Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
EM CHIM HÁT HAY QUÁ by mytutru Today at 17:38

QUY NHƠN TÔI YÊU by phambachieu Today at 16:51

Mái Nhà Chung by mytutru Yesterday at 23:18

Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Yesterday at 20:17

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Yesterday at 12:56

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Yesterday at 12:37

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Wed 08 May 2024, 11:15

Một thoáng mây bay 13 by Ai Hoa Wed 08 May 2024, 10:00

ĐÔI BÀN TAY NGHỆ NHÂN by mytutru Tue 07 May 2024, 23:54

BÊN GIÒNG LỊCH SỬ 1940-1965 - LM CAO VĂN LUẬN by Trà Mi Tue 07 May 2024, 08:05

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:42

Chết rồi! by Ai Hoa Mon 06 May 2024, 11:31

LỀU THƠ NHẠC by Thiên Hùng Sun 05 May 2024, 11:06

Tranh Thơ Viễn Phương by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 19:13

Người Em Gái Da Vàng by Viễn Phương Fri 03 May 2024, 06:36

Những Đoá Từ Tâm by Việt Đường Wed 01 May 2024, 21:49

7 chữ by Tinh Hoa Tue 30 Apr 2024, 10:59

5 chữ by Tinh Hoa Sun 28 Apr 2024, 22:27

Thi tập "Chỉ là...Tình thơ" by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:56

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Thu 25 Apr 2024, 12:51

Quán Tạp Kỹ - Đồng Bằng Nam Bộ by Thiên Hùng Wed 24 Apr 2024, 11:48

Trụ vững duyên thầy by Trà Mi Tue 23 Apr 2024, 07:34

THIỀN TUỆ (diệt trừ đau khổ) by mytutru Tue 23 Apr 2024, 00:07

Nhận dạng phụ nữ giàu có by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:36

Bức tranh gia đình by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 08:09

Mẹo kho thịt by Trà Mi Mon 22 Apr 2024, 07:29

SẦU LY BIỆT by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 23:01

Trang Họa thơ Phương Nguyên 2 by Phương Nguyên Sun 21 Apr 2024, 22:56

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 21 Apr 2024, 06:38

Mức thù lao không ai dám nghĩ đến by Trà Mi Wed 17 Apr 2024, 11:28

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Empty
Bài gửiTiêu đề: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!    “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  I_icon13Tue 23 Feb 2021, 07:40

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!




HOÀNG TUẤN CÔNG

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  To_ian10

Cuốn "từ điển chính tả" sai chính tả
                                Ảnh: HTC

Đó là cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” (PGS.TS. Hà Quang Năng chủ biên - Th.S Hà Thị Quế Hương - NBX Đại học Quốc gia Hà Nội - 2017). Sách có 718 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, in 5000 cuốn, giá bìa 185.000đ; đơn vị liên kết và phát hành: Công ty TNHH 1 thành viên TM và DV Văn hoá Minh Long.
Mặc dù được Nhóm tác giả biên soạn khá công phu, nhưng sách vẫn mắc nhiều sai sót, lầm lẫn rất khó chấp nhận. Ví dụ: nhầm lẫn S với X; X với S; không phân biệt được D hay GI; TR hay CH; N hay NG; IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D, ƯU hay IU… Nhầm lẫn giữa cách viết đã từng tồn tại, với chuẩn chính tả hiện hành; giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả…

Sau đây là một số ví dụ:

A- Sai chính tả do không phân biệt được sự khác nhau giữa phát âm và chữ viết; không hiểu nghĩa từ nguyên, hoặc chưa thật sự nhuần nhuyễn về tiếng Việt (nội dung in đậm trong ngoặc kép, sau số mục là nguyên văn của từ điển. Phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):

