Tết xưa qua những câu vè
TRẦN PHỎNG DIỀU
Vè là một thể loại văn vần dân gian, nó phản ánh cuộc sống xã hội, lịch sử... cũng như những sinh hoạt thường ngày của con người. Cũng như vậy, vè Nam bộ là một dạng văn vần tồn tại ở các địa phương Nam bộ. Nó phản ánh những việc có thật ở một địa phương cụ thể hay cả một vùng nhất định. Bên cạnh các bài Vè bánh tét, Vè trái cây, Vè làm ruộng, Vè gái hư, Vè chống Pháp... thì Vè Tết cũng được nhiều người nhắc nhớ. Trong cuốn Vè Nam bộ (1), Huỳnh Ngọc Trảng đã sưu tầm được ba bài vè Tết. Còn trong cuốn Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long (2) thì nhóm tác giả đã sưu tầm được hai bài. Qua số lượng bài như thế, cho thấy: Tết đã là một đối tượng phản ánh từ lâu của dòng văn học dân gian Nam bộ. Bởi Tết có niềm vui nhưng Tết cũng có nỗi buồn. Vui vì gia đình sum họp, trẻ em được thêm áo mới, được tiền lì xì, nhưng buồn vì Tết đến thì nợ đòi, nhà hết gạo mà Tết đã cận kề. Vì vậy, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã xếp Vè Tết vào loại vè kể việc. Đặc điểm của vè Tết cũng như các vè kể việc khác là nó có tính liệt kê, giới thiệu sản vật của một vùng đất, nét sinh hoạt văn hóa dân gian ở địa phương.
Nhân đầu năm mới, chúng ta thử đọc lại bài "Vè Tết" (3) để xem người xưa chuẩn bị Tết và ăn Tết như thế nào.
Vè Tết
Hạ lợi bước qua,
Chánh ngày hăm ba,
Lễ đưa ông Táo.
Hai là lễ đáo,
Tảo mộ ông bà.
Cổ tích bày ra,
Truyền cho con cháu.
Từ ngày hăm sáu,
Dĩ chí ba mươi.
Cá thịt tốt tươi,
Ông bà tiếp rước.
Phải dùng cây trước (4),
Lấy nó làm nêu.
Thiên hạ cũng đều,
Lo chưng đồ đạc.
Sơ tam chánh ngoạt,
Canh giữ thường lai.
Quần rộng áo dài,
Ăn chơi ba bữa.
Bịt khăn sắm sửa,
Làm tuổi (5) mẹ cha.
Đèn đốt vậy mà,
Tứ cung tứ bái (6).
Trai thời giữ đạo,
Gái phải dằn lòng.
Xuân nhựt ngày đêm,
Đèn chong hương đốt.
Chơi bời mùng một,
Chí những mùng hai
Liên gia trong ngoài,
Ăn mừng năm mới.
Chữ an, chữ thới,
Dán trước hàng ba.
Phú quới vinh hoa,
Dán vô trước cửa.
Tài lợi lộc phước,
Dán trước hàng nhì.
Vạn trực duy tân,
Dán vô cửa giữa.
Dán thời phải lựa,
Cột cái định tường mà dán.
Trên trang ông Táo,
Đề chữ “Hiển Linh”.
Lấy câu “Thái Bình”,
Dán ngoài cửa ngõ.
Quần điều áo đỏ,
Quần rộng vãng lai.
Chánh ngoạt sơ khai,
Tháng Giêng duy thỉ.
Canh ba giờ tí,
Thức dậy làm gà,
Lễ vật bày ra:
Nhang, đèn, trà, nước.
Tiên sư giáng trước,
Ứng biện vô dò.
Rượu rót liên do,
Kim ngân tiếp đốt.
Giờ này thiệt tốt,
Thạnh lợi chủ gia.
Giờ đặng kế ba,
Làm ăn phú quới.
