Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Việt Đường



Tổng số bài gửi : 2141
Registration date : 21/08/2009

THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? Empty
Bài gửiTiêu đề: THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?   THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? I_icon13Fri 19 Aug 2011, 17:40

Hạc Bút Ông là bút hiệu phê bình văn chương của thi sĩ Hà Huyền Chi (Chú thích Việt Đường)
---


THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH.
NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?



HẠC BÚT ÔNG


---
LTG: Nghi án về nhà thơ nữ T T KH mở ra từ 1937 qua 4 bài thơ lãng mạn đầy dục tính. Sau đó là khá nhiều những mạo nhận, gán ghép vô tội vạ về tác giả, về người tình được nói tới, trong thơ.

Qua nửa thế kỷ sau, kẻ hậu bối HBO đã rọi chiếu yêu kính vào giai thoại văn chương này. Viết xong từ 1994, nhưng tác giả chưa từng công bố, vì không muốn đánh đổ cái thần tượng, huyễn tượng, của những người thương mến mối ảo tình này.

Cách đây vài năm, Thế Phong, một nhà văn cũ từ trong nước ném ra 1 cuốn sách. Gán ghép rằng T T KH là một khuê phụ XYZ hiện đang sống tại Pháp, khiến bà ta xấu hổ quyên sinh. Nhưng may mắn được cứu thoát.

Thế nên bài viết này về nghi án của một T T KH và Thâm Tâm cần được công bố để thêm rộng đường dư luận. Trân trọng.

---

1.

Bốn bài thơ ký tên T.T. KH. xuất hiện ở cuối thập kỷ 30, tự thân, là những bài thơ bình thường, nếu không nói là tầm thường. Nó được nói đến nhiều, gây nhiều giai thoại trên văn đàn, vì tính chất lãng mạn qua hình thái ngoại tình tư tưởng của người khuê phụ cấp tiến, khi ấy. Nó bí ẩn, gợi tính tò mò của người đọc qua cái tên viết tắt T.T. KH. Một cái tên lạ hoắc như một hồn ma bóng quế tha hồ cho những suy diễn, gán ghép của người đương thời. Trần Thị Khánh? Thâm Tâm Khánh?

Gần một năm sau đó Thâm Tâm và Nguyễn Bính nhảy vào đàm trường như một cách chứng minh họ là nhân vật chính được mô tả trong thơ. Thâm Tâm bặm trợn hơn, xác nhận với những ngôn từ thô lậu đá cá lăn dưa, khiến chúng ta, hôm nay, còn lợm giọng khi đọc. Nguyễn Bính thì chải chuốt, nhẹ nhàng hơn, và cũng lương thiện hơn. Ông ta chỉ «ngờ» rằng T.T. KH. chính là một người... cũ.

Nửa thế kỷ đã qua, bút hiệu T.T. KH. vẫn còn vùi sâu trong nấm mồ nghi vấn. Mọi sự xác nhận, minh chứng về tác giả bốn bài thơ ấy đều đã quá trễ, không đủ sức thuyết phục một ai.

Nghi vấn nằm ngay trong ký hiệu viết tắt kia. Một người nữ đã kể lại tâm sự mình bằng một lối phóng đãng, đã cố ý dấu diếm thân phận mình, đã không dám ký tên thật thì cũng phải biết dùng bút hiệu. Thế nên T.T. KH. phải được xem như một ký hiệu rất gần với tên thật của nhà thơ. Ðịnh che dấu, thì ký T.T.K. cũng được rồi. (Trần Thì Kim, Trần Thị Kỳ, Thị Kiểm hà cớ lại là KH?) Tác giả sợ người ta đoán trật sao?

Nghi vấn là, qua truyện kể, hai người có màn chia tay, ngắt véo nhau khi nàng ôm quần sang thuyền khác. Chàng Thâm Tâm bỏ của chạy lấy người đã chẳng có lấy bài nào, câu nào nói lên tâm sự nửa đường đứt gánh kia. Chàng phải đợi cho cố nhân chơi đến bài thứ tư. Lại minh định rằng: Bài Thơ Cuối Cùng. Rồi một niên sau thi sĩ mới ồn ào lên tiếng rất đầu cầu, máy nước? Ðừng nói rằng Thâm Tâm không đọc báo, không biết gì về những bài thơ nổi lửa kia. Ðừng nói rằng thi sĩ ngại tai tiếng cho nàng. Nữ lưu người ta không sợ, mắc gì nam nhi anh sợ chứ?

Hôm nay, Hạc Bút tôi tình cờ đọc lại và nhìn ra một vài dấu vết đạo diễn của Thâm Tâm trong thơ T.T. KH. Dù sao cũng chỉ là nêu thêm một nghi vấn khác thôi. Bỉ bút xin lắng nghe cao kiến của các bậc thức giả. Hoặc coi qua rồi bỏ, cứ việc «cho vào nơi gió cát».

Trước hết xin mời đọc lại những bài thơ chưa bao giờ là «tăm tiếng», nhưng đã nhiều «tai tiếng» này. Những chữ in đậm là ký chú riêng của Hạc Bút.

BÀI THƠ THỨ NHẤT

Thuở trước hồn tôi phơi phới quá
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương


Nghệ sĩ là tiếng gọi chung chung cho những chàng có máu văn nghệ văn gừng. Những người lăng xăng cái gì cũng biết một tý mà chẳng có cái gì ra cái gì cả. Cũng thế, ở phái nữ, thì người ta bốc nhằng là Nữ Sĩ.

Câu 2, ám chỉ rằng nàng hãy còn nguyên si, trong trắng. Sự ám tỉ nàng, vô tình làm hỏng câu 4, ý khá đẹp, mới, và rất thơ. Bởi nó dẫn đến ngộ nhận rất trần tục. Cái anh chàng nhi nhô văn gừng kia đã êm ái đi sâu vào hang Pắc Pó, vào miền cụp lạc. Trừ phi tác giả đích thực không muốn nói theo cách này.

Tai ác ngờ đâu gió lạ qua
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa,
Thổi tan âm điệu du dương trước
Và tiễn Người đi bến cát xa


Ðoạn này, có thể hiểu bằng hai cách. Sự phiền phức bất ngờ là tin nàng bị gả chồng. Ý khác là luồng gió cách mạng đã cuốn chàng theo chân trời lý tưởng. Cách sau, chữ «tai ác, làm kinh», không ổn. Câu 3, lập lại ý câu 2. (Lưu ý: Thâm Tâm cũng mạnh miệng nói tới lên đường, dấn thân như ở bài Dang Dở, dù cả hai chỉ là hư cấu.)

