Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 19:43

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 Lan Hữu - Nhượng Tống

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Wed 18 Aug 2021, 08:50

7


Hồi tháng.. Năm.. năm ấy, thầy tôi về hưu.

Nhà tôi về ở cả nhà quê, trừ có tôi là được gửi lại ở nhà chú tôi để học tư trong vụ nghỉ hè.

Từ đấy tôi với Hữu ngoài sự học chung đèn, còn được ăn cùng một mâm. Tuy vậy, hạnh phúc của tôi đã bắt đầu bị người quấy rối...

Sau khi nhà tôi dọn đi, vợ, chồng ông Đốc Bò nói với chú, thím tôi dọn đến ở trọ. Vì thế, tôi cũng nhiều dịp phải gần gụi Lan. Trong buồng học, trong vườn hoa, trong nhà ông giáo dạy tư tôi, cơ hồ chỗ nào có Hữu cũng là có Lan cả. - Chỉ có trong buồng ngủ của tôi là nơi Hữu vẫn ra vào mà Lan chưa hề bước tới. Vướng có Lan, tôi mất cả tự do yêu Hữu. Trước mặt Lan, đối với Hữu, tôi phải đóng vai người anh, chứ không dám ra mặt một tình nhân.

Nhưng như thế đã đủ khổ cho tôi đâu, còn những chuyện rầy rà, rắc rối hơn nữa...

Vì sự ở chung, Lan cười, nói với tôi không còn giữ vẻ e lệ. Chú tôi bảo tôi dạy thêm chữ nho cho Hữu học. Tôi dạy Hữu học. Tôi cầm tay cho Hữu tập viết. Lan cũng mua giấy xin học. Và khi tập viết, Lan cũng nài tôi phải cầm tay. Tôi nhìn Hữu:

- Em Hữu cầm tay cô Lan. Tôi cầm, ai trông thấy không tiện.

- Mặc kệ thầy, trò anh! Ai phải vạ! - Hữu cười đáp.

Lan nhìn tôi gượng cười:

- Ai trông thấy mà không tiện? Ai mới tập viết mà chẳng phải cầm tay? Cậu, mợ cũng bằng lòng cho tôi học kia mà! - Trong giọng nói của Lan, đã hơi có vẻ giận.

Hữu nhìn tôi:

- Nói đùa đấy, chứ em thấp thế này cầm sao được tay Lan. Anh cầm hộ, không có nó giận.

Tôi sẽ thở dài, ghé lại cầm lấy tay Lan. Tay Lan run. Tay tôi lại run hơn. Chỉ viết có mấy dòng chữ mà tôi thấy bồ hôi ra ướt áo. Đã vậy, lúc viết gần xong, Hữu còn nói giỡn:

- Anh, chị dạy nhau viết, giá có cái máy ảnh mà chụp thì hay đáo để!

Tôi cau mày nhìn Hữu. Hữu cười ngặt nghẽo nhìn tôi. Một lúc sau, vắng Lan, tôi trách Hữu. Hữu lại cười:

- Sao anh khó tính thế? Anh cấm cả em nói đùa!

- Nhưng anh đã van em đừng nói đùa những câu như thế!

- Thì thôi! Em xin chừa, lần sau không dám thế nữa.

Nhưng lần sau, Hữu lại thế: Không biết sắp đi đâu, Lan trang điểm xong, chạy lên buồng học. Có Hữu đấy, Lan ghé mặt lại gần tôi tươi cười hỏi:

- Anh coi hộ phấn đã đều chưa?

- Hỏi Hữu xem! Tôi không biết đánh phấn. - Tôi lạnh lùng đáp.

- Đều rồi đấy! Da Lan ăn phấn lắm.

Nói thế rồi Hữu thêm:

- Lan ạ! Nói đừng giận nhé! Mày đứng bên anh Ngọc, tao trông thật là tốt đôi!

Lan chẳng những không giận, lại mỉm cười mà chạy vụt ra ngoài. Tôi lại trách Hữu, lại được nghe Hữu xin chừa như lần trước.

Một lần nữa... Lần này thì thật là tự Hữu muốn kiếm chuyện! Một buổi chiều, tôi theo Hữu ra vườn, định tìm chỗ vắng cùng ngồi. Hữu bỗng quay lại nhìn tôi mà cười:

- Thế kia mới thật là duyên trời: "Ngọc Lan" trên, "Ngọc Lan" dưới, "Ngọc" trên "Lan" dưới! À quên: "Ngọc Lan" trên, dưới!

Câu nói đùa không nhã ấy làm cho tôi phát cáu:

- Ăn nói cái giọng ở đâu như thế!

Hữu cũng giận, nói xẵng:

- Thì anh trông lại xem nào!

Tôi quay lại thì Lan đã đứng sau tôi, mà cả hai đứa, cùng ở dưới bóng rợp một cây ngọc lan.

Hôm ấy, tôi và Hữu giận nhau. Cơm chiều, tôi cáo ốm không ăn. Một mình nằm ở trong buồng ngủ, trong trí tôi, đầy những ý nghĩ buồn rầu và tức bực. Tôi cho là Hữu tất nhiên ngờ tôi. Mà nếu là sự ngờ thường, thì Hữu hỏi lại tôi, hay trách móc tôi nữa là cùng. Yêu thì ghen, không có gì lạ. Đàng này, Hữu không thế. Hữu chỉ tìm cách mỉa mai. Rồi khi tôi hỏi đến, Hữu lại đáp là nói đùa. Thế nghĩa là Hữu không thèm nói thực với tôi. Trong ý, Hữu đã khinh tôi. Đã cho tôi là kẻ không đáng hỏi, không đáng trách, không đáng ghen, không đáng yêu nữa. Làm cho Hữu khinh tôi như thế, có lẽ không phải là một điều để Hữu ngờ nữa, mà là một điều để Hữu có thể tin chắc là tôi có tình với Lan. Tôi bối rối lục trong trí nhớ, xem trong những thái độ tôi đối với Lan có điều gì để Hữu có thể hiểu nhầm như thế không? Tôi khinh tôi vô cùng. Tôi khinh tôi đã hèn nhát, không dám cự tuyệt Lan ra mặt. Tôi khinh tôi rồi tôi khinh cả người đời nữa. Người đời, biết bao nhiêu cái tầm thường! biết bao nhiêu cái nhỏ nhen! Tôi ngờ Hữu là nhẹ dạ cả tin. Tôi ngờ những con hầu, đày tớ nhà Hữu đã có kẻ bịa ra những chuyện tôi với Lan để làm quà cho Hữu. Tôi lại ngờ Lan biết tôi yêu Hữu mà bày mưu phản gián cho Hữu lìa tôi. Tôi khinh Lan. Tôi đem hết những tiếng dùng để nói xấu con gái mà tặng ngầm Lan. Nhưng tôi lại sực nhớ đến những lúc tôi đã vì Lan mà ái ngại, mà đau xót. Tôi tự thấy tôi không thể khinh Lan được. Hữu yêu tôi. Lan cũng yêu tôi, nếu tôi không khinh Hữu thì sao tôi lại khinh Lan? Công bằng một chút chứ! Huống chi Lan yêu tôi có khi còn hơn Hữu: Lan còn biết thương cái tài của tôi nữa. Ở đời, được một người yêu mình, biết mình cũng khó lắm chứ! Người ấy nào phải người đáng để mình khinh? Tôi giật mình kinh sợ khi tôi thấy trong trí tôi có những ý nghĩ bênh vực cho Lan. Bên tai tôi văng vẳng câu tôi nói hôm nào: "Anh chỉ yêu có Hữu! Tim anh chỉ thờ có Hữu!" Trí nghĩ tôi hình như lạc lõng vào một "mê tân"1, để cho bao nhiêu cảm xúc vò xé như thế. Trái tim tôi phanh ra mà chịu lấy hàng trăm mũi tên độc của Trẻ tình2. Tôi đau đớn nhất là khi tôi nghĩ đến rằng, hiện nay Hữu đã ngờ tôi mà sau này có khi tôi cũng đến quên Hữu nữa...

Hữu chợt bước vào hỏi tôi:

- Anh đã đỡ chưa? Thím đã bảo nấu cháo cho anh. Anh ăn với đường hay với trứng?

Tôi quay ra. Giọng nói thiết tha, vẻ mặt lo buồn của Hữu, đã như một liều thuốc êm cho vết thương lòng của tôi. Tôi nhìn Hữu qua những giọt lệ tràn trụa trong mắt tôi, ngập ngừng không nói. Hữu bàng hoàng ngồi xuống bên giường, ghé lại gần tôi, cất giọng sửng sốt:

- Anh sao đấy?... Anh sao đấy?... Ô hay! Khổ quá! Sao em hỏi mà anh không nói?... Em còn biết làm sao!

Mấy giọt nước mắt của Hữu đã sa vào mặt tôi. Mà tôi thấy giọt lệ rơi xuống hơi nong nóng. Tôi nắm chặt lấy tay Hữu:

- Anh tưởng em không yêu anh nữa!

- Sao anh lại tưởng thế?

- Em ngờ anh yêu Lan?

- Đời nào em ngờ anh! Có em nói đùa thì nói chứ!

- Không phải em nói đùa! Tất nhiên có chuyện gì làm cho em khinh anh lắm. Nhưng em không chịu nói thật với anh!

- Có đâu! Sao mà anh đa nghi thế!

- Nhưng anh đã xin em, sao em còn nay nói mai nói? Em bảo em nói đùa. Anh không thể tin là em nói đùa được. Em ngờ anh!

- Không! Không! Em thề với anh nữa!

- Thế thì em phải biết mỗi lần em nói đùa như thế, làm cho anh khổ sở thế nào! Anh có tội gì, đáng cho em làm tội vặt như thế?

- Thế thì anh vẩn3 quá! Anh lại không biết Lan nó có tình với anh hay sao?

- Cho nên em nói đùa để trêu nó?

- Không! Anh đừng nghĩ em lại dám trêu nó! Em sợ nó lắm. Em nói đùa là cốt chiều ý nó. Nó yêu anh, em nói đùa như thế, nó thích. Thế thôi.

- Nhưng em sợ gì nó kia chứ?

- Em sợ cái máu ghen của nó. Anh không nhớ hôm chụp ảnh, Sâm cầm tay anh mà nó tái người đi đấy, hay sao?

- Nó ghen thì nó làm gì?

- Nó làm gì anh lại không nghĩ đến à? Nó nói xấu chúng ta với mọi người. Cả như anh với em, có cần gì ai? Thế nhưng mà chú thím...

Tôi nín lặng, suy nghĩ lời Hữu nói. Tôi không ngờ bên trong vẻ mặt thơ ngây, Hữu lại có óc suy tính, mưu mô như thế.

Hữu lại nói:

- Ấy thế, nên em kiếm cách chiều nó. Có chiều nó mới bưng được mắt nó. Anh nữa, anh cũng không nên hắt hủi nó ra mặt. Có thế chúng mình mới được yên.

Tôi thở dài ngồi dậy, lòng tôi đã bình tĩnh như thường. Hữu cười:

- Bây giờ anh đã hết giận em chứ? Thôi, em xuống bảo nó đem cháo lên. Anh ăn với đường nhé?

Tôi cười theo:

- Đường với trứng gì! Bảo nó rang cơm cho ăn, chứ ăn cháo thì đêm đói không ngủ được!

- Thì ai bảo anh dỗi cơm cơ chứ! Cũng biết dỗi cơm cả thể.

Nói thế rồi, Hữu đứng dậy, vừa cười vừa bước ra khỏi cửa buồng tôi.

_________________________________

[1] - Tân: tiếng Hán là bến, mê tân tức bến mê. Được dùng thông dụng trong thơ ca Việt Nam, theo nhiều biến thể; ví dụ Cung oán ngâm khúc:

Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.


[2] Tác giả muốn nói đến thần Eros, tức Cupidon, thần Tình yêu.

[3] Từ Hán Việt, có nghĩa là rối loạn.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Mon 30 Aug 2021, 10:23

8


Trong khi yêu, Hữu đã trông thấy hết thảy.

Trái lại, trong khi yêu, Lan không còn trông thấy tí gì.

Từ khi ở chung, đối với Lan, tôi vẫn cố giữ một thái độ nhã, một thái độ mập mờ: Tôi không chằm bặp1, mà cũng không dám khinh khi. Tuy vậy, nhiều khi trước mặt Hữu, Lan bức tôi quá, tôi không sao khỏi có những lời nói, những cử chỉ lạnh nhạt ra mặt, có thể làm phật ý Lan được. Vậy mà Lan không giận tôi bao giờ cả. Chắc hẳn Lan đã cho vẻ mập mờ của tôi là do tính nhút nhát thông thường cho nhiều kẻ mới biết yêu. Còn vẻ lạnh nhạt cũng thế, cũng là do tính người nhút nhát, phải cố giấu kíiTtấm lòng yêu của mình, không muốn để lộ ra trước mắt người ngoài. Chỉ có tự bưng mắt như thế, Lan mới có thể sau trước vẫn một lòng yêu tôi.

Không trách rằng sau này, sau câu chuyện "dỗi cơm" của tôi, tôi và Hữu hẹn nhau đeo mặt nạ mà đóng hai vai hề trước mặt Lan: Hữu, vai mụ mối, tôi, vai tình nhân, mà Lan không còn bao giờ nhận được bộ mặt thật của chúng tôi, vẫn tin chúng tôi là đôi bạn lòng ngay, dạ thẳng...

Cặp mắt trí tuệ của Lan mờ tối thế nào, thì cặp mắt nhục thể của Lan mơ mộng làm vậy. Mơ mộng về tình, mơ mộng về thơ. Không mấy ngày là Lan không làm mấy câu thơ tình. Mượn cớ nhờ chữa, Lan làm xong lại đưa tôi coi. Kỳ thực thì đó là những chuyện tâm sự mà Lan nói với tôi bằng bút. Chẳng những bắt tôi chữa, Lan còn bắt tôi họa nữa. Lần đầu tôi bảo Lan:

- Thơ Lan hay - Lan đã ép tôi gọi Lan bằng tên không, cũng như Hữu gọi Lan vậy - tôi cũng muốn họa lắm. Nhưng các đầu đề Lan lựa, phải là những người hay sầu, hay cảm như Lan thì làm mới hay được. Còn tôi, Lan cũng biết, tôi vui tính lắm. Dù có họa cũng không hay được. Đã không hay, bắt tôi họa làm gì.

Về sau, tuy không họa thơ Lan, song theo lời Hữu khuyên, dăm, ba ngày tôi lại làm một bài đưa Lan coi. Nghĩa là sau khi đọc mấy bức thư của Lan viết bằng văn vần, tôi cũng phải trả lời Lan một bức bằng văn vần. Trong khi viết thư cho Lan, muốn cho có giọng nồng nàn, tôi phải nghĩ đến Hữu, tôi phải tưởng tượng như viết thư cho Hữu. Viết xong, tôi đưa Hữu đọc trước, rồi mới đưa Lan. Nhờ về sự giả dối của tôi và sự mơ mộng của Lan, tôi chắc Lan hồi đó có khi đã được hưởng một thứ hạnh phúc rất trong sạch: cái hạnh phúc yêu người và tin người cũng yêu mình. Trái lại, sự giả dối của tôi và sự mơ mộng của Lan, càng ngày càng làm cho trái tim tôi bị vò xé bởi những ý nghĩ ái ngại cho Lan. Thần Thiên lương đã cắn rứt tôi ròng rã trong mấy tháng trời. Cho đến một đêm kia, trông thấy nước mắt của Lan, tôi phải hối hận đến nỗi không còn muốn sống...

Hồi ấy là tháng Mười.

Sau buổi học sáng, tôi vừa về đến nhà, người bỗng lên cơn sốt rét. Tôi quăng sách, vở, về thẳng ngay buồng ngủ, kéo chăn đắp. Nghe Hữu nói, chú, thím tôi vào thăm tôi, rồi gọi người đi đón ông lang. Cơn rét kéo dài trong hai, ba tiếng đồng hồ. Chốc, chốc Hữu lại chạy vào buồng tôi, lật chăn ra hỏi tôi, vẻ mặt buồn rầu, lo lắng. Gần đến giờ đi học, Lan theo Hữu vào thăm tôi. Đó là lần thứ nhất Lan đến buồng tôi. Lan thăm hỏi qua loa, rồi nhắc tôi việc xin phép nghỉ. Tôi chợt nhớ ra, bảo Hữu lấy hộ giấy bút, Lan nói:

- Thôi, anh đương sốt cứ nằm mà nghỉ. Tôi viết hộ anh cũng được. Để tôi viết đưa anh ký thôi. Nói xong Lan cùng Hữu quay ra. Lan đã tạm thời làm thư ký cho tôi...

