống cầm canh.

- Trên đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu (Ca dao)

CÁNG: Mang bằng cái cáng.

Ví dụ:

- Người kia yếu nặng, phải cáng về nhà quê

* CÁNG ĐÁNG: Gánh vác công việc.

Ví dụ:

- Người giỏi cáng-đáng việc lớn.

CẮP: Mang vật gì bằng cánh tay để bên sườn hay nách rồi kẹp tay lại.

Ví dụ:

- Ngày ngày cắp nón ra đi
Buôn gì chẳng có bán gì thì không (Ca dao)

- Có mồm thì cắp, có nắp thì đậy (Tục ngữ)

CÕNG: Để lên lưng mà mang: Cõng con.

Ví dụ:

- Cõng rắn cắn gà nhà.
– Con chị cõng con em.

CHỞ: vận-tải bằng xe, tàu thuyền : Chở hàng.

Ví dụ:

- Chở củi về rừng (Thành ngữ)
– Trai chở đò ngang, gái bán hàng trầu miếng (Tục ngữ)

– Một trăng được mấy cuội ngồi
Một thuyền chở được mấy người tình chung (Ca dao)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Fri 04 Jun 2021, 11:18

DONG, DẮT, GIẮT, DUN, DẢY, ĐẨY, ĐUN, ĐÙN, ĐEM, ĐEO, ĐÈO, ĐỘI, ĐƯA

DONG: 1. đi kèm bên cạnh để trông coi, dẫn về nơi nào đó; 2. lái thuyền đi xa ra; 3. đưa lên cao.

Ví dụ:

- Dong trâu về chuồng.
- Dong buồm ra khơi.
- Trống giục cờ dong.

DẮT: Cầm tay, cầm gậy, cầm dây mà dẫn đi. Thường nói: dắt tay, dắt chó, dắt xe

Ví dụ:

- Trâu dong bò dắt (Tục ngữ)
- Dắt trâu chui qua ống (Thành ngữ)

GIẮT: mang vật gì, cài vào đầu, để vào lưng...

Ví dụ:

- Giắt tiền vào lưng
- "Trên đầu lược giắt trâm cài,
Tảo tần khuya sớm chửa ai chung tình." (ca dao)

DUN: đẩy hay xô nhẹ vật gì /người nào cho ngã, hay dời vật từ chỗ này qua chỗ khác.

Ví dụ:

- Hai đứa bé dun nhau ngã xuống ao.
- Dun hộ chiếc xe lại chỗ mát!

DẢY: mạnh hơn DUN.

Ví dụ:

- Người đi xem chen chúc, dảy nhau cả xuống hồ.

ĐẨY: mạnh hơn DẢY, có ý dời ra xa. Thường nói: đẩy cửa, đẩy xe, đẩy thuyền

Ví dụ:

- Tường đông lay động bóng cành,
Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào. (Kiều)

- Kim Liên ơi hỡi Kim Liên
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê (Lục Vân Tiên)

ĐUN: 1. Đẩy nhẹ: Đun cái xe, đun cái cánh cửa. – 2. Đẩy củi vào bếp cho cháy. Nghĩa rộng : thổi-nấu : Đun nước.

ĐÙN: 1. Ở trong đẩy ra hay ở dưới đẩy lên : Mối đùn, kiến đùn; 2. đẩy qua người khác, không muốn nhận về mình.

Ví dụ:

- Anh nay nhờ phận ấm no,
Tổ nhân thiên táng, huyệt do mối đùn (Trinh thử)

- Đùn việc khó cho người khác.

ĐEM: cũng như mang, dùng cho những vật nhẹ nhàng; lại có nghĩa rộng là để ý. Thường nói: đem lòng, đem tâm.

Ví dụ:

- Đem thân vào chốn cát lầm,
Cho thân lấm láp như mầm ngó sen.
Đêm đêm ngồi tựa bóng đèn,
Than thân với bóng, giãi phiền với hoa. (Ca dao)

- Đem chuông đi đánh xứ người
Chẳng kêu cũng đánh ba hồi cho kêu (Ca dao)

- Ai xui má đỏ hồng hồng,
Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu (Ca dao)

ĐEO: Mang vật gì bằng cách lấy dây buộc.

Ví dụ:

- Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa (Trần Tế Xương)

- Đeo bầu mang tiếng thị phi
Bầu không có rượu lấy gì mà say (Ca dao)


ĐÈO: Mang thêm, đã mang một vật còn kèm thêm vật nữa.

Ví dụ:

- Chị có gánh gạo xin đèo thêm ít khoai.
- Nó đèo em lên xe đạp.

- Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau.

ĐỘI: Mang vật gì trên đầu.