1-“BÀN: bàn hoàn (tv. bàng hoàng)”.
         Không phải “bàn hoàn” “tv” (thường viết) là “bàng hoàng”. Đây là hai từ Việt gốc Hán có tự hình và nghĩa khác nhau. Từ điển tiếng Việt của Vietlex (Vietlex): “bàn hoàn • 盤桓 đg. 1 [cũ, vch] quấn quýt không rời; 2 [cũ, vch] nghĩ quanh quẩn không dứt”; “bàng hoàng • 徬徨 t. ngẩn người ra, choáng váng đến mức như không còn ý thức được gì nữa”.
         Bài thơ "Đi thuyền trên sông Đáy" (Hồ Chí Minh) có câu: "Lòng riêng riêng những bàn hoàn/Lo sao khôi phục gian san Tiên Rồng". Khi giảng bài này, giáo viên thường lưu ý học sinh phân biệt giữa "bàn hoàn" và "bàng hoàng; nếu lầm "bàn hoàn" thành "bàng hoàng" sẽ bị trừ điểm. Thế nhưng, Nhóm biên soạn từ điển lại lầm lẫn một cách không thể tin nổi.

2-“BÁNH: bánh dày”.
Viết đúng là “bánh GIẦY” hoặc “bánh GIÀY” (tên gọi bánh theo cách chế biến “giày”, “xéo” cho nát nhuyễn ra).
Không có sách từ điển tiếng Việt hoặc từ điển chính tả nào trong số hàng chục cuốn chúng tôi có trong tay ghi nhận “bánh dày” (từ đây, với những lỗi “có một không hai” này, sẽ được đánh ký hiệu [K] ở cuối đoạn trao đổi).

3-“BƠI: bơi chải”.
Viết đúng là “bơi TRẢI” (vì “trải” là một loại thuyền nhỏ, dài, dùng trong các cuộc thi bơi thuyền).[K]

4-“CHAI: con chai; canh chai”.

Việt Nam không có “đặc sản” nào như vậy. Phải chăng ý soạn giả muốn nói tới “con trai” (trong “Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”?) mà Từ điển Vietlex giảng là: “động vật thân mềm, có vỏ cứng gồm hai mảnh, sống ở đáy nước, một số loài có thể tiết ra ngọc hoặc vỏ có vân đẹp dùng làm đồ mĩ nghệ: tủ khảm trai ~ nuôi trai lấy ngọc ~ cháo trai”; và món “canh trai” nấu bằng thịt của loài nhuyễn thể này?[K]

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  To_ian11

Hướng dẫn chính tả của "Từ điển chính tả tiếng Việt"
Ảnh: HTC

5-“CHẦY: chầy chật”
Viết chuẩn là “trầy trật” (trầy da, trật xương).[K]

6-“CHÉO: chéo ngoe; bắt chéo chân”.

Viết đúng là “tréo ngoe” (“tréo” = cái nọ quặp, ngoắc, vắt lên cái kia); trong khi “chéo” chỉ là những đường xiên cắt nhau.[K]

7-“CHỈNH: chỉnh chu”.
Viết đúng là “CHỈN chu”. Vì “chỉn” nghĩa là vốn, thật (Đạo trời, báo phục chỉn ghê, Khéo thay một mẻ tóm về đầy nơi – Kiều). “Chỉn chu” = rất/thật chu (đáo). [K]

8-“CHIỀU: xuôi chiều mát mái”.
Viết đúng là “xuôi CHÈO” (chèo = chèo thuyền), đối với “mát MÁI” (mái = mái chèo). Dị bản: Chèo xuôi mát mái; Êm chèo mát mái.[K]

9-“CÔNG: xung công”.
Viết đúng là “SUNG công” 充公, vì sung 充 là từ Việt gốc Hán = nhận thêm, nhập vào.[K]

10-“DẰNG: dằng xé; dằng níu”.
Viết đúng là “giằng xé”; “giằng níu”.[K]

