Việt Đường
Tổng số bài gửi : 2141 Registration date : 21/08/2009
| Tiêu đề: Đoạn Dực Cao Phi Fri 19 Aug 2011, 01:33 | |
| Kính gửi quý vị trưởng thượng và quý anh chị con cóc cuối tuần. Dạo:
Chim già vực thẳm loay hoay, Chặt xong đôi cánh, nhẹ bay lên trời. Cóc cuối tuần: 斷 翼 高 飛 溪 旁 悶 悶 趵 金 鵰, 翼 展 不 能 過 小 橋. 水 靜 風 停 霜 冷 冷, 山 玄 月 隱 霂 飄 飄. 要 聞 半 偈 甘 亡 命, 欲 教 群 生 敢 殺 貓. 一 閃 刀 光 雙 翼 斷, 殘 鵰 大 叫 入 雲 霄. 陳 文 良 Âm Hán Việt:
Đoạn Dực Cao Phi Khê bàng muộn muộn bác kim điêu, Dực triển, bất năng quá tiểu kiều. Thủy tĩnh, phong đình, sương lãnh lãnh, Sơn huyền, nguyệt ẩn, mộc phiêu phiêu. Yêu văn bán kệ, cam vong mệnh, Dục giáo quần sinh, cảm sát miêu. Nhất thiểm đao quang, song dực đoạn, Tàn điêu đại khiếu nhập vân tiêu. Trần Văn Lương Dịch nghĩa: Chặt Cánh Bay Cao Bên khe nước, con chim điêu vàng phiền muộn giậm chân, (Vì) cánh đã giương mà không (bay) qua được cái cầu nhỏ. Nước yên, gió ngừng, sương lạnh lẽo, Núi đen, trăng lặn, mưa phùn nhè nhẹ bay. Mong nghe nửa bài kệ đành chịu mất mạng (1) Muốn dạy dỗ chúng sinh, (nên) dũng cảm giết mèo. (2) Một ánh đao lóe lên, hai cánh bị chặt đứt, Con chim điêu tàn tật thét vang bay vào trời cao. (3) Ghi chú: (1) Thiền Luận, quyển Thượng, (D.T. Suzuki, Trúc Thiên dịch), lời chú thích về truyền thuyết kể rằng trong một tiền kiếp, Phật đã hy sinh thân mình để được nghe hết một bài kệ về chánh pháp: " Kinh Đại Bát Niết Bàn: Quỷ la sát đọc cho Phật nghe hai câu kệ: "Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp". Phật xin nghe thêm hai câu chót, quỷ ra điều kiện nghe rồi phải hiến thân cho quỷ ăn thịt. Phật nhận lời. Quỷ đọc tiếp: "sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc". Phật nghe xong từ cây cao rơi xuống miệng quỷ. Giai thoại này trong Phật giáo gọi là "Tuyết Sơn bán kệ" " Phỏng dịch bài kệ: Các hành (hiện tượng) đều vô thường, Đó là pháp sanh diệt (có sanh và có diệt). Khi sanh và diệt đều hết, Thì sự tịch diệt đó là niềm an lạc. (2) Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 3, truyện Nam Tuyền Phổ Nguyện Thiền Sư. Chúng tăng ở hai nhà Đông Tây giành nhau con mèo, Sư (Nam Tuyền) gặp bèn bảo: - Nói được một câu thì sẽ tha con mèo, nói không được thì con mèo sẽ bị chém. Chúng không ai đáp được, Sư bèn chém con mèo. Triệu Châu ở ngoài về, Sư kể lại câu chuyện. Triệu Châu bèn cổi giày đội lên đầu và đi ra. Sư bảo: - Phải chi có ngươi thì đã cứu được con mèo. (3) Bích Nham Lục i) Tắc 19, Câu Chi Nhất Chỉ Cử: Hòa thượng Câu Chi, mỗi khi có ai hỏi pháp, chỉ giơ một ngón tay lên. Trích lời Bình của Viên Ngộ: ... Trong am của Câu Chi có một đồng tử. Khi ra ngoài bị người hỏi: "Hòa thượng bình thường dùng pháp gì dạy người?" thì đồng tử (bắt chước Sư) giơ ngón tay lên, sau đó về kể lại cho Sư nghe. Sư bèn lấy dao chặt đứt ngón tay của đồng tử. Đồng tử la hét chạy đi. Sư lên tiếng gọi. Đồng tử quay đầu lại, Sư giơ ngón tay lên, đồng tử chợt ngay đó thấu hiểu. ii) Tắc 6, Vân Môn Hảo Nhật Trích lời Bình của Viên Ngộ: ...