Tết là thiêng liêng, là một nét đẹp truyền thống của dân tộc. Ngày Tết, không chỉ có gia đình sum họp, mọi người quây quần bên nhau, cùng chung nhau chén rượu chung trà. Mà trên hết, Tết còn là việc hướng về tổ tiên ông bà, hướng về các vị thần, các đấng bề trên đã phù hộ độ trì cho mình được một năm mạnh khỏe, có cơm ăn áo mặc. Vì vậy, xưa cũng như nay, ngày Tết là ngày bận rộn nhất trong năm, người ta lo trang hoàng nhà cửa, quét dọn bàn ghế, chuẩn bị đồ ăn, thức cúng để chờ đón xuân sang. Do đó, ta thấy ở đoạn vè này, các tác giả dân gian đã chuẩn bị vô cùng chu đáo cho một ngày Tết. Từ việc đưa ông Táo, tảo mộ, dựng nêu, sắm sửa lễ vật... cho đến mừng tuổi, dán liễn trong nhà. Đây không chỉ là một cái Tết truyền thống của dân tộc, mà còn là một kinh nghiệm phổ biến cho con cháu đời sau- Tết đến, cần phải làm ngần ấy việc, không được bỏ sót vì đó là truyền thống. Qua đoạn vè này, chúng ta có thể hình dung được một cách tương đối toàn diện về một quang cảnh Tết xưa, trong đó có những thứ ngày nay không còn tồn tại nữa. Như tục dựng nêu chẳng hạn. Trong tâm thức dân gian thuở xưa thì ngày Tết, ma, quỷ xuất hiện rất nhiều để quấy phá con người, nên Tết đến người ta mới dựng nêu để trấn giữ tà ma, hầu mong được bình an vô sự.
Có chuẩn bị Tết, có ăn Tết, thì cũng phải có chơi Tết. Xem ra cách chơi Tết của người xưa cũng rất phong phú và đa dạng, như: đá gà, đốt pháo, đánh bài, bầu cua, làm trò trồng chuối... trong đó có những trò chơi ngày nay cũng không còn nữa, như trò chơi trồng chuối chẳng hạn. Đặc biệt, ngày xưa, dân gian cũng đã hết sức phê phán các trò chơi cờ gian, bạc lận. Họ xem đó là trò điếm đàng, là quân xỏ lá.
Năm mới thì phải ăn chơi.
Người nào thảnh thơi.
Thì chơi gà đá.
Em nhỏ chơi vòng bài pháo.
Mấy người hết áo,
Bị những bài cào.
Bắt kẻ mượn rào,
Là người say rượu.
Mấy người cố cựu,
Đặt chuyện cười chơi.
Trồng chuối ngược đời,
Trèo lên tụt xuống.
Kẻ ăn người uống,
Bánh trái thiếu chi.
Kẻ đánh cu di,
Người chơi bông vụ.
Gặp ai cũng rủ,
Là tụi ba que.
Ngồi lại một bè,
Là quân xỏ lá.
Con tôm, con cá,
Giống nó thiệt gian.
Bày ra giữa đàng,
Ai ai cũng chuộng,
Mấy tay cùng chuộng,
Cầm bạc lo loe.
Mới đặt con xe.
Xổ ra con pháo.
Thua rồi lơ láo,
Áo chẳng gài khuy.
Bước cẳng ra đi,
Cúi đầu lầm lũi.
Mấy người lớn tuổi,
Chơi chỗ thảnh thơi.
Mấy tay điếm đàng,
Chơi theo tửu quán.
Nhựt nguyệt khai tân,
Bầu kỳ hát ăn mừng năm mới.
Như vậy, từ lâu Tết đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong tâm thức dân gian. Vì lẽ đó, các sinh hoạt của lễ hội Tết không chỉ được phổ biến, truyền đạt kinh nghiệm từ đời này sang đời khác bằng phương thức truyền miệng giản đơn, mà để cho dễ nhớ, các tác giả dân gian đã đặt thành vè để cho có vần, có điệu, dễ đọc và dễ nhớ hơn. Qua bài Vè Tết này, chúng ta thấy được một bức tranh sinh hoạt về lễ Tết của Nam bộ ngày xưa. Trong đó, có cách chuẩn bị Tết, có cách ăn Tết và chơi Tết ngày xưa, cũng như có những điều thiêng liêng nhất là chuẩn bị nhang, đèn để khấn vái tổ tiên, và có cả những cái trần tục nhất, đó là cờ gian bạc lận của con người.
Ngày xuân, đọc lại bài Vè Tết xưa cũng là một hình thức “Ôn cố nhi tri tân”, ngẫm việc xưa và suy xét việc nay, âu cũng là một điều hữu ích.
T.P.D
(1) Huỳnh Ngọc Trảng: Vè Nam bộ. NXB Tp. Hồ Chí Minh- 1988.
(2) Khoa Ngữ văn Đại học Cần Thơ: Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long. NXB Giáo Dục -1999.
(3) Bài này được lấy trong cuốn Vè Nam bộ của Huỳnh Ngọc Trảng. Sđd. Tr.102-104.
(4) Trước: Trúc.
(5) Làm tuổi: Mừng tuổi.
(6) Tứ cung tứ bái: Bốn vái bốn lạy.
_________________________