Chiều hôm ấy, tôi đã hơi tỉnh, ông lang sớm đi vắng, bấy giờ mới đến thăm bệnh. Khi tan học, Hữu ăn cơm xong, vào dỗ tôi ăn sữa. Tôi nể lời gượng ăn, song ăn khỏi mồm là thổ ngay. Hữu gọi con hầu lấy nước cho tôi, và đem cái hỏa lò đun thuốc vào cửa buồng để Hữu coi. Một lúc sau, Hữu lọc thuốc đưa tôi uống. Miệng tôi đã đắng, uống thuốc vào càng đắng. Vị đắng cứ xốc lên cổ, lại có thể muốn thổ. Tôi bảo Hữu:

- Em chạy ra vườn, bứt cho anh mấy quả chanh.

Hữu chạy vội ra vườn. Một lát, đem chanh vào, bóc chanh và đưa từng múi cho tôi. Tôi ăn luôn một lúc hết bốn quả. Trời đã sẩm tối, tôi giục Hữu xuống buồng học. Hữu ra rồi, tôi bắt đầu lên cơn nóng. Không biết tự chanh hay tự thuốc, cơn nóng kéo dài suốt đêm ấy và gần suốt ngày hôm sau. Trong cơn nóng, tôi mê man không còn biết có đời. Có lúc tôi thấy tôi là một con chim. Tự nhìn mình, thấy mình to bằng cái bồ mà đậu trên cành cây cao. Trông xuống thì nước chảy mông mênh như cánh đồng lụt. Có lúc tôi thấy tôi bị hùm, beo đuổi bắt. Có lúc tôi thấy ông tôi ngồi bên mà quạt cho tôi...

Thấy tôi suốt hai ngày không ăn, chú, thím tôi lo lắm. Ngoài sự mời ông lang, còn mời cả thầy cúng. Ngoài sự cho tôi uống thuốc, còn cho uống cả tàn hương, nước lã. Lại sai người nhà luộc trứng đánh trúng2 cho tôi. Đó là chuyện Hữu nói lại với tôi về sau. Chứ trong cơn nóng, người ta làm gì ở quanh mình tôi, hay hỏi tôi câu gì, cho tôi uống gì, khi dứt cơn tỉnh lại, tôi đều không nhớ.

Khi tôi tỉnh lại, thì thấy cửa màn nửa mở. Hữu và Lan ngồi trên hai chiếc ghế mây, đặt ở bên giường. Lan hỏi tôi:

- Anh đã tỉnh đấy à? Anh coi trong mình thế nào? Mới hai ngày mà người sút đi nhiều quá!

Tôi lắc đầu đáp:

- Trong người mệt lắm!

Rồi tôi bảo Hữu cho tôi uống nước và Lan đưa hộ tôi tấm gương. Tôi uống luôn ba cốc nước đầy rồi nhìn vào trong gương, quả nhiên bóng tôi đã gầy kém trước nhiều đến nỗi tôi cơ hồ không nhận được là bóng tôi nữa! Tôi mỉm cười một cách buồn rầu, đưa tấm gương nhờ Lan cất hộ. Hữu nài tôi uống thuốc và ăn sữa. Cả Lan cũng dỗ tôi nữa. Họ nói với tôi như nói với một đứa em nhỏ. Nể họ, tôi gượng uống nửa bát thuốc và ăn vài thìa sữa. Xong lại đặt lưng nằm. Một lúc sau, cơn nóng của tôi lại bắt đầu, cũng mê man và kéo dài như cơn trước. Tan cơn ấy, tôi nhìn ra thì thím tôi ngồi ở bên mình. Thím tôi nói:

- Con xem trong người hôm nay với hôm qua thế nào? Mới vài ngày mà người con trông hốc hác ghê quá!

Tôi chưa kịp đáp thì thím tôi đã quay ra, gọi người nhà đem thuốc lại. Tôi vịn gối gượng ngồi dậy. Đưa nước cho tôi súc miệng rồi, thím tôi cầm bát thuốc để lại bên miệng tôi mà nói:

- Này! Con cô mà uống. Chú, thím lo lắm. Nếu ngày mai mà con không đỡ thì chú, thím phái cho người về tìm thầy, mẹ. Chứ một mình chú, thím, nhỡ quá ra khi có thế nào...

Thím tôi không nói nốt câu, nước mắt đã tràn trên gò má. Tôi vội vàng đỡ lấy bát thuốc, uống cả làm một hơi. Thím tôi lại đưa nước súc miệng cho tôi, rồi bảo tôi nằm mà nghỉ. Hữu và Lan đi học đã về, đem nhau vào thăm tôi. Thím tôi đứng dậy bảo Hữu:

- Mợ có người mời đi ăn cơm. Con ở nhà, cô dỗ anh ăn sữa. "Cơm, cháo không ăn, mạnh gì thầy!"

Rồi thở dài ngảnh lại bảo tôi:

- Con phải cố mà ăn mới được, cố mà ăn chứ người ốm có muốn ăn bao giờ đâu!

Thím tôi ra rồi, tôi bảo Hữu và Lan:

- Trông người tôi yếu lắm phải không? Lúc nãy thím khóc, thím lo tôi chết.

Hai người lẳng lặng không đáp, cùng cất tiếng thở dài rất buồn và nhìn tôi bằng những con mắt nước chạy quanh. Tôi cười:

- Lan với Hữu lo tôi chết à? Thế thì khóc đi! Có lẽ tôi chết thật đấy! Tôi muốn có ai khóc thì khóc trước khi tôi chết. Nhưng khi tôi chết đi rồi thì đừng khóc. Cứ suy như những lúc tôi mê sảng, tôi chắc tôi chết đi không còn có linh hồn.

Tôi nói đến chuyện chết mà lòng tôi không động chút nào. Ngày thường, mỗi khi nghĩ đến cái chết, là tôi lại sợ hãi và lo buồn. Nhưng những khi ốm đau, tai nạn, những khi gần với cái chết, thì tôi nhìn mặt thần Chết lại như nhìn mặt bạn quen. Tôi còn chưa hiểu tại sao trong cõi lòng tôi lại có cái hiện tượng ấy. Nhưng câu nói của tôi đã làm cho hai cô bạn không cầm được tiếng nức nở. Còn tôi có một mối cảm man mác như khi tôi đọc một câu văn hay, hay ngắm một bức tranh đẹp, trong lúc tôi nhìn họ cùng rút mùi soa lau nước mắt ở cạnh giường tôi...

Cơn nóng của tôi hôm ấy nhẹ hơn. Trong khi mê, tôi thấy như tôi ốm ở giữa gia đình nhà tôi. Quanh giường, mẹ tôi và các chị, các em tôi ngồi xúm xít. Tôi chợt tỉnh ra, nhìn quanh không thấy ai cả. Trong cổ tôi khát như có lửa đốt. Tôi vùng ngồi dậy, mở cửa màn, vịn thành giường tôi bước xuống đất. Hai chân tôi run lẩy bẩy như không mang nổi mình tôi. Tôi vịn tay vào tường, bước lần lại bên cái bàn để ở góc tường. Tôi cầm bình nước dốc vào mồm. Nhưng bình cạn, dốc mãi mới được có mấy giọt. Tôi cất một tiếng thở dài thất vọng, lại lần về giường. Tôi không biết trời còn sớm hay đã khuya. Tôi ngồi mà đợi xem có ai đến sẽ xin nước uống. Nhưng khi nghe tiếng chuông điểm mười hai giờ thì tôi tuyệt vọng. Tôi cảm thấy cái khổ cô độc. Trong ánh sáng le lói của ngọn đèn hoa kỳ, trong tiếng gió rít trên các ngọn cây như những tiếng ngân dài của điệu sa mạc, cảnh quanh mình lúc ấy, tôi thấy muôn vàn thê lương. Trốn những quang cảnh ấy, tôi vùi đầu tôi vào trong chăn. Tôi thấy cần có người vuốt ve, yên ủi cho tôi. Tôi mong gặp mẹ tôi trong giấc mộng. Tôi thiếp đi, nhưng lại chập chờn tỉnh lại. Chợt nghe có tiếng thở dài ở ngay bên gối. Tôi tung chăn ra, mở mắt nhìn thì thấy Lan ngồi ngay trước mặt tôi. Lan đặt tay vào trán tôi, ân cần hỏi:

- Anh đã dậy đấy à? Tỉnh hay mê đấy?

Tôi nửa kinh ngạc, nửa mừng rỡ:

- Tôi cũng không biết rằng tỉnh hay mê nữa. Nhưng tôi khát quá, cho tôi cốc nước. Tôi nhịn khát từ nãy mà cái bình kia thì hết nước rồi.

- Tội quá! Để tôi lấy cho.

Vừa nói Lan vừa trụt xuống giường, thoăn thoắt lén ra ngoài cửa. Tôi nhìn theo mới biết: vì tôi mà Lan đã bỏ giày mà đi bít tất không...

Lan cho tôi uống xong, thu dọn bình, cốc để lại đằng bàn, rồi lại ngồi lại bên giường tôi. Tôi hỏi Lan:

- Sao Lan không đi ngủ? Sáng mai còn đi học.

Lan cười:

- Nhưng ngủ làm sao được! Ngọc đau, Lan nằm có yên đâu! Đêm qua và đêm kia, đêm nào Lan cũng ngồi đây từ một giờ cho đến gần sáng mới về giường nằm. Có Ngọc mê, Ngọc không biết đấy thôi!

- Thế ra ba đêm nay Lan không ngủ à? Người Lan có khỏe đâu. Sao không giữ gìn lấy sức?... Nếu tôi có chết, Lan ngồi đây cũng không kéo lại được kia mà?

- Vâng! Không kéo lại được! Nhưng mà Lan có thể chết theo được!

Nói thế rồi, Lan mỉm một nụ cười mê man, rút túi áo lấy ra một con dao nhỏ:

- Đã ba đêm nay Lan ngồi đây, biết bao nhiêu lần nghe Ngọc kêu chết. Lan vẫn định nếu Ngọc chết thì Lan nằm xuống bên Ngọc và cho mũi dao này vào cổ Lan. Lan không sợ chết, có cần gì sức khỏe với sức yếu?

Lan bỏ dao vào túi, rồi lại đặt tay lên trán tôi mà nói tiếp:

- Nhưng bây giờ thì Ngọc không đến nỗi chết nữa! Đầu Ngọc mát và người Ngọc đã tỉnh rồi. Ngọc thấy trong người có dễ chịu không? Thương Lan, Ngọc đừng chết nhé!

Nói đến đấy, miệng Lan cười mà má Lan đã đầm nước mắt. Tôi gật đầu, đỡ bàn tay Lan để lại bên môi. Tôi hôn tay Lan và lòng thì muốn chết ngay không còn nhìn thấy cõi đời. Tôi chán, ghét cái đời tôi. Tôi cho đời tôi từ trước đã là tội ác mà từ nay càng là tội ác: Tôi bắt đầu nhận thấy sự lừa dối Lan là một tội ác...
______________________________________________

[1] Phương ngữ, có nghĩa như vồ vập.

[2] Cách chữa bệnh dân gian, đánh gió để  chữa cảm mạo, trúng gió.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Wed 01 Sep 2021, 09:41

9


Ăn bữa sáng xong, tôi lại trở về phòng nằm.

Bệnh tôi tuy đã khỏi, nhưng người tôi còn chưa lại. Chú tôi bảo tôi hãy nghỉ ở nhà để uống thuốc bổ.

Tôi vào màn nằm, cầm lấy quyển vở học, Lan đã chép vào đấy những bài học nhà trường trong những ngày tôi nghỉ để tôi nằm rỗi học bù. Nhưng nỗi bải hoải của người mới ốm dậy sau bữa ăn, làm cho tôi cầm lấy vở mà không muốn học, tôi thấy chán nản. Đã vậy trông thấy nét chữ Lan, tôi lại bâng khuâng mà nghĩ đến Lan. Tôi gấp quyển vở để lại ở bên gối, để được đem cả tinh thần về việc nghĩ. Bấy giờ thì tôi nghĩ đến rằng: Mọi ngày, giờ này là giờ Lan đến thăm mình đây. Sao hôm nay chưa thấy Lan đến? Lòng tôi bỗng bồn chồn. Trong trí tôi nảy ra hàng trăm câu phỏng đoán vẩn vơ của một kẻ đợi ai, trong khi giờ hẹn đã qua mà người hẹn chưa thấy lại. Tôi lo Lan ốm, tôi ngờ Lan bận việc. Tôi tưởng Lan đi vắng. Tôi giận Lan: Nếu bận việc hay đi vắng, sao Lan không bảo qua một tiếng cho tôi biết chừng? Tôi sợ Lan: có lẽ Lan đã tự biết là mắc lận mà hờ hững cùng tôi... Tôi nằm không yên nữa. Tôi vùng ngồi dậy. Tôi đăm đăm nhìn ra cửa mong trông thấy bóng Lan. Rồi tôi chợt nghĩ lại. Tôi nhận ra rằng sự vắng Lan lúc ấy đã làm cho tôi mất cả yên tĩnh. Tôi suy xem tại sao thế. Tôi bàng hoàng chợt tỉnh ra rằng tôi đã yêu Lan. Tôi đã yêu Lan? Có lẽ nào như thế hay không? Tôi tự nhắc lại hàng trăm lần câu tôi nói với Hữu: "Anh chỉ yêu có Hữu". Nhưng hàng trăm lần tôi đều thấy nó không còn đúng với tình trạng lòng tôi lúc ấy nữa. Tôi không còn cãi được cái sự thực hiển nhiên là tôi đã yêu Lan. Mãi bấy giờ tôi mới biết rằng: Dù tôi đã viện đủ mọi lý do để giữ cho trọn vẹn trái tim tôi về Hữu, song lý do nào cũng phải bị yếu ở trước cái sức mạnh vô địch là lòng yêu thành thực của Lan. Mãi bấy giờ tôi mới biết rằng: Cái vai tình nhân của Lan mà tôi đóng tôi tưởng là dối Lan, nhưng thực thì là tôi tự dối tôi. Trong khi tôi tưởng là đóng vờ, chính tôi đã đóng thật! Mãi bây giờ tôi mới biết rằng: Những lúc tôi ái ngại, đau xót cho Lan, tôi vẫn tưởng là bởi lòng công bằng, lòng đồng cảm; song lột cái vỏ ngoài công bằng, đồng cảm ấy ra thì tôi sẽ lại nhìn thấy bộ mặt đún đởn của Ái tình.

Những điều suy nghĩ ấy làm cho tôi kinh ngạc. Tôi kinh ngạc vì tôi vẫn tin ái tình chuyên nhất mới thật là ái tình, mà nay tôi tự trông thấy trái tim tôi chia đôi cho Hữu và Lan. Nếu lòng tôi đối với Hữu và Lan khi ấy không là ái tình thì là cái gì? Tôi không dám chắc đó là ái tình mà cũng không hiểu nó là cái gì nữa! Tôi cố giữ cho lòng yêu của tôi chuyên nhất, nhưng sự đó đã muộn quá! Tôi muốn đem những điều u ẩn trong lòng tôi mà thú thực cùng Lan và Hữu, song tính nhút nhát, tính cẩu thả nó lại bảo tôi làm thế không ích gì cho ai, và nhất là không ích gì cho tôi. Tôi ngậm ngùi mà than tiếc cho nhân cách của tôi, từ khi mắc phải sự trêu cợt của Trẻ tình. Hữu yêu tôi. Lan yêu tôi. Hai người yêu tôi bằng dạ chân thành. Đáp lại dạ chân thành ấy, tôi đem một tâm địa lừa dối. Trước kia lừa dối Lan, không dám cho Lan biết là tôi yêu Hữu. Bây giờ lừa dối Hữu, không dám cho Hữu biết lòng tôi đã xẻ nửa cho Lan. Thành thử ra trước tôi đã đeo mặt nạ để nhìn Lan, bây giờ lại đeo thêm một lần mặt nạ để nhìn Hữu. Không biết rồi đây tôi ở đời, còn phải sắm thêm mấy trăm, nghìn mặt nạ nữa để nhìn đời? Tôi càng nghĩ, cái nhân cách thấp hèn của tôi càng trần truồng ra ở trước mắt tôi. Lòng tự ái và tự cao của tôi chịu một vết thương chí mạng! Tôi thấy tôi sống chỉ làm cho cõi đời thêm lên một phần nhơ bẩn, một phần đau đớn. Tôi thấy tôi không đáng sống nữa. Tôi muốn tự sát. Nhưng tôi bao giờ có gan tự sát! Sự suy lý có cho kẻ hèn nhát được ít nhiều can đảm nào đâu!...

