Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesVietUniĐăng kýĐăng Nhập
Bài viết mới
Thơ Nguyên Hữu 2022 by Nguyên Hữu Today at 16:38

Hơn 3.000 bài thơ tình Phạm Bá Chiểu by phambachieu Today at 06:59

KÍNH THĂM THẦY, TỶ VÀ CÁC HUYNH, ĐỆ, TỶ, MUỘI NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 by Trăng Thu 21 Nov 2024, 16:45

KÍNH CHÚC THẦY VÀ TỶ by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:30

SƯ TOẠI KHANH (những bài giảng nên nghe) by mytutru Wed 20 Nov 2024, 22:22

Lời muốn nói by Tú_Yên tv Wed 20 Nov 2024, 15:22

NHỚ NGHĨA THẦY by buixuanphuong09 Wed 20 Nov 2024, 06:20

KÍNH CHÚC THẦY TỶ by Bảo Minh Trang Tue 19 Nov 2024, 18:08

Mấy Mùa Cao Su Nở Hoa by Thiên Hùng Tue 19 Nov 2024, 06:54

Lục bát by Tinh Hoa Tue 19 Nov 2024, 03:10

7 chữ by Tinh Hoa Mon 18 Nov 2024, 02:10

Có Nên Lắp EQ Guitar Không? by hong35 Sun 17 Nov 2024, 14:21

Trang viết cuối đời by buixuanphuong09 Sun 17 Nov 2024, 07:52

Thơ Tú_Yên phổ nhạc by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:28

Trang thơ Tú_Yên (P2) by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:13

Chùm thơ "Có lẽ..." by Tú_Yên tv Sat 16 Nov 2024, 12:07

Hoàng Hiện by hoanghien123 Fri 15 Nov 2024, 11:36

Ngôi sao đang lên của Donald Trump by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 11:09

Cận vệ Chủ tịch nước trong chuyến thăm Chile by Trà Mi Fri 15 Nov 2024, 10:46

Bầu Cử Mỹ 2024 by chuoigia Thu 14 Nov 2024, 00:06

Cơn bão Trà Mi by Phương Nguyên Wed 13 Nov 2024, 08:04

DỤNG PHÁP Ở ĐỜI by mytutru Sat 09 Nov 2024, 00:19

Song thất lục bát by Tinh Hoa Thu 07 Nov 2024, 09:37

Tập thơ "Niệm khúc" by Tú_Yên tv Wed 06 Nov 2024, 10:34

TRANG ALBUM GIA ĐÌNH KỶ NIỆM CHUYỆN ĐỜI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:17

CHƯA TU &TU RỒI by mytutru Tue 05 Nov 2024, 01:05

Anh muốn về bên dòng sông quê em by vamcodonggiang Sat 02 Nov 2024, 08:04

Cột đồng chưa xanh (2) by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 12:39

Kim Vân Kiều Truyện - Thanh Tâm Tài Nhân by Ai Hoa Wed 30 Oct 2024, 08:41

Chút tâm tư by tâm an Sat 26 Oct 2024, 21:16

Tự điển
* Tự Điển Hồ Ngọc Đức



* Tự Điển Hán Việt
Hán Việt
Thư viện nhạc phổ
Tân nhạc ♫
Nghe Nhạc
Cải lương, Hài kịch
Truyện Audio
Âm Dương Lịch
Ho Ngoc Duc's Lunar Calendar
Đăng Nhập
Tên truy cập:
Mật khẩu:
Đăng nhập tự động mỗi khi truy cập: 
:: Quên mật khẩu

Share | 
 

 THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Chuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next
Tác giảThông điệp
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 01:13

======================
XUÂN THU CỐ SỰ TINH HOA
TỦ SÁCH TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA
======================

 
HÀN SĨ NGUYÊN
 
 
TRUYỆN THƠ
 
THỪA TƯỚNG
ỨNG HẦU
PHẠM THƯ

 
 
BẢN CHÍNH THỨC ĐÃ HIỆU ĐÍNH
-2002-


:bong:  rose  :hoa:

TRÍCH : PHẠM THƯ SANG TẦN

Quỳnh Hoa nước mắt tuôn rơi
Lấy chồng tất phải trọn đời tòng phu
Quản chi cơ cực đói no
Chỉ thương  thân phụ bơ vơ dãi dầu
Cha con nương tựa bấy lâu (681)
Nỡ nào ngoảnh mặt quay đầu mà đi ?
Trương Lộc lặng lẽ tính suy :
-“Ngày nay hiếu nghĩa khó bề vẹn hai
Thôi nàng ở lại rừng mai
Còn ta rong ruổi đường dài xa quê
Nhớ nhau trông ánh trăng thề
Người đi vạn dặm vẫn kề đầu song
Bao giờ đại sự thành công
Bấy giờ võng tía kiệu hồng đón đưa
Viễn quy thỏa nỗi mong chờ” (691)
Quỳnh Hoa cảm tạ, gấp lo đăng trình
Đêm tàn, dưới mái nhà tranh
Vợ chồng thủ thỉ ân tình keo sơn :
-“Còn trời còn nước còn non
Trước sau suối lại về nguồn mà thôi
Đừng buồn bã nữa em ơi
Chẳng bao lâu sẽ nối lời ái ân !”
Chia ly phút đã tới gần
Luyến lưu ruột xót, tần ngần lòng đau
Thiên cơ huyền bí nhiệm mầu (701)
Sinh ly tử biệt biết đâu ý trời ?
Giọt sầu tầm tã tuôn rơi
Yêu thương nói chẳng cạn lời yêu thương !
Trời vừa rạng sáng tinh sương
Quỳnh Hoa khép nép ven đường tiễn đưa
Nói bao nhiêu cũng chưa vừa
Bao nhiêu nước mắt cũng chưa thỏa lòng
Một ngày nên nghĩa vợ chồng
Ngàn thu ghi tạc thuỷ chung xứ này
Tạ ơn cha đã an bài (711)
Tạ ơn nương tử những ngày bên nhau
Mai sau  đoạt ấn vương hầu
Quyết không nỡ để ngậm sầu riêng ai
Người đi, người đã đi rồi
Sao còn đứng đó ngậm ngùi mà chi ?

(“),(“)
oOo
 (,,) ,, (,,)



:bong: rose :hoa:


Được sửa bởi HanSiNguyen ngày Tue 10 May 2016, 09:05; sửa lần 5.
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 01:16

:bong: rose :hoa:



rose

Trích : Cảm thán về nhân vật PHẠM THƯ

Trong Sử Ký, ở đoạn kết bài nói về Phạm Thư – Thái Trạch, Thái sử công Tư Mã Thiên đã ngậm ngùi mà chép lại rằng :
 
Phạm Thư, Thái Trạch người đời đều xếp vào hàng biện sĩ. Có những biện sĩ đi du thuyết chư hầu đến bạc đầu mà vẫn không gặp cơ hội, nguyên do không phải tại mưu kế của họ dở, mà chỉ vì họ không có đủ những điều kiện thuận tiện cần thiết để thành công
Đến như trường hợp của hai ông, đang khi tha hương lữ thứ ở Tần mà nối tiếp nhau làm nên khanh tướng, lập được công danh với thiên hạ, thì đó là nhờ thời thế có khác xưa vậy.Nhưng kẻ sĩ cũng có khi còn nhờ may mắn nữa, kể làm sao xiết những bậc hiền tài giỏi giang chẳng kém hai ông, song chỉ vì không có cơ duyên mà đành thất chí. Tuy nhiên, nếu như hai ông không gặp nhiều nguy khốn thì lấy gì kích thích hai ông.