11-“DÀY: dày trông mai đợi”.
Viết đúng là “RÀY trông mai đợi” = Nay trông mai đợi. Vì “rày” có nghĩa là “nay”, nên thường thấy mô hình rày/nay … mai như: rày nắng mai mưa; rày đây mai đó;  rày/nay trông mai đợi…[K]
Ở mục “DÀY”, hàng loạt từ như “dày vò”, “dày xé”, “dày xéo”, “dây dày”, “voi dày ngựa xéo” đều sai chính tả. Theo đây, viết chuẩn phải là “GIÀY vò”, “GIÀY xé”, “GIÀY xéo”, “dây GIÀY”, “voi GIÀY ngựa xéo” (đúng ra là “voi giày ngựa XÉ”)[K]

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  To_ian12

Hướng dẫn chính tả của "Từ điển chính tả tiếng Việt"
Ảnh: HTC

12-“DÃY: dãy nảy”.
Viết đúng là “GIÃY nảy” (“giãy” trong “giãy đạp”, không phải “dãy” trong dãy bàn ghế).[K]

13-“DẪY (cv.dãy) dẫy dụa; dẫy nẩy”.

Viết đúng là “GIẪY giụa”, “GIẪY nẩy”. Soạn giả sai ở cả hai mục “DÃY nảy” và “DẪY nẩy”, chứng tỏ không phải sự cố.[K]

14-“DẤU: dấu diếm”.
Viết đúng là “GIẤU GIẾM” (“giấu” trong “giấu kín”; không phải “dấu” trong “dấu vết”).[K]

15-“DỞ: dở trò”.
Viết đúng là “GIỞ trò” (“giở” trong “giở ra”; không phải “dở” trong “dở dang”).

16-“DỤC: dục dịch”.
Tiếng Việt không có khái niệm này. Không lẽ soạn giả muốn hướng dẫn viết từ “RỤC RỊCH”?[K]

17-“GIÂY: giây dưa”.
Viết đúng là “DÂY dưa” (dây của cây dưa). Vì “dây dưa” bò lan, nhánh nọ đẻ nhánh kia, nên có một nghĩa bóng chỉ “anh em họ hàng xa”. Ví dụ “Hai nhà ấy có dây dưa gì với nhau đâu!” (tương tự “dây mơ rễ má”). Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) ghi nhận: “dây dưa • Dây cây dưa. Nghĩa bóng: Họ hàng xa; lôi-thôi không dứt”.[K]

18-“MA: ma chơi”.
Viết đúng là “ma TRƠI”. “Trơi” ở đây là dối, có mà không thật. Thế nên người Thanh Hoá gọi thằng bù nhìn giữ dưa là “thằng trơi dưa” = thằng người giả giữ dưa. Cũng như “ma trơi” là ánh lửa lập loè thường xuất hiện ở bãi tha ma vào những đêm mưa thâm gió bấc, khi ta đến gần thì vụt tắt tựa như ảo ảnh, có hình sắc mà như không.[K]

19-“QUỐC: trứng quốc”.
Không lẽ soạn giả muốn nói tới trứng của một loài chim có tên là “CUỐC”?[K]

20-“SAO: thôi sao”.
“Thôi XAO” 推敲 mới có nghĩa là đẽo gọt, lựa chọn chữ nghĩa. Nguyên Giả Ðảo đời Đường có câu thơ: Điểu túc trì trung thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn 鳥宿池中樹, 僧敲月下門. Vốn Giả Ðảo định dùng chữ thôi 推 = đẩy (cửa), rồi lại định dùng chữ xao 敲 = gõ (cửa), băn khoăn mãi mà không biết nên chọn chữ nào. Khi hỏi Hàn Dũ, ông bảo nên dùng chữ xao 敲. Sau này “thôi xao” 推敲 được dùng với nghĩa cân nhắc, lựa chọn chữ nghĩa. Viết “thôi SAO” là vô nghĩa.[K]