Những mối nghĩ vẩn vơ ấy làm mệt cho cái sức khỏe mới ốm dậy của tôi vô cùng. Tôi như con chim lồng. Tôi nghĩ quanh mong thoát thân ra khỏi cái tình thế bối rối, lộn xộn lúc ấy, cũng như con chim cựa quanh mong thoát thân ra khỏi lồng: làm những việc mất công mà vô ích! Tôi nằm lăn ra, cố sức cắt đứt mọi mối nghĩ để tìm sự nghỉ ngơi ở trong giấc ngủ. Nhưng trong người sạo sục, tôi không sao ngủ được. Mở mắt ra, tôi lại vớ lấy cuốn vở học. Tôi định dùng nó làm thuốc ngủ. Bỗng dưng, trang giấy tôi đang nhìn thoáng thấy có bóng người che tối. Trái tim tôi hồi hộp chắc là Lan đã đến. Nhưng nhìn ra thì Hữu đã vén mành bước vào, đưa cho tôi một bó hoa nhỏ: ba bông văn côi màu long não buộc lại bằng một dải lụa đào với một cành hoa mai, giống mai đài xanh. Tôi cầm bó hoa ngắm nghía, trách Hữu:

- Sao em lại hái phí đi thế này?

- Làm gì mà phí! Hái về cho anh chơi chả hơn để mưa nó đập rụng đi à? Anh không ra vườn không biết: mấy hôm nay mưa, gió, hại biết bao nhiêu là hoa! - Hữu vừa nói vừa ngồi xuống bên giường tôi.

- Thế có dễ đến hôm nào tạnh, anh ra được vườn thì không còn được bông nào nữa!

- Còn! Nhưng mai với giống văn côi này thì chắc hết!

- Thế thì còn nói chuyện gì nữa!

- Ấy! Em cứ bảo để lúc nào hỏi anh mà lại quên khuấy đi mất... Bây giờ anh nói em mới lại nhớ. Anh cứ thích những hoa trắng là tại làm sao?

- Tại làm sao à? Để anh thử nghĩ xem đã. Có dễ là tại: ông anh hay mặc áo trắng; bác gái cũng hay mặc áo trắng; đến em cũng hay mặc áo trắng... Bao nhiêu người anh yêu nhất trong đời đều hay mặc màu trắng, cho nên anh thích trông thấy màu trắng. Không biết có phải thế không?

Tôi nói đến đấy thì ngồi dậy. Lan tươi cười từ ngoài bước vào, tay cầm món gì cuộn trong một mảnh giấy nhật trình.

Hữu đon đả hỏi:

- Cái gì thế Lan?

- Cái áo gối! Hôm qua ngồi đây, thấy cái áo gối của anh Ngọc rách. Mình có cái áo gối đương thêu dở, hôm nay bảo để thêu cố cho xong để đem cho anh ấy.

Vừa nói, Lan vừa ngồi vào ghế, giở chiếc áo gối lên giường cho chúng tôi coi. Hữu cầm lên ngắm nghía:

- Thêu đẹp đấy! Nhưng mà còn thiếu! Để tao thêu thêm vào hộ.

Nói xong, Hữu đứng dậy chạy vụt ra ngoài. Tôi nhìn Lan:

- Lan không sợ Hữu nó biết chuyện chúng mình à?

- Nó biết thì làm sao? Ngọc nhút nhát quá! Lan thì Lan không thế! Nó đấy chứ cậu, mợ biết nữa, Lan cũng không sợ! Chúng mình yêu nhau chứ làm nên tội vạ gì mà sợ ai?

- Nhưng ở gia đình, xã hội chúng mình thì tội vạ đấy!

- Miễn Ngọc yêu Lan, Lan chấp cả gia đình lẫn xã hội!

Tôi nín lặng. Tôi không ngờ một người yếu ớt như Lan mà lại có câu nói cứng cỏi đến thế. Hữu đã đem hộp kim, chỉ bước vào. Đè trên chiếc áo gối, Hữu cầm bút chì vẽ hai chữ N và chữ L ôm lấy nhau, rồi lấy kim thêu. Thêu xong, Hữu giơ cho Lan:

- Thế này có phải tình lắm không!

Nói xong, Lan kéo gối tôi, thay cái áo gối mới vào. Còn cái cũ, Hữu cười một vẻ tinh quái mà ném cho Lan:

- Giữ lấy! Bao giờ có con, may cho nó cái yếm dãi!

- Cám ơn cô đã có lòng nghĩ đến cháu. - Lan cười theo và đáp lại bằng một giọng rất tự nhiên.

Câu chuyện đến đấy thì hai người cùng đứng dậy lui ra, vì trống trường đã điểm một lượt. Họ ra rồi, tôi nằm xuống mà nghe những tiếng mưa rả rích bên ngoài. Quang cảnh vừa rồi không hề làm khó chịu cho tôi. Trái lại nó lại cho tôi một mối cảm êm đềm sung sướng. Tôi thấy tình thế của tôi khi ấy, chỉ có nghĩ xa, nghĩ kỹ thì nó mới làm bận lòng tôi, song nếu không nghĩ đến thì nó vẫn xinh đẹp, dịu dàng, đáng cho tôi sống lắm! Tôi muốn chỉ có sống mà không có nghĩ nữa... Chợt tôi tự hỏi: Cuộc tình duyên rắc rối này rồi kết quả ra sao? Tôi không dám tìm cho ra câu trả lời. Tôi không dám nhìn đến tương lai nữa. Vì tôi mang máng như có cái cảm trước là: Nó là một cuộc tình duyên không có ngày mai!

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Thu 02 Sep 2021, 11:33

10


Dưới ánh nắng ấm áp của một buổi sớm mùa đông, thần hoa như đã dụng công tỉ mỉ mà nhuộm lên các màu chỉ sai nhau đôi chút của các giống hoa đào...

Tôi cầm tờ Khai Hóa bước ra vườn. Mắt tôi trông các bông hoa đua nở, tay tôi tôi xé cái băng quấn báo, mà lòng tôi thì nghĩ đến Lan. Tôi mong gặp Lan ở trong vườn để cùng Lan từ biệt. Tôi tìm một chỗ kín mà ngồi, cốt sao cho nếu có ai ở ngoài cửa vườn bước vào, thì tôi trông thấy họ mà họ không trông thấy tôi. Tôi chọn cái đôn đặt ở sau một bụi hải đường. Tôi giở báo ra đọc. Lòng tôi hớn hở khi tôi thấy văn tôi lần thứ nhất được đem lên đầu báo và in bằng chữ lớn. Tôi còn nhớ cái đầu đề bài đại luận (!) ấy là: "Tết nhất đã đến sau lưng!", một câu phong dao! Đại ý trong bài là phản đối tục ăn Tết. Tôi viện ra đủ mọi thứ lý do, chỉ trừ ra một cái lý do thiết thân cho tôi lúc ấy là: Vì có tục ăn Tết mà này đây tôi phải xa Hữu, xa Lan, để về nhà quê làm một cái khổ dịch rất ít nghĩa lý trong suốt ba ngày chạy ngược, chạy xuôi, lạy cho khắp tám mươi nhăm cái giường thờ đại tôn, tiểu tôn của hai họ nội và họ ngoại! Vì cái khổ dịch ấy tôi sẽ đau cả hai đầu gối. Và, nếu trời mưa, đường lội, tôi sẽ sứt cả mười đầu ngón chân. Tuy vậy, lúc tôi còn nhỏ, nó đã làm vui cho tôi. Vui không phải là ở chỗ no đến cổ mà chốc chốc lại bị người ta ép ăn nếm mấy miếng bánh, mấy miếng giò. Vui là ở chỗ chốc chốc lại có người mừng tuổi cho tôi mấy đồng xu hay mấy đồng kẽm. Đó là món tiền vốn cho tôi đánh Tam cúc. Món tiền ấy nếu không thua hết trong tháng Giêng thì sang tháng Hai tôi sẽ mua mấy con gà con mà nhuộm mỗi con một màu phẩm. Những con gà con ấy thay cho tôi những con yểng, con khướu, con vẹt, con vàng anh mà tôi không đủ tiền mua... Nhưng khi ấy thì tôi thấy việc đi lễ ông vải là ngại lắm rồi. Món tiền nhỏ mọn tôi được không phụ công lên gối, xuống gối1 của tôi. Vả chăng, tuổi tôi đã nhớn, cũng không mấy người cho tiền nữa.

Tôi xem qua hết tờ báo mà Lan vẫn chưa ra. Tôi nhìn cảnh vật quanh mình, tự nhiên thấy man mác nỗi buồn ly biệt. Mình tôi còn ngồi đấy mà tôi đã cảm trước đến cái khổ "bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người". Tôi cố tìm trong các thú vui ngày Tết, xem có cái gì đủ kéo lại cái buồn vắng bạn của tôi. Tôi nghĩ đến những ngày Tết khi tôi còn tấm bé. Tôi nhớ lại. Tôi thấy tôi lăng băng ở trước các hàng xén trong một phiên chợ nhà quê, mà cả mua tranh, mua pháo. Tôi thấy tôi xo ro ở cạnh bếp chực giò con cùng bánh rùa... Tôi thấy tôi xun xoe đi xem các cây nêu, các cây đèn bóng dựng ở trước cửa mọi nhà... Tôi thấy tôi đương lơ mơ nửa ngủ, nửa thức, nhặt dần những quả táo trải giường mà ăn, thì người nhà vào kéo tôi dậy, rửa mặt cho tôi bằng nước lá mùi, rồi mặc cho tôi những quần, áo mới... Tôi thấy tôi chen chúc vào giữa đám con gái ngồi, đứng chung quanh những bàn rồi mỏ2 ở sân đình làng tôi, rồi một lúc sau, tôi lại la cà đến các bàn quay đất, các bàn xóc đĩa... Tất cả những cái ấy, tôi đều không thấy gì là thú vị nữa, cho đến sự âu yếm của mẹ tôi, tiếng cười, nói cua các chị, em tôi, cũng không đủ yên ủi tôi khi vắng khuôn mặt có duyên của Hữu cùng cặp mắt đa tình của Lan...

Lan đã đến, buồn rầu hỏi tôi:

- Hôm nay Ngọc về à?

Tôi cố làm ra vẻ thản nhiên:

- Lát nữa, ăn cơm xong tôi về, nhân tiện đây chúc Lan và cả nhà ăn Tết được vui vẻ.

- Thế hôm nào Ngọc lên?

- Trước hôm vào học.

- Sao không lên từ mồng ba?

- Để còn xem có thể được không.

Lan thở dài, ngắm nghía một nụ hải đường mà Lan đã vô tình ngắt vào trong tay. Rồi Lan đưa cho tôi.

- Này Ngọc trông: Cái nụ này sao khéo giống quả tim con người ta! Cầm lấy! Cầm lấy để về nhà mà xem. Hễ thấy cái nụ này lìa cành nó béo thế nào thì nhớ rằng tim Lan xa Ngọc cũng héo như thế đấy!

- Nhà thơ có khác! Nói câu nào cũng sặc những mùi thơ!

Nói xong tôi hôn cái nụ hải đường rồi bỏ vào trong túi chiếc áo gi lê tôi mặc ngoài lần áo lót. Trông lên thì mắt Lan đã đỏ hoe và đẫm lệ. Cái khổ biệt ly, làm cho tôi thoáng trông thấy cái tương lai mờ ám. Một tay vịn tay Lan, một tay rút mùi soa với lên lau nước mắt cho Lan, tôi bàng hoàng nói:

- Lan đừng khóc! Lan khóc lòng tôi khổ lắm! Xa nhau có mấy ngày, đã đau đớn cho Lan đến thế! Rồi đây, nhỡ không may có lúc phải xa nhau hàng mấy tháng, mấy năm, hay suốt đời không nhìn thấy nhau nữa, còn đau đớn cho Lan đến thế nào?...

Tôi còn muốn nói nữa, nhưng Lan đã rũ người ra và ngả vào lòng tôi. Tôi vội vàng đỡ Lan, muốn xốc Lan đứng lên, song người tôi cũng bủn rủn, hết sức mạnh. Thành thử ra hai gối Lan thì quỳ xuống bụi cát tường mọc dưới chân tôi, còn đầu Lan thì gục vào đầu tôi. Lan nức nở khóc. Những giọt nước mắt nóng của Lan, thấm qua lần áo lót vào đến ngực tôi, tôi tưởng như nó làm cho phần hồn tôi, phần xác tôi cũng sắp sửa tan ra thành nước cả! Tôi hối hận câu nói của tôi đã thêm một vết thương cho trái tim Lan đương đau đớn sẵn. Tôi muốn tìm lời khuyên giải, song óc tôi đã tê dại không còn nảy ra một ý tưởng gì... Một lúc sau, xa nghe tôi thấy tiếng thím tôi giục người nhà gọi tôi về ăn cơm. Tôi như người chợt tỉnh, vội lay Lan và gọi Lan:

- Lan! Thôi Lan! Có người ra kìa! Đừng khóc nữa!

Lan ngửa mặt lên nhìn tôi. Tôi lau nước mắt cho Lan, rồi cúi xuống hôn Lan, một cái hôn nồng mặn và kéo dài. Ngoài cửa vườn đã có tiếng gọi tôi. Tôi vội dời môi Lan ra, vừa lên tiếng đáp, vừa đỡ Lan đứng dậy. Lan bảo tôi:

- Thôi Ngọc về ăn cơm không có nhà đợi!

Tôi vuốt ve bên má Lan:

- Nhưng Ngọc xin Lan đừng khóc nữa đấy nhé!

Lan gật đầu. Tôi còn hôn Lan một lần nữa, rồi mới buông Lan đứng lại một mình bên gốc hải đường mà quay ra...

Tôi về buồng ăn thì com đã dọn sẵn. Mọi người đã đông đủ, duy thiếu mặt Hữu. Tôi hỏi thím tôi:

- Thưa thím, em Hữu con đâu ạ?

Thím tôi đáp:

- Em nó hơi khó ở, không muốn ăn. Thím đã bảo pha sữa cho nó rồi.

Tôi ngồi vào bên mâm, ăn cho xong bữa. Rồi lên buồng riêng mặc quần áo và sắp hành lý. Cuối cùng mới chạy sang buồng Hữu. Hữu đương nằm. Thấy tôi vào Hữu vén màn, ngó cổ ra mà hỏi:

- Anh về đấy à?

- Phải, em cảm ra làm sao? - Tôi trả lời và hỏi lại.

Hữu gượng cười, sẽ nói:

- Không! Em có sao đâu! Lúc sáng ngồi nghĩ đến anh hôm nay về nhà quê, lòng em nó cứ thế nào! Sợ ngồi ăn cơm với anh, nhở ra trông anh, em không cầm được nước mắt, nên em phải nói dối thím.

- Thế mà làm anh điên cả ruột! Anh cứ tưởng em cảm thực kia chứ!

- Không! Anh cứ yên tâm.

- Bây giờ thì anh yên tâm rồi. Nhưng...

- Nhưng... sao?

- Nhưng anh về, không kỳ em khóc kia! Hễ ở đây em khóc lúc nào, là ở nhà anh sốt ruột lúc ấy...

- Không! Em không khóc. Em nghĩ ra rồi! Anh về vài, ba ngày anh lại lên, làm gì mà khóc. Khóc ngày Tết nhỡ nó dông cả năm thì sao!

Con hầu Hữu từ phòng bên bước vào. Tôi nhìn Hữu:

- Thôi, anh ra chào chú, thím.

Nói rồi, tôi để hai ngón tay lên môi, ra hiệu hôn Hữu rồi mỉm cười mà lui ra...

Tôi đám đoan rằng: Những lời tôi nói với Lan và Hữu trong buổi ấy đều là lời chân thành. Trong một bộ tiểu thuyết Tây nào, cũng có người đàn bà một ngày hai lần khóc ở trước mặt hai tình nhân, mà không lần nào là khóc dối cả3. Tuy vậy, theo lời người chép chuyện thì lòng yêu của người đàn bà ấy là lúc này thực yêu người này, song lúc khác lại thực yêu người khác; còn lòng yêu của tôi thì lúc nào tôi cũng thực yêu cả Hữu và Lan. Chỗ tôi với người đàn bà ấy khác nhau, có lẽ là vì chúng tôi ở hai xã hội khác nhau. Cái tâm lý "chín em anh thương cả vừa mười" của tôi, có lẽ gây ra bởi cái hoàn cảnh nước Nam, một nước theo chế độ một chồng nhiều vợ...

_______________________________________

[1] Ý nói đứng lên rồi quỳ xuống.

[2] Rồi mỏ: Có lẽ là mõ. Một số đình làng xưa có cái mõ lớn (còn gọi là thái bình) làm bằng khúc cây lớn, khoét rỗng ruột, có thể có giá đỡ hoặc giá treo, dùng để gõ lên khi có hỏa hoạn hoặc giặc cướp.

[3] Nhiều khả năng Nhượng Tống muốn nhắc đến Madame Bovary của Flaubert.
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Mon 06 Sep 2021, 09:51

11


Ngày tôi từ biệt Lan và Hữu, tức là ngày tôi từ biệt cái hạnh phúc được yêu. Tuy trong khi yêu ấy tôi đã tốn bao nước mắt, bao tiếng thở dài, cùng chịu bao mối cảm xúc mệt người, năm mười sáu tuổi, tôi nhìn lại vẫn là một năm có hạnh phúc. Trong đời, tôi chỉ mong được cái hạnh phúc tương đối như thế. Nhưng sang năm sau thì cái hạnh phúc ấy không còn nữa. Ôm một tấm lòng yêu tuyệt vọng tôi đã tự đầu độc cho tâm hồn tôi...

