Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 16:38

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : 1, 2  Next
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Sat 22 May 2021, 08:35

Cục Súc hay Cục Xúc mới đúng chính tả?


Nhiều người phát âm chữ “x” và “s” trong tiếng Việt giống nhau, do đó xảy ra tình trạng có người viết khác nhau về từ cục súc hay cục xúc. Vậy cục súc hay cục xúc cụm từ nào mới đúng chính tả?

Nếu xét về nguồn gốc thì “cục xúc” mới chính xác!

Cục xúc là một từ Hán Việt, chữ Hán viết là 局促 (hoặc 侷促 hoặc 跼促), trong đó:

   “Cục” là bộ phận, cái gì chia làm bộ phận riêng thì gọi là cục. Từ điển Thiều Chửu giảng “khí phách độ lượng của một người cũng gọi là cục”, ý nói lòng người chứa được bao nhiêu, nhiều ít sâu rộng thế nào. Ngoài ra, “cục” cũng có nghĩa là “co lại, gò bó, hạn chế” - nghĩa này thường dùng trong văn chương.

   “Xúc” là vội vã, gấp rút, kề sát, thúc giục, ngặt, cần kíp.

Căn cứ vào hai Hán tự trên, người ta định nghĩa chữ “cục xúc” là nhỏ nhen, lỗ mãng. Chính chữ “xúc” với hàm ý “mong muốn nhanh chóng” một phần nào gợi lên được sự nóng nảy, thô lỗ này. Tuy nhiên có lẽ xét về cảm giác tiêu cực thì “súc” trong “súc vật” dễ gợi hình hơn, nên dần dần người ta đã thay “xúc” bằng “súc” mà gọi là “cục súc”.

Trên thực tế, chữ 促 không có cách đọc nào là “súc” cả. Ngoài “xúc”, các từ điển chỉ ghi nhận thêm một biến âm duy nhất là “thúc”, như ta thường gặp trong “thôi thúc”, “thúc đẩy” mà thôi.

Từ điển Trần Văn Chánh giảng “cục xúc” là “nhỏ hẹp”. Trong bài “Nguyên phụ phú” (元父赋), nhà thơ Nguyễn Tịch (nước Nguỵ, thời Tam Quốc) viết: 其城郭卑小局促 - Kỳ thành quách ti tiểu cục xúc, nghĩa đại khái là thành quách nhỏ bé chật hẹp. “Cục xúc” ở đây mang nghĩa chật hẹp. Đỗ Phủ trong bài “Mộng Lý Bạch” viết: 告歸常侷促, 苦道來不易 - Cáo quy thường cục xúc, Khổ đạo lai bất dị”, ý là khi từ biệt ra về thường băn khoăn không yên, khổ sở mà rằng đến thăm nhau đâu phải dễ. “Cục xúc” ở đây mang nghĩa băn khoăn không yên.

Đến thời Huình Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam Quấc âm tự vị (1895-1896) giảng: “cục xúc” là “thô tục, ngang ngửa, lỗ mãng, không biết toan tính”. Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng “cục xúc” là “nhỏ nhen, tính tình trẻ con, ta còn hiểu là cộc cằn thô lỗ, dễ nổi giận”.

Tựu trung, “cục xúc” trước đây mang các nghĩa là chật hẹp, không dễ chịu, bị bó buộc, băn khoăn không yên, khí lượng nhỏ nhen (xem lớp nghĩa" khí phách độ lượng của một người cũng gọi là cục" trong Từ điển Thiều Chửu). Thời này không thấy từ “cục súc”.

Tuy nhiên, đến thời của Hội Khai trí Tiến Đức, trong Việt Nam tự điển của hội này (1931), chỉ còn cách viết “cục súc” với nghĩa là “thô bạo, tục tợn” và cho ví dụ “con người cục súc”. Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên cũng ghi nhận “cục súc” với nghĩa “thô tục và lỗ mãng”, như “con người cục súc”, “ăn nói cục súc”. Thời này không thấy ghi nhận “cục xúc” nữa.