21-“SẺ: sẻ đàn tan nghé”.
Viết đúng là “sẩy/sểnh đàn tan nghé”. Vì “sẩy” hay “sểnh” mới có nghĩa là hụt, lạc, lỡ, mất (như “sẩy/sểnh nạ quạ tha”; “sẩy miệng buột lời”). Viết “SẺ” là vô nghĩa. Duy nhất có “Đại từ điển tiếng Việt” (Nguyễn Như Ý Chủ biên) ghi nhận “sẻ đàn tan nghé” và chỉ dẫn “như Sẩy đàn tan nghé”. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa “Từ điển chính tả tiếng Việt” đã đúng.

22-“SUẤT: chiết suất”.
Ở mục “CHIẾT”, thấy ghi nhận cả “chiết SUẤT” + “chiết XUẤT”, khiến người tra cứu chẳng biết đâu mà lần. Bởi nếu “chiết suất” (vật lí) thì đúng, còn “chiết suất” với nghĩa tách để lấy tinh chất từ thảo mộc hoặc một hỗn hợp chất nào đó thì sai. Kiểu biên soạn thiếu khoa học này còn thấy ở rất nhiều mục từ khác.

23-“SỬ: xét sử”.
Viết đúng là “xét XỬ”. Vì “XỬ” 處 là từ Việt gốc Hán, có nghĩa xử hình án; còn “SỬ” 使 lại có nghĩa là khiến, sai khiến (viết “xét SỬ” có thể bị suy diễn thành: xét hỏi + sai khiến, ép cung). Cũng như phải viết “XỬ án” 處案 chứ không phải “SỬ án”.[K]

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
Phương Nguyên

Phương Nguyên

Tổng số bài gửi : 4781
Registration date : 23/03/2013

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!    “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  I_icon13Tue 23 Feb 2021, 09:17

Dùng từ điển này để viết thơ ĐL thì đảm bảo né được cụ chánh với cụ bàng lol2
Về Đầu Trang Go down
Thanh Bình



Tổng số bài gửi : 532
Registration date : 20/11/2012

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!    “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  I_icon13Tue 23 Feb 2021, 14:40

Ngày trước đệ còn viết Dắt Túi với Dấu Đi bị Thầy gõ u đầu luôn 😂😂
Về Đầu Trang Go down
Phương Nguyên

Phương Nguyên

Tổng số bài gửi : 4781
Registration date : 23/03/2013

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!    “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  I_icon13Tue 23 Feb 2021, 22:04

Thanh Bình đã viết:
Ngày trước đệ còn viết Dắt Túi với Dấu Đi bị Thầy gõ u đầu luôn 😂😂

Hồi đó mà có quyển từ điển này thì có mang ra cãi thầy được không nhỉ hihi
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!    “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  I_icon13Wed 24 Feb 2021, 06:42

xài "tiếng Việt đổi mới" thì đâu ai bắt lỗi được!  :laughing:
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!    “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  I_icon13Wed 24 Feb 2021, 08:07

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!


(tiếp)

HOÀNG TUẤN CÔNG

24-“TÁNG: táng gia bại sản”.
Viết đúng là “TÁN gia”. Vì “TÁN” 散 là từ gốc Hán, có nghĩa tiêu tan, mất mát. Tán gia bại sản 散家敗產 = gia đình tan nát, tài sản tiêu tan (Dị bản: khuynh gia bại sản - 傾家敗產). Còn “TÁNG gia” 葬家 (hay “táng sư” 葬師), lại có nghĩa là thầy địa lý, thầy phong thuỷ (chọn huyệt cất mồ mả).

25-“TRƯỜNG: xa trường”.
Viết đúng là “SA trường”. “Sa trường” 沙場 là từ Việt gốc Hán, trong đó “sa” 沙 nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “SA trường” 沙場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường.[K]

26-“TRƯỞNG: trưởng bạ”.
Viết đúng là “CHưởng bạ”, vì “chưởng” 掌 nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ; cũng như “chưởng ấn” 掌印 = người giữ ấn tín. Có thể cái sai này Nhóm soạn giả “Từ điển từ láy tiếng Việt” thu thập trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) và/hoặc “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân Chủ biên, GS. Nguyễn Lân là thành viên biên soạn).