Khi về đến nhà, tôi lên chào thầy tôi. Thầy tôi cùng bác tôi đương ngồi uống rượu. Tôi chào xong, thầy tôi cho phép tôi ngồi hầu chuyện. Tôi xón vén1 lại bên tấm phản, hai chân xếp bằng lại, hai tay chắp vào với nhau để đàng trước mặt và hai mắt tôi chăm chăm nhìn vào đấy như các ông triều thần nhìn vào cái hốt cầm tay. "Quân tử bất trọng tác bất uy, học tắc bất cố" (Người quân tử không nghiêm trọng thời không có oai; học thời không bền), bao giờ tôi ngồi trước mặt các bậc tôn trưởng trong nhà cũng phải nhớ câu ấy mà ngồi cho "có phép". Trước mặt thầy tôi và bác tôi, tôi tự nhiên thấy tôi là kẻ có tội với "danh giáo". Trong một năm nay, từ hành vi đến tư tưởng, đã bao nhiêu điều tôi vượt ra ngoài vòng "luân lý khuôn". Gần Hữu và gần Lan, ngày nào tôi không phạm đến cái lễ "nam, nữ thụ, thụ bất thân" (con trai, con gái không đưa tay cho nhau vật gì) của các đấng Thánh, Hiền? Lòng tôi thấy xôn xao, áy náy. Chợt nghe bác tôi hỏi:

- Thầy với bác đang nói chuyện thơ. Bác nói, bác thích thơ Thanh Liên2. Thầy bảo, thầy thích thơ Kiếm Nam. Còn cháu, cháu thích thơ nào?

Tôi "dạ" chưa kịp thưa thì thầy tôi đã nối lời bác tôi:

- "Thi ngôn chí". Bác hỏi thế là bác muốn biết chí hướng của con đấy. Có thế nào nói cho thật.

Tôi lại cất tiếng dạ, trong lòng thì cảm động về giọng nói ôn tồn của thầy tôi: Từ thuở tôi biết, lần này mới là lần thứ nhất thầy tôi gọi tôi bằng "con" mà không gọi bằng "mày". Bác tôi lại giục. Tôi đứng dậy chắp tay vào ngực, thưa:

- Bẩm bác, con thích thơ Đỗ Phủ.

Bác tôi gật gù nói:

- Ừ! Cứ ngồi xuống, bác hỏi: Sao cháu lại thích thơ Đỗ Phủ?

Tôi ngồi xuống mà đáp:

- Bẩm bác, con thích thơ Đỗ Phủ, vì trong thơ chứa chan tấm lòng trắc ẩn. Trong Toàn Tập, biết bao nhiêu bài tả những cảnh huống khổ nhục của đám dân nghèo. Mỗi khi con đọc, lại thấy như có đám người khố rách, áo ôm ấy kêu khóc ở bên tai, mà trong lòng thì uất ức muốn đứng phắt dậy... Thơ như thế mới thật là "khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán3!" Con tưởng người làm thơ nên như Đỗ Phủ chứ không nên như Viên Tử Tài4 hay Bạch Cư Dị, chỉ biết đem thơ mà phò nịnh bọn giàu sang.

Bác tôi cất chén gật gù:

- Câu nói hay!

Thầy tôi thì cười:

- Thế mới thật con cha! Rồi mày ngày sau sẽ nghèo và sẽ khổ, con ạ!

Bác tôi bỗng hỏi thầy tôi:

- Cháu năm nay đã nhớn. Chú, thím đã định nơi nào cho cháu chưa?

- Thưa chưa. Cũng có nhiều nơi người ta muốn cho. Tôi định nhân độ này nó về nghỉ, cho nó đi nom mắt qua cả một lượt. Rồi nó bằng lòng đám nào, tôi sẽ liệu.

Câu nói của thầy tôi làm cho người tôi phát rét. Tôi ngồi lặng mà nghĩ cách đối phó. Nghĩ đã chín, tôi liền quyết định dùng kế "hoãn binh". Rồi tôi mỉm cười mình lại bảo mình:

- Tưởng rằng về phải chịu cái khổ đi lễ tổ, ai ngờ lại phải chịu cái nợ đi nom mắt vợ! Việc đời có biết đâu mà lường được!

Tối hôm ấy tôi ngủ ở trong màn thầy tôi. Cái đó là một cái khổ. Vì tính tôi nằm hay dẫy dọn5, còn thầy tôi thì thích tĩnh và hay gắt. Cho nên mỗi khi chung giường với thầy tôi, tôi phải cố mà nằm yên như một cái xác, đến nỗi tôi thức hay ngủ thầy tôi cũng không biết nữa. Bấy giờ thầy tôi sẽ hỏi tôi:

- Ngọc thức hay ngủ đấy?

Tôi dạ. Thầy tôi nói:

- Mai là ngày ba mươi, phiên chợ. Thầy cho đứa nó dẫn con6 ra chợ. Nó sẽ chỉ cho con những đứa mà người ta định gả cho con. Chợ Tết, chắc đứa nào cũng đi cả. Nhược bằng có đứa nào con không xem được, thì trong ba ngày Tết, thầy cho con đi đến từng nhà mà xem. Các nhà ấy, chỗ quen biết cả ấy mà! Cứ nói là đi lễ Tết nhân tiện vào chơi. Mà đã có đứa nói, con cũng không cần phải nói nữa. Thế là người ta biết ý, sẽ lập cách cho con nom được...

Tôi chiêu tập hết cả sức mạnh bạo trong người, rồi đường hoàng thưa lại:

- Bẩm thầy, cổ nhân ba mươi tuổi mới lấy vợ. Con còn bé, thầy mẹ hãy cho con chuyên tâm về việc học. Việc hôn nhân xin để thong thả, con tưởng cũng không muộn gì! - Tôi tưởng tôi viện cổ nhân ra như thế là đủ chiết phục7 được thầy tôi, không ngờ thầy tôi lại cười mà nói bông:

- Con không muốn lấy vợ à? Ngày xưa có một anh, lúc bé, cha, mẹ bảo lấy vợ cho thì nói: "Xin để thư thả, con còn bé!" Đến lúc nhiều tuổi thì lại nói: "Con già rồi, còn vợ, con gì nữa!" Rồi thầy tôi lại tiếp bằng một giọng nghiêm nghị: "Con nói cũng phải. Nhưng con nói thế là con chưa rõ đến tình cảnh nhà. Đã ngót nửa năm nay, sức thầy thấy yếu đi nhiều. Ăn không được. Ngủ không được. Ngửi đến rượu thì kinh. Con coi ban nãy ngồi tiếp bác, thầy chỉ cầm chén chứ có uống đâu. Ông có nói chuyện cụ ngày xưa khi sắp mất. Thầy xem ra, cái bệnh thầy bây giờ cũng thế. Thế mà thuốc thang mãi không khỏi con ạ! Con thử nghĩ nếu thầy chết đi thì tình cảnh nhà ta ra thế nào. Con thì đi học. Các chị con thì chúng nó ở nhà chồng. Ở nhà chỉ có mẹ con và mấy đứa em nhỏ. Mẹ con, người vốn 'năm ngày ba tật'. Trông ai khi tắt lửa, tối đèn? Ai là người giúp đỡ mẹ con mà trông coi nhà cửa, chăm chút các em? Cho nên thầy muốn định liệu sớm cho con. Nhỡ một mai thầy có thế nào, có người nó sớm hôm quấn quít với mẹ con. Trước là mẹ con đỡ khó nhọc. Sau nữa mẹ con cũng được vui bụng..."

Thầy tôi nói đến đấy thì nước mắt tôi đã chan hòa, nằm yên không dám nói nữa.

Thế là hôm sau tôi phải theo một người anh họ tôi ra chợ. Người ấy nói với tôi:

- Tôi cùng cầu Trời khấn Phật cho chú nom được ngay trong buổi chợ hôm nay. Không có thì ngày Tết ông còn bắt tôi dẫn chú đi mỏi cẳng!

Tôi cười:

- Anh không lo. Đến nhà họ thì có vác mặt đến cho họ nom mình chứ mình nom sao được họ! Mà nom được nữa, biết đâu họ không cho nom người này mà cho cưới người khác? Mai chú có bắt đi nữa, anh, em mình cứ việc đem nhau đi chạy láo. Tối ngày ta về nói với chú là đi rồi. Chú biết đâu!

Thế rồi tôi ra chợ đứng vơ vẩn một lúc rồi về. Chứ cũng không nom ai cả. Tôi dặn người anh họ:

- Về thì anh cứ nói là tôi đã nom món nọ, món kia rồi, nhưng không thuận đâu cả!...

Buổi sáng tôi đã nghĩ lại lời thầy tôi nói đêm trước. Tôi thấy việc lấy vợ cho tôi thực không cần thiết gì cả. Giúp đỡ mẹ tôi, việc ấy chỉ một người vú già cũng làm được. Cho nên tôi vẫn quả quyết thi hành kế hoãn binh của tôi là: Nếu khi thầy tôi hỏi lại, tôi sẽ nói không bằng lòng đám nào hết. Rồi vài ngày tôi đi học, thế là chuyện sẽ yên. Kế ấy chỉ làm cho tôi phải mắng mấy câu là cùng. Nhưng khi ở chợ về, tôi chợt nghĩ: Chi bằng đem ngay tình riêng mà kêu nài với thầy tôi. Kíp, chầy8 thế nào chả phải một lần nói? Tôi tự xét mình, thấy có đủ can đảm nói. Trong trí tôi liền nảy ra một câu hỏi: Nhưng trong hai người: Lan và Hữu, nên lựa người nào? Tôi cũng biết rằng lựa người nọ là phụ người kia. Nhưng tôi thấy rằng tôi không có thể giữ vẹn cả hai bề được. Thế rồi tôi quyết sẽ xin lấy Hữu, chỉ vì mỗi một cớ: Hữu là người yêu tôi trước và tôi yêu trước. Định vậy rồi, tôi mong sau cho chóng đến lúc đi ngủ, để thầy tôi hỏi lại và để tôi sẽ nói. Lòng mong ấy cũng y như lòng mong của người bị cáo mong chóng đến ngày ra trước Tòa án: dù thất vọng, biết rõ tình thế mình vẫn đỡ khổ hơn là không biết và nhân đó mà ngày đêm phải phấp phỏng lo phiền.

Nhưng đêm ấy là đêm ba mươi, thầy tôi bận rất nhiều việc. Cho mãi đến nửa đêm, cũng còn phải ra nhà thờ họ dự tế Giao thừa. Bởi vậy, đêm sau thầy tôi mới nhắc lại việc nom mắt. Thầy tôi hỏi:

- Những đứa con đã nom, con không bằng lòng đứa nào cả phải không?

Tôi sẽ nói và nói thật nhanh:

- Thưa thầy, vâng. Nhưng con nghĩ thầy cũng không cần cho con đi nom mắt đâu nữa. Thầy cứ hỏi Hữu nhà chú Hường cho con cũng được.

Nói xong, tôi nằm lặng nghe tiếng trống ngực tôi đập dồn mà đợi thầy tôi trả lời. Thì giờ lúc ấy dài ra cho tôi cũng như cho một người mẹ đứng trong phòng mổ mà chờ thầy thuốc mổ xong đứa con đau, khoảng thì giờ mà hy vọng với tuyệt vọng chỉ cách nhau bằng sợi tóc. Thầy tôi nín lặng một lúc rồi nói:

- Không được, con ạ! Kể ra con ấy cũng khá và tính cũng ngoan. Nhà chú mày lại cũng nhà dòng dõi. Con bằng lòng cũng là phải. Nhưng hai bên còn phải đóng giỗ, đóng Tết với nhau, họ còn gần lắm! Giá phỏng nhà chú mày cũng như nhà ta thì không nói. Nhưng nhà chú mày thì có, mà nhà ta thì nghèo. Lấy như thế, họ lại bảo thầy, mẹ tham giàu mà quên cả tổ tiên! Cái tai tiếng ấy, con có chịu được không? Thầy thì thầy không chịu được!

Mấy câu nói của thầy tôi, làm cho tôi tưởng như tim tôi không còn đập nữa. Tôi sẽ thở dài. Bao nhiêu mộng tưởng về cuộc đời hạnh phúc mà tôi mong hưởng chung với Hữu đều theo tiếng thở dài ấy mà tan... Trong lúc bàng hoàng tê tái, tôi chợt nghĩ đến Lan. Lòng tôi bỗng đâm liều như một người đánh bạc khi đã thua cay nhưng vơ vét còn được ít tiền dính túi. Dù biết đánh tất thua, người đánh bạc có cái liều đánh cho thua một thể. Dù biết nói ra tất thất vọng, tôi có cái liều nói ra cho thất vọng đến cùng. Ánh đèn mờ không soi rõ vẻ mặt nghiêm khắc của thầy tôi. Song tôi cũng nhắm mắt lại, rồi cất giọng run run mà nói:

- Thưa thầy, nếu thầy không bằng lòng hỏi Hữu cho con, thì thầy hỏi Lan con nhà ông Đốc Bò cho con vậy!

Thầy tôi nói:

- Con nhà Đốc Bò à? Thầy không biết nó thế nào, nhưng bố, mẹ nó như thế thì lấy sao được. Nhà nó là một nhà mới nổi, không có nền nếp. Thằng chồng thì quanh năm cô đầu, cô đít! Con vợ thì suốt ngày rong chơi, ngắm vuốt. Một nhà kiêu sa, dâm dật như thế, con cái chắc không có nết. Vả chăng, những con nhà ấy nó lại gả vào những đám vương tôn, công tử. Trừ những nhà biết nhà mình, biết quý dòng dõi, nền nếp, thiên hạ họ không hoài con gái mà gả cho một thằng học trò xác9 như con đâu! Con nên kén ở nhà quê. Nhà ta, nên lấy con gái nhà quê mới phải.

Tôi nín lặng. Vì đã tính trước sự thất bại, nên nghe thầy tôi nói, tôi cũng không nôn nao lắm. Khi nghe đến câu cuối cùng, trí tôi còn nảy ra một cái ý nghĩ khôi hài và chua chát: Thế này ra tôi lấy vợ là lấy vợ cho nhà tôi! Thế mà từ trước tôi vẫn tưởng là lấy cho tôi!

Thầy tôi đóng câu chuyện dằng dai và vô vị của hai cha con, bằng một câu chen vào giữa hai tiếng thở dài:

- Có ta nói thì nói, chứ ta biết chúng mày, những đứa ra học tỉnh, ngày ngày trông thấy những con gái thị thành, có đứa nào là thiết lấy vợ ở nhà quê đâu!...
_______________________________________

[1] Rón rén, co ro.

[2] Tức Lý Bạch.

[3] Trích Luận ngữ. [Xem thơ] có thể phấn khởi được ý chí, xem xét được việc hay dở, hòa hợp được với mọi người, bày tỏ được nỗi sầu oán.

[4] Tức Viên Mai.

[5] Hay loay hoay, không yên.

[6] Ý nói cho người dẫn đi.

[7] Chiết: bẻ gãy, chiết phục có nghĩa là dùng sức mạnh để hàng phục. Ở đây có thể hiểu là "thuyết phục".

[8] Kíp: khẩn cấp; chầy: trì hoãn. Kíp chầy nghĩa là "sớm muộn".

[9] Ý nói học trò nghèo kiết xác.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Wed 08 Sep 2021, 08:53

12


Xong Tết, tôi đi học, đem theo một mối tuyệt vọng ở trong lòng. Tuy vậy, nỗi lòng tôi vẫn giữ kín, không dám ngỏ cho Lan hay Hữu biết. Tính khờ dại và tính tự tôn của tôi bắt tôi phải nghĩ rằng: Nếu tôi cho họ biết thì họ sẽ đau đớn lắm. Thiên hạ có nhiều kẻ trông thấy những người họ yêu, họ thương phải chịu cực còn thấy khổ hơn là chính mình phải chịu cực. Những kẻ ấy, nếu họ không làm gì để khổ cho những người họ yêu, họ thương thì đó chẳng qua là do lòng ích kỷ. Tôi là một kẻ trong hạng người ấy.