 
Được lọt vào mắt xanh của Thái sử công Tư Mã Thiên, được đàng hoàng ghi chép vào Sử Ký, chỉ nội một điều ấy thôi cũng đủ cho thấy Phạm Thư quả thật phải là một nhân tài xuất chúng thời Chiến quốc vậy.
Tuy nhiên, cách đánh giá của Tư Mã Thiên về Phạm Thư - theo thiển ý - có đôi  điều cần cân nhắc lại :
 
-Một là, xếp Phạm Thư ngang với Thái Trạch, chung trong nhóm biện sĩ có phải là vội vàng ? Thái Trạch thì đúng là biện sĩ thật. Nhưng Phạm Thư thì còn hơn thế nhiều. Chỉ cần qua Sử Ký mà thôi, cũng có thể thấy được ông không chỉ là một biện sĩ du thuyết thành công nhờ vào tài năng ăn nói, ứng đáp; mà còn là một lương tướng, một chính khách tài ba, một nhà lãnh đạo sáng suốt, một mưu thần thao lược, một người hoạch định chính xác, và nói cho cùng, là một kẻ sĩ dị kỳ thời Đông Chu liệt quốc vậy.
-Hai là, quan điểm cho rằng ông thành công nhờ gặp cơ duyên có nên xem xét lại hay không ? Sang Tần chờ đợi hơn năm, có gặp cơ may nào đâu ? Tự mình viết bức thư  xin yết kiến Tần vương mở đầu cho cả một sự nghiệp phải chăng là may mắn ?
 
Tóm lại, người đời sau có mấy ai biết đến tên tuổi của Phạm Thư ? Phỏng có được bao nhiêu người hiểu biết chính xác về ông ? Vị trí đúng của ông trong lịch sử lẽ ra phải là vị trí của một “lương tướng”. Nếu xếp ông vào hàng biện sĩ, có thể nói là thiệt thòi cho ông lắm vậy.
Phải chăng đó là một trong số những nhìn nhận chưa hợp lẽ công bằng của hậu thế ???
 


HÀN SĨ NGUYÊN
Tháng 7 năm 2000


Được sửa bởi HanSiNguyen ngày Tue 10 May 2016, 09:07; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 01:20

LỜI NÓI ĐẦU
 
“THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ” là một bộ truyện thơ thể Lục bát dài 3380 câu, lúc đầu có tên là “Ứng hầu Phạm Thư”.

-Bộ truyện này là một thành phần trong tủ sách TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA của Hàn Sĩ Nguyên, những khái niệm mà  nhiều người thời nay cho rằng đã cổ hủ, lạc hậu rồi. Nhưng thật ra thì không phải thế. Trong thời buổi đồng tiền trở thành biểu tượng của thành công, kim chỉ nam soi đường, mục đích phải đạt, cứu cánh tìm kiếm, thậm chí trở thành lý tưởng sống, triết lý sống của nhiều người, chính sự “Tranh danh đoạt lợi” đã dẫn tới muôn vàn nhiễu nhương trong xã hội, đưa đẩy biết bao nhiêu số phận con người phải sa vào hố sâu tội lỗi, vực thẳm tội ác (ở khắp mọi nơi) thì những khái niệm về Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa lại càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

-Bộ truyện này ghi lại những chuyện xưa (CỐ SỰ) được chắt lọc TINH HOA từ thời Xuân thu, Chiến quốc, cách nay hơn 2000 năm. Chuyện cũ thì cũ thật, nhưng ôn việc thời xưa để hiểu rõ việc thời nay (ÔN CỐ TRI TÂN), là một việc làm thiết nghĩ không thừa chút nào cả

-Bộ truyện này được thể hiện dưới dạng thơ Lục bát là một thể thơ có tính dân tộc, mang bản sắc thuần tuý Việt Nam, với quá trình hình thành gần 5000 năm. Tuy thể thơ này “già nua” như thế, nhưng có học giả đã từng phát biểu : “LỤC BÁT CÒN, NƯỚC TA CÒN”, câu nói ngắn gọn ấy đủ để nói lên tầm quan trọng của thơ Lục bát vậy. Giá trị vĩnh cửu của thơ Lục bát đã từng được chứng minh qua Truyện Kiều, cũng như qua tập hợp kho tàng ca dao đầy tinh thần nhân bản Việt Nam.
 
Từ “Ứng hầu Phạm Thư” lúc ban đầu, cho đến “Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư” hiện nay, người viết đã mất hơn hai năm trường hiệu đính và chỉnh lý, trong tinh thần lao động cật lực và nghiêm túc.
Hy vọng rằng với cách làm việc tỉ mỉ và thận trọng như thế, bộ truyện này sẽ phần nào là bổ ích và đem lại hứng thú cho người đọc, trong cũng như ngoài nước, bây giờ cũng như sau này.
Các ý kiến trao đổi, đóng góp, nhận xét v.v ... xin gửi về địa chỉ e-mail : hansinguyen@gmail.com . HSN xin chân thành lắng nghe.
 
HSN trân trọng


rose

Bài đọc




:bong:  rose  :hoa:


Được sửa bởi HanSiNguyen ngày Tue 10 May 2016, 09:10; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 01:25

TỰ NGÔN
Lời tựa cho bản chính thức đã hiệu đính năm 2002

oOo

Thuở còn thơ ấu, tôi may mắn có một niềm hạnh phúc lớn lao là được bà nội (mù lòa), mẹ và cả chị tôi nữa, ru ngủ bằng truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du, bằng cả một kho ca dao truyền khẩu Việt Nam đầy ắp tình người.

Sau này khi lớn lên, khi va chạm, lăn lộn với đời, khi phải nếm trải những cay đắng xót xa của tình đời đen bạc, những lời ru thời thơ ấu ấy vẫn lắng đọng mãi trong tôi, giúp tôi vơi đi nỗi thống khổ, sự cô đơn, động viên tôi kiên trì đi tiếp, đi mãi trên đường ngay lối thẳng
.
Những lời thơ sang sảng của Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị chẳng khác nào kim chỉ nam soi đường. Những tấm gương trung hiếu tiết nghĩa của Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Thủ Khoa Huân, Hồ Huân Nghiệp, Trương Định, v.v… vẫn còn đó chói ngời rạng rỡ trong lịch sử Việt Nam.

Nhìn sang lịch sử Trung Quốc, những tấm gương anh hùng cái thế, đạo nghĩa ngất trời của Nhạc Phi, Văn Thiên Tường thời Nam Tống, Tiên Trẩn thời Xuân Thu, Phạm Thư thời Chiến Quốc và nhiều người khác nữa, lúc nào cũng cháy bỏng trong tôi.

Hận là tài mình kém cỏi, không phát tiết ra thành thơ được.

Mẹ tôi nay đã già rồi. Bây giờ đến lượt bà chỉ thích nghe đọc thơ. Đọc hết thơ cổ cho bà nghe, cạn nguồn rồi, chẳng còn biết làm sao, thôi thì chẳng kể sức mình bất khả, chẳng nệ thơ mình vụng về, mộc mạc, chân chất, đời thường, tôi đành mạo muội vừa viết vừa đọc cho bà nghe … Mỗi ngày non một trăm câu. Có khi cao hứng được hơn hai trăm câu. Quay đi quay lại hai mươi bảy ngày thấm thoắt, thế là hình thành nên pho truyện thơ ỨNG HẦU PHẠM THƯ 3380 câu lục bát.