Vân Môn Đại Sư đến tham kiến Mục Châu. Cơ phong của Mục Châu như máy quay điện cuốn, rất khó mà nắm được. Thường lúc tiếp người, cửa vừa mới mở thì Mục Châu đã nắm cứng người ta và bảo: Nói, nói! Khách còn ngần ngừ thì Mục Châu tống ra cửa và bảo: Đồ vô dụng (nguyên chữ dùng: cái dùi xoáy thời nhà Tần). Vân Môn đến lần thứ 3 mới dám gõ cửa. Mục Châu hỏi: Ai ? Vân Môn đáp: Văn Yển! (tên của Vân Môn). Cửa vừa mở, Vân Môn vội lách vào. Mục Châu nắm lại bảo: Nói, nói! Vân Môn ngần ngừ liền bị tống ra ngoài, nhưng một chân còn kẹt trong cửa. Mục Châu đóng sập cửa lại làm gãy chân Vân Môn. Vân Môn đau quá la lên, và bỗng nhiên đại ngộ.
iii) Tắc 41 , Triệu Châu Vấn Tử Cử: Triệu Châu hỏi Đầu Tử: " Kẻ đã chết thật rồi lúc sống lại thì như thế nào?" Đầu Tử nói: " Không được đi đêm, đợi sáng hãy tới."
Trích lời Bình của Viên Ngộ: ... Đối với người đã chết rồi thì không có Phật pháp đạo lý, huyền diệu, được mất, phải trái, dài ngắn gì cả. Đến chỗ này rồi thì cứ như thế mà ngưng nghỉ. Cổ nhân bảo: "Đất bằng người chết vô số, vượt qua rừng gai góc mới là hảo thủ, phải thấu qua bên kia mới được." Tuy vậy, người bây giờ đạt đến chỗ này cũng đã là khó. Nếu vẫn như cũ, có chỗ dựa, có kiến giải, có đạo lý, thì chẳng có gì nhằm nhò cả. Triết Hòa Thượng gọi đó là cái thấy không thuần. Ngũ Tổ bảo: "Mạng căn chưa dứt, phải chết đi một lần rồi sống lại mới được." Há không thấy Triết Giang Vĩnh Quang nói: "Ngôn phong mà sai thì xa nhà cả vạn dặm. Phải vực thẳm buông tay, dám tự mình gánh vác, chết đi sống lại, không ai lừa dối mình được (*), cái yếu chỉ phi thường này làm sao tìm được?" (*) Nguyên tác bằng Hán văn: Huyền nhai tát thủ, tự khẳng thừa đương, tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc (懸崖撒手,自肯承當,絕後再蘇,欺君不得) Phỏng dịch thơ: Chặt Cánh Bay Cao Nhọc nhằn vỗ cánh chỉ hoài hơi, Bên suối, chim quay quắt rã rời. Sóng lặng, gió ngừng, sương lạnh rắc, Non chìm, trăng tắt, nước buồn rơi. Quên mình, dũng cảm truy cầu kệ, Giết vật, từ bi tế độ người. Một ánh đao ngời, đôi cánh đứt, Bóng chim vun vút rẽ mây trời. Trần Văn Lương Cali, 8/2011 Lời bàn của Phi Dã Thiền Sư: Chặt cánh rồi mới bay được ư ? Chết rồi mới sống được ư ? Vực thẳm buông tay, chết đi sống lại, hỏi có được mấy ai? Đến điền địa này rồi thì lão tăng hoàn toàn mù tịt, hỡi ơi! --- Xin cho Việt Đường nương theo ý để góp 1 bài dịch : Chặt Cánh Bay Cao (phỏng dịch thơ) Phiền muộn chim vàng góc suối day Vô phương vượt khỏi khúc cầu này Khe êm gió tạnh làn sương phả Núi mịt trăng chìm giọt nước bay Nghe kệ liều mình cam thác uổng Giết mèo độ chúng chịu làm ngay Đao vung cánh gãy hồn lìa xác Trời thẳm xuôi về nhẹ nhõm thay Việt Đường (18/08/2011) |
|