Thành thử ra mối tuyệt vọng của tôi chỉ làm cho tôi âm thầm đau đớn một mình. Tôi âm thầm đau đớn như một kẻ ở tang cho một người mà mình yêu quý nhất trên đời. Mà ai bảo tôi không đương ở tang? Cái "tôi" mơ mộng và sung sướng trong năm mười sáu tuổi vừa mới chết xong! Tôi ở tang cho nó! Bao nhiêu những cái nhắc cho tôi nhớ đến nó đều làm bật máu tươi cho vết thương lòng mà không bao giờ tôi có thể hàn gắn nổi. Bao nhiêu những cái ấy đều làm cho tôi xót xa, ghê sợ. Kìa cảnh vườn hoa, tôi không dám bước chân ra nữa: Đấy là nơi nghĩa địa đã vùi xương nó... Nọ Lan cùng Hữu, tôi không muốn nhìn mặt nữa: Đấy là những bạn tình của nó... Này lại những ảnh, những mùi soa, những thứ mà Lan cùng Hữu cho tôi làm kỷ niệm, tôi không nở liền tay ngắm nghía nữa: Đấy là những di tích của nó để lại ở đời... Quanh mình tôi lúc nào hình như cũng vây bọc bởi một vùng không khí lạnh lẽo gớm ghê. Bỗng dưng tôi rùng mình. Bỗng dưng tôi bủn rủn. Tôi chán nản. Tôi biếng nhác. Tôi không còn thấy có thú sống. Những cảnh lọt vào mắt tôi, đều hiện ra màu thảm đạm. Những tiếng đưa vào tai tôi, đều nghe ra những âm hưởng não nùng. Nhiều khi tôi bơ thờ như người mắc bệnh thần kinh. Tôi mê mụ mà quên cả câu tôi vừa nói buông mồm. Tôi vơ vẩn mà tìm cuốn sách chính tôi đương cầm trong tay. Ngoài hai buổi học, hai bữa cơm, tôi lại về buồng nằm. Tôi lơ mơ như người buồn ngủ suốt ngày, song không mấy đêm là ngủ được ngay và không giật mình thức giấc lại hai, ba lượt. Đời trước mắt đã làm cho tôi phiền não. Đời trong mộng cũng không cho tôi được sự nghỉ ngơi. Hễ nhắm mắt lại là tôi lại thấy thần hồn bay lạc đi những đâu đâu. Hoặc là trong bóng hoàng hôn, một mình thơ thẩn trong một cảnh đền miếu hoang tàn. Hoặc là dưới màn mưa bụi, một mình tôi bước chậm bên một hồ nước lặng, rong, dậy mọc đầy, hay trên một quãng đường vắng hai bèn xơ xác những bông lau, bông sậy!... Những giấc chiêm bao như thế làm cho tôi lúc thức dậy thấy trong người lạnh lùng và mỏi mệt... Soi gương tôi thấy đôi mày tôi ủ dột và đôi mắt tôi hình như tắt hết tinh anh... Tuy trước mặt Lan và Hữu tôi vẫn gượng nói, gượng cười, song chỉ mấy ngày là họ đã đoán biết tôi tất có điều gì sầu khổ trong lòng mà không muốn nói. Hữu hỏi tôi:

- Sao độ này trông anh mất cả sắc? Hay ở nhà có chuyện gì để anh lo nghĩ?

Tôi cố làm ra vẻ vô tư lự, nói giỡn:

- Sao em anh lại rủa anh như thế! Tết về anh cảm, người nay còn chưa lại. Đêm anh không ngủ được nên người trông nó mệt đấy thôi!

Lan cũng hỏi tôi:

- Ngọc ơi! Sao Ngọc lại giấu Lan? Chúng mình lại không phải một người sao? Có điều gì khổ tâm, Ngọc san sẻ cho Lan chịu chung với chứ!

Tôi cười:

- Có điều gì mà tôi giấu! Chúng mình bây giờ sung sướng quá! Nhưng nghĩ đến đường xa tôi lại sợ. Không biết rồi đây có được sung sướng mãi thế này hay không? Những khi nghĩ thế thì tôi lại thấy buồn. Thế đấy thôi chứ không có sao cả, Lan ạ!

Lan nín lặng ra ý suy nghĩ. Tôi trông thấy vẻ buồn của tôi in trên nét mặt Lan...

Tháng Ba năm ấy ông Đốc Bò phải đổi đi Thái Nguyên. Lan báo tin ấy cho tôi và Hữu hay, vừa nói vừa muốn sa nước mắt. Hữu bảo Lan:

- Thi sắp đến nơi rồi. Lan xin phép ở đây học với tôi. Thi xong rồi hãy lên trên ấy. Ở nhà tôi cũng như ở nhà Lan vậy.

Lan buồn rầu đáp:

- Tôi cũng đã nói, nhưng cậu, mợ tôi không bằng lòng.

Tôi nhìn Lan thở dài. Tiếng thở dài ấy không phải dấu hiệu của một tấm lòng buồn. Đã mấy tháng nay tôi nằm ngồi với tuyệt vọng. Lòng tôi đã tê tái, không còn biết có gì là vui vậy. Đó là tiếng thở dài của một kẻ tuyệt vọng khi thoáng thấy một tia hy vọng. Tôi có cái hy vọng xa Lan sẽ quên được Lan. Không tìm được hạnh phúc trong sự yêu Lan, tôi đành mong được yên nghỉ trong sự quên Lan vậy! Cố nhiên Lan dù xa, bên mình tôi cũng vẫn còn có Hữu. Cố nhiên một mình Hữu cũng đủ làm cho tôi đau đớn. Tôi biết vậy. Nhưng tôi mong quên Lan cũng như ai mang hai vết thương, khi không khỏi được cả hai, hãy mong cho khỏi một. Tôi mong tôi quên Lan, rồi tôi lại mong Lan không còn nhớ đến tôi. Tôi liền quyết ý đem mối tuyệt vọng của tôi mà nói rõ cùng Lan. Tôi suy nghĩ xem nên cho Lan biết theo cách nào. Trước hết, tôi định nhân khi từ biệt, tôi sẽ nói cho Lan biết. Nhưng tôi sợ kết quả của cách ấy. Tôi không nỡ trông thấy Lan đau đớn trong khi trái tim Lan một lúc phải chịu hai mũi tên "biệt ly" và "tuyệt vọng"! Thế rồi tôi định cho Lan biết bằng thư, sau khi từ biệt. Nhưng tôi lại ngại thư bị người nhà hay thầy giáo biết trước mà không đến tay Lan. Sau cùng, tôi nghĩ được một cách tiện lợi hơn: tôi viết thư mà đưa tay cho Lan, trước khi từ biệt. Tối hôm ấy tôi không xuống buồng học. Tôi đem bút giấy về buồng ngủ mà viết thư. Tôi viết từ chập tối đến nửa đêm trước, sau sáu bức, xong, khi đọc lại, tôi lại lần lượt xé đi tất cả. Tôi ném bút đứng dậy, đi bách bộ ở trong phòng, nhất định nghĩ kỹ rồi mới viết chứ không nghĩ đến đâu viết đến đấy như trước nữa. Thế rồi tôi viết một bức thư dài hết hai trang giấy lớn. Trong thư nhiều đoạn rất giả dối. Song giả dối nhất là câu: "Không được yêu Lan, đời tôi, tôi thề không dám yêu ai nữa!" Kỳ thực thì ngoài Lan ra, tôi vẫn yêu Hữu. Vả chăng, nào có ai cấm tôi không được yêu Lan! Tuy giả dối làm vậy, mà bức thư ấy, khi tôi đọc lại, cũng làm cho tôi nước mắt chan hòa. Văn tôi đã làm cảm động tôi, cũng như giọng nói, giọng hát của một người đóng trò làm cảm động họ ở trên sân khấu. Tôi cố tình để cho nước mắt tôi nhỏ vào lòe loẹt cả thư, để cho Lan biết thư tôi thực là "hòa lệ mà viết". Tôi còn ngồi trước bức thư để đợi cho khô nước mắt, thì Lan đã đẩy cửa buồng mà bước vào, vịn vai tôi, cầm lấy thư xem. Tôi luống cuống đứng dậy, nhường ghế cho Lan. Không biết Lan đọc có hết hay không, mà mấy phút sau đã thấy nức nở gục đầu vào bức thư. Tôi van, tôi lạy thế nào, Lan cũng không nín nữa. Không làm thế nào được, tôi đóng chặt cửa buồng lại. Rồi kéo ghế, ngồi bên Lan, gục mặt xuống bàn, tôi cũng khóc theo Lan. Trong khi tôi khóc, tôi thấy tôi có đủ can đảm mà tự sát theo Lan, nếu khi Lan có ý ấy. Chợt thấy Lan lay tôi mà gọi:

- Ngọc! Ngọc! Rồi hãy khóc! Lan bảo đã.

Tôi lau nước mắt nhìn Lan. Khuôn mặt Lan, sau một trận khóc, dưới một ánh đèn hơi mờ, đã hiện ra một vẻ đẹp thần tiên, tôi chưa từng được thấy. Lan cất giọng chua chát hỏi tôi:

- Bây giờ Ngọc không tin Lan nữa?

- Sao Lan lại nói thế?

- Thế sao Ngọc khuyên Lan quên Ngọc? Ngọc cho rằng Lan có thể quên Ngọc được hay sao?

- Không phải thế! Nhưng Ngọc nghĩ Ngọc là một đứa chẳng ra gì. Nếu Lan không quên Ngọc thì Ngọc phải hối hận suốt đời rằng: Chính Ngọc đã giết Lan, đã giết cả hạnh phúc một đời của Lan!

- Thế thì Lan không giết Ngọc, không giết cả hạnh phúc một đời của Ngọc hay sao? Như trong thư Ngọc viết: "Không được yêu Lan, Ngọc thề không dám yêu ai nữa"...

- Nhưng Lan khổ, càng khổ thêm cho Ngọc!

- Ngọc tưởng vậy, nhưng Lan nghĩ khác. Lan thấy rằng nếu chúng ta không quên nhau thì chưa hẳn đã tuyệt vọng. Nhưng cái đó còn tùy ở Ngọc...

- Sao lại thế? Lan nói rõ. Đầu óc Ngọc bây giờ đã mê mụ đi cả!

- Ngọc có thể, nhà hỏi đâu cho, cũng nhất định không lấy không?

- Cái đó thì đã đành!

- Thế thì được rồi! Chúng ta lại không có lúc làm được đủ nuôi miệng hay sao? Đến lúc ấy, nhà không thuận, ta có thể bỏ nhà theo nhau được.

Câu nói cứng cáp của Lan làm cho tôi tỉnh ngộ. Do câu nói ấy, Lan đã sẻ cho tôi một phần nghị lực. Tôi nhìn tương lai không thấy đen tối mịt mù như trước nữa, tuy nó là một quãng đường đầy những chông gai... Nét mặt chúng tôi trở nên bình tĩnh sau một trận khóc hết nước mắt, cũng như bầu trời trở nên quang đãng sau một trận mưa rào. Chúng tôi vui vẻ mà bàn nhau về những chuyện đường xa. Chúng tôi khuyên nhau cố học cho lên bậc trung học để có thể cùng nhau tái hội ở Hà Nội. Chúng tôi mơ màng đến những cuộc gặp gỡ nhau ở các bờ hồ, các vườn hoa trong những ngày nghỉ học... Tiếng gà xao xác gáy. Chúng tôi từ biệt nhau sau một cái hôn say mê, đằm thắm nó như nối lại mối tình suýt đứt giữa chúng tôi...

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Thu 09 Sep 2021, 09:30

13


Bấy giờ là một buổi sáng trong vụ nghỉ hè.

Tôi đương ngồi ăn cơm với chú, thím tôi cùng các em thì có người nhà đến tìm. Người ấy chào cả nhà rồi nói với tôi:

- Bẩm cậu, mời cậu về ngay; ông ở nhà ngặt lắm!

Tôi giật nảy mình, buông đũa bát đứng dậy rồi thu xếp ra về. Dọc đường, bao nhiêu lần tôi hỏi người đày tớ về bệnh trạng thầy tôi. Tuy hắn đã đáp rồi mà chốc chốc tôi lại hỏi lại. Khi tôi về đến nhà thì trời đã chiều. Những tiếng tràng, tiếng đục của bọn thợ mộc đóng quan tài như đập thẳng vào tim, óc tôi cho tan ra từng mảnh vụn! Vào trong nhà, tôi thấy thầy tôi đương ngồi ở trong giường, tựa mình vào mấy cái chăn gấp vuông lại và để chồng lên nhau. Tuy đầu thầy tôi đã cạo trọc và người gầy yếu hơn trước nhiều song cửa vẫn mở, màn vẫn vắt một bên, quang cảnh trong nhà coi không ra quang cảnh chỗ nằm của người Việt Nam sắp chết.

Tôi vào chào thầy tôi, rồi ngồi vào chiếc ghế đặt ở trước giường mà hỏi thăm về bệnh trạng. Thầy tôi cười, cất giọng mỏi mệt đáp:

- Bệnh thầy thì hỏng rồi, con ạ! Đã hai hôm nay đại, tiểu tiện bí cả. Chốc chốc lại lên cơn đau bụng. Con trông đây: chân, tay lại hơi phù. Ăn uống cái gì vào là thổ ra ngay. Các thầy lang bó tay chịu cả. Kìa! sao lại khóc? Thầy đã chết đâu mà khóc? Mà khóc có ích gì đâu, con!...

Tuy sợ thầy tôi thật, song tôi lau nước mắt đi nó lại tràn ra. Kỳ thực thì sự trông thấy một người thân đương vào tay thần Chết lôi đi, mà mình chịu bó tay ngồi nhìn, vốn là một cảnh không mấy người nín được khóc, dù biết khóc là vô ích. Hai chị tôi ngồi ở cạnh thầy tôi, thấy tôi khóc cũng khóc nức nở. Thầy tôi gắt:

- Ô hay! Những quân này lạ chứ! Chúng mày định làm tội bố chúng mày đến lúc chết à? Trông thấy chúng mày khóc, tao khó chịu vô cùng! Tao chịu tội với chúng mày đã chán rồi! Bây giờ sắp chết, cũng để cho tao thư thả một chút chứ!

Nói đến đấy, thầy tôi đã mệt, thở lên hồng hộc. Chúng tôi không dám khóc nữa. Vội vàng đỡ thầy tôi nằm xuống. Thầy tôi bảo tôi ngồi vào trong giường và xua các chị tôi ra ngoài. Rồi thầy tôi cầm. tay tôi, đặt vào ngực, nhìn tôi một cách âu yếm. Đó là lần thứ nhất thầy tôi tỏ lòng yêu tôi bằng hai mắt. Tôi không thấy sợ thầy tôi nữa. Đối với thầy tôi lúc ấy, tôi thấy trong lòng chỉ chứa chan những mối yêu, thương. Yên lặng một lúc, thầy tôi mới thở dài mà sẽ bảo tôi:

- Bây giờ là lúc thầy cần phải nói với con. Bây giờ không nói, sợ rồi ra muốn nói cũng không kịp nữa: Chân, tay thầy thấy đã buồn bã cả...

Tôi dạ. Thầy tôi lại nói:

- Thầy là một người suốt đời bất đắc chí! Lúc thiếu niên, nào thầy có thiết chi phú, quý ở đời này! Trung gian chỉ vì cớ đông chúng con mà phải đem thân luồn, cúi người ta! "Vị ngũ đẩu mễ chiết yêu!"1 (Vì năm đấu gạo mà phải khom lưng), cái nhục ấy không bao giờ thầy quên được! Cho đến bây giờ tuổi già, mình yếu, trông lại hoài bão lúc bình sinh, nghìn phần thầy không làm được phần nào cả! Thầy thật không có mặt mũi nào trông thấy người thiên hạ! Cho nên, con xem đấy, có lúc nào là thầy được vui đâu! Sống như thầy thật có như nhời cổ nhân: "Mạc nhược tốc tử chi vi dũ!" (chẳng gì bằng chóng chết là hơn cả). Bây giờ chết đi, thầy còn tiếc gì đời nữa! Chỉ thương hại cho mấy đứa em con còn bé, dại cả. Nhưng biết làm sao được! Thôi thì thương thầy, con thương lấy chúng nó. Liệu đấy mà nuôi, dạy cho chúng nó nên người... Thôi, ra gọi chúng nó vào đây! Thầy chỉ dặn con có thế.

Tôi bàng hoàng chạy ra, gọi ba đứa em nhỏ tôi vào. Thầy tôi bảo chúng nó ngồi cả chung quanh, rồi chỉ tôi mà dặn:

- Thầy chết đi, anh nó bảo thế nào, chúng con phải nghe thế nhé!

Chúng nó vừa cất tiếng vâng, vừa sụt sịt khóc. Thầy tôi cười nhạt, cầm lấy tay chúng nó:

- Nín đi thầy bảo! Thầy nói thế chứ thầy đã chết đấy2!

Rồi thầy tôi lại như nói một mình:

- Ai ngờ tôi lại chết uổng vào tay vợ, con tôi!

Tôi ngồi ngây mà nhìn thầy tôi và mấy đứa em nước mắt dài, nước mắt ngắn trong ánh sáng lờ mờ của cảnh hoàng hôn. Hai chị tôi đem đèn vào, đổ nước sâm cho thầy tôi, nhưng thầy tôi gạt ra không uống. Mẹ tôi vào gọi tôi và mấy đứa em ra ăn cơm. Ăn xong, tôi lại vào bên giường bệnh. Mẹ tôi thì tiếp các người đến hỏi thăm ở bên ngoài. Thầy tôi bảo các chị tôi có chuyện cổ tích gì tức cười kể lại thầy tôi nghe. Các chị tôi dạ, song không tìm được chuyện gì kể. Thầy tôi liền bảo tôi:

- Thôi! Thằng Ngọc đi lấy tập thơ Phương Đình3 đọc tao nghe cũng được.