Tiếp theo đó là cả một quá trình chỉnh lý và hiệu đính dài đăng đẳng suốt hai năm trường, lần dò từng câu, chỉnh sửa từng chữ, để cuối cùng có được THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ như hiện nay. Nhưng đây đó chắc hẳn vẫn không tránh khỏi ít nhiều thiếu sót, khiếm khuyết.

Với mọi người, có thể đây chỉ là một pho truyện bình thường, hoặc tầm thường thôi, thậm chí còn có thể bị quy là “cổ hủ, lạc hậu, hay lỗi thời” nữa cũng không chừng. Nhưng với riêng tôi, mãi mãi tập thơ này đã trở thành một kỷ niệm không thể nào quên.

Trân trọng cám ơn các thi hữu đã hết lòng động viên, khuyến khích, giúp đỡ tôi hoàn tất việc hình thành tập thơ này.
Rất tiếc là trong lần ra mắt đầu tiên, vì muốn cho khuôn khổ sách gọn nhẹ, tôi đã không thể cho in kèm những trang chú giải về nhân danh, địa danh, điển tích và bình chú của bạn bè, thân hữu xa gần. Hy vọng rằng trong những lần xuất bản kế tiếp, tôi sẽ có thể khắc phục được các thiếu sót vừa nêu.

Tôi xin mượn 4 câu thơ cuối truyện Phạm Thư để kết thúc những lời TỰ NGÔN này :


Chuyện xưa nhân đọc mà chơi
Diễn thành thơ, cốt giúp vui mẹ già
Người sau nếu có xem qua
Không chê thơ vụng - Ấy là tri ân.


Không chê thơ vụng, ấy là tôi đã tri ân nhiều lắm rồi vậy

Tháng 7 năm 2002
Sài Gòn


HÀN SĨ NGUYÊN

rose
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 01:31

GIỚI THIỆU
NHÂN VẬT PHẠM THƯ
TRONG CỔ SỬ TRUNG QUỐC


rose  



rose

Phạm Thư là một nhân vật có thật cuối thời Chiến quốc, xuất thân hàn vi ở nước Ngụy, một trong ba nước Tam Tấn (Triệu, Hàn, Ngụy), trải qua bao gian lao cực khổ sau làm quan đến mức tột đỉnh : thừa tướng nước Tần, nắm quyền sinh sát ở một cường quốc có thế và lực mạnh nhất thời hậu kỳ Chiến quốc, đất phong vạn dặm, tước là Ứng hầu. Phạm Thư chính là một trong số những quan thừa tướng nổi tiếng, có nhiều đóng góp xuất sắc cho nước Tần (bao gồm Bá Lý Hề, Kiển Thúc, Thương Ưởng, Phạm Thư, Lã Bất Vi, Lý Tư…). Ông đã góp phần xây dựng một nước Tần, vốn dĩ bị coi là man di mọi rợ ở phía Tây Trung Quốc, trở thành một quốc gia hùng mạnh, tạo tiền đề vững chắc cho Tần Thủy hoàng gồm thâu lục quốc sau này.
 
Sử Ký Tư Mã Thiên – một pho chính sử đồ sộ và có uy tín thời Tây Hán – đã ghi chép sơ lược nhưng khá đầy đủ, rõ ràng về nhân vật này. Đông Chu liệt quốc diễn nghĩa cũng không bỏ sót. Và còn nhiều thư tịch cổ khác như Chiến quốc sách, Cổ học tinh hoa, Lã thị Xuân thu v. v… đó đây đều có ít nhiều những dòng đề cập đến Phạm Thư.
Theo Sử Ký Tư Mã Thiên, Phạm Thư có tên gọi là Phạm Tuy, cũng được gọi là Phạm Chuy, tự là Phạm Thúc,

 
… người nước Ngụy. Nhà nghèo…, khởi đầu thờ quan trung đại phu Tu Cổ. Tu Cổ vì Ngụy Chiêu vương mà đi sứ sang Tề, Phạm Thư đi theo….
Tề Tương vương biết Thư có tài mới sai người đem cho vàng lụa. Thư từ tạ không dám nhận. Tu Cổ biết chuyện giận lắm …về nước… đem việc trình lên quan tướng quốc nước Ngụy tên gọi là Ngụy Tề.  Ngụy Tề cả giận, …. sai đánh gãy cả xương sườn, gãy cả răng. Thư giả chết … , xác được bó chiếu quẳng vào cầu tiêu, cho quan khách say rượu tiểu tiện bừa vào, cốt làm nhục Phạm Thư để răn đe kẻ khác….. Người coi nhà cầu xin phép đem cái thây ma bó chiếu ra đồng vứt đi. Đang lúc say rượu, Ngụy Tề vội vàng cho phép. Thế là Phạm Thư ra thoát. Một người nước Ngụy tên là Trịnh An Bình hay tin ấy bèn đem Thư đi trốn, ở chui, ở rúc, đổi tên là Trương Lộc...."


Sau đó, nhân dịp yết giả Vương Kê nước Tần đi sứ sang Ngụy, Phạm Thư cùng với Trịnh An Bình theo Vương Kê sang Tần, tạm làm tân khách hơn một năm trời, chờ đợi mỏi mòn cũng vẫn không có cơ hội nào yết kiến Tần Chiêu Tương vương……..
 
Sau nhân dịp thừa tướng Nhương hầu Ngụy Nhiễm nước Tần chuẩn bị đánh Tề, Phạm Thư mới dâng thư lên Tần vương xin vào ra mắt. Bức thư này xưa nay vẫn được đánh giá như một áng cổ văn xuất sắc, có sức mạnh lay động lòng người. Kết quả là Tần vương cho kiến giá. Kể từ sau buổi hội ngộ ấy, Tần vương xem Phạm Thư như kẻ bề tôi thân tín, đối đãi như bậc thầy, bàn gì cũng nghe, kế gì cũng theo.
 
Chỉ trong 3 năm ngắn ngủi, Phạm Thư hoàn thành việc củng cố quyền chính nước Tần, dẹp yên nghịch đảng, được phong làm thừa tướng, ở ngôi Ứng hầu, đất phong vạn dặm ở Ứng thành. Trong mười hai năm tiếp đó, Phạm Thư đề ra chính sách “Tàm thực” (tằm ăn dâu), chủ trương thân nước xa (Yên, Tề, Sở), đánh nước gần (Ngụy, Hàn, Triệu). Mỗi lần xuất quân, là mỗi lần lấn chiếm đất đai. Và đặc biệt là  đất chiếm đến đâu, bố trí dân định canh, định cư đến đấy… khiến hình thành nên thế “địch gầy ta béo”.

Với chiến lược xuất sắc, phù hợp với tình thế bảy nước lúc bấy giờ của Phạm Thư, cộng thêm tài điều binh khiển tướng như thần của Võ An quân Bạch Khởi – một danh tướng xuất sắc bậc nhất thời Xuân thu Chiến quốc, quân Tần thắng như chẻ tre, mà tiêu biểu nhất là trận quyết chiến chiến lược ở Trường Bình, nơi đó 30 vạn quân Tần của Bạch Khởi đã bao vây, cô lập, tiêu diệt, và bức hàng hơn 45 vạn liên quân Hàn Triệu. Một trận thắng không chỉ dũng mãnh, oai hùng, oanh liệt, qui mô lớn nhất thời Chiến quốc mà còn tiêu biểu cho cả mưu cơ xuất chúng, hoạch định thần kỳ, qua một loạt kỳ mưu vô tiền khoáng hậu như : Liên hoàn kế, Khổ nhục kế, Phản gián, Nghi binh, cũng như kỳ trận Thập diện mai phục, dồn nguyên soái nước Triệu là Triệu Quát (con trai danh tướng Mã Phục quân Triệu Xa) lâm vào đất chết.
 