Có thể giả định rằng “cục súc” khác với “cục xúc”, nhưng do sự tương quan về nghĩa (biểu hiện rõ nhất trong cách giảng của Huình Tịnh Paulus Của và Nguyễn Quốc Hùng) nên cũng có thể đoán định rằng xưa vốn viết là “cục xúc”, về sau biến đổi viết thành “cục súc”.

Nhiều người vẫn cho rằng cục súc là một từ nhầm lẫn bởi cách phát âm lẫn lộn giữa “s” và “x” mà thành. Dần dần, theo thói quen sử dụng lâu ngày, người ta đã sử dụng luôn từ cục súc và trở nên phổ biến, thay thế hẳn cho từ đúng là cục xúc.

Thế nhưng, cũng có ý kiến khác cho rằng, cục súc là một từ để liên tưởng về sự nóng nảy, khó tính như con vật. Bởi từ “súc” có nghĩa là súc vật. Vì vậy, khi nhắc đến cục súc, người ta sẽ nghĩ ngay đến những con người tục tợn, thô bạo như chính những con vật vậy.

Chẳng hạn cách dùng cục súc như:


  •    Anh ta thật là cục súc.
  •    Đó là một con người cục súc.
  •    Cách cư xử của ông ấy thật là cục súc.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ, cục súc ra đời không phải bằng con đường như trên. Nó vốn là người anh em sinh đôi của cục xúc. Chữ xúc còn có âm khác là thúc (với nghĩa “giục”, như trong thôi thúc, thúc bách, thúc giục). Về nghĩa, thúc rõ ràng liên quan đến nét nghĩa “vội vàng, nóng nảy” của cục xúc/súc. Về âm, quan hệ giữa th- và s- là mối quan hệ gần gũi, có thể chuyển hóa với nhau như trong nhiều trường hợp: sơ ~ thưa [thớt], sư ~ thầy… Có thể nói, cục súc và cục xúc chỉ là một từ, bắt nguồn từ hai chữ cục xúc trong tiếng Hán mà thôi.

Kết luận


Cục xúc là từ đúng chính tả. Thế nhưng, hiện nay số đông đều chấp nhận sử dụng từ cục súc và ít người dùng từ cục xúc. Do đó, khi đã được số đông chấp nhận thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng từ cục súc trong cả văn nói và văn viết.

(Sưu tầm tổng hợp)

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Wed 02 Jun 2021, 10:44

"Xúc tích" hay "Súc tích"?

Trong từ điển Việt Nam, từ súc tích là một từ đúng chính tả chứ không phải xúc tích như nhiều người vẫn đang lầm tưởng.

“Súc tích” là một tính từ và thường được sử dụng để diễn tả, nhận xét về một điều gì đó tuy ngắn gọn nhưng bao gồm đầy đủ ý nghĩa cần thiết.

“Súc tích” là một từ mượn từ tiếng Hán. Chúng ta có thể phân tích ý nghĩa của tính từ này bằng cách phân tích từng từ một:

   Súc: nghĩa là chứa, cất

   Tích: nghĩa là dồn lại, tích trữ

Trong từ điển tiếng Việt, từ vựng “súc tích” được giải nghĩa như sau:

   Là sự tích lũy dồn ép lại của tài nguyên hoặc kinh nghiệm

   Có chứa nhiều của cải, tài nguyên

   Có chứa nhiều ý nghĩa trong dạng diễn đạt ngắn gọn

Như vậy, để trả lời cho câu hỏi “xúc tích hay súc tích”, chúng ta có câu trả lời sau:

  • Súc tích là từ đúng  
  • Xúc tích là một dạng từ sai chính tả
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Wed 02 Jun 2021, 10:52

Lại bàn về HÀM SÚC hay HÀM XÚC

Lương Đức Mến

Một hiện tượng đáng lưu ý là do phương ngữ, do thói quen, do không hiểu, dùng sai nên khá nhiều người nói, viết sai d/gi/r; x/s, n/l, ch/tr,…mà nếu người biết rõ thì nghe hay đọc rất bực, thậm chí có trường hợp hiểu sai! Ví dụ đã có lần cán bộ dưới quyền tôi viết trong Biên bản là “bị vỡ nách” nhưng trong kết luận của Bác sĩ lại viết là “vỡ lách” mà “nách” và “lách” là 2 bộ phận khác nhau và ở xa nhau trong cơ thể người!