Tôi đọc một lúc thì nghe tiếng thầy tôi ngáy. Tôi thôi không đọc nữa, vì tôi chắc thầy tôi ngủ. Nhưng khi nhìn xuống thì thấy mắt thầy tôi vẫn mở, và đưa đi, đưa lại luôn luôn. Tôi sợ hãi, hỏi người anh trưởng họ tôi, lúc ấy ngồi bên tôi:

- Anh ơi! Anh trông mắt chú sao lại thế này?

Anh ta nhìn rồi đáp:

- Chú mê mất rồi! Thử gọi xem!

- Nhưng chú đương ngáy. Tôi sợ gọi chú mất giấc ngủ.

- Cứ thử gọi xem! Ngủ sao lại mở mắt? Có dễ chú thở ra đấy, không phải ngáy đâu!

Tôi luống cuống, ghé bên thầy tôi mà gọi. Nhưng gọi thế nào thầy tôi cũng không đáp nữa!...

Sau khi đưa đám thầy tôi, tôi theo học lên Hà Nội. Sự biến cố trong nhà, sự xa Hữu và Lan, làm cho tâm hồn tôi có một đôi phần thay đổi. Nhiều khi tôi muốn đoạn tuyệt với cả hai người để được chuyên tâm về việc học. Tôi cho rằng cái cuộc tình duyên rắc rối ấy, tôi theo đuổi bao nhiêu, chỉ chuốc thêm phiền não bấy nhiêu, chứ chung quy tất không có kết quả gì! Tuy vậy, tôi không đủ can đảm để làm theo ý muốn của tôi. Tôi như một anh nghiện kiết nào, vẫn biết thuốc phiện làm cho mình càng ngày càng thêm cùng quẫn, song không sao mà bỏ được. Sự bỏ thuốc phiện làm cho anh ta chịu ngay cái khổ nhỡn tiền - cái khổ "thuốc phiện vật"! Sự đoạn tuyệt với ái tình đối với tôi cũng vậy: sống không yên, cô ả nhàn sầu cũng có sức "vật" tôi khổ hơn là mắc tay cô ả phù dung! Chao ôi! Vì hèn nhát, trong đời còn biết bao nhiêu kẻ hy sinh tương lai cho hiện tại như tôi với anh nghiện ấy? Cũng bởi thế mà khi đến Hà Nội là tôi viết thư ngay cho Lan và Hữu. Nhưng sau khi gửi thư đi, tôi mong mãi mà không được thư trả lời. Thế rồi khi lòng mong đã đến cực độ, tôi thấy sự mong làm khổ tôi quá! Tôi liền phát phẫn mà không mong! Tôi cho là họ không bao giờ trả lời tôi nữa! Tôi tự nhủ bằng một câu chua chát: "Thôi mong làm chi nữa! Mày chẳng qua là một món nghiên cứu để chúng nó dùng trong khi vỡ lòng học sự yêu trai! Bây giờ mày là đứa học trò xác, mà chúng nó thì là những cô tiểu thư nghìn vàng! Đứa nào còn nghĩ đến mày nữa!" Sự suy nghĩ ấy giúp cho tôi quả quyết thi hành cái ý muốn mà trước kia tôi không làm nổi. Đêm khuya tôi ngồi dậy, cầm ngọn đèn trong đêm ra ngoài sân gác. Rồi tôi lục hết cả các món mà hai người cho tôi làm kỷ niệm, nào ảnh, nào tóc, nào mùi soa, nào gối, tôi đem đốt cho kỳ hết. Tôi ngồi ngây ra mà nhìn cho ngọn lửa vô tình cháy dần những món tôi yêu, thương về trước đó, rồi tôi đem nước mắt nóng mà tưới cho nắm tro tàn. Trái tim tôi lúc ấy, như cũng đã tàn ra tro! Tung đám tro đó cho bay tan sang nóc nhà láng giềng, tôi tự yên ủi tôi: "Thôi thế cũng xong! Thà rằng bây giờ họ phụ mình, còn hơn sau này có lúc mình phụ họ!" Từ đó tôi chuyên tâm về việc học. Tuy vậy, mỗi khi nhớ đến việc cũ, tôi lại thở dài như một nhà đạo đức hủ4: Tôi thở dài cho thế thái, nhân tình!

Ai ngờ ngay trong năm ấy, lại còn một việc làm cho tôi phải thở dài cho thế thái nhân tình một cách chua cay hơn thế!

Nhà tôi vốn là một nhà thế gia, nghĩa là một nhà nghèo. [...]5

Giàu là những nhà đi buôn, những nhà làm ruộng. Phần di sản của ông tôi để lại cho thầy tôi có một sào đất với ba sào ruộng. Khi thầy tôi còn làm việc, ruộng, mẹ tôi cũng dành dụm tậu được thêm ba mẫu. Đó là cả cơ nghiệp nhà tôi ở trong làng. Cái cơ nghiệp ấy, sau khi thầy tôi mất đã hao hụt đi nhiều. Không muốn ai nói động đến vong linh thầy tôi, mẹ tôi đã phải làm mấy bữa cỗ trả "nợ miệng" các nhân đinh trong làng và các quan viên trong hàng tổng, hàng huyện: Thầy tôi xuất thân là một ông Cử. Thế là đi đứt mấy mẫu ruộng mới tậu. Tuy vậy, nhà tôi còn một cái cơ nghiệp ở ngoài làng nữa là năm mẫu ruộng mà ông ngoại tôi chia cho mẹ tôi. Việc quản lý mấy mẫu ruộng ấy, nhà tôi vẫn giao cho cậu cả tôi. Mẹ tôi cứ chắc trông vào đó, việc chi tiêu trong nhà sẽ không đến nỗi thiếu thốn. Khi tôi đi Hà Nội, vốn mong thi vào được trường Bảo hộ và xin được học bổng. Nhưng thi trượt, tôi phải học tư ngoài. Sợ nhờ việc học của tôi, mẹ tôi phải vay tiền cho tôi chi độ6. Mẹ tôi định sẽ bán số lúa thuế ruộng mà bấy lâu vẫn gửi cậu tôi cho vay để trả món nợ. Không ngờ lúc mẹ tôi đến tính với cậu tôi, thì số lúa kia hóa ra "hữu danh vô thực". Bao nhiêu lúa trong huân, mợ tôi đều nhận là của mợ tôi cả. Còn số lúa mẹ tôi gửi, thì mợ tôi nói: "Lúa má nào? Tôi biết đâu đấy! Mặc kệ anh em nhà cô với nhau!" Mẹ tôi đành cãi nhau với cậu, mợ tôi một trận rồi sướt mướt khóc trở về. Về, mẹ tôi thu xếp bán mấy mẫu ruộng ấy. Nhưng cậu tôi là lý trưởng đương thứ7. Mẹ tôi xếp bán cho ai, cậu tôi cũng nhất định không đóng đồng triện vào văn tự! Nhân cớ ông ngoại tôi hồi xưa chia ruộng cho mẹ tôi là chia miệng chứ không có di chúc, cậu tôi đã lấy quyền gia trưởng, lập ý muốn nuốt không mấy mẫu ruộng về phần mẹ tôi. Nhưng bề ngoài thì cậu tôi lại tỏ ra một ông anh cả rất nhân từ. Cậu tôi bảo mẹ tôi: "Cô dại lắm! Bán đi lúc nào là hết lúc ấy! Rồi mẹ con lấy gì mà nuôi nhau được? Tôi không thể biết đấy mà không giữ. Tôi nhất định không cho cô bán! Tôi giữ là giữ cho cô và các cháu chứ cho ai!"

Đó là câu chuyện "thế thái, nhân tình" mà mẹ tôi cho tôi biết vào hồi cuối năm ấy, khi tôi nghỉ Tết, vừa "mới bước chân về đến nhà". Mẹ tôi cho tôi biết tấm lòng vàng - hay tấm lòng "tham vàng" - của cậu, mợ tôi rồi bảo tôi:

- Theo ý bác con thì nhà ta nên đi kiện!

Tôi ngẫm nghĩ rồi đáp:

- Thưa mẹ, kể cậu, mợ con mà ăn ở như thế là tuyệt đường nhân nghĩa rồi, đi kiện cũng là phải. Nhưng con chỉ sợ mấy mẫu ruộng ấy không ở tay cậu con thì vào túi quan Huyện chứ không đến phần nhà ta.

- Thế thì làm thế nào bây giờ? Lấy gì trả nợ người ta? Lấy gì cho con đi học? Lấy gì nuôi các em nay, mai cũng có đứa phải đi học trường tỉnh? Mẹ ở nhà nuôi con lợn, con gà, làm cái vải cái giấy cố công tần tảo, nuôi chúng nó đủ ngày hai bữa, kiếm cho nó đủ bút, giấy đi học trường làng, thế cũng đã là khó lắm rồi!

Mẹ tôi vừa nói, vừa nước mắt chảy xuống ròng ròng.

Tôi nhìn mẹ tôi, trong lòng cay đắng muôn vàn. Ai là kẻ làm con, đã cầm lòng đậu trước những giọt lệ thương tâm của mẹ? Tôi ngồi lặng đi một lúc lâu, rồi khảng khái mà nói:

- Thưa mẹ, con xin mẹ đừng nghĩ gì nữa! Con đã có cách! Con sẽ bỏ học. Con sẽ đi kiếm việc làm. Có việc làm là có tiền trả nợ, có tiền nuôi được các em...

- Nhưng thế thì khổ thân con quá! Năm nay con mới có mười bảy tuổi đầu!

- Con cũng biết mẹ thương con lắm, nhưng làm thế nào được!

Nói thế rồi, tôi cũng khóc. Tôi khóc cho cái đời trí thức của tôi!

Một lúc sau, mẹ tôi lục đưa cho tôi hai bức thư: Tôi nhìn ngoài phong bì thì là thư của Hữu viết cho tôi vào hồi tháng Chín tháng Mười năm ấy. Tôi mở ra đọc. Bức thứ nhất Hữu cho tôi biết chú tôi sắp sửa dời nhà lên Phú Thọ, vì mới mở đồn điền ở đấy. Bức thứ hai, Hữu cho tôi biết địa chỉ mới. Bức thứ nhất có kèm thư của Lan gửi về nhà chú tôi cho tôi, báo tin ông thân sinh bị mệt nặng. Xem xong, tôi hối hận về sự tôi đã ngờ oan họ. Vì thư họ gửi cho tôi, chính vào độ tôi gửi thư cho họ. Nhưng thư họ đến nơi, còn thư tôi thì lạc. Thư cho Hữu lạc vì cớ chú tôi đổi chỗ ở. Còn thư cho Lan lạc, chắc cũng vì một cớ giống như thế. Họ không được thư tôi, tự nhiên không biết địa chỉ mới của tôi ở Hà Nội để viết thư cho tôi nữa. Thần ngẫu nhiên đã cắt dịp8 cầu ân ái, chứ chẳng phải là họ đã quên tôi. Thế nhưng tôi lại nghĩ: Dù bấy giờ họ chưa quên, nhưng bây giờ chắc họ quên rồi. Mà họ chẳng quên tôi nữa, tôi cũng nên quên họ. Tôi nên quên họ cũng như tôi nên quên tôi vậy. Vì rằng thân tôi đã không phải là của tôi nữa. Nó đã là của nhà tôi, của hai đứa em tôi. Tôi đã trót hứa với thầy, mẹ tôi như thế mất rồi!

Thế là tôi thất học từ năm mười tám tuổi! Cái đó là một vết thương tâm mà tôi mang đến suốt đời. Cho nên bây giờ khi tôi gặp những người trẻ tuổi mà hoàn cảnh bắt buộc phải thôi học, thì thực lòng tôi thương họ vô cùng. Kỳ thực thì là tôi tự thương tôi: Trong họ có một phần "tôi" năm tôi mười tám tuổi. Tôi chỉ thương có cái phần ấy...
_______________________________________

[1] Câu nói nổi tiếng của Đào Tiềm thời Đông Tấn ở Trung Quốc. "Ngã khởi năng vị ngũ đẩu mễ chiết yêu quyển quyển sự hương lý tiểu nhân đa", nghĩa là "Ta lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru".

[2] Có lẽ là "chết đâu".

[3] Tức Phạm Đình Hổ.

[4] Tức là cổ hủ.

[5] Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ một đoạn.

[6] Chi tiêu độ nhật.

[7] Đương nhiệm, tại vị.

[8] Tức là nhịp.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Fri 10 Sep 2021, 10:06

14


Hôm ấy lại là một hôm nghỉ lễ Phục sinh.

Tôi thơ thẩn ra chơi chùa Ngọc Sơn, một mình ngồi trước Trấn Ba đình, mắt tôi nhìn những bóng nhà, bóng cây, in dưới mặt hồ nước lặng mà lòng tôi thì nghĩ vẩn vơ. Hoàn cảnh eo hẹp của tôi cấm tôi hết thảy mọi xa vọng1 có thể làm náo nức một tâm hồn trẻ trung. Cho nên dù trẻ trung mà tôi ngồi đó như một ông già: Tôi sống về quá khứ. Cái tương lai bằng phảng, tầm thường, tưởng tượng đến tôi chỉ thấy nhọc nhằn và chán nản. Muốn giải trí, tôi nhớ lại những ngày năm xưa. Tôi chợt nhớ lại ngày lễ Phục sinh mà Lan và Hữu cùng tôi trảy hội chùa Hương. Phim ảnh quãng đời tôi lúc ấy từ trong nếp óc mà trải ra trước mắt tôi, biết bao vẻ nên thơ, nên mộng! Nhưng khi phim ảnh ấy đã lướt qua, lòng tôi lại không khỏi ngậm ngùi, tiếc rẻ. Sống trong cái vũ trụ nay thay, mai đổi, tôi tự thương mình cũng theo với tháng ngày mà thay đổi, từ khu xác2 đến tâm hồn. Nét mặt tôi, con mắt tôi, đâu còn vẻ vui, tươi, trong, sáng ngày xưa! Mà trái tim tôi, ngày xưa hớn hở, nồng nàn, nay cũng như héo hắt, khô khan, sau bao nỗi thương đau, nhục nhã!...

Tôi đương nghĩ vẩn vơ như thế thì sau lưng tôi nghe có tiếng giày đi lại. Rồi thì lòng tôi hồi hộp khi nghe tiếng Hữu nói:

- Mợ! Người ngồi kia có dễ là anh Ngọc.

Tiếng thím tôi nói tiếp:

- Ừ nhỉ!

Tôi không đợi cho hai người đi lại gần nữa, vội vàng đứng dậy chào thím tôi. Thím tôi hỏi:

- Bác ở nhà mạnh đấy chứ? Anh bây giờ học đâu? Hơn một năm nay rồi, anh bận gì mà cũng không thèm nhìn đến chú, thím nữa?

Tôi bối rối đáp:

- Thưa thím, mẹ con vẫn mạnh. Con bây giờ đã bỏ học...

- Sao lại bỏ học?

- Thưa thím, nhà con bây giờ túng lắm. Con phải đi làm lấy tiền nuôi các em con...

- Thế sao không viết thư cho chú, thím? Chú, thím trời cho có. Nếu biết nhà túng, cũng có thể giúp đỡ được anh không đến nỗi bỏ học...

Trong khi thím tôi nói, tôi cho ngay là nói đãi bôi! Sau khi được biết cách cư xử tàn nhẫn của một người cậu, tôi không còn tin tấm lòng quảng đại của người đời. Thím tôi nói tiếp:

- Tội nghiệp! Thế làm ăn có khá không?

- Thưa mỗi tháng được có hơn hai chục đồng!

- Thôi thế cũng khá! Nhưng sao cho đủ được?

- Bẩm không đủ cũng phải đủ! - Tôi vừa nói vừa cười nhạt.

- Thôi, thong thả thím cháu sẽ nói chuyện. Bây giờ tiện xe, anh lên chơi với chú. Các em không mấy ngày là chúng nó không nhắc.

Tôi tự thấy chối không nổi, đành cất tiếng "vâng". Bấy giờ tôi mới đưa mắt nhìn Hữu. Tôi cứ chắc Hữu đối với tôi lúc ấy hẳn giữ một thái độ lạnh lùng và rẻ rúng. Song khi nhìn thì gặp đôi mắt Hữu đương chăm chắm nhìn tôi một cách đau xót, và vẻ mặt đã tỏ ra thực lòng cảm động về tình cảnh của tôi. Thím tôi đã quay ra. Tôi và Hữu bước theo. Lúc nhường tôi đi trước, Hữu còn nhìn tôi và mỉm một nụ cười ngày xưa. Cái hạnh phúc được yêu lại trở lại với tôi. Cái nhan sắc dậy thì của Hữu, sự xa lâu mới gặp cùng làm cho tôi sung sướng tê mê. Tâm hồn tôi như lại bị nắm chặt trong tay Hữu...