Ở lại vườn Thanh có một mình
Tôi yêu gió lạnh lúc tàn canh
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo
Yêu bóng chim sa, nắng lướt mành.

Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡi, làm sao lạnh rất nhiều!


Ðoạn trên bình thường, câu 4, sáo rỗng. Ba câu ở đoạn dưới dính chùm để chỉ nói được ý là nàng phải đi lấy chồng. Thơ tối như hũ nút dễ gây ngộ nhận rằng chồng nàng sẽ rất đĩ ngựa, theo hết cô này cô khác, hoặc sẽ cưới thêm cả tá vợ nữa. Chữ «phải yêu» rất khó nghe. Yêu, từ một ý niệm trừu tượng, thanh cao (Love) có tính cách tự nguyện, thêm chữ «phải» có tính cưỡng hành đã mang nghĩa phàm tục (Make love).

Từ đấy không mong, không dám hẹn
Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm
Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ
Người ấy ghi lòng: «Vẫn nhớ em!»


Dưới trăng nghiêm, dưới nách anh chồng già nghiêm khắc thì sức voi mà dám hẹn hò với tình lang. Mà hẹn gì nổi khi nàng đã «tiễn» chàng khi lên đường vào trại nhập ngũ số 3 từ khuya? Lại nữa, trăng thuộc âm, không thể ví với chồng già. Trừ phi ông ta đã trở thành thái giám, hoặc già cúp bình thiếc.

Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt giòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.


Có thể nói rằng hai câu cuối của đoạn này là nét thơ đẹp nhất trong toàn bộ thơ T.T. KH. Ðoạn kế tiếp là một xuống cấp thảm hại cả ý lẫn lời:

Ðẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Ðã bọc hoa tàn dấu xác xơ!
Tóc úa giết dần đời thiếu phụ
Thì ai trông ngóng, chẳng nên chờ.

Viết đoạn thơ đầu e ngại quá
Vì tôi vẫn nhớ hẹn nhau xưa:
«-Cố quên đi nhé câm mà nín
Ðừng thở than bằng những giọng thơ!»

Tôi run sợ viết, lặng im nghe
Tiếng lá thu khô xiết mặt hè
Như tiếng chân người len lén đến,
Song đời nào dám gặp ai về!


Thơ xuống cấp ở cả ý lẫn lời, lại trùng dụng. Ðoạn một, câu 2 chỉ xứng khi mô tả một gái làng chơi đã về già. Câu 4 vụng thấy rõ. Cũng thế ở đoạn hai, câu 3,4. Câm, nín, im, cũng là những từ khó nghe được dùng nhiều, cả trong thơ Thâm Tâm. Ðoạn ba, 2 câu chót, người thơ tả tình lang như một tên ăn trộm.

Tuy thế, tôi tin vẫn có người
Thiết tha theo đuổi nữa, than ôi!
Biết đâu... tôi: một tâm hồn héo,
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi.

20-11-37
T.T. KH.


Lãng nhách. Vẫn có người, ám chỉ ông ăn trộm kia. Nhưng cũng gây ngộ nhận là vẫn còn nhiều người khác. «Theo đuổi nữa» sau hai chữ than ôi và dấu chấm than, thì đúng là nhảm thật. Không ai cấm bạn yêu thầm một bông hoa có chủ, nếu bạn biết dừng lại ở cương giới đạo nghĩa. Bạn tiếp tục tán tỉnh nữa, thì than ôi, là đáng đời bạn.

Chỉ người không hề biết yêu, hoặc yêu nhiều đến độ mệt nghỉ, quá sức, mới xứng với «tâm hồn héo». Nghịch cảnh chỉ có thể đầy đoạ thân xác thôi. Nó xen vào phần tối thượng của tình yêu (tâm linh) thế nào được nhỉ?

Chữ «nghiêm» trong trăng nghiêm, chồng nghiêm, lồng nghiêm đã bị lạm dụng hơi nhiều ở thơ T.T. KH.

Bài Ðan Áo Cho Chồng hoàn toàn thiếu vắng chất thơ. Nó gần với vè và phô diễn nhiều dâm tính, ẩn ức sinh lý của T.T. KH. Qua thư viết tâm sự với một người chị, hoặc bạn gái, cũng là thể cách Thâm Tâm và Nguyễn Bính đã dùng để tỏ tình. Thâm Tâm thì: «các anh ơi», Nguyễn Bính thì mượn ông lão bộc để ngỏ tâm sự.

ÐAN ÁO CHO CHỒNG

Chị ơi! nếu chị đã yêu
Ðã từng lỡ hái ít nhiều đau thương
Ðã xa hẳn quãng đời hương
Ðà đem lòng gửi gió sương mịt mùng.
Biết chăng chị mỗi mùa đông,
Ðáng thương những kẻ có chồng như em.
Vẫn còn thấy lạnh trong tim
Ðan đi, đan lại áo len cho chồng.
Như con chim hót trong lồng
Hạt mưa nó rụng bên sông bơ thờ
Tháng ngày nổi tiếng tiêu sơ
Than ôi gió đã sang bờ ly tan...
Tháng ngày miễn cưỡng em đan,
Kéo dài một chiếc áo len cho chồng.
Như con chim hót trong lồng,
Tháng ngày mong đợi ánh hồng năm nao!
Ngoài trời mưa gió xôn xao
Ai đem khoá chết chim vào lồng nghiêm?
Ai đem lễ giáo giam em?
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời
Lòng em buồn lắm chị ơi!
Trong bao tủi cực với lời mỉa mai.
Quang cảnh lạ, tháng năm dài,
Ðêm đêm nghĩ tới ngày mai giật mình!

T.T. KH.


Thơ rên rỉ như tâm sự một cung nữ về già chưa từng được vua sủng ái một lần. Thơ rạo rực nỗi thèm khát của thể xác như Hồ Xuân Hương:

«Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng»...

Kẻ lạnh lùng ở đây được bầy tỏ bằng hình thái đan áo. Ðan đi đan lại, miễn cưỡng đan, mà mưa móc thì «nó rụng» ở bên sông. Nó mới lên yên, chưa đạp đã tuột xích. Hoặc nó rụng mãi tận sông nảo sông nào. «Con chim nhốt trong lồng», chữ nghĩa nghe ghê thấy mồ ấy đã lập lại nguyên con tới hai lần trong bài. Chưa đã, nàng còn «khoá chết chim vào lồng nghiêm» một quả nữa mới hãi.