Gần đây có  người đặt vấn đề viết “hàm xúc” đúng hay “hàm súc” mới chính xác làm tôi thấy cần chép lại nhận thức của mình để nhớ.

1. Dù có lòng tự tôn dân tộc đến đâu cũng buộc phải thừa nhận một thực tế là có rất nhiều từ, cụm từ trong Việt ngữ hiện tại có nguồn gốc từ Hán Việt, tức là từ gốc chữ Hán nhưng được đọc với âm Việt từ thế kỷ VII trở về trước!

Trong đó có từ “hàm súc/xúc”! Chữ “hàm” thì khỏi nói vì nó không thể sai được, chỉ xét 2 chữ “súc” và “xúc”.

1.1. Xét âm  “SÚC” thấy có ít nhất 20 Hán tự mà các cụ ta xưa đọc là  “súc, gồm: 亍 ,  嘼 ,  慉 ,  搐 ,  摍 ,  摵 ,  滀 ,  珿 ,  畜 ,  矗 ,  稸 ,  縮 ,  缩 ,  莤 ,  蓄 ,  豖 ,  蹜 ,  鄐 ,  閦 ,  𡰿 . Trong đó:

- Chữ “畜” chỉ giống vật nuôi như "lục súc" 六畜 gồm: ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn và chữ này có mã Unicode là U+755C , thuộc bộ điền 田

- Còn chữ “蓄” mang nghĩa tích, chứa, trữ và nó có mã  Unicode là U+84C4 thuộc bộ thảo 艸 (+10 nét); chữ này có phiên thiết là 丑六切 (sửu lục thiết) nên phải đọc là “súc”, không thể là “xúc”!

- Có một số TỪ GHÉP THƯỜNG GẶP, là: hàm súc 含蓄, hàm súc 涵蓄, phiên súc 萹蓄, súc chủng 蓄種, súc điện trì 蓄電池, súc hận 蓄恨, súc lự 蓄慮, súc ngãi 蓄艾, súc nhuệ 蓄鋭, súc oán 蓄怨, súc thái 蓄菜, súc tích 蓄積, súc tụ 蓄聚, súc ý 蓄意, súc y tiết thực 蓄衣節食, tích súc 積蓄, trữ súc 儲蓄, trữ súc 貯蓄, uẩn súc 蘊蓄.

1.2. Xét âm “XÚC”: Có ít nhất 27 Hán tự ghi âm này, gồm: 㹱 ,  亍 ,  促 ,  婼 ,  憱 ,  戚 ,  数 ,  數 ,  斶 ,  歜 ,  矗 ,  臅 ,  触 ,  觸 ,  諔 ,  趋 ,  趍 ,  趗 ,  趣 ,  趨 ,  蹙 ,  蹜 ,  蹴 ,  蹵 ,  顣 ,  齪 ,  龊 . Trong đó:

Có có một số TỪ GHÉP THƯỜNG GẶP, là: ác xúc 偓促, bức xúc 逼促, cục xúc 侷促, cục xúc 局促, cục xúc 跼促, đôn xúc 敦促, thôi xúc 催促, thông xúc 匆促, thương xúc 仓促, thương xúc 倉促, xúc bách 促迫, xúc bức 促逼, xúc chức 促織, xúc sử 促使, xúc tất 促膝, xúc tất đàm tâm 促膝談心, xúc thành 促成, xúc tịch 促席, xúc tiến 促進, xúc tiêu 促銷;