[*]

27-“XẨY: xẩy chân; xẩy đàn tan nghé; xẩy nhà ra thất nghiệp”.
Mục “XẨY” có ba từ ngữ đều sai cả. “XẨY” (hay xảy) là dùng trong “xảy ra” (sự việc), khác với “SẨY” nghĩa là mất mát, rơi rụng, lỡ hụt, lìa tan …Ví dụ “Sẩy vai xuống cánh tay”, “Sẩy miệng, buột lời”, “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “Con cá sẩy là con cá to”…Theo đây, viết đúng phải là “SẨY chân”, “SẨY đàn tan nghé”, “SẨY nhà ra thất nghiệp”.[K]

28-“XẢY: xảy đàn tan nghé; xảy tay”.
Lỗi “S” thành “X” lặp lại ở mục này, chứng tỏ cái sai của các soạn giả không phải là “SƠ SẢY”.[K]

29-“XẺ: xẻ cơm nhường áo”.
Viết đúng phải là “SẺ cơm nhường áo”. Vì “SẺ” đây chính là “sẻ” trong “san sẻ”, “chia sẻ”, mà Vietlex giảng là: “chia bớt ra, lấy ra một phần [thường để cùng hưởng]: sẻ bát nước làm hai ~ sẻ gánh nặng cho nhau ~ “Thương nhau, chia củ sắn lùi, Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.”[K]

30-“XỈ: xỉ mắng; xỉ nhục”.
Viết đúng phải là “SỈ mắng”, “SỈ nhục” 恥辱, vì “SỈ” 恥 là yếu tố gốc Hán, có nghĩa là làm cho nhục nhã.[K]

31-“XỈA: xưng xỉa”.
Viết đúng là “SƯNG SỈA”. Đây là từ ghép đẳng lập: “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (như Mặt sưng mày sỉa). “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “sưng • tt. Phù lên, nổi gò lên: Bị đánh sưng mặt, khóc nhiều sưng mắt”: “sỉa • tt. Sưng, phù hai chân khi có thai: Bị sỉa, sỉa hai chân cả tháng nay”.[K]

32-“XOA: xít xoa”.
Viết đúng là “xuýt xoa”. “XUÝT” = phát ra tiếng gió trong miệng; “xoa” = dùng tay mơn nhẹ vết thương, hoặc xoa lại với nhau, tỏ vẻ đau đớn, kinh ngạc hoặc tiếc nuối…Bởi vậy, viết “XÍT” là vô nghĩa. [K]

33-“REO: reo rắc”.
Viết đúng là “GIeo rắc” – từ ghép đẳng lập: “gieo” đồng nghĩa với “GIEO” trong “gieo hạt” + “RẮC” trong “rắc hạt”, có khi được dùng như “gieo” (như rắc hạt giống). Viết “REO” trong “gió reo” là vô nghĩa. [K]

34-“XOÀI: xóng xoài”.
Viết chuẩn là “SÓNG SOÀI”, (cũng như viết “sóng sượt”, không phải “xóng xượt”).