«Quang cảnh lạ, tháng năm dài» là nhịp thơ thường thấy trong cú pháp riêng của Thâm Tâm: «Hơi đàn buồn như trời mưa» hoặc «Từ ngày đàn chia đường tơ». Nàng bắt chước chàng, hay Bài Thơ Ðan Áo này chính là thơ chàng làm, kiểu làm pháo lậu, thủng thẳng sẽ bàn tiếp.

(còn tiếp)

Hạc Bút Ông


Được sửa bởi Việt Đường ngày Sat 20 Aug 2011, 14:12; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
Việt Đường



Tổng số bài gửi : 2141
Registration date : 21/08/2009

THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?   THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? I_icon13Sat 20 Aug 2011, 13:58

2.

HAI SẮC HOA TI-GÔN

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi cảm thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Giải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mù sương, cát
Tay vít giây hoa trắng chạnh lòng.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: «Hoa, dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng thế thôi!»


Bỉ bút ngờ rằng ở mùa thu thì chỉ có giây, hay củ Ti-gôn chứ làm gì còn hoa rơi, hoa rụng cho nàng nhặt để buồn cái chơi. Chữ nghĩa bí hiểm quá chừng ở đoạn một, câu 3. Mái tóc nhuộm nắng tà, hay nắng tà nhuộm trên mái tóc cũng đặng. Nhuộm «qua» là nghĩa làm sao? Hy vọng là chữ «yêu đương» ở câu 4, không mang nghĩa trần tục là làm tình như bi giờ. Yêu một cách chay tịnh thì chúng ta nói là yêu thương, hay thương yêu. Kiểu chụp giật thì «yêu đương» hoặc chỉ một chữ «yêu» là đủ.

Phải là xa hút mới đúng. Chàng ngắm đường xa, bóng chiều, chàng ngắm trời thẳm mịt mờ sương cát. Rồi tay «vít» giây hoa, tay vuốt tóc nàng. Chàng khùng tận mạng này đâu có phút nào ngắm dung nhan người tình? Lại can tội thở dài không đúng lúc. Lại triết lý vụn và tiên tri sảng. Ðúng là quê một cục.

Thuở ấy nào tôi có hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: «Mầu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy!»

Ðâu biết một đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá ! Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...

Chỉ một câu nói tầm phào, xúi quẩy của chàng, nàng bèn tin ngay rằng đó chính là loài hoa mang biểu tượng tan tác chia ly? Chữ «một đi» của nàng bí hiểm quá. Ði đâu? Ai đi? Người xa xăm quá, nên nàng buồn thấy mẹ, ở ngày nàng lên xe bông. Nếu chàng ở gần xịt thì hẳn nàng buồn ít thôi? Hẳn nàng xuất thân là thợ nhuộm nên cái gì cũng nhuộm tưới hạt điều. Nắng nhuộm, pháo nhuộm. Thơ kỳ thấy bà.

Từ đấy, thu rồi, thu, lại thu...
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.


Mệt dạ quá chừng. Bài này ghi cùng niên hiệu với Bài Thơ Thứ Nhất, 1937. Vậy mà tác giả đã bắt mùa thu đi qua đời nàng tới bốn phùa. «Từ đấy, Thu rồi, Thu, Lại Thu» Thơ chùm, dính lươn khươn từ câu nọ sang câu kia mới diễn được một ý. Ở Bài Thơ Thứ Nhất nàng đã chơi liền 3 câu: «Và một ngày kia tôi phải yêu. Cả chồng tôi nữa lúc đi theo. Những cô áo đỏ sang nhà khác» để nói rằng mai mốt em phải yêu cái lão già không nên nết ấy khi lên xe bông mí hắn. Ở đây đã tiến bộ hơn. Nàng chỉ chơi có câu rưỡi thôi, khi muốn nói là chồng em nó biết em vưỡn thương thằng phải gió là anh. Cũng thế ở đoạn dưới, nàng chơi thơ chùm túi bụi. Lại bắt thêm hai mùa thu nữa lăn đùng té ngửa với nàng.

Buồn quá ! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhung hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như mầu máu thắm pha!

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi...
Ðến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!

Bà thợ nhuộm lại chơi thơ chùm nữa. Lại ngớ ngẩn than. Làm như là khi xưa, nếu nàng tin và hiểu lời chàng về cái dự đoán thời tiết yêu đương qua dáng hoa Ti-gôn thì ái tình sẽ xuôi chèo mát mái?

Tôi sợ chiều thu nhạt nắng mờ
Chiều thu, hoa đỏ rụng. Chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng.
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

30-10-1937
T.T. KH

(Theo niên hiệu ghi chú, thì bài này được viết trước cả Bài Thơ Thứ Nhất. Hoặc ấn bản tôi có đã in sai?) Thơ cà lăm. Hỏi ngớ ngẩn, lời ấm ớ hội tề. Nàng lên xe bông rồi thì chàng vui thế quái nào đặng. Khi ấy mắt chàng sẽ nổ đom đóm ra, chàng dãy đành đạch, tiếc hùi hụi kể gì tới máu hồng hay máu thắm. (Không chừng chàng sẽ thở phào và nhẩy chân sáo trở lại bến đò trước khi nàng túm được và bắt đọc Bài Thơ Cuối Cùng còn ẹ hơn ba bài kia nữa.)

BÀI THƠ CUỐI CÙNG

Anh ạ, tháng ngày xa quá nhỉ?
Một muà thu cũ, một lòng đau ...
Ba năm ví biết anh còn nhớ
Em đã câm lời, có nói đâu!

Ðã lỡ, thôi rồi chuyện biệt ly
Càng khơi càng thấy lụy từng khi
Trách ai mang cánh «ti-gôn» ấy
Mà viết tình em được ích gì?

Bài Thơ Cuối Cùng này được viết ngày 23-7-38. So với Bài Thơ Ðầu Tiên đề ngày 20-11-37 thì ái tình chia tay mới chưa đầy 1 tuổi. Vậy mà tác giả đã hồn nhiên phang là ba năm? Ở «một lòng đau, câm lời, khơi, lụy, viết tình em» là những tiếng ngô nghê cũng thường thấy trong thơ Thâm Tâm.