Và: cảm xúc 感觸, tiếp xúc 接觸, tranh xúc 棖觸, xúc cảm 觸感, xúc động 觸動, xúc giác 觸覺, xúc mục 觸目, xúc ngôn 觸言, xúc ngữ 觸語, xúc nộ 觸怒, xúc phạm 觸犯, xúc quan 觸官, xúc thủ 觸手,…

1.3. Như thế “xúc” không phù hợp mà chỉ có “súc” mới ghép sau chữ “hàm” thành “HÀM SÚC” (giản thể là 含蓄, phồn thể viết 涵蓄)  mà Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giải nghĩa là “Chất chứa nhiều ý tứ” chứ viêt HÀM XÚC LÀ KHÔNG CÓ NGHĨA.

2. Điều này nhiều bậc thức giả thực học xưa đều đã sử dụng, Từ điển đã ghi rõ. Ví dụ:

2.1. Trong bài Khoá phạt mộc 課伐木 của Đỗ Phủ (杜甫, 712-770) viết năm 767 có câu: 雷雨蔚含蓄 (Lôi vũ uất hàm súc), nghĩa là “Sấm mưa càng làm cho um tùm” hay “Rậm rì nhờ mưa lũ”.

2.2. Đương đại, Từ  điển thuật ngữ Văn học xác định: Hàm súc là hình thức diễn đạt, qua đó, người nói có thể thông báo được một nội dung lớn nhất bằng một số lượng các yếu tố ngôn ngữ ít nhất. Đây là đặc điểm, đồng thời cũng là yêu cầu rất cao của của ngôn từ văn học. Tính hàm súc của ngôn từ văn học có những biểu hiện cụ thể như sau:

     Thứ  nhất, tính hàm súc của ngôn từ văn học thể hiện ở tính đa nghĩa của nó. Trong văn học, hàm súc là “lời ít, ý nhiều”, cùng một lời có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau và hình như hiểu theo cách nào cũng ít nhiều có lý.

     Thứ  hai, tính hàm súc thể hiện ở sự thống nhất tối đa các chức năng và đặc điểm của ngôn từ nghệ thuật trong một yếu tố (hoặc một vài yếu tố) của lời nói.

     Thứ  ba, tính hàm súc của ngôn ngữ văn học còn thể hiện ở dung lượng lớn những ý nghĩ, tình cảm mà người viết không viết ra, nhưng người đọc có thể tự mình suy ra được.

     Cho nên, trong văn thơ, ở chỗ lặng, chỗ ngừng, chỗ trống nhiều khi lại là chỗ được nói nhiều nhất. Ở đây, tính hàm súc của văn chương là sự súc tích cô đọng, là lời chật, “ý rộng”, “lời đã hết mà ý vô cùng”, để lại nhiều dư vị trong lòng người đọc.

3. Trước mỗi con chữ còn băn khoăn hay có tranh cãi cần tìm về từ nguyên và phải dựa vào những cuốn Từ điển, Tự điển đã được thử thách và xã hội thừa nhận chứ không thể “theo ý tôi được”!
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Fri 04 Jun 2021, 09:24

Nghĩa của SÚC và XÚC

SÚC:

Danh từ
- khối to còn nguyên, chưa xẻ hoặc pha ra

súc gỗ
một súc thịt lợn

- khối gồm nhiều tấm vải hay nhiều buộc sợi

súc sợi
súc vải

- thú vật nuôi

súc vật, súc sinh
gia súc

Động từ

- làm cho sạch bằng cách cho nước vào và làm cho nước chuyển động mạnh theo đủ các hướng

súc miệng bằng nước muối
súc chai cho sạch

- chứa đựng, tích tụ

súc tích
hàm súc

XÚC:

Động từ

- lấy vật rời ra bằng dụng cụ có lòng trũng

xúc cơm
dùng xẻng xúc than
ghét như xúc đất đổ đi (kng)