35-“TRỪU: trừu mến”.
Viết đúng là “TRÌU mến”. Vì “TRÌU” biến âm của “TRÍU” nghĩa là thương mến, không muốn rời ra. Người Thanh Hoá nói “tríu”, “tríu trồ” = bám lấy, níu lấy (thể hiện sự mừng rỡ, yêu mến):
- “Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình Tịnh Paulus Của): “tríu: đeo theo, thương mến quá, không chịu rời ra. Tríu mến).
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) mục “trìu mến” hướng dẫn xem “tríu-mến”: “Trìu-mến, yêu-thương như ghiền (nghiện) hơi, khiến quấn-quýt một bên luôn: Đem lòng tríu-mến”. Viết “TRỪU” là vô nghĩa. [K]

36-“XỌM: già xọm”.
Viết đúng là “già sọm” (SỌM = gầy, già yếu, hom hem).[K]

37-“XỘ: xừng xộ”.
Viết đúng là “sừng sộ”, vì “SỪNG” nghĩa là gườm nhau, khiêu khích, chực ăn thua với nhau.[K]

38-“XỚI: xới chọi gà”.
Viết “SỚI” mới đúng. Vì “sới” trong “SỚI chọi gà” chính là “sới” trong “sới vật”, “sới võ”, mà Vietlex giảng là: “khoảng đất được bố trí làm nơi đấu vật hoặc chọi gà, chọi chim để tranh giải trong ngày hội”.[K]

39-“XUẤT: khinh xuất”.
Viết đúng là “khinh suất” 輕率. Đây là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “khinh” 輕 = xem nhẹ; “SUẤT” 率 = hấp tấp, không thận trọng. “Hán ngữ đại từ điển”: “khinh suất: nói năng hành động tuỳ tiện; không thận trọng, không nghiêm túc.” [輕率: 言行隨便; 不慎重, 不嚴肅][K]

40-“XỨ: xứ bộ”.
Chỉ có “SỨ bộ”, không có “XỨ bộ” (Vietlex: “sứ bộ • 使部 d. [cũ] phái đoàn đi sứ thời phong kiến”).[K]

41-“XỰC: mũi xực lên; thơm xực”.
Viết đúng là “SỰC lên”, “thơm SỰC”. Còn “xực” (gốc Hán “ngật” 吃) chỉ có nghĩa là “ăn”, với hàm ý thô tục.[K]

         Trở lên là 41 mục, với gần 60 lỗi cụ thể ở dạng sai chính tả đơn thuần, trong đó phần lớn là những lỗi nặng. Dĩ nhiên, đây không phải là tất cả những lỗi mà chúng tôi đã phát hiện, hay những lỗi có trong sách.


“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Chzynh10

Trách nhiệm chính trong khâu biên tập thuộc về NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
Ảnh: HTC

B-Nhầm lẫn giữa cách viết cũ từng được ghi nhận, với “chính tả chuẩn” hiện hành:

         Ở phần “Lời nói đầu”, Nhóm soạn giả ghi rõ: “Từ điển chính tả tiếng Việt được biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng.” (HTC nhấn mạnh).
         Tuy nhiên trong thực tế, Nhóm soạn giả đã đánh đồng, hoặc nhầm lẫn giữa cách viết từng tồn tại hoặc “không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”, với “chính tả chuẩn […] theo chính âm và chính tả tiếng Việt”. Ví dụ:
-“GIỘP (cv. rộp): giộp da, giộp lưỡi, giộp nước sơn >< bỏng giộp”.
- “GIA: gia giết (cv. da diết)”.
“Giộp”, “gia giết” là cách viết cũ. Bởi vậy, lẽ ra nên hướng dẫn “thường viết” hoặc “nên viết” “RỘP”, “DA DIẾT”…, thì soạn giả lại hướng dẫn “cũng viết” “RỘP”, “cũng viết” “DA DIẾT”, biến cách viết cũ, không chuẩn, thành cách viết chuẩn, và ngược lại (lỗi dạng này khá nhiều).