Sau trận Trường Bình, uy thế nước Tần lên đến tột đỉnh, tưởng chừng như chỉ cất tay một cái là có thể bắt Triệu quy phục, cất tay cái nữa là có thể gồm thâu thiên hạ quy về một mối. Thế nhưng việc đời không phải dễ dàng như thế, liên tiếp nhiều sự cố quan trọng xảy ra : Bạch Khởi tiêu diệt 40 vạn hàng binh nước Triệu, khiến cho cả nước Triệu căm phẫn, thà chết cũng quyết chống lại, không chịu theo Tần. Rồi lục quốc liên thông giúp nhau chống Tần. Tần vương nghi kỵ giết Bạch Khởi. Trịnh An Bình thua trận dưới tay tướng Ngụy là Tín Lăng quân. Rồi Phạm Thư cáo quan. Thái Trạch thay chân làm thừa tướng. Chưa trọn 3 năm, Tần Chiêu Tương vương băng hà. Tình thế thiên hạ tiếp tục chia năm xẻ bảy thêm nhiều năm nữa. Cuối cùng phải đến Tần Thuỷ hoàng mới hoàn thành việc nhất thống thiên hạ.
 
Trong tình thế loạn lạc liên miên ấy, một con người xuất thân hàn vi, không có thế lực riêng tư nào ủng hộ, chỉ trông cậy hoàn toàn vào tài năng cá nhân như Phạm Thư trước sau đã có thể nắm gọn quyền chính nước Tần trong mười lăm năm (Từ năm thứ 36 đến năm thứ 51 đời Tần Chiêu Tương vương). Mười lăm năm chỉ dưới một người và trên muôn người. Thật là một kỳ tích dị thường, thế gian xưa nay hiếm !
 
Về mặt con người, Sử Ký Tư Mã Thiên tuy ngắn gọn, súc tích, cũng đủ cho thấy một Phạm Thư lắm mưu nhiều trí, nhìn xa trông rộng, ơn đền oán trả rạch ròi, phân minh. Và cuối cùng, ở độ tuổi năm mươi, Phạm Thư đã biết thức thời cáo quan quy ẩn, tránh được cái vạ sát thân mà những người tiền nhiệm trước kia, cũng như kế nhiệm sau này đều không tránh khỏi (Thương Ưởng bị hành hình phân thây giữa chợ, Thái Trạch phải chạy trốn sang nước khác, Lã Bất Vi cay đắng nhận lấy bầu rượu độc …). Có đối chiếu như thế mới thấy được sự cao minh, sáng suốt của Phạm Thư vậy.
 
Trong Sử Ký, ở đoạn kết bài nói về Phạm Thư – Thái Trạch, Thái sử công Tư Mã Thiên đã ngậm ngùi mà chép lại rằng :

 
Phạm Thư, Thái Trạch người đời đều xếp vào hàng biện sĩ. Có những biện sĩ đi du thuyết chư hầu đến bạc đầu mà vẫn không gặp cơ hội, nguyên do không phải tại mưu kế của họ dở, mà chỉ vì họ không có đủ những điều kiện thuận tiện cần thiết để thành công
Đến như trường hợp của hai ông, đang khi tha hương lữ thứ ở Tần mà nối tiếp nhau làm nên khanh tướng, lập được công danh với thiên hạ, thì đó là nhờ thời thế có khác xưa vậy.Nhưng kẻ sĩ cũng có khi còn nhờ may mắn nữa, kể làm sao xiết những bậc hiền tài giỏi giang chẳng kém hai ông, song chỉ vì không có cơ duyên mà đành thất chí. Tuy nhiên, nếu như hai ông không gặp nhiều nguy khốn thì lấy gì kích thích hai ông.

 
Được lọt vào mắt xanh của Thái sử công Tư Mã Thiên, được đàng hoàng ghi chép vào Sử Ký, chỉ nội một điều ấy thôi cũng đủ cho thấy Phạm Thư quả thật phải là một nhân tài xuất chúng thời Chiến quốc vậy.

Tuy nhiên, cách đánh giá của Tư Mã Thiên về Phạm Thư - theo thiển ý - có đôi  điều cần cân nhắc lại :
 
-Xếp Phạm Thư ngang với Thái Trạch, chung trong nhóm biện sĩ có phải là vội vàng ? Thái Trạch thì đúng là biện sĩ thật. Nhưng Phạm Thư thì còn hơn thế nhiều. Chỉ cần qua Sử
Ký mà thôi, cũng có thể thấy được ông không chỉ là một biện sĩ du thuyết thành công nhờ vào tài năng ăn nói, ứng đáp; mà còn là một lương tướng, một chính khách tài ba, một nhà lãnh đạo sáng suốt, một mưu thần thao lược, một người hoạch định chính xác, và nói cho cùng, là một kẻ sĩ dị kỳ thời Đông Chu liệt quốc vậy.

-Quan điểm cho rằng ông thành công nhờ gặp cơ duyên có nên xem xét lại hay không ? Sang Tần chờ đợi hơn năm, có gặp cơ may nào đâu ? Tự mình viết bức thư  xin yết kiến Tần vương mở đầu cho cả một sự nghiệp phải chăng là may mắn ?
 
Tóm lại, người đời sau có mấy ai biết đến tên tuổi của Phạm Thư ? Phỏng có được bao nhiêu người hiểu biết chính xác về ông ? Vị trí đúng của ông trong lịch sử lẽ ra phải là vị trí của một “lương tướng”. Nếu xếp ông vào hàng biện sĩ, có thể nói là thiệt thòi cho ông lắm vậy.
Phải chăng đó là một trong số những nhìn nhận chưa hợp lẽ công bằng của hậu thế ???

 
HÀN SĨ NGUYÊN
Tháng 7 năm 2000

rose


Được sửa bởi HanSiNguyen ngày Tue 10 May 2016, 09:18; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 01:37

PHẠM THƯ QUA NGÒI BÚT HÀN SĨ NGUYÊN
-Bài của nhà văn VŨ HẠNH-

rose



rose

Trong cổ sử Trung Quốc, Phạm Thư chưa hẳn đã là một con người hoàn thiện, cũng tích oán cưu hờn, cũng ơn đền oán trả, cũng phạm nhiều sai lầm trong cuộc sống riêng tư cá nhân, cũng như trong hoạt động chính trị của nước Tần, cũng lo toan cho địa vị cá nhân, cũng tham luyến quyền hành, cũng đe nẹt hàn sĩ. Những điều ấy được ghi chép tỏ tường trong Sử Ký Tư Mã Thiên, phần Liệt truyện, đoạn nói về các biện sĩ “Phạm Thư -Thái Trạch”.
 
