Chập chùng = trập trùng?
Có thể nói đây là một trong những hiện tượng thú vị của tiếng Việt. Khi tìm kiếm trên Google ta thấy hàng trăm câu thơ có từ chập chùng:
- Xe qua đồi núi chập chùng (bài “Về Buôn Ma Thuột” của Phan Ni Tấn).
- Chiều chập chùng hoa nắng (bài “Trên phố một chiều sương” của Đông Hòa).
- …
Còn từ trập trùng thì cũng không hiếm gặp:
- Mờ mờ xa đồi núi trập trùng (bài “Cánh cò” của Văn Liêm).
- Quán nửa khuya giữa phố núi trập trùng (bài “Đừng trách gì em!” của Đỗ Mỹ Loan).
Vậy, theo bạn từ nào viết đúng chính tả: chập chùng hay trập trùng?
Nếu tra cứu Từ điển tiếng Việt ta sẽ thấy có cả hai từ trên, nhưng chỉ có một từ được định nghĩa, đó là trập trùng; còn chập chùng là từ “ăn theo” không được định nghĩa (thậm chí có những từ điển không liệt kê từ này).
Trập trùng (tính từ) được định nghĩa như sau: “nối tiếp nhau, không đều” (Từ điển Lạc Việt); “có hình thể lớp lớp nối tiếp nhau thành dãy dài và cao thấp không đều” (Từ điển tiếng Việt – Việt Nam thư quán, tr. 2184).
Trước tiên, chúng ta thử đi tìm câu trả lời: chập chùng và trập trùng xuất hiện từ bao giờ?
Chúng tôi đã tra cứu mục từ “ch” và “tr” trong Từ điển Việt – Bồ – La của Alexandre de Rhodes (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum, NXB Roma 1651) nhưng vẫn không thấy hai từ chập chùng và trập trùng, kể cả khi tìm từng chữ: “chập”, “chùng”, “trập”, “trùng” với nghĩa liên quan.
Nếu xét về nguyên tắc ngữ âm, có hai phụ âm kép trong tiếng Việt trung đại có thể biến thành phụ âm kép “tr” trong tiếng Việt hiện đại, đó là “bl” và “tl”. Rất tiếc, chúng tôi tra cứu tiếp cả vần “bl” và “tl” trong quyển từ điển nêu trên vẫn không thấy từ nào liên quan với “trập trùng”. Vậy, có thể khẳng định rằng chập chùng và trập trùng xuất hiện sau khi Từ điển Việt – Bồ – La phát hành (thế kỷ XVII).
Tham khảo chữ Nôm, thời may chúng tôi đã thấy có những chữ biểu thị cho từ chập chùng: chập (執, 執, 習… ), chùng (虫) và trập trùng: trập (廿), trùng (重). Theo chúng tôi, đây là những chữ Nôm xuất hiện trễ nhất cũng từ nửa cuối thế kỷ XVIII, bởi vì trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có câu: “Bóng dương lồng bóng đồ my trập trùng”.
Căn cứ vào lịch sử và địa lý, chúng tôi cho rằng trập trùng là từ xuất hiện đầu tiên trong văn bản ở Bắc bộ (1), nhưng do phương ngữ Bắc không phân biệt giữa hai phụ âm kép “ch” và “tr” nên đều đọc là “ch” [tɕ], từ đó trong văn bản có thêm từ chập chùng – một cách viết sai chính tả theo kiểu “nghe sao viết vậy” (2). Cách viết sai này du nhập vào Trung bộ và Nam bộ để tạo ra một từ mới là chập chùng. Chúng ta biết rằng, trong cách phát âm, phương ngữ Trung bộ và Nam bộ phân biệt rõ giữa hai phụ âm kép “ch” và “tr”: “ch” được đọc là [tɕ] (phụ âm mặt lưỡi (mặt lưỡi + vòm miệng); còn “ tr” được đọc là [tʂ] (phụ âm đầu lưỡi (đầu lưỡi cong + vòm cứng). Nếu từ trập trùng xuất hiện đầu tiên ở Trung hoặc Nam bộ thì chắc chắn từ trập trùng sẽ không bị viết sai chính tả.
Tóm lại, trập trùng là từ viết đúng chính tả, còn chập chùng là từ viết sai nhưng do đã sử dụng lâu ngày và phổ biến nên mặc nhiên thành đúng chính tả. Chúng tôi đề nghị các tác giả biên soạn Từ điển tiếng Việt trong tương lai cần định nghĩa thêm từ chập chùng, bởi vì từ này trong văn bản viết, đặc biệt là thi ca, ngoài nghĩa như trập trùng nó còn có nghĩa khác rộng hơn. Thí dụ:
- “Nụ tầm xuân rụng xuống chập chùng” (bài “Bàn tay em” của Mạc Phương Đình).
- “Hàng cây nghiêng bóng lệch xiêu chập chùng” (bài “Đừng qua phố cũ” của Khiếu Long).
Chập chùng có thể xem là một từ mới, hình thành trong quá trình vận động và phát triển của tiếng Việt hiện đại. Bởi vì, trên thực tế, rất nhiều người sinh ra và lớn lên ở Trung bộ và Nam bộ, không ai nghĩ rằng viết chập chùng là sai chính tả.
Vương Trung Hiếu
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 412
————————————-
(1): Từ trập trùng xuất hiện trong quyển Phan Bội Châu (1867-1940) toàn tập, NXB Thuận Hóa (tr. 291, mục Quốc văn Chu Dịch diễn giải, bản dịch của Phan Bội Châu) hay trong Hồi ký Vũ Đình Hòe (1912-2011), tr. 642, NXB Hội Nhà văn 2004.
(2): “Những ước mơ chập chùng tuổi hạc” (Hà Thành ngọ báo 27-4-1927); “Cờ chiến thắng chập chùng theo trước gió” (Tiểu Thuyết Thứ Bảy, tập 2, tr.50, 18-2-1950).