Thậm chí mục “DÔ, hướng dẫn viết “dã dượi” (đây là cách viết cũ, có được từ điển ghi nhận, nhưng không có nghĩa là “chính tả chuẩn”); đến mục “RÔ, lại hướng dẫn viết “rã rượi”. Tương tự, mục “TÙNG” hướng dẫn viết “tùng phạm”, nhưng mục “TÒNG” lại hướng dẫn viết “tòng phạm”. Soạn giả không cho biết "dã dượi" và "rã rượi", “tùng phạm” và “tòng phạm”, cách viết nào chuẩn; và đây là một từ với hai cách viết, hay đây là hai từ khác nhau. Kiểu biên soạn này đặt người dùng sách vào sự hên xui khi tra cứu. Bởi cùng trong một sách, nhưng chỗ này thì đúng, chỗ khác thì sai. Tình trạng này có khá nhiều. Ví dụ: chỗ hướng dẫn “võ phu”, chỗ thì lại “vũ phu”; “vũ đoán” – “võ đoán”; “vũ sư” – “võ sư”…


“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Chzynh11

Bảng chỉ dẫn từ có hai dạng chính tả đều được chấp nhận
Ảnh: HTC


         C-Nhầm lẫn hai từ đồng nghĩa với một từ có hai dạng chính tả:

Từ có hai dạng chính tả có thể thay thế nhau trong mọi trường hợp. Ví dụ: hi sinh/hy sinh; sáp nhập/sát nhập. Ở phần “Phụ lục 3 - Danh sách các từ ngữ có hai dạng chính tả đều được chấp nhận trong tiếng Việt” (50 trang), một số dạng như: “biệt tăm-bặt tăm”; “bột phát-bộc phát”…có thể chấp nhận được. Nhưng phần lớn soạn giả nhầm lẫn, đánh đồng những cặp từ gần nghĩa, đồng nghĩa không hoàn toàn trong mọi trường hợp với “các từ ngữ có hai dạng chính tả”. Như: “bàn hoàn – bàng hoàng”; “đại thụ - đại thọ”; “đông nghịt – đông nghẹt”; “mất lòng – mếch lòng/mích lòng”...

Thực tế, “mất lòng” và “mích lòng” là hai từ không đồng nghĩa hoàn toàn. Ví như có thể viết “mất lòng dân”, chứ không viết “mếch/mích lòng dân”.

Tương tự, hàng loạt từ láy và không láy, hoặc hai từ láy khác nghĩa, bị soạn giả xếp vào “các từ ngữ có hai dạng chính tả”. Như: “tôi tối – tối”; “trăng trắng - trắng”; “vun vút - vút”; “chói lọi – chói lói”;  “nhưng nhức – rưng rức”…Những cặp từ này hoàn toàn không phải hai dạng chính tả. Ví dụ: có thể viết "những mốc son chói lọi", nhưng không thể viết "những mốc son chói lói"; hay “vun vút” là nhanh và liên tiếp, còn “vút” chỉ là nhanh, không hàm nghĩa liên tiếp v.v…Ta có thể viết: “Một cánh chim bay vút qua”. Nhưng nếu viết “Một cánh chim bay vun vút qua”, sẽ cho thấy ai đó sử dụng tiếng Việt chưa thạo. Hoặc soạn giả chỉ dẫn một từ với hai dạng chính tả “nhưng nhức – rưng rức” sẽ đúng, với điều kiện phải có phụ chú nói về mầu sắc. Nhưng hướng dẫn này trở thành sai khi không có phụ chú. Bởi “nhưng nhức” ngoài miêu tả về mầu sắc còn nói cảm giác đau; “rưng rức”, ngoài tả màu sắc, còn chỉ về tiếng khóc. Hoặc “cao tần” và “cao tầng” đều không có phụ chú, khiến người sử dụng từ điển có thể nhầm lẫn giữa “cao tần” (sóng) với “cao tầng” (nhà) v.v…

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Chzynh12

Bảng chỉ dẫn từ có hai dạng chính tả
Ảnh: HTC



D – Có khi không biết đâu mà lần:

Nhiều từ người dùng sách không biết nghĩa là gì. Ví dụ: “tuần điểm” (phải chăng là “tuần điếm”?); “nghị trượng” (“nghi trượng”?); “đâu lào” (“đâu nào” viết sai do nói ngọng, hay “đâu lào” = cây xoan lào? Liệu có loài cây này không?); “trừ tác” (“trứ tác”?). Tình trạng này khá nhiều.