Chỉ có ba người được đọc riêng
«Bài Thơ Ðan Áo» của chồng em
«Bài Thơ Ðan Áo» đem rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem...

Là giết đời nhau, đấy biết không
Dưới dàn hoa máu, tiếng mưa rung
Giận anh, tôi viết giòng dư lệ
Là chút dư hương, điệu cuối cùng!

Từ nay anh hãy bán thơ anh
Và để yên tôi với một mình
Những cánh hoa lòng, hừ! đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

Chỉ có ba người được đọc riêng là tác giả, bà chị hờ, và thằng rao bán thơ là anh. Anh không thể chối là không biết gì về những biến cố tình cảm ấy nhé, Thâm Tâm. Vậy mà một niên sau anh mới có bài thơ đầu tiên gửi nàng? Khó hiểu.

Giết đời nhau, và viết giòng dư lệ là thói quen cường điệu nơi nàng, và Thâm Tâm. Hoa máu, hoa lòng, dư lệ, dư hương... lập tới lập lui đến mòn nhẵn khiến thơ nghèo nàn tội nghiệp. Nàng còn «hừ!» giọng mũi như một nữ hiệp trước khi vung gươm xốc tới. Kinh thấy bà.

Ngang trái đời hoa đã úa rồi
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi...
Buồng nghiêm thờ thẫn, hồn eo hẹp
Ai nhớ người không muốn nhớ lời !

Tôi oán hận anh, mỗi phút giây
Tôi run sợ viết, bởi rồi đây
Nếu không im được thì tôi... chết
Ðêm hỡi! làm sao tối thế này!


Bà chị thợ nhuộm này là gái cấp tiến thứ thiệt. Chữ mới xài vung vít không hết. Sắc hương cũng rơi rụng, hồn cũng eo hẹp co rãn thần sầu. Nàng tác sác mắng người tình như mắng con cái trong nhà vì cái tật «không muốn nhớ lời». Cá không (muốn) ăn muối cá ươn, chàng không nhớ lời em thì trăm đường chàng hư là phải. Oán hờn từng phút giây là phải. Nhưng run sợ viết, và không im được, thì nàng sẽ ngỏm là ý gì đây? Nàng viết lén? Nàng sẽ cao giọng chửi đổng kiểu mất gà cho hạ hoả? Thơ hỡi! làm sao tối thế này!

Năm lại, năm qua, cứ muốn yên
Mà phương trời gió chẳng làm quên,
Mà người lỡ dở duyên thầm kín
Lại chính là anh? anh của em?

Tôi biết làm sao được hỡi trời?
Giận anh, không nỡ! nhớ không thôi!
Mưa buồn, mưa hắt, trong lòng ướt...
Sợ quá đi anh... có một người.

23-7-1938
T.T. KH.

Mới đó, đầu bài thơ nàng đã chơi gian ba niên. Cuối bài nàng chơi thêm hai niên nữa. Hèn gì nàng chẳng than «tháng ngày xa quá nhỉ?». Cây cứ muốn yên mà gió chẳng «làm quên». Cuối cùng khi nàng khám phá ra rằng kẻ lỡ cơm lỡ canh lại chính là anh, anh của em. Bởi em còn có cái mền rách mà đắp đỡ dạ những đêm tối lạnh, lòng ướt nhẹp. Còn anh của em thì thảm rồi. Anh lang thang ở phương trời (phải) gió nào. Rồi liệu anh có kiếm được con bé nào cái hoa lòng chưa úa và sắc hương chưa rơi rụng để ép nốt dòng dư lệ hay chăng?

Dễ sợ thật. Sợ nhất là cuối bài kết lửng với chữ «có một người» sau ba dấu chấm lửng lơ con cá vàng. Lại có thêm một ông ăn trộm nào «len lén đến» hẳn thôi?

Nhà thơ nữ này kinh thiệt. Ngôn ngữ và tiết hạnh đều đáng cho bỉ bút này nghiêng mình phục sát... ván. Chồng nàng biết nàng ngoại tình từ khi chửa mần thơ. Nàng tiếp tục mần thơ và mần tình chí chạp với cái mền rách và với thằng phải gió. Vậy mà bài nào cũng hăm he là «vẫn có một người thiết tha theo đuổi nữa». Kinh thiệt.

Vậy thì, nhà thơ nữ này có thiệt không hay chỉ là mẫu người giả tưởng của nhà thơ phải gió nào nặn ra? Kỳ tới bỉ bút sẽ chứng minh vấn nạn này.

(còn tiếp)

Hạc Bút Ông
Về Đầu Trang Go down
hamy



Tổng số bài gửi : 13
Registration date : 09/03/2010

THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?   THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? I_icon13Sat 20 Aug 2011, 20:01

Vô tình My đọc trang viết này, My chợt nhớ nhà mình có quyển sách với tựa đề "TTKH nàng là ai?" của tác giả Thế Nhật - được xuất bản năm 1994 - nhà xuất bản văn hóa thông tin. Nội dung đã giải thích rõ ai là TTKH, sợ làm loãng bài viết của chủ topic này nên My viết vậy, nếu được phép, My hứa sẽ ghi lại cho mọi người cùng xem (Từ từ thôi vì My còn đi học hổng ghi hết quyển được đâu và My hổng biết chụp trên điện thoại nội dung quyển sách ấy)
Vài hàng nhiều chuyện, mong chủ topic Việt Đường đừng la My hen!
Về Đầu Trang Go down
Việt Đường



Tổng số bài gửi : 2141
Registration date : 21/08/2009

THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?   THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? I_icon13Tue 23 Aug 2011, 18:41

3.

Qua bốn bài thơ mang tên T.T. KH. phần nội dung và thi pháp khá tầm thường. Thơ vụng về, trùng dụng cả về ý lẫn lời. Nhờ yếu tố bí ẩn của bút hiệu gợi óc tò mò của độc giả về phái tính. Nhờ thể cách diễn đạt táo bạo, nhiều dâm tính. Nhờ sự lớn tiếng đáp ứng (dẫu muộn màng) của Thâm Tâm và Nguyễn Bính. Nếu không thì mọi sự đã trôi vào quên lãng.

Nghi vấn là: T.T. KH. có thật là một nhà thơ nữ ẩn danh hay chỉ là một nhân vật giả tưởng? Ai là tác giả đích thực của bốn bài thơ ấy? Ai là nhân vật được nói tới trong thơ?