Dẫn xuất từ nguồn tư liệu cổ ít ỏi ấy, nhà giáo kiêm nhà thơ Việt Nam Hàn Sĩ Nguyên qua tác phẩm ỨNG HẦU PHẠM THƯ, có thể nói đã viết lại, đã vẽ lại, đã hư cấu, hình thành nên một Phạm Thư mới, khiến cho một thừa tuớng Phạm Thư thời xa xưa, vốn còn xa lạ với công chúng, xuất hiện trước mắt chúng ta như một nhân vật phi thường. Đó là một con người bình dị, có trí năng thông tuệ tuyệt vời, đã quán triệt được lẽ biện chứng trong cuộc sống của thời tao loạn, để mà hướng sự việc tiếp diễn theo mức tối ưu, đó cũng còn là một con người đạo đức vô song với niềm hiếu thảo,với nghĩa thủy chung, cư xử ân oán phân minh, nhân nghĩa vẹn toàn. Ở thời điểm tột đỉnh vinh quang, con người ấy vẫn không ham địa vị, không mê nữ sắc, không hề trở mặt quay lưng với người cùng khổ, với kẻ vô danh ngày xưa có ơn cứu mạng cho mình; để rồi đem tấm lòng biết ơn đáp đền trong muôn một, và cũng từ con người rất khốn khổ ấy mà Phạm Thư đã nghe ra, đã hiểu thấu tiếng nói của lương tri. Chu toàn đạo nghĩa, trọn vẹn ân tình, con người ấy còn biết tiến, biết thoái, quả là một sự kiện nhân sinh hiếm thấy xưa nay, đồng thời đó còn là mẫu mực của một đạo lý sống có thể truyền lưu cho đến muôn đời.


Phạm Thư là sản phẩm của một thời tao loạn, nhưng chính qua thời tao loạn ấy mà đức và tài của nhân vật này bộc lộ hết được tinh hoa. Có lẽ càng suy gẫm thêm, mỗi người trong chúng ta còn có thể tìm thấy được qua nhân vật này những điều kỳ thú cho một lẽ sống nhiệm mầu.
 
Đem những người xưa tiêu biểu ra viết thành thơ lục bát hơn ba ngàn câu, để mà hoằng dương đạo nghĩa, phổ biến nhân luân, HÀN SĨ NGUYÊN đã lặng lẽ làm một công việc ít thấy giữa thời buổi kinh tế thị trường đầy cảnh bon chen trục lợi, đầy những mưu toan thực dụng, đầy những tính toán đảo điên. Nhưng nét kỳ diệu của cuộc đời này vẫn tồn tại đó, qua tập truyện thơ Ứng Hầu Phạm Thư : Một vị thừa tướng từ thời cổ sử xa xôi mờ mịt của nước Trung Hoa giữa buổi loạn ly, đã trở lại như một con người hiện thực giữa cõi đời này .
 
Xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả tập truyện thơ Ứng Hầu Phạm Thư, một sáng tác mà nhà giáo kiêm nhà thơ Việt Nam - ông HÀN SĨ NGUYÊN – đã đem những lời thơ hoa gấm dệt nên một áng diễn ca đầy ắp tình người.

 
Nhà văn Vũ Hạnh
12/2000  

 
rose


Được sửa bởi HanSiNguyen ngày Tue 10 May 2016, 09:21; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 01:41

NỘI DUNG

“Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư” gồm có 30 phân đoạn :

1-Phạm Thư thuở hàn vi
2-Tu Cổ đi sứ nước Tề
3-Kẻ ác đồng mưu
4-Phạm Thư lâm nạn
5-Tiếng đàn rừng mai
6-Ân tình rừng mai
7-Vương Kê cầu hiền
8-Phạm Thư sang Tần
9-Tần Chiêu Tương vương
10-Phạm Thư biểu
11-Kiến giá Tần vương
12-An Bình bắt Ngụy Xú Phu
13-Bãi chức Nhương hầu
14-Thừa tướng Phạm Thư
15-Về cố hương
16-Thiên võng khôi khôi
17-Phạm Thư trả thù Tu Cổ
18-Ngụy vương hiến công chúa
19-Trảm Ngụy Tề
20-Gặp lại người xưa
21-Đánh Hàn chiếm Huỳnh Dương
22-Phùng Đình hiến Thượng Đảng
23-Triệu Hiếu Thành vương
24-Phản gián khổ nhục liên hoàn kế
25-Trận Trường Bình
26-Bạch Khởi diệt hàng binh
27-Tần vương giết Võ An quân
28-Tống biệt hành
29-Phạm Thư cáo quan
30-Tiêu dao Ứng thành


rose

===================
DANH MỤC SÁCH THAM KHẢO
===================


1-Sử ký Tư Mã Thiên - Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê
2-Đông Chu liệt quốc diễn nghĩa - Bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục
3-Cổ học tinh hoa - Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê
4-Chiến quốc sách - Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê
5-Lã thị Xuân Thu
6-Binh pháp Tôn Vũ tử

====================


:bong: rose :hoa:
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 01:55

XUÂN THU CỐ SỰ TINH HOA
TỦ SÁCH TRUNG HIẾU TIẾT NGHĨA

=======================

HÀN SĨ NGUYÊN


TRUYỆN THƠ

THỪA TƯỚNG
ỨNG HẦU
PHẠM THƯ



BẢN CHÍNH THỨC ĐÃ HIỆU ĐÍNH
-2002-

rose

01. Phạm Thư thuở hàn vi

Cuối thời Chiến quốc, Xuân thu (1)
Sinh linh đồ thán, Đông Chu suy tàn
Tam Tấn có Triệu, Nguỵ, Hàn
Tần, Tề, Yên, Sở qua can tranh cường
Nguỵ đô đóng ở Đại Lương
Chiêu vương trị quốc, nhiễu nhương binh tình
Thế nước suy yếu chông chênh
Biên thuỳ bỏ ngỏ, kinh thành thiên di
Càn qua quét lại lắm khi
Chính hư binh nhược, cận kề bại vong
Họ Phạm giúp nước dày công (11)
Đời đời khanh tướng, nối dòng vương tôn
Phù vân khó nỗi trường tồn
Tổ tiên hưng vượng, cháu con điêu tàn.
Phạm Thư xuất xứ cơ hàn
Mẹ cha mất sớm, họ hàng lìa xa
Bọt bèo trôi nổi la đà
Quản chi cực nhọc, miễn là tồn sinh
Thiên tư vốn dĩ thông minh
Chuyên cần học tập, pháp binh ghi lòng
Bách gia chư tử lão thông (21)
Thuyết Nan cố sự ngược dòng mà chơi
Thoắt đà mười tám năm trời
Nên trang bản lãnh, ra người tài hoa
Lòng riêng, riêng những ước mơ
Đem tài Ninh Thích giúp cho Tề Hoàn
Công cha nghĩa mẹ chu toàn
Trung quân báo quốc trị an nước nhà
Quần bô áo vải xót xa
Không người tiến dẫn khó mà nên danh
Lược thao xếp xó đã đành (31)
Trước thềm Tu Cổ, hạ mình đánh xe
Ngày ngày hai buổi đi về
Mơ phá Thành Bộc, tưởng truy Hào Đình
Vẫy vùng Nam quận, Yên Kinh
Khi an Cự Lộc, khi bình Hàm Dương
Ngựa xe rong ruổi sa trường
Chí như Tôn tử, tài dường Ngô quân
Đêm khuya mơ tuởng Tô Tần
Uốn ba tấc lưỡi canh tân nước nhà
Tai nghe gà gáy xa xa (41)
Giật mình tỉnh giấc, xó nhà nằm co
Một mình một bóng bơ vơ
Bốn bề cô quạnh, thương cho nỗi đời
Tài năng chuyển đất rung trời
Thời cơ không có, sức người mong manh
Ngư ông sông Vị nương mình
Lược thao rèn giũa, pháp binh trau dồi
Thu qua, Đông lại, Xuân trôi
Ba năm ròng rã làm người xa phu
Đón đưa Tu Cổ đại phu (51)
Việc công góp ý, việc tư lo lường
Giang hồ hào sĩ tứ phương
Tình như thủ túc, lễ nhường hàn nho
Khi vui khúc nhạc, cuộc cờ
Khi buồn chén rượu, bài thơ giải phiền
Miệng Cổ không ngớt ngợi khen
Lòng Tu đố kỵ, ghét ghen chất chồng
Phạm Thư tận nghĩa tận trung
Nghĩ mình ăn quả, cố công vun bồi
Cúc cung tận tuỵ ở đời (61)
Biết đâu lòng dạ con người hiểm sâu.

rose



rose


Được sửa bởi HanSiNguyen ngày Tue 10 May 2016, 09:23; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 07:06

GIẢN CHÚ đọan 1 (by NGUYỄN PHÚ)

1-Thuở hàn vi : thời còn nghèo khổ, lúc chưa có công danh sự nghiệp.