Lên xe, ngồi bên tôi, Hữu sẽ hỏi tôi bằng giọng trách móc:

- Anh tệ quá! Mấy lần em viết thư mà anh cũng không thèm trả lời nữa!

- Cái ấy thì anh có lỗi thật! Nhưng...

Tôi không sao nói tiếp được nữa! Vì tôi không sao tìm ra được một cớ để gỡ lỗi cho mình. May Hữu cũng không vặn lại, chỉ trách thêm một câu:

- Mà Hà Nội với Phú Thọ, mấy hào tàu, anh cũng tiếc!

- Không phải thế! Nhưng từ ngày bỏ học, anh thực không còn muốn đi đến đâu, không còn muốn nhìn thấy một ai!

- Không muốn nhìn thấy cả em? Không nhớ đến em?

- Vẫn nhớ! Nhưng em quên anh rồi! Một đứa nghèo hèn như anh, còn đáng nhớ đến ai nữa!

- Anh khinh em quá! Anh cho em chỉ biết quý có những người phú quý! Anh nhầm lắm! Ngày xưa anh có phú quý bao giờ đâu!

- Nhưng ngày xưa không phải là bây giờ! Anh cho rằng em bây giờ không phải là em ngày xưa.

- Ai bảo anh thế?

- Thế thì anh lại xin lỗi em lần nữa! Gặp nhiều việc biến cố, óc anh bây giờ nó loạn lên như thế đấy. Em giận hay em thương?

- Em thương!

Hữu sẽ đáp tôi sau một tiếng thở dài. Rồi chúng tôi nhìn nhau bằng hai cặp mắt mê man, say đắm. Khi xe về đến nhà, thì chú tôi đi thăm đồn điền vắng. Mấy đứa em nhỏ chạy ra đón. Trông thấy tôi đều ra vẻ mừng rỡ, xúm xít hỏi chuyện. Ăn bữa chiều xong, thím tôi mắc dở có khách. Tôi cùng các em cùng ngồi nói chuyện trẻ con với nhau ở dưới nhà ngang. Quá tám giờ, thím tôi mới lại xuống hỏi chuyện tôi. Mười giờ, thím tôi đứng dậy, đem các em nhỏ đi ngủ, và bảo Hữu:

- Em bảo chúng nó dọn giường trên nhà khách cho anh nghỉ.

Tôi đứng dậy, theo một người đày tớ trai lên nhà khách. Đương lúc tôi đứng nhìn quanh vơ vẩn thì Hữu cùng con hầu đã đem chăn, màn, đệm, gối lên. Hữu bảo người đày tớ mắc màn và sắp đặt chỗ nằm. Lại xem xét lại một lượt rồi nói với tôi bằng một giọng nửa ân cần, nửa lễ phép:

- Thôi mời anh đi nghỉ. Em xuống.

Hữu và người nhà ra khỏi rồi, tôi tắt ngọn đèn to, đem ngọn đèn nhỏ vào trong màn, định nằm đọc cho hết cuốn sách mà tôi đọc dở để ở trong túi. Từ khi tôi thất học, tháng nào tôi cũng dành được ít tiền mua sách, và lúc nào túi tôi cũng có một cuốn sách nhỏ để đọc vào những thì giờ vụn vặt. Đó là cách tôi yên ủi cho cái đời trí thức của tôi. Nhưng tôi vừa đặt mình xuống, thì thấy trong lần áo gối có vật gì cồm cộm. Tò mò, tôi ngồi dậy, cầm lấy chiếc gối. Tôi thoáng thấy một góc có thêu chữ H nhỏ bằng móng tay. Mở áo gối ra coi thì là một vuông khăn màu hồ thủy, trong gói tấm hình của Hữu. Nhìn hình, tôi biết là mới chụp. Tim tôi hồi hộp trong khi nghĩ đến Hữu đã đưa gối của Hữu cho tôi gối và tặng tôi tấm ảnh cùng vuông khăn. Tôi sẽ đưa tấm ảnh lên môi mà hôn rồi gấp vào trong cuốn sách. Còn vuông khăn, tôi cất trước vào túi áo. Đóng lại áo gối rồi, tôi nằm mà đọc sách. Nhưng đọc đấy mà không hiểu. Mắt tôi nhìn vào sách mà trí tôi thì lạc đi những đâu. Gấp sách lại, tôi cất ngọn đèn ra ngoài màn. Dưới ánh trăng tà, các cây hoa trồng trong các chậu in bóng cành bóng lá xuống đầy sân. Vào màn nằm, cảnh vườn cũ bỗng hiện ra trong trí nhớ của tôi. Tôi ước ao lại được cùng Hữu ngồi đôi nói chuyện ở giữa cảnh vườn xuân. Nhưng lại tự biết rằng cái thú ấy hiện nay không thể tìm được nữa...

Sáng hôm sau, chú tôi đã về. Chú tôi hỏi thăm việc nhà tôi rồi hỏi tôi học đâu. Tôi chưa kịp thưa thì thím tôi đã thuật hộ tình cảnh tôi cho chú tôi rõ. Chú tôi yên ủi tôi:

- Thôi cũng được! Người ta có min3 có chí là làm ăn được chứ bằng cấp cũng không quan hệ gì cho lắm. Như chú, nào bằng cấp gì đâu mà tay không cũng làm nên được như bây giờ! Còn như học lấy biết thì cháu cứ đọc cho nhiều sách là được rồi! Nếu có thiếu tiền sách vở và chi độ ở nhà, cứ viết thư lên. Chú, thím xin trợ cấp.

Tôi "vâng", song trong bụng thì nhất định không bao giờ lại xin tiền chú thím tôi. Chuyện vãn một lúc, chú tôi chợt cười bảo tôi:

- Cháu năm nay đã lớn mà tang thầy cháu cũng sắp xong rồi. Để chú nói với mẹ, chú kén vợ cho. Hay cháu bằng lòng đâu thì bảo chú, chú làm mối thì giỏi lắm, đâu cũng là phải đắt!

Tôi bẽn lẽn đáp:

- Thưa chú dạy vậy, chứ con thì học hành dở dang, nhà con thì sa sút, ai có hoài con gái mà gả cho con!

- Cháu khinh người quá! Cháu bảo người thiên hạ chỉ biết có tiền với bằng cấp hay sao? Người ta cốt ở người chứ!

Tôi cười không nói nữa. Trong lòng thì mừng rỡ, vì tôi cho đó là chú tôi tỏ ý muốn gả Hữu cho tôi.

Buổi chiều, tôi đáp xe lửa về Hà Nội. Hôm qua còn mải nói chuyện với Hữu. Hôm nay tôi mới tựa cửa sổ mà ngắm xem phong cảnh dọc đường. Quen nhìn những cảnh ruộng lầy, nước đọng ở đồng bằng trông đến những đồng màu xanh những đồi đất đỏ miền trung du, tôi thấy có một mối cảm lạ lùng mới mẻ. Tôi nhìn không biết mỏi mắt. Kỳ thực trong túi tôi có tấm ảnh Hữu mới tặng, trong óc tôi lại có cái hy vọng cùng Hữu nên duyên đôi lứa, tôi nhìn đâu mà chẳng là phong cảnh hữu tình! Tôi đinh ninh rằng mẹ tôi vốn nuông tôi, nếu tôi khéo vật nài, thì về việc cầu hôn với Hữu mẹ tôi sẽ không để tôi phải thất vọng như thầy tôi độ trước.

______________________________________

[1] Trông ngóng xa xôi.

[2] Thân xác.

[3] "Min" trong tiếng cổ thường có nghĩa là "mình", trỏ vào bản thân đối tượng phát ngôn.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Wed 15 Sep 2021, 08:27

15


Trong ánh mặt trời tà, tôi thơ thẩn dưới một cây tân di1, mọc bên đường Cổ Ngư, chơi với mấy đứa trẻ đứng chơi quanh mình. Đó là cái thú tiêu khiển duy nhất của tôi từ khi đi làm. Được ngày nghỉ, tôi bỏ ít thì giờ đi lang thang một mình. Đến đâu, thấy có đàn trẻ đương chơi, tôi liền nhập bọn với chúng. Tùy lúc, tùy chỗ, tôi bày thêm cho chúng một trò chơi. Thế là chúng thân với tôi ngay, và làm quà cho tôi những câu chuyện thơ ngây, ngộ nghĩnh. Lúc ra về, tôi lại làm quà cho chúng những thứ mà tôi mua sẵn để trong túi: mấy cái kẹo hay mấy gói lạc rang. Bấy giờ thì tôi lấy giấy làm một cái thuyền buồm thả xuống mặt hồ. Làn gió chiều hây hẩy, đưa thuyền ra tận ngoài xa. Đàn trẻ nhìn theo nhí nhởn cười. Tôi lại bẻ lá tân di làm cho chúng và tôi mỗi đứa một con trâu. Rồi dứt dây cỏ làm chạc trâu, tôi cùng chúng dắt trâu đi, vừa cười vừa bắt chước tiếng trâu kêu: "Nghé ngọ! Nghé ngọ!" Tôi đương mải nhìn một đứa trẻ mà miệng cười tươi như miệng cười của Hữu, thì chợt nghe tiếng gọi:

- Ngọc! Ngọc! Làm gì ở đấy?

Tôi giật mình ngảnh lại thì Lan đã từ trên xe nhà bước xuống, vẻ đẹp ẻo lả thêm não người vì bộ áo, quần đại tang. Người tôi như gặp một luồng gió lạnh đưa qua; tôi rùng mình nhớ lại việc Lan đã quấy rối cuộc đời bình tĩnh của tôi năm trước. Tuy vậy, tôi cũng vội đứng dậy và ân cần hỏi:

- Kìa Lan! Để tang ai thế?

- Cậu tôi mất ngay năm đi khỏi Thái. Thế Ngọc không nhận được giấy báo tang à? Còn Ngọc, Ngọc để tang ai?

- Thầy tôi cũng mất năm ấy. Tôi đã gửi thư cho Lan biết rồi thôi?

- Gửi hồi nào? Gửi vào đâu? Tôi không nhận được.

- Tôi gửi sau hồi nghỉ hè, gửi lên Thái Nguyên.

- Thế thì thư lạc rồi. Hồi ấy nhà tôi đã về cả Hà Nội.

- Còn giấy báo tang Lan gửi chắc cũng thế. Hồi ấy chú tôi dời nhà đi Phú Thọ. Mà giấy báo tang chắc Lan gửi vào nhà chú tôi cho tôi. Lan có biết nhà quê tôi đâu.

- Thế không trách được! Thảo nào tôi mong thư Ngọc mãi! Tôi giận Ngọc lắm lúc đến phát khóc!

- Thì tôi cũng mong thư Lan như thế!

- Thôi, việc cũ không kể! Ngọc lên Hà Nội mấy năm nay rồi? Học đâu?

- Có học hành gì! Lên Hà Nội hai năm nay, học được mấy tháng, rồi phải đi làm đày tớ ông thần Tiền!

- Tôi cũng bỏ học rồi! Mợ tôi thấy người yếu không cho đi học nữa! Hơn một năm nay, tôi mắc chứng thổ huyết, Ngọc ạ!

Nói đến đây, Lan sẽ cất tiếng thở dài, rồi giậm mũi giày xuống đám cỏ xanh vô tội dưới chân mà nói tiếp:

- Thành thử ra cùng ở Hà Nội hai năm nay mà không gặp nhau! Thôi! Giờ lại đàng nhà thăm mợ tôi!

Tôi định chối song mồm không sao mở được. Lan bảo người kéo xe chạy gọi xe cho tôi. Ngồi trên xe, tôi thấy tôi như người bị Lan bắt cóc. Một lúc sau, xe chúng tôi đã đậu trước một cửa hàng tơ lụa ở phố Hàng Đào. Tôi theo Lan bước vào thì thấy bà mẹ đang ngồi coi hàng. Tôi bỏ mũ chào. Lan cười hỏi mẹ:

- Con đố mợ biết ai đây?

Bà mẹ cười nhìn tôi:

- Cậu gì cháu ông Hường dưới Thái phải không?

Tôi đáp:

- Bẩm vâng! Nhân gặp cô Lan, con mới biết ông đã mất. Bảo lại hỏi thăm bà.

- Cám ơn cậu! Mời cậu vào trong nhà.

Bà mẹ vừa nói vừa đứng dậy. Tôi bước theo. Qua một khu sân nhỏ bày gần kín những chậu cảnh, thì đến phòng khách. Trong phòng, trước cái tủ chè cái sập gụ cổ lệ, bày một bộ bàn, ghế mặt đá. Bà mẹ mời tôi ngồi, rồi ngồi đối diện với tôi. Còn Lan thì sắp bộ đồ chè, đợi pha nước. Câu chuyện hàn huyên của tôi và bà rất vô vị! Về phần tôi, tôi hỏi về bệnh trạng ông chồng, từ khi đau đến khi chết. Cái đó nhắc bà phải nhớ lại một quãng đời buồn rầu, thê thảm. Về phần bà, bà hỏi tôi học đâu. Cái đó bắt buộc tôi phải cung khai một cái tình cảnh thương tâm và nhục nhã. Tuy vậy tôi cũng cố tình khai thực. Không phải muốn cho bà thương, mà là muốn cho bà rẻ rúng tôi. Tôi cho rằng nếu bà rẻ rúng tôi, tôi sẽ có cớ để tuyệt tình cùng con gái bà mà không ra con người phụ bạc. Uống nước xong tôi cáo từ đứng dậy. Lan vồn vã hỏi tôi trọ đâu rồi nói:

- Chủ nhật, ngày lễ anh không đi làm, tôi cho xe nó đến đón anh, lại đây tôi học thêm ít chữ nho.

Tôi giật nảy mình nhìn bà mẹ. Bà cười:

- Phải đấy! Giá nhờ cậu dạy cho đọc thông được những chúc thư, văn tự thì hay lắm. Cậu chịu khó giúp em.

Tôi càng thêm kinh ngạc, cất tiếng "vâng" như một cái máy, rồi cũng như một cái máy tôi ra khỏi cửa hàng.

Đêm hôm ấy tôi mất ngủ già nửa đêm. Tôi nghĩ về tình thế của tôi lúc ấy. Ngoài cớ Hữu là người tôi yêu trước, tôi còn thấy nhiều cớ khác mà lòng ích kỷ viện ra, bảo tôi cần phải tuyệt tình cùng Lan. Lan người vốn gầy yếu, nay lại mắc bệnh thổ huyết. Nếu lấy Lan tôi sẽ phải ở chung với một người ốm suốt đời, và có những đứa con "còm cõi như con cò đói"! Nhà Lan nhà con một. Nếu lấy Lan, tôi sẽ phải "ở rể" và được thiên hạ mỉa mai bằng những câu "chuột sa chĩnh gạo!", "lặn chuồng tiêu lấy vàng!" Còn nữa... Còn nữa... Tôi nghĩ thế, rồi tôi nghĩ đến những cách làm thế nào mà xa được Lan ra. Nếu tôi là người thắng tỏ2 thì sự đó dễ lắm. Ban nãy, lúc Lan hỏi tôi trọ đâu, tôi cứ nói bịa ra một cái số nhà vu vơ. Hay lúc Lan nài tôi dạy học, tôi cứ chối phắt một câu. Thế là đủ. Nhưng tôi là đứa giả dối. Tôi muốn phụ bạc, nhưng tôi lại không muốn Lan biết tôi là phụ bạc. Cái cách lưỡng toàn ấy mới là khó. Tuy vậy, "nhất dạ sinh bách kế"! Nghĩ suốt mấy khắc canh tôi cũng tìm ra được một mớ tướng những phương pháp mà tôi cho là tuyệt diệu. Những phương pháp ấy còn phải đợi dịp mới thi hành được. Tạm thời tôi hãy làm ra vẻ tự nhiên.