Hãy tạm coi Thâm Tâm là nghi can thứ nhất, bởi nhà thơ này là người lên tiếng ồn ào nhất qua hai bài thơ gửi T.T. KH. Dù chàng đã trễ tầu gần một con giáp:

GỬI T.T. KH.

Các anh hãy uống thật say
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im.
Giờ hình như quá nửa đêm
Lòng đau đem lại cái tin cuối mùa
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi
Giờ hình như ở ngoài trời
Tiếng xe đã nghiến rã rời ra đi.


Do thói quen từ vô thức, Thâm Tâm cũng ưa dùng chữ «im», ngô nghê dị dạng như đã có ở thơ T.T. KH. «Nếu không im được thì tôi chết». Chàng lảm nhảm đòi rót cho mình những cốc rượu đầy rồi bắt mọi người im thì chơi ép anh em quá.

Thói quen lặp lại, làm dáng: «giờ hình như»... Ở T.T. KH. thơ cũng cà lăm như rứa:

«Tôi sợ chiều thu nhạt nắng mờ.
Chiều thu, hoa đỏ rụng. Chiều thu.»
T T KH


Thói quen viết những câu lửng lơ vô nghĩa: «cái tin cuối mùa». Thơ chàng viết ở đầu tháng 5, ai biết chàng định nói cuối mùa khỉ khô gì? Cuối mùa tình thì cũng sai bét. Bởi chàng đã biết tỏng chuyện nàng lên xe bông từ khuya. Chàng còn được đọc riêng Bài Thơ Ðan Áo nữa kìa:

«Chỉ có ba người được đọc riêng,
Bài Thơ Ðan Áo của chồng em».
T T KH


Chàng lại ngớ ngẩn tưởng đến «Tiếng xe đã nghiến rã rời ra đi».

Âm thừa (dư âm) cũng là những chữ được khai thác nát bấy trong thơ T.T. KH. như: «Dư lệ, dư hương»...

Hồn tôi lờ mờ sương khuya
Bởi chưng tôi viết bài thơ trả lời
Vâng, tôi biết có một người
Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng.
Ðể hôm sau khóc trong lòng
Vâng, tôi vẫn biết cánh đồng thời gian.
Hôm nay rụng hết lá vàng
Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không.
Tiếng xe trong vết bụi hồng
Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ.
Tiếng xe trong xác pháo xưa
Nàng đi có bốn bài thơ trở về.
Tiếng xe mở lối vu quy
Hay là tiếng khóc nàng chia cuộc đời.


Cũng một tiết điệu vè, với những buông bắt luẩn quẩn, vô nghĩa đầy rẫy như ở thơ T.T. KH. Những lặp lại vô duyên rất «văn nghệ hiệu đoàn». Chàng chỉ thực sự thấm đòn sau khi có «bốn bài thơ trở về»? Hay chàng cạn hứng sau khi cố rặn được bốn bài thơ ngụy trang dưới tên T.T. KH.?

Miệng chồng Khánh gắn trên môi
Hình anh, mắt Khánh sáng ngời còn mơ.


So với câu thơ máy nước:

«Vâng, tôi biết có một người. Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng.» thì hai câu trên phải được gọi là hạ lưu, ma cạo. Nếu quả có một người nữ phải dấu diếm thân phận khi ký tên tắt là KH., thì buồn thay chàng «nhà thổ» này lại rêu rao, cung khai huỵch toẹt tên cúng cơm nàng là Khánh. Chưa kể lối dùng chữ thô thiển và thô bạo cỡ đó. Chàng nhà thổ này muốn chứng minh điều gì? Sĩ diện hão hay định làm săng-ta để hại đời tư nàng ? Mợ Khánh này dâm đãng hết chỗ chê. Nàng chủ động (đòi hỏi) việc ân ái. «Miệng chồng Khánh gắn trên môi» Chồng nàng chưa muốn, (hay chưa kịp chuẩn bị) thì nàng đã đè lang quân ra «gắn» rồi. Nàng vừa làm tình với lang quân vừa dâm tưởng. Tơ tưởng đến tình lang. Chẳng cần nhắm mắt lại cho mất công. Nàng Khánh cứ mở mắt thao láo, mắt sáng ngời mà mơ tưởng cũng vẫn «phê» như thường.

Từ ngày đàn chia đường tơ,
Sao tôi không biết hững hờ nàng đan.
Kéo dài một chiếc áo len
Tơ càng đứt nối, nàng càng nối dây.
Nàng còn gỡ mãi trên tay
Thì tơ duyên mới đã thay hẳn mầu.
Góp hai thứ tóc đôi đầu
Sao còn đan nối những câu tâm tình?


Chàng Sở Khanh cố biện giải để lấp liếm tội quất ngựa truy phong. Rằng chàng không hề biết gì về những vương vấn tình cảm trong nàng thế đó. Rằng khi nàng đã ôm quần sang thuyền khác rồi, cũng hạnh phước, cũng phây phả chán. Rằng ván đã đóng thuyền rồi, nàng còn lẩn thẩn mần thơ tỏ tình chi rứa? Thơ Thâm Tâm xuống cấp và ý hạ cấp không nổi can. Anh lạc vần hơi nhiều (đan không thể vần với len được dù là vần lơi), thơ ngớ ngẩn không thua gì T.T. KH.

Khánh ơi, còn hỏi gì anh?
Lá rơi đã hết mầu xanh, mầu vàng
Chỉ kêu những tiếng thu tàn
Tình ta đã chết anh càng muốn xa.
Chiều tan, chiều tắt, chiều tà
Ngày mai, ngày mốt, vẫn là ngày nay.


Anh nhà thổ Thâm Tâm đúng là kẻ vô tâm. Chàng đã sẵn ý muốn bỏ của chạy lấy người từ trước nên «càng» muốn sang số lùi cho tiện việc. Thơ thẩn của anh lẫn ả đều chán mớ đời. Chiều tan, đã khó nghe, còn thêm chiều tắt, chiều tà làm gì nhỉ? Ðúng là thừa giấy vẽ voi. Vậy mà những bài thẩn này cũng được nhà Khai Trí khênh vào cuốn tuyển tập Thơ Tình Chọn Lọc đấy!

Em quên mất lối chim bay
Và em đã chán trông mây trông mờ.


Chàng trách móc: Thì ra em quên tiệt những hẹn hò trên bộc, trong dâu của chúng ta ngày trước? Em đã chán cắm sào đợi anh. «Trông mờ» là trông cái quái quỉ gì đây hở anh nhà thổ Thâm Tâm ?