Ví dụ:

- Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư,
Ốm lăn, ốm lóc cho sư trọc đầu.
Ai làm cho dạ sư sầu,
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây? (Ca dao)

ĐỘI có nghĩa đứng cuối (đội sổ, đội bảng), nghĩa bóng còn có nghĩa chịu ơn, tâng bốc hay trùm cái gì vào mình mà không phải của mình.

Ví dụ:

- Cảm đức từ bi, để nhiều kiếp nguyền cho thân cận;
Đội ơn cứu độ, nát muôn thân thà chịu đắng cay. (Cư trần lạc đạo phú)

- Nó bè cánh với nhau nên đội nhau lên.

- Gà lôi đội lốt con công,
Tưởng rằng mình ngộ đi dông đi dài. (Ca dao)

ĐƯA: 1. Trao tận tay cho người nhận; 2. đun đẩy vật gì văng qua văng lại; 3. chỉ bảo, dẫn dụ dìu dắt như: đưa dâu, đưa chân, đưa đám, đưa đường...

Vì dụ:

- Đưa đũa ghét năm, đưa tăm ghét mười (Tục ngữ)

- Đố ai nằm võng không đưa
Ru em không hát, đò đưa không chèo (Ca dao)


Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13Thu 10 Jun 2021, 09:35

GÁNH, GỒNG, KÈM, KÉO, KHÊNH, KHIÊNG, KHUÂN, LĂN, LÊ, LÔI

GÁNH: 1. Mang vật gì bằng một đòn dài để trên vai.

Ví dụ:

- Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.
Nàng về nuôi cái cùng con,
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng. (Ca dao)

-  Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên “ứ hự”, anh hùng nhớ chăng? (Cô đào hát với Nguyễn Công Trứ)

- Một gánh kiền khôn quẩy tếch ngàn,
Hỏi chi bán đó, gửi rằng than.
Ít nhiều miễn được đồng tiền tốt,
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn. (Bán than - Trần Khánh Dư)

GỒNG: Gánh lệch một bên. Gánh thì hai bên đều nhau nhưng gồng chỉ một bên, bên kia phải giữ bằng tay.

Ví dụ:

- Gồng nặng, gánh nhẹ (Tục ngữ)
- Gồng giỗ, gánh Tết (Tục ngữ)

KÈM: 1. Cũng như đèo, dùng với vật nặng; 2. phụ vào; 3. giữ gìn, kiểm soát.

Ví dụ:

- Chở kèm hộ ít củi.
- Ăn mắm kèm thêm rau thơm.
- Giải tù có lính đi kèm.

KÉO: Dùng sức mà lôi đi, nói về vật nhẹ, tương đối dễ, nặng hơn thì dùng LÔI, nặng lắm thì dùng ĐẨY.

Ví dụ:

- Kéo cày trả nợ (Thành ngữ)
- Trâu béo kéo trâu gầy (Tục ngữ)

KHÊNH: Nâng bổng vật gì lên.

Ví dụ:

- Khênh hộ tôi cái bàn.

KHIÊNG: Cũng như khênh nhưng với vật nặng hơn, cần hai hay nhiều người như khiêng kiệu, khiêng tủ...

Ví dụ:

- Thằng chết cãi thằng khiêng (Tục ngữ)

- Ăn rồi nằm ngả nằm nghiêng,
Hễ ai lấy tớ thì khiêng tớ về (Ca dao)

-  Một đoàn ngục tốt tơi bời,
Khiêng ra cửa bắc, táng ngoài đồng không (Nhị độ mai)

KHUÂN: Nhấc dần, lấy dần đem đi chỗ khác.

Ví dụ:

- Anh cho khuân đồ đạc lên nhà trên.
- Ông bảo họ khuân hàng xuống tàu.

LĂN: Vật tròn quay bon đi, hoặc dời vật gì hình tròn hay hơi tròn bằng cách đẩy từ phía sau; nghĩa rộng: xông vào, dấn mình vào một cách bạo dạn liều lĩnh.

Ví dụ:

- Quả bóng lăn.
- Lăn gỗ xuống ao.
- Muốn ăn thì lăn vào bếp (Tục ngữ)

LÊ: Kéo xệt trên mặt đất, vì quá sức hay vì lười.

Ví dụ:

- Nó lê đôi giầy rách, trông rất tiều tuỵ.
- Cụ ấy đi mệt nhọc, lê cái gậy sau lưng.
- Trẻ con bò lê khắp nhà.

LÊ còn nghĩa là ngồi dai.

Ví dụ:

- Ngồi lê mách lẻo. Ngồi lê đôi mách.

LÔI: Nắm mà kéo đi, mạnh hay nhanh.

Ví dụ:

- Lôi cổ nó ra đây!
- Đi như lôi ngồi như buộc (Tục ngữ)


Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG   Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Tiếng Việt: KHÔNG, CHẲNG, CHĂNG, CHẢ, CHỚ, ĐỪNG
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 2 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-