- bắt tôm tép bằng cách dùng rổ, vợt, v.v. vục sâu xuống nước rồi nhấc nhanh lên

"Công anh xúc tép nuôi cò, Cò ăn cò lớn cò dò lên cây." (Cdao)

- chạm vào, sờ vào

tiếp xúc
cảm xúc
xúc giác
Về Đầu Trang Go down
Thiên Hùng

Thiên Hùng

Tổng số bài gửi : 2581
Registration date : 19/08/2009

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Fri 04 Jun 2021, 11:14

Cám ơn (Cảm ơn hihi) TM đã mang về những bài viết để những ai trước giờ viết sai chính tả tùm lum như TH học lại, nhưng nói thiệt, viết "Cảm ơn" cũng thấy sao sao á TM hiihihii :nu: :thua:
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Fri 04 Jun 2021, 11:25

Thiên Hùng đã viết:
Cám ơn (Cảm ơn hihi) TM đã mang về những bài viết để những ai trước giờ viết sai chính tả tùm lum như TH học lại, nhưng nói thiệt, viết "Cảm ơn" cũng thấy sao sao á TM hiihihii :nu: :thua:

TM lâu nay cũng quen dùng "cám ơn" thui hà :potay:
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Wed 16 Jun 2021, 13:33

Nên viết “xử dụng” hay “sử dụng”?

Trần Huy Bích

Trong cuốn Ngữ vựng tiếng Việt đầu tiên (Westminster, CA, 2017), nơi trang 6, Giáo sư Trần Ngọc Ninh cho biết theo nhận xét của ông, “trong số các nhà văn nhà báo,  có chừng 50 phần trăm viết ‘sử dụng’ và áng 50 phần trăm viết ‘xử dụng’.” Nhân thấy hai phía “tương đương,” Gs. Ninh không tỏ ra thiên về phía nào. Ông dẫn lời một nhà làm tự điển, “thói quen là vua trong ngôn ngữ” (sách đã dẫn, cùng trang).

Khi cho học sinh viết chính tả, một cô giáo dạy Việt ngữ không được nhiều tự do như thế mà cần có một ý niệm rõ rệt, dứt khoát hơn. Giữa hai cách viết “xử dụng” và “sử dụng,” nên hướng dẫn học sinh chọn cách nào, và tại sao lại nên chọn như thế? Bài này được viết theo đề nghị của hai người bạn. Một người bạn trẻ, dạy tiếng Việt ở một Trung tâm Việt ngữ. Người bạn thứ hai lớn tuổi hơn, một bác sĩ y khoa quan tâm tới đất nước và những vấn đề mang tính cách ngôn ngữ, văn hóa, nêu câu hỏi sau khi đọc xong cuốn sách vừa kể của bác sĩ Trần Ngọc Ninh.

Trước hết, “xử” (viết với X) là một từ khá thông dụng trong tiếng Việt. Chúng ta nói “phân xử, xét xử, khu xử, xử trí, xử thế…” Xử cũng chỉ lối sống của một kẻ sĩ ở ẩn, không chịu ra làm việc đời (Xử sĩ, Xưa nay xuất xử thường hai lối—Nguyễn Công Trứ). “Xử nữ” cũng đồng nghĩa với “trinh nữ.” Trong khoa chiêm tinh Tây phương, cung Virgo trong Zodiac được dịch sang tiếng Pháp là Vierge và tiếng Việt là Xử nữ. Nhân từ “xử nữ,” có thêm từ Hán Việt “xử nữ mạc” (màng trinh). Vì sự thông dụng của từ “xử,” khi cần diễn ý “xử dụng/sử dụng” với nghĩa “sai khiến, dùng vào một việc gì,” nhiều người đã viết “xử dụng” (với X)  một cách tự nhiên. Đó cũng là lựa chọn của người viết những dòng này trong gần suốt thời gian ở Trung học, nghĩ rằng mình đã viết đúng.