Ðoàn viên từng phút, từng giờ
Sống yên lặng thế em chờ gì hơn
Từng năm từng đứa con son
Mỉm cười vá kín vết thương lại lành.


Em ôm cứng cái mền rách từng phút từng giờ đó. Sống bình thản thế cũng đủ vui thấy mẹ rồi. Em lại đẻ sòn sòn như heo nái. Cái vết thương lòng của em có rách toang hoác ra thì cứ đi mỹ viện vá kín lại mấy hồi. Nhảm thật!

Khánh ơi! còn hỏi gì anh?
Xưa tình đã vỡ, nay tình lại nguyên
Em về đan mối tơ duyên
Vào tà áo mới, đừng tìm duyên xưa
Bao nhiêu giọt lệ còn thừa
Hãy dành mà khóc những giờ vị vong.
Bao nhiêu những cánh hoa lòng
Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng, hồn cha.
Nhắc làm chi truyện đôi ta
Cuộc đời anh đã phong ba dập vùi...


Anh nhà thổ Thâm Tâm còn dùng những lờ hạ cấp hơn để mắng nhiếc rủa xả, người tình. Em hãy dành nước mắt để khóc ở những giờ vị vong (goá bụa) sau này. Chưa đã nư, anh chàng còn lôi cả mả cha người tình vào cuộc. Dễ sợ!

Hãy vui lên các anh ơi
Nàng đi tôi gọi hồn tôi trở về
Tâm hồn lạnh nhạt đêm nghe
Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều .
Giờ hình như gió thổi nhiều
Những loài hoa máu đã gieo nốt đời
Bao nhiêu nghệ sĩ nổi trôi
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh.
Sá chi những chuyện tâm tình
Lòng đau đem dấu trong bình rượu cay!

4-5-1940
Thâm Tâm


Gã họ Sở này chưa từng đau đớn hối tiếc cuộc tình lỡ chút xíu nào: «Nàng đi tôi gọi hồn tôi trở về». Hãy so sánh hai câu thơ sau đây, ý và lời giống nhau như hai giọt nước bùn:

«Ðẹp gì một mảnh lòng tan vỡ»
(T.T. KH.)


«Sá gì cái đẹp dưới trời mong manh»
(Thâm Tâm)


Thâm Tâm đã cóp ý của T.T. KH. hay anh, ả chỉ là một người? Cả hai đều dùng chữ hàm hồ, ngớ ngẩn, và thô bạo. Nói như họ thì hoa quỳnh tối nở sớm tàn chỉ là thứ bỏ đi? Hèn gì họ ôm cứng lấy mấy nụ Ti-gôn vô hương sắc mà lải nhải, lèm bèm xưng tụng là hoa máu, hoa tim...

Nhiều nhà thơ khác quan niệm cái đẹp phóng khoáng hơn, thi vị hơn ở thành, bại:

...«Một nhát gươm đưa ngàn thuở đẹp
Dù thành hay bại cũng là dư»...
(Vũ Hoàng Chương)


...«Ðời chỉ đẹp những khi tình dang dở
Tình hết vui khi đã vẹn câu thề»...
(Hồ Dzếnh)


...«Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Cũng còn hơn le lói suốt năm canh»...
(Xuân Diệu)


Riêng với Thâm Tâm, chàng «nghệ sĩ» này đã hết gân thơ nên sau 4 bài thơ của T T KH cả năm, chàng mới rặn được bài đầu tiên Gửi T.T. KH. Và đã vội vã hạ màn sau bài thơ Dang Dở. Ta sẽ trở lại với bài «thẩn» này để nhìn rõ chân tướng giả trá và hạ tiện của Thâm Tâm.

(còn tiếp)

Hạc Bút Ông
Về Đầu Trang Go down
Việt Đường



Tổng số bài gửi : 2141
Registration date : 21/08/2009

THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?   THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? I_icon13Fri 26 Aug 2011, 19:20

4.

Sau lớn tiếng xác nhận vị trí tình cảm trong thơ, trong lòng T.T. KH., chàng «nghệ sĩ» Thâm Tâm đã vội vã đóng cửa rút cầu. Phải chăng T.T. KH. vốn chỉ là một nhân vật tưởng tượng? Phải chăng Thâm Tâm sợ rơi mất chiếc mặt nạ hào hoa giả tạo của y? Ðâu là lý do để Thâm Tâm vội vàng dứt điểm ở Dang Dở, bài thơ thứ nhì gửi tặng người tình? Xin mời đọc tiếp:

DANG DỞ
Tặng T.T. KH.

Khi biết lòng anh như đã chết
Mây thôi hồng và lá cũng thôi xanh
Mầu hoa tươi cũng héo ở trên cành
Và vũ trụ thẩy một mầu đen tối.


Tứ gượng ép và từ ước lệ. Thơ buông thả, hoàn toàn thiếu phẩm chất. Ở cấu trúc thơ, đôi khi người ta không dùng đến chủ từ (chủ từ lẩn). Nhưng với câu mở này, rất cần một chủ từ để xác định ngôi thứ. «Anh/em biết lòng anh như đã chết» Thiếu sự xác định ấy, người đọc sẽ không cách nào hiểu được đoạn mở đầu đó là tâm sự của chàng hay nàng?

Câu 2,3 rơi vào sự áp đặt, vô nghĩa. «Mây thôi hồng» làm như trên không gian vốn chỉ có mây hồng, không còn mầu gì khác. «Mầu hoa tươi» làm sao «héo» được nhỉ? Nó chỉ «phai» thôi ông Thâm Tâm ạ.

Em cố giữ lòng anh không bối rối
Ðể mơ màng tưởng nhớ phút giây xưa
Em cùng anh sánh gót dưới bóng dừa
Một đêm trăng sáng trên đường đá đỏ.


Thơ nghèo mạt ở cuối thang khánh tận. Thơ rất gần với văn xuôi, rất giống lưu bút ngày xanh của thời tiểu học.

Em nói những gì? Anh còn nhớ rõ,
Nhưng làm sao? Ai hiểu tại làm sao?
Chim muốn bay, cũng chẳng giữ được nào
Tĩnh đã chết, có mong gì sống lại!