2-Chu : Một vương triều ở Trung quốc thời cổ đại, sau nhà Ân (Thương). Khởi đầu từ lúc Chu Võ vương (Cơ Phát) đem quân Tây kỳ qua bến Mạnh Tân diệt Trụ vương. Triều đại nhà Chu gồm 2 thời kỳ :

-Thời Tây Chu : Từ Võ vương đến U vương , trải qua gần 400 năm. Đóng đô ở Tây kỳ. Thời đại này có thể nói là thời thịnh trị. Đến đời Chu U vương, vua này say đắm mỹ nhân Bao Tự khiến sinh ra loạn lạc triền miên, sau phải dời đô về Lạc Dương ở phía Đông. Từ lúc ấy, Tây Chu cáo chung, bắt đầu thời đại Đông Chu.

-Thời Đông Chu : từ Chu Bình vương đến khi mất nước, cũng kéo dài hơn 400 năm. Vua Đông Chu dần dần chỉ còn là hư vị, ngồi làm Thiên tử bù nhìn ở Lạc Dương chứng kiến thiên hạ loạn lạc, chư hầu tranh bá đồ vương mà thôi.

3-Xuân Thu : Thời kỳ 800 nước chư hầu của nhà Chu tranh giành quyền lực, đấu đá, thôn tính lẫn nhau. Trong thời Xuân Thu kéo dài hơn 200 năm, trước sau có 5 vị bá chủ (Ngũ bá) đó là : Tề Hoàn công, Tấn Văn công, Tần Mục công, Tống tương công, và Sở Trang vương. Trừ Tống Tương công ra, bốn người còn lại đều là những bậc kỳ tài, xuất chúng, uy đức và công nghiệp bao trùm cả thiên hạ. Các nước nhỏ lần lượt bị thôn tính, mất dần.

4-Chiến Quốc : Thời kỳ tiếp theo Xuân Thu, cũng kéo dài gần 200 năm. Trong thời này, chỉ còn lại 7 nước lớn (Tần, Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ) luôn năm chinh chiến, công phá lẫn nhau, tranh giành quyền thống trị thiên hạ. Trong khi đó, tất cả vẫn công nhận nhà Đông Chu là ... Thiên tử, như một quyền lực hư vị. Về sau, Tần Thuỷ hoàng diệt Chu, gồm thâu lục quốc, thống nhất thiên hạ, lập nên nhà Tần, là triều đại chính thức nối tiếp triều đại Chu.

5-Sinh linh : (Sinh : sống - Linh : linh hồn - Sinh linh : những tạo vật , chỉ chung cả người lẫn động vật). Nghĩa phổ thông : Bá tánh, bách tính, trăm họ, muôn dân, nhân dân.

6-Đồ thán : (Thán : than oán - Đồ : giết, bị giết). Nghĩa rộng : Ta thán vì cực khổ đủ mọi mặt, cực khổ đến cùng cực.

7-Tấn : Một chư hầu lớn của thời Đông Chu, đất đai ở miền Bắc và Trung Trung quốc.(thường gọi là Trung nguyên). Do đặc điểm địa lý ấy, Tấn là một nước lớn, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phân bổ thế và lực của nhiều nước xung quanh. Thời cực thịnh của Tấn là thời Tấn Hiếu Công, và sau đó là Tấn Văn công (Trùng Nhĩ) . Vị này là một trong Ngũ bá.

8-Tam Tấn : Khi Tấn suy, các quan khanh họ Nguỵ, họ Triệu, họ Hàn thoả thuận chia nước Tấn ra thành ba nước nhỏ là : Nguỵ, Hàn, Triệu (gọi chung là Tam Tấn : Ba nước Tấn ... nhỏ ). Trong ba nước này, Triệu mạnh nhất về quân sự, nhất là sau khi thôn tính nước Trung Sơn và nước Đại ở phương Bắc. Còn Nguỵ thì có ảnh hưởng lớn về chính trị, văn hoá, nhờ ở vào vị trí trung tâm của Trung quốc thời ấy.

9-Qua can : (Qua : giáo- Can = côn : cây gậy) , cũng như “can qua”, nghĩa là côn và giáo, tên các binh khí thời ấy. Từ này ngầm chỉ việc chiến tranh
Qua can tranh cường : Dùng gươm giáo để phân định hơn thua, mạnh yếu

10-Biên thuỳ : Biên cương, biên giới, vùng đất ở ranh giới giữa 2 nước

11-Thiên di : Dời đi, chuyển đi nơi khác.

12-Nhược : yếu (phản nghĩa của Cường : mạnh)

13-Hư vong : Suy sụp, mất nước

14-Vương tôn : con vua cháu chúa. Chỉ giới quý tộc, thượng lưu trong thời cổ xưa.

15-Phù vân : Mây nổi.
Thơ cổ có câu : “Thiên thượng phù vân như bạch y; Tiêu diêu hốt biến vi thương cẩu”.
Nghĩa là “Trên trời mây nổi lơ lửng như chiếc áo trắng; Thoắt một cái đã vội biến thành con chó màu xanh”; ý cả câu muốn nói đến sự thay đổi “Tang thương dâu bể” ở cõi đời này, không có gì tồn tại lâu dài mãi được.

16-Trường tồn : Tồn tại lâu dài, còn lại lâu dài, không bị mất đi.

17-Hưng vượng : Thịnh vượng lên, giàu có thêm, phát đạt hơn.

18-Điêu tàn : Suy tàn, tàn dần, điêu đứng khổ sở.

19-Xuất xứ cơ hàn : Xuất thân từ chỗ nghèo đói mà ra. (Cơ : đói; Hàn : lạnh)

20-Tồn sinh : (cũng như “Sinh tồn”) nghĩa là sống còn, còn duy trì, còn kéo dài được mạng sống.

21-Thiên tư : Vốn liếng trời cho

22-Thông minh : Tinh anh, sáng láng, sáng suốt, lanh lợi.

23-Pháp binh :
-Pháp : tương tự như khoa “Chính trị học” ngày nay, trọng tâm là cách điều hành một quốc gia, quản lý kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội.
-Binh : tương tự như khoa “Quân sự học” ngày nay; trọng tâm là phép hành quân, đánh trận, tổ chức quân đội.

24-Bách gia chư tử : Các bậc thầy (người giỏi) trăm nhà thời Chu. Mỗi nhà là một trường phái triết học khác nhau, bao gồm Khổng tử,Mạnh tử (Nho), Lão tử (Lão), Mặc tử (Kiêm ái), Tôn tử (Binh), Quỷ Cốc tử (Số) v.v......