E –
Dẫn sai ngữ liệu (phần trong ngoặc đơn là đính chính của chúng tôi):

Trong sách “Từ điển chính tả tiếng Việt”, Nhóm soạn giả thu thập nhiều thành ngữ, tục ngữ, ngữ liệu không chuẩn. Ví dụ: “tu binh mãi mã” (chính xác là “chiêu binh mãi mã” - 招兵買馬); “đánh chuột làm vỡ bình sứ” (“đánh chuột sợ vỡ bình quý”); “ấm da gà” (“ấm gan gà” = ấm đất có màu sắc như gan gà, như “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”); “cơm sung cháo đền” (“cơm sung cháo dền”); “chửi chó chửi mèo” (“chửi chó mắng mèo”/“chửi mèo quèo chó”); “bụng ỏng đít teo” (“bụng ỏng đít beo”); “trọng nghĩa khinh bần” (“trọng nghĩa khinh tài”); “mặt se mày sám” (“mặt se mày sém”); "xơ như nhộng xác như rờ" ("xác như vờ, xơ như nhộng")...

Vì bài viết đã dài, nên chúng tôi xin tạm dừng tại đây.

Dù thống kê chưa hết, nhưng những lỗi trên đây cho thấy “Từ điển chính tả tiếng Việt” của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội là cuốn từ điển không dành cho những người kém chính tả. Ngược lại, để sử dụng được cuốn từ điển này, người ta phải có trình độ chính tả chuẩn, để có thể tránh được sai lầm khi sử dụng.

Giả sử một cuốn tiểu thuyết hơn 700 trang, mà bạn đọc vấp phải khoảng 50 lỗi sai chính tả có gọi là nhiều không? Dĩ nhiên là nhiều, và rất khó chấp nhận. Với một cuốn từ điển chính tả có cùng số trang, yêu cầu phải “khuôn vàng thước ngọc”, mà lại phạm chừng gấp đôi, gấp ba số lỗi ấy, thì lại càng khó chấp nhận. Đúng hơn là không thể chấp nhận!

                                                                              HTC/6/2020
Chú thích:


[*]Có nhiều những điểm sai rất giống nhau giữa hai cuốn sách này. (Xem sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu” – Hoàng Tuấn Công - NXB Hội Nhà văn 2017, 2018).
Về Đầu Trang Go down
Ai Hoa

Ai Hoa

Tổng số bài gửi : 10564
Registration date : 23/11/2007

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!    “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  I_icon13Sat 27 Feb 2021, 08:15

Trà Mi đã viết:
xài "tiếng Việt đổi mới" thì đâu ai bắt lỗi được!  :laughing:

thì là mấy ông giáo sư tiến sĩ viết chính tả sai hoài nên mới "sáng tạo" ra "tiếng Việt đổi mới" đó TM ui!   :laughing15:

_________________________
“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Love10

Sông rồi cạn, núi rồi mòn
Thân về cát bụi, tình còn hư không
Về Đầu Trang Go down
Trà Mi

Trà Mi

Tổng số bài gửi : 7114
Registration date : 01/04/2011

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!    “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  I_icon13Sat 27 Feb 2021, 08:50

Ai Hoa đã viết:
Trà Mi đã viết:
xài "tiếng Việt đổi mới" thì đâu ai bắt lỗi được!  :laughing:

thì là mấy ông giáo sư tiến sĩ viết chính tả sai hoài nên mới "sáng tạo" ra "tiếng Việt đổi mới" đó TM ui!   :laughing15:

Thầy nói em mí bít, thì ra là dzị!  :-bd
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content




“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!    “TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!  I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ!
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: GIẢI TRÍ :: Quê Hương yêu dấu :: Tiếng Việt-