Thâm Tâm thường không hiểu được những gì ông ta đã viết ra. Tình dang dở, đâu có nghĩa là «tình đã chết»? Hai người còn đang tình tự đấy thôi. Anh ngớ ngẩn vừa thôi chứ? Nàng bị gả chồng chứ đâu phải nàng muốn bay nhẩy tới mục tiêu nào khác? Tình đã chết thì đâu còn bốn bài thơ sướt mướt để anh cất công biện giải, phủi tay.

«Cũng chẳng giữ được nào», hàm ý tiếc nuối điều đã mất. «Có mong gì», biểu tỏ có mong nữa cũng không được. Cái gì đã qua cho qua luôn. Thâm Tâm mà «Cuộc đời anh đã phong ba dập vùi» lại thiếu tự tin, lại buông tay tiêu cực vậy sao ?

Anh không trách chi em điều ngang trái
Anh không buồn số kiếp quá mong manh
Có gì đâu khi bướm muốn xa cành
Anh cứ tiếc cái gì xưa đã chết.

Nhưng anh biết cái gì xưa đã chết,
Anh càng buồn, càng muốn kết thành thơ,
Mộng đang xanh, mộng hoá bơ phờ,
Ðây bài thơ chót kính dâng tặng bạn.


Anh không chịu hiểu rằng «điều ngang trái» là những điều xẩy ra ngược với ước muốn của mình. Nó vốn ở ngoài tầm tay, nó không do mình chủ động. Tình chết ngỏm hay tình sống nhăn, sống hùng, sống mạnh vốn ở nội tâm của mỗi người. Ngang trái chỉ là yếu tính dẫn đến sự trắc trơ khó khăn. Nó không thể xen vào được tình yêu. Người ta vẫn có thể yêu say đắm hơn ở bất kể nỗi ngang trái nào.

Anh đã dùng sai chữ «số kiếp» rồi đó. Nàng và anh có đứa nào chết lăn đùng té ngửa về những ngang trái ấy đâu? Hình như anh đắc ý lắm về cụm từ ngớ ngẩn «cái gì xưa đã chết» ? Anh «cứ» tiếc, cứ lập lại một cách không cần thiết. Anh cứ sợ rằng bài thơ này chưa đủ mức tồi tệ hay sao?

Anh hành hạ người đọc vừa phải thôi,về những ấu trĩ trong cách nghĩ, và cách viết. «Anh càng buồn, càng muốn kết thành thơ» thì cũng tốt thôi. Có điều anh đã buồn rất ngắn,buồn ít xịt, nên chữ «càng» đâm thừa thãi, đại ngôn. Bằng chứng là anh chỉ «kết» được có hai bài thẩn, quê hai cục.

Mộng «xanh» hoá «bơ phờ» là nghĩa làm sao? Anh cũng ngớ ngẩn như T.T. KH. ở bài Ðan Áo Cho Chồng: «Hạt mưa nó rụng bên sông bơ thờ». Anh dùng chữ «kính dâng» thì thôi «tặng» đi chứ. Câu ấy cũng kể là thơ được sao?

Và thành chúc đời em luôn tươi sáng
Như mộng kiều đầm ấm tuổi xuân xanh
Như hương trinh bát ngát ý diu lành
Hoà nhạc mới triều dâng tơ hạnh phúc.


Anh thật là tối dạ, và thiếu tế nhị khi chúc phúc cho người tình kiểu ấy. Ở hoàn cảnh tuyệt vọng, thê thảm ấy, anh nỡ nào nhắc nhở tới tuổi xuân đầm ấm, hương trinh... Ðể cuối cùng anh chúc một câu vô duyên, vô nghĩa như chửi bố người tình: «Hoà nhạc mới», nếu còn «hoà» được một bài bản gì thì đâu đến nổi «Tháng ngày nổi tiếng tiêu sơ»«Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời. Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.»?

Sóng «triều dâng» thì mắc mớ gì tới nhạc? Nếu anh muốn nói là sóng nhạc thì tối thiểu cũng phải biết dùng chữ «triều âm».

Cuộc ly biệt ngờ đâu vừa đúng lúc
Lòng bâng khuâng bối rối trước khúc quanh
Ði không đành, mà ở cũng không đành
Muôn chim Việt hãy về thành Nam cũ.


Thì ra trước khi nàng miễn cưỡng từ giã, thì anh cũng đã có toan tính bỏ của chạy lấy người rồi. Nàng đi lấy chồng «vừa đúng lúc» anh đang phân vân chưa biết nên ở hay đi. Anh hàm hồ viện dẫn lý tưởng một cách vụng về: «Muôn chim Việt hãy về thành Nam cũ.» Anh mượn điển cố «Việt điểu sào Nam chi» một cách ngớ ngẩn. Chim Việt lựa cành Nam mà đậu là do thiên tính hướng về nguồn cội. Không ai bắt buộc chúng làm điều ấy. Chữ «hãy» của anh làm sai lạc ý hướng tự nguyện, nó như đấm vào tai, như chọc đui mắt người thưởng ngoạn. Thành Nam là chỗ nào đây? Ở thời điểm 1940 thì Nam Việt vẫn là Nam Kỳ tự trị dưới quyền Bảo Hộ của thực dân Pháp. (Cũng cần nhắc để anh «nắm», điển tích này chỉ dùng cho tâm cảnh những người vong quốc, tha hương khi vọng nhớ về quê cũ. Anh đang đứng ở trong lòng quê hương đấy mà. Không lẽ anh là người Việt gốc Khờ Me hay là người Việt gốc... cây?)

Ở một ý nghĩa khác, sự dấn thân cho lý tưởng, dầu được khơi nguồn từ bất cứ động lực nào cũng đều đáng quý. Nếu như anh thật lòng yêu lý tưởng, và không coi như một nguyên cớ của sự bỏ chạy, phủi tay với một người tình.

Theo Vũ Bằng, (Bốn Mươi Năm Nói Láo, trang 121-123, Nam Chi Tùng Thư xb 9-7-69 ) thì: «Thâm Tâm là người đồng tình luyến ái».

Cũng trong thư liệu này, Vũ Bằng không nhắc gì đến tình cảm của Thâm Tâm và T.T. KH. Cũng vậy, (cuốn Thi Ca Việt Nam Hiện Ðại của Trần Tuấn Kiệt, Ðại Nam xb, tr 303,quyển 1) cũng chỉ trích đăng bài Gửi T.T. KH của Thâm Tâm và phần tiểu sử. Do đấy, mối ẩn tình này chỉ đáng được coi như một giai thoại mà thôi.