25-Lão thông : làu thông, hiểu rõ, thông suốt, thuộc lòng.

26-Thuyết Nan cố sự : những chuyện cũ, những sự kiện thời trước được ghi lại trong sách “Thuyết Nan”.
Thuyết Nan : ( Du thuyết khó , Khó mà nói để thuyết phục được người ta ) là một pho sách cổ , ghi lại những mẩu chuyện về những người giỏi khoa miệng lưỡi, giỏi biện luận, chuyên dùng lý lẽ để khuất phục các vua chúa thời đó.

27-Trang bản lãnh : Người có tài năng thực sự về các lãnh vực thực dụng trong cuộc sống.
Người tài hoa : Người giỏi về các môn nghệ thuật.

28-Ninh Thích : Một nông dân, gặp vua Tề Hoàn công (Tiểu Bạch) lúc đang ... chăn trâu; được vua Tề trọng dụng, mời ra giúp nước. Ninh Thích là một trong số năm vị quan đầu triều của nước Tề, lúc Tề làm bá chủ chư hầu.

29-Tề Hoàn : tức Tề Hoàn Công, vị bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu

30-Chu toàn : Hoàn thành chu tất mọi việc

31-Trung quân báo quốc : Trung với vua, báo đền ơn nước.

32-Trị an nước nhà : Góp tay vào việc bình trị, cai quản công việc trong nước, khiến cho nước nhà được yên ổn.

33-Quần bô : Quần may bằng vải bô, một loại vải gai, vải đay, dệt bằng sợi thô, cứng.

34-Tiến dẫn : Dẫn dắt, tiến cử người có tài lên cấp trên, để cho người ấy được trọng dụng.

35-Nên danh : Trở nên người có danh tiếng; Đạt được thành công trong đời.

36-Lược thao : (Lược : Mưu kế- Thao : Phép dùng binh), nghĩa cũng giống như “Thao lược”, nghĩa là tài năng, mưu trí (trong việc cầm quân, đánh trận)

37-Đại Lương : tức Biện Lương, Khai Phong, kinh đô nước Nguỵ, nay là thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc

38-Thành Bộc : Địa danh nổi tiếng thời Xuân Thu, nơi xảy ra cuộc giao binh giữa Tấn và Sở. Nguyên soái nước Tấn Tiên Trẩn phá tan quân Sở của Thành Đắc Thần, khiến tướng này phải đâm cổ tự sát

39-Truy : đuổi theo

40-Hào Đình : tức Hào Sơn, cũng gọi là Đông Sơn, nơi Nguyên soái nước Tấn Tiên Trẩn đại phá quân Tần, bắt sống cả 3 viên tướng chỉ huy, gồm đó có Mạnh Minh Thị là con trai của Tả thừa tướng Bá Lý Hề, Kiển Bính là con trai Hữu thừa tướng Kiển Thúc, và mãnh tướng Tây Khuất Thuật, cả 3 đều là tướng giỏi bậc nhất thời ấy.

41-Nam Quận : tức Dĩnh Đô, kinh đô nước Sở

42-Yên Kinh : kinh đô nước Yên

43-Cự Lộc : Một trọng điểm chiến lược về mặt quân sự ở nước Triệu, thuộc tỉnh Hà Bắc. Đồng thời cũng là quê hương bản quán của họ Triệu

44-Hàm Dương : kinh đô nước Tần, thuộc Tây An, Thiểm Tây ngày nay

45-Sa trường : Chiến trường

46-Tôn tử : tức Tôn Vũ, người Tề, làm tướng Ngô, có công diệt nước Sở. Tôn Vũ đã soạn ra một bộ binh pháp bất hủ có tên là “Tôn tử binh pháp” gồm 13 thiên, đến ngày nay vẫn còn giá trị.
Cháu nội của Tôn Vũ là Tôn Tẫn cũng được người đời gọi là Tôn tử.
Tôn Tẫn học Binh pháp của Quỷ Cốc tử kết hợp cùng binh pháp gia truyền, trở thành một binh gia nổi tiếng không kém gì Tôn Vũ. Ông làm quân sư cho tướng Tề Điền Kỵ, tiêu diệt được Phò mã nước Nguỵ Bàng Quyên
Gã Bàng Quyên này vốn là bạn học đồng môn của Tôn Tẫn, vì ghen tài đã phản bạn, chặt đứt gân chân họ Tôn, khiến Tôn Tẫn phải tàn tật suốt đời.

47-Ngô quân : tức Ngô Khởi người nước Vệ, làm tướng cho Lỗ, Nguỵ, Sở. Quân của ông nổi tiếng là “Phụ tử chi binh” (Tướng với quân coi nhau như cha con)
Tôn Vũ và Ngô Khởi được người đời sau xem như 2 vị tướng giỏi nhất mọi thời đại.

48-Tô Tần : học trò của Quỷ Cốc tử, nổi tiếng về tài năng “Du thuyết”
(Du thuyết nghĩa là đi các nơi, dùng miệng lưỡi chinh phục vua chúa, khiến họ phải nghe theo các sách lược của mình).
Tô Tần là người đề ra chiến lược “Hợp tung” (Hợp 6 nước theo chiều dọc, hình thành thế Đông Tây đối đầu, Đông gồm 6 nước - Tây là nước Tần). Ông du thuyết lục quốc kêu gọi họ liên hợp sức mạnh của 6 nước chống lại nước Tần. Tô Tần là người duy nhất thời Chiến quốc được phong làm “Tướng quốc 6 nước”.
Trong khi đó Trương Nghi (bạn đồng môn với Tô Tần) lại đề ra chiến lược “Liên hoành”(Liên kết các nước theo trục ngang, hình thành thế Bắc Nam phân tranh, Bắc gồm Tần, Yên, Triệu - Nam gồm Hàn, Nguỵ, Tề, Sở). Trương Nghi cũng làm đến chức tướng quốc nước Tần (đời Tần Huệ Văn vương).
Hai chiến lược “Hợp tung” và “Liên hoành” giằng co với nhau trong hơn nửa thế kỷ. Lúc thì chiến lược này giành ưu thế, lúc thì chiến lược kia chiếm tiên cơ.

49-Canh tân : (Canh : sửa sang lại - Tân : làm mới lại) = Đổi mới, cải cách, cải tổ

50-Ngư ông sông Vị : chỉ Khương Thượng (Khương Tử Nha), cũng gọi là Lã Vọng, người đã có thời hàn vi kéo dài đến 70 năm ! Làm ngư ông câu cá ở sông Vị (Vị thuỷ, Vị hà), đặc biệt lưỡi câu của ông thẳng băng, không có móc câu. Người đời thắc mắc, ông bảo : -“Câu tôm câu cá lưỡi câu phải cong; câu danh câu lợi chẳng cần đến móc !”
Sau được Văn vương trọng dụng, trao cho binh quyền, Khương Thượng đã giúp Võ vương diệt Trụ lập nên nhà Chu

51-Nương mình : (Nương : nương dựa , nương náu.) Ẩn mình chờ thời

52-Trau dồi : dùi mài (cho sắc bén, giỏi giang)

53-Xa phu : người đánh xe; người điều khiển ngựa kéo cỗ xe ngựa

54-Đại phu : Chức quan văn trung cấp trong các triều đình cổ xưa.