Hai chữ “xử” và “sử” đều là từ Hán Việt, có gốc chữ Hán. Nếu từ “xử” trong “phân xử, xử thế, xuất xử” có gốc chữ Hán là 處 (cũng được đọc là “xứ” như trong “xứ sở, xuất xứ”), thì từ “sử” với nghĩa “sai khiến” có gốc từ chữ 使. Trong Hán văn, để  diễn  ý “sai khiến, dùng vào một việc gì,” người ta viết  使 hay 使用 (“sử” hay “sử dụng”).

Trong các tự điển Khang Hi và Từ Hải (biển các từ), chữ 使 được cho biết là 从音史“tòng âm sử” (theo âm “sử,” phát âm như chữ "sử" 史với nghĩa lịch sử). Trong The Pinyin Chinese-English Dictionary do Gs. Wu Jingrong (吳景榮 = Ngô Cảnh Vinh) thuộc Viện Ngoại ngữ Bắc Kinh làm chủ biên, thì chữ 使 có âm là “shĭ” (“shi,” phát âm theo thượng thanh).

Trong các tự điển Hán-Việt, chữ ấy được ghi âm là “sử” (viết với S, giống chữ “sử” trong “lịch sử”): Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: trang 21; Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh: trang 213; Hán Việt tự điển của Trần Trọng San: trang 20; Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh: trang 152; Từ lâm Hán Việt tự điển của Vĩnh Cao và Nguyễn Phố:  trang 62.

Trong các tự điển Việt ngữ được coi là “có thẩm quyền,” hai chữ “sử dụng” cũng được viết với S: Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ: trang 1321, quyển Hạ; Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của: trang 312, quyển 2.

Để làm thí dụ, xin được trình bày phóng ảnh những đoạn về cách viết chữ ấy trong các tự điển:

--Của Trần Trọng San:

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Sudung10

--Của Vĩnh Cao & Nguyễn Phố:

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Sudung11

--Của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ:

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Sudung12

Nhà biên soạn tự điển Trần Văn Chánh còn dùng từ “sử dụng” trong lời văn của chính ông:

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Sudung13

“Sử” với nghĩa “sai khiến” là một từ khá thông dụng trong cổ văn. Trong Luận ngữ, Khổng tử từng trả lời một câu hỏi của Lỗ Định công về liên hệ vua tôi như sau: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (vua sai khiến bề tôi với lễ, bề tôi phụng sự vua với lòng trung) :

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Sudung14

(Luận ngữ, Thiên “Bát dật,” tiết 19)

Ở một đoạn khác trong Luận ngữ, Khổng tử khuyên những người trị nước muốn dùng sức dân (bắt dân làm những việc tạp dịch) phải “sử dân dĩ thời” (sai khiến dân đúng thời, ngụ ý tránh những lúc dân đang bận vì các việc cấy gặt, đồng áng):

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Sudung15

(Luận ngữ, thiên “Học nhi,” tiết 5)

Trong một bài Đường thi khá được phổ biến (bài “Thục tướng,” vịnh Thừa tướng nhà Thục Hán), Đỗ Phủ bày tỏ niềm thương tiếc Khổng Minh bằng hai câu:

出師未捷身先死
長使英雄淚滿襟

Xuất sư vị tiệp thân tiên tử
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm
(Ra quân chưa thắng thân đã thác
Khiến cho khách anh hùng nước mắt đầy vạt áo)


Tất cả các nhà dịch thơ chúng ta biết đều viết chữ “sử” ấy với S:

Trần Trọng Kim:

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Sudung16

Trần Trọng San:

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Sudung17

Khi phổ biến bài "Thục tướng" trên Net, tất cả các trang mạng được nhiều người biết tới cũng dùng S để viết chữ “sử”.