Chiều nay lạnh có nhiều sương rơi quá
Nhưng lòng anh đã bình thản lại rồi
Hết đau buồn và cảm thấy sục sôi
Niềm uất hận của một thời lạc lối.

Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối
Ðem tài hoa cung phụng sóng mắt huyền
Ðể khẩn cầu xin một nụ cười duyên
Nàng kiều nữ chốn lầu hoa thầm kín.


Sương có thể rơi lộp bộp vào buổi chiều cũng lạ thật. Ta e rằng anh đã dùng lầm chữ sương sa với sương rơi? Anh cũng có thói quen làm thơ dính chùm như T.T. KH. Anh chưa đau đã hết buồn. Anh hối hận đã lầm lạc khi đeo đuổi van xin tình yêu. Anh định nói gì ở hai chữ «thầm kín»? Một khuê nữ kín cổng cao tường hay một cuộc tình vụng trộm? Cách nào thì cũng là gượng ép, vô duyên.

«Lấy nghệ thuật làm trò hề múa rối» chỉ đúng với trường hợp của riêng anh mà thôi. Anh thiếu tài hoa, nhưng lại thừa tài dối trá. Là người làm thơ, anh có quyền nghĩ mình là vua, là con trời cũng chẳng sao. Thế nhưng nếu anh mạo nhận rằng anh là người yêu của nàng Khánh hoặc đem cách mạng làm ngụy chứng thì anh là một thằng bịp bợm rẻ tiền.

Trong khi ấy thanh niên không bịn rịn
Giã gia đình, trường học để ra đi
Hoạ xâm lăng đe dọa ở biên thuỳ
Kèn gọi lính dục lòng trai cứu quốc.


Anh đại ngôn mà không biết mình đang nói gì. Ở 1940, nước ta đang bị Pháp đô hộ. Ðó là thực thể. Còn «hoạ xâm lăng» nào «đe doạ» ở biên thùy nào nữa đây? «Kèn gọi lính» là của Tây nó thổi đấy giời ạ.

Thôi em nhé! từ đây anh cất bước
Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui
Ðừng buồn thương, nhớ, tiếc, hoặc ngậm ngùi,
Muôn việc thẩy đều do nơi số kiếp.

1940
Thâm Tâm


Bây giờ anh mới từ biệt nàng để «cất bước». Có trễ tràng lắm không? Thử hỏi trong suốt thời gian ái tình mất mùa ấy anh đã «lê bước» ở chiến khu nào? Hai chữ vui trong một câu thơ là những mỉa mai rất tiểu tâm. Vui gì nổi với những ngăn riêng «buồn thương, nhớ, tiếc, hoặc ngậm ngùi» do anh mang tới. Anh lại dùng sai chữ «số kiếp» thay vì duyên kiếp, hay duyên số. Nếu anh cất bước khỏi làng thơ thì hay biết mấy. Em Khánh và cả nước sẽ thực sự «yên lòng vui hưởng cuộc đời vui».

Qua hai bài thơ Gửi T.T.KH. cuả Thâm Tâm, người ta đã có cơ hội nhìn thấy rõ nhân cách và sở trường sở đoản của nhà thơ này. Nhân cách tệ mạt, nếu không nói là hèn mạt ở vị trí người tình,và cũng ở vị trí một người nghệ sĩ. Sở trường của Thâm Tâm là cố gắng, làm dáng cho tối tăm chữ nghĩa. Sở đoản của ông ta là dung nạp những từ ngữ mơ hồ, không nói được điều gì. Kể cả những từ, những ý hầu như vô nghĩa: «Vâng, tôi vẫn biết cánh đồng thời gian», hoặc như «Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều».

Qua những nhận định và so sánh, giữa những bài thơ T.T KH. và Thâm Tâm có khá nhiều điểm tương đồng ở thể cách diễn ý và ngôn từ. Bỉ bút tạm đi đến một kết luận rằng: T.T. KH. chỉ là một mẫu người giả tưởng dưới bàn tay đạo diễn vụng về thô lậu của Thâm Tâm. Hay nói một cách khác thì những bài thơ của T T KH là do Thâm Tâm «gà» hay viết giùm cho người tình ba trợn của hắn.

Thời đại nào cũng có những sự việc lố lăng và con người lố lăng. Tỉ như T.T. KH. là một nhà thơ nữ có thật, thì với bốn bài thơ tầm thường, đầy dục tính khác thường ấy phỏng có đáng để chúng ta quan tâm nhắc tới? Và Thâm Tâm nữa, cũng nên để ông ta ngủ yên ở dưới mồ quên.

Phê bình văn chương người vốn là một điều khó. Thời gian và không gian đã khác nhau trời biển. Ngôn ngữ cũng có nhiều biến thiên. Góc nhìn cũng vậy. Cái đúng ở hôm xưa, đã không ở bây giờ. Và ngược lại. Càng khó hơn nữa là chỉ căn cứ vào những chứng liệu vô tri để đào xới, dựng lại một giai thoại bí ẩn từ hơn nửa thế kỷ đã qua. Người viết chỉ bằng một tấm lòng thành khẩn với văn chương, không đố kỵ, định kiến. Nặng nhẹ, đúng sai thế nào, mong quý vị thức giả cao minh chỉ giáo.

*Thơ trích từ Tinh Yêu Trong Danh Ngôn Và Thi Ca của nhà Khai Trí 01-08-1993 CA

Tháng 7-1994
Hạc Bút Ông
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10638
Registration date : 23/11/2007

THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?   THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? I_icon13Thu 01 Sep 2011, 10:42

Cám ơn anh VĐ! :cheers:

Không ngờ thi sĩ Hà Huyền Chi viết bài cũng khiếm nhã quá nhỉ?
:thua:

_________________________
THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?   THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH? I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
THỬ NHÌN LẠI: T.T. KH. NHÀ THƠ NỮ ẨN DANH, HAY MƯỢN DANH?
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Similar topics
-
» Vinh Danh Trong Toàn Cầu Thập Bát Danh Nhân
» Những Đoá Từ Tâm
» Thơ Nguyễn Thành Sáng
» HÀNH TRÌNH QUA NHỮNG LÁT CẮT CỦA ĐỜI SỐNG
» HỆ THỐNG GIÁO DỤC MỸ: CÁI NHÌN TỔNG QUAN
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: BIÊN KHẢO, BÌNH LUẬN THƠ VĂN-