55-Giang hồ hào sĩ : (Sĩ : người có học - Hào : hào kiệt, người anh hùng) Những người tài giỏi cả văn lẫn võ ở khắp mọi nơi, (Giang hồ : khắp các sông hồ, khắp 4 phương trời)

56-Thủ túc : tay chân.
Tình như thủ túc : tình thắm thiết, gần gũi, không thể chia lìa như tay với chân trong cùng một cơ thể.

57-Hàn nho : kẻ sĩ nghèo, nho sinh nghèo, học trò nghèo.

58-Tận nghĩa tận trung : Hết sức hết lòng giữ trọn 2 chữ “Trung, nghĩa”

59-Vun bồi : vun thêm cho cao, đắp thêm cho dày

60-Cúc cung tận tuỵ : Dốc lòng cố gắng

61-Hiểm sâu : bề mặt thì tử tế, tốt lành; nhưng trong đáy lòng thì mưu mô ác độc, chỉ chực lén lút hại người.
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
HanSiNguyen

HanSiNguyen

Tổng số bài gửi : 2855
Registration date : 12/10/2009

THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13Sun 08 Aug 2010, 07:10

LƯỢC BÌNH đọan 1 (by NGUYỄN HỒNG BẢY - H7C)

1-Sự phân hoá của xã hội :

Từ xưa đến nay, ở bất cứ xã hội nào, quốc gia nào, thời đại nào cũng đều có một sự phân hoá giống nhau. Đó là sự phân hoá giàu nghèo. Trong số một trăm người, thường thì chỉ có một người xuất thân từ chăn ấm nệm êm, cửa cao nhà rộng - chín mươi chín người còn lại phải xuất thân từ túng cùng nghèo khổ.

Giữa những người nghèo khổ ấy, lại hình thành ra nhiều tầng nấc khác nhau :

-Sung sướng nhất vẫn là những người nghèo mà không khổ. Chỉ thiếu thốn đôi chút, chật vật vừa phải, hoặc lao động vất vả ở mức độ còn có thể chấp nhận được.

-Kế đến là những người nghèo khổ : vừa nghèo vừa khổ. Người thì gia đình xào xáo, chia lìa. Người thì triền miên bệnh tật, túng thiếu, đói ăn, khát uống. Người thì không có cả đến một mái nhà làm chỗ nương thân. Người thì bôn ba trôi dạt khắp bốn phương trời, lây lất vì miếng cơm manh áo trói buộc mãi không thôi. Người thì suốt đời làm thuê làm mướn, làm tôi làm mọi, hết đời này sang đời khác, chẳng khác nào con sâu cái kiến mà ai cũng có thể dẫm đạp lên được.

-Nhưng cái thành phần khốn khổ nhất vẫn là thành phần trẻ mồ côi, mất cha mất mẹ, bị thân nhân ruồng bỏ, khiến phải sống tha phương cầu thực. Việc cực nhọc nào cũng sẵn sàng làm. Thức ăn bỏ đi nào cũng có thể bỏ vào miệng. Xó hang tối tăm ẩm thấp nào cũng có thể chui rúc, miễn sao là còn giữ được sinh tồn !

Victor Hugo-đại văn hào Pháp- trong nhiều tác phẩm kinh điển của ông, đã từng viết và cảm thương cho cái tầng lớp bị vùi dập ở tận cùng dưới đáy bùn đen của xã hội này.

2-Hai hướng vận động ngược chiều :

Dễ dàng nhận thấy có một thực tế dường như “nghịch lý” (trái với lẽ thường), thường xuyên diễn ra, đó là 2 hướng vận động ngược chiều trong tiến trình “vươn lên” của các thành viên trong xã hội :

-Ở vào hoàn cảnh được hưởng mọi tiện nghi vật chất, mọi điều kiện thuận lợi để ăn học, để nên người, để thành đạt cao trong xã hội, một số lớn con cái nhà giàu có đã không biết nắm bắt, tận dụng những lợi thế vô cùng lớn ấy. Họ lơi là việc học tập, buông lỏng việc rèn luyện bản thân, sa đà vào ăn chơi, phí uổng cả tuổi xuân lẫn thời gian cũng như tiền bạc vào những công việc phù phiếm, vô vị, vào những trò giải trí vô bổ, rỗng tuếch; thậm chí trở thành “phá gia chi tử”, phá tan tành sự nghiệp do cha mẹ suốt cả đời chắt chiu, khó nhọc xây dựng.

-Ngược lại, một số không ít con em nhà bần dân lại nỗ lực vươn lên, thực hiện thành công những cuộc “đổi đời” ngoạn mục ! Có người phải lấy khố chuối che thân, có người phải bắt đom đóm thay đèn, có người chuyên “học nước rút” trong những đêm trăng sáng , có người phải học cách dùng que vạch chữ trên cát thay cho giấy bút, có người phải học lóm bên mái hiên trường, có người học hoàn toàn bằng sách vở, tư liệu đi mượn của kẻ khác. Cuối cùng thì nỗ lực của họ cũng được đền đáp xứng đáng. Thật đáng khen làm sao. Thật vẻ vang làm sao !
Sử sách xưa và nay đã ghi nhận rất nhiều những trường hợp ngược đời như vậy .

Có thể nói được rằng : Sự sung túc -không biết tận dụng- sẽ làm mất động cơ tiến lên, làm thoái hoá trì trệ con người. Còn nghèo khổ - vốn không phải là trái ngọt để người ta ưa thích hay ham muốn - nhưng xét trên một bình diện nào đó, chính “sự nghèo khổ” cũng có ý nghĩa tích cực của nó. Nó đã trở thành chất xúc tác, nguồn động lực kích thích người ta vươn lên, thoát ra khỏi ... chính nó vậy ! .

3-Trở lại cùng nhân vật Phạm Thư :

Qua chỉ một vài dòng khắc hoạ sơ lược của HSN, ta cũng thấy được một con người xuất thân cùng khổ :-“Mẹ cha mất sớm, họ hàng lìa xa, trôi dạt đây đó, việc gì cũng làm, chăm chỉ học tập v.v...”
Đứa trẻ mồ côi cha mẹ - từ khi 12 tuổi này - đã mất đến 18 năm lăn lộn vất vả để cuối cùng trở thành một “trang bản lãnh, người tài hoa, tài năng chuyển đất rung trời, hào sĩ giang hồ đều kính nhường, thân như thủ túc v.v...”
Mười tám năm lăn lóc dưới đáy xã hội ! Mười tám năm xuất thân từ hoàn cảnh khốn cùng, con người ấy đã phải trải qua biết bao gian nan, cực khổ ! Người viết không nói rõ, nhưng chúng ta đều có thể tưởng tượng ra được sự khốn khó cùng cực, ý chí vươn lên mạnh mẽ của con người ấy là vô cùng ! Vô cùng !

Ý chí vươn lên ấy có thể là gương sáng cho nhiều người, thuộc mọi thời đại khác nhau, cùng noi theo vậy.

Xin có thơ rằng :


Quản chi cơ cực lúc đầu đời
Nuốt trôi vị đắng giọt sầu rơi
Bền chí, công thành danh hiển đạt
Hơn nhau một chút ấy mà thôi.


Hồng Thất Công (2001)

rose
Về Đầu Trang Go down
https://www.youtube.com/hsn2k3
Sponsored content




THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ   THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ I_icon13

Về Đầu Trang Go down
 
THỪA TƯỚNG ỨNG HẦU PHẠM THƯ
Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 8 trangChuyển đến trang : 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
daovien.net :: VƯỜN VĂN :: Truyện thơ-