Chữ “sử” 使 trong “quân sử thần dĩ lễ,” “sử dân dĩ thời,” “trường sử anh hùng …”  chính là chữ “sử” 使 trong động từ “sử dụng” 使用. Theo các tự điển, chữ ấy cùng âm với chữ “sử” 史 trong lịch sử, sử ký... Khi ta dùng S để viết “lịch sử, sử ký, Quốc sử quán, sử quan, sử gia …,” đương nhiên ta cũng nên dùng S để viết chữ “sử” trong “sử dụng.”

Trong Việt ngữ, khi dùng làm động từ, chữ ấy được đọc là “sử,” nhưng khi dùng làm danh từ, sẽ được đọc là “sứ.” Chúng ta có từ “sứ giả” (người được sai đi). Từ đó có thêm những từ “đi sứ, sứ thần, sứ quán, ông Đại sứ …” Vì cùng một gốc chữ Hán 使, cách đọc những chữ ấy phải giống nhau. Không lẽ chúng ta viết “sứ giả, sứ thần” với chữ S nhưng lại đổi dùng X để viết “sử dụng” thành “xử dụng”?

Hiện nay số người viết “sử dụng” có vẻ mỗi ngày một nhiều hơn. Đó là lối viết được ghi trong các tự điển.

(tranhuybich.blogspot)
Về Đầu Trang Go down
Thiên Hùng

Thiên Hùng

Tổng số bài gửi : 2581
Registration date : 19/08/2009

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Thu 17 Jun 2021, 12:25

Trà Mi ơi, còn chữ nầy nữa nè - Hồi đi học thì thầy dạy là "chia xẻ" còn bây giờ thấy người ta viết là "chia sẻ", nên TH cũng viết theo, nhưng không lý ông thầy của mình dạy trật ???? :nu: :nu:
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Fri 18 Jun 2021, 10:20

Thiên Hùng đã viết:
Trà Mi ơi, còn chữ nầy nữa nè - Hồi đi học thì thầy dạy là "chia xẻ" còn bây giờ thấy người ta viết là "chia sẻ", nên TH cũng viết theo, nhưng không lý ông thầy của mình dạy trật ???? :nu: :nu:

hi hi có liền huynh TH, thích thì chìu nè! :tongue:
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13Fri 18 Jun 2021, 10:24

Sẻ hay xẻ?

Gần đây, trên nhiều trang mạng về ngôn ngữ đã có cuộc tranh luận khá nóng bỏng về nghĩa của chữ sẻ hay xẻ trong “chia sẻ” và “chia xẻ”.

Điểm xuất phát của cuộc tranh luận là do gần đây trên báo chí, sách truyện, các tác giả và biên tập viên, sử dụng hai từ trên như một từ ghép tương đồng về nghĩa, như từ share của tiếng Anh.

Trong một bài đăng trên trang “Thế giới chữ”, một người cho rằng: “Khi đặt ra vấn đề cho mẫu tự “s” hay “x” ở đây, có lẽ ta nên xét đến cách phát âm. Trong ngữ học, khi nói đến cách phát âm là đề cập đến một trong các mặt của phương ngữ tức cách phát âm tuỳ vào mỗi địa phương. Ở đây âm “s” đã di chuyển sang âm “x” và ngược lại, cũng như miền khác âm “l” thành “n”. Vì vậy chia sẻ đơn giản chỉ là cách phát âm theo địa phương mà thôi.

Một ý kiến khác “phản đối” cách lập luận trên và cho rằng: chia sẻ là giúp ai đó một việc có lợi cho họ, mang tinh thần vị tha; còn chia xẻ là giành giật, đòi quyền lợi về cho mình, mang tinh thần vị kỷ. Trên diễn đàn Việt học của Viện Việt học, có ý kiến còn cho rằng từ sẻ với cái nghĩa: xẻ: phân ra... được thêm vào ngôn ngữ VN không hơn 60 năm nay... và không có trong các từ điển (Việt Nam) trước năm 1954... và ở miền Nam trước năm 1975 cũng không có. Và còn trở nên nghiêm trọng hơn khi trong vài tự điển từ và nghĩa tiếng Việt hiện nay vẫn không thống nhất trong cách sử dụng hai âm này. Ví dụ từ xẻ trong thành ngữ chia năm xẻ bảy, của Tự điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) thì viết mẫu tự x, còn trong Từ điển Từ và Ngữ của GS Nguyễn Lân thì viết bằng chữ s.