Tôi xin thú thực rằng, khi không tôi vẫn định dứt tình cùng Lan, song khi ngồi gần Lan tôi vẫn thấy một mối cảm êm đềm gần như sung sướng. Cặp mắt mơ mộng, đa tình; nụ cười đằm thắm có duyên; nước da mịn màng và trắng xanh; mười đầu ngón tay nho nhỏ, thon thon, như trời sinh ra để bấm, chí trái tim người khác... tiếng nói trong trẻo và dõng dạc; vẻ đi tha thướt và khoan thai... Bao nhiêu những cái đó ở Lan, cùng hùa nhau mà làm cho tôi, như người ta nói, chuyển động tâm thần!... Trong những lúc ấy, tôi thấy cái ý định dứt tình cùng Lan, là một ý định bất nhân, tàn nhẫn. Nhưng khi ra về, tôi lại bàng hoàng như kẻ chiêm bao mới dậy. Nhìn tấm ảnh Hữu tôi tự nhiên thấy ngượng ngùng, bẽn lẽn với người trong ảnh, tôi tự cho tôi là có tội. Bao nhiêu lần tôi tự nhủ: "Nếu Hữu có phép tàng hình, trông thấy mình khi ngồi đối diện với Lan...!" Nhưng những lời tự nhủ ấy không làm cho tôi khỏi càng ngày càng đắm say Lan. Trước tôi còn mượn tấm ảnh Hữu làm cái bùa trừ để xua đuổi những bóng dáng Lan thường theo dõi ám ảnh tôi. Nhưng sau bùa cũng không thiêng nữa! Trước kia ngoài buổi đi làm, tôi nằm, ngồi yên một chỗ mà đọc sách. Bấy giờ tôi nằm ngồi không yên nữa. Tôi phải chạy rong các phố, vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ. Trước kia, sắp đến ngày nghỉ, tôi còn nghĩ kiếm cách từ chối, không đến dạy Lan, dù những cách ấy tôi không làm bao giờ. Bấy giờ thì chẳng những ngày nghỉ tôi ngồi ngong ngóng chờ người nhà Lan đến đón tôi, ngày thường lắm lúc bỗng dưng tôi cũng nảy ra cái ý nghĩ đến thăm Lan nữa. Một hôm đêm đã khuya, tôi còn một mình đi ở ngoài đường như người đi trong giấc mê ngủ. Chợt thấy chân tôi đứng dừng lại, tôi kinh ngạc mà nhận ra rằng chỗ tôi đứng là cửa nhà Lan. Tôi vội vàng rảo bước đi qua. Nhưng một lúc sau, tôi lại thấy tôi dừng chân ở chỗ tôi dừng chân lần trước. Tôi hoảng hốt chạy về nhà trọ như kẻ nát đảm3 tưởng mình bị ma đuổi! Tôi bắt đầu cảm thấy sự gần gụi Lan là nguy hiểm. Tôi tự nghĩ: "Mình mê mất rồi! Khi người ta đã mê thì biết thế nào mà nói được! Biết đâu rồi chẳng có ngày mình không còn nhớ đến Hữu nữa!" Ý nghĩ ấy làm tôi chua xót. Tôi đem ảnh Hữu và các thư của Hữu bày cả ra trước mặt. Rồi tự thề rằng không bao giờ quên Hữu. Một lúc sau, tôi ngồi mà viết cho Lan một bài học, chua rõ cả âm lẫn nghĩa vào từng chữ. Bên dưới lại phụ thêm lời giảng nghĩa về cả bài, và lời dặn về văn pháp. Tôi lại viết một bức thư cho Lan. Đại ý nói từ nay tôi bận phải kèm cho mấy đứa em học - tôi nói bịa ra như thế - vậy xin cứ viết bài đến để Lan học mà thôi...

Hôm sau người nhà Lan lại đón, tôi giao hắn đem thư và bài học về. Tôi mong ít dịp phải gần Lan để lòng tôi khỏi xiêu đổ về phía Lan. Song chính ngày hôm ấy, tôi ủ rũ như người mất hồn. Tôi càng thấy rõ tôi đã để tâm hồn tôi cho Lan thu bắt mất một phần lớn quá!
____________________________________________

[1] Tân di: cây đa lông, hay dùng để làm thuốc. Ở chỗ này có lẽ là cây đa, vì sau đó tác giả có viết "bẻ lá tân di làm cho chúng và tôi mỗi đứa một con trâu".

[2] Thẳng thắn.

[3] Nát đảm: nghĩa là vỡ gan, ý nói kinh hoàng táng đởm.

Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7190
Registration date : 01/04/2011

Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13Thu 23 Sep 2021, 08:59

16


Từ khi tôi không đến nhà dạy Lan học, ít dịp nói chuyện với tôi bằng miệng, Lan nói chuyện với tôi bằng thư. Trước còn mỗi tuần Lan viết thư cho tôi một lần. Sau đến không mấy ngày là tôi không phải viết thư trả lời Lan nữa. Trái với những câu chuyện cứng cát1, vui vẻ mà Lan nói trước mặt tôi, những câu trong thư Lan, cũng như thơ Lan, như vẽ ra một tâm hồn ủy mị và sầu cảm. Bấy giờ chúng tôi đều đã xong tang. Thư nào Lan cũng tỏ ý lo sợ một cuộc hôn nhân ép uổng. Đáp lại những bức thư như thế, tôi chỉ có những câu hàm hồ như lời một ông Thánh hay một nhà luân lý, khuyên Lan nên biết nhẫn nại, nên biết hy sinh... Tôi muốn bắt đầu thi hành những kế để tuyệt tình cùng Lan.

Một hôm vừa ăn xong bữa chiều, thì nhận được thư Lan. Trong thư chỉ có mấy chữ:

- "Ngọc lại ngay! Thế nào cũng lại!"

Tôi vội vàng theo người nhà lại thì gặp Lan đương ngồi ở cửa hàng. Lan cười bảo tôi:

- Hôm nay mợ tôi xuống Nam vắng, bảo nó mời Ngọc lại đây nói chuyện.

Rồi Lan giao hàng cho người nhà, cùng tôi vào phòng khách. Bấy giờ trời đã tối, dưới ánh đèn điện, khuôn mặt Lan trước mười phần đã gầy đi đến ba phần. Nhìn Lan, lòng tôi thấy ái ngại, xót xa. Ân cần, thành thực, tôi hỏi Lan:

- Sao Lan độ này trông xanh quá?

Lan cười nhạt:

- Xanh à? Ngày ăn một bữa, bữa ăn một bát, làm gì mà chẳng xanh!

- Thế thì Lan phải uống thuốc mới được!

- Vẫn thuốc mãi đấy! Nhưng thuốc nào cho lại với những nỗi bực mình ở trong một cảnh gia đình hắc ám! Từ độ hết tang đến giờ, ngày nào là nhà này không có chuyện! Có đêm nào là ngủ được đâu! Ở mãi cái nhà này, rồi cũng đến chết mất thôi! Ngọc còn đợi bao giờ mới cứu Lan ra nữa?

Tôi thở dài, đem hết sức cương quyết bình sinh ra mà nói:

- Lan đừng nên trông mong ở Ngọc! Ngọc bây giờ là một đứa trong đám mạt lưu xã hội, không có gì là tiền trình, là hy vọng cả. Cắm cúi suốt ngày chỉ đủ nuôi được miệng, còn dám mong đâu có vợ, có con!

Mỗi câu nói của tôi, làm cho sắc mặt Lan nhợt nhạt thêm một phần. Mắt tôi không chống nổi cặp mắt đổ lửa của Lan, nói chưa dứt, tôi đã phải nhìn xuôi xuống đất. Yên lặng một lúc lâu, Lan mới cất tiếng lanh lảnh hỏi lại:

- Ngọc nói thế là ý thế nào? Hay bây giờ trong lòng Ngọc đã có người nào khác?

Tôi cười nhạt:

- Lan thử nghĩ coi, trừ Lan ra, ai là người có địa vị của Lan, có học thức của Lan, có nhan sắc của Lan mà lại yêu được một đứa sống không nhà ở, chết không đất chôn như Ngọc? Ngọc nói thế là Ngọc nói tình thực. Ngọc nói thế là Ngọc yêu Lan. Yêu Lan nên không nỡ trông thấy Lan khổ. Vì Lan lấy Ngọc thì Lan sẽ khổ. Lan thử đặt mình vào địa vị Ngọc mà coi.

- Lan có phải là người sợ khổ đâu! Mà làm gì mà khổ? Lan là người, Lan cũng làm được đủ nuôi thân chứ! Ngọc khinh Lan quá! Lan có phải là hạng mong lấy chồng để nhờ chồng đâu?

- Đành vậy, nhưng Lan bảo Ngọc làm thế nào? Cũng phải đợi năm, ba năm để Ngọc xoay xở xem ra làm sao, chứ bây giờ lấy địa vị Ngọc mà hỏi Lan, khi nào mợ gả! Mà mợ gả nữa, lấy gì làm tiền cưới?

- Không, mợ cũng là người biết. Xem ý mợ cũng yêu quý Ngọc lắm. Có cái gì ăn, mợ cũng nhắc đến Ngọc, sai người đem cho Ngọc. Mợ sai chúng nó đem lại đấy, chứ không phải Lan đâu! Mợ nửa đời ở với cậu, đã biết hạnh phúc không phải ở chỗ làm bà Đốc bà Tham. Nếu Ngọc ngỏ lời hỏi thì thế nào mợ cũng bằng lòng. Mà mợ bằng lòng thì mợ có lạ gì Ngọc không có tiền cưới. Cái ấy không ngại.

- Nếu mợ thương cho như thế thì còn gì bằng nữa! Thế sao Lan cứ phàn nàn về nỗi gia đình hắc ám là nghĩa lý gì?

- Là nghĩa lý gì à? Ngọc tưởng Lan nói bịa hẳn! Không! Lan nói thật đấy! Nếu Ngọc không hỏi ngay thì Lan ở nhà này ngày nào là khổ ngày ấy. Không biết mợ nghĩ thế nào mà hình như Lan ở nhà là một cái tai vạ cho mợ! Mợ chỉ muốn tống cho được Lan ra khỏi cửa! Nếu Ngọc không hỏi, thì hằng ngày Lan phải nghe những lời chán tai của bọn mối lái. Không những thế, lại còn phải nghe mợ dỗ dành, mợ thở than, mợ khóc lóc nửa! Mà rồi có khi bảo không được mợ ép uổng Lan nữa cũng chửa biết chừng!

- Ngọc chỉ sợ hỏi ra mợ cự tuyệt thôi! Nhưng đã nói chắc như thế, thì để Ngọc viết thư về nhà thưa với mẹ...

Cái không khí hòa thuận lại trở lại hai chúng tôi. Tôi ngồi nói chuyện với Lan mãi đến hai giờ đêm mới đứng dậy ra về. Thế là một cái kế tuyệt diệu của tôi đã không diệu một chút nào cả!

Khi về, ngồi trên xe, tôi bỗng tự mắng tôi: "Sao làm bộ thế! Mày thì là ông gì mà lại định làm bộ với một người con gái có tài, có sắc, một nhà biết quý người như thế?" Tôi vừa nghĩ thế thì lập tức trong trí tôi văng vẳng có tiếng đáp lại: "Nhưng còn Hữu thì sao?"

Đêm hôm ấy, tôi khóc thầm! Khóc thầm, một đứa hèn nhát như tôi, cái phương pháp đối phó với những việc khó khăn, thường chỉ có thế!

Ba hôm sau, gặp ngày nghỉ, Lan lại viết giấy gọi tôi đến. Tôi vào đến cửa, bà mẹ tươi cười bảo tôi:

- Em nó bảo mời cậu lại nó hỏi mấy câu khó nghĩa, nó không hiểu. Tôi đương dở bận, cậu tha lỗi cho...

Tôi "không dám" rồi bước thẳng vào trong nhà. Lan vui vẻ đón tôi, gọi người nhà đun nước. Tôi vào ngồi rồi, cầm lấy cuốn vở tập viết của Lan ở trên mặt bàn, thì thấy vẫn là quyển vở từ ngày tôi còn đến nhà dạy Lan học. Tôi bảo Lan đưa tôi coi vở mới. Lan cười đáp:

- Hơn một tháng nay, có học, viết gì đâu!

- Thế thì bắt tội tôi viết bài học làm gì!

Nói thế rồi, tôi thấy hơi giận bốc lên mặt tôi. Tôi hầm hầm mắng Lan y như một thầy giáo mắng một cậu học trò không vâng lời. Lan thì ngồi lặng, mắt nhìn xuống đất. Bây giờ nghĩ lại, tôi thật lấy làm lạ: sao khi ấy tôi lại giận được lâu, và mắng được nhiều như thế. Sau cùng, Lan đưa cặp mắt đầy lệ nhìn tôi mà nói:

- Thì Ngọc làm gì mà nói nhiều thế! Học, Lan cũng muốn học, nhưng ốm thì còn học làm sao?

Mấy giọt nước mắt của Lan, hình như đã tưới tắt ngấm ngọn lửa giận dữ của tôi. Tôi lại thấy tôi vô lý và tức cười! Tôi hối hận đã làm cho Lan khóc. Vội vàng xin lỗi Lan rồi thở dài nói tiếp:

- Lan coi đó, tính tôi lắm lúc điên như thế đấy! Tôi thường vẫn nói tính ấy là tính cô độc. Chỉ có thể ở một mình là được, còn ở với ai cũng không được hết! Càng là người tôi thân yêu, cùng ở với tôi lại càng khổ. Ví dụ như các em tôi. Xa chúng nó, tôi thật nhớ. Nhưng gần chúng nó, chỉ mười lăm phút là tôi đã kiếm chuyện với chúng nó rồi. Là vì tôi yêu ai thì cứ muốn cho người ấy hoàn toàn. Trông thấy chỗ không hoàn toàn của nhau, tôi bực tức không thể chịu được. Tôi bực tức chừng nào thì tôi cáu kỉnh chừng nấy. Nhưng người ta ai là thánh nhân mà hoàn toàn được. Tôi cũng biết vậy mà không sao đổi được tính hay cầu toàn trách bị. Thành thử ra sự ở chung, vừa khổ cho tôi, vừa khổ cho người tôi yêu...

Lan cười:

- Người ta ai không có lúc nóng. Nếu một người nóng, một người biết tính nhịn đi thì gia đình bao giờ cũng êm thấm. Ngọc coi Ngọc nóng là thế mà mấy giọt nước mắt của Lan làm cho nguội ngắt. Ngọc có nóng gì cho lắm đâu!

Thế là lại một cái kế tuyệt diệu của tôi xoay ra một trò cười.

Cái kế tuyệt diệu thứ ba của tôi, kết quả còn điêu đứng hơn nữa.

Lần này tôi tự đến, chứ không đợi ai mời. Tôi gặp bà mẹ ở cửa hàng. Bà mời tôi vào phòng khách rồi ngồi tiếp tôi. Tôi hỏi:

- Thưa bà, cô Lan đâu ạ?

- Em nó cảm nằm ở trong nhà. Để tôi gọi.

- Thưa bà thôi. Để cô ấy nằm nghỉ. Cũng không có việc gì...

- Được ạ. Em nó hơi mệt, không hề chi.

Nói thế rồi bà lên tiếng gọi to:

- Lan đâu? Có cậu Ngọc lại chơi.

Rồi bà ngồi mời tôi uống nước, uống chưa cạn chén nước thì Lan đã đẩy cánh cửa phía bên phòng khách bước vào, mình khoác chiếc áo đoạn thâm, tóc vấn trần, cặp mắt lóng lánh, sắc mặt hồng hồng, trông đủ biết là người đương cơn sốt cảm. Vẻ đẹp của Lan đương cơn sốt tôn thêm lên vì cách ăn vận sơ sài, thật là một vẻ đẹp lộng lẫy. Nhìn Lan, tôi cảm động bồi hồi, cố định thần để khỏi quên mất những câu tôi định nói. Lan chào tôi rồi xo ro ngồi xuống chiếc ghế cạnh bà mẹ. Tôi buồn rầu nói:

- Cô sốt à! Tôi lại làm phiền quá... Nay mai tôi sắp không ở Hà Nội nữa. Bác tôi mới viết giấy bảo cấp tiền cho tôi sang Pháp. Ít ra tôi đi cũng năm, bảy năm mới về được. Vậy lại chào bà và cô...

Trên mặt Lan thoáng qua vẻ thất vọng, nhưng lại tươi tỉnh ngay.

Cất giọng ân cần Lan nói:

- Anh sang Pháp à? Có lẽ tôi cũng nói với mợ tôi xin mấy nghìn đồng, để đi học với anh nhân thể!

Bà mẹ mỉm một nụ cười mà tôi không dò được nghĩa. Tôi cũng cười tiếp:

- Nhưng người cô yếu lắm, xông pha sao được sóng gió!

- Người ta nếu có chí đi thì đi đâu mà chẳng được! Khỏe mà cũng chán người ngồi xó! Yếu mà cũng nhiều người đi được khắp đó đây!...

Nghe câu Lan nói, tôi tự nhiên thấy thẹn trong lòng. Rồi tôi thấy ngay cái kế của tôi là một cách "nói dối không thông": Nếu có một ông bác sẵn lòng cấp tiền cho tôi sang Pháp, thì sao lại để tôi phải hai năm nay thất học? Tôi thấy mặt tôi ngượng quá, sợ ngồi lâu càng thêm dơ dáng, tôi liền đứng dậy xin ra, lấy cớ là để Lan về phòng nghỉ và để bà mẹ ra coi hàng. Lan còn dặn với tôi bằng một giọng mà tôi nghe ra mỉa mai:

- Thế hôm nào anh định đi, bảo trước để tôi thu xếp nhé! Tôi đi với anh thật đấy!

_____________________

[1] Cứng cáp.

Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lan Hữu - Nhượng Tống   Lan Hữu - Nhượng Tống - Page 2 I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
Lan Hữu - Nhượng Tống
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 2 trong tổng số 3 trangChuyển đến trang : Previous  1, 2, 3  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện Sưu tầm :: Tiểu thuyết-