Trong thực tế, hai từ nói trên đều đã hiện diện trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam rất lâu, từ trước thế kỷ 20. Cả hai từ này là tiếng Nôm, riêng biệt và có nghĩa. Tự điển chữ Nôm của Nguyễn Quang Xỹ và Vũ Văn Kính giải thích: sẻ là loại chữ hài thanh, cấu tạo bởi bộ thủ (tay –ý) + (sĩ - âm): san sẻ, chia sẻ. Còn từ xẻ, loại chữ giả tá, có cấu tạo Hán đọc là xỉ: xẻ gỗ, xẻ rãnh. Điều đó càng rõ ràng hơn khi cuốn tự vị tiếng Việt đầu tiên (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị) xuất bản cách đây hơn một thế kỷ (1895), học giả Huình Tịnh Paulus Của, phân loại cả hai từ trên đều là tiếng Nôm và nghĩa được chú giải rành mạch: Mục từ sẻ được ghi: mở ra, dở ra, giương ra, trải ra.

Và xẻ - cắt dài, mổ ra làm hai. Đến cuốn “Việt Nam Tự Điển - 1931” của Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo, sẻ được giải nghĩa: San chia ra. Sẻ bát cơm làm hai; nhường cơm sẻ áo. Còn từ xẻ - (nghĩa 1) bổ dọc ra: xẻ gỗ. Vì lẽ này phần thành ngữ trong Từ điển Việt Nam do Viện Ngôn ngữ ấn hành năm 1998, sử dụng chúng khá rạch ròi. Ví dụ cả hai đi với từ chia (làm ra từng phần từ một chỉnh thể): chia sẻ - cùng chia với nhau để cùng hưởng, cùng chịu (thành ngữ: Nhường cơm sẻ áo). Và chia xẻ - chia ra từng mảnh và không làm cho nguyên khối nữa (TN - Chia năm xẻ bảy).

Gần đây, khá nhiều ý kiến đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng lo ngại về lỗi chính tả và sử dụng từ ngữ tiếng Việt tuỳ tiện đang có xu hướng trở nên phổ biến. Hiện tượng trên không chỉ xảy ra ở lứa tuổi mới lớn, trên các trang mạng Internet, mà kể cả sách, truyện, báo chí và nhiều bộ tự điển vẫn vấp phải vô số. Từ đó nhiều ca dao, thành ngữ trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc bị biến dạng, bị hiểu sai ý nghĩa. Trước năm 1975, nhằm thống nhất chính tả, thường Bộ Giáo dục hàng năm đều tổ chức thẩm định các bộ tự điển và ra thông báo khuyên dùng của tác giả, nhà xuất bản nào.

Ví dụ đến thời điểm tháng 3 năm 1975, bộ Từ điển Việt Nam có chú giải bằng hình ảnh của Thanh Nghị được sử dụng rộng rãi trong các trường học. Còn hiện nay tuy Trung tâm Từ điển học, thuộc Viện Ngôn ngữ đã phát hành bộ Từ điển Tiếng Việt, có bổ sung chỉnh lý hàng năm nhưng vẫn hiếm thấy được dùng ở những nơi cần có. Đáng chú ý, đối với học sinh, sinh viên ngày nay thói quen sử dụng từ điển ngày càng xa lạ. Nếu cứ kéo dài tình trạng người người, nhà nhà làm từ điển và viết, nói tiếng Việt theo cách mình cho là đúng, thì tương lai tiếng Việt rồi sẽ không biết đi về đâu.

Nguyễn Trung Hiếu
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?   Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc? I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Chính tả tiếng Việt: cục súc hay cục xúc?
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 2 trangChuyển đến trang : 1, 2  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-